Chuyên san KHXH&NV số 11/2019

Chủ nhật - 24/11/2019 20:23 0

TS. Hồ Bất Khuất

Những thông tin, những đồn đoán, những bình luận về thảm họa 39 người chết trong container ở Anh tạm lắng xuống vì mọi chuyện đã khá rõ ràng: Cả 39 đều là người Việt Nam, có hộ khẩu ở 6 tỉnh thành khác nhau. Thông tin lắng xuống nhưng nỗi đau cồn lên vì đây là nỗi đau đa chiều, sắc nhọn khiến người Việt Nam chúng ta buồn thương,…

Đã bao năm rồi, người Việt vẫn ra đi…

Phần lớn người Việt là những người ưa khám phá, thích chuyển dời, có tư tưởng hướng ngoại nên việc ra nước ngoài là điều nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, trong những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, việc ra nước ngoài của người Việt Nam có mục đích, ý nghĩa khác nhau. Trong hơn 60 năm cuộc đời, tôi có trên 15 năm sống ở nước ngoài nên cảm nhận và hiểu rất rõ điều này. Trước những năm tám mươi thế kỷ XX, người Việt Nam ra nước ngoài rất tự hào vì họ còn ít và có sứ mệnh khá cao cả. Còn sau đó, số người Việt Nam ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau tăng lên nhanh chóng, chủ yếu là vì kế sinh nhai. Lúc này, ở nước ngoài ít người Việt Nam vỗ ngực tự hào, kể cả những người đoạt Huy chương Vàng thi Toán quốc tế.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, người Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu vì mục đích kinh tế. Họ ra nước ngoài bằng nhiều cách thức khác nhau nhưng có thể chia thành 3 loại: 1. Hợp pháp - Được tổ chức của nhà nước đưa đi; sống, học tập, làm việc đúng với thỏa thuận ban đầu; 2. Bán hợp pháp - Được đưa ra nước ngoài hợp lệ nhưng sau đó không tuân thủ thỏa thuận nữa mà tìm cách sống, làm việc theo ý mình; 3. Bất hợp pháp - Ra nước ngoài một cách bí mật bằng đường dây của người thân quen hay đi theo "những gói dịch vụ" không rõ ràng và khá mạo hiểm.

39 người xấu số chết trong container được phát hiện ở Anh là những người ra nước ngoài thuộc nhóm thứ 3. Bản thân họ và gia đình không nghĩ rằng, họ ra đi mờ ám và bất hợp pháp bởi vì họ chi trả một số tiền khá lớn. Hơn nữa, họ rời khỏi gia đình, làng xóm trong sự chia tay bịn rịn và có mọi giấy tờ tùy thân, thường đi bằng máy bay, xuất cảnh đàng hoàng qua các cửa khẩu quốc gia. Hiện tượng này âm thầm diễn ra hàng chục năm nay ở nhiều làng quê Việt Nam, phổ biến nhất có lẽ ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ở nước ngoài, cộng đồng người Việt khá gắn kết. Họ cũng ít để ý tới chuyện họ ra đi hợp pháp hay bất hợp pháp. Việc họ quan tâm là dựa vào nhau để sống và kiếm tiền. Tiền kiếm được chủ yếu họ gửi về Việt Nam để giúp gia đình và tích lũy cho tương lai. Hoạt động này diễn ra trong nhiều năm và tạo dựng được một số hình ảnh hấp dẫn là những ngôi làng với nhà cao tầng san sát, những con người với sự am hiểu cuộc sống phương Tây hào hoa. Việc người Việt ra nước ngoài được cổ vũ nồng nhiệt, được thực hiện rộng khắp, được nhận thức… có phần lệch lạc.

Thảm họa 39 người chết trong container làm người Việt chúng ta đau đớn, bàng hoàng, thức tỉnh…

Ban đầu, thông tin 39 người chết là người Trung Quốc, người Việt Nam có thương cảm nhưng nhìn chung là thờ ơ. Đến khi Trung Quốc nói những người chết chưa xác định được quốc tịch thì người Việt Nam có dự cảm không tốt, phập phồng, lo âu. Sau đó xuất hiện những thông tin, những bằng chứng khiến nhiều người tin rằng, nạn nhân chủ yếu là người Việt, cụ thể là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Lúc này, tuy thông tin chưa rõ ràng, cụ thể nhưng nỗi đau đã cào cấu tâm can nhiều người, đặc biệt là những gia đình có người thân bị mất liên lạc.

Khi có những thông tin là nạn nhân chủ yếu là người xứ Nghệ, tôi buồn đau thẫn thờ. Bằng sự hiểu biết tính cách người Nghệ của mình, tôi thấy chuyện này không quá lạ; không lạ nhưng đau lắm! Người Nghệ cũng có những phẩm chất, tính cách như người những vùng miền khác nhưng ở người Nghệ cái gì cũng nổi trội hơn một chút. Chính cái "một chút" này đã khiến nhiều người Nghệ gặt hái được vinh quang, đồng thời cũng khiến không ít người Nghệ chịu nhiều cay đắng, thậm chí phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Người Nghệ nói riêng, cộng đồng người Việt nói chung tỏ ra nhân văn, văn hóa, có bản lĩnh trong thảm họa 39 người chết. Trước hết, người ta xót thương các nạn nhân; sau đấy, nhớ đến những kỷ niệm đẹp về họ. Tôi thật sự xúc động khi thấy anh Trương Hồng Quang (người Đô Lương, Nghệ An; sống lâu năm ở Đức) tìm được bức tranh hoa hướng dương do Phạm Thị Trà My vẽ để ủng hộ một dự án giúp đỡ bệnh nhi ung thư mang tên "Ước mơ của Thuý". Tôi xem bức tranh và không cầm được nước mắt. Lẽ nào tác giả bức tranh đã bị chết ngạt, chết lạnh trong container ở trời Âu? Tôi đưa bức tranh lên trang cá nhân của mình, sau đấy một số đồng nghiệp xin phép được sử dụng trong các bài báo của họ.

Việc 39 người chết trong container là một thảm họa lớn bởi số người chết quá nhiều và quá thương tâm. Người ta thấy những vết máu, những vết cào cấu trên thùng xe, chứng tỏ trước khi chết những người trên xe vô cùng hoảng loạn và tuyệt vọng. Có lẽ họ chết do bị ngạt thở chứ không phải chết vì lạnh. Thảm kịch này là nỗi đau đa chiều với nhiều người Việt Nam. Trước hết, nỗi đau nhiều đồng bào ta bị chết thảm ở trời Âu. Sau đó là nỗi đau về việc Việt Nam là quốc gia có nhiều người di cư bất hợp pháp, vi phạm pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đặt cược cả tính mạng vào những chuyến đi mạo hiểm. Các gia đình của các nạn nhân thì nỗi đau còn cụ thể và thảm thương hơn vì họ vừa mất người thân, mất tiền, mất niềm hi vọng thoát nghèo… Thảm họa này còn khiến chúng ta đau đớn vì nó gợi lại giai đoạn đen tối hàng chục năm về trước khi nhiều người Việt Nam cũng bỏ mạng khi ra nước ngoài bằng những con thuyền thô sơ, bé nhỏ.

Trong thảm kịch 39 người chết, chỉ có một điều chúng ta được an ủi là người Việt cũng như người nước ngoài không xem những nạn nhân là người vi phạm pháp luật; họ được xem là nạn nhân của các tổ chức buôn bán người có đường dây chằng chịt trên thế giới. Hơn thế nữa, không biết bằng cách nào báo chí thế giới có và công bố những bức ảnh chân dung của các nạn nhân xinh đẹp, dễ thương với các đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó; phần lớn nạn nhân là những người yêu thương gia đình. Có thể nói báo chí, truyền thông phản ánh về thảm kịch này đã đạt được tiêu chuẩn thẩm mỹ và đạo đức nghề nghiệp của mình.

Thảm kịch còn chứa đựng nhiều điều mập mờ, khó hiểu, gây hoang mang

Cho đến nay, danh tính của 39 nạn nhân đã được xác định. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thảm kịch đã được giải mã và trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Ngược lại, thảm kịch này còn chứa đựng nhiều điều mập mờ, khó hiểu, gây hoang mang… Đó là ngày 23/10/2019, phát hiện 39 thi thể trong container tại hạt Essex - một khu công nghiệp của nước Anh, nằm về phía Đông Bắc London. Ngày 24/10, cảnh sát Anh thông báo 39 người bị chết là công dân Trung Quốc. Ngày 25/10, sứ quán Trung Quốc tại nước Anh xác nhận điều này. "Hoàn Cầu thời báo" (Trung Quốc) đã đăng bài xã luận cho rằng Anh và các nước châu Âu khác phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 39 người nói trên với lập luận "Một thảm họa nghiêm trọng xảy ra dưới sự giám sát của người Anh và châu Âu. Rõ ràng Anh và các nước châu Âu liên quan không thực hiện trách nhiệm bảo vệ những người này khỏi cái chết". Bài viết còn cho rằng cái chết của các nạn nhân không phải lỗi của họ, dù họ đang tìm cách vào Anh một cách trái phép. Sau đó, Trung Quốc đính chính lại là quốc tịch của các nạn nhân chưa được xác định rõ ràng. Tiếp sau đó là những thông tin chứng tỏ tất cả nạn nhân của thảm kịch này có thể là người Việt Nam.

Chúng ta chấp nhận mất mát, đau thương nhưng không thể không nêu những câu hỏi: Căn cứ vào đâu mà những thông tin ban đầu nói rằng họ là công dân Trung Quốc? Người Trung Quốc có liên quan gì tới thảm kịch mang tầm quốc tế này? Tại sao các nạn nhân ở những vùng quê khác nhau lại bị nhốt trong cùng một container? Họ bị đẩy lên đấy tại địa điểm nào? Vào thời điểm nào? Họ bị chết ngạt hay chết lạnh? Ai là người chịu trách nhiệm chính về cái chết của họ?...

Có vẻ như ít ai quan tâm đến việc trả lời những câu hỏi này. Báo chí quốc tế dẫn lại thảm kịch năm 2000 có 58 người Trung Quốc chết trong container ở Anh có ý nói là thảm kịch đã từng diễn ra và có thể lặp lại. Có người đoán là những nạn nhân mang theo giấy tờ tùy thân (hộ chiếu) của Trung Quốc nên cảnh sát Anh kết luận họ là người Trung Quốc.

Trong thảm kịch năm 2000, có 2 người Trung Quốc sống sót và họ kể lại những ký ức kinh hoàng. Theo đó, tất cả 60 người trên xe đều đi từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, qua nhiều nước châu Âu và vào Anh. Họ chết vì lái xe vô tình đóng ống dưỡng khí lại. Còn vụ án 39 người Việt chết năm 2019 đang trong quá trình điều tra nhưng chúng ta có thể thấy có sự liên quan của các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc, đặc biệt là băng nhóm buôn người "Đầu Rắn". Phải nói rõ điều này để chúng ta cảnh giác với việc có quá nhiều người Trung Quốc bất hảo đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Hiện tại, những người bị bắt liên quan đến thảm kịch này đều là người châu Âu, chưa có người châu Á nào; song, tôi khẳng định chắc chắn trong đường dây tội phạm này phải có người châu Á. Thông tin về một gia đình ở thành phố Vinh được người môi giới trả lại hơn 1 tỷ đồng sau thảm họa xẩy ra và có thể con gái của gia đình nằm trong số 39 nạn nhân chứng tỏ điều này.

Vai trò, trách nhiệm của chúng ta: Không để thảm kịch lặp lại!

Có một câu ngạn ngữ của Nga: "Về người chết, chỉ nói tốt hoặc không nói gì cả". Tôi không biết ai trong số 39 nạn nhân nhưng tôi nghĩ, về đạo đức - nhân cách, họ đều là những người tốt, những người yêu thương và có trách nhiệm với gia đình. Họ đi kiếm tiền không chỉ vì họ, mà vì người thân. Họ biết đi bằng con đường bất hợp pháp nhưng họ vẫn dấn thân. Ở đây có biểu hiện của sự dũng cảm, hi sinh vì người khác. Họ đã chết thương tâm khi còn quá trẻ, hãy tạo điều kiện tốt nhất để họ yên nghỉ.

Về vai trò, trách nhiệm: Tuy có sự phức tạp và không đồng nhất về quy định của pháp luật giữa Việt Nam và thế giới nhưng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao của Việt Nam vào cuộc khá khẩn trương, phối hợp khá chặt chẽ với chính quyền Anh để xác định danh tính nạn nhân. Việc còn lại bây giờ là chúng ta phải lo chu đáo cho những nạn nhân: họ phải được nhận dạng, được đưa về quê hương bản quán, được yên nghỉ để siêu thoát; họ chỉ là nạn nhân, họ không có tội lỗi gì. Gia đình họ phải được hỗ trợ, vỗ về, an ủi; không nên để gia đình các nạn nhân lâm vào hoàn can bi đát cả về phương diện tài chính, kinh tế lẫn tinh thần.

Những việc cần làm tiếp theo: Rà soát lại những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây; đánh giá khách quan là việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt được những thành tựu gì, còn những khiếm khuyết gì? Phải trả lời được câu hỏi: Tại sao vẫn còn nhiều lao động bỏ trốn, lao động ra nước ngoài bất hợp pháp? Phải chăng khi đàm phán với các ông chủ nước ngoài việc trả lương, chúng ta đã hạ thấp lương của người lao động? Có phải chính điều này khiến nhiều lao động ra đi hợp pháp những sau đấy bỏ trốn? Trách nhiệm của địa phương ở đâu? Của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở đâu?

Trong tình hình hiện nay, chắc chắn trong những năm trước mắt chúng ta vẫn tiếp tục đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Vậy phải làm thế nào để hoạt động này đạt hiệu quả cả về kinh tế, cả về xã hội? Hiện nay, người lao động di cư để tìm chỗ làm tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn vẫn là một xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, ở quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia thì phải xem đây chỉ là giải pháp tình thế. Phải thấy là không thể phát triển thịnh vượng và bền vững nếu luôn luôn đưa lao động của mình đi làm thuê ở nơi khác.

Chiều 8/11/2019, phát biểu trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng; ông xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân và kêu gọi: "Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!". Để thực hiện được điều này, có nhiều việc phải làm. Trước hết, đó là hoạt động phòng tránh, nghĩa là tuyên truyền để người dân hiểu ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp là nguy hiểm. Tiếp theo, tạo điều kiện để người dân có thể sống và làm giàu ngay tại quê hương, bản quán của mình. Muốn vậy, lãnh đạo phả

 

Th.S Ngô Hoàng Nam

Dân quân tự vệ (DQTV) biển là lực lượng thuộc DQTV nòng cốt được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ tại các vùng biển Việt Nam. Trong thời kỳ chống Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1972), lực lượng DQTV biển là lực lượng nòng cốt chiến đấu trên mặt trận sông, biển.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại (CTPH) của đế quốc Mỹ (1965-1972), phát huy truyền thống là "cái nôi"(1) của lực lượng DQTV Việt Nam, lực lượng DQTV biển tỉnh Nghệ An đã thể hiện vai trò quan trọng trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để góp phần làm rõ vai trò, vị trí của DQTV biển trong thời kỳ chống CTPH và phát huy vai trò của lực lượng này trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài viết tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm sau: Độc lập chiến đấu, phối hợp chiến đấu bắn máy bay và tàu chiến Mỹ; Tham gia bảo đảm giao thông vận tải; Xây dựng hậu phương và tích cực sản xuất góp phần chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

1. Chiến đấu, phối hợp cùng các lực lượng vũ trang khác bắn máy bay và tàu chiến Mỹ

Đến năm 1965, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại; để vực dậy tinh thần cho chính quyền, quân đội Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự và đưa quân viễn chinh tham chiến tại miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành CTPH miền Bắc. Âm mưu và mục tiêu chính của đế quốc Mỹ khi tiến hành CTPH miền Bắc là phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc  phòng, gây thiệt hại lớn về sức người, sức của, uy hiếp tinh thần của dân tộc Việt Nam và cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Để chống lại cuộc CTPH của đế quốc Mỹ, Đảng đã chỉ đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân và chuyển hướng nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến, "vừa sản xuất, vừa chiến đấu".

Tháng 3-1965, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa III) đã ra Nghị quyết về Tình hình và nhiệm vụ cấp bách, đối với miền Bắc, Nghị quyết chỉ rõ: "Tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc đánh thắng cuộc CTPH và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch,…"(2). Với tinh thần chủ động, quân dân Nghệ An nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến.

Trong bối cảnh mới, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, lực lượng DQTV biển được tăng cường về các vị trí trọng điểm ven sông, ven biển; đồng thời bố trí thêm những trận địa pháo ở ven biển. Năm 1965, toàn tỉnh có 1.100 lượt trận địa súng máy phòng không 12,7mm, 14,5mm và hàng chục ụ pháo từ 37mm đến 100mm dọc bờ biển. Huyện Quỳnh Lưu trang bị hỏa lực B40, B41 cho các thuyền đánh cá trên biển. Năm 1966, Tỉnh đội, Phòng Hải quân và dân quân Quân khu 4 đã chỉ đạo xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) và 23 xã ven biển đẩy mạnh chủ trương quân sự hóa trong tổ chức đánh cá và vận tải trên biển.

Từ năm 1965 đến năm 1968, đế quốc Mỹ đã đánh phá hầu hết các thị trấn, thị xã, thành phố, nhà máy, hợp tác xã, hệ thống giao thông toàn tỉnh(3). Trên biển, ngày 30-7-1965, tàu hải quân Mỹ bắn vào các đảo Hòn Ngư và các xã Nghi Hải, Nghi Thu, Nghi Xuân (Nghi Lộc), xâm nhập vào vùng biển Cửa Vạn, bờ biển Diễn Châu, các xã Nghi Tiến, Quỳnh Lập, tấn công các tàu cá của nhân dân. Với tinh thần kiên quyết đánh trả không quân và hải quân Mỹ trên mặt trận sông, biển, DQTV biển đã độc lập chiến đấu và hiệp đồng với lực lượng vũ trang khác tạo thành lưới lửa nhiều tầng lập lên nhiều chiến công. Đêm 14-5-1965, dân quân xã Vĩnh Quang phối hợp với công an vũ trang đồn Cửa Tùng, bắn chìm một tàu biệt kích Mỹ khi chúng đang tập kích thuyền đánh cá của dân. Ngày 7-8-1965, lực lượng dân quân Quỳnh Lưu (Nghệ An), phối hợp với hải quân bắn chìm hai tàu, những chiếc còn lại vội vàng tháo chạy(4).

Vùng biển Nghệ An là những khu vực tập trung nhiều thuyền đánh cá của ngư dân, mật độ thuyền đánh cá lúc thấp nhất 110 chiếc, lúc cao có đến 400 - 500 chiếc, phạm vi đánh cá cách bờ 2 đến 15 hải lý, đây cũng là nơi tàu biệt kích bắt thuyền dân. Thực tế đòi hỏi ngư dân vừa sản xuất vừa chiến đấu. Với tinh thần "Nhanh tay lưới, chắc tay súng", trong năm 1968, DQTV biển đã 2 lần đánh trả tàu biệt kích ở vùng biển Diễn Châu, đẩy lùi các đợt tấn công của tàu chiến Mỹ. Trận ngày 8-8-1968, đội thuyền chiến đấu của xã Quỳnh Long(5) (Nghệ An), chỉ có 4 thuyền đi biển vào ban đêm, đang đánh bắt cá thì gặp 3 tàu biệt kích, các thuyền đánh cá lựa chọn thời cơ đồng loạt nổ súng vào cả 3 tàu biệt kích, các tàu địch bị đánh bất ngờ không phối hợp được với nhau nên không tập trung được sức mạnh(6).

Trong CTPH lần thứ hai, tiếp nối thành tích và rút kinh nghiệm từ những năm chống CTPH thứ nhất, DQTV biển Nghệ An tiếp tục giành thêm những chiến thắng mới. DQTV biển đã phối hợp chặt chẽ cùng hải quân, các lực lượng vũ trang khác ở ven bờ, trên biển, hải đảo chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ. Từ ngày 12 đến 17-4-1972, hải quân Mỹ đánh phá liên tiếp vào Đảo Ngư, Đảo Mắt và tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu dọc bờ biển của hai huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu. Tại đây, DQTV biển phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực, pháo bờ biển bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ, bảo vệ bờ biển, tàu thuyền(7). Ngày 27-5-1972, các nữ dân quân xã Nghi Hải (Nghi Lộc) bắn cháy một chiếc F4, đồng thời tiêu diệt phi công nhảy dù xuống biển. Trong 20 trận đánh trả tàu chiến Mỹ, từ ngày 29-4 đến 25-5-1972, quân dân các huyện ven biển bắn cháy 2 tàu chiến Mỹ. Trong tháng 10-1972, DQTV biển Nghệ An tiếp tục giành thêm những chiến thắng mới, ngày 25-10-1972, quân dân vùng biển Quỳnh Lưu bắn cháy một máy bay F8, bắt sống giặc lái(8). Pháo binh dân quân cũng đã có những trận phối hợp chiến đấu với các đơn vị khác rất tốt. Trong những ngày tháng 5, tháng 6, tháng 7-1972, đại đội pháo binh dân quân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã phối hợp chiến đấu với Đại đội 49 pháo binh bộ đội địa phương, trong 8 trận chiến đấu đã bắn cháy 2 tàu khu trục Mỹ(9).

Cùng với hoạt động chiến đấu, DQTV biển còn tổ chức vây bắt giặc lái Mỹ nhảy dù xuống biển và các toán biệt kích đường biển. DQTV biển được tổ chức rộng khắp ở ven bờ, trên biển, trên sông, nên thường là lực lượng phát hiện giặc lái và hành động trước tiên. DQTV biển thường dùng thuyền buồm vây bắt, vì đây là một phương tiện địch ít chú ý hơn các phương tiện khác trên biển. Trong thời kỳ chống CTPH, hầu hết các trường hợp vây bắt giặc lái trên biển đều có DQTV biển tham gia. Điển hình dân quân Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã dùng thuyền nan bắt giặc lái Mỹ trên biển ngày 3-2-1966. Đối với hoạt động vây bắt các toán biệt kích đường biểnDQTV biển phối hợp với các đồn biên phòng duy trì chặt chẽ chế độ tuần tra bờ biển đề phòng biệt kích bất ngờ tập kích vào đất liền, bảo vệ trật tự trị an. Trong thời kỳ chống CTPH, DQTV biển Nghệ An đã phát hiện và vây bắt thành công 1 vụ(10). Bên cạnh các hoạt động trên, DQTV biển Nghệ An còn tích cực giúp đỡ bộ đội chủ lực, bộ đội phòng không quan sát phát hiện tình hình mặt biển, làm hầm hào, công sự, tổ chức ngụy trang che phòng, cất giấu phương tiện vũ khí. Cùng với những đóng góp trên, DQTV biển còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho tiền tuyến.

2. Bảo đảm giao thông vận tải

Để thực hiện âm mưu "ngăn chặn sự chi viện", đế quốc Mỹ đã thực hiện hơn 50% số lượng bom đạn trong các lần đánh phá xuống hệ thống giao thông miền Bắc. Đối với Nghệ An, khối lượng bom đạn Mỹ trút xuống trong năm 1967-1968 đã gấp 2 lần những năm trước cộng lại. Trong điều kiện đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy bị phá hủy nặng nề, nhiều điểm gây ách tắc nghiêm trọng. Đặc biệt từ tháng 5-1972 trở đi, Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt vào các mục tiêu giao thông, thả thủy lôi ở Cửa Hội, Cửa Lò, Lạch Quèn, tuyến vận tải trên sông Lam, sông Hoàng Mai, các bến vượt đất liền và cầu phà quan trọng như cầu Bùng, phà Sen, phà Bến Thủy, các trọng điểm giao thông quan trọng như Bãi Ngang - Cửa Lò, khu chuyển tải Hòn Ngư, đoạn sông Lam, Cửa Hội - Bến Thủy, Bến Thủy - Ngã ba sông Lam, sông La, Lạch Tháp, Lạch Thơi,… phong tỏa vùng biển Nghệ An.

Trong CTPH lần thứ nhất, Mỹ sử dụng thủy lôi MK-50 (là thủy lôi âm thanh), MK-52 (thủy lôi từ tính) và bom TN (từ tính), các loại đó đều là loại chưa cải tiến (Mod-0). Sang CTPH lần thứ hai chúng đã cải tiến 3 lần, từ Mod-0 lên đến Mod-3, Mod-4. Chống phong tỏa thủy lôi là nhiệm vụ mới, bao gồm nhiều bước như tổ chức quan sát, rà phá tháo gỡ, nghiên cứu kỹ thuật, mở đường vòng tránh, đánh máy bay thấp thả thủy lôi. Trên toàn tuyến ven biển, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc đã lập được 79 trạm gác dọc bờ biển(11), trung bình mỗi xã ven biển có từ 2 đến 3 trạm, mỗi trạm được bố trí từ 8 đến 12 chiến sĩ có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ, phát triển xâm nhập, mạng lưới quan sát này đã phát huy tác dụng phát hiện hầu hết các bãi thủy lôi, nhờ đó đã giúp cho việc rà phá, tháo gỡ, mò tìm được nhanh chóng và đạt kết quả.

Để đảm bảo giao thông vận tải đường thủy trên tuyến lửa này, công tác chống phong tỏa, thông luồng, mở bến rất quan trọng. Được sự hỗ trợ, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm rà phá thủy lôi của hải quân, công binh và các cơ quan chuyên môn nên hoạt động rà phá bom mìn, chống thủy lôi của DQTV biển nhanh chóng được triển khai. Trên các dòng sông, cầu cống, bến phà, cửa biển… lực lượng DQTV biển với các khí tài thô sơ như thuyền, tàu sắt, nam châm, mảnh tôn,… đã rà phá bom mìn, thủy lôi thành công, nhanh chóng. DQTV vùng ven biển, dọc hai bên bờ sông Lam của huyện Nghi Lộc, tự vệ cảng Cửa Hội đã phối hợp với công binh hàng hải K3 tiến hành rà phá thủy lôi, đảm bảo thông luồng, thông bến(12).

Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải, bên cạnh nhiệm vụ chống phong tỏa, lực lượng DQTV biển còn tích cực tham gia vận chuyển chi viện chiến trường và chi viện đảo. Với các khẩu hiệu "Địch phong tỏa, ta mở đường, địch ngăn chặn, ta vòng tránh", "Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm", "Xe chưa qua, nhà không tiếc",… lực lượng đảm bảo giao thông vận tải Nghệ An, trong đó có DQTV biển đã "nêu cao tinh thần hy sinh, dũng cảm, bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt chiến đấu ngày đêm với địch, với thiên nhiên. Mỗi đoạn đường, bến phà, mỗi chiếc cầu, bom đạn địch đánh phá, cày xới lên, sắt thép lẫn lộn với đất đá, nhưng xe vẫn chạy, phà vẫn sang sông, ý chí sắt đá của cán bộ và chiến sĩ ta quyết tâm bảo đảm giao thông, đưa hàng ra tiền tuyến, không thể nào lay chuyển được"(13).

Trong chống CTPH lần thứ nhất, lực lượng DQTV biển trong các hợp tác xã đường sông (1.204 thuyền), hợp tác xã đường biển (74 thuyền) đã tích cực tham gia bảo đảm giao thông vận tải trên sông, biển. Các chiến sĩ tự vệ biển phối hợp với công nhân lái ca nô kéo một phà sắt nặng 25 tấn từ Bến Thủy ra Hoàng Mai, vượt qua tuyến đường biển dài 90km trong điều kiện rất nguy hiểm để phục vụ vượt sông(14). DQTV biển Nghệ An đã phát huy cao độ tinh thần dũng cảm, không quản ngại hy sinh, gian khổ tham gia công tác vận tải, trong đó dân quân xã Nghi Hương (Nghi Lộc, Nghệ An) luôn thường trực có mặt bên bờ biển để đón nhận từng bao hàng, giữa lúc nhiều máy bay, tàu chiến Mỹ điên cuồng bắn phá là tấm gương điển hình(15).

Trong CTPH lần thứ hai, số lượng bom đạn Mỹ thả xuống Nghệ An khoảng 39.915 tấn, trong hoàn cảnh đó nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải càng trở nên nặng nề. Phát huy tinh thần và thành quả trong những năm chống CTPH lần thứ nhất, quân dân Nghệ An ngày đêm bám trụ, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, sửa chữa mặt đường, mở thêm đường vòng, đường tránh, làm cầu, phà chuyển tải hàng hóa, góp phần đảm bảo sự chi viện liên tục cho miền Nam. Với sự quyết tâm của chiến sĩ tự vệ trong các hợp tác xã thuyền sông, thuyền biển, dân quân các xã ven biển thời gian và khối lượng hàng hóa luân chuyển luôn bảo đảm. Về thời gian, nếu năm 1964, một chuyến hàng phải mất 30 phút mới qua sông thì đến năm 1972 chỉ mất 5 phút. Khối lượng vận tải tăng mạnh, với hơn 600 chiếc thuyền của 13 hợp tác xã thuyền sông, 7 hợp tác xã thuyền biển đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ vận tải hai chiều từ đảo vào đất liền và từ đất liền ra đảo. Từ tháng 4 đến tháng 11-1972, vận tải biển Nghệ An đã vận chuyển được 21.927 tấn hàng từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) vào bờ an toàn(16). Tiêu biểu cho sự đóng góp đó là DQTV thuộc đội thuyền của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, hợp tác xã Phúc Thọ (Nghi Lộc), bến đò ngang Vạn Rú (Nam Đông, Nam Đàn), các xã Nghi Hùng, Nghi Tân và Nghi Thu (Nghi Lộc).

Trong thời kỳ chống CTPH, khu vực phà Bến Thủy là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất của tỉnh Nghệ An. Nơi đây cũng ghi dấu nhiều tấm gương DQTV biển đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống phong tỏa, đảm bảo giao thông. Ghi nhận những thành tích đạt được trong hai cuộc chiến đấu chống CTPH bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên vùng đất Bến Thủy, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho tập thể cán bộ, công nhân viên phà Bến Thủy (hai lần); cho lực lượng tự vệ cảng Bến Thủy(17) và phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang cho chiến sĩ Nguyễn Đăng Chế - Trưởng phà, kiêm tự vệ trưởng phà Bến Thủy, người đã xung phong lái chuyến phà cảm tử, phá bom từ trường dày đặc trên dòng sông Lam ngày 23-11-1972.

Như vậy, mặc dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng với sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy vai trò của lực lượng ba thứ quân, nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải được thông suốt, góp phần làm thất bại âm mưu "ngăn chặn sự chi viện" của đế quốc Mỹ.

3. Xây dựng hậu phương và tích cực sản xuất góp phần chi viện cho tiền tuyến miền Nam

Thấm nhuần chủ trương "vừa chiến đấu, vừa sản xuất" của Đảng, DQTV biển với tinh thần hăng say lao động, đã phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để bảo đảm đạt năng suất cao. Thực tế đã chứng minh, nơi nào, cơ sở nào DQTV mạnh thì công tác sản xuất bảo đảm, chỉ tiêu kế hoạch được hoàn thành, trật tự trị an tại địa bàn được giữ vững. Trong chống CTPH bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc, một số ngành nghề trên biển vẫn được duy trì và phát triển. Các ngành như vận tải, khai thác hải sản được củng cố và phát triển mạnh, được quân sự hóa và vũ trang hóa triệt để. Một trăm phần trăm cán bộ, nhân viên, công nhân trên tàu thuyền, ngư dân đều là DQTV biển. Việc hình thành các hải đội, hải đoàn trên các cơ sở vận tải, đánh cá là phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ.

Trong chiến tranh ác liệt, DQTV biển Nghệ An không chỉ lập công trong chiến đấu, mà ngay trong sản xuất đã đóng vai trò nòng cốt, bảo đảm năng suất lao động. Mỗi chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, mỗi sản phẩm công nghiệp, ngư nghiệp ra đời, trong đó có mồ hôi và xương máu của người cán bộ, chiến sĩ DQTV biển. Việc xây dựng các ụ đà cho tàu thuyền ra vào cảng ở Bến Thủy, Cửa Hội,… là một trong những thành tích thể hiện cho tinh thần đó.

Trên lĩnh vực khai thác kinh tế biển, mặc dù bị không quân, hải quân Mỹ đánh phá ác liệt, song các chiến sĩ DQTV biển trong các hợp tác xã đánh cá, ngư dân ven biển vẫn kiên cường vươn khơi. Trong quý 2-1966, lực lượng đánh cá ở 23 xã ven biển của 3 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc đã thực hiện quân sự hóa, kết hợp giữa sản xuất và chiến đấu vừa bắn rơi máy bay Mỹ, vừa khai thác được hàng nghìn tấn cá(18).

Trong thời gian chống CTPH lần thứ hai, năm 1972, bất chấp sự đánh phá ác liệt của tàu chiến Mỹ, các đội đánh cá vùng ven biển vẫn ra khơi, khai thác cá phục vụ đời sống nhân dân và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tiêu biểu là các đội cá của xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), Nghi Hưng (Nghi Lộc), dân quân xã Quỳnh Long với khoảng 15 người, trong tháng 10-1972 đã đánh bắt được 350 tấn cá, bằng 1/6 sản lượng toàn tỉnh. Xã Nghi Hưng trong 6 tháng đầu năm 1972 khai thác 64 tấn, vượt chỉ tiêu 4 tấn(19).

Như vậy, có thể khẳng định DQTV biển Nghệ An đã góp phần quan trọng đánh bại cuộc CTPH miền Bắc, đặc biệt là trên mặt trận sông biển, một trong hai hướng đánh phá chủ yếu của đế quốc Mỹ. DQTV biển Nghệ An đã phát huy vai trò chiến lược của mình trên chiến trường sông biển, lập được nhiều thành tích trong việc chiến đấu bắn máy bay, đánh tàu chiến, bắt biệt kích, bắt giặc lái, tham gia vận chuyển tiếp tế, phục vụ chiến đấu và làm nòng cốt cho nhân dân duy trì sản xuất trên biển trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Qua thực tiễn xây dựng và hoạt động của DQTV biển trong thời kỳ chống CTPH miền Bắc của đế quốc Mỹ, có thể rút ra một số kinh nghiệm.

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ địa phương, Đảng bộ các ngành Trung ương, trong việc tổ chức xây dựng và chỉ đạo hoạt động lực lượng DQTV biển, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận sông biển. Thứ hai, quán triệt vị trí vai trò chiến lược của lực lượng DQTV vào việc phát huy vai trò của DQTV biển. Xây dựng thế trận liên hoàn giữa sông, biển, kết hợp chặt chẽ giữa các ngành kinh tế biển, tạo điều kiện để gắn tổ chức DQTV biển với tổ chức kinh tế, gắn sản xuất, khai thác với bảo vệ vùng sông biển. Thứ ba, đảm bảo về trang thiết bị, phương tiện, vũ khí thích hợp, hiện đại để lực lượng DQTV biển hoạt động và chiến đấu trên sông biển đạt hiệu quả. Thứ tư, chú trọng việc đào tạo cán bộ có phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật đặc thù trên mặt trận sông biển; đồng thời chú trọng giải quyết chính sách, chế độ và chăm lo đời sống vật chất cho DQTV biển.

Những kinh nghiệm trong xây dựng, hoạt động tác chiến của DQTV biển Nghệ An trong thời kỳ chống CTPH rất có ý nghĩa và cần thiết cho công tác nghiên cứu phát huy vai trò DQTV biển trong điều kiện hiện nay - thời điểm biển Đông đang tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về chính trị - quân sự - kinh tế, đặc biệt là việc tranh chấp chủ quyền trên biển.

Chú thích

(1). Trong cao trào cách mạng (1930-1931) với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, các đội Từ vệ Đỏ đã ra đời, đây là mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 26, tr.109.

(3). Trọng điểm là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Kỳ Sơn, thành phố Vinh.

(4). Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử Dân quân tự vệ Quân khu 4 (1945-2010), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr 193.

(5). Được thành lập từ năm 1967 gồm có 7 thuyền. Mỗi thuyền có 6 đồng chí đều là đảng viên, do 1 đảng ủy viên xã hoặc 1 xã đội phó hay 1 chi ủy viên phụ trách. Trang bị mỗi thuyền có 1 trung liên, 2 tiểu liên, 6 thủ pháo nhỏ, 2 thủ pháo lớn loại 2kg, có 2 thuyền được trang bị thêm 1 cối K60mm và 1 B27.

(6). Bộ Tổng tham mưu, Phát huy vai trò dân quân tự vệ biển góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân, hải quân của Mỹ trên mặt trận sông biển ở miền Bắc (1964-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 56.

(7). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.465

(8). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.474

(9). Bộ Tổng tham mưu, Phát huy vai trò dân quân tự vệ biển góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân, hải quân của Mỹ trên mặt trận sông biển ở miền Bắc (1964-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.60.

(10). Bộ Tổng tham mưu, Phát huy vai trò dân quân tự vệ biển góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân, hải quân của Mỹ trên mặt trận sông biển ở miền Bắc (1964-1973), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.61.

(11). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.357.

(12). Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử DQTV Quân khu 4 (1945-2010), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr. 218.

(13). Báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tại Hội nghị mừng công Công binh giao thông (7/1967)

(14). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.362, 365.

(15). Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử DQTV Quân khu 4 (1945-2010), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr. 218.

(16). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.483.

(17). Ban Chấp hành Đảng bộ - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố Vinh, Lịch sử thành phố Vinh, tập II (1945-1975), Nxb Nghệ An, 2003, tr 241.

(18). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.485

(19). Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, tập II (từ năm 1945 đến năm 2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.485.

 

Th.S Nguyễn Thị Thu Hà

 Theo kết quả sơ bộ từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 dân số tỉnh Nghệ An đạt mốc 3,32 triệu người, xếp thứ 4 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa. 3.32 triệu người không phải là một con số vô tri vô giác mà trái lại đặt ra cho tỉnh Nghệ An những bài toán về cách thức sử dụng con người hiệu quả đem đến sự phát triển bền vững cho tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung trên con đường phát triển.

Thực trạng Nghệ An

Trong báo cáo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê thì dân số tỉnh Nghệ An có 848.977 hộ với 3.327.791 người và là tỉnh có dân số đông thứ 4 cả nước. Như vậy, sau 10 năm từ 2009 đến 2019, dân số tỉnh Nghệ An đã tăng 414.736 người (dân số năm 2009 là 2.912.041 người); tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,33% cao hơn tỷ lệ tăng của cả nước (1,14%). So với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Nghệ An có tỷ lệ tăng dân số là cao nhất.

Cùng thời điểm này, Nghệ An có 37 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống với 11 tôn giáo khác nhau, nhiều nhất là Công giáo có 287.064 người, tiếp theo là Phật giáo có 2.019 người, còn lại các tôn giáo khác như: Đạo Tin lành, Hồi giáo, Minh Lý đạo,…

Năm 2019, với quy mô bình quân hộ 3,8 người/hộ, mật độ dân số trung bình ở Nghệ An tăng từ 177 người/km² năm 2009 lên 202 người/ km² năm 2019. Tuy nhiên, dân cư ở Nghệ An phân bố rất không đều. Tại khu vực đồng bằng: TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TX. Hoàng Mai có mật độ cao, hơn 500 người/km2; ngược lại các huyện miền núi phía Tây lại rất thưa thớt, khoảng 50 người/km2 như: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông; nguyên nhân là do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn.

Bảng 1: Dân số và mật độ dân số Nghệ An phân theo đơn vị hành chính

TT

Đơn vị hành chính

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km²)

Năm 2009

Năm 2019

Năm 2009

Năm 2019

 

Tổng

2.912.041

3.327.791

177

202

1

Thành phố Vinh

303.714

339.114

2.893

3.230

2

Thị xã Cửa Lò

50.477

55.668

1.807

1.993

3

Thị xã Thái Hoà

59.962

66.127

444

490

4

Huyện Quế Phong

62.129

71.940

33

38

5

Huyện Quỳ Châu

52.637

57.813

50

55

6

Huyện Kỳ Sơn

69.524

80.288

33

38

7

Huyện Tương Dương

72.405

77.830

26

28

8

Huyện Nghĩa Đàn

122.303

140.515

198

228

9

Huyện Quỳ Hợp

116.554

134.154

124

143

10

Huyện Quỳnh Lưu

251.694

276.259

571

627

11

Huyện Con Cuông

64.240

75.168

37

43

12

Huyện Tân Kỳ

129.301

147.257

178

203

13

Huyện Anh Sơn

99.357

116.922

164

193

14

Huyện Diễn Châu

266.447

312.506

868

1.018

15

Huyện Yên Thành

257.747

301.635

471

551

16

Huyện Đô Lương

183.584

213.543

516

601

17

Huyện Thanh Chương

211.204

240.808

187

214

18

Huyện Nghi Lộc

184.148

218.005

533

630

19

Huyện Nam Đàn

149.826

164.634

513

564

20

Huyện Hưng Nguyên

110.451

124.245

693

780

21

Thị xã Hoàng Mai

94.337

113.360

549

660

 

(Nguồn: Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2009, 2019 Cục Thống kê Nghệ An)

Sau 10 năm tỷ lệ tăng dân số bình quân và dân số chia theo nông thôn thành thị và giới tính có sự thay đổi rõ nét. Cụ thể với tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giai đoạn 2009-2019 là 1,33%, trong đó thành thị 2,68% và nông thôn 1,12%; các huyện có tỷ lệ tăng dân số bình quân cao hơn bình quân của toàn tỉnh bao gồm các huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, TX. Hoàng Mai. Nguyên nhân là việc phân chia lại ranh giới địa lý cũng như việc di dời dân, xây dựng khu tái định cư mới; thu hút nhiều nguồn lao động làm việc tại các khu công nghiệp mới đưa vào sử dụng (Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Khu công nghiệp Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Thọ Lộc thuộc huyện Diễn Châu, Khu công nghiệp Sông Dinh thuộc huyện Quỳ Hợp);… Toàn tỉnh, tỷ lệ dân số bình quân/năm giai đoạn 2009-2019 thấp thuộc huyện Tương Dương (0,72%), tuy nhiên mức tăng này ở thành thị lại khá cao 2,18% và nông thôn 0,65%, so với thành phố Vinh nơi tập trung kinh tế trọng điểm của tỉnh thì mức tăng của thành phố Vinh là khá thấp (1,1%), thành thị là 0,37% và nông thôn là 2,09%.

Xét về phân bố dân cư, tỷ lệ người dân sống ở khu vực thành thị 14,73% (năm 2009 là 12,87%), ở khu vực nông thôn 85,27% (năm 2009 là 87,13%), tỷ lệ nam 50,27% (năm 2009 49,64%) và tỷ lệ nữ 49,73% (năm 2009 50,36%) trên tổng dân số chung của tỉnh (xem bảng 2).

 

TT

Đơn vị hành chính

Dân số có đến 01/4/2009 (người)

Dân số có đến 01/4/2019 (người)

Tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giai đoạn 2009-2019 (%)

 

Tổng

Thành thị

Nông thôn

Tổng

Thành thị

Nông thôn

Tổng

Thành thị

Nông thôn

 

Nghệ An

2.912.041

374.797

2.537.244

3.327.791

490.038

2.837.753

1,33

2,68

1,12

1

Thành phố Vinh

303.714

215.577

88.137

339.114

230.439

108.675

1,10

0,67

2,09

2

Thị xã Cửa Lò

50.477

38.522

11.955

55.668

55.668

-

0,98

3,68

-

3

Thị xã Thái Hoà

59.962

26.472

33.490

66.127

29.079

37.048

0,98

0,94

1,01

4

Huyện Quế Phong

62.129

3.259

58.870

71.940

3.634

68.306

1,47

1,09

1,49

5

Huyện Quỳ Châu

52.637

2.362

50.275

57.813

4.958

52.855

0,94

7,41

0,50

6

Huyện Kỳ Sơn

69.524

2.933

66.591

80.288

2.952

77.336

1,44

0,06

1,50

7

Huyện Tương Dương

72.405

3.108

69.297

77.830

3.866

73.964

0,72

2,18

0,65

8

Huyện Nghĩa Đàn

122.303

-

122.303

140.515

5.558

134.957

1,39

-

0,98

9

Huyện Quỳ Hợp

116.554

9.909

106.645

134.154

11.980

122.174

1,41

1,90

1,36

10

Huyện Quỳnh Lưu

251.694

5.532

246.162

276.259

9.595

266.664

0,93

5,51

0,80

11

Huyện Con Cuông

64.240

4.753

59.487

75.168

5.653

69.515

1,57

1,73

1,56

12

Huyện Tân Kỳ

129.301

6.425

122.876

147.257

7.976

139.281

1,30

2,16

1,25

13

Huyện Anh Sơn

99.357

4.654

94.703

116.922

5.401

111.521

1,63

1,49

1,63

14

Huyện Diễn Châu

266.447

5.374

261.073

312.506

6.896

305.610

1,59

2,49

1,58

15

Huyện Yên Thành

257.747

3.964

253.783

301.635

4.855

296.780

1,57

2,03

1,57

16

Huyện Đô Lương

183.584

7.742

175.842

213.543

10.102

203.441

1,51

2,66

1,46

17

Huyện Thanh Chương

211.204

5.832

205.372

240.808

8.964

231.844

1,31

4,30

1,21

18

Huyện Nghi Lộc

184.148

4.764

179.384

218.005

6.197

211.808

1,69

2,63

1,66

19

Huyện Nam Đàn

149.826

6.534

143.292

164.634

7.088

157.546

0,94

0,81

0,95

20

Huyện Hưng Nguyên

110.451

7.855

102.596

124.245

9.660

114.585

1,18

2,07

1,11

21

Thị xã Hoàng Mai

94.337

9.226

85.111

113.360

59.517

53.843

1,84

18,64

-               4,58

                       

(Nguồn: Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2009, 2019 - Cục Thống kê Nghệ An)

 

Như vậy, với tình hình dân số Nghệ An hiện nay, ngoài những lợi ích mà dân số tăng mang lại thì cũng đòi hỏi sự quan tâm phối hợp giải quyết ở mọi cấp độ nhằm hạn chế tình trạng tăng dân số với tốc độ quá nhanh, cũng như góp phần đưa dân số Nghệ An bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do sau khi tách Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1991, Nghệ An đã có xuất phát điểm dân số của tỉnh ở mức cao trong cả nước; với tỷ lệ sinh hàng năm của tỉnh đạt khá cao so với mặt bằng chung của cả nước; năm 2018 tỷ suất sinh thô (CBR) của Nghệ An là 20,04‰ (cả nước 14,55‰), tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên 26,06% (cả nước là 18,97%), tổng tỷ suất sinh (TFR) 2,82 số con/phụ nữ (cả nước 2,05 số con/phụ nữ )(1). Mặt khác dân cư phân bố chưa hợp lý do tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử định cư, lịch sử văn hóa và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng trong tỉnh làm cho dân số tăng lên và phân bố không đồng đều giữa các vùng.

Lợi thế dân số Nghệ An

Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn nên lực lượng lao động dồi dào, là động lực tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Cơ cấu dân số trẻ nên lực lượng lao động trẻ chiếm ưu thế, điều này có lợi cho việc chuyển dịch lao động và tạo ra sự năng động, sáng tạo trong các hoạt động về kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… tương đối cao và bền vững; bên cạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế, quy mô dân số lớn còn là thế mạnh, là tiềm năng vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương và quốc gia.  

Nghệ An cũng là tỉnh có nhiều dân tộc chung sống, đoàn kết với nhau, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Thách thức đồng hành

Thách thức của tỉnh nhà sẽ phải đối mặt là bệnh tật, môi trường bị tàn phá, sự mất cân bằng về dân số giữa thành thị và nông thôn, cũng như tình trạng di cư miền núi sang đồng bằng, huyện nghèo sang huyện giàu, di cư nước ngoài,… qua đó cũng góp phần chảy máu chất xám. "Chảy máu chất xám" được coi là một hiện tượng phức tạp, đáng lo ngại không chỉ với Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung phải xem xét và điều chỉnh, từ đó có chính sách, biện pháp khắc phục.

Đông dân thì vấn đề đô thị hóa sẽ là bài toán khó giải đối với tỉnh. Cụ thể, dân số đông đã tạo ra sức ép không nhỏ đối với thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Do có sự chênh lệch về điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất giữa nông thôn và thành thị, ngày càng có nhiều người đổ xô về thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai hoặc tìm đến các thành phố lớn để làm việc, đặc biệt là tầng lớp trí thức; trong khi dân số nông thôn ngày càng thưa thớt và không đủ lao động để xây dựng kinh tế. Có thể thấy hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở công nghiệp, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài ở khu vực ven thành phố Vinh, nên luồng dân di cư từ nông thôn ra thành thị làm các nghề thợ hồ, may mặc, chế biến lương thực,… tăng lên đáng kể, góp phần làm cho dân số các huyện ven thành phố tăng lên nhanh chóng. Áp lực về sự gia tăng dân số đột ngột đặt ra nhiều bức xúc mà các huyện ven thành phố phải đối mặt như vấn đề giải quyết việc làm - lao động, nhà ở, tệ nạn xã hội,…

Thách thức lớn nữa không thể bỏ qua, đó là vấn đề môi trường. Do dân số đông và tăng nhanh đã dẫn đến chất thải từ sinh hoạt và sản xuất ngày càng nhiều, chi phí cho làm sạch môi trường thấp, các bãi tập kết rác thải quá tải; và có thể nói cận hơn đó là một bộ phận không nhỏ chưa chú trọng hay quan tâm đến vấn đề này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, kéo theo bão lũ, cháy rừng, hạn hán,… thiệt hại cả về người và của.

Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp vẫn chưa có chiều hướng giảm mà ngược lại còn tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên đáng kể năm 2017 là 2,88% lên 3,45 năm 2018; ở nông thôn từ 0,83% năm 2017 và năm 2018 là 0,92%; khi chia theo giới thì tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn nam cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp nữ từ 0,96% (năm 2017) lên 1,28% (năm 2018), còn nam từ 1,22% (năm 2017) lên 1,25% năm 2018.

Dân số tăng làm nảy sinh ra các tệ nạn xã hội, gây bất ổn về an ninh. Năm 2018 phát hiện và xử lý 1.320 vụ phạm pháp kinh tế, 1.325 vụ phạm pháp hình sự, 851 vụ buôn bán, vận chuyện, tàng trữ ma túy bị phát hiện, 490 vụ tai nạn giao thông làm 234 người chết, 426 người bị thương và bắt hàng trăm vụ tệ nạn ma túy, mại dâm; ước thiệt hại 14,81 tỷ đồng. Trong 06 tháng đầu năm 2019 phát hiện và xử lý 879 vụ phạm kinh tế, 679 vụ phạm pháp hình sự, 505 vụ buôn bán, vận chuyện, tàng trữ ma túy bị phát hiện, 214 vụ tai nạn giao thông làm 103 người chết, 171 người bị thương, ước tính thiệt hại ban đầu 5,8 tỷ đồng(3). Tệ nạn xã hội ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và đạo đức con người, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, rối loạn trật tự xã hội, văn hóa suy đồi. Làm mất tư cách của một người công dân, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn lao động trẻ Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung khi đất nước đang trong đà đi tới hội nhập và phát triển.

Giải pháp

Thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền và giảng dạy để nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề dân số và tầm quan trọng của vấn đề này. Từ đó thực hiện các chương trình giáo dục thay đổi hành vi. Cần thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị sở ngành, cụ thể là Sở Giáo dục  và Đào tạo - Sở Y tế - Đài Phát thanh, Truyền hình. Qua đây, nâng cao khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ về sức khỏe, bao gồm kế hoạch hóa gia đình.

Mở rộng hơn nữa các cơ hội về giáo dục, nâng cao hiểu biết cho con người: một thực tế chứng minh rằng những người phụ nữ và nam giới có giáo dục có xu hướng muốn một gia đình nhỏ hơn. Mặt khác, đầu tư hơn vào phụ nữ, dễ nhận thấy những phụ nữ có học sẽ có nhiều quyền lựa chọn hơn, có tiếng nói hơn trong gia đình và trong xã hội, khi vai trò phụ nữ được tăng lên, tình trạng "trọng nam khinh nữ" cũng sẽ được khắc phục bởi lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân của việc sinh nhiều con dẫn đến tỉ lệ gia tăng dân số nhanh.

Nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng tệ nạn xã hội hiện nay. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người, mỗi gia đình cần thực hiện tốt các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới", "đô thị văn minh" và các cuộc vận động khác. Ðó chính là thứ "vũ khí" hiệu quả để đề phòng các tệ nạn ma túy xâm nhập từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Đưa nội dung về giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho trẻ tại các trường học, xây dựng môn học chính quy về nội dung này. Nhằm xây dựng nền tảng sống lành mạnh trong tư duy của con em chúng ta, và các em cũng sẽ không bỡ ngỡ, lo sợ khi bước vào một thế giới phát triển của con người, nhằm tiến tới hòa bình, thân thiện.

Tạo cơ hội, môi trường khởi nghiệp cho lớp trẻ. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển đang khai cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ III" năm 2019 đến các huyện, thành, thị Đoàn và Đoàn các đơn vị trực thuộc. Mô hình này cần nhân rộng và lấy đây là nhiệm vụ hàng năm nhằm thúc đẩy, phát triển phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên và sinh viên. Trên cơ sở đó góp phần vào việc lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện những ý tưởng sáng tạo, dự án, sáng kiến khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên và sinh viên. Ngoài ra, cũng nhằm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với các ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo khởi nghiệp.

Phân bố lại dân cư và lao động, thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp giữa các vùng núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác tài nguyên và sử dụng tối đa nguồn lao động của tỉnh. Ngoài ra cần hạn chế đến mức tối đa việc di dân tự do.

Thu hút người tài bằng nguồn thu và môi trường làm việc. Có thể thấy thu nhập và môi trường làm việc là hai yếu tố có ý nghĩa quyết định khi lựa chọn công việc của một người. Thu nhập có thể kém một chút so với những chỗ khác thì người lao động vẫn lựa chọn khi thỏa mãn về môi trường làm việc, đó là yếu tố con người được coi trọng, văn hóa doanh nghiệp vững mạnh cụ thể trong công việc hàng ngày, cách giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng,… không khí làm việc, mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa các đồng nghiệp với nhau, xây dựng quy định rõ ràng về giới hạn quyền lợi, trách nhiệm của từng người, có chế độ thưởng phạt rõ ràng,… Điều này giúp cho nhân viên thấy rõ được những tiềm năng phát triển của đơn vị, công ty và có thể an tâm cống hiến.

Đầu tư và phát huy tối đa nguồn lực thiên nhiên mang lại, phát triển ngành du lịch trọng điểm, trong đó chủ trọng các danh lam thắng cảnh ở miền núi (Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt,…) và vùng biển (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò,…). Xây dựng bức tranh ấn tượng về một tỉnh đậm đà bản sắc dân tộc, thiên nhiên hùng vĩ nhằm giới thiệu du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng nguồn thu cho địa phương, tránh việc di dân tự do cũng như tạo sự phát triển đồng đều bền vững cho tỉnh ở hiện tại và tương lai.

 

Chú thích

(1). Số liệu Niên giám Thống kê Nghệ An 2018.

(2). Cục Thống kê Nghệ An, Báo cáo tháng thiên tai, cháy nổ.

(3). Cục Thống kê Nghệ An, Báo cáo tình hình an toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. BCĐ Tổng điều tra Dân số và nhà ở tỉnh Nghệ An (2010), Các kết quả chủ yếu Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009.

2. BCĐ Tổng điều tra Dân số và nhà ở Trung ương (2019), Báo cáo "Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ".

3. Cục Thống kê Nghệ An, Báo cáo quý tình hình thiên tai, cháy nổ, trật tự xã hội năm 2018, 2019.

4. https://cacnuoc.vn, "Bùng nổ dân số, suy thoái môi trường, đói nghèo tiếp tục gia tăng".

5. http://thuthuat.taimienphi.vn, "Vấn đề dân số đã được thể hiện như thế nào trong văn bản Bài toán dân số của Thái An".

6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nghệ An.

Tác giả bài viết: d

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây