Chuyên san KHXH&NV số 5/2020

Thứ hai - 25/05/2020 21:44 0

Hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hải Sâm - Phan Hữu Thịnh

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam" (UNESCO). Bài viết này chỉ xin đề cập một khía cạnh của vấn đề: Phong cách tư duy Hồ Chí Minh ở chặng đường đầu tiên của cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Phong cách tư duy đó phải chăng đã thể hiện như sau:

Đi học nhưng không đi thi, học từ Hán học sang Tây học

Thuở thiếu thời, Nguyễn Sinh Cung "bút nghiên" theo nghiệp nhà nhưng không "lều chõng" theo cử nghiệp. Không đi thi không phải do Nguyễn không đủ học lực hoặc không đủ tuổi dự thi các kỳ thi Hương vào năm Bính Ngọ (1906) và năm Kỷ Dậu (1909) mà do Nguyễn theo chí hướng của cha: "Quan trường là nô lệ trong trường nô lệ". Nguyễn cũng không theo cụ Phan Bội Châu: đi thi và thi đỗ không phải để ra làm quan mà để có cái danh khoa bảng cho dễ bề hoạt động yêu nước. Đối với Nguyễn, đi học để có kiến thức, cả hai luồng Đông và Tây.

Không Đông du mà Tây du

Năm 1905, Nhật đánh thắng Nga hoàng. Lúc bấy giờ các nước dân tộc bị áp bức châu Á lấy làm hả dạ và tự hào vì đã có nước đồng văn đồng chủng giỏi hơn một nước Tây phương. Đáp ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu "Gương Nhật Bản, đất Á Đông/ Gương ta ta phải soi chung kẻo lầm" (Đề tỉnh quốc dân ca), phong trào Đông du sôi nổi khắp cả nước. Cụ Phan Bội Châu và bà Trần Thị Trâm (1860 - 1930) đến tận nhà vận động nhưng Nguyễn xin chối từ. Nguyễn tìm cách Tây du. Theo Nguyễn, cần phải đi đến tận sào huyệt của kẻ thù để tìm hiểu. Thời ấy như thế là Người đã "đi ngược" nhưng lịch sử đã chứng minh là "về xuôi".

Tây du không phải để đi học văn hóa mà là để đi "vô sản hóa"

Tây du, Nguyễn đi qua nhiều nước. Nguyễn tiếp xúc với nhiều tầng lớp dưới, không phải để tham quan mà là thực sự trở thành người lao động, tức là nói theo thời ấy là đi "vô sản hóa". Sự việc này đã đưa lại cho Nguyễn một sự hiểu biết và một tình cảm hoàn toàn mới mẻ mà nếu đứng ngoài cuộc thì không thể cảm nhận đầy đủ được. Ở đây chúng ta nhận thấy có một sự gặp gỡ khá lý thú của những tư tưởng lớn. Trước đây, qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đến năm Mác 30 tuổi, Ănghen 28 tuổi, hai ông đã đưa ra kết luận: Lịch sử tất cả các xã hội có giai cấp cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Cũng vào tuổi 30, qua 10 năm kinh nghiệm, Nguyễn phát hiện chân lý: ở đây và bao giờ bọn tư bản cũng tàn ác, vô nhân đạo và xảo quyệt. Ở đâu giai cấp công nhân, nông dân lao động sống tại các nước tư bản và các dân tộc thuộc địa cũng bị bóc lột áp bức dã man, họ đều là bạn của nhau và đều có một kẻ thù chung là bọn tư bản đế quốc.

Phải chủ động làm cách mạng ở thuộc địa, không trông chờ, ỷ lại cách mạng ở chính quốc

Vào những năm 1920, nhiều đảng Cộng sản ở châu Âu đều có chung một nhận định: Thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc sẽ giúp cho cách mạng ở các nước thuộc địa thắng lợi. Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VI từ tháng 7 đến tháng 9/1928 cũng xác nhận chiều hướng như vậy. Nhưng Nguyễn Ái Quốc lại cho rằng: trong dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, khâu yếu nhất của nó không phải ở chính quốc mà ở các nước thuộc địa. Từ tháng 5/1921, trong bài Đông Dương đăng trên Tạp chí Cộng sản số 5, Người đã viết: "Hàng trăm triệu nhân dân châu Á sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ (...), họ có thể giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn". Tại Đại hội Tuors ở Pháp (cuối năm 1920) cũng như tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (từ tháng 6 đến tháng 7/1924), Người đã thẳng thắn phê phán các Đảng Cộng sản Pháp và Anh là chưa thi hành một chủ trương thật tích cực trong vấn đề thuộc địa. Tất nhiên quan điểm này của Nguyễn không khỏi không bị phản bác. Nhưng lịch sử là người phán xét xác thực.

Đảng Cộng sản Việt Nam không những là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê nin với phong trào công nhân mà còn với phong trào yêu nước

Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc vai trò quyết định của Đảng Cộng sản đối với thắng lợi của cách mạng. Nhưng việc tạo lập nên Đảng Cộng sản ở Việt Nam, được Người tiến hành khác với các nước ở châu Âu ở mấy điểm sau:

- Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin được "Thông tục hóa" (thể hiện ở cuốn Đường Kách mệnh) có thể mới phù hợp với trình độ tiếp thu của người nước mình.

- Bản thân Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản nhưng Người không lập ngay ra Đảng mà lại lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội trong đó có một nhóm nhỏ cộng sản làm nòng cốt. Làm như thế mới tránh được đột ngột về nhận thức dẫn đến sự phân hóa về tổ chức trong hàng ngũ những người yêu nước lúc bấy giờ.

- Chủ nghĩa Mác - Lê nin kết hợp không chỉ với phong trào công nhân mà còn với phong trào yêu nước để tạo lập nên đảng. Ở một nước thuộc địa và trong thời đại mới, việc kết hợp như thế là cần thiết và có thể tiến hành được.

Cần thiết vì nếu chỉ kết hợp với phong trào công nhân thì chỉ mới có tổ chức đảng ở xí nghiệp, thành thị. Phải kết hợp với cả phong trào yêu nước mà chủ yếu là phong trào nông dân thì Đảng mới có mặt ở nông thôn, một địa bàn rộng lớn nhất với một lượng dân số đông đảo nhất đang nắm giữ một ngành kinh tế quan trọng bậc nhất.

Có thể được vì chủ nghĩa Mác - Lê nin không chỉ giải thích mà còn cải tạo, chinh phục được con người lao động. Mặt khác, nhân dân lao động, nông dân nước ta rất giàu lòng yêu nước và đúng như Ănghen đã nói: "Những người yêu nước đặc biệt có thể tiếp thu được học thuyết của chúng tôi".

Đường lối cách mạng Việt Nam là sản phẩm của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn Việt Nam đồng thời phù hợp với thời đại mới

Nguyễn Ái Quốc khẳng định: con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản. Nhưng cách mạng vô sản diễn ra như thế nào? Thực tiễn mỗi nước một khác và có nhiều cách hiểu khác nhau nên cách làm cũng không giống nhau. Ở các nước mà chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao thì làm ngay cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở các nước mà chủ nghĩa tư bản chưa cao như ở nước Nga thì theo Lênin "không thể đổ hai đống rác cùng một lúc" (tư bản và phong kiến), nên phải làm cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới rồi sau "trở súng sang vai làm cách mạng xã hội chủ nghĩa".

Còn ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc chủ trương: phải giương cao và kết hợp hai ngọn cờ dân tộc độc lập và chủ nghĩa xã hội, phải qua hai giai đoạn cách mạng, phải giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ của mỗi nước, phải tạo lập mỗi nước có một Đảng lãnh đạo riêng...

 

Hiệp định EVFTA đối với nông nghiệp Nghệ An - Cơ hội song hành cùng thách thức

 

LTSVới tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định này sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Đặc biệt là khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm dần về 0% sau một lộ trình ngắn.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền nông nghiệp phát triển còn thấp như Việt Nam, trong đó có Nghệ An. Nhằm cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp và người nông dân hiểu rõ, hiểu đúng những cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định EVFTA, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

*   *

*

 

PVHiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết đã mở ra không ít cơ hội đan xen thách thức cho nông sản Việt, trong đó có cả Nghệ An trong hành trình chinh phục thị trường EU đầy tiềm năng. Cụ thể những cơ hội đó là gì, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Hùng: Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, có tác động trực tiếp, sâu rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, thương mại… Đặc biệt với Hiệp định tự do hóa thương mại EVFTA được đánh giá sẽ đem lại cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ nhất, cơ hội tiếp cận thị trường lớn. Theo các chuyên gia, tham gia vào EVFTA giúp ngành nông nghiệp nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nông sản Việt Nam sẽ được tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Những mặt hàng lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU gồm: Hàng điện tử, thủy sản và dệt may. Trong đó, thế mạnh lớn nhất của Nghệ An chính là xuất khẩu thủy sản. Do đó, Nghệ An cần tận dụng thế mạnh này ngay từ đầu để xây dựng ngành thủy sản đáp ứng được xu thế hội nhập.

Thứ hai, cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư lớn và công nghệ hiện đại. Việc tham gia hiệp định mở ra cơ hội đa dạng hóa nhiều thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho cộng đồng doanh nghiệp Việt và thu hút đầu tư từ nước ngoài ở chiều ngược lại. Mặt khác, dưới áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện tối đa năng lực quản lý và khả năng tự đổi mới của mình. Với đặc điểm chi phí lao động thấp, chất lượng lao động tốt cũng như các lợi thể của Việt Nam khá đa dạng đã ngày càng thu hút các công ty của EU lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư. Ngược lại, việc hợp tác với các nước EU cũng giúp các công ty Việt Nam ngoài tiếp cận được nguồn vốn, còn tiếp cận được tri thức, công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định của EU. Không riêng gì nông nghiệp, các mặt hàng khác khi tham gia Hiệp định, để vượt qua rào cản kỹ thuật, khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Trong đó, các doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động, thực vật của EU.

Nằm chung trong xu thế của cả nước, ngành nông nghiệp Nghệ An cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực để khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

PVNhư ông phân tích thì cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Ông có thể nói rõ hơn về những thách thức đối với nông nghiệp Việt, đặc biệt là nông nghiệp ở Nghệ An khi tham gia Hiệp định EVFTA?

Ông Hồ Xuân Hùng: Theo đánh giá chung hiện nay, bên cạnh nhiều cơ hội thì Hiệp định EVFTA cũng sẽ khiến cho nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn:

Thứ nhất, gia tăng sức ép cạnh tranh cho các mặt hàng nông nghiệp nội địa. Khi rào cản thuế quan được gỡ bỏ hàng châu Âu sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam, với chất lượng sẵn có, sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các sản phẩm nội địa, nhất là trong xu thế ưa dùng hàng ngoại nhập của khách hàng hiện nay. Việc cắt giảm hàng rào thuế quan cũng sẽ khiến cho Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế cho các doanh nghiệp nội địa.

Thứ hai, khó đáp ứng những đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ trong Hiệp định. Để được hưởng các ưu đãi thuế quan, Việt Nam phải đảm bảo được các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, đây là mặt hạn chế lớn nhất của các mặt hàng nông nghiệp nước ta do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, chưa xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi… Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Thứ ba, việc tuân thủ những quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của ngành nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế do quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm không chặt chẽ, lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng,... cũng sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở nhất định đối với hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU.

Cuối cùng, doanh nghiệp và người dân Việt Nam còn hạn chế trong nắm bắt thông tin về Hiệp định EVFTA. Hiện có tới 77% DN không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới Hiệp định này, trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp thực tế chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết các FTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.

Như vậy, cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Nông nghiệp Nghệ An cũng không tránh khỏi những khó khăn chung đó. Tuy nhiên, những thách thức đó chính là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp Nghệ An nói riêng tự khắc phục những hạn chế, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu của thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó tính như EU.

PV: Thưa ông, Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp ở Nghệ An hiện nay?

Ông Hồ Xuân Hùng: Ngoài các quy định mở cửa thị trường về thuế quan, các cam kết về hàng rào phi thuế quan cũng như về hoạt động thương mại dịch vụ và đầu tư, hợp tác và phát triển bền vững... thì vấn đề sở hữu trí tuệ là một trong số các vấn đề thể chế được nhấn mạnh trong EVFTA.

Theo EVFTA, cam kết sở hữu trí tuệ được quy định ở chương 12 của Hiệp định với 63 điều và hai phụ lục với mục tiêu bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền SHTT. Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng kiến thức công nghệ, theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, vì sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.

Như các cam kết đã đưa ra, thì nông nghiệp Nghệ An muốn cùng với nền nông nghiệp cả nước gia nhập vào thị trường EU cần đảm bảo các quy định trên. Tuy nhiên, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Nghệ An nói riêng, và trong cả nước nói chung hiện nay còn nhiều bất cập.

Khâu yếu nhất trong thực thi sở hữu trí tuệ của Nghệ An chính là xây dựng thương hiệu. Các sản vật và sản phẩm nông nghiệp ở Nghệ An rất đa dạng, phong phú và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, các sản phẩm đó chưa được quan tâm đúng mức về xây dựng, phát triển thương hiệu theo hướng hiện đại. Một số sản vật của Nghệ An có danh tiếng, có thương hiệu trong dân gian, nhưng vẫn chỉ là những đặc sản, với sự khan hiếm và đắt đỏ, chưa trở thành hàng hóa. Qua thống kê của Nghệ An, số nhãn hiệu đã xây dựng, đăng kí và bảo hộ quá ít, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số hàng hóa. Đại đa số hàng hóa tiêu thụ tự nhiên, không có nhãn hiệu.

Những năm gần đây Nghệ An đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng, xác lập, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu cho một số sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng đang ít, hiểu biết và kinh nghiệm về xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp và người dân hầu như mới bắt đầu sơ khai.

Việc nhận diện những tồn tại trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại, đồng thời tránh được những rủi ro dài hạn.

Hiện tại, Pháp luật Việt Nam khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về SHTT, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền SHTT tới các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cũng như những yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Do đó Nghệ An cần phải nắm rõ các thông tin, nguyên tắc, cam kết cũng như các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT để thực thi đúng, thực thi hiệu quả.

PV: Vậy theo ông, đối với vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia Hiệp định EVFTA chính quyền cũng như doanh nghiệp và người nông dân cần chuẩn bị những bước gì để triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực?

Ông Hồ Xuân Hùng: Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với EVFTA là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này sản xuất nông nghiệp Nghệ An cần chuẩn bị:

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông, lâm, thủy sản và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thông qua phát triển sản phẩm theo chuỗi, tập trung vào chế biến sâu cũng như tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động và phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành. Nếu muốn tham gia Hiệp định, bên cạnh việc không ngừng ổn định về số lượng, thì nông nghiệp Nghệ An cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm. Chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là thông tin về các ưu đãi thuế quan, yêu cầu về chất lượng và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nghệ An cũng cần phải xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp lớn với quy mô sản xuất lớn. Chính quyền cũng phải lấy doanh nghiệp làm đầu tàu, hỗ trợ để các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng tham gia Hiệp định.

Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch làm việc với từng hiệp hội, ngành hàng, các địa phương để phát triển 3 nhóm kinh tế nông nghiệp gồm: Chăn nuôi và trồng trọt; lâm sản; thuỷ sản. Xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên tinh thần của Hiệp định EVFTA, trong đó một trong những yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật.

Tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực đảm bảo chủ động tham gia quá trình kiện tụng, xử lý tranh chấp và đảm bảo tính minh bạch, bênh vực quyền lợi chính đáng cho người nông dân, sản phẩm của nông dân, cũng như lường trước để cảnh báo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

HỒ THỦY (Thực hiện)

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH PCI NGHỆ AN NĂM 2019

 

Sáng ngày 05/5/2020, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Nghệ An đứng vị trí thứ 18 với 66,64/100 điểm, thuộc nhóm điều hành khá, tăng 1 bậc so với năm 2018 dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

 

Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, Chỉ số PCI chính là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Với kết quả công bố thường niên là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói chung, có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành chính tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch với thông tin từ các cơ quan nhà nước công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp; 4) Việc thực hiện các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, cùng với gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm thiểu; 5) Chi phí không chính thức thấp; 6) Môi trường kinh doanh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi cao; 9) Chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì.

  1. Chỉ số PCI năm 2019 trên phạm vi cả nước

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 8.773 doanh nghiệp dân doanh hoạt động tại 63 tỉnh, thành và 1.583 doanh nghiệp FDI đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư vào 21 tỉnh, thành phố phát triển nhất của Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.

Kết quả xếp hạng PCI năm 2019, có 5 tỉnh đạt loại điều hành rất tốt (Quảng Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Đà Nẵng); 11 tỉnh xếp loại tốt; 38 tỉnh xếp loại khá; 12 xếp loại trung bình và 2 tỉnh xếp loại tương đối thấp (Đắc Nông và Lai Châu). Theo kết quả xếp hạng, Quảng Ninh giữ vững vị trí cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,40 điểm, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. Điều tra PCI 2019 ghi nhận những đánh giá tích cực của doanh nghiệp đối với tỉnh Quảng Ninh: Có 76% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, 82% doanh nghiệp cho biết cán bộ thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và 87% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả. Đáng lưu ý, 89% doanh nghiệp cho biết "UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân" và 82% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh". Có 82% doanh nghiệp cho biết vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và 93% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của các cơ quan chính quyền tỉnh.

    

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019

 

Báo cáo đánh giá PCI năm 2019 phân tích 7 xu hướng chính, nổi bật của môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó phản ánh những thay đổi chính sách ghi nhận từ điều tra bắt đầu từ năm 2016, năm bắt đầu nhiệm kỳ mới của Chính phủ: (1) Mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng: Năm 2019 có 54,1% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, mức cao nhất kể từ năm 2006 (48,3%). (2) Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn: Nhìn chung, các doanh nghiệp dân doanh đã có những đánh giá tích cực hơn về mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh so với những năm trước. (3) Minh bạch có dấu hiệu được cải thiện: PCI 2019 ghi nhận các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin so với năm trước, song vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện một số chỉ tiêu tiếp cận thông tin quan trọng. (4) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố: Chất lượng giải quyết tranh chấp của tòa án theo đánh giá của doanh nghiệp có sự cải thiện trong năm 2019 so với trước đây; tình hình an ninh trật tự tại các địa phương cũng có cải thiện. (5) Chi phí không chính thức tiếp tục giảm. Điều tra PCI 2019 tiếp tục thu nhận những phản ánh tích cực của cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực của chính quyền trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức tại các địa phương. (6) Cải cách hành chính có kết quả tích cực: Điều tra PCI 2019 cho thấy những chuyển biến tích cực của công tác cải cách hành chính, qua cảm nhận của các doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các tỉnh, thành phố. (7) Khó khăn trong triển khai dự án có công trình xây dựng: hiện nay các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính là rất lớn. Những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư là những thủ tục doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn cao hơn cả (từ 56% cho đến 41,6%).

Kết quả điều tra PCI 2019 cho thấy một bức tranh khá sáng sủa về môi trường kinh doanh Việt Nam. Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam năm vừa qua tiếp tục duy trì đà cải thiện. Điểm PCI bình quân đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đứng đầu đã tăng điểm số, khoảng cách giữa tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng với nhóm tỉnh đứng trên tiếp tục xu hướng thu hẹp. Chất lượng hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân đang dần bình đẳng hơn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo hơn và thủ tục hành chính đang thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thực chất hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp dân doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đang đối mặt với các khó khăn về khách hàng, vốn và nhân lực phù hợp... Tỷ lệ doanh nghiệp gặp vướng mắc trong thực hiện các dự án liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng vẫn rất cao và mức độ rất phổ biến.

Các doanh nghiệp FDI, điều tra PCI-FDI 2019 cho thấy các doanh nghiệp FDI tiếp tục bày tỏ lo lắng về một số khía cạnh quan trọng của môi trường đầu tư tại Việt Nam, như vấn đề bảo đảm thực thi hợp đồng do hệ thống pháp lý chưa thực sự hiệu quả, điều tra năm nay vẫn cho thấy triển vọng tươi sáng ở nhiều lĩnh vực. Năm 2019, 92% doanh nghiệp FDI nhận được toàn bộ giấy tờ cần thiết để đi vào hoạt động chính thức trong vòng chưa đầy 3 tháng (thời gian thành lập doanh nghiệp đã giảm tổng cộng 38 ngày). Ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. Năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong lĩnh vực xin cấp giấy phép, đất đai, thanh, kiểm tra và tòa án đều có sự cải thiện mạnh so với mức cao kỉ lục của năm 2016 – một thành công rất đáng ghi nhận của công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Chi phí trung bình doanh nghiệp FDI phải bỏ ra để chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ mức 1,6% doanh thu của doanh nghiệp năm 2016 xuống 1,1% năm 2019, tức là tổng chi phí mà khối doanh nghiệp FDI bỏ ra để chi trả chi phí không chính thức đã giảm 31%. Chính quyền các địa phương đã thể hiện rõ sự sẵn sàng nỗ lực và đổi mới để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài. Các nỗ lực này đã góp phần thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI thành công sẵn sàng mở rộng đầu tư tại Việt Nam và góp phần thay đổi cơ cấu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, khi mà ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ gia nhập thị trường.

Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới. Các phân tích cho thấy, tự động hóa đang trở nên phổ biến trong cả khối doanh nghiệp dân doanh trong nước và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, và xu hướng rõ ràng là cả hai nhóm doanh nghiệp đều dự định tiếp tục đầu tư các công nghệ giúp cắt giảm chi phí. Có ba yếu tố thúc đẩy nỗ lực tự động hóa của doanh nghiệp: 1) Cơ hội hội nhập toàn cầu thông qua các chuỗi cung ứng; 2) Chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động có tay nghề phù hợp; và 3) Nguy cơ công nhân đình công gây gián đoạn hoạt động sản xuất, đặc biệt ở khối doanh nghiệp FDI. Cuối cùng, tác động của tự động hóa có tính hai mặt: một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động, đặc biệt là các lao động có tay nghề cao hơn; mặt khác, giảm cơ hội việc làm của các lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp. Trong bối cảnh tự động hóa đã trở thành xu hướng tất yếu và hầu như không thể đảo ngược bởi những can thiệp chính sách, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên có giải pháp như thế nào để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tối đa hóa việc tận dụng các cơ hội do tự động hóa mang lại?

  1. Nghệ An trong bảng xếp hạng PCI năm 2019

Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2019, Nghệ An đứng vị trí thứ 18 với 66,64/100 điểm, thuộc nhóm điều hành khá, tăng 1 bậc so với năm 2018 dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An (năm 2015 đứng vị trí thứ 32, tăng 14 bậc vào năm 2019). Kết quả vị trí thứ hạng PCI đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư của chính quyền các cấp trong tỉnh.

 

Bảng 1: Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Nghệ an 5 năm qua

Năm

Điểm tổng hợp

Kết quả xếp hạng

Nhóm điều hành

2015

58,47

32

Khá

2016

59,45

25

Khá

2017

63,52

21

Khá

2018

64,08

19

Khá

2019

66,64

18

Khá

 

Bảng 2: Kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phần PCI 5 năm qua

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

So sánh năm 2018 và 2019

Gia nhập thị trường

8,63

8,90

7,85

7,57

7,78

+0,21

Tiếp cận đất đai

5,38

5,37

6,16

7,08

6,63

-0,45

Tính minh bạch

6,37

6,42

6,38

6,43

6,95

+0,52

Chi phí thời gian

6,22

6,25

6,72

6,18

6,74

+0,56

Chi phí không chính thức

4,28

4,39

4,68

4,71

5,86

+1,15

Cạnh tranh bình đẳng

5,25

4,67

3,62

4,94

6,57

+1,63

Tính năng động của chính quyền tỉnh

4,48

5,00

5,14

5,60

5,79

+0,19

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

6,02

5,73

7,45

7,49

6,57

-0,92

Đào tạo lao động

5,81

6,51

6,94

6,44

6,86

+0,42

Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

5,58

5,30

5,13

5,90

6,55

+0,65

 

So với năm 2018, trong 10 chỉ số thành phần, có 8 chỉ số có sự cải thiện về điểm số bao gồm: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, trong đó tăng nhiều nhất là Cạnh tranh bình đẳng, điều này chứng tỏ giảm mạnh phân biệt đối xử giữa DNNN và doanh nghiệp dân doanh. Hai chỉ số bị giảm điểm là Tiếp cận đất đai và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Để nhìn thấy rõ sự cải thiện hay tồn tại trên các chỉ số, chúng ta so sánh vị thứ của Nghệ An trong 63 tỉnh thành trên từng chỉ số tại bảng 3.

Bảng 3: Vị thứ các chỉ số thành phần của Nghệ An năm 2019 so với cả nước

 

Chỉ số

Xếp hạng 2019

Gia nhập thị trường

16

Tiếp cận đất đai

41

Tính minh bạch

10

Chi phí thời gian

36

Chi phí không chính thức

43

Cạnh tranh bình đẳng

26

Tính năng động của chính quyền tỉnh

52

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

21

Đào tạo lao động

23

Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

30

 Nhìn vào Bảng 3 cho thấy, Chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh có thứ hạng rất thấp so với cả nước. Chỉ số này được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 9 câu hỏi:

Bảng 4: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Tính năng động của chính quyền của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

Câu hỏi

%

Min

Trung vị

Max

UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo MTKD thuận lợi cho KTTN (%)

75%

67%

80%

94%

UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (%)

58%

52%

66%

85%

Thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực KTTN là tích cực (%)

59%

36%

54%

68%

Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở/ngành (%)

79%

61%

76%

88%

Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện/thị (%)

56%

43%

56%

71%

Khi CS,PL TW có điểm chưa rõ, CQ tỉnh thường 'đợi xin ý kiến chỉ đạo' hoặc 'không làm gì (%)

23%

13%

26%

43%

Vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua Đối thoại DN (%)

66%

60%

74%

87%

DN nhận được phản hồi của CQNN tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc (%)

90%

81%

95%

100%

Tỷ lệ DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của CQNN tỉnh (%)

75%

65%

82%

97%

Kết quả nói trên cho thấy một số các tiêu chí thấp so với trung vị của cả nước như: UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh; Khi chính sách, pháp luật TW có điểm chưa rõ, chính quyền tỉnh thường 'đợi xin ý kiến chỉ đạo' hoặc 'không làm gì; Tỷ lệ DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của CQNN tỉnh.

Ngoài chỉ số này, chỉ số về Chi phí không chính thức, Tiếp cận đất đai cũng có thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

  1. Một số kiến nghị để cải thiện chỉ số PCI tỉnh thời gian tới

Thứ nhất, cải thiện các chỉ số xếp hạng thấp, giảm điểm

(1) Chỉ số Tính năng động: Thực hiện nề nếp việc kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện chương trình công tác đã đề ra theo cơ chế điều hành, nhất là những lĩnh vực đang làm cản trở sự phát triển. Nắm bắt các thông tin và kiến nghị từ cơ sở để có phương án, biện pháp xử lý và giải quyết kịp thời. Tăng cường đối thoại, xử lý các ý kiến, kiến nghị của nhà đầu tư. Phân công lãnh đạo tỉnh trực tiếp theo dõi, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án.

(2) Chỉ số Chi phí không chính thức: Đổi mới lề lối, phong cách làm việc; Nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, có hình thức xử phạt nghiêm minh làm tính răn đe. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình xử lý các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

(3) Chỉ số Tiếp cận đất đai: Thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Triển khai xây dựng quỹ đất sạch. Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư đã được cấp phép nhưng có tiến độ triển khai chậm. Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Chính quyền tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận đất đai.

(4) Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để có sự nhận thức đúng, thiện cảm. Duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế đối thoại hàng năm giữa UBND tỉnh, các sở, ngành và doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng/quý tổ chức làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình kê khai, báo cáo, nộp thuế.

Thứ hai, tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và các sở, ngành DDCI (Department and District Competitiveness Index) để đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương và sở, ban, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ ba, phát huy tốt hơn vai trò cầu nối của các Hiệp hội doanh nghiệp để các chính sách của tỉnh lan tỏa nhanh chóng đến các doanh nghiệp, đồng thời để tỉnh nhanh chóng, kịp thời nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ. Phát huy hiệu quả hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong công tác tư vấn và phản biện chính sách.

          Thứ tư, tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số cho các cấp chính quyền và trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ.

Thứ năm, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư từ các quốc gia tham gia hiệp định EVFTA.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai các chính sách về phát triển doanh nghiệp, Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và khai thác, mở rộng thị trường.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam năm 2019.

2. UBND tỉnh Nghệ An, đề án "Tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào tỉnh nghệ An đến năm 2020 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" ngày 21/7/2014.

3. https://www.pcivietnam.vn/.

4. Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

5. Báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh.

Về triển vọng thắng lợi con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam qua một số tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Văn Trung

1. Từ giữa thế kỷ XIX, nước Việt Nam độc lập bị thực dân Pháp xâm chiếm và biến thành thuộc địa, dẫn đến trong lòng xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và giữa nông dân với địa chủ phong kiến, trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc là mâu thuẫn chủ yếu. Giải quyết các mâu thuẫn đó là yêu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh lịch sử đó, cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước đương thời, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rất trăn trở về vận nước, tìm mọi cách để giải phóng dân tộc. Từ tháng 6/1911 bắt đầu ra nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã qua nhiều nước, làm nhiều nghề vừa kiếm sống, vừa tìm cách "giúp đồng bào" khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Nửa cuối tháng 7 năm 1917, Người từ Anh trở về Pari hoạt động trong những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa. Tháng Mười năm 1917, Cách mạng vô sản Nga thành công đã thu hút sự chú ý của Người. Năm 1918, Người vào Đảng xã hội Pháp; đầu năm 1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi đến Hội nghị quốc tế Vécxây "Yêu sách của nhân dân An Nam" gồm 8 điểm vạch trần tội ác của thực dân Pháp, nói lên tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nửa cuối tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" đăng trên báo L'Humanité và tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế Cộng sản. Cuối tháng 12 năm 1920, tại Đại hội XVIII Đảng xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã cùng với những người cánh tả của Đảng xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ yêu nước chân chính Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên là bước chuyển về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của Người: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản"(1). Từ đó Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 6/1921, Người cùng một số nhà yêu nước ở châu Phi đề nghị và được Đảng Cộng sản Pháp đồng ý thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, ra báo Người cùng khổ (Le Paria) của Hội do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút từ số 1 đến số 15. Người viết 30 bài, tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân và truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào các thuộc địa. Hội Liên hiệp thuộc địa là một hiện tượng đặc biệt, liên minh đầu tiên chống thực dân Pháp hoạt động ngay tại nước Pháp.

Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô. Thời gian ở Liên Xô Nguyễn Ái Quốc dự nhiều hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên… nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa, bảo vệ những luận điểm đúng đắn của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ những bài báo viết trong những năm 1921-1924, Người biên soạn thành cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản 1925 ở Pháp).

Cuối tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động. Đầu năm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phối hợp với các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ... lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên. Đây là sự chuẩn bị sáng tạo, có chủ đích của Người để tiến tới xây dựng một đảng vô sản kiểu mới sau này.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm 1920 - 1925, Nguyễn Ái Quốc đã viết hàng trăm tác phẩm báo chí, các phát biểu và tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) để chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng. Trong đó có thể nêu một số tác phẩm tiêu biểu để tiếp tục khẳng định hoàn thiện tư tưởng con đường cách mạng vô sản mà Người đã chọn như: Chính sách thuộc địa ngày 13/12/1920; Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, ngày 26/12/1920; Bài Đông Dương, đăng trên Tạp chí  La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921Bài Đông Dương đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921Bài Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa, đăng trên Báo L'Humanité, ngày 25/5/1922; Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tháng 7/1923Bài Lê nin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên Báo Pravđa 27/01/1924; Thư gửi Đồng chí Pê tơ rốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông khoảng tháng 5/1924; Lênin và các dân tộc Phương Đông, đăng trên Báo Le Pa ria số 27, tháng 7/1924bài Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa, Báo Le Vie Ouvriere, số 20 năm 1924; Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 10 tháng 10/1923; Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 13 tháng 10/1923; Phát biểu tại phiên họp thứ tám Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 23/6/1924; Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 01/7/1924; Phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 03/7/1924; Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của Giôvanni Giécmanéttô, phóng viên báo L'Unitàcơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia, ngày 15/3/1924...

2. Qua một số bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Ái Quốc tập trung làm rõ nhiều luận điểm quan trọng về con đường cách mạng vô sản, trong đó nổi bật là làm rõ sự thắng lợi tất yếu của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam. Đây cũng là bước chuẩn bị của Người về mặt tư tưởng con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng theo lý luận Mác-Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.

 Trong bài Báo Đông Dương, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản), số 14, tháng 4-1921, Nguyễn Ái Quốc khẳng định ở Đông Dương, mặc dù bị thực dân Pháp ra sức đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, song điều đó không thể dập tắt được ý chí quật cường cách mạng của nhân dân ta, con đường cách mạng nhất định sẽ thắng lợi ở Việt Nam. Người nhận định: "Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương"(2) và "Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy thời cơ đó mau đến.

Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi"(3).

Tiếp đó, cũng bài báo với nhan đề Đông Dương, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5/1921, Người đã đặt vấn đề "Chủ nghĩa cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?"(4), tác giả đã khẳng định một điều chắc chắn: "Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu"(5). Lý giải khoa học cho nhận định đó, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những bằng chứng và lý lẽ thuyết phục trên nền tảng lịch sử của châu Á,  "Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại"(6). Theo Người, lý do là lịch sử châu Á có những điểm tương đồng với việc thực hiện xã hội cộng sản, đó là: Từ thời Hoàng đế (2678 trước công nguyên) chế độ tỉnh điền đã được áp dụng "chia đất đai trồng trọt theo hai đường dọc và hai đường ngang. Như vậy sẽ có chín phần bằng nhau. Người cày ruộng được lĩnh mỗi người một phần trong 8 miếng, miếng ở giữa tất cả đều cùng làm và sản phẩm được sử dụng vào việc công ích"(7); triều đại nhà Hạ (2.205 trước công nguyên) áp dụng chế độ lao động bắt buộc; Khổng Tử (551 trước công nguyên) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá bình đẳng về tài sản, "Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn"(8); Mạnh Tử học trò của Khổng Tử đã vạch ra "một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết"(9); còn chế độ ruộng đất công ở An Nam thì "Về của cải tư hữu, luật pháp An Nam cấm mua bán toàn bộ đất đai. Hơn nữa, một phần tư đất trồng trọt bắt buộc phải để làm của chung. Cứ ba năm người ta chia lại ruộng đất đó. Mỗi người dân trong xã thôn được nhận một phần. Điều đó không hề ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì còn ba phần tư đất đai khác có thể mua bán, nhưng nó có thể cứu nhiều người khác thoát khỏi cảnh bần cùng"(10).

Vào tháng 3 năm 1924, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Giôvanni Giécmanéttô, phóng viên báo L'Unità, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia: "Khi học xong, anh dự định làm gì?", Nguyễn Ái Quốc nói: "Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm"(11), "Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người "khai hoá" các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được... Chúng tôi hiểu rõ là chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề, và tương lai của các dân tộc tuỳ thuộc vào sự tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi"(12).

Tháng 7/1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài Lênin và các dân tộc phương Đông, đăng Báo Le Pa ria số 27, Người khẳng định Lênin và học thuyết của Người sẽ sống mãi trong sự nghiệp của cách mạng: "Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một con người vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa…"(13).

Khẳng định sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, nhưng Nguyễn Ái Quốc khẳng định không thể áp dụng máy móc mà phải vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào điều kiện cụ thể của các thuộc địa. Với suy nghĩ đó, Người hướng về, củng cố lý luận bằng sự vận dụng thực tiễn cách mạng. Tác giả đã khẳng định "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại"(14), vì vậy phải xem xét lại "chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông"(15).

Khẳng định sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng đang sục sôi trong mọi người dân yêu nước, dẫn dắt dân tộc ta vượt qua khủng hoảng về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc.

Kể từ khi gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin, khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn và những người cộng sản quốc tế để có cơ sở vững chắc, tiếp tục khẳng định và hoàn thiện tư tưởng về con đường đó; cùng những người cộng sản tích cực truyền bá vào Việt Nam và chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam ở những năm từ 1925-1930.

 

Chú thích

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12 (1959 - 1960), Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.30

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13)¸ (14). Hồ Chí Minh, sđd, tập 1 (1912 - 1924), tr. 40, 40, 45, 47, 47, 47, 47, 47, 48, 467, 467 - 468, 317, 509 - 510, 510.

Bàn tiếp việc phục hồi Văn miếu Nghệ An

Bùi Đình Sâm

Văn Miếu là một vấn đề lớn có ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc ở nước ta. Nếu tính từ khoa thi đầu tiên 1075 (thời Lý) đến khoa thi Hán học cuối cùng triều Nguyễn là khoa Kỷ Mùi - Khải Định 4 (1919) tồn tại 844 năm đã có 2890 vị đại khoa tính từ Phó bảng trở lên, trong đó có 47 trạng nguyên. Năm 1842, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ tại Quốc Tử giám, Hà Nội. Tao Đàn phó nguyên soái Thân Nhân Trung từng nói: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Đến thời Nguyễn, kinh đô dời vào Huế và tiếp tục lập Văn Miếu ghi danh Tiến sĩ tại đây.

Trong số đỗ đạt của cả nước nói trên, Nghệ An có 4 trạng nguyên (quê Huyện Đông Thành - Yên Thành ngày nay), trong đó Bạch Liêu là người đỗ đầu tiên vào khoa thi Bính Dần - Thiệu Long 9 (1266) đời Trần Thánh Tông. Chưa tính hết, tổng số ở Nghệ An có 1.164 người thi đỗ, trong đó có 190 đại khoa (Tiến sĩ và Phó bảng), 145 hội thi trúng Tam trường, Nhị trường, 319 Hương cống triều Lê, 510 cử nhân triều Nguyễn...

Số khoa bảng từng huyện lập được cho đến nay (năm 2000): Quỳnh Lưu 365, Nam Đàn 189, Diễn Châu 134, Thanh Chương 133, Nghi Lộc 92, Yên Thành 83, Đô Lương 57, Hưng Nguyên 51, Cửa Lò 19, Anh Sơn 3 và có rất nhiều người thi đậu Tú tài (Triều Lê gọi là Sinh đồ, Hiệu sinh) mà chưa liệt kê hết... (Theo Khoa bảng Nghệ An - năm 2000 - Sở VHTT Nghệ An). Biết rằng, nhiều người thi đỗ cao được ghi danh tại các Văn Miếu Quốc Tử giám, Văn Miếu Huế. Ở Nghệ An một số huyện đã có Văn Miếu từ lâu, như Thanh Chương, Quỳnh Lưu...

"Văn Miếu tỉnh Nghệ An (hay Văn Thánh Vinh) được lập từ triều Lê ở Triều Khẩu, Lam Thành. Đến năm 1803, vua Gia Long sau khi lên ngôi được 1 năm thì cho xây dựng lại tại Vĩnh Yên (Vinh). Sách Đại Nam nhất thống chí(1) ghi: "Văn Miếu ở địa phận xã Yên Dũng, phía Đông tỉnh thành, phía Tây là đền Khải Thánh, dựng năm Gia Long thứ 2".

Vị trí Văn Miếu hiện nay thuộc khu đất Công ty in Nghệ An, vẫn còn dấu tích là bộ khung (cột, xà, rui, mè, ngói). Đấy là nhà bái đường Văn Miếu còn lại và được làm thành nhà kho của Công ty in. Văn Miếu gồm ba tòa thượng, trung, hạ điện và tam quan (cổng chính 3 cửa) đều hướng mặt về phía Nam. Chính môn (cửa chính giữa) có tầng lầu, mái uốn đầu đao, mặt chính giữa có đề 4 đại tự "Văn Thánh linh từ" (Đền linh Văn Thánh). Hai trụ giữa có đề đôi câu đối: Nguyên văn chữ Hán: 日月中天明聖道江山大地跡人文; Phiên âm: Nhật nguyệt trung thiên minh Thánh đạo; Giang sơn đại địa tích nhân văn. Tạm dịch: Đạo Thánh (đạo học) sáng ngời như mặt trời, mặt trăng trong vũ trụ; Nhân văn tích tụ từ sông rộng, núi lớn của đất linh. Cửa tả (bên trái) được mở thường xuyên để đón khách đến viếng thăm... Văn Miếu Vinh là Miếu điện chính của cả trấn sở (Nghệ An và Hà Tĩnh), nên có đôi câu đối biểu thị nền văn hiến và sĩ khí của nhân dân xứ Nghệ. Nguyên văn chữ Hán: 鸛州文氣千年拄學道正心萬古傳; Phiên âm: Hoan Châu văn khí thiên niên trụ; Học Đạo chính tâm vạn cổ truyền. Tạm dịch: Văn khí Hoan Châu ngàn năm vững; Chính tâm Đạo học muôn thuở truyền" (Xứ Nghệ - Đất và người, 4/2016, KHCN Nghệ An - Đào Tam Tỉnh).

Gần đây, tôi có dịp đọc góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025, thấy có một ý lớn trong phần phát triển văn hóa là "phục hồi Văn miếu Vinh". Tôi rất phấn khởi, vì đây là một vấn đề lớn, một lần nữa được Đảng bộ Thành phố quan tâm. Trước đây, các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã nhiều lần đề ra nhưng chưa thực hiện được. Tôi nhớ một dịp đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thế Trung rất trăn trở điều này, gọi tôi đến và tâm sự một số công việc, trong đó có việc phục hồi, xây dựng lại Văn miếu Vinh. Ý của đồng chí Bí thư tỉnh ủy là muốn tôi khâu nối mở một hội nghị tư vấn về vấn đề này mà thành phần tư vấn chủ yếu là các bậc lão thành, trí thức, có nhiều hiểu biết về Văn Miếu tham gia.

Một thời gian ngắn sau, hội nghị được mở. Nội dung tranh luận nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào việc bàn luận về vị trí đặt Văn Miếu nơi cũ hay nơi mới. Trước hội nghị có chở các cụ đi khảo sát một số điểm: Nhà máy in (nơi xây Văn Miếu 1803), phía Đông sân vận động Vinh, vùng đất phía Đông đường 3/2, gần đối diện Bệnh viện đa khoa Nghệ An hiện nay và một số điểm khác. Hội nghị tư vấn bàn sôi nổi, nhiều ý kiến sâu sắc, tuy có ý kiến khác nhau, nhưng đa số muốn phục hồi nơi cũ (nơi nhà máy in hiện nay), đồng thời chỉ ra những thuận lợi, khó khăn sau:

Thuận lợi:

- Tư liệu về di tích phong phú, đủ để chúng ta phục dựng;

- Lòng dân rất đồng tình;

- Cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố lên tỉnh nhất trí cao;

Được sự ủng hộ của các cấp các ngành Trung ương và địa phương;

Đông đảo con em xứ Nghệ trong và ngoài tỉnh, ngoài nước mong muốn;

Khó khăn:

Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp (nhất là thời kỳ thành phố Vinh tiêu thổ kháng chiến 1947) và chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ gây ra (1964 - 1972), thành phố Vinh, trong đó có Văn Miếu Vinh gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Sau hòa bình lập lại, toàn bộ khu đất Văn Miếu không còn nguyên trạng, bị chiếm dụng do việc định cư sau chiến tranh thiếu qui hoạch.

Đặc biệt, xung quanh khu đất (tại thời điểm hội nghị) có hơn 147 nhà kiên cố, trong đó có hơn 14 nhà 3 tầng, số còn lại nhà 2 tầng và cấp 4.

Mặt đất cũ so với mặt đường I hiện nay thấp hơn gần nửa mét.

Hiện tại Nhà máy in Nghệ An đang sở hữu và sử dụng khu đất này...

Kinh phí thành phố, tỉnh khó khăn.

Những đặc điểm trên, đòi hỏi tỉnh và thành phố phải có kinh phí rất lớn nhằm bảo đảm cho việc tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng... Đấy là chưa tính đến kinh phí xây dựng lại Văn Miếu gần như mới hay theo kiểu cũ có canh tân.

Mãi đến nay khó khăn đó vẫn đeo bám, Văn Miếu vẫn tiếp tục nằm trên bàn giấy. Nhiều con em xứ Nghệ mỗi khi có dịp vào thăm, tận mắt chứng kiến những phế tích Văn Miếu còn sót lại, xót lòng!

Từ những tư liệu và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc tạo dựng Văn Miếu Nghệ An, từ thực tiễn qua bao kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra mà chưa làm được, từ những yêu cầu, nhu cầu của nhân dân xứ Nghệ nói chung và nhân dân Nghệ An nói riêng đã trở nên bức thiết. tôi tin tưởng rằng, lần này chúng ta phải quyết tâm làm và sẽ làm được, vì chúng ta có chủ trương đúng đắn và có nhiều hình thức đầu tư, trong đó xã hội hóa là chủ yếu, Nhà nước hỗ trợ một phần; Vốn đất vàng thành phố còn tiềm năng khai thác; Các nhà lãnh đạo, quản lý thực sự tâm huyết, quản lý hiệu quả; Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ...

Tuy muộn, nhưng còn hơn chúng ta không phục dựng được Văn Miếu. Văn Miếu Vinh phục dựng hoàn thành sẽ xứng tầm làm cho quê hương Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, cần cù lao động, chịu khó chịu thương, hiếu học, địa linh nhân kiệt, góp phần to lớn cùng các địa phương trong cả nước, như Hà Nội, Huế, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai... làm rạng rỡ thêm cho Quốc hoa, Quốc hồn, Quốc túy Việt Nam ta.

 

Tài liệu tham khảo

1. Tạp chí KH&CN Nghệ An, số 4/2016.

2. Khoa bảng Nghệ An - Thư viện Nghệ An, năm 2000.

3. Từ điển Wikipedia mở.

4. Các tài liệu văn kiện Đại hội Đảng bộ Nghệ An, Thành phố Vinh.

 

Lê Văn Thỏa - Tấm gương nghiên cứu khoa học

Hoàng Anh

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quỳ Hợp trong gia đình thuần nông, học hết phổ thông trung học, cũng như bao chàng trai khác, Lê Văn Thỏa làm đơn xin nhập ngũ và học tại trường Hạ sỹ quan kỹ thuật 4, chuyên ngành sửa chữa vũ khí đạn dược tại Biên Hòa - Đồng Nai. Năm 1984 anh được điều về làm A trưởng C30 F10 quân đoàn 3 Phú Lương - Thái Nguyên. Ba năm tại quân đoàn 3, anh đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp sư đoàn; được biên chế vào bộ đội chuyên nghiệp. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình lúc bấy giờ đang hết sức khó khăn anh đành phải bỏ ước mơ và xin ra quân, về quê làm kinh tế. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bản thân anh luôn trăn trở mình phải đứng vững trên đôi chân của chính mình. Bằng sức khỏe của tuổi trẻ, kiến thức được học tập trong nhà trường, cũng như kinh nghiệm và kỷ luật rèn luyện trong quân đội, anh đã tự tin lập nghiệp.

Từ cơ sở sản xuất, sửa chữa, thay thế các linh kiện cơ giới nhỏ, năm 2007 bằng nguồn vốn tích lũy, vay mượn anh đã mạnh dạn mở rộng cơ sở sản xuất thành lập Công ty TNHH Cơ khí Nhân Độ. Công ty TNHH Cơ khí Nhân Độ với lĩnh vực hoạt động chính là sửa chữa gia công cơ khí và chế tạo máy khai thác chế biến đá trên địa bàn Qùy Hợp.

Xuất phát từ thực tiễn lúc bấy giờ linh kiện thay thế của các phương tiện máy móc, xe cơ giới trên thị trường, đặc biệt là phương tiện xe máy nhập từ nước ngoài về số lượng hạn chế, vận chuyển khó khăn, giá thành cao, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương, Lê Văn Thỏa đã trực tiếp ra xưởng mày mò chế tạo; tuyển dụng một số công nhân có tay nghề giỏi và đào tạo một số học viên học nghề trực tiếp, áp dụng khoa học kỹ thuật, mua máy móc công nghệ cao và tiến hành sản xuất.

Sản phẩm làm ra chất lượng, giá cả phải chăng, nhưng để mọi người tin dùng, Lê Văn Thỏa đã phải nhiều đêm trăn trở làm sao để mọi người tiếp cận được với các sản phẩm của mình, trong khi thông tin truyền thông chưa rộng rãi như bây giờ. Anh cùng một số bạn bè đồng nghiệp phải đưa sản phẩm của mình đi tiếp thị đầu tiên là trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, cho thiết bị hoạt động, chạy thử ra sản phẩm để bạn bè đồng nghiệp so sánh chất lượng sản phẩm của công ty anh với sản phẩm nhập ngoại. Từ đó tiếng tăm các sản phẩm do Công ty TNHH Cơ khí Nhân Độ được lan truyền qua các phương tiện thông tin. Các nhà truyền thông cũng vào cuộc điều tra và đưa tin về sản phẩm của Công ty như Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Chương trình "Sáng tạo Việt" trên VTV3, Tạp chí Công thương của Bộ Công thương... Đồng thời, anh đã mang các sản phẩm đi tham gia nhiều Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nên người tiêu dùng biết đến và thường xuyên vào đặt sản xuất, chế tạo, lắp ráp từ xưởng. Doanh nghiệp ngày càng có uy tín và được nhiều khách hàng mến mộ đơn đặt hàng ngày càng tăng.

Sau 13 năm thành lập và hoạt động quy mô lớn, Lê Văn Thỏa cùng Doanh nghiệp Nhân Độ đã sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo tinh xảo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao; nhiều sáng chế hữu ích phục vụ cho ngành sửa chữa gia công cơ khí và khai thác chế biến đá trên địa bàn Quỳ Hợp nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu do anh sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và sản xuất ra hàng loạt bán ra thị trường như máy doa lỗ di động, máy búa rèn, máy cắt đá bằng dây, gàu bẫy xúc đá hộc và máy tiện đá. Những người thợ sử dụng các sản phẩm do anh sáng chế được giải phóng sức lao động và hiệu quả kinh tế ngày công tăng lên rõ rệt: "Trước đây để khoan cắt đá, người thợ phải thực hiện khoan nổ mìn và khoan chét. Nhưng từ khi có máy cắt đá bằng dây do anh sáng chế, việc bóc tách được những viên đá được dễ dàng hơn. Giảm chi phí, nhân công lao động cũng như rủi ro trong việc khai thác đá cho người lao động. Ví dụ để khoan, cắt một khối đá từ 5-7m3, trước đây phải mất khoảng 10 người làm từ 5 đến 7 ngày mới xong, nhưng với máy cắt dây thì chỉ cần 1 người và thời gian 1 buổi".

Với hàng nghìn mnhà xưởng, Doanh nghiệp cơ khí Nhân Độ trong nhiều năm qua là địa chỉ tin cậy của khách hàng mua sắm, sửa chữa các loại máy móc, công cụ phục vụ cho ngành khai thác khoáng sản trong và ngoài địa bàn.

Trong quá trình làm việc anh còn ấp ủ chế tạo nhiều sản phẩm thiết thực cho người dân: Để thỏa mãn tính đam mê tôi đã mày mò và sáng chế ra được nhiều loại máy công cụ để phục vụ cho đời sống cũng như khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cả nước. Hiện tại tôi đã cho ra thị trường được các sản phẩm máy cắt đá bằng dây, máy doa lỗ di động, máy búa rèn, gàu bốc xúc cạy bẩy đá và một sản phẩm nữa là máy tiện đá. Những ghi nhận của khách hàng đã đưa lại cho tôi niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt để sáng chế ra nhiều cái nữa đưa lại những cái gì thiết thực cho nhân dân" (Lê Văn Thỏa). Đặc biệt ý tưởng táo bạo chế tạo "trực thăng mini" để dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, tham gia chữa cháy rừng đang được anh lắp ráp, hoàn thiện…

Sản phẩm máy cắt đá bằng dây, là một trong 5 sản phẩm tiêu biểu anh đã đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ được cấp bằng sáng chế và triển khai sản xuất hàng loạt bán ra thị trường và không đủ cung cấp cho nhu cầu người đặt hàng. Tháng 5/2017, sản phẩm "máy cắt đá bằng dây" và "máy doa lỗ di động" của Doanh nghiệp Cơ khí Nhân Độ vinh dự đạt giải 3 và giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức; đồng thời bản thân Lê Văn Thỏa đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và được công nhận là doanh nghiệp công nghệ duy nhất ở Quỳ Hợp. Bên cạnh đó bản thân anh cũng như Doanh nghiệp đã được nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu như: Bằng "Lao động  sáng tạo" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng năm 2016, năm 2017; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng năm 2017; Danh hiệu thợ giỏi do UBND tỉnh Nghệ An tặng năm 2016; Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An tặng năm 2017; Bằng khen của Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam tặng năm 2019; Giấy khen của UBND huyện Quỳ Hợp tặng năm 2017; Giấy khen của Liên đoàn lao động huyện Quỳ Hợp tặng năm 2016. Là một trong những cá nhân, doanh nghiệp khoa học tiêu biểu được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cử đi dự Đại hội Điển hình tiên tiến của tỉnh năm 2020.

 Đến nay Công ty TNHH cơ khí Nhân Độ đã thực sự có uy tín với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trong cả nước. Hiện tại các sản phẩm của công ty anh đã liên kết, hợp tác 95 cá nhân, doanh nghiệp, trên 64 tỉnh thành và cả thị trường nước bạn Lào; giải quyết việc làm cho 18 người lao động trên địa bàn.

Để Doanh nghiệp cơ khí Nhân Độ ngày một vươn xa các cơ quan quản lý, các ban ngành liên quan cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN; Hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua sắm thay thế một số máy công cụ đã quá lạc hậu, không còn độ chính xác trong chế tạo, gia công; Hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến mọi cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Cũng như đào tạo lại, nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra ngày càng tốt hơn, giá thành hạ hơn, phục vụ cho người tiêu dùng.

Với những sáng chế hữu ích mang lại vì cộng đồng được thị trường chấp nhận và sự ghi nhận của các cơ quan có thẩm quyền, hy vọng trong thời gian tới Doanh nghiệp cơ khí Nhân Độ do anh Lê Văn Thỏa làm Giám đốc sẽ có nhiều sáng chế hơn nữa để áp dụng vào thực tiễn.

 

Tiếp cận đại dịch Covid-19 dưới góc nhìn xã hội học

Nguyễn Khắc Thuần

Mở đầu

Lịch sử nhân loại đã phải trải qua nhiều thảm họa y tế cộng đồng, thường gọi là đại dịch gây tử vong đồng loạt có lúc lên đến hàng chục triệu người trên nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ.

Từ điển Wikipedia đã định nghĩa về đại dịch: "… là bệnh dịch tễ do nhiễm khuẩn, lây lan nhanh, xẩy ra ở một vùng dân cư rộng lớn, xuyên quốc gia, thường ảnh hưởng nghiêm trọng gây chết chóc đồng loạt cho nhiều người".

Mùa đông năm 2019, đại dịch Covid-19 phát sinh từ Vũ Hán (Trung Quốc), lây lan nhanh ra hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu. Mới sau 4 tháng đã có trên 4 triệu người phơi nhiễm, gần 300.000 người tử vong. Mỗi ngày trên thế giới lại có thêm hàng ngàn người phơi nhiễm, hàng loạt quốc gia phải phong tỏa đất nước làm đảo lộn mọi mặt cuộc sống xã hội, tàn phá dữ dội nền kinh tế toàn cầu với những diễn tiến khó lường và một di hại nặng nề "hậu covid-19" chưa có tiền lệ.

Vì vậy, thật phiến diện nếu ta chỉ tiếp cận đại dịch Covid - 19 dưới góc nhìn dịch tễ học. Và tiếp cận nó dưới góc nhìn xã hội học, khoa học xã hội và nhân văn sẽ có cái nhìn tâm thế hơn, bình tĩnh hơn, tự tin, khách quan, chủ động phòng chống để hạn chế đến thấp nhất những thiệt hại do đại dịch gây ra và giải quyết tốt nhất những vấn đề "hậu covid -19".

* Những trận đại dịch kinh hoàng trong lịch sử nhân loại

Theo thống kê của WTO (Tổ chức y tế thế giới) từ thuở bình minh loài người đến nay nhân loại đã phải trải qua hơn 20 trận đại dịch làm chết từ 2 triệu đến 50 triệu người.

Đó là những trận đại dịch:

Trận đại dịch hạch xảy ra ở Athens (430-427 trước công nguyên) đã cướp đi sinh mệnh của hơn ½ dân số và tàn phá gần như toàn bộ nền văn minh Athens rực rỡ.

Trận đại dịch hạch Anthong ở La Mã cổ đại (164-180 trước công nguyên đã cướp đi sinh mệnh của 2 vị Hoàng đế La Mã và 5 triệu binh lính và thường dân.

Trận đại ôn dịch ở châu Âu (1347 - 1351) còn được gọi là cái chết đen là một trong những trận đại dịch tệ hại nhất gây ra cái chết bi thương cho 75 triệu người (trong đó châu Âu có 50 triệu ca tử vong). Bệnh nhân chết vì trận đại dịch này trên người đen như than vì thế giới gọi là "cái chết đen".

Trận đại dịch Mi Lan (1629-1631) bùng phát tại Ý, riêng thành phố Milan đã có 60.000/130.000 thường dân chết tức tưởi.

Trận dịch hạch ở Mỹ (thế kỷ 16) đã cướp đi hơn 5 triệu thổ dân bản địa, 194 vùng dân cư của thổ dân không còn bóng người.

Trận bùng phát "cái chết đen" ở Luân Đôn (Anh) 1665-1666 đã cướp đi 1/5 dân số Luân Đôn và lây lan ra 12 quốc gia ở Âu - Mỹ - Phi làm chết hơn 6 triệu người.

Cơn thịnh nộ của "quỷ dịch hạch" lần thứ 3 ở Vân Nam (Trung Quốc) 1885 - 1950 đã lây lan ra 62 quốc gia và vùng lãnh thổ làm hơn 30 triệu người trên thế giới phải bỏ mạng. Cho đến nay mặc dù đã có vắc xin nhưng dịch hạch Vân Nam vẫn ký sinh trên người bất cứ lúc nào. Hàng năm trên thế giới vẫn có 1.000 - 2.000 người vướng vào. Một nước có nền y học tiên tiến như Mỹ mỗi năm vẫn còn 10.000 người bị dịch hạch và 7% số đó đã tử vong.

Bệnh dịch hạch vẫn còn đó mối hiểm nguy cho nhân loại. Từ năm 1720 đến 1722 đại dịch hạch phát sinh ở Mác - xây (Pháp) sau đó lan tỏa ra nhiều thành phố của nước Pháp đã tàn phá thành phố Mác - xây, phải sau 50 năm mới phục hồi.

Trận đại dịch tả phát sinh từ Ấn Độ năm 1817 đã lây lan sang Nga, Đông Âu qua Bắc Mỹ đã gây nên cái chết thê thảm của hơn 70 triệu người. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã thống kê: Thế giới đã phải vượt qua 7 đại dịch tả, 6 trong số đó phát sinh ở thế kỷ XIX. Lần thứ 7 phát sinh ở Indonexia năm 1885.

Dịch cúm là mối đe dọa loài người hằng năm. Đại dịch cúm năm 1918 ở Tây Ban Nha tiếp đến là Pháp, Mỹ, Sierra và nhiều quốc gia khác ở châu Âu chỉ trong 6 tháng đã làm 50 triệu người phải thiệt mạng. Trận đại dịch cúm năm 1957 phát sinh từ Hồng Kông sang Trung Quốc, Mỹ và 18 quốc gia khác đã cướp đi sinh mệnh 14 triệu người.

Tháng 11/2002, đại dịch Sars corona Virut (SAR - COV) đã phát sinh từ Quảng Đông (Trung Quốc) nhanh chóng lây lan ra 30 quốc gia ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á (trong đó có Việt Nam) với tốc độ lây truyền chóng mặt. Mãi đến 1 năm sau đại dịch này mới được khống chế.

Các công trình nghiên cứu về đại dịch của WHO cho thấy: Trong lịch sử nhân loại 34% các trận đại dịch hình thành ở châu Á, 26% ở châu Mỹ, 22% ở châu Phi và 18% ở châu Âu. Các trận đại dịch ở châu Âu đều xuất phát từ các nước có địa giới sát châu Á, châu Phi, 3 quốc gia dẫn đầu số lượng đại dịch là Trung Quốc, Ấn Độ và Me xi co - khu vực diễn ra nhiều đại dịch nhất là Đông Á, Tây Á, Bắc Phi và Nam Mỹ. Đó là những quốc gia sát hệ tuyến xích đạo cả về hai phía Nam và Bắc. Đây là vùng khí hậu nóng ẩm, nóng lạnh thất thường. Những quốc gia bùng nổ đại dịch có hai nhóm. Một, những quốc gia kinh tế nghèo nàn, lạc hậu; hai, những quốc gia có giao thương, giao lưu phát triển, lượng người và hàng hóa lưu chuyển nhiều, nhanh. Không có quốc gia nào là chưa hứng chịu đại dịch, chưa có thời đại nào là không có đại dịch bởi dẫu con người vô cùng thông minh, dẫu các tiến bộ y học (dịch tễ) luôn phát triển nhưng vi rút vẫn vượt lên vì chúng là sản phẩm có khả năng biến đổi khôn lường và luôn tạo ra cho mình những bí ẩn, vượt qua sự thông thái của bộ não con người. Cuộc chạy đua giữa khoa học dịch tễ của con người với vi rút luôn không cân sức. Vacxin chỉ ra đời khi vi rút đã gây nên những thảm họa khôn lường. Từ thực tiễn chống chọi với các loại dịch WHO cũng đã đưa ra những khuyến cáo:

- Không gì là không thể ở số lượng người nhiễm, người chết trong các đại dịch.

- Không gì là không thể ở tốc độ lây lan vượt khỏi nhiều quốc gia nhiều lãnh thổ.

- Không gì là không thể ở nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát khi đại dịch bắt đầu.

- Không gì là không thể nếu các quốc gia khẩn trương vào cuộc có trách nhiệm toàn cầu, tích cực và bước đi thích hợp.

* Tiếp cận Covid - 19 dưới góc nhìn xã hội học

Đã nửa năm cả nhân loại gồng mình chống chọi cùng đại dịch Covid-19 phát sinh từ Vũ Hán (Trung Quốc), mỗi ngày hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh. Đại dịch này đã ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các mặt đời sống ở hầu hết các quốc gia trên thế giới từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng an ninh. Hàng loạt quốc gia đã phải sử dụng đến biện pháp ứng phó khẩn cấp chưa từng có tiền lệ: phong tỏa toàn bộ đất nước để ngăn dịch lây lan. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã dự báo: Kinh tế thế giới sẽ suy thoái ít nhất là 3% trong năm. Đây là lần kinh tế thế giới đại suy thoái mạnh mẽ hơn, gay gắt hơn cuộc đại suy thoái những năm 1930. Từ cuộc chiến sinh tử đến cuộc chiến sinh tồn sẽ kéo dài vài thập kỷ.

Có chung đường biên giới với Trung Quốc, giao thương hai nước phát triển nên Việt Nam là một trong những quốc gia bị lây nhiễm Covid-19 Vũ Hán sớm với tốc độ nhanh, lan tỏa khắp cả nước, với sự tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định khó lường. Ấy vậy nhưng sau hơn 4 tháng từ ca nhiễm đầu tiên Việt Nam đã làm nên một điều kỳ diệu trong lúc nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, nền y học hiện đại như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp… "vỡ trận" thì tỷ lệ tử vong ở Việt Nam liên tục bằng không, các ổ dịch phát sinh đều được khống chế, tỷ lệ số ca lây nhiễm/ dân số thấp nhất ở các nước có dịch. Có được điều kỳ diệu này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của Đảng, nhà nước ngay từ đầu. Trước khi có ca phơi nhiễm đầu tiên 23/1/2020, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19 đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phòng chống dịch thích hợp, đúng hướng. Chiến lược "chống dịch như chống giặc" đã thể hiện ý chí, quyết tâm, tầm nhìn rất xa trước đại dịch của đảng và nhà nước. Từ chiến lược quyết liệt sinh tử đó, sức mạnh toàn dân tộc đã được phát huy, cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi người dân là một chiến sĩ trong phòng chống dịch, sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Tinh thần "chống dịch như chống giặc" đã khơi dậy được bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang, văn hóa của dân tộc Việt, ý chí, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của mỗi người dân Việt Nam. Cũng từ ý chí, quyết tâm chiến lược đó hệ thống truyền thông vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, liên tục để tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ mối nguy hại về đại dịch, nắm bắt được chủ trương, biện pháp, bước đi trong phòng chống đại dịch Covid-19 của Đảng và nhà nước, minh bạch công khai diễn biến hàng ngày của đại dịch trong nước và trên thế giới. Động viên cổ vũ các ngành các cấp xây dựng thế trận, lực lượng phương tiện từ cơ sở xã phường đến toàn quốc để chống dịch như chống giặc. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới huy động lực lượng vũ trang vào phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung tay góp của góp công, hướng về các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Phong trào đã lan tỏa nhanh, rộng. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc được phát huy cao độ. Chỉ sau 3 tháng nhân dân cả nước đã đóng góp 1.000 tỷ đồng, hàng trăm ngàn tấn lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, khẩu trang, máy thở, phòng cách ly âm, cồn rửa tay… gửi đến tuyến đầu chống dịch. Hàng trăm sáng kiến từ phong trào quần chúng đã gây ngỡ ngàng cho cộng đồng thế giới như "siêu thị không đồng", máy ATM gạo… GS.TS Trần Văn Thọ (Việt kiều ở Nhật) đã cùng các cộng sự chuyển giao công nghệ về nước để trong một thời gian ngắn Việt Nam sản xuất 2.000 máy thở. Khi quần chúng được trang bị đầy đủ hiểu biết, nhận thức cơ bản về đại dịch đã thực sự chung tay dập dịch. Những hình ảnh đầy cảm động về sự chung tay tình cảm của cộng đồng ở các khu cách ly, các bệnh viện điều trị bệnh nhân phôi nhiễm Covid-19, các địa bàn trở thành ổ dịch… đã nhân lên một sức mạnh Việt Nam trước quốc nạn.

Ngành y tế Việt Nam với những kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy trong trận chống đại dịch bệnh Sar-cov-2002 đã chủ động vào cuộc, làm tốt vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch. Thế giới đã thừa nhận, ngợi ca chiến lược y tế: ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị của Việt Nam là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn, có giá trị lý luận và thực tiễn mang lại hiệu quả tối ưu trong phòng chống xử lý thực tiễn đại dịch.

Tinh thần "tất cả vì người bệnh", "Tất cả để chiến thắng đại dịch"  của đội ngũ các thầy thuốc nhân viên y tế Việt Nam đã sáng trong bối cảnh đại dịch hoành hành và phát huy được tối đa sức mạnh của ngành y tế Việt Nam. Tuyến trên liên kết chặt chẽ với tuyến dưới, quân dân y kết hợp, nhiều thầy thuốc về hưu sẵn sàng lên tuyến đầu chống dịch, sinh viên các trường đại học y, dược sẵn sàng bổ sung vào đội ngũ… tạo nên một thế trận và lực lượng y tế hùng hậu chung tay diệt dịch. Các phác đồ điều trị Covid-19 nhanh chóng được xác lập và tập huấn cho các bệnh viện trung ương và địa phương mang lại hiệu quả to lớn trong điều trị giữ vững số không trong tử vong, dồn sức cho các ca bệnh nặng kèm theo cơ địa có bệnh nền.

Tận dụng "thời cơ vàng" trong chống dịch, ngành y tế đã tham mưu cho chính phủ thực hiện gián cách xã hội đúng thời điểm được người dân đồng tình, ủng hộ cao kịp thời chặn đứng sự lan tỏa của dịch bệnh trong giai đoạn 2.

Cũng từ "chống dịch như chống giặc" các nhà khoa học các trường Đại học y dược, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm, Bộ Y tế đã nhanh chóng được tập hợp lại hình thành nên một bộ tham mưu về khoa học giúp Ban Chỉ đạo quốc gia nhanh chóng, triệt để ứng dụng các tiến bộ thành tựu, KHKT, nghiên cứu các sinh phẩm chẩn đoán, đầu tư nghiên cứu sản xuất các thiết bị phòng hộ (kể cả máy thở). Tháng 2/2020, Học viện Quân y Bộ Quốc phòng nghiên cứu sản xuất thành công bộ Kit xét nghiệm. Thành công này không chỉ đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trong nước mà còn góp phần chi viện, xuất khẩu sang các nước bạn. Triệt để khai thác các thành tựu công nghệ thông tin trong việc: thực hiện tờ khai y tế, báo cáo cập nhật tình hình hàng ngày, tuyên truyền vận động nhân dân, theo dõi giám sát bệnh nhân, tập huấn kỹ thuật điều trị, hội chẩn các tuyến để đầu tư cho những bệnh nhân nặng đã nâng cao được chất lượng hiệu quả phòng chống dịch. Trong muôn ngàn khó khăn, đảo lộn cuộc sống do đại dịch gây ra, việc khai thác các tiến bộ KHKT đặc biệt là công nghệ thông tin đã được đặc biệt quan tâm. Các cấp học trong cả nước đã tổ chức học tập cho học sinh qua mạng viễn thông để đảm bảo chương trình năm học. Các cuộc hội họp từ trung ương đến địa phương được tổ chức trực tuyến để đảm bảo thường xuyên sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản trị đất nước. Cán bộ, công nhân viên những ngành nghề cho phép tổ chức làm việc qua máy tính tại nhà để giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp, doanh nhân, hộ buôn bán áp dụng công nghệ đổi mới kinh doanh, lưu thông hàng hóa… Những việc làm đó đã biến "nguy" thành "cơ" để bình ổn xã hội, ổn định chính trị trong phòng chống đại dịch.

Cũng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để "cứu nền kinh tế như cứu hỏa". Các khoản cứu trợ khẩn cấp cho người nghèo, cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, người có công được khởi động nhanh chóng để bảo đảm an sinh xã hội. Tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra gói cứu trợ 63.000 tỷ đồng, các chính sách giảm lãi suất vay, hoàn đóng thuế, phí, bảo hiểm… đã kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định tình hình để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Đến cuối tháng 4/2020, đại dịch có chiều hướng tạm lắng, các biện pháp dập dịch phát huy hiệu quả giãn cách xã hội được giảm cường độ, chính phủ các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn dân không chủ quan, lơ là mất cảnh giác, đẩy mạnh phòng chống dịch trước mắt và lâu dài đồng thời phát triển kinh tế xã hội, giữ vững các mục tiêu kinh tế đã được xác định trong năm 2020.

Thành công trong phòng chống đại dịch đã để lại một niềm tin lớn trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó là cơ sở để Việt Nam chiến thắng bước đầu đại dịch và sẽ tiếp tục thu được nhiều thành tựu mới về phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ "hậu Covid -19".

 

Quê hương, gia đình, tuổi trẻ Hồ Chí Minh

TS. Lê Thị Hiếu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên gọi lúc sinh thời là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890, tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Chùa), thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; nên Người mang đậm trong mình dấu ấn truyền thống vùng đất xứ Nghệ, giàu lòng yêu nước, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống và kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.

Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, thiên nhiên khắc nghiệt nhiều thiên tai, nắng hạn, bão lụt, "Nghệ An đất xấu dân nghèo nên chịu khổ, nhẫn nại cần cù và kiệm ước". Hoàn cảnh ấy đã tôi luyện cho người dân nơi đây tinh thần kiên cường, lòng nhẫn nại, biết thích ứng với hoàn cảnh và vượt qua nghịch cảnh. Trong đó, Hoàng Trù - quê ngoại của Người - nằm gần sông Lam giữa một vùng sơn thủy hữu tình, người dân ở đây quanh năm chăm chỉ làm lụng, vừa làm ruộng, vừa làm nhiều nghề phụ khác, như mộc, rèn, dệt vải,... Kim Liên - quê nội của Người, còn có tên gọi là làng Sen với rất nhiều loại sen trắng, sen hồng luôn tỏa hương. Kim Liên cách Hoàng Trù 2km, nằm cạnh một quả đồi không cao mà dân làng vẫn quen gọi là núi Chung.

1. Quê hương Nghệ An - giàu truyền thống yêu nước, hiếu học

Mặc dù là một làng quê nghèo, nhưng Kim Liên là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và anh hùng hào kiệt. Trong dòng chảy chung của dân tộc, người dân Nghệ An luôn hun đúc trong mình lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, Nghệ An là địa bàn chiến lược và cũng là nơi diễn ra nhiều phong trào đấu tranh yêu nước như: khởi nghĩa Mai Thúc Loan, phong trào Cần vương, phong trào Đông du, phong trào Duy tân, cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh…

Quê hương Nghệ An là mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khổ học. Nhờ truyền thống hiếu học mà nhiều gia đình, nhiều dòng họ ở khắp các làng quê đều có nhiều người đỗ đạt cao như: họ Hồ (Quỳnh Lưu); họ Ngô (Lý Trai, Diễn Châu ); họ Nguyễn Trọng (Trung Cần, Nam Đàn); họ Đặng (Nho Lâm, Diễn Châu); họ Vương (Vân Diên, Nam Đàn), v.v.. Đây cũng là vùng đất của những người thầy dạy giỏi nổi tiếng, đào tạo nhiều thế hệ học trò giỏi, thành đạt, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Qua quá trình lao động và đấu tranh, người Nghệ An đã sáng tạo nên một kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian phong phú. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này nổi tiếng là vùng đất có những làn điệu dân ca mang đậm sắc thái văn hóa người xứ Nghệ, điển hình là dân ca ví, giặm xứ Nghệ được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Kho tàng văn hóa dân gian Nghệ An hội tụ các giá trị về truyền thống, lịch sử, nhân văn và tri thức bản địa trên hầu hết các lĩnh vực, được tiếp tục phát huy trong thời kỳ hội nhập và phát triển của quê hương.

Sinh ra trên quê hương có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, giàu lòng yêu nước, cách mạng, ý chí quật cường, chịu khó, nên từ thuở nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm bộc lộ lòng yêu nước thương dân. Người rất khâm phục cuộc khởi nghĩa Cần vương do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885 - 1896); phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu (1904 -1908); Cuộc vận động cải cách do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng (1905 - 1908)… Nhưng Người dần hiểu, con đường cứu nước, cứu dân sẽ phải đi theo hướng khác thì sức mạnh đoàn kết đó mới được phát huy, người dân nghèo mới được giải phóng.

2. Văn hóa gia đình, yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách Hồ Chí Minh

Nếu như quê hương là nguồn cội, thì gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên cốt cách, nhân phẩm con người Hồ Chí Minh. Một gia đình với những người giàu truyền thống cách mạng, đức hy sinh và tinh thần lao động và học tập kiên cường.

Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), ông nổi tiếng ham học. Từ khi còn nhỏ, mặc dầu không được đến trường nhưng mỗi khi dắt trâu ra đồng, ông thường dừng chân trước cổng nhà thầy Vương Thúc Mậu lắng nghe bài giảng của thầy. Về nhà lúc rảnh rỗi, ông thường tập viết trên lá cây. Sau đó, cụ Hoàng Xuân Đường nhận thấy ông là người thông minh ham học nên đã tạo điều kiện cho ăn học rồi chọn làm con rể. Với sự quyết tâm, chăm chỉ, miệt mài, cụ đã đạt được học vị cử nhân trong khoa thi hương năm Giáp Ngọ (1894) và học vị Phó bảng trong khoa thi hội năm Tân Sửu (1901). Mặc dù đỗ Phó bảng nhưng ông từ chối làm lễ rước vinh quy và không tổ chức ăn mừng vì không muốn nhân dân vất vả về sự thành đạt của cá nhân. Ông lấy quỹ thưởng khi đậu Phó bảng để giúp đỡ người nghèo trong làng làm vốn kiếm kế sinh nhai. Đức tính hiếu học, lòng yêu thương con người, sự giản dị, gần gũi với nhân dân đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách con người Hồ Chí Minh sau này.

Thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan (1868 -1901), một người phụ nữ chịu thương, chịu khó cần cù, đảm đang, hết lòng yêu thương chồng con. Bà là người hiểu biết, thường ru con bằng những làn điệu dân ca, ví giặm, những câu Kiều mang đậm bản sắc văn hóa của người Nghệ. Những làn điệu ấy đã thấm đậm trong tâm trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Người đi suốt cuộc đời. Năm 1928 - 1929 khi còn hoạt động ở Thái Lan, một lần vô tình nghe một bà mẹ ru con, Người thấy bùi ngùi xúc động tưởng nhớ đến mẹ. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mẹ là một kho truyện cổ tích, truyện Kiều, ca dao, dân ca xứ Nghệ mang đậm tính giáo dục và thấm đẫm văn hóa quê hương.

Chị cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954), bí danh Bạch Liên. Ngay từ thuở thiếu thời, bà đã tiếp thu truyền thống yêu nước thương người của cả hai gia đình nội ngoại và tự trang bị cho mình vốn Hán học, y học. Bà luôn là hình ảnh người phụ nữ thảo hiền, kiên trung, bất khuất trong tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950), là con thứ hai trong gia đình cụ Phó bảng, còn được gọi là Cả Khiêm, tên tự Tất Đạt. Thời thanh niên, ông tham gia các hoạt động yêu nước chống thực dân và phong kiến và từng bị tù đày nhiều nǎm. Do hành nghề thầy thuốc và thầy địa lý, ông còn có biệt danh là "Thầy Nghệ".

Với nền tảng gia đình như vậy đã đóng vai trò quan trọng, đã đặt nền móng và góp phần tạo nên phẩm chất, cốt cách con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.    

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu (1905 - 1910)

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên là Nguyễn Sinh Cung. Từ lúc ra đời đến tuổi lên 5, Nguyễn Sinh Cung sống ở quê nhà trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của ông bà ngoại và cha mẹ, lớn lên trong truyền thống tốt đẹp của quê hương, giàu truyền thống hiếu học, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống và bất khuất trước kẻ thù. Nguyễn Sinh Cung ham hiểu biết, thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ, từ các hiện tượng thiên nhiên đến những chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường kể.

Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung cùng với gia đình chuyển vào Huế lần thứ nhất, khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào Kinh thi hội. Từ cuối năm 1895 đến đầu năm 1901, Nguyễn Sinh Cung sống cùng cha mẹ tại Huế, ở nhờ nhà một người quen ở trong thành nội (nay là số nhà 112, đường Mai Thúc Loan). Đó là những năm tháng gia đình ông Sắc sống trong cảnh gieo neo, thiếu thốn. Bà Hoàng Thị Loan làm nghề dệt vải, còn ông Sắc ngoài thời gian học, phải đi chép chữ thuê để kiếm sống, để học và dự thi.

Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc dự thi hội lần thứ hai nhưng vẫn không đỗ. Cuộc sống gia đình càng thêm chật vật khó khăn. Gần cuối năm 1898, theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông Nguyễn Sinh Sắc về dạy học cho một số học sinh ở làng Dương Nỗ, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Sĩ Khuyến (em trai ông Nguyễn Sĩ Độ), xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế 6 km. Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha về đây và bắt đầu học chữ Hán tại lớp học của cha.

Cuối năm 1900, ông Nguyễn Sinh Sắc được cử đi coi thi ở trường thi hương Thanh Hoá. Ông đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng, còn Nguyễn Sinh Cung thì về sống với mẹ trong nội thành Huế. Bà Loan sinh bé Xin trong hoàn cảnh khó khăn túng thiếu nên lâm bệnh và qua đời. Chẳng bao lâu sau, bé Xin quá yếu cũng theo mẹ. Mới 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung đã chịu nỗi đau mất mẹ và em.

Hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. So với quê hương xứ Nghệ, Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm. Nguyễn Sinh Cung cũng thấy ở Huế có nhiều lớp người, những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè; còn phần đông người lao động thì chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục.

Tháng 5/1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng khoa thi hội Tân Sửu. Khoảng tháng 9/1901, Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình chuyển về sống ở quê nội. Ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ vào làng cho hai con trai với tên mới là Nguyễn Tất Đạt (Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung).

Mùa xuân năm 1903, Nguyễn Tất Thành theo cha đến xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và tiếp tục học chữ Hán. Tại đây, Nguyễn Tất Thành lại có dịp nghe chuyện thời cuộc của các sĩ phu đến đàm đạo với cha mình. Cuối năm 1904, Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, khi ông Sắc đến đây dạy học. Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, thăm các di tích thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, v.v..

 Tháng 7/1905, Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương, Thái Bình, trong dịp ông Nguyễn Sinh Sắc đi gặp các sĩ phu ở vùng đó. Khoảng tháng 9/1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Sắc xin cho theo học lớp dự bị (Préparatoire) Trường tiểu học Pháp - Việt ở thành phố Vinh. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái.

 Sau nhiều năm lần lữa việc đi làm quan, cuối tháng 5/1906, ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô nhậm chức. Nguyễn Tất Thành và anh trai cùng đi theo cha. Vào Huế, Nguyễn Tất Thành cùng với anh trai được cha cho đi học Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, lớp dự bị (cours préparatoire, tháng 9/1906); lớp sơ đẳng (cours élémentaire, tháng 9/1907).

Ở Huế, lần này xảy ra một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời của Nguyễn Tất Thành. Tháng 4/1908, anh tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên, khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời Người vì quyền lợi của nhân dân lao động. Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh của nông dân, Nguyễn Tất Thành bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Tuy nhiên, tháng 8/1908, Nguyễn Tất Thành, với tên gọi Nguyễn Sinh Côn, vẫn được ông Hiệu trưởng Quốc học Sukê (Chouquet) tiếp nhận vào học tại trường. Tháng 9/1908, Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng (lớp nhì) (cours moyen) tại Trường Quốc học Huế.

Khoảng tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học Huế theo cha vào Bình Định, khi ông được bổ nhiệm chức Tri huyện Bình Khê. Trong thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành thường được cha dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn. Cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi học tiếp chương trình lớp cao đẳng (lớp nhất - cours supérieur), tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Quy Nhơn. Ông Nguyễn Sinh Sắc hiểu khả năng và chí hướng người con trai thứ của mình nên đã tạo điều kiện cho anh được tiếp tục học lên.

Tháng 6/1910, Nguyễn Tất Thành hoàn thành chương trình tiểu học. Sau khi nghe tin cha bị cách chức Tri huyện Bình Khê, bị triệu hồi về kinh, anh không theo cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam. Trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Ở đây, anh xin vào làm trợ giáo (moniteur), được giao dạy một số môn, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khoá của Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907. Ngoài giờ lên lớp, Nguyễn Tất Thành tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần đầu tiên, anh được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rútxô (Rousseau), Vônte (Voltair), Môngtétxkiơ (Montesquieu). Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc anh tìm đường đi ra nước ngoài.

Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn một thời gian ngắn, anh thường đi vào các xóm thợ nghèo, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi. Ở đâu anh cũng thấy nhân dân lao động bị đọa đày, khổ nhục. Nguyễn Tất Thành cũng hay đến những cửa hàng ở gần cảng Sài Gòn, nơi chuyên nhận giặt là quần áo cho các thủy thủ trên tàu Pháp, để tìm cách xin việc làm trên tàu, thực hiện ước mơ có những chuyến đi xa.

Như vậy, có thể thấy rằng, truyền thống yêu nước của người dân xứ Nghệ, của gia đình là chiếc nôi tốt, sớm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước cho Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh đó, được trưởng thành nhanh chóng trong thời kỳ phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta liên tiếp nổ ra liên tiếp trong những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời từng được chứng kiến cảnh thực dân Pháp chém giết người yêu nước, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong những bể máu, Nguyễn Tất Thành đã "sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào". Người mong muốn thực hiện khát vọng lớn lao của cuộc đời mình, đó là: "Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào". Vượt qua mọi gian truân, bằng ý chí, bằng nghị lực và bằng sức mạnh của tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí dấn thân vì nghĩa lớn. Ngày 05/6/1911, ngày Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh lựa chọn một sự khởi đầu đúng để tìm đường đi cho dân tộc mình.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 1992-1996 (10 tập).

2. Hồ Chí Minh hành trình đến thắng lợi, Nxb Thế giới, 2011.

3. Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh với nước Nga, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2013.

4. Hồ Chí Minh - một chân dung (Minh họa và trình bày: David Thomas; Nghiên cứu - biên soạn: Lady Borton; Giới thiệu: Charler Fenn), Nxb Thanh niên, 2003.

5. Hồ Chí Minh Tiểu sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, 2000.

6. Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, 2001.

7. 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2019), Nxb Giáo dục Việt Nam.

 

Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA - Những cam kết quan trọng cần lưu ý

Nguyễn Viết Hùng

Hồ Thị Thủy

Tháng 12/2015, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức hoàn tất đàm phán. Ngày 30 tháng 3 năm 2020 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Theo đó, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực chia sẻ, hợp tác không ngừng nghỉ suốt thời gian qua của hai bên, từ lúc bắt đầu đàm phán, ký kết, hoàn thiện thủ tục pháp lý và thông qua. 

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có phạm vi cam kết rất rộng, không chỉ các lĩnh vực thương mại truyền thống (hàng hóa, dịch vụ,...) mà còn cả các lĩnh vực thương mại lần đầu tiên Việt Nam có cam kết (như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công,...), thậm chí có cả các vấn đề phi thương mại nhưng gắn trực tiếp tới hoạt động thương mại (môi trường, phát triển bền vững,...). Đây được xem là bước ngoặt lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt tạo cú huých rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo đó, EVFTA sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông - thủy sản, đồ gỗ...

Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam thâm nhập thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD của EU. Trong những năm qua, EU chính là đối tác thương mại quan trọng nhất Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 56,45 tỉ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỉ USD, nhập khẩu đạt 14,9 tỉ USD). Không những có cơ hội thâm nhập thị trường lớn, sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các Hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Theo tính toán của các chuyên gia, khi Hiệp định được thực thi, tổng sản phẩm nội địa hàng năm của Liên minh châu Âu sẽ tăng thêm khoảng 30 tỉ USD, còn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với việc không có Hiệp định.

Tuy nhiên, với phạm vi cam kết rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực, nên Hiệp định sẽ tác động lớn đến thể chế pháp luật và kinh tế nước ta. Một trong những vấn đề về thể chế được nhấn mạnh trong Hiệp định là vấn đề sở hữu trí tuệ, được nói đến tại Chương 12 với mục tiêu bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đây là chế định tập hợp của các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT.

EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ rất lớn, đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT này. Từ góc độ nội dung, các cam kết trong Chương 12 về SHTT trong Hiệp định EVFTA, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tóm tắt và phân thành các nhóm sau:

- Nhóm 1: Các cam kết về nguyên tắc chung trong bảo hộ các quyền SHTT của EVFTA:

+ Ghi nhận mục tiêu thúc đẩy sáng tạo, bảo hộ và thực thi các quyền SHTT, cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và người sử dụng.

+ Khẳng định các quyền và nghĩa vụ theo các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là TRIPS.

+ Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.

+ Cam kết về chấm dứt quyền.

- Nhóm 2: Các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại đối tượng SHTT cụ thể:

+ Cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.

+ Cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu.

+ Cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

+ Cam kết về các tiêu chuẩn kiểu dáng công nghiệp.

+ Cam kết về các tiêu chuẩn về bảo hộ sáng chế.

+ Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng trung gian.

- Nhóm 3: Các cam kết về tố tụng dân sự thực thi quyền SHTT:

+ Cam kết về các biện pháp trong thực thi quyền SHTT (biện pháp tạm thời, các biện pháp khắc phục, các lệnh cấm, các biện pháp thay thế,...).

+ Cam kết về các vấn đề thuộc về tố tụng thực thi quyền SHTT (cung cấp bằng chứng, quyền được thông tin, nguyên tắc suy đoán quyền,...).

+ Cam kết về trách nhiệm vật chất trong tố tụng SHTT (bồi thường thiệt hại, chi phí pháp lý,...).

- Nhóm 4: Các cam kết về biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới:

+ Phạm vi các biện pháp tại biên giới.

+ Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong thực thi quyền SHTT tại biên giới.

+ Hợp tác trong cải thiện chất lượng hành chính.

+ Các biện pháp thực thi khác: Khuyến khích các hiệp hội về SHTT xây dựng các Bộ quy tắc ứng xử; Hợp tác trong thực thi SHTT.

Việc phân nhóm các nội dung của Hiệp định về SHTT không chỉ giúp cộng đồng, doanh nghiệp, các cá nhân tiếp cận được với thông tin, nắm được nội dung và các quy định về SHTT mà còn giúp Việt Nam rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành với các cam kết cụ thể trong EVFTA về SHTT, làm cơ sở để xác định những chế định đặc biệt hoặc chưa tương thích của pháp luật nội địa với các cam kết EVFTA về SHTT, từ đó đề xuất các phương án sửa đổi, điều chỉnh hệ thống pháp luật để đảm bảo tuân thủ EVFTA.

Việt Nam là một nước đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm SHTT so với đối tác EU, do đó, rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề SHTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, trở thành một trong những vấn đề đàm phán khó khăn, phức tạp nhất trong EVFTA, và Chương SHTT cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ Hiệp định.

Như vậy, muốn hội nhập sâu rộng, tận dụng các cơ hội, ứng phó với những thách thức mà Hiệp định thương mại tự do EVFTA mang lại, thì Việt Nam cần tạo được hệ thống SHTT mạnh làm tiền đề để kiểm soát các hoạt động kinh doanh, bảo vệ thương hiệu; tạo môi trường cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao. Để thực hiện được Việt Nam cần tập trung triển khai các giải pháp:

Từ phía Nhà nước, cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ; Hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động, môi trường; Phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng đến xây dựng nông nghiệp hữu cơ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, trong đó gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2030. Theo đó, hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam được phát triển đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng đóng góp tài sản trí tuệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng như của xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về phía doanh nghiệp, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, người dân phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

Chú trọng đảm bảo xuất xứ hàng hóa: Về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA có điều khoản về cộng gộp đối với một số nước đã có FTA với EU, điển hình như Hàn Quốc. Ví dụ với mặt hàng dệt may, khi Hàn Quốc đã có FTA với EU, các nguyên phụ liệu của ngành dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc được phép tính cộng gộp. Việc thúc đẩy giao thương với EU nhờ Hiệp định EVFTA, bên cạnh việc nỗ lực tận dụng những cơ hội mở ra, coi trọng công tác phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm khai thác bất hợp pháp các cam kết của hiệp định này cũng là điều quan trọng, cần đặc biệt lưu tâm.

Tuy nhiên, song song với lợi thế lớn là sự khó tính của thị trường EU, những yêu cầu cao về chất lượng, các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu của các nước thuộc khối EU liên tục thay đổi khiến sản phẩm của chúng ta phải liên tục thay đổi để kịp thời đáp ứng. Điều này là một trở ngại lớn đối với nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất còn mang tính thủ công, truyền thống; doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ như ở Nghệ An.

Bên cạnh đó, sự khó khăn do những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra, cũng sẽ là trở ngại không nhỏ khi doanh nghiệp, người dân Nghệ An muốn tham gia Hiệp định. Nhất là khi mà ở Nghệ An hiện mới chỉ có 1.142 đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó nhãn hiệu là 1.053; kiểu dáng 65; Giải pháp hữu ích 11; sáng chế 13. Và chỉ khoảng 27,4% doanh nghiệp cho biết họ có biết về thực hiện một số công việc liên quan đến Sở hữu trí tuệ (theo số liệu của Sở KH&CN Nghệ An, tháng 11/2019).

EVFTA được ví là "con đường cao tốc hướng Tây", kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới. Do đó, để tận dụng "cơ hội vàng", ngoài việc thực hiện các cam kết khác, trong cam kết về sở hữu trí tuệ, Nghệ An cần chú trọng 4 vấn đề lớn, đó là:

Thứ nhất, về Chỉ dẫn địa lý: Cần nắm vững các tiêu chí chung đối với hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa (dệt may, thép..), chứng chỉ nguyên liệu (thủy sản, gỗ, dược liệu…) vì đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong SHTT của Hiệp định.

Thứ hai, về Sở hữu công nghiệp: Theo đó, về sáng chế, ngoài việc khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (về thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế), tiến tới đơn giản hóa thủ tục đăng ký. Đối với nhãn hiệu, Hiệp định yêu cầu các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, áp dụng Bảng phân loại Nice. Về kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Hiệp định yêu cầu các Bên gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thứ ba, về Quyền tác giả: Hiệp định EVFTA tập trung vào việc đảm bảo sự bảo hộ hiệu quả các quyền này trong môi trường kỹ thuật số trên cơ sở yêu cầu các Bên gia nhập hai điều ước của Tổ chức SHTT thế giới - WIPO (WCT và WPPT) về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường Internet trong vòng 2 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; và quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong các vụ xâm phạm quyền SHTT trên Internet.

Thứ tư, Thực thi quyền SHTT tăng cường tính hiệu quả: Hiệp định EVFTA đặt ra thêm một số yêu cầu về thực thi dân sự và kiểm soát biên giới so với Hiệp định TRIPS, nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động thực thi quyền.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định EVFTA tới các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, tạo tâm thế chủ động khi tham gia Hiệp định; Bên cạnh đó, ngoài việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, người dân về vấn đề SHTT, cần đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu về luật SHTT để chủ động tham gia quá trình kiện tụng, xử lý tranh chấp và bênh vực quyền lợi chính đáng cho người dân khi tham gia Hiệp định.

Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có cả doanh nghiệp Nghệ An có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Và là một FTA thế hệ mới, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng trở thành một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ SHTT.

 

Chính sách của triều Lê - Trịnh đối với người nông dân Nghệ An thế kỷ XVII - XVIII

Trịnh Thị Hà

Thế kỷ XVII - XVIII, Nghệ An là một trong những địa phương đặt dưới sự quản lý của triều đình Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài. So với các địa phương khác, nơi đây có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng cũng là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng, từng là "phên dậu" của đất nước khi cùng hỗ trợ các địa phương trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay từ thời Bắc thuộc. Đặc biệt, trong buổi đầu Lê Trung hưng người dân Nghệ An đã hưởng ứng Lê Trang Tông khởi binh đánh Mạc Đăng Dung góp phần rất quan trọng vào việc tái thiết vương triều Lê. Trong cuộc nội chiến chống chúa Nguyễn ở Đàng Trong của triều Lê - Trịnh (1627 - 1672), Nghệ An lại trở thành "căn cứ địa" quan trọng khi diễn ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt.

Sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, cùng với những cuộc giao tranh về chính trị, quân sự xảy ra liên tục trong nhiều thập kỷ đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của mọi giai tầng, trong đó có người nông dân. Hiểu rõ được vị thế quan trọng của vùng đất Nghệ An, đồng thời mong muốn góp phần cải thiện, ổn định đời sống cư dân, chính quyền Lê - Trịnh đã ban hành và thực thi một số chính sách cứu trợ xã hội và kinh tế dành cho người nông dân.

1. Đời sống của nông dân Nghệ An thế kỷ XVII, XVIII

Trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, cũng như nhân dân cả nước, người nông dân Nghệ An đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi những cuộc đấu tranh giành quyền lực của các tập đoàn quân chủ, trong đó cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài 45 năm đã khiến cho vùng đất Nghệ An luôn bị tàn phá, bất ổn định khi nơi đây luôn trở thành chiến địa diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa đội quân của hai dòng họ Trịnh - Nguyễn, nhất là trong giai đoạn 1655 -1663(1). Các cuộc chiến sự xảy ra tại Nghệ An không chỉ tàn phá xóm làng, đồng ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân, mà đó còn là nguyên nhân làm cho hiện tượng "binh dịch" tăng lên khi người nông dân còn bị bắt gia nhập quân đội, tham gia chiến trận.

Người dân Nghệ An còn chịu sự bóc lột của tầng lớp cường hào địa chủ ở địa phương về mặt kinh tế. Tuy chính sử không ghi chép cụ thể cuộc sống cơ cực, lầm than của người dân Nghệ An trong giai đoạn lịch sử này, nhưng những dữ kiện lịch sử ghi chép về cảnh mất mùa, đói kém xảy ra liên tiếp cho người dân của cả nước trong thế kỷ XVIII đã phần nào phản ánh hệ lụy của các yếu tố chiến tranh, sự thiếu quan tâm của Nhà nước, sự bóc lột của tầng lớp quan lại ở địa phương đã có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống người dân.

Trước hết, người nông dân Nghệ An bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng thiên nhiên xảy ra thường xuyên và liên tiếp. Trong suốt thế kỷ XVIII, Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác của cả nước đã phải gánh chịu hậu quả của các trận lũ lụt và hạn hán xảy ra vào các năm 1713, 1721, 1724, 1728, 1749, 1755, 1756, 1768. Trong đó có những trận lụt lớn như năm 1756: "Nghệ An mưa to, nước lụt, lúa ruộng bị ngập hết"(2). Hoặc đại hạn lớn như năm 1768 khiến cho nhiều người dân Nghệ An chết đói. Hạn hán, lũ lụt đã làm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, đồng ruộng bỏ hoang hoặc ngập lụt, cây lúa và cây hoa màu không sống được..., khiến cho các hiện tượng mất mùa, đói kém, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ở Nghệ An. Không những vậy, người dân Nghệ An còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thời tiết tai ương. Như vào năm 1714, Nghệ An phát sinh chứng dịch; hoặc vào năm 1777 xảy ra động đất tại Nghệ An... Các thiên tai bất dị cùng nạn đói xảy ra trong thời gian dài khiến cho nhiều người chết đói "Dân đói phải ăn rau cỏ sống, nấu củ nâu lên ăn cũng không sống nổi. Họ dắt nhau đi đầy đường, thây chết đói chồng chất"(3).

Người dân Nghệ An còn phải nộp nhiều loại thuế khác nhau: thuế thân (tiền quý), thuế điền, phép dung, tô với mức độ nhiều ít khác nhau. Chính sự bóc lột nặng nề về đời sống kinh tế đã khiến cho đời sống xã hội của người nông dân khổ cực, từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến phát triển đến đỉnh điểm, một số cuộc khởi nghĩa nông dân do các thủ lĩnh đứng đầu đã có lúc lui về Nghệ An lập căn cứ địa hoặc xây dựng lực lượng và được nhân dân nơi đây ủng hộ. Chiến tranh loạn lạc lại gây ra sự bất ổn định về mặt xã hội của người nông dân trong thời gian dài.

Trước các thực trạng đó, triều Lê - Trịnh đã thi hành một số chính sách quan trọng về kinh tế và xã hội nhằm cải thiện đời sống kinh tế của người dân Nghệ An, qua đó góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự xã hội.

2. Chính sách giảm tô thuế, binh dịch, cứu đói

Tô thuế, binh dịch, lao dịch là những nghĩa vụ bắt buộc mà người nông dân vùng Đàng Ngoài nói chung, nông dân Nghệ An nói riêng phải thực hiện với Nhà nước đương thời. Nghĩa vụ nộp thuế gồm hai bộ phận là thuế ruộng đất (thuế điền) và thuế nhân đinh (thuế đinh). Mức thu thuế cụ thể của người nông dân Nghệ An quy định như thế nào, tư liệu không ghi cụ thể nhưng qua lệ tiền thuế quy định năm 1625 của triều Lê - Trịnh dành cho cư dân thuộc các xứ bên ngoài kinh thành, trong đó có xứ Thanh Hoa và Nghệ An cho biết tiền thuế thân của các hạng dân được phân từng hạng khác nhau. Theo quy định, đối với hạng dân: mỗi người phải bỏ ra 1 quan 2 mạch 30 văn tiền quý, không có tiền quý thì chuẩn nộp cho 2 quan 5 mạch tiền gián(4). Đối với thuế quan điền đều phỏng theo thuế thân, thu 7 phần, tha 3 phần để tỏ ý khoan dung thương xót. Theo quy định năm 1730, đối với tiền điệu thì do người dân tự đưa nộp, nhưng với thuế tô ruộng nộp vào tháng trọng đông (tháng 11) tại kho công ở Vĩnh Doanh (đặt tại Vinh).

Tuy nhiên, do đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên không phải lúc nào người nông dân cũng nộp các khoản thuế đúng hạn quy định của Nhà nước, mà thường tồn đọng qua năm này đến năm khác. Thậm chí, vì nghèo đói, tại rất nhiều làng quê trong cả nước xảy ra hiện trạng người dân rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa đi phiêu bạt khắp nơi để kiếm kế sinh nhai nên nợ thuế càng chồng chất hơn. Tính chung ở vùng Đàng Ngoài năm 1730, cư dân của 527 làng xã phiêu tán gần hết. Năm 1741 số làng phiêu tán tăng lên là 3.691 làng. Cuối thế kỷ XVIII, trong tổng số 11.767 xã thuộc các trấn vùng đồng bằng và Thanh, Nghệ có đến 1.488 làng xã bị phiêu tán(5). Trước thực tế đó, nhiều lần triều Lê - Trịnh đã ban hành các chỉ dụ sai các quan thăm hỏi đời sống nhân dân, thực hiện việc giảm, miễn, xá các loại thuế nợ của người dân, trong đó có cả xứ Nghệ An. Việc giảm thuế cho người dân tiếp tục được Nhà nước duy trì thực hiện vào các năm kế tiếp: 1709, 1713, 1725, 1728, 1730, 1735, 1739, 1755, 1758, 1767, 1768, 1771. Song tùy vào từng năm, phụ thuộc vào thiệt hại mùa màng do thiên tai, hạn hán nhiều hay ít mà Nhà nước quy định miễn, xá thuế có mức độ. Như năm 1713, triều đình căn cứ vào việc lúa mất hoàn toàn hay mất một nửa để miễn thuế nhiều hay ít, nếu lúa bị mất hoàn toàn thì thuế vụ hạ đều được miễn cả, hạng mất một nửa chỉ được tha cho 5/10 (tức một nửa).

Vào năm 1724, xác định vị thế quan trọng của vùng Thanh Nghệ là ấp thang mộc, trong đó Nghệ An đã từng là nơi Ứng nghĩa (chỉ việc dân Nghệ An hưởng ứng theo Lê Trang Tông đánh Mạc Đăng Dung), nên chúa Trịnh đã chủ trương thực hiện chính sách nới nhẹ và khoan dung về vấn đề tô thuế, điệu dịch. Trong đó về thuế điệu xứ Nghệ An và Thanh Hóa sẽ đóng góp theo lệ như vùng Tứ trấn; còn tô ruộng đều được giảm một nửa và cho miễn thuế dung(6). Đến năm 1730, trong khi thực hiện phép sửa đổi phép điệu và phép tô (thuế ruộng), Nguyễn Công Hãng đã xin triều đình cho giảm thuế tô ở hai xứ Thanh Hoa và Nghệ An, và được chuẩn cho chỉ thu bằng một nửa số ở Tứ trấn, công điền thì được miễn hoàn toàn. 

Nghĩa vụ binh dịch với Nhà nước cũng tác động không nhỏ đến đời sống của đông đảo người dân Nghệ An. Việc duy trì một số lượng quân đội lớn, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa để trấn áp các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân đã gián tiếp đẩy người nông dân - nguồn cung ứng binh đinh cho Nhà nước càng trở nên khốn đốn hơn. Nhiều người dân đã trốn để không bị bắt làm lính, hoặc khi vào lính tìm cách trốn bỏ như năm 1742, do tình hình đói kém nên số binh lính của xứ Nghệ An và Thanh Hoa bỏ trốn đến hơn vạn người. Để đảm bảo quân số binh dịch, các hiện tượng "quan cai quản bắt đòi, quan Trấn thủ tróc nã" trở nên phổ biến trong làng xã xứ Nghệ An, trực tiếp phiền nhiễu đến đời sống của người dân. Trước thực trạng này, triều đình đã thi hành nhiều giải pháp khác nhau như cho giảm ngạch bắt lính, hoặc như lời tâu của Tham tụng Nguyễn Quán Nho năm 1705 xin cho "đình chỉ ngay cái lệ cho Binh phiên bắt bớ để giảm phiền phí; nơi nào thực sự nghèo khổ thì cho Trấn quan mật tâu lên, đợi lệnh sẽ thi hành"(7). Năm 1721, chúa Trịnh Cương cho định rõ lại ngạch lính ở các địa phương, riêng hai xứ Nghệ An và Thanh Hoa thì cho giảm bớt ngạch tuyển lính thay vì cứ 3 suất đinh lấy một người lính, đến đây (năm 1721) lệnh cho quan địa phương tra xét số hộ, số khẩu nơi nào tăng lên, nơi nào sút kém, chia ra từng hạng, khi tuyển lính đều được theo điển lệ khoan hồng, định lệ 5 suất đinh lấy một người lính, và đó phải là người mạnh khỏe và là nhà vật lực(8). Năm 1742 theo lời tâu của Lê Hữu Kiều nên để quan địa phương của xứ Nghệ An thân hành đi hỏi dân tình, tùy nghi đòi hỏi lựa chọn, không được truy nã bắt bớ; triều đình ưng thuận đã cử Phạm Doãn Vỹ chia đi chọn lính. Đến năm 1743, triều đình sai Thống suất Nghệ An Nguyễn Gia Châu xếp đặt việc biên cương, tập hào mục và mộ binh đinh chia đồn giữ bảo vệ tình hình ở đây.

Chính quyền Lê - Trịnh đã nhiều lần sai quan đi thăm khám, thực hiện phát chẩn cứu đói dân nghèo, như năm 1726 Nhà nước chẩn cấp 40 bát quan thóc cho người dân Nghệ An gặp nạn đói(9). Năm 1728, vùng Thanh Hoa, Nghệ An và Tứ trấn vì nhiều lần trải qua lụt lớn và gió bão, đời sống nhân dân đói khổ, triều đình đã bỏ ra 6 vạn quan tiền trong kho nội phủ, sai các quan trong Tam ty chia nhau đi phát chẩn cho dân. Trong trận đói năm 1777, chúa Trịnh đã hạ lệnh cho Nguyễn Đình Diễn và Ngô Phúc Lâm lĩnh 15.000 quan tiền và 15 vạn bát thóc trong kho ra phát chẩn. Nhiều viên quan lại, nhân cơ hội dân đói kém để vơ vét của cải làm giàu. Nguyễn Đệ - con Nguyễn Nghiễm giữ chức Tham lĩnh xứ Nghệ An trong khi mua vét thóc lúa, cùng thủ hạ cậy thế làm càn nhân dân nhiều người ca thán nên bị triệu về giáng ba cấp. Năm 1776, triều đình mua thóc của nhà giàu Nghệ An để phát chẩn cho dân địa phương. Thậm chí, trong các năm 1768 và 1773, triều đình còn ban chỉ dụ huy động người giàu có trong các hạt thuộc Nghệ An nếu nộp gạo thóc để hỗ trợ cứu đói thì sẽ bổ cho họ chức quan. Hoặc trong nạn đói năm 1778, triều Lê - Trịnh đã hạ lệnh cho quan chức trong địa phương kê tên những người nghèo thành một danh sách, sau đó bắt những người có quyền thế, vật lực nhận lĩnh và lo chu cấp cho họ.

Về lâu dài, Nhà nước cũng rất chú trọng việc xây dựng các kho chứa thóc công ở Nghệ An, huy động thóc từ các nơi khác vận chuyển về để lưu trữ trong kho, tạo nguồn để kịp thời hỗ trợ người dân khi cần thiết. Năm 1768, triều đình còn sai quan Trấn ty cho dựng kho thóc công ở Vĩnh Dinh và Sa Nam (đều thuộc Nghệ An), "sai dân giàu có ở Thanh Hóa quyên thóc, vận chuyển vào kho Nghệ An rồi trao chức cho họ có thứ bậc"(10); đồng thời truyền cho các quan Trấn thủ cả hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An và vùng Sơn Nam lấy thuyền biển vận tải thóc ở các kho Lạc Trường, Chân Ninh cùng thóc công ở đồn điền hai trấn Đông, Bắc hẹn đầu mùa xuân năm sau chở đến Nghệ An để việc dự trữ thóc được đầy đủ.

Ngoài ra, việc chiêu tập dân phiêu tán trở lại làng quê và tạo điều kiện cho họ sinh sống cũng được triều Lê - Trịnh chú ý, như quy định năm 1707 nêu rõ: nếu người phiêu tán trở về làng quê sẽ được xá phú thuế và lao dịch trong 5 năm; người trở về mà tình cảnh nghèo khổ sẽ được miễn thuế hộ trong ba năm(11). Năm 1729, triều đình cho họp bàn thi hành việc cứu vớt dân lưu xá, chia dân làm 4 hạng: Hạng thứ nhất dân phiêu tán mất tích; hạng 2: dân phiêu tán chỉ còn 1, 2 suất; hạng 3: dân nghèo khổ, vong mạng sắp đi đến phiêu tán; hạng thứ 4: dân chưa phiêu tán, chưa phải nghèo khó nhưng đã có tình trạng tệ hại(12) để có chính sách cứu trợ phù hợp. Trong nhiều năm, nhằm giảm sự khổ cực của người dân, triều đình đã cho miễn các loại tiền khoán, đây là loại tiền đóng góp của dân để sửa chữa cung điện hoặc tu bổ đường vua đi; cho hoãn hoặc đình chỉ các công việc xây dựng, sửa chữa các công trình, hoặc ra sức nghiêm cấm các nhà quyền quý và các nha môn cùng quan các ty, quan huyện không được lấy tiền của các hộ dân xã, thu lạm tiền của dân, không được hà hiếp, sách nhiễu dân trong vùng.

Như vậy, chế độ thuế khóa, binh dịch, thiên tai, địch họa là những yếu tố tác động trực tiếp dẫn đến sự bần cùng hóa và đói khổ của tầng lớp nhân dân. Vì vậy, việc triều đình Lê - Trịnh thực thi một số chính sách cứu trợ xã hội về thuế khóa, binh dịch, phát chẩn cứu đói đã có tác dụng nhất định trong việc giảm "gánh nặng" cho nhân dân.

3. Chính sách khuyến khích nông nghiệp phát triển

Ngay từ buổi đầu dựng nước, trong đời sống kinh tế của cư dân Nghệ An đã có sự phân hóa theo địa vực, nhất là trong nông nghiệp khi cư dân tùy thuộc từng địa hình mà lựa chọn cây trồng, phương thức canh tác phù hợp. Ở vùng trung du và đồng bằng ven biển, nghề trồng lúa nước phát triển; trong khi ở những nơi gần núi, người dân đốt nương rẫy để trồng cây hoa màu, hoặc ở các bãi ven sông thuộc huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên cây hoa màu khá phát triển. Tuy nhiên, do địa bàn sinh sống ở những nơi khó khăn, bão lũ xảy ra thường xuyên nên đời sống kinh tế của họ cũng luôn bấp bênh. Trước thực trạng đó, với nhận thức sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình thời tiết, triều đình Lê - Trịnh đã ban hành và thực thi một số giải pháp, chủ yếu là vấn đề quản lý đê điều và công tác trị thủy.

Sự quan tâm của triều Lê - Trịnh đối với công tác đê điều được thể hiện cụ thể nhất ở việc nhiều lần sai các quan có trách nhiệm đi thăm khám hoặc đốc thúc nhân dân ở các địa phương (gồm cả Nghệ An) sửa chữa, tu tạo các công trình đê điều, sông ngòi được xây dựng trước đó hoặc xây mới mỗi khi xảy ra lũ lụt, vỡ đê. Việc làm này được thực hiện vào các năm: 1613, 1614, 1690, 1707, 1711, 1755, 1757, 1773, 1777. Trong đó, chỉ dụ năm 1614 yêu cầu cụ thể thời gian thăm khám của các quan là vào tháng 10 hàng năm. Sang thế kỷ XVIII, do hiện tượng lũ lụt xảy ra nhiều nên triều đình đã điều chỉnh lại quy trình thăm khám đê. Theo lệ định năm 1767, thì hàng năm cứ đến tháng 8, các quan huyện phải đi khám trước, trình lên Trấn ty và Thừa ty; sau đó đến tháng 9 quan Trấn ty đi khám lại, trình lên Chính đường (Triều đình) để xem xét; đến tháng 11 chia nhau đi khám lại, rồi mới khởi công xây dựng hoặc sửa chữa. Rõ ràng, quy trình khám đê đã được quy định cụ thể hơn về thời gian cũng như trách nhiệm của các cơ quan. Song từ lúc thăm khám cho đến khi thực hiện sửa chữa hoặc xây mới phải mất thời gian khá dài 3 tháng, cho thấy thủ tục nhiêu khê, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cùng với việc sửa chữa đê điều, việc nạo vét các con sông, con kênh dẫn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An cũng được triều đình chú ý đến. Trong hai thế kỷ XVII, XVIII triều đình đã huy động nhân dân nạo vét các sông như sông Hoàng Mai, sông Mơ thuộc huyện Quỳnh Lưu; kênh Mi (thuộc huyện Diễn Châu), kênh Sắt, kênh Gấm, kênh Đích...

Việc đắp đê do nhà nước và nhân dân cùng thực hiện, trong đó đối với các xứ có đê ven sông nếu là công trình nhỏ thì cho dân bồi đắp lúc rảnh nông nhàn. Đối với các công trình lớn, việc nặng, dân cùng làm nhưng cho trừ vào thuế điệu của dân(13). Trong quá trình xây dựng, Nhà nước cũng yêu cầu các quan không được sách nhiễu người dân, như chỉ dụ ban hành năm 1757 nêu rõ: "Đắp đê là để bảo vệ nghề nông. Nay chức hữu ty đặt ra phép tắc lại sách nhiễu hà lạm, làm hại nhà nông, sao cho xứng ý trên thương dân. Phải nên răn sợ chớ quen thói cũ"(14).

Để khuyến khích kinh tế nông nghiệp, triều đình Lê - Trịnh cũng chú ý đến việc khuyến khích quan cai nhậm ở các trấn chiêu mộ dân đi khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, tiến hành cày cấy, lập làng, lập xóm nhằm ổn định cuộc sống. Vào năm 1776, Nhà nước thực hiện chính sách "hỗ trợ" ruộng và nông cụ sản xuất cho người dân xiêu tán về làng. Theo đó, Nhà nước ban cấp cho mỗi người dân đi khai khẩn ruộng bỏ hoang 5 mẫu ruộng, cùng ngưu canh, điền khí trị giá 15 quan tiền, mỗi năm thu thóc 250 đấu, phần thóc thu này sẽ nộp vào kho thóc công tại trấn sở đó(15).

Ngoài ra, Nhà nước nhiều lần sai quan khuyến nông dạy dân trồng các giống lúa mới nhằm tăng năng suất cây trồng. Như năm 1777, triều đình yêu cầu quan dạy dân dùng lúa ba giăng, lúa bát nguyệt, lúa thi cấy cho kịp thời vụ. Tính chung thế kỷ XVIII, cả Đàng Ngoài người nông dân đã gieo trồng được 27 giống lúa mùa, 8 giống lúa chiêm, 29 giống lúa nếp(16). Riêng vùng đất Nghệ An, nông dân cũng đã có kỹ thuật gieo trồng phù hợp: "Đất 12 tổng huyện Đồng Thành, trấn Nghệ An đều là đất cát. Dân huyện ấy, theo tục truyền, cứ đến tiết mang chủng (tua rua mọc) thì khởi công cày bừa, gieo thóc rất dày; ngay ngày gieo giống, lại bừa luôn lần nữa, thóc giống với cát lẫn lộn. Không bao lâu, thóc mọc mầm, mưa xuống thấm ướt, màu đất bồi bổ cho lúa, lúa mọc lên tốt như cỏ; lại bừa lần nữa, mặc dù là đã có lúa. Bừa thế đã không hại lúa mà còn trừ được cỏ... Một nhà có một con trâu, cày được 10 mẫu ruộng không tốn công"(17).

Ngoài những biện pháp kinh tế, cứu trợ xã hội trên đây, trước những hiện tượng tai dị bất thường, thời tiết khô hạn, các chúa Trịnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghi thức lập đàn cầu đảo. Chẳng hạn vào năm 1714, ở Nghệ An phát sinh chứng dịch, triều Lê - Trịnh hạ lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát lập đàn tràng ở nơi sạch sẽ, hội đồng bách thần trong hạt để cầu đảo. Biện pháp mang yếu tố tâm linh này ít nhiều cũng có hiệu quả nhất định trong việc khắc phục hạn hán, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Chính nhờ các giải pháp đó, mặc dù đã từng là một trong những địa phương có nạn đói kém xảy ra thường xuyên, người dân phải phiêu tán hoặc chết đói, song cũng có một số năm nhân dân Nghệ An được mùa lớn, trở thành một trong những địa phương được Nhà nước thu mua thóc gạo để cứu đói cho các địa phương khác. Chính sử cho biết, năm 1741 Thanh Hoa và Nghệ An là hai xứ được mùa, trong khi các vùng khác nhân dân mất mùa, đói kém. Lúc này triều đình sai sứ Nghệ An đong 200 vạn quan bát (mỗi bát đong được 84.000 hạt thóc) và Sơn Nam đong 150 vạn quan bát. Cứ 50 quan bát giá 1 quan tiền(18).

***

Như vậy, triều đình Lê - Trịnh đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau cả về kinh tế - xã hội, gồm các chính sách về khuyến khích nông nghiệp phát triển, miễn giảm thuế, binh dịch, phát chẩn cứu đói đối với người nông dân của Nghệ An. Trong đó có những giải pháp được Nhà nước quy định cụ thể (chỉ dành riêng cho xứ Nghệ An), nhưng cũng có những biện pháp được lồng chung với chủ trương áp dụng cho nhân dân cả nước. Dù được thể hiện trực tiếp hay gián tiếp nhưng nhìn chung, các chính sách của triều Lê -Trịnh đã thực thi trong hai thế kỷ XVII, XVIII dành cho người dân Nghệ An đều nhằm mong muốn cải thiện, ổn định cuộc sống của người nông dân, giúp họ vượt qua những khó khăn về thiên tai, địch họa, bệnh tật, đói kém, từ đó góp phần thực hiện chính sách ổn định xã hội. Qua các chính sách này cho thấy, triều Lê - Trịnh vẫn tiếp tục đề cao nông nghiệp "dĩ nông vi bản", do đó người nông dân vẫn được Nhà nước coi trọng, giữ vị trí nhất định trong các chính sách của Nhà nước đương thời.

Mặc dù các chính sách về kinh tế, cứu trợ xã hội mà triều Lê - Trịnh dành cho người nông dân Nghệ An được thực hiện xuyên suốt trong cả hai thế kỷ XVII, XVIII nhưng thực tế đời sống người dân Nghệ An trong cả thời kỳ lịch sử này không thực sự ổn định, càng về sau (nhất là từ nửa sau thế kỷ XVIII) càng bấp bênh, khổ cực hơn khi họ phải gánh chịu nhiều nạn đói do hạn hán, mất mùa. Điều đó cho thấy, các chính sách của Nhà nước chỉ mang tính giải pháp tình thế, tạm thời mà chưa tìm ra được vấn đề cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu của bất ổn trong đời sống người nông dân Nghệ An, đó là hậu quả của các cuộc nội chiến triền miên, rồi tình trạng đất nước bị chia cắt. Bản thân họ cùng một lúc chịu nhiều sự trói buộc về binh dịch, thuế khóa, lao dịch... Mặt khác, sự bất bình đẳng trong việc thực thi chính sách kinh tế, hoặc việc xử phạt giữa các giai tầng xã hội của Nhà nước đã tạo cơ sở để những tệ nạn tham nhũng có điều kiện phát triển, gây không ít phương hại cho Nhà nước trong quản lý xã hội.

Dù vậy, vượt lên trên những hạn chế đó, các chính sách mà chính quyền Lê - Trịnh đã ban hành và thực thi đối với người dân Nghệ An nói riêng, người nông dân cả nước nói chung đã có sự tiến bộ, hợp lòng người, đã góp phần củng cố và duy trì sự thống trị của vương triều cũng như góp phần thúc đẩy sự ổn định xã hội trong một thời gian dài gần hai thế kỷ. 

 

 

Chú thích

(1). Trong 18 năm (1655 - 1663), nhiều cuộc giao tranh của quân đội hai bên Trịnh - Nguyễn đã xảy ra tại các huyện của Nghệ An, gồm: Kỳ Hoa, An Trường, Chân Phúc (sau là Nghi Lộc), Đông Thành, Nam Đàn, Hương Sơn, Lận Sơn (Nghi Xuân).

(2). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.255.

(3). Ngô Thì Sĩ trong Ngô gia văn phái, dẫn trong Ban nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh, Lịch sử Nghệ Tĩnh, Tập 1, Sđd, tr.149.

(4). Tiến quý (Cổ tiền), Tiền gián (Sử tiền) là hai đơn vị tiền thời cổ. Mỗi tiền 60 đồng là cổ tiền, mười tiền cổ tiền là 1 quan, bằng 600 đồng. Mỗi tiền 34 đồng là sử tiền mười tiền sử tiền là 1 quan, bằng 340 đồng.

Một mạch tương đương 1 tiền, một mạch cổ tiền là 60 đồng, một mạch sử tiền là 34 đồng. Dẫn từ: Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nxb KHXH, HN, 2011, tr.540.

(5). Ngô gia văn phái tuyển tập, dẫn qua Ủy ban KHXH Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb KHXH, 1971, tr.321

(6). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.95.

(7). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.57 -58.

(8). Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Nxb Giáo dục, 1998, tr.429.

(9). Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Sđd, tr.455.

(10). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.323.

(11). Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Sđd, tr.394

(12). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.111.

(13). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.254.

(14). Đại Việt sử ký tục biên 1676 -1789, Sđd, tr.257.

(15). Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Sđd, tr.729.

(16). Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, trong Lê Quý Đôn toàn tập, Tập II, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1962, tr.181.

(17). Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Sđd, tr.181.

(18). Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Tập 2, Sđd, tr.542.

Khoa học xã hội và nhân văn có đóng góp gì trong việc xây dựng và phát huy tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc?

Phong Lê

1. Từ giữa thế kỷ XIX, nước Việt Nam độc lập bị thực dân Pháp xâm chiếm và biến thành thuộc địa, dẫn đến trong lòng xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và giữa nông dân với địa chủ phong kiến, trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc là mâu thuẫn chủ yếu. Giải quyết các mâu thuẫn đó là yêu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh lịch sử đó, cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước đương thời, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rất trăn trở về vận nước, tìm mọi cách để giải phóng dân tộc. Từ tháng 6/1911 bắt đầu ra nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã qua nhiều nước, làm nhiều nghề vừa kiếm sống, vừa tìm cách "giúp đồng bào" khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Nửa cuối tháng 7 năm 1917, Người từ Anh trở về Pari hoạt động trong những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa. Tháng Mười năm 1917, Cách mạng vô sản Nga thành công đã thu hút sự chú ý của Người. Năm 1918, Người vào Đảng xã hội Pháp; đầu năm 1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi đến Hội nghị quốc tế Vécxây "Yêu sách của nhân dân An Nam" gồm 8 điểm vạch trần tội ác của thực dân Pháp, nói lên tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nửa cuối tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" đăng trên báo L'Humanité và tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế Cộng sản. Cuối tháng 12 năm 1920, tại Đại hội XVIII Đảng xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã cùng với những người cánh tả của Đảng xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ yêu nước chân chính Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên là bước chuyển về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của Người: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản"(1). Từ đó Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 6/1921, Người cùng một số nhà yêu nước ở châu Phi đề nghị và được Đảng Cộng sản Pháp đồng ý thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, ra báo Người cùng khổ (Le Paria) của Hội do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút từ số 1 đến số 15. Người viết 30 bài, tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân và truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào các thuộc địa. Hội Liên hiệp thuộc địa là một hiện tượng đặc biệt, liên minh đầu tiên chống thực dân Pháp hoạt động ngay tại nước Pháp.

Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô. Thời gian ở Liên Xô Nguyễn Ái Quốc dự nhiều hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên… nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa, bảo vệ những luận điểm đúng đắn của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ những bài báo viết trong những năm 1921-1924, Người biên soạn thành cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản 1925 ở Pháp).

Cuối tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động. Đầu năm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phối hợp với các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ... lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên. Đây là sự chuẩn bị sáng tạo, có chủ đích của Người để tiến tới xây dựng một đảng vô sản kiểu mới sau này.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm 1920 - 1925, Nguyễn Ái Quốc đã viết hàng trăm tác phẩm báo chí, các phát biểu và tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) để chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng. Trong đó có thể nêu một số tác phẩm tiêu biểu để tiếp tục khẳng định hoàn thiện tư tưởng con đường cách mạng vô sản mà Người đã chọn như: Chính sách thuộc địa ngày 13/12/1920; Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, ngày 26/12/1920; Bài Đông Dương, đăng trên Tạp chí  La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921Bài Đông Dương đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921Bài Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa, đăng trên Báo L'Humanité, ngày 25/5/1922; Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tháng 7/1923Bài Lê nin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên Báo Pravđa 27/01/1924; Thư gửi Đồng chí Pê tơ rốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông khoảng tháng 5/1924; Lênin và các dân tộc Phương Đông, đăng trên Báo Le Pa ria số 27, tháng 7/1924bài Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa, Báo Le Vie Ouvriere, số 20 năm 1924; Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 10 tháng 10/1923; Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 13 tháng 10/1923; Phát biểu tại phiên họp thứ tám Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 23/6/1924; Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 01/7/1924; Phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 03/7/1924; Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của Giôvanni Giécmanéttô, phóng viên báo L'Unitàcơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia, ngày 15/3/1924...

2. Qua một số bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Ái Quốc tập trung làm rõ nhiều luận điểm quan trọng về con đường cách mạng vô sản, trong đó nổi bật là làm rõ sự thắng lợi tất yếu của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam. Đây cũng là bước chuẩn bị của Người về mặt tư tưởng con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng theo lý luận Mác-Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.

 Trong bài Báo Đông Dương, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản), số 14, tháng 4-1921, Nguyễn Ái Quốc khẳng định ở Đông Dương, mặc dù bị thực dân Pháp ra sức đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, song điều đó không thể dập tắt được ý chí quật cường cách mạng của nhân dân ta, con đường cách mạng nhất định sẽ thắng lợi ở Việt Nam. Người nhận định: "Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương"(2) và "Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy thời cơ đó mau đến.

Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi"(3).

Tiếp đó, cũng bài báo với nhan đề Đông Dương, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5/1921, Người đã đặt vấn đề "Chủ nghĩa cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?"(4), tác giả đã khẳng định một điều chắc chắn: "Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu"(5). Lý giải khoa học cho nhận định đó, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những bằng chứng và lý lẽ thuyết phục trên nền tảng lịch sử của châu Á,  "Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại"(6). Theo Người, lý do là lịch sử châu Á có những điểm tương đồng với việc thực hiện xã hội cộng sản, đó là: Từ thời Hoàng đế (2678 trước công nguyên) chế độ tỉnh điền đã được áp dụng "chia đất đai trồng trọt theo hai đường dọc và hai đường ngang. Như vậy sẽ có chín phần bằng nhau. Người cày ruộng được lĩnh mỗi người một phần trong 8 miếng, miếng ở giữa tất cả đều cùng làm và sản phẩm được sử dụng vào việc công ích"(7); triều đại nhà Hạ (2.205 trước công nguyên) áp dụng chế độ lao động bắt buộc; Khổng Tử (551 trước công nguyên) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá bình đẳng về tài sản, "Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn"(8); Mạnh Tử học trò của Khổng Tử đã vạch ra "một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết"(9); còn chế độ ruộng đất công ở An Nam thì "Về của cải tư hữu, luật pháp An Nam cấm mua bán toàn bộ đất đai. Hơn nữa, một phần tư đất trồng trọt bắt buộc phải để làm của chung. Cứ ba năm người ta chia lại ruộng đất đó. Mỗi người dân trong xã thôn được nhận một phần. Điều đó không hề ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì còn ba phần tư đất đai khác có thể mua bán, nhưng nó có thể cứu nhiều người khác thoát khỏi cảnh bần cùng"(10).

Vào tháng 3 năm 1924, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Giôvanni Giécmanéttô, phóng viên báo L'Unità, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia: "Khi học xong, anh dự định làm gì?", Nguyễn Ái Quốc nói: "Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm"(11), "Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người "khai hoá" các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được... Chúng tôi hiểu rõ là chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề, và tương lai của các dân tộc tuỳ thuộc vào sự tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi"(12).

Tháng 7/1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài Lênin và các dân tộc phương Đông, đăng Báo Le Pa ria số 27, Người khẳng định Lênin và học thuyết của Người sẽ sống mãi trong sự nghiệp của cách mạng: "Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một con người vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa…"(13).

Khẳng định sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, nhưng Nguyễn Ái Quốc khẳng định không thể áp dụng máy móc mà phải vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào điều kiện cụ thể của các thuộc địa. Với suy nghĩ đó, Người hướng về, củng cố lý luận bằng sự vận dụng thực tiễn cách mạng. Tác giả đã khẳng định "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại"(14), vì vậy phải xem xét lại "chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông"(15).

Khẳng định sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng đang sục sôi trong mọi người dân yêu nước, dẫn dắt dân tộc ta vượt qua khủng hoảng về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc.

Kể từ khi gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin, khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn và những người cộng sản quốc tế để có cơ sở vững chắc, tiếp tục khẳng định và hoàn thiện tư tưởng về con đường đó; cùng những người cộng sản tích cực truyền bá vào Việt Nam và chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam ở những năm từ 1925-1930.q

T

 

hay vì trả lời cho một phỏng vấn, tôi xin được trình bày vấn đề đặt ra theo dạng một bút ký hoặc tiểu luận; và với thói quen nghề nghiệp, tôi muốn nhìn nó theo con mắt lịch sử..

Không là chuyên gia triết học, kinh tế học, luật học hoặc văn hóa học, chỉ là người nghiên cứu văn học, tôi có thể làm được gì với câu chuyện này, nếu trước hết không biết tìm đến những tác phẩm lớn có sự sống trường cửu trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt, bởi sự kết tinh những giá trị bất hủ trong lịch sử văn hóa, văn chương, học thuật Việt. Đó là bộ ba Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Xin bắt đầu bằng Bình Ngô đại cáo - bản Tuyên ngôn chấm dứt 20 năm ách thống trị của giặc Minh (1407 - 1427): "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác". Văn hiến và phong tục là gì nếu không phải là văn hóa? Tiếp đến: "Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có". Hào kiệt là Con người; mà Con người ở đây là Con người với phẩm chất tinh thần, Con người Văn hóa. Một khẳng định không chỉ đúng với thời điểm tác phẩm ra đời, mà đúng cho cả lịch sử và lịch sử văn hóa Việt cho đến hôm nay.

Truyện Kiều với 3254 câu - "lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu", xứng đáng được các thế hệ hậu sinh suốt 200 năm sau tôn vinh là "thiên thu tuyệt diệu từ", sản phẩm của một người viết có "con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời". Một tác phẩm có sự sống trong lòng mọi thế hệ người dân Việt, không phân biệt cao thấp, sang hèn. Một tác phẩm mà bất cứ ai là người đọc, người nghe cũng đều có thể vận vào mình; rồi qua mình mà tìm đến sự cảm thông với bao phận người khác, qua mọi thăng trầm xã hội.

Tuyên ngôn độc lập với người soạn thảo và tuyên đọc trên Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau ngót 80 năm thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và một nghìn năm xã hội phong kiến. Một Tuyên ngôn gợi nhớ Bình Ngô đại cáo làm gắn nối hiện đại với truyền thống. Một Tuyên ngôn được bắt đầu bằng dẫn trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789, đưa dân tộc Việt Nam vào nhân loại như một người đồng thời.

Ba áng văn - đối tượng khảo sát của khoa nghiên cứu văn học và cũng là của triết học, sử học, văn hóa học, của ba tác giả từng được thế giới tôn vinh là Danh nhân văn hóa vào các năm 1965, 1980, 1990 và 2015(1).

Chỉ riêng ba tên tuổi trên đã đủ chất liệu cho một khảo sát về văn hóa Việt; để từ đó mà khơi nguồn và tỏa rộng cảm hứng cho câu chuyện văn hóa Việt, văn chương học thuật Việt với lịch sử của nó; một lịch sử có độ dài ước tính là 4000 năm - "Bốn nghìn năm ta lại là ta" (Tố Hữu).

Không cần phải ở địa chỉ là cái nôi của một nền văn minh nào đó - như văn minh Hy-La, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ... mà chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng, vùng phủ sóng của nó, những dân tộc yếu và nhỏ như dân tộc Việt Nam vẫn cần, và có thể xây dựng một nền văn hóa riêng, tức là xác định một gương mặt riêng trong sự tồn tại nhiều nghìn năm của nó.

Không phủ nhận là Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa; và có mối quan hệ bền chặt với khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Với Đông Nam Á, đó là một nền văn minh bản địa có từ nhiều nghìn năm về trước, tồn tại từ trước thời Bắc thuộc và ngay cả trong 1000 năm Bắc thuộc - định hình khá rõ trong văn hóa dân gian, trong các tập quán, phong tục được lưu giữ bền vững trong tâm thức dân gian. Với Đông Bắc Á, Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản là ba nước "đồng văn", "đồng chủng" cùng chịu áp lực mô hình văn minh Trung Hoa như là một "mẫu mẹ", ít nhất là trong hai nghìn năm, bắt đầu từ thời Bắc thuộc, với chín cuộc khởi nghĩa; và trong 1000 năm tự chủ luôn đứng trước hiểm họa bị phương Bắc xâm lược. Trong một tình thế lịch sử đặc thù như vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam phải học cách tiếp cận văn minh Trung Hoa trong xây dựng thể chế Nhà nước, tiếp nhận kinh điển Nho gia, để xây dựng những nền tảng cho văn hóa, giáo dục, văn chương, học thuật dân tộc.

Không phủ nhận việc giới trí thức dân tộc, những kẻ Sỹ đã tìm đến văn minh Trung Hoa như một khuôn mẫu để học tập, đối sánh, thi đua. Thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn so văn chữ Hán của người Việt với văn của người Trung Quốc, thấy "không khác gì cổ nhân"; và nhận xét về hai triều Lý Trần "tinh anh nhân tài, khí cách văn chương không khác gì Trung Quốc"... Thế kỷ XIX trong bài Tựa sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: "Nước Việt ta, từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của đời ấy. Đến nhà Lê kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước và văn hóa, nhân tài đều thịnh, không kém gì Trung Hoa".

Nhưng, nếu một mặt việc tiếp nhận Nho học, và tìm đến khuôn mẫu Trung Hoa cho văn hóa, văn chương, học thuật Việt là khó tránh, thì mặt khác, việc cưỡng lại để xác định một gương mặt riêng, một bản lĩnh riêng cho văn hóa Việt cũng là một thực trạng có lúc nổi bật và bao trùm. Tìm đến chữ Hán, để có một phương tiện cho kẻ Sỹ học tập và giao tiếp, cũng là một lối thoát, một cách giải quyết, khi dân tộc chưa có chữ; nhưng chính bằng vào chữ Hán, nền văn chương - học thuật Việt Nam đã đạt được những giá trị cao nhất trong thể hiện chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, bắt đầu từ bốn câu thơ Nam quốc sơn hà nam đế cư, qua Hịch tướng sĩ đến Bình Ngô đại cáo... Cũng chính chữ Hán là phương tiện để xây dựng một nền văn chương - học thuật Việt Nam, qua các áng văn lớn trải dài theo lịch sử, như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Vũ trung tùy bút, Truyền kỳ mạn lục... Qua các bộ sử như Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký toàn thư... Và văn hóa sử, có giá trị bách khoa như Vân Đài loại ngữ, Lịch triều hiến chương loại chí... Thế nhưng, đồng thời với việc sử dụng chữ Hán, cha ông ta vẫn khoắc khoải di tìm chữ Nôm - như một cách giải Hán hóa, để từ thế kỷ XIII đã có một áng văn Nôm đầu tiên, qua thế kỷ XV với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông làm nên sự bùng nổ của văn chương Nôm, rồi ba thế kỷ sau mà đến với đỉnh cao rực rỡ những tuyệt phẩm Nôm như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Cung oán ngâm khúc, bản dịch Chinh phụ ngâm… trong văn chương dân tộc.

Tình hình diễn ra như trên trong một lịch sử dài ngót 1000 năm, nếu tính từ khởi nghĩa Ngô Quyền năm 938 đến hết thế kỷ XIX, khi kết thúc phong trào Cần vương chống Pháp năm 1897, nền văn chương - học thuật dân tộc đã phát triển trên hai loại chữ viết là Hán và Nôm, và với những đặc trưng riêng của thời trung đại. Trong yêu cầu của câu chuyện đương bàn, để tìm đến mối quan hệ giữa văn học Việt và văn hóa Việt, tôi muốn xuất phát từ một đặc trưng chung của văn chương trung đại - đó là tính nguyên hợp, nó là sự phối kết, hòa quyện giữa ba phương diện văn-sử-triết trong một tác phẩm, mà những văn bản như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo là những biểu trưng trọn vẹn. Nói văn chương là đấy. Nói khoa học nhân văn, khoa học xã hội là đấy. Và nói văn hóa cũng là đấy. Dần dần về sau, trong sự trưởng thành và mở rộng của ý thức và tâm thức dân tộc sẽ là sự phát triển rồi đi tới chuyên biệt, để có sự phân biệt một bên là văn chương, một bên là học thuật (hoặc trước thuật) - cả hai đều được thực hiện bởi một lớp người có tên chung là kẻ Sỹ, trong bộ tứ: sỹ, nông, công, thương, làm nên cộng đồng cư dân Việt. Một tầng lớp trí thức là chủ thể, là tác giả của cả một kho tàng văn chương và học thuật được sản sinh trong hàng ngàn năm, trên hai loại chữ Hán và Nôm; nó chính là pho sử của trí tuệ Việt, tâm hồn Việt, với hai nội dung làm nên hai dòng, hai trào lưu xuyên suốt, vừa song song, vừa tiếp nối - đó là trào lưu yêu nước - chống lại mọi âm mưu đồng hóa và xâm lược đến từ phương Bắc, chủ yếu bằng chữ Hán, và trào lưu nhân đạo, đứng về phía nhân dân để chống lại sự suy thoái, hư hỏng, phản động của chính quyền phong kiến, sau những thời kỳ hưng thịnh, chủ yếu bằng chữ Nôm...

Chuyển sang thời hiện đại, tính từ thập niên mở đầu thế kỷ XX với ba phong trào Duy tân, Đông du và Đông Kinh nghĩa thục. Đó là ba phong trào làm nên gương mặt mới của dân tộc và văn hóa, văn chương - học thuật dân tộc trong thập niên đầu thế kỷ XX. Một thế kỷ tạo nên sự  khu biệt với một thiên niên kỷ trải dài của chế độ phong kiến trước đó, bởi hai mục tiêu: Văn minh và Dân chủ. Hai mục tiêu rồi sẽ xuyên suốt thế kỷ XX, qua một cuộc Cách mạng và ngót 40 năm chiến tranh chống ba đế quốc - cho đến thập niên 1990, đưa dân tộc vào thời hiện đại, và đi vào quỹ đạo của văn minh nhân loại.

Qua Tân thư của Trung Quốc, giới trí thức Nho học trong phong trào Duy tân với đại diện là Phan Châu Trinh, sẽ được tiếp xúc với những tư tưởng khai sáng ở phương Tây thế kỷ XVIII - tức thế kỷ Ánh sáng; và qua tấm gương Nhật Bản, trong phong trào Đông du mà Phan Bội Châu là lãnh tụ, giới trí thức sẽ thấy những anh em đồng văn đồng chủng với mình vượt qua sự trì trệ, hủ lậu của phương Đông mà tiến kịp phương Tây như thế nào? Cả một thế hệ nhà Nho Canh tân đã dấn thân vào con đường này bằng những hoạt động thiết thực nhằm chấn hưng dân khí, khai thông dân trí; và việc xây dựng một nền giáo dục mới - để thanh toán cái học hủ lậu mà hướng tới ánh sáng của văn minh phương Tây trở thành một cuộc vận động sôi nổi trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đông Kinh nghĩa thục(1), phỏng theo mô hình Khánh ứng nghĩa thục (Keio Giguku) của Phúc trạch dụ cát (Fukuzawa Yukichi) năm 1858 ở Nhật Bản. Với Đông Kinh nghĩa thục - lần đầu tiên những tư tưởng khai sáng đến với trí thức xứ ta qua những cái tên lạ mà hấp dẫn như A-lí-sĩ-đa-đức (Aristote), Tư-cách-lạp-đề (Socrate), Bá-lạp-đề (Platon), Bồi-căn (Bacon), Đích-tạp-nhi (Descarte)… Rồi Lư Thoa (Rousseau), Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Phúc-lộc-đắc-nhĩ (Voltaire)…

Chuyển từ nền học cũ sang nền học mới, Đông Kinh nghĩa thục chủ trương dạy cả ba loại chữ: Pháp, Hán, Quốc ngữ; trong đó Pháp đương nhiên là được lòng chính quyền, nhưng sự thật cũng là rất cần để cho giới trí thức trực tiếp đến với nền văn minh chính quốc, sau con đường gián tiếp qua Tân thư. Hán, thì mặc dù đã có người quyết liệt phản đối như Phan Châu Trinh ("Bất phế Hán tự bất túc dĩ cứu quốc" - Không bỏ chữ Hán không cứu được nước), nhưng vẫn cần học để không cắt đứt với văn hóa truyền thống. Còn Quốc ngữ thì đương nhiên ở vị trí ưu tiên: "Chữ Quốc ngữ là hồn của nước", "Chữ ta ta phải thuộc làu". Ba loại chữ cho cả ba bậc học: tiểu, trung và đại học và cho cả hai hệ học sinh nam và nữ - một hiện tượng cực kỳ mới mẻ - chưa từng có trong lịch sử giáo dục và khoa cử ở xứ ta.

Gọi là trường Đông Kinh nghĩa thục, nhưng thực chất là một phong trào, bởi quy mô hoạt động của nó là gồm đến bốn ban: Ban Giáo dục, Ban Tài chính, Ban Cổ động, Ban Tu thư nhằm chăm lo cho sự tồn tại và mở rộng hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, theo một hành trình gồm ba bước - từ khởi động là giáo dục với mục tiêu cải tạo và nâng cao dân trí mà chuyển sang văn hóa, với mục tiêu là chấn hưng và canh tân đất nước, để đi đến cái đích cuối cùng là chính trị - giải phóng dân tộc.

Điều dễ hiểu là Đông Kinh nghĩa thục đã phải chịu một cuộc đàn áp cực kỳ dã man, dẫu tất cả những người tham gia là các nhà Nho trong tay không một tấc sắt. Bởi với giác quan của kẻ đi xâm lược, chính quyền thực dân đã "ngửi" thấy một cái gì thật bất an đang nhen nhóm, còn nguy hiểm hơn bất cứ mọi cuộc khởi nghĩa nào trước đó. Trong gắn nối với phong trào Duy tân và Đông du, và trong sự bùng nổ vào năm 1908 phong trào chống thuế ở Quảng Nam, cuộc bạo động của Đề Thám và vụ đầu độc Hà Thành, Đông Kinh nghĩa thục đã bị đóng cửa sau 9 tháng hoạt động. Và tất cả những ai có liên quan và đóng góp cho Đông Kinh nghĩa thục đều bị bắt, rồi bị giam cầm, đầy ra Côn Đảo, với những cái án giam hàng chục năm, có người là chung thân, hoặc "trảm giam hậu" (tội chém nhưng chưa phải chém ngay)…

Qua hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục ta hiểu, một bộ phận trí thức Nho học canh tân đã rất sáng suốt trong nhận thức vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp cứu nước và giữ nước.

Cũng qua Đông Kinh nghĩa thục, ta hiểu mọi kẻ thù của dân tộc - đến từ phương Bắc (như trong 1000 năm Bắc thuộc, và 20 năm Minh thuộc), hoặc đến từ phương Tây (ngót 80 năm Pháp thuộc) đều không mơ hồ chút nào trước sức mạnh của văn hóa - như một vũ khí tinh thần cực kỳ lợi hại.

Sau thế hệ các nhà Nho canh tân mà đại diện là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Đông Kinh nghĩa thục sẽ là sự tiếp tục của hai thế hệ mới - thế hệ các trí thức có cả Hán học và Tây học, rồi thế hệ Tây học, để làm thành một bộ ba tạo nên diện mạo văn hóa, văn chương - học thuật Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Công cuộc hiện đại hóa, nếu đã được khởi động từ phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục, rồi sẽ được thực hiện với bước đi rất nhanh gấp, để có gương mặt hiện đại của nó trong thời kỳ 1930-1945, thời kỳ đạt những đỉnh cao trong các sáng tác văn chương và học thuật. Thời kỳ được thực hiện bởi những tên tuổi làm nên một Thế hệ Vàng, bắt đầu từ "Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn" (1); qua Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Đình Long, Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng… đến nhiều chục tên tuổi trong ba trào lưu văn học sẽ cùng đồng hành từ 1930 đến 1945. Ba trào lưu văn học - đó chính là thành quả ngoạn mục của tiến trình hiện đại hóa diễn ra chỉ sau 30 năm, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới, cấp thiết của lịch sử dân tộc. Đó là cứu nước - đặt ra cho trào lưu văn học cách mạng. Là đứng về phía nhân dân lao động - "những người khốn khổ" để phơi bày các bất công xã hội - văn học hiện thực. Và, giải phóng cá nhân - dẫu chỉ là cá nhân trong xã hội phong kiến - thuộc địa - văn học lãng mạnBa trào lưu văn học, với các đại diện ưu tú của nó - đó là kết quả của sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Một cuộc tiếp xúc chỉ trên dưới 30 năm mà tạo nên "một thời đại trong thi ca" - nói như Hoài Thanh; cả trong văn xuôi, trong kịch nói, và trong khảo cứu - nghị luận - phê  bình…; không chỉ khơi rộng mà còn tạo nên một dòng chảy mới trong sinh hoạt văn hóa, văn chương, học thuật Việt.

Như vậy là sau 1000 năm trung đại, văn chương - học thuật Việt đã chuyển sang thời hiện đại, trong một cuộc chuyển đổi mô hình chỉ diễn ra trên dưới... 30 năm, qua ba thế hệ. Và với thế hệ thứ ba - thế hệ Tây học, từ 1930 đến 1945, cùng với thành tựu của ba trào lưu văn học, là sự hình thành khoa học văn chương, với những tên tuổi lớn trên cả ba khu vực: nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… làm nên một mùa gặt ngoạn mục, với các tên sách tiêu biểu: Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam văn hóa sử cương, Văn học khái luận, Nhà văn hiện đại, Thi nhân Việt Nam…

*   *   *

Cuối cùng để trở lại một câu chuyện có liên quan đến bản thân tôi: Năm 2018 này là năm Kỷ niệm 65 năm thành lập Ban Văn Sử Địa (1953 - 2018), được xem là tiền thân của Viện Hàn lâm khoa học xã hội ngày nay. Điều đáng nói ở đây là, từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc, Đảng Lao động Việt Nam đã có một tầm nhìn xa, khi cho thành lập Ban Văn Sử Địa (1953) sẽ là tiền thân của Ủy ban Khoa học Nhà nước (1959), trong đó 2 Ban Văn Sử, sẽ được nâng lên thành Viện Văn học và Viện Sử học (1960); rồi Ủy ban Khoa học Xã hội (1967) cho đến nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội… với một dàn sáng lập, gồm những tên tuổi lớn, không chỉ có vị trí học thuật cao, mà còn có uy tín rộng rãi trong toàn xã hội, như Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Huy Thông, Trần Phương…, như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Vũ Ngọc Phan…

Chắc chắn là trong việc kiểm điểm 65 năm hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có nghiên cứu văn học, chúng ta sẽ nhận ra nhiều thành tựu đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nói chung, và sự nghiệp khoa học nói riêng. Một đóng góp trong khai thác, phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa nhân văn trong kho tàng lịch sử nhiều nghìn năm gắn với những tên tác giả, tác phẩm không chỉ xứng đáng với một dân tộc anh hùng, văn hiến mà còn có tầm nhân loại, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh...

Thành tựu lớn trong 65 năm nghiên cứu của Ban Văn Sử Địa, và sau đó, của Viện Văn học, theo tôi là đã tiến hành từ rất sớm việc nghiên cứu lịch sử văn học, qua nhiều bộ sử, nhiều chuyên đề về các giai đoạn, các trào lưu, các tác gia lớn làm nên một lịch sử đáng tự hào trên hai chủ đề là Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa nhân văn rất dồi dào bản sắc riêng trong suốt 1000 năm văn học Trung đại, cùng với thành tựu của văn học thế kỷ XX trước yêu cầu hiện đại hóa và cách mạng hóa… với hàng trăm tác giả, hàng nghìn tác phẩm tiêu biểu mà nếu liệt kê ra thì sẽ rất nhiều, rất dài.

Trên hành trình 65 năm cũng còn để lại những bất cập, những khoảng trống, trong đó đáng lưu ý nhất, đó là còn thiếu một bộ lịch sử văn học có chất lượng cao cho sự học trong nhà trường, và sự đọc của toàn dân. Một vài bộ sử như thế thật ra cũng đã có, nhưng chưa đạt một chất lượng cần thiết, theo yêu cầu và trình độ của công chúng, của thời cuộc. Cùng với lịch sử văn học thì lý luận văn học dẫu đã có nhiều cố gắng trong khoảng hai chục năm gần đây, nhưng vẫn còn xa mới theo kịp thế giới. Còn phê bình văn học thì chưa thực sự nhịp nhàng với sáng tác.

Một điều đáng lưu ý thêm: Các công trình lớn trước đây của cha ông để lại đều là sản phẩm của cá nhân, còn của chúng ta hôm nay hầu hết là của tập thể (nhiều người hoặc nhiều chục người; thậm chí hàng trăm người). Không kể Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên… cho đến Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… các thế kỷ trước, ngay đầu thế kỷ XX này, các công trình như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm… vẫn để lại những giá trị mẫu mực cho các thế hệ sau…

Tản mạn một ít lịch sử và một vài tâm sự nghề nghiệp như trên, tôi nghĩ, khi nói đến văn hiến, văn hóa, văn chương học thuật Việt Nam, với một niềm tự hào chính đáng, cũng tức là nói đến đóng góp của khoa học xã hội - nhân văn có truyền thống lâu dài, với sự kết nối của nhiều niên đại, nhiều thế kỷ.

Vấn đề là làm sao cho các thế hệ trẻ hôm nay và tương lai tiếp nối được con đường của tiền nhân và đáp ứng được yêu cầu của dân tộc trong một thế giới đang thay đổi với gia tốc cực lớn khi đi vào cuộc Cách mạng 4.0.q

 

Chú thích

(1). Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới tôn vinh năm 1965 và UNESCO tôn vinh năm 2015; Nguyễn Trãi được UNESCO tôn vinh năm 1980; Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh năm 1990.

(2). Khai mạc tháng 3-1907; đóng cửa tháng 12-1907.

(3). Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn; trong bộ tứ: Tứ hổ Tràng An.

Lý Nhật Quang  - Vị Tri châu đầu tiên của Nghệ An

Hồ Sỹ Hùy

Tên tuổi Lý Nhật Quang rất đỗi quen thuộc với người dân Nghệ An xưa và người dân xứ Nghệ hiện nay. Ông là vị thần linh thiêng được thờ ở đền Quả, một trong 4 ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất ở xứ Nghệ: Cờn, Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng. Đền nằm bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường (vì thế còn có tên là đền Mượu), xã Bạch Đường, huyện Lương Sơn (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), cách thị trấn Đô Lương 3 km, cách TP Vinh 73 km. Tuy vậy, cho đến nay hầu như chưa có một tài liệu nào ghi chép tường tận  tiểu sử và sự nghiệp của ông. Bài viết này góp phần bổ sung và hệ thống hóa một số tư liệu.

 Uy Minh Vương Lý Nhật Quang威明王李日光 (? - 1057) con trai thứ 8 của Lý Công Uẩn 李公蘊 - tức vua Lý Thái Tổ李太祖 (974 - 1028), em trai cùng mẹ của vua Lý Thái Tông 李太宗 (vua sinh ngày 29 tháng 7, năm 1000, mất ngày 3 tháng 11, năm 1054; ở ngôi 1028 - 1054). Các thần tích xứ Nghệ còn chép tên ông là Lý Hoảng李. Theo cố GS Hà Văn Tấn thì đây là chép nhầm vì các chữ dính vào nhau(1). Mẹ là Linh Hiển Thái hậu họ Lê. Theo chính sử, năm 1039 Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An, năm 1041 được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với tước hiệu Uy Minh hầu(2). Buổi đầu triều Lý, Nghệ An gồm Diễn Châu phía Bắc và Hoan Châu (Nam Nghệ An & tỉnh Hà Tĩnh hiện nay) là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Cồ Việt (tháng 11/1054 Lý Thánh Tông mới đổi quốc hiệu là Đại Việt), việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy cát cứ ở địa phương khiến nhân dân khốn khổ, triều đình phải nhiều phen cất quân đánh dẹp. Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây viết tắt là Toàn thư) chép: "Thuận Thiên năm thứ 3(1012)… Vua thân đi đánh Diễn Châu… Thuận Thiên năm thứ 17 (1026) xuống chiếu cho Khai Thiên Vương đi đánh giặc ở Diễn Châu… Năm Thiên Thành thứ 4, châu Hoan làm phản… Tháng 2 ngày mồng 1, vua thân đi đánh châu Hoan"(3). Nhưng sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở châu Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. Hơn nữa, tuy chính sử không nhắc đến sự quấy phá của người Chiêm Thành phía Nam và người Lão Qua (Lào) phía Tây nhưng thần tích lại nói đến việc Lý Nhật Quang đánh dẹp giặc Ô Châu (chỉ người Chiêm Thành), giặc Lão Qua, chứng tỏ vùng đất này còn không yên vì giặc giã. Danh xưng Nghệ An (châu) xuất hiện sớm nhất vào năm 1030(4). Đặt tên cho vùng đất biên ải phía Nam này là Nghệ An hẳn nhà Lý muốn gửi gắm mong ước vùng đất biên viễn này luôn luôn yên bình (Nghệ An乂安  nghĩa là thái bình vô sự!). Từ năm 1030 đến năm 1040 không thấy chính sử nhắc đến vị Tri châu nào cai quản vùng đất này nên có thể xem Lý Nhật Quang là vị Tri châu đầu tiên của Nghệ An. Theo chính sử, trong các năm này ông đã cho đặt trạm canh phòng ở những nơi hiểm yếu, lập trại Bà Hòa (ở sông Bà Hòa, nay thuộc xã Đông Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - chú thích của các dịch giả Toàn thư - và "đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ" sẵn sàng phục vụ cho các cuộc hành quân. Năm 1044, vua Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành, khi qua Nghệ An được đáp ứng quân lương kịp thời. Tháng 9 năm đó, chiến thắng trở về vua đã thăng Lý Nhật Quang từ tước "hầu" lên tước "vương" và ban cho ông quyền Tiết việt 鉞 (quyền thay mặt nhà vua định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An, vùng đất biên viễn cực nam của nước ta bấy giờ - HSH chú)(5). Trong những năm 1039 - 1056 cai quản châu Nghệ An, Lý Nhật Quang là vị quan liêm khiết, thương dân, có công lớn giúp Nghệ An xây dựng kinh tế, nhất là khai khẩn đất hoang phát triển nông nghiệp. Lý Nhật Quang là nhà khai hoang nổi tiếng đầu tiên của nước ta, ông đã mở thêm được 5 châu, 22 trại, 56 sách ở Nghệ An(6). Sử cũ ghi chép về Lý Nhật Quang chỉ vẻn vẹn mấy dòng, nhưng công lao của ông lưu truyền rộng rãi đời này qua đời khác trong dân gian xứ Nghệ. Ông rất xứng đáng với tên gọi (Nhật Quang日光: ánh sáng mặt trời) sáng mãi trong lòng người dân xứ Nghệ xưa nay! Cũng cần nói thêm, ông làm Tri châu Nghệ An dưới triều vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) và vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) là thời kỳ Phật giáo Thiền tông nhập thế với tư tưởng cốt lõi là Phật tại tâm cực thịnh, hai vua này từng đi tu. Chính Thánh Tông là người có công trong việc lập ra phái Thảo Đường. Hoàn toàn có thể nói đây là thời thiên hạ thái bình, vua sáng tôi hiền. Toàn thư chép về Lý Thái Tông: "Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông"; chép về vua Lý Thánh Tông: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu kẻ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt…"(7). Chính Thái Tông là vị vua ban bộ luật Hình Thư (1042) một bộ luật nghiêm khắc mà khoan dung; lại chăm chỉ thực hiện lệ cày tịch điền, khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Lý Nhật Quang thật xứng đáng với sự tin cẩn của hai vua. Theo Quả Sơn linh từ sự tích: "Ông chủ trương khai thác quy mô đất Nghệ An. Vùng Vĩnh Hòa tức Khe Bố (nay thuộc xã Tam Quang, huyện Tương Dương, cách Cửa Rào 30 km về phía Đông Nam… HSH chú), vùng Cự Đồn (thuộc huyện Con Cuông bây giờ), vùng tổng Nam Kim thuộc Nam Đàn, rồi một số vùng khác ở Nghi Xuân, ở Thạch Hà, ở Kỳ Anh…, là do ông chiêu dân lập ấp và sử dụng tù binh để khai khẩn. Tại nơi trấn trị thuộc Đô Lương bây giờ ông lập ra đạo quân Nghiêm Thắng để giữ yên bờ cõiÔng chủ trương  đào và nạo vét các đoạn sông Ða Cái, Bà Hòa để thuận lợi trong việc giao thông đường thủy. Ông khởi xướng việc đắp đê sông Lam tiền thân của đê 42 sau này. Ông còn tu sửa 2 con đường thượng đạo ở miền núi Nghệ An, một từ Đô Lương lên Kỳ Sơn, đặc biệt là con đường thượng đạo từ Nghệ An ra Thanh Hóa, rồi ra Ninh Bình để đến Thăng Long. Ông còn khuyến khích việc phát triển nông nghiệp, thường khuyên dân phải trồng dâu nuôi tằm, chăm lo cày cấy làm ăn…"(8). Sách Bách thần sự tích chép lại những lời truyền tụng rộng rãi trong dân chúng: "Ngài ở châu 19 năm (đúng ra là 17 hoặc 18 năm tính từ 1039 năm ông vào phụ trách việc thu thuế đến năm 1055 theo Việt điện u linh hoặc đến năm 1056 theo Quả Sơn linh từ sự tích - HSH chú thêm) trừng trị bọn gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân được vỗ về yên nghiệp. Người thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, chăn tằm, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách làm lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết, có người đến kiện tụng thì lấy liêm sỉ, lễ nghĩa giảng dạy, ai cũng được cảm hóa, không cần đến kiện cáo nữa… Hồi ấy người Ô Châu thường đến cướp phá vùng Kỳ Hoa, Thạch Hà, ngài bèn dẹp yên, lấy ân tín để phủ dụ. Ô Châu không còn dám gây tai họa nữa… Đến khi ngài qua đời, nhân dân lập đền thờ ngài"(9). Trong tác phẩm Việt điện u linh - tập sách sưu tầm những chuyện huyền bí lưu hành trong dân gian, danh sĩ Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) ca ngợi Lý Nhật Quang: "Vương là người trung hiếu, cung cẩn, hành động quả cảm, gọi là Bát Lang Hoàng tử. Niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm đầu - tức năm 1039 - HSH chú) được chọn làm việc tô thuế ở Nghệ An, giữ chức mấy năm, sợi tơ sợi tóc của dân không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, vua rất yêu mến…Vương coi việc châu ấy mười sáu năm, tiếng lành ngày càng vang xa, nhân dân tin yêu. Nghe tin vương từ chức, dân tranh nhau níu xe, giữ ngựa, khóc lóc … Dân trong châu xin lập đền thờ, cầu tạnh cầu mưa, không gì không linh ứng, là một vị đại phúc thần của cả châu"(10). Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: "Nhật Quang là con thứ 8 Lý Thái Tổ; khi nhậm chức ở Nghệ An, làm chính sự có ân huệ với dân. Đến lúc mất, người trong châu ấy lập đền thờ". Sử thần nhà Nguyễn còn chua thêm: "Đền Nhật Quang ở xã Bạch Đường và xã Hội Thống thuộc tỉnh Nghệ An, bây giờ vẫn còn"(11). Nhà Nghệ An học, cố PGS Ninh Viết Giao (1933 - 2014) và một số nhà báo cho biết, ngoài đền chính Quả Sơn, từ Thanh Hóa vào Nghệ An, Hà Tĩnh (trước năm 1831, Nghệ An gồm cả Hà Tĩnh ngày nay) còn có trên 50 nơi dựng đền đặt hiệu bụt thờ Lý Nhật Quang. Đặc biệt, có những đền cùng thờ nhiều vị thần nhưng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được chọn làm vị thần chủ của đền (Chẳng hạn miếu Tam Tòa còn đến ngày nay ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ngoài việc thờ vị thần chủ Lý Nhật Quang, còn thờ Tứ vị Thánh Nương, thần Bản Thổ và Thần Nông…)(12). Riêng vùng Bạch Ngọc - nơi đã từng là lỵ sở trấn trị của châu đã có tới 8 đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Sách Lịch sử Nghệ An T1, từ nguyên thủy đến Cách mạng tháng Tám (tr.224, 225) từng nêu giả thiết: Nghệ An châu trại thời Lý Nhật Quang đến năm 1101 đổi là phủ Nghệ An (theo Việt sử lược) tương ứng với toàn bộ vùng đất xứ Nghệ ngày nay. Sử cũ thường nhắc địa danh Diễn Châu (từ nam Thanh Hóa đến hết huyện Yên Thành ngày nay) không thay đổi trong một thời gian khá dài nên dễ lầm tưởng là một đơn vị hành chính độc lập, thực chất từ thời Lý đã trở thành một bộ phận của Hoan Châu rồi từ 1030 là Nghệ An châu trại. Tôi tán thành giả thiết này và xin bổ sung: Cứ xem ảnh hưởng của ông đến toàn bộ vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh và cả nam Thanh Hóa và lị sở Nghệ An bấy giờ đặt ở Bạch Đường (thuộc huyện Đô Lương hiện nay) là trung tâm của cả xứ Nghệ thì có thể khẳng định điều này!

Ngoài ra, nhân dân Chiêm Thành nhớ ơn Lý Nhật Quang có công giúp vua Chiêm ổn định đất nước đã lập đền dưới chân núi Tam Tòa, cửa biển Thị Nại (nay thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), gọi là đền Tam Tòa (nay chỉ còn phế tích) để thờ ông. Đây là một trong số ngôi đền cổ có niên đại tương đương với đền Quả. Vì vậy, mọi người cũng gọi ông là Tam Tòa đại vương, Đức Thánh Tam Tòa. Như vậy, Lý Nhật Quang không chỉ là người có công lớn trong sự phát triển của Nghệ An mà còn góp phần vào sự thịnh trị của cả đất nước buổi đầu triều Lý(13). Với vị trí địa - quân sự quan trọng, Nghệ An luôn được coi là "thành đồng ao nóng và là then khóa của các triều đại" (Phan Huy Chú). Thời Lý - Trần, các vị quan trấn trị ở đây thường là những người trung thành, tài năng xuất chúng. Sau Lý Nhật Quang, cai quản Nghệ An từng có các đại thần tên tuổi lừng lẫy như Lý Ðạo Thành (? - 1081), Trần Quang Khải (1241 - 1294), Trần Quốc Khang (1237 - 1300), Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370)... Cùng với Thanh Hóa (Ái Châu), Nghệ An (Hoan Châu) luôn luôn là nguồn bổ sung quân đội hết sức quan trọng. Người lính vùng này nổi tiếng trung thành, thiện chiến. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 (1285) để động viên tướng sĩ, vua Trần Nhân Tông từng viết:

會稽舊事君須記:Cối  Kê cựu sự quân tu ký

驩愛猶存十萬兵:Hoan  Ái do tồn thập vạn binh.

(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ/ Hoan Ái còn kia mười vạn quân)(14).

Tóm lại, Lý Nhật Quang là vị Tri châu Nghệ An đầu tiên và cũng là vị Tri châu tài đức vẹn toàn đầu tiên của Nghệ An. Hy vọng trong dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An tên tuổi ông sẽ càng có dịp tỏa ánh hào quang  nhiều hơn nữa!

 

 Chú thích

(1). Không rõ dựa vào nguồn nào, Wikipedia chép Lý Nhật Quang sinh năm 995, và tác giả Nguyễn Thị Liễu (trong bài Đền Quả Sơn đăng ở sách Nghệ An Di tích Danh thắng, Sở Văn hóa Thông tin xb, 2001, tr.114) cho rằng Lý Nhật Quang sinh năm Mậu Tý (988), nhưng tất cả các tài liệu đều chép ông là em cùng mẹ vua Lý Thái Tông (vua sinh ngày 29/7/1000 - 1054), điều đó thật vô lý! Còn ý kiến của GS Hà Văn Tấn hẳn là chính xác vì các bộ chính sử đều chép tên ông là Lý Nhật Quang. Thử đặt 2 tên cạnh nhau thì thấy rất rõ nếu 2 chữ Nhật Quang 日光 mà viết dính nhau thì thành chữ Hoảng 晄 (còn viết là晃). Xin xem Hà Văn Tấn: Về mối liên hệ giữa văn bản học và sử liệu học trong sách Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm Nxb KHXH,H,1983, tr.110.

(2). Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa - Thông tin. H.2003. T1, tr. 399, Khâm định Việt sử thông giám cương mục Nxb Giáo dục. 1998), T1, tr.295.

(3). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. T1, tr. 362, 371, 385.

(4). Theo Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Giáo dục.2007. T1, tr.72; Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, NXB KHXH, 2004, tr.52; Còn Toàn thư, Cương mục & Đại Nam nhất thống chí đều chép năm 1036 mới đổi Hoan Châu làm Nghệ An châu trại. Ở đây chúng tôi tạm theo kết luận của cuộc tọa đàm ngày 11/1/2003 do Trung tâm KHXH&NV Quốc gia tổ chức tại Vinh chọn mốc 1030.

(5), (7). Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. T1, tr. 407; 382, 415.

(6). Theo Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (CB): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, tái bản 2004, tr. 406

(8). Ninh Viết Giao (CB): Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1993. T1, tr.199 - 200.

(9). Bách thần sự tích, Thái Kim Đỉnh dịch và chú giải. Nxb Đại học Vinh, tr.21. Ô châu 烏州(tiếng Chăm Vuyar) là tên một châu của Chiêm Thành (vùng đất từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn phía Nam tỉnh Quảng Trị). Người Ô Châu ở đây chỉ người Chiêm Thành.

(10). Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (bản dịch của Trịnh Đình Rư), Nxb Hồng Bàng, Gia Lai 2012, tr.6;61,62.

 (11). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục. 1998, T1, tr.302.

(12). Xem thêm: Trần Phi Công: Miếu Tam Tòa, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 255. Tháng 10/2019, tr.9-14.

(13). Xem thêm: Nguyễn Thanh Lưu: Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, vị thần tướng ít được lịch sử nhắc tới, Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ An https://bookhunterclub.com/uy-minh-vuong-ly-nhat-quang-vi-than-tuong-it-duoc-lich-su-nhac-toi/.

(14). Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học Xã hội, 1988. Sử chép ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thân (tháng 1 - 1285), giặc đánh vào cửa ải Chi Lăng, Nội Bàng. Trước sức tiến quân ào ạt của 50 vạn quân Nguyên, thế quân ta bất lợi. Trần Quốc Tuấn cho lui quân về Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tông lập tức ngự thuyền ra Hải Đông gặp Hưng Đạo Vương, không kịp ngự thiện, mãi đến chiều người lính Trần Lai mới dâng cơm, được vua ban khen là trung. Hưng Đạo vương vâng mệnh chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào không đến tập hợp. Vua làm hai câu thơ này đề ở đuôi thuyền. Hai câu này còn có dị bản: Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Giao thương của người Nhật ở Nghệ An

Đào Tam Tỉnh

I. Vài nét về quan hệ giao thương Việt - Nhật trong lịch sử

Nhật Bản, đất nước với địa lý là một quần đảo giữa biển Đông Thái Bình Dương, nên gắn liền với sự giao lưu kinh tế với bên ngoài. Không có giao lưu kinh tế lớn với nước ngoài thì nước Nhật không thể tồn tại và phát triển. Nước Nhật cũng đã sớm có giao thương kinh tế với nước Việt. Theo Giáo sư Đào Duy Anh thì: Từ đầu thế kỷ XV, có một ít người Nhật cũng đến buôn bán ở nước ta (Sách: Việt Nam văn hóa sử cương).

N.Peri trong chuyên khảo nghiên cứu về mối quan hệ Nhật Bản và Đông Dương thời Trung đại cho biết năm 1583 đã có tàu Nhật tới Đà Nẵng. Cuối thế kỷ XVI, thời kỳ Toyotomi (1536-1598) đã có thương nhân Bạch Tần Hiển Quý cùng 5 thuyền lớn đến buôn bán ở Cửa Việt, Thuận Hóa (thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Thời vua Lê - chúa Trịnh ở Đằng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đằng Trong đã có sự giao lưu quan hệ hai nước trong buôn bán và trao đổi hàng hoa. Theo lịch sử Nhật Bản, dưới thời Tokygawa đã cấp 331 giấy phép (Shuinsen) buôn bán với Đông Nam Á (1604-1634), trong đó có tới 121 là đến Việt Nam. Thương nhân Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam những đồ kim loại, gươm, áo giáp, v.v… Họ mua các hàng như tơ lụa, gỗ, trầm hương, hổ phách, thạch anh, hộp sơn mài, v.v… Có lúc tại Hội An đã có tới 700 người Nhật cư trú, lập thành khu riêng, sống theo phong tục Nhật Bản. Họ còn xây nhà, chùa, quán xá theo kiến trúc Nhật Bản truyền thống và nổi tiếng nhất là Chùa cầu Nhật Bản còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Thời đó phố người Nhật ở Hội An đã khá sầm uất. Trong thư của chúa Nguyễn Hoàng (Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế) gửi Quốc vương Nhật Bản cũng có đoạn viết:

Từ năm nay trở đi, các thuyền thông thương chỉ nên đến nước tôi là tiện cho việc buôn bán. Còn như các xứ Thanh Hóa, Nghệ An với nước tôi (Đằng Trong) là thù địch, mong rằng Quốc vương đã có lòng yêu nhau, thì nên cấm hẳn các thuyền buôn qua lại các xứ ấy.

Thư này đề ngày… năm Hoằng Định thứ 5 (1604), như vậy đã chứng tỏ tàu buôn Nhật Bản đã có giao thương cả ở Đằng Ngoài (với vua Lê, chúa Trịnh) và cả ở Đằng Trong (với chúa Nguyễn) vào đầu thế kỷ XVII.

II. Quan hệ giao thương của người Nhật ở xứ Nghệ

Nghệ An cũng là một trong các địa chỉ mà thương thuyền Nhật Bản đã đến buôn bán từ khá sớm. Chúa Trịnh từng có chỉ dụ cho quan Trấn thủ Nghệ An việc các tàu buôn Nhật đến Nghệ An. Đó là sự kiện vào mùa Xuân năm Hoằng Định 9 (1609), tàu Giác Tàng cập bến Phục Lễ (復禮), Hưng Nguyên. Ngày 27 tháng 3 năm ấy, Phủ Chúa chỉ thị cho quan Trấn thủ xứ Nghệ An, Phó tướng Tứ Quận công Ngô Phúc Tinh cùng thuộc hạ:

Nay có thương thuyền Nhật Bản cập bến sông thuộc xã Phục Lễ, huyện Hưng Nguyên, các quan quản hạt cần:

- Tìm hiểu rõ, trước khi tới đây, thương thuyền Nhật Bản trú tại xã huyện nào?

- Tra hỏi danh tính thuyền trưởng và các khách buôn cùng đi trên tàu.

- Các hàng hóa vật dụng phương tiện trên tàu.

Khẩn cấp thị sát, xét hỏi, kê khai đắc bằng. Nếu sai sót, có quốc pháp.

Nay Chỉ thị.

Ngày 27 tháng 3 năm Hoằng Định thứ 9  (Vb1-tr24).

Qua các tài liệu văn bản lịch sử giao thương được Nhật Bản lưu giữ thật cẩn thận cho đến nay cho ta biết, người Nhật đã đến Phục Lễ, Triều Khẩu, Phù Thạch, Lam Thành (nay là Hưng Châu, Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) để buôn bán với người Việt. Điều đó chứng tỏ vùng đất Lam Thành lỵ sở triều Lê và phố chợ Triều Khẩu - Phù Thạch đã rất sầm uất có sức lôi cuốn cả thương nhân nước ngoài đến để buôn bán và không hề thua kém phố Hiến và Hội An là mấy. Họ còn xin được cư trú và xây dựng nơi ở khá khang trang để tính kế về ngoại thương lâu dài.

Qua sự kiện chiếc tàu buôn của Nhật Bản sang Phục Lễ, Nghệ An buôn bán bị đắm ở sông Lam - Cửa Hội được phát hiện, thì các nhà nghiên cứu giao thương người Nhật đã sang Nghệ An và Hà Tĩnh để tìm hiểu. Họ đã mang theo các tài liệu liên quan đến con tàu đắm và văn bản, thư từ trao đổi giữa hai nước lúc đó (đầu thế kỷ XVII) để minh chứng, đối sánh.

Tài liệu cho biết về tình cảm giao thương giữa hai nước Việt - Nhật thêm gắn bó. Hai bên đã có nhiều thư từ trao đổi với nhau, đáng chú ý là tài liệu Thương thuyền Nhật Bản cập bến Phục Lễ, Hưng Nguyên buôn bán: Tập tư liệu mang tiêu đề: An Nam mậu dịch gia Giác Ôc Thất Lang Binh Vệ, phụ, Tùng Bản nhất tộc, 41 trang, chữ Hán và chữ Nhật do ông Lưu Hàn Cát Dạng sao, gửi tặng lãnh đạo các ngành liên quan 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo dịch giả Bùi Văn Chất (CLB Hán Nôm Nghệ An): Trong tập ấy (do GĐ Sở Xây dựng Nghệ An cung cấp), còn có cả những bản vẽ: Chùa Tùng Bản; Bức tượng Hòa thượng Ngộ Tâm trụ trì chùa Tùng Bản; Sơ đồ khu mộ người Nhật; Mô hình chiếc tàu hàng hải Phúc Kiến… Thương gia Giác Ốc Thất Lang Binh Vệ - họ Tùng Bản là người mở đầu giao thương với Nghệ An từ năm 1609.

Tư liệu này đã làm rõ thêm bằng cứ về: Xuất xứ của chiếc tàu, mối giao thương Việt - Nhật cùng những công trình kiến trúc của dòng họ Tùng Bản xây dựng trên đất Phục Lễ - chợ Tràng  Hưng Nguyên, thuở ấy. Chúng tôi trích giới thiệu đề mục và vài nét nội dung số tài liệu trên:

1. Tài liệu về tàu Giác Tàng của Nhật Bản đến xã Phục Lễ

Mùa Xuân năm Hoằng Định 9 (1609), tàu Giác Tàng cập bến Phục Lễ (復禮), Hưng Nguyên…

2. Quảng Phú hầu có tờ trình về việc xin sửa chữa tàu gặp nạn ở cửa biển Đan Nhai để người Nhật về nước

Ngày 03 tháng 4 năm Hoằng Định 11 (1611) [Vb.2].

3. Tờ trình của Du Duẫn Đổng về việc cấp cứu và nhận nuôi dưỡng người Nhật do tàu bị chìm

Kính!

Nhật Bản quốc vương Điện hạ!

Năm vừa qua có tàu Nhật Bản do ông Giác Tàng làm trưởng tàu, chở đầy hàng hóa, ngày 11 tháng 5 vào địa phận xứ Nghệ An lưu trú, tới trình bày với quan bản xứ, xin Điện hạ khải trình Chúa thượng, tới thăm tàu Phúc Kiến Nhật Bản, cho mở trạm giao dịch để tiện việc mua bán. Thấu hiểu tấm lòng của Giác Tàng, Điện hạ đã kết làm "nghĩa dưỡng".

Đến ngày 16 tháng 6, Giác Tàng cáo từ ra về, ra cửa biển gặp sóng gió, quân Giác Tàng 13 người bị sóng cuốn không may đều chết. Còn người em Trang Tả Vệ Môn và khách buôn may được sống sót. Đài hạ đã sai binh lính tới cứu giúp. Riêng người em cấp nuôi 49 người; Đài hạ nghiêm thị Đại Đô đường Hữu phủ Thư Quận công nuôi 39 người; Chưởng giám Văn Lý hầu nuôi 26 người. Tất cả đều được cung cấp đầy đủ áo quần, tư trang, lương thực. Đại để đều do tấm lòng nhân từ và công sức Điện hạ…[Vb. 3].

4. Thư của Đô đường Lý Văn hầu về việc cấp giấy phép cho người Nhật về nước:

An Nam quốc Đô đường quan Văn Lý hầu.

Phụng sai đến xã Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên biết nơi tàu của Giác Tàng cùng khách buôn đến buôn bán. Xong, cấp giấy cho về nước để tiện việc qua lại mua bán.

Nay thư!

Ngày 13 tháng 5 năm Hoằng Định 11 (1611) [Vb. 4].

5. Về việc tàu Nhật đến nhập các thương phẩm:

Tàu lạ tới An Nam thâu nhập phẩm…

Ngày 11 tháng giêng năm Khánh Trường 17 (Nhâm Tý - 1612)…

6. Về việc thương thuyền phục hưng trở lại buôn bán sau thời gián đoạn:

Tờ khải của ông Trinh Thuận Đại sứ ty Nhật Bản gửi quan Chấp sự của An Nam…

Ngày 01 tháng 12 năm Kỷ Mùi - Nguyên Hòa thứ 5 (1619) [Vb. 6].

7. Thư của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng gửi Mạc phủ về việc kết nghĩa anh em và tặng hiện vật quý:

Năm Vĩnh Tộ 6, tức năm Khoan Vĩnh 1 (1624)

Thư Thanh Đô Vương gửi Mạc phủ [chính phủ nước Nhật Bản]:

… Biết quốc chủ Nhật Bản là người trai trẻ phương trưởng, đức tính khoan hiền, ta muốn kết làm anh em, nhân nghĩa giao hảo, cốt lấy chính danh đại nghĩa làm đầu cho việc tương giao…

Ngày 20 tháng 5 năm Vĩnh Tộ 6 (1624) [Vb. 7].

8. Thư của Thiếu bảo Hoa Quận công gửi Tàu trường Giác Tàng:

Ngày 05 tháng 6 năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1626)…

9. Đáp từ của Giác Tàng Trưởng tàu Nhật Bản:

Đáp từ của Giác Tàng, Nhật Bản, năm Khoan Vĩnh thứ 2 (1625)…

10. Thư tay của Nguyên soái Thống Quốc chính Thanh Đô vương qua Giác Tàng, gửi Mạc phủ:

Ngày 22 tháng 5 năm Vĩnh Tộ thứ 9 (Khoan Vĩnh năm thứ 4 - 1627)…

Việc người Nhật Bản đến Phục Lễ buôn bán được triều đình vua Lê, chúa Trịnh hết sức quan tâm và thâm tình, thể hiện qua việc kết nghĩa anh em cùng hoàng tử và có nhiều quà tặng quí trao đổi qua lại. Chính các quan chức người xứ Nghệ phụ trách ở trấn Nghệ An cũng có nhiếu công văn thư từ qua lại với triều đình và người Nhật. Khi tàu buôn Nhật Bản bị sóng gió đánh chìm ở Cửa biển thì họ chỉ huy binh lính, dân địa phương ra sức cứu người, cứu được đến trên 100 người và chia nhau cưu mang nuôi họ trong thời gian tạm trú chờ đến lúc có tàu trở về bản quán. Có người Nhật vì mất hết người nhà, không còn ai thân thích nương tựa đã trở thành con nuôi, được mang họ người Việt, trở thành phu nhân các dòng họ quan lại xứ Nghệ, như con gái nuôi người Nhật của Đô đường Văn Lý hầu Trần Tịnh được gả cho Nguyễn Như Thạch, con ông Nguyễn Công Ban, tổ bốn đời của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ở Trường Lưu, Can Lộc. Theo Phượng Dương Nguyễn tông thế phả - Gia phả họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Can Lộc ghi tên bà là Trần Thị Dưỡng Nương, tục gọi là Mệ Bà. Bản dịch gia phả có đoạn:

Người vợ thứ hai chính gốc Nhật Bản, con nuôi của họ Trần "Trần Thị Dưỡng Nương", tục gọi là Mệ Bà người Nhật. Quan Liêm Quận công người xã Nguyệt Ao nhặt được đưa về làm con nuôi gả cho cụ Như Thạch, thời ông tại triều là hầu hạ vậy. Nay cửa thế con cháu Tri huyện Nguyễn Công Chất kế tiếp giỗ chạp.

Trong bài cụ Nguyễn Công Ban tiến triều của Nguyễn Công Phát viết năm Quý Dậu (1693), được Tiến sĩ Nguyễn Tiến Tài hiệu đính có viết:

Bà mẹ thứ, hiệu Từ Kiệm, họ Trần rước từ Nguyệt Ao, gốc người Nhật Bản mà cái ơn chạy vạy có thể xem bà là nhất, từ đó nhìn ra gia đạo ngày càng hưng thịnh. Bà là chỗ dựa vững chắc hầu hạ để Hình bộ Lang trung Nguyễn Như Thạch toàn tâm lo việc nước. Bà được người trong làng và trong dòng họ quen gọi là "Mệ Bà". Dòng họ cũng có lập đền thờ bà, tục gọi là Đền Ả Mệ Bà và hiện vẫn còn mộ bà ở Trường Lưu (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Gần đây, nhà nghiên cứu Trần Phi Công đã giới thiệu bức thư của Văn Lý hầu Trần Tịnh có liên quan đến sự kiện tàu buôn Nhật Bản bị chìm ở Cửa Hội do PGS.TS Hasuda Takashi tặng cho Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh trong chuyến công tác tại Nghệ Tĩnh. Nguyên văn bức thư (dịch nghĩa của Trần Phi Công) như sau:

"Hiệp mưu Tá lí công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tổng Thái giám, chưởng (thượng) cung môn thừa chế sự Văn lý hầu nước An Nam chuyển thư đến ngài Thị trưởng thương nhân Nhật Bản là Bích Sơn Bá. Khi về bản quốc được biết ngày nọ tháng 6 năm trước, việc buôn bán trao đổi tiền tệ với An Nam đã xong xuôi. Nay về đến cửa Chu Nhai ở ngoài biển thì bỗng nhiên bị sóng nổi lên đánh cho tan tác, khiến cho 105 người ở bản xứ phải sống trôi nổi. Ngài Đô đường quan, Quận công, Chướng giám Văn Lý hầu và Phò mã Quảng Thường hầu có ý làm việc công đức, thương xót thương nhân ở viễn quốc, thương tình họ đói khát nên đã lấy gia sản cấp dưỡng nuôi sống toàn bộ số người trên tàu. Rồi lại cho điều họ đến Kinh để bái chúa Thượng. Chúa Thượng rộng đức có lòng từ tâm nên ban sắc chỉ lệnh cho bọn họ được trở về bản quốc, ý đó thật là may mắn vậy. Nay các quan Đô đường cùng chấp thuận cho làm thuyền lớn một chiếc, rồi lại ban cho chức tước trở về bản quốc để bày tỏ cái nghĩa tình được hưởng tiếng thơm, để cho toàn vẹn cái ân đức. Vì vậy, nay chuyển thư đến!

Ngày 11 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 11 (1611)".

Đô đường quan Lý Văn hầu Trần Tịnh quê ở thôn Mật, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là làng Mật Thiết, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, có thế lực. Ông là một hoạn quan văn võ toàn tài, được triều đình tin tưởng giao cho nhiều chức trách, làm đến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tổng Thái giám Thượng giám sự Chưởng cung môn thừa chế sự, sau được ban tặng Thái bảo Liêm Quận công. Ông còn có tên là Trịnh Tiểu, do có nhiều công với chúa Trịnh nên được ban quốc tính. Sau khi mất, di hài ông được an táng tại quê nhà và được thờ làm Hậu thần của làng.

Các quan chức người Nghệ đã có cảm tình đặc biệt với người Nhật, đã tạo điều kiện cho họ có đất đai, xây dựng nhà cửa, chùa Phật cạnh bến sông Lam ở Phục Lễ. Đó là nơi thuận tiện cho tàu thuyền cập bến cất bốc hàng hóa, lại gần chợ phủ lị và trung tâm đô thị sầm uất nhất miền Trung lúc đó. Người Nhật đã có thể ở lại làm ăn lâu dài và đi lại buôn bán rất thuận tiện.

III. Phát hiện các cổ vật liên quan đến giao thương của người Nhật Bản tại Nghệ An

Khi người Nhật Bản sang buôn bán với người Việt ở các tỉnh nước Việt nói chung và tại xứ Nghệ nói riêng thì đều đem theo hàng hóa, sản vật quý hiếm của nước họ để trao đổi các mặt hàng quý hiếm của nước ta. Đồng thời, người Nhật còn đem theo vàng bạc, tiền đồng để mua các hàng hóa quí hiếm, hoặc mua vật liệu để xây dựng quán xá, nhà ở, chùa thờ Phật, nhất là ở những nơi cư trú để tiện việc giao lưu thông thương như ở Hội An (Quảng Nam), Phục Lễ (Nghệ An). Tại Nghệ Tĩnh đã có phát hiện nhiều tiền đồng một số loại mang niên hiệu của Nhật Hoàng, các loại vật dụng sinh hoạt thường nhật như bát đĩa đồ gốm sứ, gương đồng, trong đó có gương đồng đúc rất rõ nét chữ Bản to ở giữa lòng và chung quanh là các hoa văn rất đẹp và hài hòa v.v… do Nhật Bản chế tạo.

Các hội viên Chi hội Di sản Văn hóa Cổ vật Sông Lam đã sưu tầm được rất nhiều tiền Nhật Bản còn sót lại trong lòng đất các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh. Loại tiền Nhật có nhiều nhất là tiền mang niên hiệu Nguyên Phong thông bảo, Nguyên Hựu thông bảo và Khoan Vĩnh thông bảo, cùng một số niên hiệu đặc biệt khác như Đại Thế thông bảo; Khánh Trường thông bảo, Thiên Bảo thông bảo, Thường Bình thông bảo. Thầy giáo Nguyễn Quốc Vượng, nhà ở xóm 6, xã Hưng Châu, gần ngay bến sông chợ Mí (xóm 4), trước đây là nơi có quán xá, chùa Tùng Bản của người Nhật đã để công sưu tầm được bộ tiền đầy đủ các triều Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, trong đó có các loại tiền đồng của Nhật Bản dân đào được ở địa phương này. Các nhà khảo cổ học Nhật Bản cũng đã phối hợp với địa phương tìm lại nơi nền nhà quán xá người Nhật ở bến sông chợ Mí và đã phát hiện được nhiều mảnh gốm do Nhật Bản chế tạo.

 

* Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An"

Sáng 26/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An".

Báo cáo tại Hội thảo nêu rõ: Giai đoạn từ 2014 - 2020, thực hiện Đề án phát triển cây, con chủ lực của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2014-2019 đạt 4,8%; Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, sản lượng lương thực cây có hạt trên 1,2 triệu tấn, hoàn thành mục tiêu đề án đề ra.

Hội thảo đã được nghe 10 tham luận của các chuyên gia, phân tích, định hướng lựa chọn các cây, con chủ lực, đồng thời đề ra những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, trong đó có cây, con chủ lực. Nhiều ý kiến tại hội thảo đồng tình cho rằng: Tiêu chí lựa chọn tập trung ưu tiên 2 vấn đề chính là lợi thế so sánh và cơ hội thị trường. Mỗi sản phẩm cần xác định rõ thị trường chiến lược để có giải pháp xúc tiến thương mại, chiến lược sản phẩm phù hợp. Ngành nông nghiệp cần phân tích chuỗi giá trị từng đối tượng sản phẩm để từ đó tham mưu xây dựng chiến lược tác động khoa học, kỹ thuật hay chính sách hỗ trợ… nhằm tập trung ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực và hỗ trợ các doanh nghiệp nòng cốt đầu tư vào một số khâu của sản xuất sản phẩm chủ lực.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Hội thảo khoa học là cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là làm tốt công tác quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp trên từng không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; Làm tốt công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp...

Quang Vinh

* Hội thảo khoa học "Công cụ khai thác thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về SHCN, tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ"

Với mục đích cung cấp thông tin, kiến thức về xác lập quyền thương mại hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ và các hoạt động quản trị tài sản trí tuệ tại Nghệ An, chiều ngày 15/05, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo "Công cụ khai thác thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về SHCN, tạo dựng, bảo hộ và phát triển TSTT" và khai trương Trạm Ipplatform. Hội thảo được nghe các diễn giả của Viện Khoa học SHTT cung cấp các thông tin về SHCN qua 4 chủ đề: Thông tin SHCN phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Thông tin và dịch vụ SHCN phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo lập, bảo hộ và quản trị TSTT; Thực hành tra cứu sáng chế trên nền tảng IPPlatform; Thực hành tra cứu nhãn hiệu trên nền tảng IPPlatform.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận được các đại biểu đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHCN, tạo dựng, bảo hộ và phát triển TSTT.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác về SHTT giữa Viện KHSHTT và Sở KH&CN và Lễ Cắt băng Khai trương Trạm khai thác thông tin và Sử dụng dịch vụ SHCN (IPPlatform) tại Nghệ An.

Hồng Bắc

* Đại hội Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Sáng ngày 19/5, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hầu hết các đảng viên thống nhất cao với Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội; đồng thời cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua và đề xuất một số giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại Đại hội, với tinh thần dân chủ, thống nhất cao, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Sở KH&CN nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 07 đồng chí, đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ. Tiếp đó Đại hội cũng tiến hành bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên gồm 04 đồng chí chính thức, 01 đại biểu dự khuyết.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nghị quyết tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 nêu trong báo cáo chính trị trình đại hội.

Dịp này, đại hội cũng tuyên dương 1 tập thể, 5 cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuyên dương 1 tập thể, 5 cá nhân điển hình tiên tiến ngành khoa học giai đoạn 2015-2020.

Hồng Bắc

* Khảo sát xây dựng gói sản phẩm du lịch nông nghiệp

Thực hiện Quyết định số 5299/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Hỗ trợ triển khai một số mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tháng 5/2020, Trung tâm KHXHNV Nghệ An (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An) phối hợp với Sở Du lịch Nghệ An, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Công ty du lịch Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và UBND các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò tổ chức chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch nông ngư nghiệp.

Đoàn đã đến khảo sát tại Hợp tác xã Sen Quê Bác (xã Kim Liên), tham quan Trang trại ông Nguyễn Văn Lợi (xã Nam Nghĩa) và Hợp tác xã Chanh (xã Nam Kim); Mô hình sinh thái hoa và dược liệu (xã Hưng Long), Vườn hoa bãi bồi Long Xá (Hưng Nhân), Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch (xã Hưng Thành); tham quan và trải nghiệm tại Làng nghề nước mắm Hải Giang I (Phường Nghi Hải), Làng nghề chế biến hải sản khối 7 (phường Nghi Thủy)…

Sau chuyến khảo sát này, Trung tâm KHXH&NV (Sở KH&CN) sẽ lựa chọn một số điểm để hỗ trợ xây dựng mô hình, gỡ khó, tìm hướng đi. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour tuyến mới, đảm bảo lợi ích giữa các bên, công bố và đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Nguyễn Nhung

* Hội thảo báo cáo nhiệm vụ "Đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An"

Chiều ngày 21/5, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học báo cáo nhiệm vụ "Đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý một số nội dung: đi sâu phân tích hơn ở phương pháp chuyên gia, một số nội dung cần đảm bảo tính logic tránh trùng lặp; nên phân tích, đánh giá các chính sách cụ thể; kết luận, nhận định đánh giá tác động của chính sách cần có luận cứ đầy đủ; cần làm rõ lý do những hạn chế trong thực hiện chính sách; nêu rõ nguyên nhân cụ thể những chính sách không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả; việc phân bổ vốn hàng năm còn khá chậm; tập trung quan tâm đến chất lượng trong hỗ trợ về giống, cây con; nên rà soát lại một số chính sách không phù hợp để thay thế phù hợp hơn; một số vấn đề về thủ tục cần gọn lại, tránh qua nhiều vòng.

Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đại biểu cho rằng: việc tiếp cận của người dân về chính sách còn chưa rõ ràng; việc triển khai chính sách trong mối liên kết về chất lượng sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; một số chính sách còn dàn trải, chưa có sự phân cấp cụ thể; cách thực hiện trong các chính sách còn chưa phù hợp; chính sách hỗ trợ còn có một số vướng mắc về thủ tục thanh quyết toán; cần có những nội dung hướng dẫn cụ thể trong chính sách hỗ trợ…

Kết luận tại hội thảo, ông Hoàng Nghĩa Nhạc - PGĐ Sở KH&CN yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự để bổ sung, hoàn thiện báo cáo đầy đủ và chính xác hơn.

 Hồng Bắc

* Đoàn công tác của Viện Frierich     Nauman Foundation for Freedom (FNF) và Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội tỉnh Bắc Ninh thăm và làm việc tại Nghệ An

Chiều ngày 22/5, đoàn công tác của Viện FNF và Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. 

Tại buổi làm việc, GS.TS Andreas Stoffers và TS Phạm Hùng Tiến đã giới thiệu về Viện FNF. Đây là một tổ chức phi chính phủ của CHLB Đức, có trụ sở tại Potsdam và hoạt động tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đã hỗ trợ cho 6 tỉnh trong xây dựng DDCI và nâng cao PCI gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Trà Vinh. Đoàn Viện FNF bày tỏ tinh thần sẵn sàng hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Quốc Thành - GĐ Sở KH&CN cảm ơn đoàn công tác đã tới thăm, làm việc và bày tỏ mong muốn Viện FNF hỗ trợ cho Sở tổ chức một cuộc hội thảo cấp tỉnh kết nối PCI, DDCI (dự kiến vào quý II/2021 sau khi công bố PCI, DDCI của tỉnh Nghệ An). Với vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup), tỉnh mong muốn Viện FNF hỗ trợ hoặc giúp tỉnh kết nối với các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm chia sẻ cách thức, các bước đầu tư và lợi nhuận đầu tư…

  Nguyễn Hiền

* Giới thiệu sách: "Múa hai bàn tay" - Tập thơ dành cho các bạn nhỏ

Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tuất từ lâu đã là gương mặt quen thuộc trên thi đàn xứ Nghệ, đặc biệt là với đề tài thơ thiếu nhi.

Múa hai bàn tay là tập thơ thứ 8 ông viết cho các cháu.

 Tập thơ gồm 80 bài dành cho thiếu niên nhi đồng được tác giả viết trong những năm gần đây.

Tự hoá thân qua đôi mắt "trẻ thơ", làm người bạn thân thiết, tin cậy đối với các bạn nhỏ, tác giả Nguyễn Trọng Tuất đã có cái nhìn tinh tế, trong trẻo, phù hợp với tâm lý, tình cảm tuổi thơ.

Tập thơ Múa hai bàn tay được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đặt hàng Nhà xuất bản Nghệ An thực hiện năm 2019 và phát hành đến các trường học mầm non, tiểu học trong toàn tỉnh.                                    

Hồ Văn Sơn

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây