Chuyên san KHXH&NV số 1/2019

Thứ năm - 24/01/2019 22:00 0

PGS. Chương Thâu

 

I. Sự kiện

Chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc ngày 11 - 11 - 1918. Sáng sớm hôm đó, đoàn đại biểu của nước Đức do Écbécgiơ (Erzberger) cầm đầu, thay mặt Khối liên minh Đức - Áo - Hung, đã ký Hiệp ước đình chiến với Khối hiệp ước Anh - Pháp - Ý - Mỹ - Nhật ở khu rừng Côngpienhơ (Conpiègne) trên đất Pháp. 11 giờ cùng ngày, từ Paris đã vang lên 101 phát đại bác báo hiệu sự chấm dứt hoàn toàn cuộc tàn sát ghê gớm đầu tiên giữa những tập đoàn đế quốc chủ nghĩa trên quy mô thế giới.

Ngày 18-11-1919, Tổng thống Pháp Poanh Carê (Raymond Poin Caré) chính thức tuyên bố khai mạc Hội nghị Hòa bình (Hòa hội Versailles) ở Paris: "Thưa các Ngài", ông nói: "Đúng 48 năm trước đây, cũng tại phòng gương tráng lệ này, Cung điện Versailles, đế quốc Đức tự tuyên bố thành lập. Hôm nay chúng ta tập hợp tại đây để chấm dứt sự tồn tại của nó".

Hội nghị Hòa bình này do Thủ tướng Pháp Côlêmăngxô (Clémenceau) làm chủ tịch và có các thành viên là các đại biểu của 27 nước lớn nhỏ từng tham chiến cùng dự họp. Nhưng mọi công việc của Hội nghị được quyết định bởi 10 người của 5 nước Anh, Mỹ, Pháp, Ý và Nhật.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng Pháp Clémenceau hi vọng nước Pháp giữ được vị trí bá chủ ở châu Âu đối trọng với Thủ tướng Anh là Lôi Gioocgiơ (Loyd George). Tham gia Hội nghị còn có Tổng thống Mỹ Uynxơn (Thomas Woodaon Wilson) mà trước đó (1-1918) đã đưa ra bản Chương trình 14 điểm (1). Chương trình này khá chi tiết, nhưng chỉ là những lời đường mật mị dân đầy cám dỗ dựa trên nguyên tắc phân chia "công bằng - quả thực chiến thắng" theo quan điểm của chủ nghĩa đế quốc, trong đó có cả vấn đề "dân tộc tự quyết cho các nước thuộc địa".

Sau nhiều tháng ngày bàn cãi gay go giữa các đoàn tham dự, ngày 6-5-1919, Hội nghị toàn thể đã thông qua Hòa ước Versailles. Chủ tịch Hội nghị, Thủ tướng Pháp Clémenceau hùng hồn tuyên bố: "Giờ phút cuối cùng đã đến. Các Ngài yêu cầu hòa bình. Chúng tôi đồng ý trao hòa bình cho các Ngài".

Ngày 28-6-1919 hoàn thành việc ký kết. Chiều hôm đó ở Paris tràn ngập cả rừng cờ. Từ tháp Epphen, ánh đèn xanh, đỏ, trắng, vàng chiếu vào thành phố. Cũng vào ngày đó, các thành phố ở nước Đức treo cờ rủ để tang vì "bại trận"!

Nội dung Hòa ước gồm các điều khoản về lãnh thổ, về đảm bảo an ninh, về bồi thường chiến tranh. Quy ước thành lập Hội Quốc liên (do Mỹ đề nghị) ký ngày 28-4-1919 cũng được đưa vào Hòa ước.

Theo bản Hòa ước này, Anh là kẻ được lợi nhiều nhất vì thuộc địa được mở rộng. Thành quả chủ yếu của Pháp là lấy lại được hai tỉnh Andát, Loren và được quyền khai thác than ở hạt Xarơ (Sarre). Ngoài ra, trong số thuộc địa của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp được quyền ủy trị ở Xiri, Libăng, một phần Tôgô và một phần Camơrun. Các nước thuộc phe thắng trận đều được chia ra một số quyền lợi nhất định, như Nhật Bản được làm chủ phần bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc, làm chủ các đảo ở Thái Bình Dương phía Bắc đường xích đạo vốn là thuộc địa của Đức.

Với Hòa ước này, Đức mất 1/8 đất đai, 1/11 dân số, 3/4 mỏ sắt, 2/5 sản lượng gang, 1/3 sản lượng thép, 1/7 diện tích trồng trọt,… Đức phải bồi thường 132 tỉ mác, Đức bị hạn chế lực lượng vũ trang đến mức tối đa. Các thuộc địa của Đức trở thành đất "ủy trị" của Hội Quốc liên.

Bấy giờ, tại Paris, tổ chức "Nhóm những người yêu nước An Nam" mà đại biểu là các chí sĩ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường đã cử người thanh niên ưu tú mang đến Hòa hội, nhờ chuyển cho các đại biểu Đồng minh và tất cả các Nghị viên của Quốc hội Pháp bản văn bản "YÊU SÁCH CỦA NHÂN DÂN AN NAM" gồm 8 điểm, dưới ký tên người thay mặt là NGUYỄN ÁI QUỐC. Và từ đây, "Tên gọi Nguyễn Ái Quốc như một nguồn ánh sáng, một niềm hy vọng đã lóe sáng trong bầu trời đen thẫm"(2).

Bản Yêu sách in làm 3 thứ tiếng: tiếng Pháp do Phan Văn Trường dịch, bản tiếng Trung Quốc do cụ Phan Bội Châu dịch. Ngoài ra, bản Yêu sách còn được Nguyễn Ái Quốc diễn đạt dưới hình thức thơ lục bát và song thất lục bát với đầu đề Việt Nam yêu cầu ca.

Bản Yêu sách sau khi đưa đến cho các vị ở Hội nghị đã được in trên Báo Nhân đạoDân chúng (L'Humannité, Le Populaire) vào thứ tư ngày 18-6-1919 với nhan đề Quyền của các dân tộc, đồng thời in thành truyền đơn, được phát trong các cuộc mít tinh cho người Pháp, cho Việt kiều và những người Việt Nam bị bắt đi lính ở Pháp để góp phần giác ngộ chính trị cho họ.

II. Văn bản

1. Yêu sách của nhân dân An Nam

Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hi vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.

Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người dân bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu, xóa bỏ hoàn toàn các Tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông chờ vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, những người do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hòa, nên được gọi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam. Khi nhân dân An Nam nhắc đến sự "bảo hộ" của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào mà trái lại còn lấy làm vinh dự: vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới. Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với Nhân loại.

Thay mặt Nhóm những người yêu nước An Nam

Nguyễn Ái Quốc(3).

2. Thư gửi Tổng thống Mỹ(4)

Paris, ngày 18-6-1919

Kính gửi Ngài Tổng thống Cộng hòa Hợp Chủng quốc

Đại biểu ở Hội nghị Hòa bình

Thưa Ngài,

Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây bản ghi các Yêu sách của nhân dân An Nam.

Tin tưởng ở độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền.

Xin Ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi.

Thay mặt Nhóm những người yêu nước An Nam

    Nguyễn Ái Quốc

    56, Pranhxơ Paris(5).

3. Bản Yêu sách còn được diễn đạt dưới hình thức thơ lục bát và song thất lục bát với đầu đề:

VIỆT NAM YÊU CẦU CA

Rằng nay gặp hội Giao hòa,

Muôn dân hèn yếu gần xa vui tình.

Cậy rằng các nước Đồng minh,

Đem gương công lý giết hình dã man.

Mấy phen công bố rõ ràng,

Dân nào rồi cũng được trong bình quyền.

Việt Nam xưa cũng oai thiêng,

Mà nay đứng giới (dưới) thuộc quyền Lang sa.

Lòng thành tỏ nỗi sót sa (xót xa),

Giám (dám) xin đại quốc soi qua chút nào.

Một xin thả kẻ đồng bào,

Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.

Hai xin pháp luật sửa sang,

Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng.

Những tòa đặc biệt bất công,

Dám xin bỏ giứt (dứt) rộng dung dân lành.

Ba xin rộng phép học hành,

Mở mang kỹ nghệ, tập tành công thương.

Bốn xin được phép hội hàng,

Năm xin nghỉ ngượi (ngợi) nói bàn tự gio (tự do).

Sáu xin được phép lịch du,

Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.

Bảy xin hiến pháp ban hành,

Trăm đều (điều) phải có thần linh pháp quyền.

Tám xin được cử nghị viên,

Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.

Tám điều căn tỏ xa gần,

Chúng nhờ vạn quốc công dân xét tình.

Riêng nhờ dân Pháp công bình,

Đem lòng đoái lại của mình trong tay.

Pháp dân nức tiếng xưa nay,

Đồng bào, bác ái sánh tày không ai!

Nỡ nào ngoảnh mặt ngơ tai,

Để cho mấy ức triệu người bỏ cơ.

Giân (Dân) Nam một dạ ước mơ,

Lâu nay tiếng núp bóng cờ tự gio (tự do).

Rộng xin giân (dân) Pháp xét cho,

Trong phò tiếng nước, sau phò lẽ công.

Dịch mấy chữ Quốc âm bày tỏ,

Để đồng bào lớn nhỏ được hay.

Hòa bình nay gặp hội này,

Tôn sùng công lý, đọa đày giã man (dã man).

Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả.

Tiếng vui mừng khắp cả đông giân (dân).

Tây vui chắc đã mười phần,

Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi.

Hãy mở mắt mà soi cho rõ,

Nào Ai Lao, Ấn Độ, Cao Ly,

Xưa, hèn phải bước suy vi,

Nay, gần độc lập cũng vì Giân (dân) khôn.

Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt,

Thế cuộc này phải biết mà lo.

Đồng bào bình đẳng tự gio (tự do),

Xét mình rồi lại đem so mấy (với) người.

Ngổn ngang lời vắn ý giài (dài),

Anh em đã thấu lòng này cho chưa?(6).

III. Bình luận

Về ý nghĩa của Hòa hội Versailles và bản Yêu sách:

1. Sau này (1948), Nguyễn Ái Quốc kể lại cho tác giả cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch":

"Ông Nguyễn (Ái Quốc) hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.

Những lời yêu cầu của ông Nguyễn cũng như của các đại biểu các dân tộc bị áp bức khác không có kết quả gì hết.

Nhưng không thể nói những yêu cầu ấy là không có tác dụng, bởi vì nó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc.

Việc in những bản yêu cầu ấy thành truyền đơn đem phát trong các cuộc mít tinh. Do đó một số đông người Pháp đã hiểu thêm về Việt Nam.

… Phát những truyền đơn ấy cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính ở Pháp… trước thờ ơ với chính trị nay cũng giác ngộ.

… Chính nhờ những tờ báo ấy mà người Việt Nam biết được bản Yêu cầu và từ ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao"(7).

2. Nguyễn Ái Quốc cũng nhớ lại: "Ngày 18-6-1919 sau khi bản Yêu sách được gửi cho các đại biểu ở Hội nghị Versailles thì Nguyễn Ái Quốc nhận được sự trả lời của đại biểu Nicaragoa, và đặc biệt trong hai ngày liên tiếp, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy báo nhận diện của đại diện sứ quán Mỹ và thư trả lời của đại biểu Mỹ.

Trước hết, thư trả lời của đoàn Nicaragoa cho biết rằng ông Samônô, đại biểu của Nicaragoa nhờ chuyển lời cảm ơn về bản Yêu sách "Đã làm cho ông ta hết sức chú ý". Bởi lẽ từ năm 1912 đến năm 1933 nước Cộng hòa Nicaragoa không ngừng bị rối ren bởi nội chiến và sự can thiệp của Anh và Mỹ, nên rất thiết tha nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết.

Song song với thư của Nicaragoa, thư trả lời của đoàn đại biểu Mỹ trịnh trọng viết:

"Kính thư ông Nguyễn Ái Quốc.

Tôi lấy làm hân hạnh để báo cho ông biết rằng chúng tôi đã nhận được thư ông đề ngày 18-6-1919 và xin nói rằng chúng tôi sẽ trình thư đó lên Tổng thống.

Ký: Thư ký riêng của Tổng thống Mỹ"(8).

3. Các Báo Nhân đạo và Dân chúng đăng bản Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc. Người Pháp coi hành động của Nguyễn Ái Quốc là một vụ nổ "quả bom chính trị" giữa Paris làm cho dư luận Pháp hết sức chú ý và lần đầu tiên nhân dân Pháp thấy ra có một vấn đề ở Việt Nam. Còn nhân dân Việt Nam thì cho đấy là phát báo hiệu giục dã đấu tranh. Hàng ngũ bọn thực dân bị chấn động. Thống đốc Nam kỳ gửi điện về Pháp:

Sài Gòn ngày 25-7-1919

Kính gửi ông Anbe Xarô, Bộ Thuộc địa Pháp.

Điện mật số 1791 - có truyền đơn kích động gửi từ Paris ngày 18-6 cho nhiều tờ báo ở thuộc địa. Truyền đơn mang đầu đề "Yêu sách của nhân dân An Nam" và ký "Thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Nguyễn Ái Quốc".

Tôi rất cảm ơn nếu như ông điện gấp cho tôi biết ngay lý lịch của những người viết truyền đơn nói trên. Người này trong thư gửi về đây còn cho biết đã gửi truyền đơn cho nhiều nhân vật ở chính quốc và theo tình báo của Nam kỳ thì người đó Bộ Thuộc địa đã biết. Ký: Mông Ghiô".

Và đại diện của Toàn quyền Đông Dương:

"Gửi ông Ghétxtơ, Bộ Thuộc địa.

Điện mật số 872. Tôi báo để ông rõ: Một người Bắc kỳ hồi hương bị bắt trong người có mang theo truyền đơn "Quyền các dân tộc" của Nguyễn Ái Quốc đăng trên Báo Nhân đạo. Người đó khai rằng tờ truyền đơn này được phân phát ở Cảng Mácxây cho từng người trong tổng số 50 người bản xứ hồi hương lúc tàu sắp khởi hành. Ký: Môngritxơ Lông".

Mấy tờ báo thực dân ở Việt Nam không thể không nói đến sự kiện này. Tờ "Tương lai Bắc kỳ" lúc đó viết:

"Lại Nguyễn Ái Quốc nữa!

Gần đây chúng tôi mới trích đăng một bản yêu sách viết ở Paris, dưới ký tên Nguyễn Ái Quốc. Nay chuyến tàu gần đây nhất đem chính các bản yêu sách đó đến cho chúng tôi đầu đề là "Quyền các dân tộc". Bản yêu sách này cũng đến tay nhiều thầy ký, thầy thông của nhiều công sở khác nhau".

Bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ "Tin thuộc địa" ra ngày 27-6 có một bài nhan đề "Giờ nghiêm trọng" nêu lên: "Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản Yêu sách của nhân dân để công kích chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được. Phải kìm giữ họ lại mãi mãi trong vòng nô lệ"(9).

4. Đánh giá tác dụng của bản Yêu sách, gần đây (1985), tác giả Xô viết là E.Côbêlép viết: "Bản Yêu sách đã trở thành tuyên ngôn chính trị báo hiệu sự mở đầu của giai đoạn mới trong việc phát triển phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam". Nhằm chứng minh sinh động hơn cho nhận xét trên E.Côbêlép dẫn một đoạn trong Hồi ký của Bùi Lâm: "Người Pháp coi việc đấu tranh đó là một "quả bom" làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam cho đó là một tiếng sấm mùa Xuân. Tiếng sấm ấy đã xoa tan màn sương mù vây bọc chúng tôi, làm nảy sinh những mầm sâu trong lòng chúng tôi. Người mình ra nước ngoài kiếm ăn, nói chung yêu nước, mong được độc lập. Bấy giờ ngay tại Thủ đô nước Pháp, trên diễn đàn quốc tế, có một người Việt Nam ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho cả dân tộc mình, dư luận thế giới xôn xao bàn tán. Ai mà không kính, không phục. Độ ấy, người mình gặp nhau ở Pháp đều nói độc lập, tự quyết, đều nói Nguyễn Ái Quốc. Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ"(10). E.Côbêlép viết tiếp: "Tất nhiên lúc ấy, anh Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ kinh nghiệm để hiểu rằng việc trao bản Yêu sách cho bọn đế quốc khó lòng đạt được kết quả gì. Anh coi sáng kiến của anh chỉ là một cơ hội thuận tiện để một lần nữa vạch trần những chủ nghĩa thực dân, thu hút sự chú ý của giới dân chủ Pháp tới tình hình Việt Nam và thức tỉnh chính những người Việt Nam đang u mê, ảo tưởng,… chẳng bao giờ cầu xin được công lý ở bọn đế quốc. Vậy thì lối thoát ở đâu? Chỉ có trong cuộc đấu tranh một mất một còn. Để giải phóng mình, các dân tộc thuộc địa phải lật đổ ách thống trị của bọn áp bức như người lao động Nga đã làm!"(11).

 

Chú thích

(1). Nội dung "Chương trình 14 điểm" của Wilson: 1. Hòa ước ký công khai (bất lương lượng riêng và kín); 2. Hoàn toàn tự do đi lại trên mặt biển; 3. Hủy bỏ những hàng rào kinh tế; 4. Giảm vũ khí các nước đến mức tối thiểu; 5. Giải quyết công tâm những vấn đề thuộc địa, chiếu cố các dân tộc bản xứ và các chính phủ; 6. Rút quân khỏi Nga để Nga tự chọn lấy chính phủ; 7. Rút quân khỏi Bỉ, không hạn chế chủ quyền; 8. Điều chỉnh biên giới Ý theo nguyên tắc dân tộc; 9. Rút quân khỏi Pháp và hoàn trả Alsace Lorenne cho Pháp; 10. Đảm bảo quyền phát triển tự lập của các dân tộc Áo, Hung; 11. Rút quân khỏi Roumanie Monténégro, mở đường cho Serbrie ra biển; 12. Đảm bảo quyền phát triển tự lập của các dân tộc Thổ, tự do quốc tế vùng eo biển; 13. Phục hưng Ba Lan độc lập, có đường ra biển; 14. Thành lập một "Tổng hội các dân tộc".

(2). Thu Trang, Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 - 1923), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.83

(3). Nguyên văn tiếng Pháp: Revendications du people Annamite, 1919. Bản dịch trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1999 - 1924). Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.435-436.

(4). Thư này được gửi kèm với bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đồng thời cũng gửi tới Trưởng đoàn của các nước dự Hội nghị Versailles.

(5). Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.437.

(6). Trích theo Nguyễn Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp. Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1998, tr.47-48.

(7). Những mẩu chuyển về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Văn học, Hà Nội, 1989, tr.30-31.

(8). Dẫn theo Mai Văn Bộ, Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh. Nxb Trẻ, tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr.82.

(9). Trích theo Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.77-79.

(10). Bùi Lâm, Gặp Bác ở Paris, in trong cuốn Bác Hồ. Nxb Văn học, Hà Nội, 1960.

(11). E.Côbelép, Đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên - Hà Nội và Nxb. Tiến bộ - Matxcơva, 1985, tr.52.


 

GS. Phong Lê

          Từ giữa 1911, Nguyễn Ái Quốc rời cảng Sài Gòn sang Pháp, ghé Mácxây và Lơ Havrơ; rồi rời Pháp sang Anh; tiếp đó vòng quanh châu Phi - qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tuynidi, Đông Phi, Cônggô… ; rồi sang Mỹ; lại trở về Pháp vào cuối 1917 khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất sắp kết thúc.

Hơn 6 năm, qua bao đại dương, đến với bao lục địa.

          Tất cả cái vốn hiểu biết, từng trải qua 12 nghề (theo Trần Dân Tiên), trong đó có một nghề được Nguyễn ghi trong bản tự khai khi là thành viên dự các Hội nghị Quốc tế Cộng sản vào những năm 1930 - nghề thuỷ thủ, đó là hành trang tinh thần Nguyễn đã tích lũy được ở tuổi ngoài 20, rồi sẽ trở thành chất liệu vô cùng dồi dào, phong phú cho một sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc được bắt đầu trong bối cảnh sống của Nguyễn vào nửa đầu những năm 1920 thế kỷ XX ở Pari. Pari - thủ đô "nước mẹ" Đại Pháp, người "khai hoá", ông chủ ở Đông Dương, sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc hiện đại, cũng đồng thời là trung tâm của phong trào cách mạng vô sản ở châu Âu.

          Pari - nơi Nguyễn Ái Quốc không chỉ tìm được cẩm nang cứu nước, mà còn là, với cẩm nang ấy, Nguyễn đã mở ra rất rộng các biên độ của cảm xúc và trí tuệ để tạo nên một sự nghiệp viết gồm cả báo chí và văn chương, với chỉ một mục tiêu duy nhất là kết án chủ nghĩa thực dân, đòi quyền độc lập và tự do cho tất cả những người nô lệ da màu trên các lục địa, trong đó có quê hương, Tổ quốc mình.

          Áng văn đầu tiên ký tên Nguyễn Ái Quốc đó là Yêu sách của nhân dân Việt Nam, gửi Hội nghị Vécxây họp vào ngày 28-6-1919, trước đó đã được đăng trên Báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày thứ Tư, 18-6-1919, với tiêu đề là Quyền của các dân tộc, kèm theo Lời Toà soạn như sau:

          "Là những người xã hội chủ nghĩa trung thực, bảo vệ quyền lợi của các dân tộc, chúng tôi ủng hộ sự phản đối của những người Việt Nam, nạn nhân của tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, cũng như chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của những người Ai Cập, nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Anh"(1).

Bản Yêu sách được gửi đến Hội nghị kèm với bức thư có tên ký là Nguyễn Ái Quốc - "thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước" - "Groupes des patriotes Annamites". Chúng ta biết lúc này Nguyễn đang học tiếng Pháp, nên việc thảo Yêu sách phải nhờ ông Phan Văn Trường, người cùng Phan Châu Trinh đã đến Pháp từ nhiều năm trước, và rất thông thạo tiếng Pháp trong nghề luật sư "Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo"(2). Nói như vậy để thấy, vào thời kỳ đầu ở Pari - bút danh Nguyễn Ái Quốc chưa phải là một tên riêng. Phải vài năm sau, khi đã thông thạo tiếng Pháp, đã có thể viết bài cho các báo theo sự hướng dẫn của Giăng Lôngghê - cháu ngoại Mác, chủ bút Báo Dân chúng, và Gatxtông Môngmútxô - chủ nhiệm Báo Đời sống thợ thuyền; và khi cho ra đời tờ Người cùng khổ thì Nguyễn Ái Quốc mới là tên riêng của một Người, và trở thành một cái tên quen thuộc đối với công luận.

          Bản Yêu sách rồi được phân phát cho các binh sĩ và công nhân người Việt ở Mácxây, và từ đó một số ít được chuyển về nước. Dẫu sao, viết bằng tiếng Pháp chủ yếu vẫn là viết cho công chúng nước Pháp - một công chúng rất cần được thức tỉnh - để biết được sự thật ở các nước thuộc địa. Do vậy mà Nguyễn quyết tâm học tiếng Pháp để đọc và viết. Một quá trình rất kiên trì và nỗ lực, khi Nguyễn ý thức được sự bức thiết của thứ vũ khí lợi hại là tiếng nói; và thấy cần tranh thủ cơ hội hiếm hoi ở Pari - chính quốc là nơi, người cách mạng còn có một ít tự do tối thiểu để hành động; là nơi, việc tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân, không phải là phạm tội, dù ở Đông Dương, đó là một tội đáng tử hình.

          Ngót 6 năm tính từ cuối 1917 khi Nguyễn đến Pari cho đến tháng 6-1923 khi Nguyễn rời Pari sang Mátxcơva là thời gian Nguyễn chứng kiến và tham dự vào những sự kiện trọng đại có ý nghĩa quyết định cho sự hình thành trọn vẹn tư cách Người yêu nước họ Nguyễn, tư cách nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam, biết sử dụng công cụ báo chí và văn chương để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

          Pari - trong 6 năm sinh sống và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, đó là địa bàn, là đất đai gieo trồng và hái lượm những kết quả đầu tiên của dòng văn học cách mạng - hiện đại trên hệ ý thức vô sản của Việt Nam.

          Ở trên đã nói đến áng văn chính trị viết bằng tiếng Pháp đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc: Yêu sách của nhân dân Việt Nam. Cũng nội dung 8 điểm trong Yêu sách rồi sẽ được Nguyễn Ái Quốc chuyển sang bài văn vần Việt Nam yêu cầu ca, bằng chữ Quốc ngữ - là thứ chữ của dân tộc vào thập niên đầu thế kỷ XX đang trong quá trình vừa đồng hành, vừa thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Là thứ chữ các nhà Nho đầu thế kỷ XX rất có ý thức sử dụng khi nhiệm vụ canh tân đất nước được đặt ra như một nhu cầu bức xúc của lịch sử. Thứ chữ ấy Nguyễn có ý thức đem đến cho những người Việt xa xứ, số lớn là công nhân và binh lính trong đội quân SOS được huy động từ các thuộc địa để bảo vệ mẫu quốc, tập trung ở bến cảng Mácxây. Chuyển từ chữ Pháp sang chữ Quốc ngữ, trong thể lục bát và song thất lục bát quen thuộc, Nguyễn Ái Quốc ngay từ đầu sự nghiệp viết của mình đã là người không lúc nào nguôi quên viết bằng tiếng Việt cho chính đồng bào mình. Việt Nam yêu cầu ca gồm 56 câu, trong đó có 48 câu lục bát và 8 câu song thất lục bát, theo tài liệu của cảnh sát Pháp, đã được phân phối trong các giới công nhân và binh sĩ An Nam ở Mácxây vào tháng 9 - 1922:

Một xin tha kẻ đồng bào

Vị chưng chính trị mắc vào tù giam

Hai xin pháp luật sửa sang

Người Tây người Việt hai phương cùng đồng

Ba xin rộng phép học hành

Mở mang kỹ nghệ, tập tành công thương

Bốn xin được phép hội đàng

Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do

Sáu xin được phép lịch du

Bốn phương mặc sức năm châu mặc tình

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh giúp quyền

Tám xin được cử nghị viên

Quan Tây thay mặt giữ quyền thổ dân(3).

          Cần nhớ đây là bài văn vần bằng Quốc ngữ viết cho những người Việt xa xứ, rời quê từ đầu Thế chiến lần thứ nhất (1914-1918), cũng là thứ chữ Nguyễn đã quen dùng, trước khi rời quê hương vào giữa năm 1911. Thứ chữ của thơ ca dân gian và thơ tuyên truyền cổ động của các nhà Nho trong phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục mà Nguyễn rất quen thuộc ở tuổi thành niên, nhằm đem lại cho nội dung chính trị một hình thức văn chương nhất định, để có hiệu quả trực tiếp và phổ cập trong công chúng cần lao.

          Rời quê hương, ngoại ngữ đầu tiên Nguyễn quyết tâm chiếm lĩnh là tiếng Anh, ngôn ngữ cho sự mưu sinh và giao thiệp trên những chặng dài của hải trình và hành trình qua nhiều xứ sở. Nhưng cùng với tiếng Anh, Nguyễn đã quyết tâm học tiếng Pháp từ rất sớm, ngay khi còn ở Anh. Từ cuối 1917, về Pari, tiếng Pháp đã dần dần trở thành phương tiện đưa Nguyễn tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị; và là ngôn ngữ đưa Nguyễn Ái Quốc vào sự nghiệp báo chí và văn chương, nhằm thực hiện một cách triệt để và kiên định mục tiêu cao nhất và duy nhất của đời mình là cứu nước: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu (…). Có thể nói là ông Nguyễn suốt ngày nghĩ tới Tổ quốc, và suốt đêm mơ đến Tổ quốc mình" (4).

Tiếng Pháp - với văn phong "rất Pháp", như nhận xét của Phạm Huy Thông năm 1974 khi ông có trách nhiệm chuyển dịch sang tiếng Việt các văn bản truyện và ký Nguyễn Ái Quốc, viết vào đầu những năm 1920 thế kỷ XX ở Pari. Nhưng với nhà thơ Nga Ôxíp Manđenxtam, trong cuộc gặp Nguyễn vào cuối năm 1923, ở Pari, thì thứ tiếng Pháp đó như bị "nén lại", bởi "tiếng mẹ đẻ": "Đồng chí nói tiếng Pháp, nói bằng cái thứ tiếng của bọn áp bức, nhưng những lời bằng tiếng Pháp vang lên một cách mờ nhạt tựa như tiếng chuông bị nén lại của tiếng mẹ đẻ"(5).

          Viết bằng tiếng Pháp cho các tờ báo lớn theo xu hướng tiến bộ của Pháp ở Pari, rồi làm báo bằng tiếng Pháp ở Pari - đối tượng đọc chủ yếu của Nguyễn lúc này là người Pháp. Nhưng ngay cả ở Pari - Nguyễn cũng không lúc nào nguôi quên viết bằng tiếng Việt cho người đọc là đồng bào mình, trước hết là bộ phận người xa xứ ở Pháp, và sau đó là tất cả đồng bào đang bị đầy ải ở quê hương. Với hai ngôn ngữ Pháp và Việt, Nguyễn sẽ trở thành người đặt nền móng, người khai sáng cho trào lưu văn học cách mạng và hiện đại Việt Nam. Cách mạng - vì mục tiêu cao nhất là lật đổ ách thực dân, thiết lập nền dân chủ. Hiện đại - là sự hoà nhập, và sớm trở thành một bộ phận của nền văn học tiến bộ của thế giới trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

*  *  *

          Trở lại các sự kiện lớn trong hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pari. Hơn một năm sau ngày gửi Yêu sách đến Hội nghị Vécxay, đó là giây phút Nguyễn được đọc Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đăng trên Nhân đạo, ra ngày 16 -17 tháng 7-1920. Về sự kiện này, Nguyễn đã có lần viết, đại ý: Được đọc Đề cương, Nguyễn sung sướng và cảm động xiết bao. Ngồi một mình trong buồng kín mà Nguyễn nói to lên như nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".

          Có thể nói đó là giây phút bừng sáng của trí tuệ, là bước ngoặt quyết định trên đường hoạt động của Nguyễn. Cũng là giây phút đánh dấu hạt giống đầu tiên của cách mạng Việt Nam được một người gieo trồng, hoặc chính Nguyễn là hạt giống đó - trong bối cảnh thế giới còn đang chìm trong bóng đêm của chủ nghĩa thực dân; và thế giới mới ở Liên Xô cũng chỉ vừa ra đời 3 năm, còn trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Được soi sáng bởi Đề cương, Nguyễn sẽ có dịp cụ thể hoá và hình tượng hoá thực trạng và lối thoát của nhân loại da mầu trong hình ảnh chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa có hai vòi - một so sánh, nếu không phải là người sinh ra từ những cánh đồng khô hạn hoặc trắng băng lũ lụt của các xứ sở châu Á, châu Phi, sẽ không thể tìm ra được "Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một cái vòi thôi thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra" (6).

          Từ đây, với Nguyễn, là sự triển khai khẩn trương một sự nghiệp viết liên tục và kiên định nhằm cảnh tỉnh thế giới phương Tây và thức tỉnh thế giới phương Đông. Từ Đề cương này của Lênin và hoạt động của Đệ tam Quốc tế, Nguyễn sẽ mạnh mẽ dấn thân vào trường hoạt động chính trị, tham gia vào phe cánh tả của Đảng Xã hội trong Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, từ 25 đến 30-12-1920; và là thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp trong Đại hội đầu tiên họp vào sáng 30-12-1920.

          Tốc ký biên bản Đại hội Tua lịch sử cho ta được biết lời phát biểu cháy bỏng tình yêu nước của một thanh niên mất nước đã tìm được sự chia sẻ của tình đồng chí ở chính quốc. Những hoan hô, vỗ tay và ngắt lời của cử tọa trước tình cảnh thuộc địa lần đầu tiên được phơi bày, và cả sự chỉ trích gay gắt toát ra từ một trái tim sôi nổi - đã ghi nhận sức mạnh tiếng nói của một đại biểu thuộc địa trên diễn đàn thế giới: "Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?"(7).

          Từ Đề cương của Lênin và việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, con đường cứu nước của Nguyễn đã được soi sáng bằng lý luận và từ lý luận được soi sáng, Nguyễn bắt đầu đi vào con đường tổ chức, tập hợp lực lượng, cũng chính trên địa bàn Pari. Đó là Hội liên hiệp thuộc địa (L'Union Intercoloniale) được thành lập năm 1921, với cuộc họp đầu tiên vào ngày 9-10-1921; và 6 tháng sau, ra đời cơ quan ngôn luận của Hội là tờ Le Paria (Người cùng khổ), ra số đầu vào 01-4-1922 mà Nguyễn là người sáng lập, chủ bút và tổ chức toàn bộ công việc của Toà soạn. Có một cơ quan ngôn luận ở Pari; lại học được nghệ thuật viết báo nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí bạn, Nguyễn đã viết và cho in hàng loạt bài gồm tiểu phẩm, phóng sự, truyện, chính luận trên Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân… trong đó có các tác phẩm đích thực là văn chương hoặc có giá trị cao về văn chương như Pari (Nhân đạo; 30 và 31-5-1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (Nhân đạo; 24-6-1922), Con người biết mùi hun khói (Nhân đạo; 20-7-1922), Sở thích đặc biệt (Le Paria, 1-8-1922), Đồng tâm nhất trí (Nhân đạo; 29-9-1922)…

          Đây chỉ là lược kê những bài có giá trị văn chương, hoặc đích thực là tác phẩm văn chương, trong rất nhiều bài sau này - nếu tính từ khi có bản dịch ra tiếng Việt - phải đến đầu những năm 1960 - mới được công bố trong Bản án chế độ thực dân Pháp và trong hai tuyển Lên án chủ nghĩa thực dân, và Đây, "công lý" của thực dân Pháp ở Đông Dương, nhờ vào công sưu tầm và lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Quả là một sức sáng tạo đã được khơi nguồn, và tuôn chảy thật dồi dào vào năm 1922 và nửa đầu năm 1923, trong đó, áng văn có sự ra đời rất đặc biệt là truyện ngắn Pari đăng trên Nhân đạo, số ra ngày 30 và 31-5-1922. Theo lời kể của Nguyễn sau này, Pari đã được viết bởi một hào hứng rất bất ngờ - sau khi đọc một truyện ngắn của văn hào Nga L.Tônxtôi: "Khi đã biết viết báo mình lại muốn viết tiểu thuyết. Nhưng lại nghĩ rằng biết chữ Tây võ vẽ như mình thì viết tiểu thuyết sao được! Tình cờ đọc một truyện ngắn của Tônxtôi thấy viết một cách rất giản dị, dễ hiểu, thì cho rằng mình cũng viết được. Từ đó mình bắt đầu viết truyện ngắn… Lúc đó mình sống ở khu phố công nhân nghèo, hiểu rõ đời sống của họ, mình cứ viết những điều mắt thấy tai nghe…"(8).

          Việc học tập L.Tônxtôi còn được tác giả kể lại một lần nữa trong một bài viết cho báo Văn học (Liên Xô) số ra ngày 19-11-1960, nhân kỷ niệm 50 năm mất của nhà văn Nga vĩ đại.

          Những ảnh hưởng của văn chương hiện đại phương Tây rất cần được xem là một nguồn nuôi dưỡng, một hỗ trợ tích cực cho sự hình thành văn học cách mạng Việt Nam - mà người đại diện duy nhất, số một là Nguyễn Ái Quốc vào những năm 1920 "Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Sếchxpia và Đíchken bằng tiếng Anh. Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Hugô, Zola bằng tiếng Pháp. A.Frăngxơ và L.Tônxtôi có thể nói là những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn"(9).

          Những hồi nhớ sau đây rất quý giá giúp cho ta hình dung con đường Nguyễn Ái Quốc đi vào một sự nghiệp viết, trong đó có văn chương, để trở thành người mở đầu, người sáng lập nền văn học Việt Nam cách mạng và hiện đại.

          "Đọc những truyện ngắn của A.Frăngxơ và L.Tônxtôi, ông Nguyễn thấy hứng thú vì văn chương giản đơn và tự nhủ: Người ta chỉ cần viết điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy mầu sắc và hoạt động của sự vật, như thế thì viết cũng không khó lắm"(10).

          Đó là lý do cho sự hình thành truyện ký Pari, rút từ những sự thật hằng ngày, sự thật đời thường ở ngõ hẻm Côngpoăng - nơi có căn gác trọ tồi tàn của Nguyễn, nơi Nguyễn chứng kiến sự phân đôi hai thế giới, nơi những nạn nhân của thế giới đại chiến cũng có mặt để cất lên tiếng nói tố cáo, ngay ở thủ đô chính quốc.

Pari đưa lại cho Nguyễn món nhuận bút 100 quan - đủ cho Nguyễn có thể đi thư viện suốt tháng mà khỏi phải lo cái sống hàng ngày.

          "Thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông Nguyễn viết những truyện ngắn khác. Ngoài việc tả lại đời sống thợ thuyền Pari, ông thường viết về các thuộc địa, và đặc biệt là Việt Nam, không có một phút nào ông quên Tổ quốc mình đang bị giày xéo và đồng bào mình đang bị áp bức. Ông Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển Bản án chế độ thực dân Pháp"(11).

          Nền văn học hiện đại Pháp vào thời điểm Nguyễn ở Pari được đại diện bởi Macxen Prútx, Pôn Valêri, Andrê Giđơ… Nhưng sự gần gũi về tư tưởng chính trị và quan niệm nghệ thuật lại đưa Nguyễn đến gần với Anatôn Frangxơ; và Hăngri Bacbuytx, tác giả cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh rất nổi tiếng: Khói lửa, cũng là người đỡ đầu cho sự nghiệp văn học và báo chí của Nguyễn. Trụ sở Hội Ánh sáng (Clarté) - Hội quốc tế các nhà văn tiến bộ do H.Bacbuytx làm Chủ tịch đặt ở số nhà 16 phố Giắccơ Calô, đã nhường một phòng cho Toà soạn Người cùng khổ, trong thời gian đầu ra báo, trước khi về trụ sở chính ở nhà số 3 phố Macsê đề Patriacsơ. Chính từ trường tri thức cách mạng với những đại diện ưu tú của nền văn hoá Pháp như A.Frăngxơ, H.Bacbuytx, G.Lôngghê, G.Môngmutxô, Macxen Casanh, Pôn Laphacgiơ, Pôn Vayăng Cutuyariê… đã đưa Nguyễn nhanh chóng và tự nhiên vào sự nghiệp báo chí cách mạng và văn chương hiện đại. Và nếu hiểu nền văn học mới của giai cấp vô sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa là một hiện tượng thế giới, thì truyện ký Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp những năm 1920 thế kỷ XX là hiện tượng tiền trạm, mở đầu, có ý nghĩa soi sáng, chuẩn bị cho nền văn học vô sản Việt Nam, phải chuyển sang những năm 1930 mới thành một dòng bên những dòng khác trong bối cảnh xã hội thuộc địa.

*  *  *

          Cùng với việc khai trương vào tháng 4 - 1922 tờ Người cùng khổ, và cho đăng khá dồn dập những truyện ký trên báo Nhân đạo năm 1922, còn phải kể đến một sự kiện có tiếng vang khá rộng rãi trong đời sống văn hoá - chính trị ở Pari - đó là cuộc Triển lãm thuộc địa do chính quyền thực dân ở chính quốc tổ chức, khai mạc ngày 21-6-1922 và kéo dài trong 6 tháng, nhằm tuyên truyền, khuếch trương chính sách khai thác thuộc địa, đồng thời với việc ấn hành cuốn Khai thác các thuộc địa Pháp dài 675 trang của Bộ trưởng Bộ thuộc địa Anbe Xarô. Sự kiện vua An Nam là Khải Định sang Pháp ngày 21-6-1922 dự Triển lãm đã là cơ hội cho Nguyễn Ái Quốc lập tức viết ngay vở kịch Con rồng tre (Le dragon en bambou) để trực tiếp đánh vào bọn tay sai Nam triều. Vở kịch đã được diễn ở Câu lạc bộ Ngoại ô (Faubourg) và nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả; nhưng đáng tiếc là văn bản vở kịch không còn. Ngót 30 năm sau ta mới được biết về nó qua lời kể của Trần Dân Tiên trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch: "Có những cây tre thân hình quặt quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng. Tuy vậy chỉ là một con quái vật vô dụng"(12). Cũng theo Trần Dân Tiên vở kịch này bị Chính phủ Pháp cấm. Nhưng nó vẫn được Câu lạc bộ Ngoại ô trình diễn tại Gácsơ - một thị xã gồm 2 vạn dân ở ngoại ô Pari, trước hàng vạn khán giả Pháp, Việt kiều và kiều dân các thuộc địa khác trong ngày hội hàng năm của báo Nhân đạo "Vở kịch được trình diễn trên sân khấu ngoài trời giữa một công viên đầy bóng mát và nắng ấm. Trước lúc mở màn, tác giả vở kịch xuất hiện giữa những tiễng vỗ tay vang dậy. Tác giả tranh thủ báo những tin thời sự mới nhận được từ các thuộc địa về cuộc bãi công của công nhân Việt Nam, của nông dân ở Goađơlúp, Đahômây, Tuynidi…"(13).

          Theo Trần Dân Tiên, vở kịch được các nhà văn nghệ "khen hay". Trước đó, vào năm 1946, nhà báo Pháp Lêô Pônđet khi được tiếp kiến Hồ Chủ tịch ở Pari cũng đã có kể cho tác giả nghe về vở kịch này với lời bình: "… thật là hay, thật là đẹp, lời vừa chải chuốt, vừa gọn gàng với những cái châm biếm, dí dỏm của Aristophane; bản kịch này có đủ ưu điểm để mang lên sân khấu" (14).

          Ngót 10 năm sau, năm 1955, nhà báo Mỹ Rôbớt Saplân, trên tờ Thông tin viên, cũng có nhận xét như Pônđet về giá trị hài hước kiểu Aristophane trong vở kịch (15).

          Đối với Nguyễn Ái Quốc ở Pari, quả hiếm có cơ hội nào thích hợp hơn cho việc ra đòn một cách trực tiếp vào thế giới quan trường An Nam qua một đại diện đớn hèn là Khải Định. Điều đáng lưu ý là trước khi diễn Con rồng tre, thậm chí ngay sau khi Khải Định đặt chân lên Mácxây vào ngày 21-6-1922 trên chiếc tàu Poóctốt của Hãng Đầu Ngựa, Nguyễn Ái Quốc đã có một truyện để đón tiếp hoàng đế của xứ sở mình, đăng trên Nhân đạo số ra ngày 24-6-1922, có tên Lời than vãn của bà Trưng Trắc - với lời đề từ: "Quốc vương nước Nam sắp làm "khách của nước Pháp". Gọi là có lời chào mừng tí ti, chúng tôi kính dâng ngài giấc mộng này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc của chúng tôi, người bầy tôi trung thành của ngài". Đây là truyện viết theo phong cách huyền thoại cho đối mặt và đối thoại hai nhân vật đứng ở hai cực thời gian và hai cực tư cách là Bà Trưng và Khải Định. Một hồn ma linh thiêng ở tầm cao vời vợi và một hoàng đế đương chức xám nhợt lẩy bẩy. Lịch sử dân tộc qua cuộc đối thoại này mà hiện lên trên những trang sáng ngời, lẫm liệt và đang rơi vào tận đáy sự sỉ nhục bởi một tên vua hèn hạ. Tan giấc mơ kinh hoàng phải đối diện với Bà Trưng, Khải Định lập tức trở về với cõi thực trước lệnh phán truyền của ông chủ thực dân bên Toà Khâm chuyển sang…

          Tiếp tục và đạt đỉnh cao của giá trị phê phán Khải Định còn có truyện Vi hành, đăng trên Nhân đạo, 19-2-1923 - một truyện ngắn với phong cách viết rất hiện đại, dưới hình thức một bức thư gửi cô em họ bằng tiếng Việt, được tác giả dịch sang tiếng Pháp… Cô em họ giả định này ở quê nhà, sẽ qua bức thư của ông anh giả định mà biết được cặn kẽ hành trang của Hoàng đế nước mình trong những ngày ăn chơi, trác táng đáng xấu hổ ở Pari. Vi hành vừa có giá trị hạ nhục tên vua bù nhìn, vừa chứng minh sự dò la, rình rập, săn đuổi của cảnh sát đối với tất cả những người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp - trong đó Nguyễn là một trong số ít người được trông nom nhiều nhất: "Suốt trong thời gian Khải Định ở lại Pháp, ông Nguyễn ngày đêm bị hai tên mật thám theo dõi không rời một bước"(16).

          "Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thế trong nhiệm vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt (…). Có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt tôi như hình với bóng. Và thật tình là các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong dăm phút"…(17)

          Rời quê hương từ 1911, đến lúc này Nguyễn mới có cơ hội tiếp tục cơn giận lớn của các nhà Nho sĩ phu đối với bọn vua quan phong kiến đớn hèn. Với kịch Con rồng tre và những bài chung quanh sự kiện Khải Định sang Pháp, Nguyễn Ái Quốc là người duy nhất tiếp tục chủ đề chống phong kiến Nam triều của các nhà Nho đầu thế kỷ. Hoạt động đó của Nguyễn được sự hưởng ứng của Phan Châu Trinh - lúc này cũng đang cùng Nguyễn Ái Quốc ở Pari, trong bức thư gửi Khải Định ngày 15-7-1922 nêu 7 tội lớn của y. Bức thư viết bằng chữ Hán, rồi được dịch ra tiếng Pháp, đăng báo và phát thành truyền đơn "để cầu công luận của người Pháp"(18).

*  *   *

          Tháng 6-1923 Nguyễn bí mật rời Pháp để sang Nga, theo con đường qua Béclin, rồi theo đường biển đến Xanh Pêtecbua. Nguyễn đi trong bí mật, sau khi để lại cho các đồng chí ở Toà soạn Người cùng khổ bức thư chia tay: "Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ vào đấu tranh giành tự do, độc lập(19).

          Vậy là Nguyễn đã ở Pari trong 6 năm; 6 năm với bao là công việc trọng đại đã được triển khai ở tư cách người cách mạng, tư cách người làm báo, viết báo, và cả tư cách người viết kịch, viết văn - trên cả hai ngôn ngữ Pháp và Việt. Tuy rời Pháp, nhưng Nguyễn vẫn tiếp tục các hoạt động viết của mình bằng tiếng Pháp trên Le Paria và các báo ở Pari, như Đoàn kết giai cấp (Le Paria - 5-1924), Con rùa (Le Paria - 2-3-1925), Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu (Le Paria - 9-10-1925)… Và đặc biệt đáng nhớ là Nguyễn đã cho ấn hành ở Pari tác phẩm quan trọng nhất trong giai đoạn mở đầu sự nghiệp viết của mình là Bản án chế độ thực dân Pháp (Le procès du colonialisme francaise).

          Theo Trần Dân Tiên đây là quyển sách duy nhất trong thời gian Nguyễn ở Pari.

          Duy nhất và lớn nhất trong giai đoạn đầu hành trình viết của Nguyễn Ái Quốc.

          Nói là một quyển sách thì rất đúng, bởi sự chặt chẽ trong cấu trúc của nó gồm 12 chương, chứ không phải là những bài lẻ đăng trên các báo, phải nhiều chục năm sau mới được gom lại thành sách như Lên án chủ nghĩa thực dân và Đây, "công lý" của thực dân Pháp ở Đông Dương. 12 chương, với mục tiêu quán xuyến là kết án chủ nghĩa thực dân, nhằm hoàn thiện một bản cáo trạng - nhân danh các dân tộc thuộc địa, trong đó có dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ Chương I là Thuế máu, qua các Chương: Việc đầu độc người bản xứ, Các quan thống đốc, Các quan cai trị, Những nhà khai hoá, Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị, Bóc lột người bản xứ…          Rồi chuyển sang các chương Công lý, Chính sách ngu dân, Chủ nghĩa giáo hội, Những khổ nhục của người bản xứ, để đến kết thúc là chương Nô lệ thức tỉnh, cùng với Phụ lục là một bức Thư gửi thanh niên.

          Năm 1925, cùng với việc ấn hành Bản án chế độ thực dân Pháp, còn là năm ra mắt truyện ngắn Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu (Le Paria; số 9 và 10-1925). Một sự hưởng ứng thật tuyệt vời. Phan Bội Châu - bạn đồng hương, đồng môn của Nguyễn Sinh Sắc, bậc tiền bối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn đã rất kịp thời có một áng văn tôn vinh Phan Bội Châu, vị thiên sứ, tuy bị cầm tù vẫn lẫm liệt tư chất người anh hùng dân tộc trong đối diện và đối lập với Toàn quyền Varen, viên chính khách lớn của Đảng Xã hội Pháp đã đi vào con đường phản bội.

          Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản năm 1925 ở Pari, mãi đến 1946 mới được ấn hành ở Hà Nội, và đến 1960 mới có bản dịch ra tiếng Việt, sau 35 năm ra đời. Cùng với Bản án chế độ thực dân Pháp, một số phóng sự, tiểu phẩm, ký, truyện khác được Nguyễn Ái Quốc viết ở Pari trong thời gian từ 1920 đến 1925 cũng phải đến 1972 mới được dịch ra tiếng Việt; trong đó một số truyện, ký đích thực có giá trị văn học thì mãi đến 1974, tức là 5 năm sau ngày Hồ Chí Minh qua đời, bạn đọc mới được biết đến, qua bản dịch và giới thiệu của Phạm Huy Thông. Có sự chậm muộn như vậy trong ấn hành bởi những gì có liên quan đến sự nghiệp viết của bản thân, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tránh nói đến. Ngay cả Ngục trung nhật ký và bản dịch Nhật ký trong tù được công bố năm 1960 và ấn hành hàng nhiều chục vạn bản, chỉ khi nào được hỏi chuyện Bác mới nói qua về hoàn cảnh ra đời của tập thơ, và đều không nhận mình là nhà thơ.

          Thế nhưng, Người có một sự nghiệp viết chẵn 50 năm, kể từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919) đến Di chúc (1969), con người đó, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp viết, và vào bất cứ lúc nào, cũng tràn ngập một bầu nhiệt huyết, và kiên định một ý chí chống chủ nghĩa thực dân… Do vậy điều dễ hiểu: 6 năm ở Pari đã là một cơ hội lớn và thích hợp cho Nguyễn Ái Quốc thực hiện mục tiêu cảnh tỉnh và thức tỉnh đối với một bộ phận công chúng ở chính quốc và các thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Cảnh tỉnh thế giới phương Tây và thức tỉnh thế giới phương Đông. Thể hiện sinh động và sắc sảo nội dung đó và xu thế đó, những trang viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ở Pari đã trở thành một bộ phận hợp thành của trào lưu vô sản - cách mạng trong văn học hiện đại thế giới có khởi nguồn từ Công xã Pari 1871, trước khi xuất hiện thành một dòng, một khuynh hướng sáng tác ở Việt Nam, vào đầu thập niên 1930 thế kỷ XX, sau sự kiện Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, mà tác phẩm Nhật ký chìm tàu, hơn 100 trang, in bằng chữ Quốc ngữ và số lớn hơn bằng chữ Nôm của chính Nguyễn Ái Quốc, là tác phẩm mở đầu.

*  *  *

          10 thế kỷ văn học trung đại Việt Nam đã mượn chữ Hán và dựa vào chữ Hán để xây dựng nền văn học viết cho mình; và dẫu bằng chữ Hán, nó vẫn là bộ phận hợp thành hữu cơ của văn học dân tộc. Thế kỷ XX, cùng với chữ Quốc ngữ đến từ mẫu tự la tinh của phương Tây và chữ Hán vẫn được tiếp tục từ Phan Bội Châu đến Hồ Chí Minh, lại có thêm một bộ phận viết bằng chữ Pháp của Nguyễn Ái Quốc ngay trên địa bàn Pari - nơi là trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại và cũng là trung tâm của phong trào cách mạng vô sản hiện đại.

Vậy là, chính Nguyễn Ái Quốc, trên hành trình tìm đường cứu nước của mình, đã tạo nền móng cho nền văn học mới của dân tộc, từ những năm 1920 thế kỷ XX trên địa bàn Pari. Một nền văn học, từ khởi điểm đã mang hai thành tố cơ bản là cách mạng và hiện đại, nhằm thỏa mãn hai yêu cầu cách mạng hóa và hiện đại hóa, được lịch sử đặt ra cho dân tộc, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại của sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

 

Chú thích

1. Dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam; Tập 36; Nxb. Khoa học Xã hội; H; 1980; tr64.

2. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Nxb. Sự thật; H; 1975; tr35.

3. Tổng tập; Sđd; tr.67-68.

4. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Nxb.Sự thật; H;1975; tr.35; tr.49.

5. Đăng trên Ngọn lửa nhỏ (tiếng Nga), số 39; 23-2-1923; chuyển dẫn theo Niculin: Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế; Nxb Giáo dục; H; 2000; tr 579.

6. Hồ Chí Minh: Tuyển tập; Nxb Sự thật; H; 1960; tr.179.

7. Dẫn theo Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ; Nxb. Thanh niên; H;1976; tr.106.

8. Về công tác văn hoá - văn nghệ; Nxb.Sự thật; H; 1977; tr.61-62.

9, 10. Những mẩu chuyện…; Sđd; trang 36.

11. Những mẩu chuyện…; Sđd.

12. Những mẩu chuyện…; Sđd.

13, 14. Tổng tập; Sđd; tr.106-107.

15. Tổng tập; Sđd; tr.106-107.

16. Truyện và ký; Nxb. Văn học; 1974; tr.29.

17. Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp; Nxb. Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh; 2000; tr.368.

18.19. Những mẩu chuyện…; Sđd; tr.52.

 

Tác giả bài viết: article?img id=1365987

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây