Chuyên san KHXH&NV số 8/2019

Chủ nhật - 18/08/2019 23:15 0

TS. Trần Cao Nguyên

Viện KHXH&NV, Đại học Vinh

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện trọng đại nhất, trang sử huy hoàng nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi Cách mạng tháng Tám đã đập tan ách thống trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân tồn tại trên 80 năm và chủ nghĩa phát xít sau 5 năm trên đất nước ta, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến đã lạc hậu, lỗi thời, đưa tới sự ra đời của một nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam với tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" mà còn góp phần cùng nhân dân thế giới đánh bại chủ nghĩa phát xít, mang lại hòa bình cho nhân loại - "khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới", là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Có thể nói trong bối cảnh lịch sử thế giới giữa thế kỷ XX, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam có giá trị phổ quát sâu sắc và vĩ đại đối với phong trào cách mạng thế giới lúc bây giờ.

1. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã vượt tầm ảnh hưởng ra khỏi biên giới quốc gia và trở thành động lực, "niềm tin tinh thần - sức mạnh to lớn", cổ vũ cho nhân dân các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập. Cách mạng tháng Tám mãi được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới xem là ngọn đèn chiếu sáng, hình mẫu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX.

Việc chiến thắng các thế lực xâm lược đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân có thể có nhiều con đường để thực hiện và giành thắng lợi. Tuy nhiên, cách mạng giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản là cuộc cách mạng giải phóng triệt để nhất, cuộc cách mạng đó tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững cho quá trình đi lên của mỗi quốc gia. Cho nên, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đánh dấu sự mở đầu trên phạm vi quốc tế.

Lịch sử thế giới thế kỷ XX đã ghi nhận tầm vóc thời đại của "Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 - mở đầu thời đại mới của cách mạng thế giới, thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội". Chính vì vậy, tính từ năm 1917 cho đến trước khi Cách mạng tháng Tám ở nước ta thành công, chưa có một cuộc cách mạng nào "phổ quát" được những giá trị thời đại như Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, giá trị phổ quát của nó chính là mức độ ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Cho nên, Cách mạng tháng Tám - sự kiện trọng đại này mở ra thời kỳ mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX, "một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là một cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa"[1; tr.224], tầm vóc và giá trị của nó chính là sự phổ quát và truyền tải hết những giá trị tốt đẹp nhất mà cuộc cách mạng này đem đến cho cách mạng thế giới lúc bây giờ - "giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản".

Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn lao của Cách mạng tháng Tám đối với tiến trình lịch sử của dân tộc và thế giới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc"[2; tr.159].

Sức mạnh lan tỏa của Cách mạng tháng Tám không chỉ giới hạn ở khu vực Đông Nam Á, mà nó đã góp phần quan trọng thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, đặc biệt các nước ở châu Phi, châu Mỹ Latinh đang bị cùm trói trong vòng nô lệ, lệ thuộc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cổ vũ các dân tộc vùng lên đấu tranh để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, lệ thuộc của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Đánh giá về giá trị phổ quát của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong những năm nửa sau của thế kỷ XX. Giáo sư, Nhà Sử học L.Esmonson, Trường Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng: "Đó là một sự kiện lớn của thế giới. Cuộc Cách mạng tháng Tám của Việt Nam có một ý nghĩa lịch sử rất to lớn, nó giải phóng con người, giải phóng cho một dân tộc bị áp bức. Trên bình diện quốc tế, nó còn là hình mẫu và là động lực cho nhiều nước khác đứng lên đấu tranh, đánh đuổi thực dân, giành lại chính quyền. Những quốc gia thuộc địa của Pháp, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Dương, châu Phi đã tiến hành công cuộc cách mạng theo đúng tiến trình cách mạng ở Việt Nam"[3;tr.2].

Giáo sư người Jamaica Horet Compel nhìn nhận: "Cuộc cách mạng Việt Nam năm 1945 có một tác động to lớn đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa Pháp lúc đó, trong đó có nhiều nước châu Phi. Khi cuộc cách mạng ở Việt Nam thành công, cũng là lúc các nước châu Phi như: Cameroon, Algeria, Tanzania… đang chuẩn bị những cuộc cách mạng lớn. Nhờ có bài học từ Việt Nam, họ đã có những bài học kinh nghiệm quý báu, làm nên thành công của các cuộc cách mạng ở những nước thuộc địa Pháp ở châu Phi"[3;tr.3].

Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh: "Cách mạng tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới" [4;tr.3].

Như vậy, có thể khẳng định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trở thành cuộc cách mạng mở đầu cho tiến trình sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân và biến lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc thế giới thế kỷ XX giành được toàn thắng. Lịch sử thế giới thế kỷ XX đã ghi nhận tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Mười mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH và Cách mạng tháng Tám mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trong trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc toàn thế giới. Đến nay không còn có nước nào không giành được độc lập dân tộc với những mức độ khác nhau.

2. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng này do Đảng Cộng sản lãnh đạo, vì vậy, thành công của cách mạng là triệt để, là "đến nơi" mà Hồ Chí Minh khẳng định trước đó. Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới chứ không như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trước đây. Thắng lợi của cách mạng đã lật đổ ách thống trị thực dân Pháp hơn 80 năm, ách thống trị phong kiến tay sai và ách thống trị của chủ nghĩa phát xít Nhật (1941 - 1945), đưa dân tộc Việt Nam bước vào thời đại mới - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Sự phổ quát những giá trị nhân văn của Cách mạng tháng Tám đã làm cho tư tưởng của Hồ Chí Minh rực rỡ hơn. Là sự khẳng định bằng thực tiễn lịch sử về tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc - "con đường cách mạng vô sản", con đường cách mạng gắn kết một cách tất yếu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dòng chủ đạo xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng tháng Tám đã khai phá con đường thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển của khu vực và thế giới.

Hồ Chí Minh không chỉ trung thành vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn mà còn phát triển, bổ sung cho chủ nghĩa Mác - Lênin lý luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã chứng minh sự bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đồng thời còn nêu một mẫu mực đấu tranh giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Chính vì vậy, các dân tộc thuộc địa coi Việt Nam là chiến sỹ tiên phong, anh hùng giải phóng dân tộc. Nó đã làm cho Cách mạng tháng Tám không chỉ của Việt Nam mà là những vấn đề lý luận và thực tiễn mang tầm vóc quốc tế, có giá trị phổ quát thời đại.

Giá trị phổ quát thời đại của Cách mạng tháng Tám còn được thể hiện ở chỗ là đưa dân tộc Việt Nam đến với các giá trị chính trị, xã hội cao nhất trong nền văn minh nhân loại - đó là chế độ dân chủ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm chủ, các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng, rút ngắn con đường phát triển của dân tộc hàng thế kỷ.

3. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã diễn ra như một tất yếu, hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân mang ước vọng xây dựng một xã hội tươi đẹp trong tương lai. Đó là sự xác lập lần đầu ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế nhà nước sau cuộc cách mạng - thể chế dân chủ cộng hòa - một thành tựu phổ quát của nền chính trị nhân loại. Chính giá trị tiến bộ đó là chìa khóa để các dân tộc hướng tới xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn với một thể chế chính trị ưu việt, nhân ái ở đó quyền con người, tính nhân văn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tính phổ quát của Cách mạng tháng Tám không chỉ là ánh sáng soi đường để các dân tộc tiến lên đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột mà còn là sự định hướng, hướng đến xây dựng một chế độ chính trị ưu việt, nhân ái, nhân văn.

Việc xây dựng xã hội tốt đẹp đó là hợp với quy luật tiến lên của xã hội loài người. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, những giá trị phổ quát của Cách mạng tháng Tám năm 1945 càng tiếp tục được phát huy, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc cách mạng này là cơ sở lý luận minh chứng cho các quốc gia dân tộc trên thế giới có sự nhìn nhận, đánh giá về tính nhân văn, sự tiến bộ và tính ưu việt của nhà nước Việt Nam hiện nay, là mẫu hình cho những quốc gia, dân tộc muốn xây dựng một đất nước "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".

Sự nghiệp cách mạng là khó khăn, gian khổ nhưng với những giá trị đạt được từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam ngày càng trở thành trung tâm để các dân tộc trên thế giới học tập, giá trị phổ quát của Cách mạng tháng Tám năm 1945 chính là hướng đi đúng với một thể chế chính trị ưu việt tiếp tục soi rọi, trở thành động lực để các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng tới xây dựng một xã hội đưa con người đạt đến các giá trị cao nhất - giá trị hòa bình, tự do, dân chủ và phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thomas Hodgkis: Thế giới bàn về Việt Nam, tập 2, Viện Thông tin KHXH, 1975, tr.224

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, 2000, tập 6, tr.159.

3. Đại tá, Nguyễn Đức Thắng, Tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Báo Biên phòng ra ngày 10/08/2015.

4. Việt Nam trong thế kỷ XX (2008), Hội thảo quốc tế, Hà Nội.

5. Trần thị Thu Hương, Phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam qua 7 thập kỷ.


 

Tháng 6 năm 1919, ở Paris, bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam có tên ký là "Nguyễn Ái Quốc - thay mặt những người An Nam yêu nước" - "Groupes des patriotes Annamites", gồm 8 điểm, trong đó có 4 điểm đòi quyền tự do cho người An Nam: "3. Tự do báo chí và ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp;  5. Tự do di cư và đi ra nước ngoài; 6. Tự do mở trường và thành lập ở tất cả các tỉnh những trường dạy kỹ thuật và nghề nghiệp cho người bản xứ theo học".

Đây chỉ là mấy yêu cầu tự do tối thiểu nằm trong một phạm trù tự do rộng lớn, gắn với Độc lập cho dân tộc và Hạnh phúc cho nhân dân, làm thành bộ ba: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, trên cơ sở nền Dân chủ - Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được thực hiện trọn vẹn sau Cách mạng tháng Tám - 1945 mà Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập, lãnh đạo và là vị Chủ tịch đầu tiên.

Và như vậy nói đến sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu từ năm 1919 thì đó là nói đến 50 năm viết, cho đến năm 1969 - năm Người qua đời, với hai giai đoạn:

1. Từ 1919 đến 1945.

2. Từ 1945 đến 1969.

Ở giai đoạn thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc, và sau đó là Hồ Chí Minh, có một sự nghiệp viết trong tư cách một chiến sĩ cách mạng có ý thức sử dụng "vũ khí của tiếng nói" để thực hiện sứ mệnh lịch sử cao nhất và duy nhất là độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Một sự nghiệp viết bắt đầu bằng hai loại chữ: Pháp và Việt, nhằm vào hai đối tượng: một là thực dân Pháp và chính quyền tay sai Nam triều; và hai là nhân dân lao khổ trên toàn thế giới, trong đó có người An Nam. Với kẻ thù, thì đó là sự cảnh tỉnh; với nhân dân bản xứ và người nghèo khổ trên khắp thế giới thì đó là sự thức tỉnh. Cảnh tỉnh và thức tỉnh - đó là hai mục tiêu lớn trong sự nghiệp viết, trước hết là báo chí, và sau đó là văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ 1919 đến 1945. Một sự nghiệp viết, bắt đầu từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919), báo Le Paria, kịch Con rồng tre, những truyện ngắn, tiểu phẩm đăng trên các báo tiếng Pháp ở Paris những năm đầu thập niên 1920, và Bản án chế độ thực dân Pháp, in ở Paris (1925).

Tiếp đó là Đường Kách mệnh (1927) và Nhật ký chìm tàu (1931) bằng tiếng Việt bị cấm và tịch thu.

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, sau 30 năm xa xứ; và trong 4 năm mở đầu thập niên 1940 là sự dồn tụ một sự nghiệp viết trên nhiều thể, loại như văn, thơ, diễn ca, chính luận, trong đó rất quan trọng là thơ tiếng Việt trên 30 bài được gọi là Bài ca Việt Minh đăng trên báo Việt Nam độc lập; diễn ca Lịch sử nước ta, 208 câu; Ngục trung nhật ký - 135 bài thơ chữ Hán; nhiều thư kêu gọi và hiệu triệu quốc dân đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa; và cuối cùng là Tuyên ngôn độc lập.

Như vậy là hơn 25 năm trước 1945, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp viết trên ba loại chữ: Pháp, Hán, Việt, nhằm hướng tới một mục tiêu cao nhất và duy nhất là Độc lập cho dân tộc, Tự do và Hạnh phúc cho nhân dân... Hơn hai mươi lăm năm viết (1919-1945), trong 30 năm xa xứ (1911-1941), nhà cách mạng và lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã để lại cho nhân dân Việt Nam một di sản báo chí, văn chương vô cùng quý giá, trong đó có những tác phẩm đứng ở đỉnh cao nhất các giá trị của văn minh và nhân đạo. Đó là Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Ngục trung nhật ký (1943) và Tuyên ngôn độc lập (1945).

Cần một lược kể như trên để nói một sự thật, đúng hơn, một chân lý đơn giản: Trong thân phận một người dân mất nước; một nước Việt Nam mất tên gọi trên bản đồ; một thanh niên đi tìm đường phải thay tên đổi họ nhiều chục lần; phải làm đến 12 nghề để kiếm sống; phải trải một hành trình 30 năm xa xứ, với hai lần bị bắt, hai lần bị án tù, hai lần có tin chết, chắc chắn Nguyễn không có chút tự do nào trong hoạt động và kiếm sống. Thế mà Nguyễn đã rất tự do trong cả một sự nghiệp viết rất đồ sộ; và với sự nghiệp đó Nguyễn đã thành người đặt nền móng và kết tụ những tinh hoa cho nền văn chương và báo chí Việt Nam thế kỷ XX.

Ba mươi năm xa xứ. Hơn hai mươi lăm năm viết. Viết - đã trở thành một phương thức cho hoạt động cách mạng. Một vũ khí của tiếng nói. Với Nguyễn, viết không phải để lưu lại một sự nghiệp văn chương, như bất cứ nhà thơ, nhà văn nào khác trong lịch sử và cùng thời. Nếu có một sự nghiệp thì đó là chủ quyền của Tổ quốc - còn trong nô lệ, là lợi ích của nhân dân - còn rất lầm than "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi. Đó là tất cả những gì tôi biết. Đó là tất cả những gì tôi hiểu". Quên mình đi trong một sự nghiệp lớn, trong đó có động thái viết, Bản án... ấn hành bằng tiếng Pháp ở Paris năm 1925 phải đến 1946 mới xuất hiện ở Việt Nam, và đến 1960 mới được dịch ra tiếng Việt. Nhật ký chìm tàu (1931) với dòng chữ "phi mại phẩm" (không phải để bán) ở trang bìa, viết bằng hai loại chữ: Nôm và Quốc ngữ bị cấm ngay sau khi được chuyền tay ở xứ Nghệ. Ngục trung nhật ký (1943) được viết trong 14 tháng ở các nhà lao Quảng Tây - Trung Quốc, phải 17 năm sau, cả bản chính và bản dịch mới được ra mắt công chúng trong nước và ngoài nước. Hơn mười truyện ngắn và ký viết bằng tiếng Pháp ở Paris những năm đầu 1920, phải hơn 50 năm sau mới có bản in tiếng Việt... Nói như vậy để hiểu: Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là người tuyệt đối được tự do trong suốt 30 năm xa xứ, và ngay cả trong 14 tháng bị giam cầm, và không có băn khoăn gì về yêu cầu tự do cho việc viết. Có nghĩa là bất cứ lúc nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng giành được cho mình quyền tự do cao nhất, đó là sự toàn tâm toàn ý cho một sự nghiệp lớn - vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì hạnh phúc của con người, trước hết là những con người bé mọn, nghèo khổ.

Từ 1919 đến 1945 trong sự nghiệp viết của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không có nhu cầu phải thuyết phục ai, giáo dục ai về quan niệm viết, về kinh nghiệm viết, ngoài việc thể hiện mình, bộc lộ mình trung thành và trọn vẹn trên tất cả các trang viết, thuộc mọi chủng loại - đó là Yêu sách, hoặc Bản án; là một vần thơ cực kỳ giản dị như Hòn đá cho quần chúng mù chữ ai cũng hiểu, đến một triết lý thâm trầm về sự sống trong cảnh ngộ một người tù; một hiệu triệu gửi các giới đồng bào gia nhập Việt Minh hoặc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đến một Tuyên ngôn độc lập, nhân danh lịch sử và dân tộc nói với tương lai và nhân loại.

*   *   *

Từ 1945, ở cương vị Chủ tịch nước, sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, cho đến 1969, công bố Di chúc sau khi qua đời, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục một sự nghiệp viết gồm nhiều thể, loại; như thơ chữ Hán và thơ chữ Việt (gồm thơ viết cho mình và thơ viết cho các giới đồng bào); thư từ, lời kêu gọi hoặc bài nói chuyện cho các giới nghề nghiệp... Ở khu vực này, Hồ Chí Minh có cơ hội để thể hiện quan niệm của mình về báo chí, văn chương, nghệ thuật…

Nhưng trước khi đi vào việc lĩnh hội quan niệm nghệ thuật của Hồ Chí Minh cần lưu ý một điều là: chưa bao giờ Người nhận mình là nhà thơ, nhà văn; mà chỉ là người yêu thơ, yêu nghệ thuật. "Ngâm thơ ta vốn không ham", cách trả lời này của Hồ Chí Minh là nhất quán, đối với tất cả giới văn nghệ sĩ trong nước và bè bạn nước ngoài. Mở đầu Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II - năm 1957, Người nói: "Tôi lấy danh nghĩa là một người yêu chuộng văn nghệ xin chúc mừng Đại hội văn nghệ thành công. Cụ Hoàng (tức Hoàng Ngọc Phách) vừa nói với tôi rằng tôi là một nhà văn nghệ, nhưng tôi chỉ nhận tôi là một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ"(1). Cả trong khi trả lời bạn bè nước ngoài đến thăm và hỏi chuyện. Rơ-nê Đêpestơrơ - nhà thơ Haiiti kể: "Người nói rằng: khi ở tù ở miền Nam Trung Quốc, Người đã làm những bài thơ ấy cho qua giờ, rằng Người thật ra không phải là một nhà thơ"(2). Trả lời nhà thơ Nga Paven Antonxconxki, khi ông ngỏ ý muốn dịch sang tiếng Nga một số bài thơ của Hồ Chí Minh, "Người phá lên cười một cách vui vẻ. Trong đôi mắt Người ánh lên những tia hài hước: - Nhà thơ gì tôi cơ chứ hở đồng chí! Chẳng qua là những năm kháng chiến, khi còn sống trong chiến khu Việt Bắc, chúng tôi có quá nhiều thì giờ rỗi rãi quá đi mất. Và thế là chúng tôi làm thơ chơi. Cả tôi lẫn những đồng chí khác nữa! Ở Việt Nam ai cũng làm thơ cả. Nhưng bây giờ thơ của chúng tôi là những con số. Vâng, đúng như vậy, những con số về mùa màng, hoa lợi, đó là thơ của chúng tôi đấy!"(3).

"Những con số" - ta hiểu đó là một cách nói vui. Nhưng cũng là cách đi vào thực chất hiệu quả và tác dụng của thơ ca. Khi không nhận mình là nhà thơ phải chăng có một quan niệm văn chương riêng của Hồ Chí Minh. Văn chương là công việc cần được coi trọng. Văn chương phải trực tiếp đến với công chúng, và được công chúng đón nhận. Văn chương đòi hỏi tính chuyên nghiệp, phải là một nghề...

Nhớ lại một dịp gặp gỡ khác với nhà văn Liên Xô Rút Bersatxki: "Đồng chí Hồ Chí Minh vui vẻ nhìn tất cả chúng tôi bằng cặp mắt ngời ngợi tỏa sáng của mình - "Tôi, tất nhiên không thể nào lại ngờ rằng trên cơ sở những bài thơ này, bao giờ đó người ta lại đưa tôi vào hàng các nhà thơ! Không! Nếu như quả thực tôi là nhà thơ, hẳn tôi đã không thể sống mà không sáng tác. Là các nhà văn chuyên nghiệp, các đồng chí hẳn biết rõ điều đó. Còn tôi, như các đồng chí thấy đấy, tôi có thể sống thoải mái không cần phải làm thơ. Và trước khi ở tù cũng như sau khi ra tù, tôi đã sống mà không làm thơ"(4).

Như vậy phải chăng có một yêu cầu riêng và một quan niệm riêng về văn chương ở Hồ Chí Minh.

Đã là nhà văn "chuyên nghiệp" thì phải viết, vì viết văn là một nghề; nhà văn phải đóng góp vào đời sống xã hội bằng chính nghề của mình. Nếu sống mà không cần viết, hoặc ít viết, thì không nên xem là nhà văn, nhà thơ.

Còn Hồ Chí Minh, nhiều lúc "đã sống mà không làm thơ".

Nhưng đừng nên quên: Hồ Chí Minh đã viết trong suốt cuộc đời mình.

Người lúc nhỏ có cùng sự đồng cảm với Phan Bội Châu trong niềm yêu thích câu thơ Viên Mai:

Lập thân tối hạ thị văn chương.

Cũng chính là Người, khi tự mình đối diện với mình, đã từng ghi một phương châm viết:

Nay ở trong tơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

*   *   *

Là nhà cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn xem hoạt động văn hóa - văn nghệ như một hoạt động cải tạo, sáng tạo thế giới ở con người. Văn nghệ không có một mục đích tự thân. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951, Hồ Chí Minh viết: "Văn hóa, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế, chính trị". Bao thế hệ văn nghệ sĩ và công chúng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, hẳn không ai không nhập tâm từng lời, từng chữ bức thư trên, khi cuộc kháng chiến đã diễn ra sau 6 năm. "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"(5).

Trước đó, năm 1947, trong Thư gửi anh em văn hóa, và trí thức Nam bộ: "Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà"(6). Đây là quan điểm có tính nguyên tắc trong tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh. Khi nhiệm vụ chống ngoại xâm, lật đổ chế độ cũ là nhiệm vụ số một, thì hoạt động chính trị và vũ trang phải là nhiệm vụ quyết định, hàng đầu. Đấu tranh chính trị phải là tiêu điểm, là mũi nhọn của đấu tranh giai cấp, nơi đó giai cấp vô sản và quần chúng cách mạng phải chiếm lĩnh trận địa; nơi đó bất cứ một sự mơ hồ hoặc lỏng lẻo nào cũng đều gây tổn thất. Nhưng yêu cầu phục vụ cách mạng trong tinh thần của Hồ Chí Minh không hề mang tinh thần áp đặt, mà phải là một hoạt động tự nguyện, tự giác, một đòi hỏi của trách nhiệm, của lương tâm người nghệ sĩ:

"Rõ ràng là dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng"(7).

Có điều cần lưu ý: mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo cách tác giả nêu như trên, không có nghĩa là một sự hạ thấp giá trị văn nghệ; cũng không có nghĩa như một sự phân chia tách bạch chính trị và văn nghệ thành hai vế, đối lập nhau, hoặc với trật tự cao thấp, bên trọng bên khinh. Trong bức thư đã gửi trên có đoạn viết: "Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của các bạn. Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà, để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do"(8).

Như vậy, cho đến khi dân tộc giành được chủ quyền, và mục tiêu của cách mạng được tập trung vào việc xây dựng một xã hội mới, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho con người thì yêu cầu về sự phát triển tự do, toàn diện của các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, đạo đức sẽ được đặt ra trong một quan hệ chỉnh thể, tác động vào nhau; mặt khác, lại phải chú ý đến những đặc trưng riêng, và những yêu cầu nội tại, có tính quy luật cho mỗi lĩnh vực hoạt động, mà những người được phân công hoặc tự nguyện chọn lựa cần phải nắm hiểu, vận dụng.

Văn nghệ cần được tự do. Nhưng tự do của văn nghệ cần được đặt ra trong tự do chung của nhân dân, của dân tộc.

Văn nghệ cần được tự do. Nhưng việc quan niệm tự do như thế nào cho đúng, và làm thế nào để được tự do - đó là điều cần hiểu và phát triển trên cơ sở nắm vững yêu cầu cụ thể của thực tiễn cách  mạng, và quy luật phát triển nội tại của văn nghệ.

Có thể còn nhiều cách nêu, cách đúc kết các ý kiến của Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ. Nhưng dầu khai thác thế nào, trên bình diện nào, theo cách thức nào, ở thời điểm nào, theo tôi, quan niệm văn nghệ ở Hồ Chí Minh luôn luôn nhất quán, không phiến diện, không thiên lệch, không mâu thuẫn. Bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là kiên định, sáng rõ và có một tầm nhìn xa. Cái đúng cho tầm gần có thể lạc hậu, thậm chí có thể lệch khi để vào tầm xa. Nhưng cái đúng cho tầm xa thì mọi tầm gần đều sáng rõ.

*   *   *

Không xem mình là nhà thơ, nhà văn, nhà văn nghệ, bởi đó không phải là nghề chuyên của mình, bởi nếu là nghề thì phải thường xuyên, phải chuyên tâm viết; nhưng Hồ Chí Minh vẫn để lại một sự nghiệp bất hủ, đứng ở hàng đầu các giá trị nhân văn và hiện đại trong lịch sử văn chương Việt.

Người viết không chuyên ấy cũng là người luôn luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa - văn nghệ. Người rất thuộc ca dao, dân ca và Truyện Kiều. Người từng xem mình là "người học trò nhỏ của L. Tônxtôi"... Người am hiểu rất sâu các giá trị của văn nghệ và đưa văn nghệ lên một vị trí rất cao như "những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà".

Người suốt đời chiến đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, của nhân dân cũng là người rất tự do trong sáng tạo văn chương, báo chí trong suốt 50 năm sự nghiệp viết của mình. Viết cho công chúng cần lao còn trong tình cảnh nô lệ hoặc công chúng đã được hưởng độc lập, tự do; và viết cho riêng mình - Hồ Chí Minh bao giờ cũng tự thể hiện trong một tư thế tự do tuyệt đối, không chịu bất cứ ràng buộc hoặc áp lực nào của bản thân và ngoại cảnh.

 

Chú thích

(1), (5), (6), (7), (8). Sách Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá, văn nghệ; Nxb Sự thật; H; 1971.

(2), (3), (4). Sách Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận; Nxb Văn học; H; 1981.

Tác giả bài viết: article?img id=1578123

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây