GS. Phong Lê (*)
Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du (1765 - 1820) là một tác gia lớn, với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao. Trước hết đó là ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (34 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) in rất đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân của một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với Văn tế thập loại chúng sinh, 184 câu song thất lục bát, dồn chứa một cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh. Trước đó là hai tác phẩm ngắn ở tuổi hoa niên: Thác lời trai phường nón và Sinh tế Trường Lưu nhị nữ…
Nếu chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách một tác gia tiêu biểu, ở hàng đầu của văn chương Việt trung đại như nhiều tên tuổi khác trước và sau ông. Thế nhưng Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều; và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt; và với tầm vóc đó, rất dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới như Đantê (1265-1321) với Thần khúc của Ý; như Xecvăngtet (1547 –
1616) với Đông ki sốt của Tây Ban Nha; như Gớt (1749-1832) với Phaux của Đức; như Puskin (1799-1837) với Épghênhi Ônêghin của Nga… Có nghĩa là, cũng như Thần khúc, Đông ki sốt, Phaux, Épghênhi Ônêghin, Truyện Kiều là kết quả một thăng hoa đột xuất của Nguyễn Du, khiến cho chỉ cần nói đến Truyện Kiều là đủ để nói Nguyễn Du - người đã đem lại một giá trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt…
Trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua, và vẫn còn đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm.
Truyện Kiều có sự sống bền vững như thế nào thì đã có một lịch sử ngót 200 năm minh chứng, với bao nhiêu bộ tuyển hàng nghìn trang bình và luận do nhiều trăm tác giả thành danh viết ra, nếu tính từ bài viết đầu tiên, năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời, của Mộng Liên Đường chủ nhân: "… nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy".
200 năm không lúc nào người dân Việt ngừng nghỉ việc đọc Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, xướng hoạ về Kiều, dựng sân khấu Kiều, qua đó tạo nên một văn hoá Kiều rất độc đáo trong gương mặt Văn hoá Việt. Và bói Kiều. Bởi lòng tin Truyện Kiều trả lời được tất cả mọi tình huống sống ở đời; và con người ở bất cứ hoàn cảnh nào, đứng trước câu hỏi nào cũng có thể tìm được lời giải đáp cho mình sau lời khấn: "Lạy ông Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều…".
3254 câu Kiều, đó là bộ bách khoa thư của đời sống Việt trong hơn 200 năm qua. 3254 câu, câu nào cũng có thể in sâu vào bộ nhớ con người, để cho những bà mẹ mù chữ có thể thuộc lòng hàng trăm câu, hoặc đọc ngược từng đoạn mà vận vào mọi tình huống sống của đời mình; để cùng với ca dao, dân ca khắp các vùng miền mà tạo nên hồn cốt Việt, tâm linh Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt…
* * *
Trong toàn cảnh sự kéo dài hàng ngàn năm thống trị của đạo lý phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí, mà hướng tới một bức tranh đời rộng lớn, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ "trăm năm trong cõi" một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ.
Ở bức tranh đời đó, lễ giáo gần như không có vai trò gì, thậm chí gần như không có mặt để cho con người chống chọi, hoặc tìm ra cách thỏa hiệp, như trong số rất lớn truyện thơ Nôm khác. Lễ giáo ở đây càng không gây cản trở gì cho tình yêu. Nguyễn Du đã để cho Kiều hết sức tự do trong tình yêu, gần như từ A đến Z. Và không chỉ một cuộc tình, với một người là Kim Trọng...
Vậy là, dẫu với tất cả những hạn chế, ràng buộc của tư duy và phương thức miêu tả của văn chương Trung đại, Nguyễn Du vẫn xây dựng được một thế giới nhân vật sống động làm nên bức tranh đời rộng lớn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều mà không có bất cứ tác phẩm nào trong văn học Việt, từ trung đại đến hiện đại, so sánh được.
Biết bao nhiêu là nhân vật, có tên và không tên, đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của biết bao thế hệ công chúng suốt hơn 200 năm qua. Không kể Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan... Không kể Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ... Mà còn là Chung Công, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, Mã Kiều, bóng ma Đạm Tiên... Rồi còn là các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện "trông lên mặt sắt đen sì"...
Quả không một truyện thơ Nôm nào từ thế kỷ XVII cho đến Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX đạt được một hiệu quả nghệ thuật hiện đại đến thế.
Đã đành không khó nhận ra Nguyễn Du trong vai người can thiệp, với lời bình không cần che dấu, trước mọi tình huống và cảnh ngộ của nhân vật:
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Thương ôi tài sắc bậc này
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần
Nhưng không có ở bất cứ nơi nào, một ý hướng giáo dục, khuyên nhủ, bảo ban, răn dạy người đọc như một nhà luân lý. Gần như tất cả, Nguyễn Du đều nhường phần đất rộng rãi nhất cho nhân vật, để cho nhân vật sống sự sống của bản thân nó, và trực tiếp đến với người đọc mà không có bất cứ gián cách nào. Cố nhiên, vẫn còn đó, hai chữ Tâm và Tài, để cho Nguyễn Du đặt ở cuối Truyện Kiều hai câu "kinh điển":
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ.
Và đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một "bức tranh đời", với "những điều trông thấy".
* * *
Với Truyện Kiều, đời là thực - là "những điều trông thấy". Nhưng ngoài "những điều trông thấy" bằng mắt, và bằng tất cả các giác quan, thế giới Truyện Kiều còn bao gồm cả "những điều không thấy" nhưng vẫn hiện hữu, như một tồn tại khách quan, có liên quan đến con người. Với Nguyễn Du, thế giới mơ hoặc ảo này gần như lúc nào cũng hiện hữu trong suốt cuộc đời Kiều. Bắt đầu từ hồn ma Đạm Tiên, trong cuộc du xuân của Kiều - Kim, như một nối kết vô hình với cõi dương, và bám đuổi Kiều sau bao nhiêu chìm nổi. Là hồn ma, là người của cõi âm, nên Nguyễn Du có một bút pháp khác:
Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng như gần như xa.
Cõi âm, một lần nữa đến với Kiều trong cơn gia biến, khi Kiều khẩn khoản nhờ em là Thúy Vân thay mình, trong một cuộc "trao duyên":
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa..
...
Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió là hay chị về.
Ám ảnh Đạm Tiên như một tiên cảm về số phận mình, và những ký thác với em về tương lai sau cơn gia biến - đó là sự mở rộng không gian sống của một nhân vật gần như luôn trong trạng thái "ở không yên ổn, ngồi không vững vàng"; bởi "Ma đưa lối, quỷ đưa đường/Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi" như trong câu chuyện giữa Giác Duyên và sư Tam Hợp.
Như vậy là có thêm một thế giới khác trong tâm thức nhân vật chính để mở rộng tối ưu thế giới thực. Thế giới đó ngoài "nhân vật" Đạm Tiên, và ngoài cuộc trao duyên, Kiều tự đặt mình vào thế giới bên kia, có thể xem như hai tiểu cảnh ở nửa phần đầu truyện, còn là hai đại cảnh đặt ở phần nửa sau truyện. Đó là tình huống Kiều gặp Từ Hải, và Kiều sau cuộc trẫm mình ở sông Tiền Đường.
Kiều với Từ Hải có thể xem là một giấc mơ. Giấc mơ Từ Hải, đối với Kiều rộng hơn rất nhiều một cuộc báo ân, báo oán. Bởi với Từ Hải, Kiều trở thành người đại diện cho rất nhiều khát vọng, không chỉ khát vọng của một phụ nữ phải gánh chịu gần như tất cả mọi đau đớn của trần gian, mà là của người dân, của mọi kiếp chúng sinh trong dày đặc những bất công của xã hội.
Chính là hiện thân bằng xương thịt của một giấc mơ như thế nên Từ Hải đã gây nên sự phản ứng của chế độ phong kiến qua một đại diện là Tự Đức - người rất mê Truyện Kiều, nhưng vẫn đủ sự tỉnh táo và cảnh giác trong một răn đe: phải chi Nguyễn Du còn sống thì nọc ra mà đánh cho vài chục trượng!
Sau tan vỡ của giấc mơ Từ Hải, chỉ còn lại giấc mơ hậu Tiền Đường, để trở về với tâm thế tiếp nhận của công chúng Việt. Phải và đã có một cái hậu cho một phận người như Thúy Kiều - người có sứ mệnh gánh chịu mọi nỗi đau của một nửa nhân loại. Để cho Kiều được hưởng một ít bù đắp, không phải ở thế giới bên kia mà là ngay trong cõi đời này. Để nàng có thể điểm đủ mặt tất cả người thân: "Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột, này là em dâu". Và nhất là để đi được tận cùng một chữ trinh, chỉ dành riêng cho Kim Trọng, sau 15 năm ê chề, nhục nhã:
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan
Có một sự sống nào, từ "những điều trông thấy" mà mở ra nhiều biên độ sống như Truyện Kiều của Nguyễn Du.
* * *
Để ôm chứa dung lượng sống rộng lớn đến thế, Nguyễn Du đã vận dụng một phương thức tự sự và trữ tình vượt ra khỏi mọi khuôn khổ và giới hạn của thơ văn Nôm đương thời.
Lục bát - đó là thể thơ Nguyễn Du đã vận dụng để bao chứa tất cả "những điều trông thấy". Lục bát, chứ không phải văn xuôi - vào thế kỷ XVIII và XIX đã có nhiều nhà Nho vận dụng để có Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Thượng Kinh ký sự của Lê Hữu Trác, không kể nhiều hình thức tản văn khác thường được các nhà Nho vận dụng xen kẽ với thơ Hán hoặc thơ Nôm.
Trong bối cảnh đó, xuất hiện Truyện Kiều với 3254 câu lục bát, trong một kết nối nhằm thực hiện chức năng tự sự của một tiểu thuyết bằng thơ. Nhưng cùng với chức năng tự sự là kể chuyện đời, Truyện Kiều còn là một trường ca trữ tình với sự sống tâm trạng không chỉ của nhân vật chính mà là cả một hệ thống nhân vật gắn kết, mà mỗi người không chỉ có gương mặt riêng, số phận riêng của một Con người này, mà còn có ý nghĩa là sự kết tinh và đại diện cho nhiều cộng đồng người, nhiều lớp người trong xã hội.
Thành tựu thơ Hán và thơ Nôm thời Nguyễn Du còn được ghi nhận bởi những khúc ngâm - như Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, Ai tư vãn, Tự tình khúc, và phần nào cả Sơ kính tân trang... Đây là một phương diện khác của sáng tạo, nghiêng về trữ tình mà tác giả là các bậc trí thức Nho sĩ có học và có nghề, như một đối ứng với các truyện thơ Nôm của dân gian, hoặc bình dân, thường là khuyết danh, nghiêng về tự sự. Đứng ở giữa hai phía đó, tạo được sự kết hợp tuyệt vời giữa tự sự và trữ tình, Truyện Kiều làm nên một đường ray (hoặc một đại lộ) cho văn học trung đại chuyển nhanh vào quỹ đạo hiện đại.
Cùng với thể lục bát dân tộc, còn phải nói đến vẻ đẹp tuyệt vời của ngôn ngữ Việt, của tiếng Việt trong Truyện Kiều. 3254 câu với 2.2778 chữ (từ) được dùng, gần như không có câu nào, chữ nào là cũ, là cổ. Tất cả cứ vẹn nguyên, mới tinh như thế cho đến thời hiện đại, mà đi vào bộ nhớ của hàng triệu, nhiều triệu công chúng Việt. Trong khi đó, gần như hầu hết, nếu không nói là tất cả truyện thơ Nôm trung đại, kể cả những áng có độ kết tinh cao về nghệ thuật của các nhà Nho cho đến Lục Vân Tiên gần như đã đi vào lịch sử.
Một tiếng Việt của Truyện Kiều, của Nguyễn Du là một tiếng Việt dành cho muôn đời. Ngót 100 năm về trước, vào năm 1924, đã diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt chung quanh câu nói của ông chủ bút báo Nam Phong Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn".
Trở lại với cõi đời, với bức tranh đời cùng với thế giới nhân vật cực kỳ sống động qua ngôn ngữ của Nguyễn Du. Đó là thế giới để mà yêu, mà ghét, mà thương, mà giận, mà trọng, mà khinh...; mỗi trạng thái tình cảm ấy đều tìm được đối tượng cho sự ứng đối và chia sẻ. Nhưng lại có những nhân vật không thể ứng xử đơn giản, rạch ròi như thế - như Hoạn Thư: "Ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Một câu thơ toàn Nôm, thuần Việt có ở mọi cửa miệng dân gian. Hoặc như Thúc Sinh, anh nhà buôn lấy vợ con nhà quan, quen thói bốc rời và sợ vợ, thế mà đã được hưởng ở Kiều một nỗi nhớ tuyệt vời đến thành cổ điển:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường
Cũng một câu thuần Nôm, nhưng đến từ tri thức bác học. Đó là câu Nguyễn Du mượn từ hai câu thơ cổ "Thùy bả kim bôi phân lưỡng đoạn/ Bán trầm thủy để, bán phù không". (Ai cầm chén vàng chia ra hai nửa/ Nửa chìm đáy nước, nửa trôi trên không). Thuần Hán đến thế mà khi chuyển sang tiếng Việt thì đó là sự lấp đầy một trăm phần trăm của hồn Việt; không còn một chút dấu ấn, hình tích gì của câu thơ Hán. Kết hợp và gắn nối ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học trong mọi biên độ rộng lớn của nó để thực hiện tối ưu chức năng tự sự và chức năng trữ tình như trong Truyện Kiều, đó chính là lý do làm nên tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trong lịch sử văn chương Việt.
*
* *
Có lẽ hơn bất cứ thời nào trong lịch sử hơn 200 năm đã qua, thời hiện đại, tức thời chúng ta đang sống đã làm được rất nhiều cho Nguyễn Du. Bởi, di sản Nguyễn Du luôn luôn sống động trong thời hiện đại. Bởi với điểm nhìn và khoảng lùi của thời hiện đại, các giá trị của Nguyễn Du càng tỏa sáng trên nhiều mặt sự sống tinh thần của dân tộc trong bối cảnh thời đại.
Hai trăm năm, một giá trị Nguyễn Du, một chân dung Nguyễn Du, ngay từ 1820 là năm Nguyễn Du mất, đã được xác định thật tài tình trong bài Tựa Truyện Kiều của Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân: "Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lục ấy"... đến suốt thế kỷ XX, với Tố Hữu, trong câu thơ: "Tiếng thơ ai động đất trời. Nghe như non nước vọng lời nghìn thu", hoặc Chế Lan Viên: "Nguyễn Du viết "Kiều", đất nước hóa thành văn"...
Hai trăm năm, một giá trị của ngôn từ, của tiếng Việt nơi Nguyễn Du, được đúc kết thật là sâu sắc, thấu đáo trong bộ Từ điển các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở (Văn học, Nghệ thuật, Triết học, Khoa học, Âm nhạc) của Hiệp hội biên soạn Từ điển và Bách khoa toàn thư xuất bản ở Paris năm 1953: "Ở vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về với tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay, chưa có tác giả nào vươn tới được".
Đánh giá này là hoàn toàn thuận với cách nghĩ của nhiều thế hệ thi nhân và học giả Việt Nam trong lịch sử hiện đại, đặc biệt kể từ phong trào Thơ mới...
* * *
Tháng 9-2012, nhân 192 năm ngày mất của Nguyễn Du (16/9/1820 – 16/9/2012), từ Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings), một tin vui đến với chúng ta. Đó là việc xác lập 5 kỷ lục cho Truyện Kiều:
"1. Thi phẩm duy nhất có nhiều câu thơ được sử dụng để kết hợp lại thành nhiều bài thơ mới: đây là kỷ lục trao cho hiện tượng "tập Kiều".
2. Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ - Truyện Kiều có 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins (thơ 12 chân) hoặc văn xuôi, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884-1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc – Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài...
3. Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất.
4. Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược.
5. Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều"(1).
Những kỷ lục trên là vận vào Truyện Kiều, đỉnh cao tuyệt vời tài năng Nguyễn Du. Nhưng nói về Kiều lại không thể không bàn rộng ra Nguyễn Du – một thiên tài nhiều mặt, mà việc làm sáng tỏ hiện tượng này cũng phải đến thời hiện đại mới có thể thực hiện được trong thành tựu của khoa nghiên cứu văn học, gắn với nhu cầu giảng dạy trong các cấp học ở nhà trường; và trong yêu cầu phổ cập trí thức văn hóa, khoa học, văn học, nghệ thuật trong mọi tầng lớp cư dân. Một hành trình nghiên cứu qua nhiều giai đoạn - kể từ khi khoa học văn chương hình thành ở ta, vào thập niên 1930, gần như không lúc nào đứt đoạn, với đóng góp của nhiều thế hệ học giả hàng đầu, đề cập gần như rộng khắp các phương diện của tài năng và sự nghiệp của Nguyễn Du - gồm từ gia tộc, gia đình; quê hương, giòng họ; thân thế, sự nghiệp... trong một bối cảnh rộng lớn, cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, qua ba triều vua; và ngay sau đó, cho đến hết thế kỷ XX là sự tiếp nhận Nguyễn Du trong tất cả mọi chuyển động của thời cuộc...
Đi sâu vào các kết quả nghiên cứu sẽ được thấy di sản Nguyễn Du để lại cho chúng ta là cực kỳ phong phú. Bởi với các cách thức tiếp cận dựa trên kết quả hiện đại hóa khiến cho thiên tài Nguyễn Du cũng được phát hiện trên nhiều chiều cạnh. Ngoài công việc khảo sát các văn bản Nôm, trong đó có Kiều, và trung tâm là Kiều, vẫn còn đang được tiếp tục, thì việc tiếp cận giá trị Nguyễn Du trên các thao tác của phong cách học, thi pháp học, ngôn ngữ học, tu từ học, loại hình học, khoa học so sánh, thống kê... càng đem lại nhiều hứng thú mới cho việc đọc Nguyễn Du. Như vậy là trên cả hai chiều rộng và sâu cho sự tiếp nhận và quảng bá di sản Nguyễn Du, thời hiện đại đã đưa lên tầm cao những giá trị mà nghệ thuật văn chương có thể chuyển tải.
* * *
Năm 1965, trên miền Bắc Nhà nước Việt Nam tổ chức ở quy mô cao nhất - cấp Quốc gia Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du tại thủ đô Hà Nội. Cũng năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới tôn vinh Nguyễn Du, trong một thông cáo đề nghị thế giới kỷ niệm Nguyễn Du - trên tư cách một danh nhân văn hóa của nhân loại.
Đại lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, nhân sự vinh danh của UNESCO, do Nhà nước tổ chức vào ngày 5 tháng 12 năm 2015 ở Thành phố Hà Tĩnh, ghi nhận lần thứ hai Nguyễn Du bước ra đại lộ văn minh nhân loại. Đến thời điểm này sự nghiệp nghiên cứu về Nguyễn Du đã được thực hiện trong nhiều bộ tuyển hàng nghìn trang; và nhiều tên sách của các văn nhân học giả đứng ở hàng đầu các ngành khoa học xã hội - nhân văn thời hiện đại. Các công trình lần lượt xuất hiện, gần như không lúc nào đứt đoạn. Có nghĩa là thời hiện đại, thời chúng ta đang sống hôm nay, càng về sau càng làm được rất nhiều về Nguyễn Du, và cho Nguyễn Du, với rất nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo, trong đó đáng chú ý là ý kiến phát biểu của bà Katherine Muller - Marine - Trưởng đại diện UNESCO ở Việt Nam, trong Lễ kỷ niệm 250 năm sinh, nhằm tôn vinh Nguyễn Du vào ngày 5-12-2015 ở thành phố Hà Tĩnh.
3254 câu của Truyện Kiều, có câu nào mà không gắn vào tâm và trí, vào con tim và bộ nhớ của mỗi công dân Việt suốt hơn 200 năm qua. Thế nhưng, ở thời điểm hôm nay, xem ra câu được chọn, với ý tưởng thích hợp nhất, để nói lên tâm nguyện chung của chúng ta, sẽ là:
Của tin gọi một chút này làm ghi
Của tin, trong tâm thế dân tộc Việt thì đó là một vật thiêng, một kỷ niệm quý giá, hoặc vô giá.
Hơn bất cứ lúc nào, lúc này chính là lúc chúng ta phải lấy lại, hoặc xây dựng cho được lòng tin, để có của tin: tin ở chân lý, ở lẽ phải, ở cái thật, ở sự thật, ở thiện tâm, ở sự tử tế, ở ý chí vượt lên, và chiến thắng những gì là khác, là trái, là ngược lại những giá trị cao quý và thiêng liêng mà Tổ quốc ta, nhân dân ta, hệ thống chính trị ta quyết tâm gìn giữ, vốn đã được kết tinh với sức hút và sức toả tuyệt vời của nó nơi Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều bất hủ…
Th.S Phan Hồng Hải
Lễ hội Bươn Xao xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người dân địa phương, được UBND huyện xác định là một trọng điểm về sinh hoạt văn hóa, tâm linh và phát triển du lịch. Lễ hội Bươn Xao ra đời đã hơn 600 năm, được cộng đồng cư dân nuôi dưỡng từ bao đời nay và trở thành một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng song đến nay chưa có đầy đủ cứ liệu khoa học để làm rõ nguồn gốc ra đời. Hạn chế này ảnh hưởng đến việc công nhận, mở rộng quy mô phát triển của lễ hội. Vì vậy, việc nghiên cứu nguồn gốc ra đời và quá trình hình thành, phát triển của lễ hội là rất cần thiết.
"Bươn Xao", theo nghĩa tiếng Thái, "Bươn" là tháng, ngoài ra còn có nghĩa là trăng, "Xao" là 20. Bươn Xao, nghĩa là ngày 20 của tháng và được hiểu là sự kiện quan trọng diễn ra vào ngày này. Để xác minh nguồn gốc của Lễ hội Bươn Xao, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, tìm hiểu các sự kiện, nhân vật có liên quan đến ngày 20/8 ÂL (thời gian diễn ra Lễ hội Bươn Xao).
I. Về các lễ hội diễn ra vào tháng 8 ÂL
1. Lễ Bươn Xao, Cắm Phả
Thực chất 2 sự kiện này là một, nằm trong chuỗi sự kiện được đề cập qua câu chuyện Nàng Ve Căm được lưu truyền trong dân gian, là con gái út của Ngọc Hoàng (hiện thân người mẹ sinh ra con người ở hạ giới). Hiện nay có nhiều dị bản khác nhau nhưng chung nhất đó là tục thờ "mẫu"(1) của đồng bào Thái (phổ biến ở nhóm Tày Mường).
* Thời gian bà mất vào 12/8 ÂL.
* Ngày 13/8, người nhà chuẩn bị đĩa trầu cau, vài chén nước đặt lên bàn thờ ma nhà để tiễn tổ tiên, ông bà. Theo tập quán, từ ngày 13 cho đến ngày 17/8, tổ tiên, ông bà phải lên trời dự lễ tang của bà, trong thời gian này người dân phải kiêng kỵ nhiều điều như không được làm ồn ào, cấm trèo cây, hái củi; cấm chửi mắng nhau, không dựng vợ, gả chồng, mua bán...
* Đến cuối ngày 17/8, các gia đình làm lễ rước tổ tiên, ông bà trở về hạ giới (hay còn gọi là Cắm Phả). Nhưng có họ cúng vào ngày 18/8, cũng có họ lại cúng ngày 19/8 âm lịch.
* Những dòng họ có người hành nghề Mo một thì lễ cúng chính thức vào ngày 20/8 ÂL (Lễ Bươn Xao). Theo người dân, bà Mo một là hiện thân con út của nàng Ve Căm, sau khi hoàn thành chịu tang, còn phải ở lại để dọn dẹp, đến ngày 19/8 mới từ nhà trời trở về hạ giới, nên ngày 20/8 con cháu mới tổ chức lễ cúng đón tổ tiên về được. Lễ vật dâng cúng gồm 1 con gà (có thể nấu thành canh), 1-2 đĩa thịt lợn, 4-6 gói moọc (thịt lợn, thịt gà... gói lá giang, đồ), 1 chai rượu, 2 bát xôi, 1 bát muối, 1 đĩa trầu cau (5 miếng), 1 nắm đũa, 1 vò rượu cần. Trong số các lễ vật dâng cúng thì món "moọc" được cho là quan trọng nhất và không thể thiếu. Ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp có lễ Ky Moọc và xung quanh đó là những truyền thuyết có ý nghĩa về món moọc.
2. Lễ Ky Mọoc
Lễ "Ky Mọoc" là một sinh hoạt tâm linh của người Thái ở mường Khủn Tinh thờ Pủ Chiêng Yến, Nhả Póm và anh em Chệt Chai, theo truyền thuyết là những người có công rất lớn trong trận đánh thắng giặc (Giặc Minh vào năm 1424) trên núi Pu Chẻ, đem lại bình yên cho cả vùng Khủn Tinh, được nhân dân Khủn Tinh coi như những vị anh hùng, lập đền thờ ghi nhớ công ơn cho đến tận ngày nay, người dân cúng thờ hàng năm vào ngày 20/8 (ÂL). Theo chúng tôi, lễ Ky Moọc của người Thái ở Quỳ Hợp, ít nhiều có sự liên quan đến lễ hội Bươn Xao ở Tiên Kỳ - Tân Kỳ và có liên quan đến lễ Cắm Phả ở những nơi khác.
3. Lễ hội đền Chín Gian
Đền thờ Chín Gian thờ Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - người được coi là có công đầu trong việc khai ấp, lập mường. Vùng Mường Nọc (Quế Phong) được xem là vùng đất đầu tiên mà bà con người Thái đã đến đây khai bản, lập mường, để ngày nay có cả một cộng đồng người Thái miền Tây đông đúc, quây quần hội tụ. Trước đây, Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức ba năm một lần vào tháng 8 âm lịch. Từ năm 2006, Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức hàng năm vào 15/2 ÂL với quy mô lớn hơn. Qua nghiên cứu về phong tục thờ cúng tại đền Chín Gian của người Thái ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong có ảnh hưởng phần nào đến phong tục thờ cúng của người Thái ở những vùng khác như thờ nàng Tóc Thơm ở đền Chọng, thờ Nàng Ve Căm ở lễ Bươn Xao.
II. Các sự kiện, nhân vật có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra vào tháng 8 ÂL
1. Ngày 12/10 năm 1424 (20/9 năm Giáp Thìn), nghĩa quân Lê Lợi tập kích đồn Đa Căng để tiến quân vào Nghệ An. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của nhóm nghiên cứu tại huyện Thọ Xuân và Ban Quản lý Di tích Lam Kinh thì nhân dân và chính quyền ở đây cho biết không có sự kiện nào được tổ chức vào ngày 20/9 ÂL, vì vậy, theo chúng tôi sự kiện này không liên quan đến ngày 20/8 (Lễ hội Bươn Xao) tại xã Tiên Kỳ.
2. Đền Cửa Luỹ (Đền thờ Bạch Y thánh mẫu, người có công chăm sóc, cứu chữa cho binh lính của nghĩa quân) có những ngày lễ quan trọng như: ngày giỗ Mẫu(2) (ngày 3 tháng 3 âm lịch), ngày giỗ Cha(3) (ngày 20 tháng 8 âm lịch).
3. Đền Le xã Châu Quang, Quỳ Hợp (thờ bà Nhả Póm, mất vào ngày 20/8 ÂL, người có công giúp nghĩa quân Lê Lợi, đền tọa lạc trên sườn núi Pu Chẻ, thuộc bản Le, xã Châu Quang). Theo Đại Việt thông sử: "Tháng 11, Hoàng đế sai sứ giả chiêu hàng Cầm Bành, Bành không chịu hàng, đem hơn nghìn quân lập doanh trại trên đỉnh núi, để chờ viện binh. Quan quân vây chặt nơi đây"(4), tức vào khoảng tháng 10 năm 1424 (ÂL) và nhanh chóng giải phóng một vùng rộng lớn ở khu vực miền Tây Nghệ An, sang đến đầu năm 1425 đã tiến quân xuống khu vực đồng bằng. Vì vậy, nếu ngày mất của bà trước thời điểm nghĩa quân vào Nghệ An thì không hợp lý. Khả năng có sự nhầm lẫn về ngày mất của bà hoặc do tín ngưỡng thờ cúng ngày Bươn Xao, lâu dần 2 sự kiện này trở thành một và người dân xem đây là ngày mất của Bà.
4. Ngày mất của Lê Lai và Lê Lợi (21 Lê Lai, 22 Lê Lợi). Một số người dân tại xã Tiên Kỳ cho rằng ngày 20/8 chính là ngày giỗ của Lê Lai và Lê Lợi (tổ chức trước 1 ngày), cũng là một sự trùng hợp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và tìm hiểu tại các di tích thờ Lê Lợi thì hầu hết nhân dân các vùng đều tổ chức vào đúng ngày mất của ông. Vì vậy, cách lý giải của người dân địa phương cho rằng ngày 20/8 là ngày giỗ của Lê Lai và Lê Lợi là chưa thấu đáo.
Qua những thông tin ở trên, bước đầu nhóm nghiên cứu đi đến nhận định Lễ hội Bươn Xao là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở khu vực miền Tây nói chung và ở xã Tiên Kỳ nói riêng. Tuy nhiên, tính chất đậm, nhạt của từng vùng có sự khác nhau nhưng chung nhất đó là vào ngày này hầu như người Thái (phổ biến ở nhóm Tày Mường) đều tổ chức tế lễ ông bà, tổ tiên (phạm vi gia đình) và lớn hơn là tạ ơn những người đã có công với bản/làng.
III. Mối liên hệ giữa Lễ hội Bươn Xao và khởi nghĩa Lam Sơn
Trước đây, phong tục thờ cúng của đồng bào dân tộc Thái luôn luôn gắn với Trời (Phạ then) và Thần đất, Thần sông (Chẩu nặm, Chẩu đin), trong đó có thờ cả con gái Trời (Nàng Xỉ Đả) ở Lễ hội đền Chín Gian; (Nàng Ve Căm) ở Lễ hội Bươn Xao là những vị thần quan trọng có sự ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến đời sống con người.... và là những nét sinh hoạt tôn giáo mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tinh thần của đồng bào dân tộc để cầu mong cuộc sống ấm no, an hoà.
Khi nghĩa quân Lam Sơn chọn vùng đất miền Tây Nghệ An làm hậu phương, căn cứ để tiến đánh các vùng khác thì nơi đây bắt đầu hình thành tín ngưỡng thờ cúng các vị anh hùng dân tộc. Có những đền thờ do chính nhà Vua chỉ dụ cho các bản làng lập đền thờ cúng nhưng cũng có những đền thờ do chính người dân tự nguyện lập nên như đền Lê Lợi, đền Vạn, đền Le, đền Cửa Luỹ, đền Khe Trăng, đền Chọng, …
Tại xã Tiên Kỳ, để tưởng nhớ công lao to lớn của nghĩa quân Lê Lợi, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Lê Lợi và nghĩa quân ngay trên đỉnh Pù Pán để bà con trong vùng đến thắp hương, cúng viếng: Trên đồi Pán có 3 ngôi miếu: Miếu chính 3 gian, dựng bằng gỗ lim, lợp lá cọ, bên trong có treo chuông, tượng gỗ; hai bên tả, hữu dựng 2 ngôi miếu nhỏ(5). Sau năm 1966, trước một số biến cố lịch sử, chiến tranh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị phá bỏ, trong đó có đền thờ Lê Lợi. Hiện khánh thờ và một số đồ tế khí đang được lưu giữ tại nhà ông Vi Văn Thắng (Cường), bản Chiềng, xã Tiên Kỳ. Năm 2017, UBND huyện Tân Kỳ đã chủ trương phục dựng lại ngôi đền trên nền đất cũ (hiện đang được xây dựng).
Tương truyền, trong lễ Bươn Xao, người dân bản Chiềng (bản có chức dịch cư trú), hàng năm vào ngày 17/8 - 20/8 ÂL, người dân vẫn góp lễ vật, giao cho chức dịch và thầy mo mường đội mâm lên cúng tại đền để tạ ơn Lê Lợi và nghĩa quân có công dẹp giặc(6). Do vậy, nhiều người vẫn nhầm tưởng, cho rằng ngày 20/8 là ngày giỗ Lê Lợi (21 Lê Lai, 22 Lê Lợi).
Từ năm 1966 đến 2017, ngay cả khi không có sự tồn tại của ngôi đền trên thì người dân vẫn tổ chức lễ Bươn Xao và tưởng nhớ đến những người đã có công dẹp giặc nhưng ở quy mô dòng họ.
Điều đó đã tạo nên giá trị đặc sắc của Lễ hội Bươn Xao chính là đã biến 2 sự kiện Lễ hội Bươn Xao và lễ tưởng nhớ Lê Lợi và nghĩa quân thành một. Việc phối thờ như vậy lâu dần đã tạo nên sự rộng lớn, dung hòa giữa 2 nguồn tín ngưỡng, trở thành một thể tín ngưỡng thống nhất và được người dân tự nguyện thực hành cho đến ngày nay.
IV. Một số chỉ báo
1. Về tên gọi: Có 4 tên, gồm: Bươn Xao, Căm Phạ, Ki Moọc và Ki Làu Bươn Xao. Chung nhất là tên gọi Căm Phạ. Chỉ có một số xã như Tiên Kỳ, Đồng Văn, huyện Tân Kỳ; Thọ Sơn, huyện Anh Sơn phổ biến với tên gọi "Bươn Xao".
2. Về đối tượng: Lễ Bươn Xao chỉ phổ biến ở nhóm Tày Mường, còn 3 nhóm Thái khác là: Tày Thanh, Tày Mười và Tày Khăng, lễ này không có.
3. Điểm đặc trưng: Lễ hội Bươn Xao được tổ chức có tính chất tự nguyện, nghi lễ kéo dài (từ 7 - 10 ngày) trên nền cốt truyện về một người mẹ trên trời. Lễ hội được tổ chức ở phạm vi cộng đồng (duy nhất chỉ có ở xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ), được duy trì qua nhiều thế hệ và vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng riêng. Những địa điểm khác, chỉ diễn ra trong phạm vi dòng họ hoặc gia đình như các xã Thọ Sơn huyện Anh Sơn; Đôn Phục, Thạch Ngàn, Chi Khê, Môn Sơn huyện Con Cuông; xã Châu Bình huyện Quỳ Châu;...
4. Thời gian hình thành lễ hội: Qua tìm hiểu các tín ngưỡng dân gian, truyền thuyết, và các nhân vật lịch sử, bước đầu nhóm nghiên cứu xác định đây là lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời của người Thái, tồn tại trước khi nghĩa quân Lam Sơn làm căn cứ ở vùng này.
5. Giá trị cốt lõi chung nhất của lễ hội: Qua tìm hiểu những nghi lễ tâm linh từ nhiều địa phương khác nhau ở miền núi Nghệ An thì nhận thấy rằng, lễ "Bươn Xao" thuộc một trong hàng chuỗi các lễ hội diễn ra vào mùa thu hoạch lúa nương, kéo dài từ tháng 8 âm lịch cho đến cuối năm. Trong số này có thể kể đến như "ki mọc", "khàu cắm", "cắm phạ" (Quỳ Châu, Quế Phong) và lễ mừng lúa mới của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Mông. Tất cả những lễ hội chung này đều có mục đích cầu mùa, tri ân thần linh và tổ tiên ông/bà đã mang lại vụ mùa bội thu cho cư dân. Vì vậy, Lễ hội Bươn Xao được tổ chức cũng không nằm ngoài những mục đích trên.
Những kết quả khảo sát và nghiên cứu từ đề tài "Nghiên cứu nguồn gốc ra đời lễ hội Bươn Xao của người Thái tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ và đề xuất giải pháp phát huy giá trị lễ hội trong phát triển du lịch cộng đồng", bước đầu có đủ cơ sở để khẳng định về nguồn gốc của Lễ hội Bươn Xao, cũng như quá trình phát triển của lễ hội và khẳng định đây là Lễ hội có tính đặc thù, được tổ chức quy mô cộng đồng và hoàn toàn tự nguyện, duy nhất có ở xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Thông qua lễ hội này, người dân có dịp thể hiện lòng thành kính tổ tiên và tri ân các bậc tiền nhân có công đấu tranh giữ nước; ôn lại các sinh hoạt diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi, sân khấu…), các cuộc thi tài, vui chơi giải trí, ẩm thực; tụ họp gia đình, con cháu, họ tộc, làng bản từ đó tạo ra sự kết dính cộng đồng;.... Tuy mới được UBND huyện Tân Kỳ quan tâm đầu tư nâng cấp ở quy mô cấp huyện nhưng lễ hội đã và đang tạo nên sức hút rất lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ tới toàn thể cộng đồng Thái nói riêng và nhân dân Nghệ An nói chung.
Chú thích
(1). Nàng Đoi, Bà Nàng là tên gọi của người dân xã Tiên Kỳ - Tân Kỳ và Thọ Sơn - Anh Sơn; Nàng Ve Căm là tên gọi của người dân vùng Quỳ Châu... là người sinh ra con người ở hạ giới.
(2). Đại Việt thông sử, quyển 1, Đế kỷ đệ nhất, trang 8, tác giả Lê Quý Đôn, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội, 1978
(3) "Mẫu" ở đây là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Bà mất ngày 3-3 Âm lịch, được sắc phong là Thượng đẳng tối linh Thần và được thờ ở phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng, đền Phố Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giầy (TP. Hồ Chí Minh)….
(4). "Cha" ở đây là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, sinh vào khoảng cuối những năm 1220, mất ngày 20-8 năm Canh Tý (1300).
(5). Theo lời kể của ông Vi Văn Giáp, 82 tuổi, bản Chiềng, xã Tiên Kỳ.
(6). Theo lời kể của bà Vi Thị Quế, 72 tuổi, bà Mo một, trú tại Xóm 9, Bù Chải, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng
TS. Thiều Đình Phong
Mở đầu: Chức năng chính của các trường đại học đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và phục vụ cộng đồng, trong đó đào tạo là chức năng cơ bản, phục vụ cộng đồng là chức năng quan trọng còn nghiên cứu khoa học chính là nền tảng cho việc dẫn dắt sự phát triển của xã hội nói chung và của chính các trường đại học nói riêng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, yêu cầu về nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ngày càng được quan tâm và đặt lên hàng đầu, nhằm xây dựng, phát triển các công nghệ mới, hoàn thiện các sản phẩm khoa học công nghệ ngay trong các trường đại học trước khi phổ biến tới cộng đồng. Nhiều bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế đặt trọng số rất cao về hoạt động nghiên cứu khoa học khi kiểm định chất lượng, đánh giá, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.
Sự hình thành chức năng NCKH của các trường đại học trên thế giới và vai trò của các trường đại học trong NCKH ở Việt Nam
Trên thế giới, chức năng nghiên cứu khoa học được các trường đại học bắt đầu quan tâm thực hiện từ đầu thế kỷ 20 bằng việcđẩy mạnh các hoạt động tạo ra tri thức mới kết hợp đồng thời với triển khai các dịch vụ tư vấn, phát triển một số công nghệ theo đặt hàng của doanh nghiệp.Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, cùng với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, chức năng chuyển giao công nghệ được các trường đại học nghiên cứu tiên tiến phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công ty, doanh nghiệp được thành lập ngay trong các trường đại học (spin off) trên nền tảng các kết quả nghiên cứu khoa học, các sở hữu trí tuệ của các tập thể, cá nhân thuộc cộng đồng các trường đại học.
Tại Việt Nam, bên cạnh các trung tâm nghiên cứu khoa học, các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp, vai trò của các trường đại học trong hoạt động NCKH là rất quan trọng. Theo một khảo sát gần đây về tình hình công bố quốc tế của các trường đại học của một chuyên gia quản lý giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam cho thấy rằng hàng năm các trường đại học của Việt Nam đã công bố số lượng các bài báo ISI và Scopus chiếm hơn một nửa số lượng của cả nước (gần 56%). Trong những năm gần đây đã có 7/11 (64%) các nhà khoa học được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu là các giảng viên đại học. Ba trong bốn Tạp chí khoa học của Việt Nam được xét chọn vào cơ sở dữ liệu (CSDL) của Web of Science (ISI) là của các trường đại học (Tạp chí Biomedical Research and Therapy của ĐHQG Tp. HCM; Journal of Science: Advanced Materials and Devices của ĐHQGHN).
Tại sao nghiên cứu khoa học là nền tảng cho sự phát triển của các trường đại học?
Thứ nhất,NCKH không chỉ là chức năng nhiệm vụ của trường đại học, mà còn là hoạt động khẳng định uy tín,vai trò của trường đại học trong việc dẫn dắt sự phát triểncủa khoa học công nghệ. Trường đại học nếu chỉ đơn thuần tập trung đào tạo thì chỉ mới thực hiện việc truyền bá các tri thức của nhân loại, còn muốn phát triển các tri thức đã có, tạo ra tri thức mới thì cần tới hoạt động NCKH. Phát triển NCKH sẽ nâng cao vai trò của trường đại học trong việc tạo ra tri thức mới, từ đó sẽ kéo theo phát triển các nguồn lực của trường đại học phục vụ cho hoạt động NCKH.
Thứ hai, NCKH sẽ giúp phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo. Trường đại học với các chỉ số nghiên cứu khoa học cao phản ánh chất lượng đội ngũ cán bộ, người học, phòng thí nghiệm, hợp tác khoa học, … của trường đó. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sẽ tạo ra môi trường học thuật chuyên sâu giúp các trường đại học đào tạo cán bộ giảng viên và rèn luyện người học trong việc giải quyết các vấn đề của ngành nghề đào tạo và của thực tiễn. Thông qua NCKH, các cán bộ giảng viên được liên tục cập nhật với các kết quả nghiên cứu mới, các phương pháp mới, từ đó giúp các cán bộ giảng viênnâng cao trình độ, cải tiến các chương trình đào tạo và các hình thức tổ chức dạy học phù hợp để sinh viên có khả năng tiếp cận liên tục với các nguồn tri thức mới.Hơn nữa, các hoạt động NCKH còn giúp người học tích lũy, mở rộng thêm kiến thức chuyên môn, rèn luyện khả năng tư duy phản biện, tư duy phân tích - tổng hợp để phục vụ tốt hơn cho quá trình công tác sau này.
Thứ ba, NCKH kết hợp chuyển giao công nghệ sẽ tăng cường mối quan hệ giữa trường đại học và các công ty, doanh nghiệp trong việc phát triển và ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống. Từ đó thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của trường đại học, đồng thời các công ty, doanh nghiệp chính là môi trường để cán bộ giảng viên, người học thực hành thực tập, nâng cao trình độ kỹ năng, chất lượng đào tạo.
Thứ tư, với đội ngũ tri thức hùng hậu, NCKH trong các trường đại học sẽ giúp giải quyết các vấn đề thời sự của đất nước, của thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, từ đó thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào các trường đại học để tìm ra các giải pháp, công nghệ giải quyết các vấn đề đó. Quá trình này sẽ giúp các trường đại học phát triển lên những thang bậc cao hơn.
Thực tiễn hoạt động NCKH trong lĩnh vực KHXH&NV của các trường đại học Việt Nam
Xét trên tiêu chí về công bố quốc tế, số các trường đại học Việt Nam có nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV vẫn còn rất khiêm tốn và chỉ dựa trên đóng góp của một số ít các nhà nghiên cứu. Số lượng công bố quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng của các trường, điều này thể hiện trong bảng số liệu sau đây:
Bảng 1. Các cơ quan Việt Nam có năng suất nghiên cứu KHXHNV cao
(Tính đến ngày 05-05-2019 theo CSDL SSHPA - Nguồn [3])
Cơ quan | Công bố quốc tế |
Đại học Quốc gia Hà Nội | 271 |
Đại học Kinh tế Quốc dân | 165 |
Đại học Y Hà Nội (Chỉ tính ngành Y Xã hội) | 148 |
Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Mình | 112 |
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Mình | 108 |
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội | 105 |
Bộ Y tế | 72 |
Đại học Duy Tân | 70 |
Dựa trên cơ sở dữ liệu SSHPA, các tác giả trong [3] đã đưa ra số liệu cụ thể đó là, tính đến ngày 5 tháng 5 năm 2019, chỉ có 2443 công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV bởi 1445 tác giả tác giả Việt Nam được ghi nhận. Theo thống kê tổng sản lượng nghiên cứu KHXHNV Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2019 như ở Hình 1 có thể thấy mức năng suất khoa học trung bình 1 tác giả Việt Nam trong KHXH&NV qua giai đang ở mức rất thấp nếu so sánh với tổng thể nghiên cứu trong nước, cụ thể với các ngành KHTN và kỹ thuật – công nghệ.
Hình 1. Tổng sản lượng nghiên cứu KHXHNV Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2019 tính đến ngày 05-05-2019 theo CSDL SSHPA (xem [3])
Kinh nghiệm quốc tế trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
Để đẩy mạnh NCKH trong các trường đại học, kinh nghiệm từ các trường đại học quốc tế đã được các chuyên gia tóm lược trong một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần thực hiện đổi mới cơ chế tài chính với sự quản lý hiệu quả và quá trình thực thiminh bạch để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực tư nhân trong nghiên cứu và phát triển.
Thứ hai, cần gây dựng các nguồn quỹ để khởi xướng những thay đổi trong văn hóa hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp.
Thứ ba, cần hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ ngay trong các trường đại học để khuyến khích các nhà nghiên cứu thương nghiệp hóa nghiên cứu và phát triển công, đồng thời kích thích các nghiên cứu ứng dụng.
Thứ tư, việc đầu tư nguồn lực cho NCKH cần dựa trên chất lượng, sự minh bạch vàkhả năng ứng dụng sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác trong NCKH, thu hút các nhà khoa học ở các trung tâm nghiên cứu quan tâm và tham gia vào các hoạt động NCKH trong các trường đại học.
Chiến lược phát triển NCKH ở Trường Đại học Vinh
Năm 2018, Trường Đại học Vinh đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Trường Đại học Vinh giai với mục tiêu nằm trong top 500 đại học hàng đầu Châu Á, có một số lĩnh vực nghiên cứu đạt trình độ hiện đại so với khu vực và quốc tế.Để thực hiện mục tiêu này, Trường Đại học Vinh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau: đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành các hoạt động KHCN để thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực KHTN, kỹ thuật và công nghệ; đầu tư xây dựng một số hướng nghiên cứu trong lĩnh vực KNCN và nhân văn nhằm gia tăng số lượng và chất lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. Bên cạnh đó, đầu tư một số hướng phát triển công nghệ, một số loại hình dịch vụ KHCN phù hợp nhằm tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Trường Đại học Vinh; chú trọng nghiên cứu gắn liền với ứng dụng thực tiễn.
Ngoài ra, để tăng cường động lực cho hoạt động NCKH của cán bộ, giảng viên, sinh viên, bên cạnh việc xây dựng chính sách thu hút nguồn kinh phí từ nước ngoài thông qua các dự án, chương trình nghiên cứu, Trường Đại học Vinh khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai các nhiệm vụ hợp tác NCKH và phát triển công nghệ với các đối tác nước ngoài. Mặt khác, Nhà trường đã sửa đổi, bổ sung Quy định về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ với nhiều điểm mới, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các sản phẩm khoa học và công nghệ chất lượng cao, ưu tiên các sản phẩm gắn với địa chỉ, thương hiệu Trường Đại học Vinh.
Tài liệu tham khảo
[1]. Nguyễn Hữu Đức (2017), Xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo, https://www.vnu.edu.vn/.
[2]. Khánh Ly (2019), Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế trường đại học trọng điểm quốc gia, Báo Nghệ An.
[3]. Vương Quân Hoàng (2019), Về vai trò của nghiên cứu trong giáo dục Việt Nam thời đại 4.0, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/.
[4]. Trung tâm truyền thông giáo dục (2017), Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học,
https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khoa-hoc-va-cong-nghe/.
TS. Đăng Quang Khoa
Ngày nay, khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của sự tăng tốc phát triển. Chính vì vậy, hoạt động NCKH tại các trường Đại học có ý nghĩa và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Với quan điểm đó, hoạt động NCKH đã tạo ra bước tiến mới, góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hoạt động này vẫn còn có những khó khăn nhất định, nên chưa đạt được kết quả hoàn toàn như mong muốn. Ở bài viết này chúng tôi trình bày một số nét tổng quan nhất, qua đó lấy làm cơ sở để phân tích, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong NCKH tại các trường Đại học.
1. Một số nét tổng quan về hoạt động NCKH tại các trường Đại học
1.1. Các loại hình nghiên cứu và đánh giá hiệu quả hoạt động NCKH
Hoạt động nghiên cứu có nhiều loại hình khác nhau, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng và triển khai. Thuộc tính bản chất để phân biệt:
- Nghiên cứu cơ bản: Nhận thức mới về thuộc tính bản chất của các hiện tượng sự vật, thể hiện dưới dạng các khái niệm, định lý, định luật, quy luật, lý thuyết, học thuyết.
- Nghiên cứu ứng dụng: Tìm ra các phương thức hành động, các quy trình, các giải pháp (giải pháp tổ chức, kinh tế, xã hội, kỹ thuật và công nghệ ứng dụng) trên cơ sở khoa học và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
- Triển khai thực nghiệm: Hình mẫu khả thi (về mặt kỹ thuật thực hiện ở một phạm vi nhất định).
Do tính chất phức tạp và đa dạng của các công trình nghiên cứu nên có thể phân tích hiệu quả nghiên cứu theo các mặt kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo:
- Hiệu quả kinh tế (HQKT), (tính thành tiền): Là tỷ số giữa tổng giá trị thu được ở đầu ra (sản phẩm khoa học công nghệ) do các kết quả nghiên cứu tạo ra ở thời điểm đánh giá, xác định hiệu quả trừ đi tổng kinh phí đầu tư đầu vào (nhân lực, nguyên vật liệu, khấu hao phương tiện và cơ sở vật chất, năng lượng,…) chia cho tổng kinh phí đầu tư đầu vào. Công thức tính chung là: HQKT = (Tổng giá trị kinh tế thu được - Tổng kinh phí đầu tư)/ Tổng kinh phí đầu tư [1].
- Hiệu quả xã hội: Thể hiện qua mức độ đóng góp của công trình nghiên cứu vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra trong từng thời kỳ phát triển xã hội cụ thể, thúc đẩy sự phát triển xã hội (về con người, cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống,…).
- Hiệu quả khoa học công nghệ: Thể hiện qua mức độ đóng góp của công trình nghiên cứu vào quá trình giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ đặt ra trong từng thời kỳ phát triển khoa học công nghệ cụ thể, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ (cơ sở lý luận, trình độ, năng lực nội sinh khoa học công nghệ,…).
- Hiệu quả đào tạo: NCKH không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả quá trình đào tạo nghề nghiệp mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ cao. Thông qua các đề tài nghiên cứu ở các cấp, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng viên được nâng lên rõ rệt. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu là cơ sở khoa học thực tiễn của các luận văn, luận án. Số lượng các chuyên gia trình độ cao (sau đại học) được đào tạo thông qua các đề tài nghiên cứu là một chỉ số quan trọng trong đánh giá hiệu quả nghiên cứu.
1.2. Phân loại các trường Đại học trong lĩnh vực nghiên cứu
Các tiêu chí phân loại các trường Đại học về hoạt động NCKH, sau đây là tiêu chí phân loại do PGS.TS Trần Khánh Đức xây dựng gồm 12 tiêu chí [1]:
- Nhân lực khoa học công nghệ.
- Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu - triển khai.
- Thư viện và thông tin khoa học.
- Kinh phí đầu tư cho hoạt động NCKH.
- Quy mô hoạt động NCKH.
- Chất lượng nghiên cứu - triển khai.
- Hiệu quả nghiên cứu - triển khai.
- Sản phẩm NCKH.
- Tác dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Tổ chức và quản lý công tác NCKH.
- Hoạt động nghiên cứu phục vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giảng viên.
- Thông tin khoa học công nghệ và Marketinh thị trường khoa học công nghệ.
Căn cứ các tiêu chí nêu trên, việc phân loại các trường Đại học về hoạt động NCKH theo 4 mức A, B, C và D (rất cao - cao - trung bình - thấp) [1]:
Mức A: Là các trường Đại học có đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao (trên 80% giảng viên cơ hữu có trình độ sau đại học trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành). Tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH cao (80 - 100%). Có nhiều nguồn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động NCKH. Cơ sở vật chất hiện đại phục vụ tốt cho nghiên cứu (thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng chế thử; vườn, trạm trại thí nghiệm,…). Có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao và ứng dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo, tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực, quốc tế. Có hệ thống quản lý khoa học và hoạt động thông tin khoa học tốt. Tham gia nhiều hoạt động NCKH khu vực, quốc tế (hội thảo, tư vấn, trao đổi chuyên gia, dự án nghiên cứu chung, công bố công trình khoa học ở các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước, quốc tế). Phần lớn (70%) công trình nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn và góp phần đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao.
Mức B: Là các trường Đại học có đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ tương đối cao. Tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH khá cao (70 - 80%). Có các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động NCKH. Có cơ sở vật chất cơ bản phục vụ nghiên cứu (thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng chế thử, vườn, trạm trại thí nghiệm,…). Có một số công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao và ứng dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo. Tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực, quốc tế. Có hệ thống quản lý khoa học và hoạt động thông tin khoa học tốt. Tham gia một số hoạt động NCKH quốc gia, khu vực (hội thảo, tư vấn, trao đổi chuyên gia, dự án nghiên cứu chung, công bố công trình khoa học ở các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước). Có tỷ lệ đáng kể (50%) công trình nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn và góp phần đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao.
Mức C: Là các trường Đại học có tỷ lệ đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao còn thấp. Tỷ lệ giảng viên tham gia NCKH khoảng 50 - 60%. Các nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động NCKH còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu còn thiếu và lạc hậu. Có rất ít công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và ứng dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo. Chưa có khả năng tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực, quốc tế. Hệ thống quản lý khoa học và hoạt động thông tin khoa học còn hạn chế. Chưa tham gia các hoạt động NCKH khu vực, quốc tế (hội thảo, tư vấn, trao đổi chuyên gia, dự án nghiên cứu chung,…). Có khoảng 30% công trình nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn và góp phần đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao.
Mức D: Là các trường Đại học có tỷ lệ đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao còn thấp. Phần lớn giảng viên không tham gia NCKH. Hầu như không có nguồn kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu. Không có công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và ứng dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo. Hệ thống quản lý khoa học và hoạt động thông tin khoa học yếu kém. Phần lớn giảng viên chưa tham gia hoạt động NCKH trong phạm vi ngành, địa phương và quốc gia.
2. Những khó khăn trong hoạt động NCKH tại các trường Đại học
Căn cứ kết quả phân loại các trường Đại học trong lĩnh vực nghiên cứu theo bốn mức nêu trên, thì những khó khăn tại các trường Đại học chủ yếu thuộc ở mức C và D.
2.1. Nghiên cứu vẫn chưa thực sự gắn liền với sản xuất
Mục đích của nghiên cứu là phục vụ cho sản xuất và đời sống. Muốn vậy nghiên cứu phải gắn liền với sản xuất và đời sống để giải quyết những vấn đề cụ thể phục vụ cho sản xuất và đời sống. Có gắn liền với sản xuất và đời sống thì mới xây dựng được những đề tài có giá trị đích thực phục vụ cho sản xuất và đời sống. Dư luận phản ánh rằng vẫn còn có quá nhiều đề tài tiêu tốn kinh phí đầu tư quá cao nhưng đổi lại kết quả nghiên cứu có giá trị quá thấp. Ở đây có hai lý do:
- Do nghiên cứu không gắn liền với sản xuất nên xây dựng đề tài không có địa chỉ ứng dụng cụ thể.
- Do quản lý NCKH vẫn theo kiểu bao cấp, theo kiểu "tiêu khoán" cho hết "ngân sách nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu", do đó có thể nảy sinh cạnh tranh đề tài, chạy đề tài, người không trực tiếp nghiên cứu thì làm "chủ nhiệm đề tài", còn ngược lại người trực tiếp nghiên cứu thì chỉ là người làm công ăn lương.
Cần phải cải tổ về cơ bản cách quản lý NCKH: Xây dựng mối quan hệ giữa nghiên cứu và sản xuất là mối quan hệ hợp đồng kinh tế. Làm được như vậy chắc hẳn công tác nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.
2.2. Năng lực nghiên cứu khoa học vẫn còn những hạn chế
Thực trạng chung về chất lượng của đội ngũ giảng viên ở các trường Đại học ra sao? Có bao nhiêu phần trăm giảng viên có khả năng và ý chí nghiên cứu và nghiên cứu thành công?... Những năm gần đây, đã có những biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng NCKH của đội ngũ giảng viên tại các trường Đại học. Phương châm đưa ra thật rõ ràng: Một nhà khoa học giỏi có thể không phải là nhà sư phạm, nhưng một nhà sư phạm giỏi nhất thiết phải là một nhà khoa học. Thế nhưng, nhìn vào thực tế vẫn có thể bắt gặp những giảng viên Đại học không khác với giáo viên ở các bậc học khác là mấy, nghĩa là họ chỉ coi trọng nhiệm vụ truyền thụ kiến thức theo chương trình, giáo trình, phục vụ thi cử cho sinh viên, ít chịu học tập nâng cao trình độ, mà đặc biệt là ngại nghiên cứu, và bản thân các giảng viên này khi viết một báo cáo khoa học cũng rất chật vật khó khăn. Những nhận định này không hoàn toàn phản ánh chất lượng của tất cả đội ngũ giảng viên Đại học, nhưng đó vẫn là một bức tranh mô tả một sự thật không thể phủ định của một bộ phận giảng viên các trường Đại học (được ghép vào nhóm phân loại ở mức C và D về hoạt động NCKH).
Khó khăn này đòi hỏi phải có giải pháp đổi mới năng lực NCKH cho đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng, theo hướng: Trước hết, là đổi mới nhận thức về trách nhiệm bản thân trong hoạt động NCKH ở trường Đại học. Thông hiểu, sử dụng phù hợp và có hiệu quả các phương pháp NCKH hiện đại để có đủ khả năng tham gia các chương trình NCKH các cấp và hướng dẫn người học nghiên cứu, viết luận văn hoặc luận án.
2.3. Nghiên cứu chưa gắn với đào tạo sau đại học
Đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) được hiểu là đào tạo bằng nghiên cứu và vì nghiên cứu. Nhưng lâu nay, việc đào tạo sau đại học tại các trường Đại học còn tách rời hoặc rất ít liên hệ với hoạt động NCKH. Đó là do một số khó khăn sau đây:
Các đề tài NCKH ở các trường Đại học thường chưa đủ tầm để xây dựng thành luận án tiến sĩ. Có thể, nhóm đề tài NCKH cơ bản và nghiên cứu xây dựng chiến lược cho một ngành nào đó đủ khả năng khái quát thành vấn đề của luận án tiến sĩ, nhưng số đề tài này lại rất ít ở các trường Đại học. Phần lớn các đề tài NCKH về triển khai công nghệ có tính chất hẹp, đi sâu vào một công nghệ nào đó, thường chỉ là vấn đề cải tiến công nghệ đã phổ cập ở nước ngoài, đưa vào ứng dụng ở Việt Nam, khó có thể giúp nghiên cứu sinh xây dựng thành luận án tiến sĩ [4].
Nghiên cứu sinh và học viên cao học thường tránh những vấn đề lớn, có tính khoa học cao, đòi hỏi nhiều thời gian và trang thiết bị, vật tư đầy đủ. Rất nhiều đề tài luận án tiến sĩ tập trung vào việc điều tra, khảo sát để tập hợp, xử lí số liệu nhằm xây dựng thành giải pháp để giải quyết một vấn đề nào đó. Nhưng bản chất luận án tiến sĩ phải là một công trình mang sự độc đáo, có tính mới và đóng góp về lí thuyết hay thực nghiệm cho việc phát triển kiến thức trong lĩnh vực khoa học được tác giả đề cập, không phải là việc điều tra số liệu và đưa ra các giải pháp chung chung.
Như vậy, việc kết hợp đào tạo sau đại học với NCKH là một phương hướng đúng, nhưng để khắc phục những khó khăn nêu trên còn cần nhiều thời gian. Hiện nay, có trường Đại học đã và đang thực hiện phối hợp với các trường Đại học nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, triển vọng kết hợp giữa đào tạo sau đại học và NCKH là rất lớn.
2.4. Các nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động NCKH còn hạn chế
Các quy định về thu chi tài chính cho NCKH theo quy chế nội bộ của các trường vẫn còn khác nhau và có sự bất cập, kinh phí quá ít và hạn chế, không đủ để trang trải chi phí nghiên cứu khiến cho chất lượng và môi trường NCKH bị giảm sút.
Ví dụ, chia đều kinh phí nghiên cứu theo định mức 10 triệu đồng/đề tài cấp cơ sở (không phân biệt là đề tài thuộc lĩnh vực khoa học quản lý hay khoa học kỹ thuật) là mang tính cào bằng và chưa có cơ sở thuyết phục trong việc xây dựng định mức như vậy, bởi tính chất "kỹ thuật" trong các đề tài thường đòi hỏi lượng kinh phí nhiều hơn so với đề tài thuần túy nghiên cứu về "quản lý". Hay chế độ kinh phí dành cho sinh viên tham gia NCKH của một số trường Đại học chỉ vài ba chục triệu đồng/năm, dẫn tới chế độ kinh phí dành cho sinh viên NCKH ở các khoa cũng chỉ vài ba triệu/năm.
Đối với đề tài khoa học cấp bộ, số lượng đề tài được bộ chủ quản phân chia xuống một số trường Đại học là rất ít, chỉ vào khoảng 1 - 2 đề tài/năm, thậm chí có những năm có những trường Đại học chưa hẳn đã có đề tài nào (do hướng đề tài của bộ chủ quản không thuộc lĩnh vực NCKH của trường Đại học hoặc ngược lại do trường Đại học đã không chủ động được trong khâu đăng ký nghiên cứu). Về kinh phí đầu tư cho đề tài cấp bộ thường thực hiện theo hình thức do ngân sách nhà nước cấp là 50% và còn lại 50% kinh phí là trường Đại học phải chi, như vậy có trường Đại học sẽ không có khả năng tài chính để đầu tư cho NCKH.
Trong bối cảnh khó khăn về kinh phí do nhà nước cấp thì các trường Đại học lại chưa tranh thủ được sự đầu tư từ phía các nhà Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội khác. Bởi lí do cũng xuất phát từ đề tài NCKH tại các trường Đại học chưa gắn với sản xuất, chưa gắn với ứng dụng thực tiễn ở Doanh nghiệp, hoặc ngược lại Doanh nghiệp có đặt hàng đề tài nghiên cứu thì có những trường Đại học lại không đủ năng lực NCKH để triển khai thực hiện đề tài.
3. Một số giải pháp tháo gỡ
3.1. Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ ở các trường Đại học
Trong công tác xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao. Cần quy hoạch lại đội ngũ giảng viên của các trường Đại học theo hướng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng.
Về số lượng: Lựa chọn, giữ lại trường những sinh viên xuất sắc, đủ các điều kiện và tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu đào tạo và NCKH của trường. Đồng thời, tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng để họ trở thành giảng viên có triển vọng cả về mặt sư phạm và NCKH.
Huy động đội ngũ cán bộ khoa học có kinh nghiệm và năng lực đang hoạt động ở các Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia giảng dạy và NCKH theo chế độ hợp đồng giảng dạy, hợp đồng kiêm nhiệm, thỉnh giảng, nhằm giảm bớt cường độ giảng dạy, dành thời gian cho các giảng viên cơ hữu của trường tham gia NCKH. Có chính sách thu hút trí thức giỏi Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài tham gia công tác đào tạo và NCKH ở các trường Đại học.
Về chất lượng: Nhanh chóng quy hoạch lại đội ngũ giảng viên, tạo cơ hội để giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy và NCKH của họ, theo hướng:
- Mở rộng đào tạo trình độ sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ), ưu tiên tuyển chọn những giảng viên ở các trường Đại học gửi ra nước ngoài đào tạo theo những ngành học hiện nay trong nước chưa có; những ngành mà các trường Đại học chưa chủ động được hoàn toàn thì có thể mời chuyên gia nước ngoài hợp tác. Trên cơ sở đó, các trường Đại học mới có thể tạo ra được đội ngũ giảng dạy và NCKH giỏi.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về NCKH, tranh thủ các dự án hợp tác quốc tế vào mục tiêu xây dựng cơ sở NCKH mũi nhọn cho các trường Đại học trong việc đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại và tạo cơ hội cho giảng viên có năng lực làm chủ, cải tiến, thích nghi công nghệ mới phù hợp với thực tế của nước ta. Hơn nữa thông qua hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, tham gia hội thảo quốc tế, trao đổi học thuật, học tập kinh nghiệm của nước ngoài về phương pháp NCKH. Trên cơ sở đó, có thể làm thay đổi nhận thức của họ về đổi mới phương pháp NCKH.
3.2. Đổi mới công tác quản lý hoạt động NCKH
Phải thực hiện phân cấp quản lý, nhằm tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học. Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là hai mặt thống nhất trong mọi hoạt động của một cơ sở đào tạo. Tự chủ là tiền đề để bảo đảm hiệu quả cao trong hoạt động NCKH. Tự chịu trách nhiệm là cơ sở để đảm bảo chất lượng NCKH. Vấn đề này được khẳng định từ Hội nghị Trung ương 6 - Khóa IX: "Các tổ chức khoa học - công nghệ hoạt động theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả hoạt động của mình theo quy định của pháp luật". Trong hoạt động NCKH, các trường Đại học chủ động xác định hướng nghiên cứu, trước hết vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng trường Đại học thành một cơ sở đào tạo có uy tín. Trên cơ sở xây dựng các tổ chức nghiên cứu mạnh, trường thực hiện các hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức kinh tế - xã hội ở trong nước và mở rộng ra nước ngoài. Từ đó, từng bước xây dựng cơ sở nghiên cứu của trường thành trung tâm nghiên cứu hiện đại [3].
Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước thông qua việc thi hành các chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế để gắn hoạt động NCKH với phát triển giáo dục đào tạo, tăng cường NCKH nhằm phục vụ sản xuất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên kiểm tra đánh giá hoạt động NCKH cũng như kết quả NCKH thông qua hệ thống các chính sách tài chính (các biện pháp kinh tế) và các quy định pháp luật (các định mức, tiêu chuẩn khoa học,…).
3.3. Đổi mới các định hướng nghiên cứu
Các trường Đại học tự xác định hướng nghiên cứu, trước hết tiến hành nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai những vấn đề với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và NCKH của trường.
Ngoài ra, các trường Đại học còn có trách nhiệm NCKH phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm: Đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội; Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ một số công nghệ cao. Các hoạt động này được thực hiện thông qua các hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức kinh tế - xã hội, các ngành và các địa phương; Thông qua các chương trình, dự án mà Nhà nước giao; Tổ chức sản xuất kinh doanh trên cơ sở các kết quả NCKH của các trường Đại học nhằm góp phần vào sự phát triển thị trường khoa học công nghệ.
3.4. Gắn liền NCKH với đào tạo sau đại học ở các trường Đại học
Như chúng ta đã biết, hiệu quả kinh tế đơn thuần không phải là mục tiêu duy nhất của NCKH, sứ mạng của NCKH là sản sinh ra tri thức mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Không những thế, NCKH còn trực tiếp tác động đến sản xuất, đời sống và cung cấp đầy đủ và kịp thời các luận cứ khoa học cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì sứ mạng và đặc điểm như vậy, nên NCKH thường gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ) ở các trường Đại học. Điều này có nghĩa là một trường Đại học đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao thì giảng viên của trường Đại học đó phải tham gia NCKH, và xa hơn nữa là xây dựng các trường Đại học đẳng cấp quốc tế để đào tạo ra nguồn nhân lực quốc tế thì phải có đẳng cấp về hoạt động NCKH tầm cỡ quốc tế.
Kinh phí dành cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do các nhà khoa học chi trả, có nghĩa là phải gắn với các nhiệm vụ NCKH do các nhà khoa học chủ trì. Các nhà khoa học có nhiều thành tích trong khoa học sẽ có nhiều kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu hơn để nhận nghiên cứu sinh và trả học bổng cho nghiên cứu sinh, và như thế các nghiên cứu sinh sẽ cạnh tranh quyết liệt để được tham gia nghiên cứu với các nhà khoa học có uy tín. Như vậy, sẽ có những nghiên cứu sinh giỏi được nhà khoa học uy tín hướng dẫn, từ đó sẽ có những kết quả nghiên cứu tốt. Đây chính là nền tảng khoa học cho các công bố quốc tế.
Ngân sách NCKH hàng năm được ưu tiên hàng đầu cho các nhiệm vụ nghiên cứu theo nhu cầu xã hội (đề tài gắn liền với sản xuất và đời sống xã hội) có nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia. Đồng thời yêu cầu giảng viên các trường Đại học muốn hướng dẫn nghiên cứu sinh hay học viên cao học thì phải có đề tài NCKH, yêu cầu này làm cho giảng viên năng động hơn trong nghiên cứu và tìm kiếm nguồn kinh phí nghiên cứu, như vậy vừa tháo gỡ khó khăn vừa là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
3.5. Hợp tác trường Đại học - Doanh nghiệp trong NCKH
Trường Đại học có kế hoạch thường xuyên cử đội ngũ cán bộ khoa học đến Doanh nghiệp để tiếp cận, học hỏi công nghệ mới. Tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia, kỹ sư giỏi trong Doanh nghiệp để xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng thực tiễn sản xuất, theo đơn đặt hàng của Doanh nghiệp. Mời Doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đánh giá kết quả NCKH. Hợp tác theo xu thế thương mại hóa NCKH.
Mô hình tham chiếu: Xây dựng phòng thí nghiệm chung [2].
- Kinh phí đầu tư: Chủ yếu dựa vào Doanh nghiệp.
- Nhân viên thí nghiệm đến từ cả hai phía.
- Hành động chiến lược: Hành động chung của các cá nhân/nhóm nghiên cứu để trả lời cho một vấn đề mà lý luận, hay thực tiễn đặt ra.
- Nội dung: Nghiên cứu nhiệm vụ của các đề án, dự án có quy mô tốt.
- Hiệu quả: Phát triển khoa học công nghệ, với sự phối hợp trong hành động phát triển công nghệ, lựa chọn phát triển phần mềm, thiết bị, nền tảng thử nghiệm, hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, dịch vụ thử nghiệm và phát triển.
- Sản phẩm đầu ra/ lợi ích: Các công bố khoa học, đồng sở hữu các sản phẩm nghiên cứu, đôi bên cùng có lợi.
Mô hình di chuyển tri thức:
Mô hình di chuyển tri thức được hiểu như sau: Một nhà khoa học cứ 5 năm một lần luân chuyển từ môi trường Đại học sang Doanh nghiệp, và ngược lại. Chẳng hạn tại trường Đại học, nhà khoa học được giao phụ trách phòng Lab về dữ liệu lớn trong 5 năm. Tiếp theo, nhà khoa học lại giữ chức vụ Giám đốc bộ phận nghiên cứu của một Doanh nghiệp trong 5 năm, nhưng vẫn là chuyên gia tại phòng thí nghiệm của trường Đại học. Nhà khoa học chuyển một phần kinh phí nghiên cứu từ Doanh nghiệp cho phòng thí nghiệm ở trường Đại học để tập trung vào các chủ đề mới cho Doanh nghiệp, sử dụng tài nguyên và con người tại trường Đại học [2].
Kết luận
Mặc dù chúng tôi không đánh giá thực trạng về số lượng, chất lượng hoạt động NCKH tại các trường Đại học, nhưng qua bốn mức phân loại các trường về hoạt động NCKH đã cho thấy rất rõ những khó khăn đối với các trường được xếp vào mức C và D. Cần được tháo gỡ từng bước, bằng sự kết hợp đồng bộ các giải pháp, bởi không có một giải pháp nào là duy nhất tối ưu. Nhưng cần có sự ưu tiên lựa chọn trong việc áp dụng giải pháp theo từng hoàn cảnh cụ thể. Về quan điểm riêng của chúng tôi thì ưu tiên nhất vẫn là xây dựng tiềm lực nghiên cứu, chỉ đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao mới giải quyết được khó khăn. Những giải pháp nêu trên mang tính chất định hướng nhằm biến khó khăn thành thách thức và cơ hội, đồng thời xây dựng các chính sách mới, mô hình mới trong đẩy mạnh hoạt động NCKH tại các trường Đại học.
Tài liệu tham khảo
1. PGS.TS. Trần Khánh Đức, Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học sư phạm kỹ thuật. Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo trong hệ thống sư phạm kỹ thuật. 2004.
2. Assoc. Prof. Nguyen Chan Hung, Industry 4.0, Challenges and Opportunities for Vietnamese Universities, Research In như stitutes and Enterprises. Vice General Director Vietnam Institute of Electronics, Informatics and Automation - Ministry of Industry and Trade. 2017.
3. GS.TS. Đỗ Nguyên Phương, Những giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới. Tạp chí Giáo dục, số 63, 7/2003.
4. GS.TS. Phạm Sỹ Tiến, Phối hợp với các đại học nước ngoài đào tạo tiến sĩ: Một Giải pháp tốt cho việc kết hợp đào tạo tiến sĩ với nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam. Tạp chí Giáo dục, số 220, 8/2009.
TS. Trần Văn Dũng
1. Đặt vấn đề
Trên một vùng đất được coi là địa linh nhân kiệt; một địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Nghệ An vinh dự được mang trên mình nhiều chứng tích lịch sử và văn hóa được hình thành, tích tụ hàng trăm, hàng ngàn năm qua, đặc biệt là những di tích về lịch sử cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Đài tưởng niệm liệt sĩ Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930 -1931 tại thị trấn Hưng Nguyên, thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, một chứng tích về cuộc biểu tình chống thực dân Pháp của nhân dân Hưng Nguyên và các vùng phụ cận diễn ra ngày 12/9/1930 là một ví dụ. Có thể nói đây là "điểm nhấn" trong hàng chục di tích lịch sử về phong trào Xô viết 1930 - 1931 ở Nghệ Tĩnh. Di tích đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Năm 1956, hài cốt các liệt sĩ đã được quy tập, và nơi đây được xây dựng một đài tưởng niệm, có thể nói là khá uy nghi vào thời điểm đó. Năm 1988, Bộ Văn hoá có Quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: "Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Xô viết - Nghệ Tĩnh" với quy mô khá lớn. Theo đó, tượng đài cũ và các công trình phụ trợ khác đều được dỡ bỏ để triển khai Dự án. Tuy nhiên, đã hơn chục năm qua, công trình vẫn còn dang dở. Nhiều chỗ làm mới đã nhanh chóng xuống cấp. Thực trạng đã được báo Công an Nghệ An phản ánh nhiều lần từ hơn 4 năm trước. Không những vậy, một số công trình liên quan như nội hàm của Di tích đều không được xác định hoặc duy tu một cách phù hợp. Thiết nghĩ, một di tích lịch sử cách mạng như Đài tưởng niệm liệt sĩ Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 phải được quan tâm hơn nữa, xứng với tầm vóc của nó.
2. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Di tích
2.1. Di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh trong tâm thức của người dân xứ Nghệ
Ý nghĩa và tầm vóc của Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã được lịch sử dân tộc ghi nhận. Xô viết Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của phong trào cách mạng Việt Nam 1930 -1931 mà cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 được ví như một cuộc tập dượt lực lượng đấu tranh cách mạng của phong trào công nông. Vì vậy, 12/9/1930 được mang tên của phong trào cách mạng này - Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh. Và cũng chính vì vậy, đồng bào cả nước, trải qua gần 100 năm đầy những biến động, cho đến hôm nay vẫn vô cùng ngưỡng mộ. Là người con của quê hương Xô viết, đi đâu chúng tôi cũng nhận được tình cảm đó. Mỗi dịp có anh em bè bạn trong Nam, ngoài Bắc ghé chơi, chúng tôi đều dẫn họ vào thăm Khu di tích với một niềm tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng của cha ông, của quê hương mình. Chúng tôi nhận ra từ họ là cả một tấm lòng thành kính, sự cảm phục. Bên cạnh đó, hầu như mọi người đều biểu lộ một sự tiếc nuối cho những gì mà chúng ta đã và đang làm cho Di tích này. Chúng ta không đòi hỏi một công trình quá "hoành tráng" không phù hợp với điều kiện của đất nước, của địa phương. Các bậc tiền bối đi làm cách mạng lại càng không đòi hỏi như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một công trình ghi dấu tri ân tương xứng với tầm vóc lịch sử mà nó mang tên.
2.2. Một vài vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích
Được biết, ngày 19/10/2009, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 5345/QĐ.UBND - CNXD về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô viết - Nghệ Tĩnh", với diện tích 12,9 ha, tổng vốn đầu tư là 328 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2009 - 2015, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) làm chủ đầu tư. Việc làm đó chứng tỏ lãnh đạo địa phương đã khẳng định được ý nghĩa, tầm vóc của Di tích lịch sử. Thiết nghĩ, chúng ta cần cân nhắc để có thể có một công trình tương xứng nhưng không nhất thiết phải tạo ra nhiều hạng mục không gắn trực tiếp đến ý nghĩa của Di tích, dẫn đến việc phải huy động một lượng kinh phí quá mức cần thiết, tạo gánh nặng cho ngân sách, mặc dù sau đó, Dự án này được UBND Tỉnh phê duyệt điều chỉnh lại. Thực tế thì sau nhiều năm, Dự án vẫn còn nhiều hạng mục quan trọng chưa được triển khai, đặc biệt là Tượng đài chính. Có thể nói đây là hạng mục quan trọng nhất; là điểm nhấn của Di tích. Theo tác giả Vinh Thành (Báo Công an Nghệ An) thì năm 1990, Bộ Văn hóa đã quyết định nâng cấp Đài liệt sĩ Thái Lão thành Đài tưởng niệm liệt sĩ Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Nhìn cảnh tượng mặt bằng khu bảo tồn ngổn ngang, người dân thị trấn Hưng Nguyên đều biểu lộ sự buồn bã, khó hiểu cho trách nhiệm của chúng ta đối với một chứng tích đã đi vào lịch sử nước nhà là một trong những trang hào hùng nhất của công cuộc giải phóng dân tộc. Không ít người còn quả quyết rằng, đây là điểm nhấn trong các di tích về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhưng cũng là di tích duy nhất còn lại chưa được hoàn thành việc tôn tạo, nâng cấp theo kế hoạch của địa phương như trong Dự án. Một trong các công trình ghi dấu lịch sử phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tại Ngã Ba Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được xây dựng trên diện tích 36.000m2, với tổng vốn đầu tư 93 tỷ đồng, gồm các hạng mục: tượng đài chính, nhà truyền thống, nhà văn hoá đa năng, bia dẫn tích và các công trình phụ trợ khác cũng đã được khánh thành ngày 11/9/2012.
Chúng tôi được biết, từ năm 2015, Sở VH-TT&DL Nghệ An đã bàn giao công trình đang dở dang này cho huyện Hưng Nguyên tiếp nhận, quản lý. Như vậy, Hưng Nguyên chỉ đơn thuần là đơn vị được nhận bàn giao để đưa vào khai thác, sử dụng hay còn có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Dự án? Theo tác giả Vinh Thành (Congannghean.vn), khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên (lúc bấy giờ) cho biết: "mặc dù đã được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng nhưng hiện Dự án này còn nhiều hạng mục chưa thi công, trong đó, đáng chú ý là hệ thống điện chiếu sáng, mương thoát nước, nhà vệ sinh… đều chưa có". Tác giả cũng trích lời ông Ngô Trí Thông, Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án, Sở VH-TT&DL cho rằng: "các hạng mục này đã được phê duyệt nhưng hiện chưa có vốn để làm". Theo tác giả, ông Thông cho biết thêm: "hiện nguồn vốn cấp cho Dự án đang gặp rất nhiều khó khăn, năm 2016 vốn cấp cho dự án chỉ được 4 tỉ và chủ yếu dùng để trả nợ". Như vậy, sự băn khoăn cho việc tiếp tục triển khai các công trình của Dự án theo phân cấp quản lí hiện nay không phải không có cơ sở. Thiết nghĩ, công trình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia như Đài tưởng niệm liệt sĩ Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930 -1931 phải được thực hiện bởi Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị…" có vị trí của một trong những công trình cấp nhà nước (Bộ Văn hoá có Quyết định số 1288 VH/QĐ, ngày 16-11-1988 công nhận Đài liệt sĩ Thái Lão Hưng Nguyên là Di tích lịch sử cấp quốc gia).
Gắn liền với khu Đài tưởng niệm là đường Mười Hai Tháng Chín (12/9) - con đường dẫn hàng ngàn người dân Hưng Nguyên từ ga Yên Xuân đến Thái Lão để biểu tình đấu tranh. Có thể nói, con đường này là một hạng mục của Di tích; một phần không thể tách rời của tổng thể Di tích Đài tưởng niệm liệt sĩ Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 -1931. Vậy nhưng, nó đã biến thành một cơ sở hạ tầng giao thông đơn thuần, bằng chứng là nó được mở rộng nâng cấp không cùng với mục đích nâng cấp khu Di tích. Hơn thế nữa, ngay cái tên lịch sử của con đường cũng không còn tồn tại. Đường 12/9 năm nào bỗng nhiên trở thành đường 558, rồi nay là đường tỉnh 542 C. Chúng ta cần xác định rõ, không nên nhầm lẫn chức năng chính của đối tượng. Đường 12/9 đã đi vào lịch sử dân tộc và đã ghi đậm dấu ấn trong tâm thức, tình cảm của mỗi người con xứ Nghệ. Thiết nghĩ, việc làm này của chúng ta vừa qua là thiếu cân nhắc, thậm chí là tùy tiện. Cần trả lại những gì thuộc về lịch sử như nó đã diễn ra và đã từng tồn tại. Đúng ra, ngay ngã ba đường, cần có một biển báo ghi rõ tên đường, kèm theo là đôi dòng tóm tắt về lịch sử để khách thập phương khi bộ hành trên con đường này có thể hiểu về đối tượng mà nó mang tên.
Về nội hàm của khu di tích, chúng tôi thấy cần làm rõ một số vấn đề sau:
Số liệu về các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc biểu tình cũng cần làm rõ hơn. Có thể chúng ta không có được một con số chính xác 100%, nhưng không nên có một khoảng cách quá lớn giữa con số được công bố và danh sách ghi nhận (trong nhà tưởng niệm có ghi danh sách đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán của 119 liệt sĩ). Đã từ lâu, con số 217 liệt sĩ được thể hiện trong tất cả các bài báo và tài liệu lịch sử khi viết về cuộc biểu tình. Tuy nhiên, khi hỏi một số tác giả thì họ đều không xác định được xuất xứ của con số ấy mà chỉ dựa vào các tài liệu trước đó. Chúng tôi cũng được nghe kể, lần về thăm quê 09/12/1961, khi ghé viếng Di tích, Bác Hồ cũng nhắc đến con số này. Chúng ta đều biết là vào thời gian phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, Bác Hồ của chúng ta đang ở nước ngoài, và cho đến đầu 1941 Bác mới về nước. Trong hoàn cảnh và điều kiện thông tin liên lạc lúc đó thì khó có thể khẳng định là thông tin mà Bác có được về số liệu này là hoàn toàn chính xác. Chúng ta không nghi ngờ về những số liệu trong một số tư liệu lịch sử, nhưng cũng phải thấy một thực tế rằng, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa có chính quyền cách mạng; thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào Xô viết; cuộc sống người dân khốn khó đủ đường; những cán bộ tham gia tổ chức cuộc biểu tình đã bị địch truy lùng gắt gao, phải đi vào hoạt động bí mật, không ai có điều kiện để có thể xác định được một cách chính xác con số đó. Thực tế thì đến năm 1956, chúng ta mới lần đầu tiên cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sĩ vốn được mai táng vội vàng trong hoàn cảnh thực dân Pháp không ngừng đánh phá. Chúng tôi cũng đã trực tiếp tiếp xúc và nghe ông Lê Sĩ Sáu, một trong những người trong nhóm thực hiện nhiệm vụ quy tập hài cốt các liệt sĩ trong cuộc biểu tình kể, và thấy rõ hơn về những khó khăn trong việc xác định số liệu lúc bấy giờ (ông Lê Sĩ Sáu cũng đã có bài viết về việc này trên trang Thông tin nội bộ huyện Hưng Nguyên).
Được biết, trong những năm qua, huyện Hưng Nguyên đã rất cố gắng nhằm xác định danh tính của các liệt sĩ theo số liệu trên nhưng cũng chưa mang lại kết quả như ý. Số liệu và danh sách được xác định khác xa nhau đã làm cho mỗi chúng ta, và cả khách viếng thăm không khỏi băn khoăn, thậm chí là nỗi trăn trở của nhiều vị cán bộ lão thành cách mạng. Thiết nghĩ, cần có sự xác minh kỹ càng gốc tích của con số này, đồng thời với việc điều tra, xác minh thêm từ các địa phương trong huyện, trong tỉnh, thậm chí một số tỉnh lân cận. Vấn đề này cần được thực hiện trên cơ sở tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để có kết luận cuối cùng nhằm có cơ sở để công bố một số liệu có tính thuyết phục nhất.
Di tích lịch sử tự mình đã chứa đựng giá trị nhận thức và giá trị giáo dục. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt nhất giá trị đó chúng ta phải làm cho di tích thể hiện được những gì mang trên mình và được thể hiện như thế nào trong đời sống xã hội, mà những khả năng đó lại tùy thuộc vào trách nhiệm và ý thức của chúng ta. Ở gần khu di tích, chúng tôi chứng kiến một thực tế là học sinh, sinh viên không còn đến để thăm viếng, học tập thực tế thường xuyên như trước đây. Khu di tích cũng không xuất hiện trong các địa điểm tham quan du lịch của ngành Du lịch Nghệ An... Phải chăng, hiện trạng cảnh quan của Di tích là nguyên nhân của thực tế đó?
Một vấn đề nữa là cần xác định rõ về tên gọi của Di tích. Đây là Đài liệt sĩ Thái Lão; Đài tưởng niệm liệt sĩ Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930 -1931; Khu Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh hay Khu tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930 như bảng dẫn tích trước gần cổng Di tích hiện tại. Cách đây 3 năm, chúng tôi còn thấy bên kia Quốc lộ 46 (đối diện Di tích) là một dẫn tích khác: Nghĩa trang Thái Lão. Thiết nghĩ, cần trả lại tên gọi đúng với sự định danh mà cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước đã quyết định.
3. Thay cho lời kết
Từ thực tế trên, chúng tôi xin đề xuất một vài ý kiến như sau:
Tỉnh cần xem xét lại và điều chỉnh quy mô Dự án (nếu có thể và thấy cần thiết) để phù hợp với điều kiện về tài chính nhằm hoàn thành Dự án trong thời gian ngắn nhất, bởi trong tháng này là kỷ niệm 90 năm, xa hơn một chút là 100 năm, ngày diễn ra sự kiện cuộc biểu tình (12/9/1930-12/9/2030), trong bối cảnh khả năng của một địa phương còn rất khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế như huyện Hưng Nguyên.
Cần thiết phải đưa "Đường Mười Hai Tháng Chín" vào danh mục di tích được bảo tồn; là một hạng mục trong quần thể Di tích.
Cần xác định một cách có cơ sở số lượng và danh sách các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc biểu tình 12/9/1930.
Việc chuyển đổi chức năng quản lí, nhằm phát huy giá trị của Di tích cho một đơn vị cấp huyện nên chăng phải chọn thời điểm phù hợp, cụ thể là công trình phải được hoàn thành trước khi bàn giao.
Chúng ta hy vọng, một ngày không xa, những gì được thấy trên sơ đồ toàn cảnh khu Di tích sẽ trở thành hiện thực.
Phạm Xuân Cần
Xô viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện long trời lở đất, làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Báo chí đương thời đã đưa tin, phản ánh và bình luận về sự kiện này khá kịp thời và sôi nổi. Trong đó, nổi lên ở Trung kỳ, Bắc kỳ có một số tờ báo đưa tin nhanh, nhiều, có nhiều bình luận đáng chú là Hà Thành ngọ báo (Hà Nội); Thanh Nghệ Tịnh tân văn (Vinh) và Tiếng Dân, Tràng An báo (Huế).
Bài viết này chúng tôi bước đầu khảo sát các tờ báo trên trong khoảng từ năm 1930 đến 1937, đồng thời có tham khảo một số báo và tạp chí của Pháp đương thời cũng phản ánh về sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh. So với các công trình lâu nay chúng ta nghiên cứu về Xô viết Nghệ Tĩnh, báo chí đương thời đã cho một góc nhìn khác về sự kiện này. Thiết nghĩ, sau 90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, việc nghiên cứu về những góc nhìn đó cũng là hữu ích, để hiểu thấu đáo và đánh giá khách quan hơn, chính xác hơn về sự kiện.
Trước hết, các tờ báo này đã mô tả, tường thuật các vụ việc xẩy ra khá chi tiết. Các sự kiện lớn như cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy; phá đồn điền Ký Viễn ở Thanh Chương; tấn công huyện đường Nam Đàn; biểu tình ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên đều được tờ nhật báo Hà Thành ngọ báo (Hà Nội) tường thuật sau đó 1, 2 ngày và tiếp tục bổ sung thông tin trong những ngày sau. Các tờ tuần báo cũng đưa tin trong các số mới nhất. Từ tháng 7/1930 khi báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn ra đời, tờ này cũng phản ánh các sự kiện về Xô viết Nghệ Tĩnh rất chi tiết. Không chỉ phản ánh, tường thuật các sự kiện lớn, mà còn đưa tin cả những việc nhỏ, những thông tin bên lề. Qua phản ánh của báo chí có thể thấy:
- Các cuộc biểu tình, các sự kiện gây rối đã có sự tham gia của rất nhiều người dân. Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy: "Hôm qua 1/5/1930, hồi 8 giờ sáng một bọn ước chừng nghìn thợ, mang gậy tre, dao quắm và cả súng lục nữa cùng kéo nhau đến Nhà máy Diêm, có ý muốn phá phách"(1). Cuộc tấn công đồn điền Ký Viễn ở Thanh Chương: "Sáng hôm mùng 1 tháng 5 vừa rồi không những ở Vinh bến Thủy mới có cuộc biểu tình, cả ở đồn điền của ông Viễn Ký tại làng Yên Lạc huyện Thanh Chương cũng có một bọn ước chừng 400 người, cầm cờ và khí giới dao, đao, mác xông vào trong đồn điền"(2). Cuộc biểu tình ngày 1/6/1930 ở huyện lị Thanh Chương: "Hôm 1/6 vừa rồi ở Vinh có chừng 2000 người họp nhau mở một cuộc biểu tỉnh ở huyện lị Thanh Chương"(3). Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên: "Hồi đêm hôm 11 rạng ngày 12 September 1930 có hai toán biểu tình hơn ngàn người, hội họp ở cầu Hỏa xa gần ga Yên Xuân. Sau đó toán biểu tình đi về Thái Lão, dọc đường còn có sự tham gia của dân các làng, nên khi về đến Thái Lão số người đã rất đông"(4).
- Biểu tình nổ ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ ở Vinh, Bến Thủy, Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc…, mà còn liên tiếp xẩy ra ở Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Nghi Xuân… Báo chí cũng phản ánh các cuộc biểu tình ở Thái Bình, Nam bộ, một số hoạt động của học sinh Việt Nam và người Việt Nam ở Pháp…
- Khí thế của dân chúng cũng được báo chí phản ánh khá chân thực, cho thấy không khí hừng hực và tính chất ác liệt của các cuộc biểu tình. Đặc biệt, báo chí cho thấy rõ những người biểu tình đã tỏ ra hết sức gan góc trước sự đàn áp của binh lính và chính quyền. Hầu như các cuộc biểu tình chỉ giải tán khi bị đàn áp bằng bom, súng, có người chết và thương vong. Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Thái Lão: "Chúng đi đến làng Phù Xá thì gặp ông Một khố xanh (tức quan một) và 30 người lính. Ông Một hô lính bắn, xong chúng không núng, cứ phất cờ mà tiến, không chịu lùi bước nào. Khí giới của chúng là mỗi người một cái gậy tre, cờ đỏ và giấy truyền đơn. Vì đông quá ông Một phải thu binh, về tỉnh báo. Cứ tiến mãi như thế chúng thu nhập được hết cả dân các làng ở từ ga Yên Xuân về đến làng Thái Lão ở Phủ Hưng Nguyên, có hơn 10 cây số (…). Chúng kéo về đến chợ Phủ làng Thái Lão, cách phủ Hưng Nguyên một cây số vào hồi 8:30 thì gặp hai cái tàu bay. Tàu bay lượn phát đầu rồi thả xuống ruộng ba quả trái phá để cho sợ, mà giải tán. Song, chúng cứ phất cờ mà hô nhau tiến lên. Tàu bay lại phải ném trái phá và bắn súng cối xay xuống, hết 6 quả trái phá. Lúc bấy giờ thấy những người chết và bị thương nằm ngổn ngang tại đó, còn bao nhiêu thì đổ xô nhau mà chạy tán loạn hết cả. Khám trong túi những người chết và bị thương còn thấy cờ đỏ và giấy truyền đơn"(5).
- Về các hoạt động trong Xô viết Nghệ Tĩnh: Ngoài những cuộc biểu tình theo hình thức ôn hòa để nêu các yêu sách như cải thiện đời sống, tăng lương, giảm giờ làm, có chế độ riêng cho lao động nữ và trẻ em (cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 tại Bến Thủy, hoặc yêu sách đòi thả những người bị bắt trong các cuộc biểu tình ở Nghệ An và Thái Bình (2000 người biểu tình ở huyện lị Thanh Chương ngày 1/6/1930), đa phần các cuộc khác đều được mô tả là có sử dụng bạo lực để gây rối, bắt người, phá, đốt nhà, đánh người để dằn mặt. Các sách sử của ta lâu nay khi viết về các hoạt động này thường gọi là "trấn áp bọn phản động, tay sai", "biểu dương thanh thế", "lấy tiền của nhà giàu chia cho dân nghèo"… Thế nhưng, dưới góc nhìn của báo chí đương thời, các hoạt động đó được cho là "bắt cóc", "tống tiền", "khủng bố"… Vụ phá đồn điền Ký Viễn ở Thanh Chương được mô tả: "Ở đồn điền của ông Viễn Ký tại làng Yên Lạc huyện Thanh Chương cũng có một bọn ước chừng 400 người, cầm cờ và khí giới dao, đao, mác xông vào trong đồn điền, đánh phá lấy đồ đạc, đổ dầu hỏa vào ngôi nhà ngói, đốt cháy mất một cái nhà tây, ba cái kho đều lợp ngói tây cả và 8 cái nhà tranh nữa đều bị đốt ra tro. Còn trâu, bò, ngựa mất độ chừng 160 con, gạo độ 30 bao, cà phê 20 bao. Các đồ làm mỏ, làm ruộng và các đồ dùng trong mấy cái nhà đó đều bị mất hết. Còn cái nào chúng không lấy được thì đều đốt sạch. Phu phen thợ thuyền trong đồn điền thấy chúng đông quá đều kiếm đường tẩu thoát. Cũng có người bị thương, chưa rõ sống chết bao nhiêu. Nghe chừng thiệt hại đến 6,7 vạn bạc"(6).
Ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh báo chí đều phản ánh việc đốt phá công sở, tiêu hủy hồ sơ tài liệu, khống chế quan chức của các đoàn biểu tình. Ở Nam Đàn, ngoài việc phá huyện đường, còn mở cửa nhà giam cho tù nhân ra, bắt tri huyện phải ký giấy cam kết, phá kho rượu, lấy rượu uống, vứt thùng và vỏ lổn nhổn trên đường(7). Một số nơi, đoàn biểu tình còn bắt quan chức phải nộp tiền, nộp thóc… Báo TNTTV số ra ngày 30/9/1932 đưa ra con số: "Nói có chứng cớ, cuộc điều tra của sở Liêm Phóng đã tìm ra được rằng, rút cục tất cả những cuộc tống tiền ở hai tỉnh Hà Tịnh và Nghệ An đảng cộng sản đã lấy của dân một số tiền nho nhỏ là hai mươi lăm bạn bạc (250.000p)"(8).
Một số tờ báo của Pháp cũng phản ánh tình trạng công nhân phá máy móc, lột đường ray chở gỗ ở nhà máy Diêm Bến Thủy(9).
Ở Bến Thủy, những người biểu tình, đình công có hành động dằn mặt những người Việt làm cai, được cho là tay sai của chủ Tây. Vụ đốt nhà hai anh em Cai Hồng và Cai Học ở nhà máy diêm, làm cháy cả tám nóc nhà trong xóm là một ví dụ(10).
Tại hãng rượu Sauvage ở Bến Thủy hàng trăm phu khuân vác đình công đòi tăng lương, chủ không những không đáp ứng, mà còn sa thải tất cả, đồng thời gọi phu ngoài Bắc vào. "Sáng hôm 17/6 bọn phu ngoài Bắc vào đi làm được như thường. Chiều đến bọn phu bãi công đón tất cả các đường đi ở Vinh Bến Thủy là những lối vào hãng làm việc. Họ khuyên phu ngoài Bắc liên lạc với họ mà bãi công. Trong bọn phu Bắc kỳ có nấy người cứng cổ không chịu theo bị họ đánh cho máu me lênh láng cả ra mặt. Một người đàn ông và ba người đàn bà bị trọng thương. Những người bị thương này hiện đã đưa vào điều trị tại Nhà thương Vinh"(11).
Đặc biệt, báo chí đương thời cũng phản ánh khá nhiều trường hợp bắt cóc, thủ tiêu, khủng bố: "Nghệ An ngày 9 tháng 8, đêm hôm vừa rồi có người cầm súng lục vào bắn một người hào mục làng ở huyện Thanh Chương tên là Phạm Bá Trọng. Làng xóm nghe tiếng chúng liền chạy đến, thì thấy Trọng đã lìa trần, mà thủ phạm đã đi đâu mất. Xung quanh đó lại có truyền đơn Đảng Cộng sản rải rất nhiều. Đại khái nói Đảng cách mạng kết án xử tử tên Trọng. Vụ ám sát này hiện nay chính phủ còn đang dò xét.
Cũng đêm ấy, chừng 7:30 tối, ở Tổng Phù Long, huyện Nam Đàn, có một người cũng cầm súng lục vào nhà ông Hương Đài để đóng tiền. Nhưng lúc người khách lạ mặt này vừa đến nơi, thì ông Đài lỏn được ra cửa sau chạy và kêu hàng xóm. Người quanh vùng đổ đến, thì người cầm súng lục bắn luôn mấy phát trúng phải một người què chân"(12).
Tài liệu "Khủng bố đỏ ở An Nam 1930 -1931" đã liệt kê trên 80 vụ khủng bố với danh sách hơn 120 người bị sát hại trong XVNT ở Nghệ An và Hà Tĩnh(13), với nhiều hình thức như trói thả trôi sông; dùng cuốc đánh chết; chôn sống....
Báo chí đương thời tuy không có những bài phân tích trực tiếp chính sách và giải pháp của chính quyền đối với XVNT, nhưng lại phản ánh khá sát và kịp thời các hoạt động của chính quyền thực dân Pháp cũng như Nam triều. Qua đó có thể hình dung được thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã có chính sách và giải pháp như thế nào để đối phó với phong trào XVNT.
Khi phong trào VXNT nổ ra, bắt đầu từ cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy, nhà cầm quyền Pháp đã thực thi ngay chính sách thẳng tay đàn áp. Lực lượng giám binh, do sĩ quan Pháp Petti chỉ huy đã chĩa súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình, làm 5 người chết và 15 người bị thương. Mấy ngày sau đó ở Hà Tĩnh cũng có nhiều cuộc biểu tình. Thế nhưng, các quan chức người Việt ở đây phần lớn đều cố gắng thuyết phục dân chúng. Một vài cuộc biểu tình có đàn áp, nhưng chủ yếu dùng roi để quất. Mặc dù sau đó dư luận báo chí Pháp có lên tiếng, cho rằng chưa thật cần thiết nổ súng vào những người biểu tình ôn hòa, thế nhưng chính sách đó hầu như không thay đổi đối với người Pháp. Sau sự kiện ngày 1/5/1930 báo chí liên tục đưa tin về việc Pháp điều quân từ các nơi về Vinh - Bến Thủy. Báo TNTTV đưa tin Pháp điều hai chiếc máy bay từ sân bay Bạch Mai đến Vinh, để tuần tra và đàn áp các cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh từ ngày 1/8/1930.
Trường Thi, đã đàn áp các cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh.
Chính sách đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp và Nam triều được công khai trong các bản yết thị. Sau chuyến thị sát của Khâm sứ Trung kỳ và đại thần Tôn Thất Đàn yết thị đã được dán ở nhiều nơi ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó nêu rõ: "Từ rầy về sau cấm nhân dân không được thiện hành tụ tập đến bốn năm mươi người trở lên, bất câu nam, phụ, lão, ấu. Quân quan khi nào gặp một đảng tụ tập đông như vậy, thời đứng cách xa nhau ít nữa 50 thước tây, chỉ thiên mà bắn để cho nhân dân biết mà giải tán lập tức. Nếu không vâng lời mà không lập tức chạy tránh khỏi, thời quân quan bắn chết đừng phàn nàn"(14). Chính sách đó cũng được chính các quan chức Pháp tuyên bố công khai trong các chuyến thị sát về các địa phương và được báo chí phản ánh.
Không chỉ đe dọa, mà thực dân Pháp đã lệnh cho binh lính bắn thẳng và máy bay ném tạc đạn vào các đoàn biểu tình ở Bến Thủy, Hà Tĩnh, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…, gây thương vong cho hàng trăm người. Báo Tiếng Dân đưa tin về việc thi hành án tử hình đối với người đã ám sát tri huyện Nghi Lộc Tôn Thất Hoàn. Báo này cũng phản ánh vụ lập phiên tòa ngay tại trận, để xử tử hình một người được cho là cộng sản đã rải truyền đơn trong khi dân chúng đang tụ họp nghe Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ diễn thuyết(15).
Thế nhưng, kế sách thật sự mang tính toàn diện để đối phó với XVNT chỉ thực sự được vạch ra sau chuyến thị sát của đại thần Tôn Thất Đàn và khâm sứ Trung kỳ Le Fol ra Nghệ Tĩnh. Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đưa tin và ảnh về chuyến khảo sát của Tôn Thất Đàn và khâm sứ Trung kỳ Le Fol đến Nghệ An và Vinh Bến Thủy, trong đó có chuyến thăm đến nhà máy xe lửa Trường Thi và nhà máy diêm Bến Thủy vào chiều 4/9/1930(16). Đối chiếu với hồi ký của Tôn Thất Đàn(17) chúng ta biết rằng chính sau chuyến thị sát này ông ta đã vạch ra một kế sách mang tính toàn diện để đối phó với XVNT. Những chính sách và giải pháp mà chính quyền bảo hộ và Nam triều áp dụng sau này thể hiện kế sách của Tôn Thất Đàn đã được tôn trọng. Trong đó có việc điều thêm lính và lập thêm các đồn binh ở khắp nơi đồng thời hình thành đội ngũ bang tá ở huyện, tổng và xã. Báo Tiếng Dân (Huế) đưa tin về việc bố trí các đồn binh ở Nghệ An, để chủ động tuần tra, ngăn ngừa và xử lý biểu tình(18).
Còn lực lượng bang tá đã được tổ chức rộng khắp. Đây là lực lượng chính có nhiệm vụ dò la, phát hiện cộng sản ở thôn xóm. Được trọng dụng trong thời XVNT, bang tá đã trở thành một lực lượng kiêu binh, lạm dụng quyền lực để ức hiếp dân chúng. Ngày 22/10/1935, Tràng An báo (Huế) đã đăng bài của Hoài Thanh nhan đề "Cái họa bang tá ở Nghệ Tĩnh". Bài báo ghi nhận lực lượng bang tá đã giúp chính quyền một cách đắc lực trong XVNT, nhưng hiện nó đã thực sự là họa với dân.
Tuy nhiên, chính quyền bảo hộ và Nam triều không chỉ đàn áp, khủng bố trắng, hoặc tăng cường quản lý tình hình an ninh từ thôn xóm, xã, tổng thông qua mạng lưới bang tá, mà họ còn thực thi nhiều chính sách để tuyên truyền, tranh thủ, phủ dụ dân chúng, phân hóa hàng ngũ thân hào. Bài phỏng vấn của báo Tràng An (Huế) đối với nguyên Tổng đốc Nghệ An Nguyễn Khoa Kỳ, cho thấy ông ta đã chịu khó sâu sát các làng xã, am hiểu khá sâu sắc tình hình an ninh và đặc điểm con người Nghệ Tĩnh "Một dân không sợ chết như dân Nghệ thì hẳn súng đạn vô lực. Cho nên phải ôn hòa mà hiểu dụ, tới khi họ biết sự lầm lỗi thì công việc mình dễ như trở bàn tay. Ở Nghệ mà giữ thái độ quan quách thì chắc là hỏng. Tôi hiểu chỗ đó nên trong bốn năm rưỡi làm tổng đốc ở Nghệ, tôi luôn luôn đi phủ nọ huyện kia, vào cả các làng các tổng. Tính ra đi tới 12 vạn cây số. Dân Nghệ là dân học giỏi, phần nhiều thâm đạo Khổng Mạnh. Tôi lợi dụng chỗ đó, lấy đạo Khổng Mạnh mà đối phó với chủ nghĩa cộng sản. Một vài nơi bướng bỉnh nhất định tin chủ nghĩa cộng sản, thì tôi lại phải nói cho họ biết chủ nghĩa đó hay thì hay thiệt nhưng không gặp thời thì cũng chịu". Nguyễn Khoa Kỳ cũng cho rằng số người Nghệ hiểu về chủ nghĩa Cộng sản chỉ độ ba chục người; khoảng 1000 người hiểu vừa vừa, còn lại là "a dua cả, không hiểu gì hết"(19).
Qua báo chí có thể thấy trong lúc người Pháp kiên trì chính sách đàn áp, khủng bố trắng, thì đối với XVNT các quan chức người Việt, mà cụ thể là các Tổng đốc Nghệ An có những thái độ khác. Tràng An báo trong bài "Cái họa bang tá ở Nghệ Tĩnh" của Hoài Thanh đã tỏ ý khen một Tổng đốc Nghệ An: "Họ theo gương vị Thượng quan nọ dạo ấy đương làm Tổng đốc Nghệ An, chỉ vì không muốn nhìn những trái bom tàu bay ném xuống tàn sát dân quê mà xin thôi tổng đốc về Kinh"(20).
Trước Phạm Bá Phổ (ngồi ghế Tổng đốc Nghệ An chỉ 2 tháng), Hồ Đắc Khải cũng chỉ ngồi ghế Tổng đốc Nghệ An được 7 tháng, vì cũng bị cho là nhu nhược, không mạnh tay đàn áp. Rõ ràng, chính Nguyễn Khoa Kỳ là người đã vừa tỏ ra hết sức cứng rắn, không ngại xuống tay đàn áp khi cần thiết, nhưng cũng rất mềm dẻo, linh hoạt về sách lược. Vừa nhậm chức Tổng đốc, Nguyễn Khoa Kỳ đã cho thực hiện ngay chính sách "Quy Thuận". Theo báo Tiếng Dân đến ngày 5/2/1931, nghĩa là chỉ sau hơn một tháng triển khai đã có 6 vạn thẻ "Quy Thuận" đã được cấp. Nghĩa là trên danh nghĩa đã có 6 vạn người dân Nghệ An chấp nhận quy thuận triều đình và chính phủ bảo hộ. Báo chí trong nước, cũng như báo chí Pháp đương thời coi các buổi lễ "Quy Thuận" như là biểu tượng chiến thắng của nhà nước bảo hộ và chính quyền Nam triều đối với phong trào XVNT. Tạp chí Pháp L'Illustration đăng trên trang bìa bức ảnh lễ Quy Thuận, bên trong đăng ảnh và bài viết về lễ Quy Thuận, tổ chức ở Hành Cung trong thành Nghệ An, ngày 19 tháng 1 năm 1931.
Tương tự, Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đăng ảnh và bài tường thuật, với giọng hân hoan về sự kiện này "Hôm mùng 1 tháng chạp, tức là ngày 19 tháng 1 năm 1931, vào hồi 8 giờ, tại Hành Cung tỉnh Nghệ An. Có hơn 2.000 dân trong thành phố và các vùng lân cận đến hội họp trước Hành Cung, trong sân vọng bái. Dân đến họp hôm ấy phần nhiều là nông công hai giới, không có đàn bà, già có, trẻ có, áo bành tô kaki bạc phếch có, áo bành tô dạ tím có, áo trắng quần thâm có, áo nâu quần vải có, áo chùng quần trắng có. Ai nấy đều theo lệnh quan Chánh cẩm mà ngồi cả trước Hành Cung, nhìn lên cái biển có chữ "Thuận" kết bằng hoa lá và 8 cây cờ của 8 hộ. Chung quanh biển và cờ ấy lại có phường bát âm đứng hòa nhạc nghe rất du dương thánh thót. Ngoài những vật ấy, ra lại có nào cờ, nào lọng, nào bát bửu, trô rát uy nghi. Ngồi nghe đàn nghe nhị được chừng 15 phút, thì xịch tiếng ô tô đỗ ngoài cửa Hành cung, quan Chánh Sứ do đường san sát những lọng xanh giữa đám dân quy thuận mà đi vào. Ai nấy đều toan đứng dậy, nhưng ông Cẩm bảo "Ngồi im".
Quan Tổng đốc cùng các quan ra tiếp đón Quan Sứ, rồi đứng nói qua loa mấy câu rằng: "Nay tình hình trong hạt đã gần yên, dân lương thiện cứ tin cậy vào Chính phủ mà yên phận làm ăn. Chính phủ hết sức che chở cho, Chính phủ vẫn theo chính sách khoan dung mà cai trị. Số dân cộng sản bị bắt lâu nay đã tha đến 300 người rồi, nay còn bao nhiêu đều ra hết. Chính phủ chỉ trừng trị những kẻ đích danh thủ phạm mà thôi. Rồi đây sẽ phát cho dân lương thiện mỗi người một cái giấy gọi là "Quy Thuận chứng chỉ". Ai có giấy đều được tự do thông hành trong các hạt, gia sản đều được bảo thủ một cách vững vàng, không ai xâm phạm được. Còn ai không chịu đến xin sẽ coi như dân cộng sản. Thôi, nay dân đã thực lòng tin cậy vào chính phủ thì bây giờ sắp hàng lại mà đi ra Tòa Sứ. Xong, quan Sứ ra ô tô đi trước, dân biểu tình quy thuận đều sắp hàng đi sau cái biển Thuận và cờ bảo hộ, do Cửa Tiền mà tiến ra tòa Sứ"(21).
Sau khi cơ bản đã ổn định tình hình, chính quyền bảo hộ và Nam triều vẫn tiếp tục vừa răn đe vừa phủ dụ dân chúng. Một trong những hành động thể hiện rõ nhất chủ trương đó là chuyến thăm của vua Bảo Đại ra Thanh, Nghệ, Tĩnh tháng 11 năm 1932, sau khi hồi loan. Báo chí, đặc biệt là Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đã tường thuật rất chi tiết chuyến đi này. Suốt trong chuyến đi, diễn ra nhiều sự kiện, nhưng ngoài những nghi lễ khánh tiết, vua Bảo Đại hầu như không có phát ngôn gì chính thức. Người thay mặt vua phát ngôn chính thức là Nguyễn Hữu Bài, Viện trưởng Viện Cơ mật "Trong khi Hoàng thượng còn du học, năm ngoái năm kia, trong nước có xẩy ra sự không may, sự lộn xộn, ngài đều nghe biết cả và Hoàng thượng rất lấy làm đau đớn cho dân. Những việc ấy là do bọn thiếu niên càn rỡ, họ làm không phải thì chịu tội, các ông cũng không phải liên lụy đến. Đành coi như một cái thiên tai vậy; nhưng kể ra thì tội lỗi ấy chẳng phải là các ông thân hào, hàng phụ lão không có trách nhiệm, có lỗi, vì các ông đã không biết lo giáo bối trước đi, để cho chúng nó làm càn, trước còn đe nạt, bắt ép dân quê ngu dại, sau càng ngày càng lộng, ép cả cha anh làm càn; như thế thật là trái đạo, vậy nay họ đã hối quá rồi, bổn phận các ông lại phải lo dạy bảo cương thường luân lý là những điều phải giữ để cho nước được mạnh, dân được giầu. (…). Nay các ông là bậc thân hào, người có tuổi đã từng trải việc đời, đã học đến chữ "quân, sư, phụ" các ông nên nhớ lấy, ghi nhớ lấy mà dạy bảo con em, thì trong nước trị an, Hoàng thượng sẽ tùy thời làm những việc cho dân được sung sướng, nước được mạnh giàu v. v."(22).
Ngoài ra, chính quyền bảo hộ và Nam triều cũng nhận thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu của XVNT không chỉ là do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mà trong đó có tình trạng hà hiếp dân chúng của đội ngũ quan chức, đồng thời mấy năm liền Nghệ Tĩnh bị hạn hán, mất mùa, dân chúng hết sức khổ cực. Trong các nhà máy công xưởng thì ngoài việc lương thấp, lao động nặng nhọc, nhiều giờ, lạm dụng lao động nữ và trẻ em, lại còn bị đội ngũ cai hà hiếp, ăn chặn tiền lương. Nhận thấy điều đó, sau XVNT nhà nước bảo hộ và Nam triều đã có một số thay đổi về chính sách cai trị, như xử lý mạnh tay hơn với những quan chức hà lạm, ức hiếp dân chúng; quản lý chặt hơn việc sử dụng lao động nữ và trẻ em; không cho lạm dụng làm đêm… Một số tờ báo Pháp phản ánh doanh nghiệp phàn nàn những chính sách mới của nhà nước về sử dụng lao động sau XVNT, đã gây khó khăn, làm giảm lợi nhuận của công ty.
Đặc biệt, sau XVNT chính quyền đã khẩn trương khởi công xây dựng hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An, sau đó là hệ thống thủy nông Nam, thực hiện chủ trương dẫn thủy nhập điền đã có từ trước đó, khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, hoặc ngập úng cho các vùng đồng bằng của Nghệ An. Báo chí, đặc biệt là tờ Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đã đưa tin đậm nét, liên tục nhiều năm về dự án đại thủy nông này. Đặc biệt đã tổ chức hẳn một cuộc thi thơ về Hành cung và phú về Nông giang, thu hút hàng nghìn bài dự thi. Nhiều cuốn sử của Nghệ An cho rằng dự án Thủy nông Nam và Bắc Nghệ An chỉ là món quà mị dân của thực dân Pháp sau XVNT. Chúng tôi cho rằng không hẳn như thế. Dẫn thủy nhập điền là chủ trương lớn của chính quyền đương thời đối với Trung kỳ. Đập Bái Thượng và Hệ thống thủy nông trên sông Chu của Thanh Hóa đã xây dựng từ năm 1918. Bản thân hệ thống thủy nông Bắc và Nam Nghệ An cũng đã được khảo sát thiết kế từ mấy năm trước đó. Nếu không có XVNT công trình này vẫn được xây dựng. Tuy nhiên, khi XVNT xẩy ra, chính quyền đương thời đã tuyên truyền rất rầm rộ cho công trình này, coi đó như là cái ơn lớn của bảo hộ đối với dân chúng. Buổi lễ khánh thành hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An có sự hiện diện của Toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại và Khâm sứ Trung kỳ cùng hầu hết quan chức cao cấp của Nam Triều và địa phương. Hàng chục tờ báo có mặt dự và viết bài, đưa tin. Tràng An báo đăng bài diễn văn của Toàn quyền Đông Dương trên năm số báo liên tục.
Có thể nói qua báo chí phản ánh, hậu quả kinh tế xã hội mà XVNT gây ra là rất nặng nề. Tuy nhiên báo chí hầu như không đề cập khía cạnh chính trị, mà chủ yếu phân tích khía cạnh kinh tế, xã hội.
Xô viết Nghệ Tĩnh đã gây ra tình hình bất ổn ở địa phương, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, kinh doanh. Những năm 1930- 1931 lại bị hạn hán nặng, gây nên tình trạng mất mùa, nên dân càng đói kém. Theo đánh giá của Tràng An báo, Xô viết Nghệ Tĩnh đã làm cho giá nhà đất ở Vinh Bến Thủy giảm tới 60%(23) vào những năm đó.
Đối với các doanh nghiệp, việc công nhân biểu tình, đình công đã gây ra những thiệt hại kinh tế khá lớn. Trong lịch sử hoạt động của mình, SIFA chỉ có hai lần không có lợi tức để chia cho các cổ đông. Lần đầu, năm 1910, do hậu quả của trận cháy và lũ lụt và lần năm 1930, do hậu quả của XVNT(24). Nhà máy Diêm Bến Thủy nơi có số đảng viên Cộng sản đông, làm nòng cốt trong phong trào XVNT cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Một số máy móc bị phá, đường sắt chuyển gỗ từ cảng vào nhà máy bị lột, đình công nhiều tháng liền đã gây thiệt hại lớn cho nhà máy. Đó là một nguyên nhân dẫn đến việc Nhà máy Diêm Bến Thủy đã phải đóng cửa hẳn vào tháng 4/1935(25).
Trên thực tế, sau XVNT hầu như người Pháp ngừng đầu tư vào sản xuất kinh doanh và đô thị ở Vinh - Bến Thủy và Nghệ An. Ngoài dự án đại thủy nông Bắc và Nam Nghệ An đã được khảo sát và lên kế hoạch từ trước được khởi công vào năm 1932, khánh thành năm 1937, các dự án khác đều không được thực hiện. Đáng kể có dự án xây dựng một khu phố tây rộng 100 ha ở trung tâm thành phố Vinh - Bến Thủy được khởi thảo từ năm 1926, 1927 cũng bị dừng lại. Đặc biệt dự án xây dựng cảng Bến Thủy trị giá 10 triệu Fr, tuy đã được phê duyệt cũng không được triển khai.
4. Một vài nhận xét
- Có thể nói, về cơ bản báo chí đương thời đã phản ánh khá khách quan về sự kiện XVNT. Mặc dù quan điểm của các tờ báo có thể cũng là quan điểm của chính quyền, nhưng về tường thuật, mô tả, phản ánh thông tin về các vụ việc báo chí đã làm đúng chức năng của mình. Qua phản ánh của báo chí đương thời, chúng ta có thể thấy, ngoài các hoạt động thể hiện bạo lực cách mạng một cách đúng đắn, trong XVNT cũng đã có nhiều hoạt động như bắt cóc, tống tiền, khủng bố, phá hoại tài sản hợp pháp của tư nhân hoặc của doanh nghiệp. Những hoạt động này một phần nằm trong chủ trương quá tả của một số cấp ủy địa phương, nhưng phần lớn là các hành vi vô chính phủ không kiểm soát được của xung đột xã hội từ xưa đến nay.
- Qua báo chí có thể hình dung được chính sách và giải pháp mà chính quyền bảo hộ và Nam triều đã áp dụng để đối phó với XVNT. Tuy không khác về mục tiêu là phải chấm dứt xung đột, nhưng, có thể nhận thấy có sự khác nhau nhất định về cách xử lý xung đột của chính quyền Pháp và các quan chức Nam triều. Trong lúc người Pháp không dấu chính sách thẳng tay đàn áp, thì các quan chức Nam triều tỏ ra khôn ngoan, mềm dẻo và linh hoạt hơn. Sau XVNT chính quyền đương thời đã có một số thay đổi về chính sách cai trị, tỏ ra cởi mở hơn, quan tâm nhiều hơn đến dân sinh, nhất là sau khi phái Bình dân lên cầm quyền ở Pháp.
- Về thái độ của báo chí đối với XVNT: Những tờ báo mà chúng tôi khảo sát đều là báo tư nhân, tuy nhiên cũng có tờ bị chính quyền chi phối. Đối với XVNT hầu hết đều giữ thái độ trung lập, khách quan khi đưa tin. Tuy nhiên qua ngôn từ, qua liều lượng tin tức, qua bình luận, có thể nhận thấy báo chí đương thời không ủng hộ XVNT. Hầu hết các tờ báo đều chia sẻ với sự nghèo khổ, bất công của dân chúng, lên án sự hà lạm, ức hiếp của quan chức. Một vài tờ báo của Pháp bày tỏ sự bất bình với việc binh lính bắn vào người biểu tình ôn hòa. Nhưng chưa thấy có tờ báo nào đồng tình với cách sử dụng bạo lực, gây náo loạn xã hội của XVNT. Ngay tờ Tiếng Dân do nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, nổi tiếng là tờ báo dám đối lập với chính quyền, nhưng khi viết về XVNT vẫn thường xuyên dùng từ "nghịch quân" để chỉ những người biểu tình, đồng thời tỏ thái độ không thiện cảm với cộng sản.
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ là bước đầu, qua đó cho thấy có một cái nhìn khác về phong trào XVNT. Sau 90 năm, thiết nghĩ những cách nhìn khác về sự kiện XVNT cũng rất cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và thấu đáo hơn. Mong rằng sẽ có thêm những nghiên cứu khác theo hướng này, để XVNT ngày càng được nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác hơn.
Chú thích
1, 2, 3. Hà Thành ngọ báo 2/5/1930, 3/5/1930, 1/6/1930.
4. Thanh Nghệ Tịnh tân văn ngày 19/9/1930.
5. TNTTV 19/9/1930.
6. HTNB 3/5/1930.
7. TNTTV.
8. TNTTV 30/9/1932.
9. L'Écho annamite, 22 mai 1930.
10. TNTTV 29/8/1930.
11. HTNB 19/7/1930.
12. HTNB 9/8/1930.
13. La Terreur Rèuge en Annam 1930-1931. Bản dịch chép tay lưu tại Bảo tàng XVNT.
14. TNTTV 12/9/1930.
15. Tiếng Dân 11/2/1931.
16. TNTTV 12/9/1930.
17. Tiểu sử Lạc Viên, bản đánh máy tại bảo tàng XVNT.
18. Tiếng Dân 7/2/1931.
19.Tiêu Diêu Tử, một giờ với quan thượng kinh tế, hay nói cho đúng với quan Tổng đốc An Tịnh, Tràng An báo 12/4/1935.
20. Tràng An báo 22/10/1935 (Có thể tác giả muốn nhắc tới Phạm Bá Phổ, người chỉ làm tổng đốc Nghệ An hai tháng thì bị đổi đi, vì không đồng tình với chính sách đàn áp của Pháp đối với XVNT).
21. TNTTV 30/1/1931.
22. TNTTV 25/11/1932.
23. Thành phố Vinh sắp tới kì thịnh vượng, Tràng An báo 8/6/1937.
24. Andrée Viollis, Indochine S.O.S., NRF, 1935.
25. HTNB 26/4/1935.
Bàn tròn tháng 9:
Tân Kỳ - Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Tiên Kỳ
LTS: Xã Tiên Kỳ thuộc huyện Tân Kỳ được biết đến là xã vùng sâu của huyện với 80% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nhưng ít ai biết Tiên Kỳ sở hữu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng rất lớn. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc hành quân của nghĩa quân Lê Lợi và một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc,.... Tiên Kỳ đang mở ra triển vọng và cơ hội thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Để rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh từ đó đưa ra những giải pháp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Tiên Kỳ, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo huyện, xã,...
* *
*
TS. Vi Văn An - Bảo tàng Dân tộc học:
Đưa Lễ hội Bươn Xao trở thành sinh hoạt văn hóa trung tâm của du lịch cộng đồng tại Tân Kỳ
Lễ hội Bươn Xao là một tín ngưỡng bản địa của người Thái nhóm Tày Mường nói riêng, của người Thái ở Tân Kỳ nói chung. Nó mang đậm bản sắc văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Theo tiếng Thái, Bươn có nghĩa là tháng, mặt trăng; Xao có nghĩa là ngày 20 (ngày 20 của tháng). Tuy nhiên ở một số địa phương khác lại gọi là Lễ hội Cắm Phạ, Ki moọc,… Dù là với tên gọi gì thì ý nghĩa ban đầu của Lễ hội là tạ ơn tổ tiên dòng họ, sau này mở rộng ra mang tính cộng đồng. Một ý nghĩa quan trọng nữa của Lễ hội chính là gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, mà hiện nay dấu tích thành lũy vẫn còn. Người dân nơi đây cũng đang xây dựng đền để phối thờ tổ tiên và Lê Lợi cùng nghĩa quân. Đây có thể gọi là sự giao thoa văn hóa giữa người Thái và người Kinh, nên ngoài ý nghĩa bảo tồn, giữ gìn phong tục tập quán, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái nơi đây thì đồng thời còn có ý nghĩa tôn vinh các anh hùng dân tộc gắn với khởi nghĩa của Lê Lợi. Sự kết hợp giữa hai sự kiện văn hóa này vừa được người dân ủng hộ về mặt văn hóa, vừa được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Do đó, mỗi khi Lễ hội tổ chức sẽ được quảng bá rộng rãi, quy mô hơn, cùng với sự kết hợp giữa phần lễ được thực hiện theo phong tục của người Thái, lễ cúng vua Lê Lợi, phần hội sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi như: giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tổ chức hội chợ các sản phẩm,... chắc chắn sẽ kích thích, thu hút đông đảo du khách về đây.
Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, ngoài việc khôi phục, mở rộng quy mô Lễ hội để đưa vào phát triển du lịch cộng đồng thì chính quyền và người dân nơi đây phải khôi phục nghề thủ công, trong đó tập trung vào nghề dệt; xây dựng các làng văn hóa theo quy chuẩn: ở (nhà sàn), ăn (mọc…); hoạt động giải trí (văn hóa văn nghệ) để khách du lịch được trải nghiệm các địa điểm; nâng cấp các địa danh thiên nhiên ở Tiên Kỳ,… Có như vậy Tiên Kỳ, Tân Kỳ mới có sự đóng góp vào bản đồ du lịch chung của tỉnh Nghệ An.
TS. Lê Văn Khánh - PGĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN:
Khách du lịch khi đến Tiên Kỳ sẽ được ở nhà sàn, ăn các món đặc sản truyền thống của đồng bào Thái nơi đây
Tiên Kỳ, ngoài sở hữu truyền thống văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, thì ở đây còn sở hữu một nền ẩm thực đặc sắc, phong phú với các món ăn như: măng loi, cơm lam, cá nướng, canh bồi, bánh mọoc…. Chắc chắn sẽ cuốn hút khách du lịch ngay từ lần đầu thưởng thức.
Đến nơi đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống bình yên nơi bản nhỏ với những mái nhà sàn kiến trúc độc đáo nép mình dưới chân núi. Hàng ngày, những phụ nữ Thái vẫn tỉ mẩn dệt những tấm váy, chiếc gối, túi thổ cẩm sặc sỡ hoa văn... du khách còn được trực tiếp chế biến và thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào Thái và vui điệu lăm vông bên vò rượu cần.
Trong các loại đặc sản của dân tộc Thái nơi đây, thì măng loi là món ăn đặc sắc nhất mà người dân nơi đây ai ai cũng muốn giới thiệu với du khách. Sở dĩ có tên là măng loi vì loại măng này được mọc trên đỉnh núi Pù Loi (Tân Kỳ). Măng mọc thành từng cụm dày, phát triển rất nhanh, cứ trồi lên khỏi mặt đất rồi đâm ra tua tủa. Ngọn măng nhỏ, nhọn, lá nhỏ, vỏ bóng.
Theo kết quả điều tra, khảo sát hiện nay cây Măng loi chỉ mới được ghi nhận xuất hiện tại đỉnh Pù loi là đỉnh núi có độ cao 850m so với mặt nước biển, tại nơi giáp ranh tại các xã Đồng Văn, Tiên Kỳ của huyện Tân Kỳ và xã Thọ Sơn huyện Anh Sơn. Măng loi có vị ngon, giòn, ngọt, đặc trưng thanh ngọt, lành tính, có giá trị dinh dưỡng cao như khoáng chất, chất xơ, có lợi cho tim và đường ruột. Măng có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân,... nên được rất nhiều người tin dùng và ưa chuộng.
Do đó, đưa măng loi và các đặc sản khác của đồng bào dân tộc Thái ở Tiên Kỳ vào hoạt động du lịch công đồng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và níu chân khách du lịch.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Vinh:
Cần kết nối Lễ hội Bươn Xao với các điểm du lịch khác ở Tiên Kỳ nói riêng và Tân Kỳ nói chung
Lễ hội Bươn Xao là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái tại Tiên Kỳ. Cũng do tương đồng (đại đồng) của các lễ hội dân tộc Thái theo lịch đại (trước sau ngày 20/8 ÂL) và đồng đại (diễn ra gần đồng thời trên một không gian rộng lớn của miền Tây Nghệ An) là chủ yếu; còn những phần khác (tiểu dị) không nhiều, thì nên chăng, cần nhân rộng, biến thành lễ hội chung của đồng bào Thái trong "không gian thiêng liêng" (trung tâm là Lễ hội Tiên Kỳ) và "thời gian thiêng" (dịp 30/8 ÂL) chung trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Cùng với việc thờ Lê Lợi, cần đưa nhân vật Trương Hán vào để thờ trong đền như là một đại diện của dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An có công trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi quân xâm lược phương Bắc.
Bên cạnh đó, việc phát huy Lễ hội Bươn Xao vào phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương là điều rất hợp lý. Muốn vậy theo tôi, xã Tiên Kỳ cũng như huyện Tân Kỳ nên có sự kết nối các điểm du lịch ở Tiên Kỳ (các hang động, đền thờ khác, đặc sắc văn hóa của dân tộc Thái…), như trường hợp lễ hội Phu Thay của Đông Bắc Thái Lan.
Công tác thu hút du lịch cộng đồng tại địa phương cũng có thể kết hợp nghi lễ cầu an ở đền (vì đây là ước vọng tâm linh của người đi lễ). Việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước: đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV:
Tiên Kỳ có nhiều triển vọng để phát triển du lịch cộng đồng
Tôi đã có điều kiện đến Tân Kỳ cách đây 2 năm và thấy ở đây có nhiều thế mạnh lớn trong phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng; kể cả du lịch tâm linh.
Về văn hóa, ở Tiên Kỳ 80% bà con nơi đây là dân tộc Thái, còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc liên quan đến đời sống tinh thần như: dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ tết, cưới hỏi,...; văn hóa ẩm thực phong phú, nhà sàn truyền thống với không gian sống mang đậm màu sắc văn hóa của đồng bào Thái. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến thời hậu Lê với Lê Lợi và nghĩa quân.
Về cảnh quan thiên nhiên, Tiên Kỳ có nhiều thắng cảnh đẹp với hệ thống núi đá vôi và hang động hùng vĩ, nên thơ, có hang Mó, hang Hở; khe suối trong mát,... là những điều kiện thiên nhiên phù hợp để xây dựng thành các điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng là rất lớn nhưng ở Tiên Kỳ còn tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch cộng đồng như: Hệ thống giao thông chưa đảm bảo, các điểm du lịch còn nhỏ lẻ chỉ phù hợp với thị trường khách đơn lẻ, mang tính chất du lịch "bụi", các sản phẩm du lịch chưa rõ ràng và đặc sắc, yếu tố tiện nghi còn chưa đáp ứng được,...
Tiên Kỳ nói riêng, Tân Kỳ nói chung nếu muốn mở hướng phát triển du lịch cộng đồng, theo tôi nghĩ cần: Khai thác yếu tố văn hóa Thái, đặc biệt là những đặc sắc trong bản sắc văn hóa của họ để tạo sự khác biệt so với các vùng khác; Cần có chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư của chính quyền đối với các doanh nghiệp, người dân và các nhà nghiên cứu; Tạo cơ hội tiếp cận thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó chính quyền Tân Kỳ cần có chính sách kết nối các doanh nghiệp bằng việc thu hút các tuor Famtrip trải nghiệm và khảo sát thực tế; Về nhân lực, mặc dù thái độ phục vụ của bà con đã rất tốt nhưng cần có tính chuyên nghiệp hơn, tiện nghi, trang thiết bị phục vụ tốt hơn; Chính quyền các cấp cần chú trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông cần được đầu tư nâng cấp; Một giải pháp nữa mà chính quyền Tân Kỳ cần lưu ý đó chính là công tác tuyên truyền và quảng bá. Đến nay, mặc dù hoạt động du lịch ở Tân Kỳ đã diễn ra được mấy năm nhưng còn rất ít người biết đến, ít người được trải nghiệm. Việc quảng bá hiện nay có nhiều cách để thực hiện: Quảng cáo, tờ rơi, ấn phẩm, mạng xã hội, website,... Truyền thông chính là giải pháp quan trọng trong phát triển du lịch mà Tân Kỳ cần chú trọng. Giải pháp được tôi nói trên chính là những giải pháp cơ bản nhất để giải quyết bài toán trong phát triển du lịch cộng đồng tại Tiên Kỳ hiện nay.
Ông Trương Công Thạch - Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ - huyện Tân Kỳ:
Xã Tiên Kỳ nỗ lực xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn
Mặc dù cách xa thị trấn 23km, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua chính quyền và bà con xã Tiên Kỳ đã đồng lòng, nỗ lực xây dựng Tiên Kỳ trở thành điểm du lịch cộng đồng của huyện Tân Kỳ.
Trong kế hoạch phát triển du lịch sắp tới, trước mắt xã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tìm hiểu, nghiên cứu nguồn gốc ra đời của Lễ hội Bươn Xao. Việc xác định nguồn gốc của Lễ hội Bươn Xao không chỉ góp phần khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái, mà còn mở rộng quy mô, chất lượng lễ hội, từ đó đưa Lễ hội trở thành hoạt động văn hóa trung tâm của du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, xã sẽ xây dựng và khai thác các loại hình du lịch như: Du lịch trải nghiệm tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán của người dân bản địa; Du lịch lễ hội, tín ngưỡng; Du lịch sinh thái tham quan các thắng cảnh như núi, hang động, hồ, suối,...; Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần. Các loại hình du lịch đó được khai thác dựa trên những tiềm năng vốn có của xã như: Di tích thành Lê Lợi, hệ thống nhà sàn cổ truyền thống của người Thái, nghề truyền thống dệt thổ cẩm và mây tre đan, hệ thống hang động sinh động, các loại hình văn hóa văn nghệ đặc sắc của dân tộc Thái, ẩm thực phong phú với nhiều món ăn truyền thống ngon và hấp dẫn,...
Để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc xây dựng các điểm, tuor, tuyến du lịch, xã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo cơ sở vật chất, tiện nghi sinh hoạt cho các du khách,... Và hi vọng trong thời gian tới các cấp chính quyền cấp trên quan tâm, hỗ trợ đầu tư để xây dựng Tiên Kỳ trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trịnh Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ:
Xem công tác phát triển du lịch cộng đồng là nhiệm vụ mũi nhọn của huyện Tân Kỳ trong thời gian tới
Thực hiện chủ trương Bảo tồn di sản, phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, huyện Tân Kỳ xem đây là công tác mũi nhọn trong phát triển kinh tế - văn hóa của huyện. Do đó, lãnh đạo huyện đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình tiến tới xây dựng khu du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ.
Để thực hiện chủ trương, huyện đã chỉ đạo xã Tiên Kỳ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết và ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch địa phương; Chỉ đạo xây dựng hệ thống công trình vệ sinh, nhà ở, giao thông đi lại, cảnh quan của xóm làng; Hỗ trợ số tiền 300 triệu cho các hộ gia đình mua sắm các vật dụng để phục vụ hoạt động du lịch như: chăn màn, cồng chiêng... Trong đó, huyện đang gấp rút hoàn thành công tác sửa chữa tuyến đường từ trung tâm huyện về xã Tiên Kỳ, tuy nhiên do điều kiện khó khăn của dịch bệnh covid 19 diễn ra nên hiện nay công tác này đang tạm dừng. Tuy nhiên, huyện Tân Kỳ phấn đấu vào năm 2021 tuyến đường du lịch của xã Tiên Kỳ cơ bản được hoàn thành để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại đây.
Một vấn đề nữa mà huyện kêu gọi các doanh nghiệp, công ty lữ hành đầu tư xây dựng có quy hoạch các điểm du lịch để hình thành các tuor tuyến có sự liên kết với các huyện lân cận như Con Cuông, Tương Dương,... Trong đó, Tân Kỳ lấy điểm mạnh về bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số nơi đây để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch danh lam thắng cảnh, du lịch trải nghiệm, du lịch lễ hội,...
TÒA SOẠN
Thanh Trần
Mở đầu
Dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường trung học phổ thông hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là dư luận xã hội. Dẫu thế nhưng môn Ngữ văn đã và đang mất dần vị thế vốn có của nó. Tình trạng học sinh không còn hứng thú với việc học văn đã trở thành hiện tượng phổ biến, chất lượng học tập giảm sút cũng đã không còn là vấn đề mới chỉ hôm qua. Trong khi đó, Ngữ văn là môn không chỉ quan trọng trong trường học, trong các kỳ thi tốt nghiệp, cao đẳng, đại học mà còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức làm người. Và giáo viên đóng vai trò quan trọng, thổi lên ngọn lửa nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Muốn vậy, "Người thầy là ngọn nến, đốt cháy mình".
Nhưng trên thực tế giảng dạy vì nhiều lý do, giáo viên chúng ta vẫn hay bỏ qua hoặc "làm cho có" việc tạo hứng thú học tập cho học sinh. Điều đó làm cho học sinh thấy học tập môn Ngữ văn là không còn hấp dẫn, lôi cuốn và giờ dạy học văn không đạt hiệu quả cao. Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình giảng dạy, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực, phương pháp, kinh nghiệm và nhiệt huyết, chịu khó thay đổi.
2. Nội dung
2.1. Cơ sở của việc tạo hứng thú học tập cho học sinh qua mỗi tiết dạy học Ngữ văn ở trường THPT
Nghiên cứu về hứng thú, các nhà tâm lý học cho rằng, đây là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống vừa có khả năng mang lại khoái cảm cá nhân trong quá trình hoạt động. Nó được biểu hiện trước hết ở sự tập trung chú ý cao độ, sự say mê hấp dẫn bởi nội dung hoạt động. Mặt khác, hứng thú bao giờ cũng dẫn đến một đối tượng cụ thể hấp dẫn, nó gắn liền với tình cảm con người. Trong bất cứ một công việc gì, nếu có hứng thú làm việc, con người sẽ có cảm giác dễ chịu với hoạt động, làm nảy sinh khát vọng hành động và hành động có sáng tạo. Ngược lại, nếu hứng thú không được thỏa mãn sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực.
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, tạo hứng thú cho học sinh trong giờ dạy Ngữ văn nói lên trình độ giáo dục văn học của nhà trường nói chung và của từng giáo viên nói riêng. Văn học dễ làm say mê người học nếu người dạy tạo được sự hứng thú tự thân nơi người học. Người học văn cảm thụ được cái hay, cái đẹp trong từ ngữ, bố cục, vần điệu… khi có được sự hứng thú tìm hiểu và đưa đến cảm xúc. Cái khó của người dạy văn là làm thế nào truyền được cảm xúc của tác giả đến với người học. Trong nhà trường phổ thông, đối tượng học sinh do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thích tìm hiểu và sáng tạo nhưng chưa có phương pháp đúng để cảm thụ văn học, chưa hiểu rõ cái hay, cái đẹp ẩn chứa trong từng câu thơ, câu văn, chưa có cảm xúc thực sự đồng điệu với cảm xúc của tác giả… Chính những thiếu sót trên, học sinh thường không thích học và đọc văn. Nhiệm vụ của giáo viên dạy văn là phải tạo sự hứng thú, phải khiến cho những từ ngữ khô khan biết nhảy múa, biết vẽ ra những khung cảnh lúc yên bình, lúc dữ dội; phải đưa vào tâm hồn các em những tình cảm yêu, ghét, nhớ nhung, mơ mộng; phải mở ra những cánh cửa từ lâu được khóa chặt bằng sinh hoạt đời thường.
Trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, việc lấy học sinh làm trung tâm, thúc đẩy tư duy học sinh, mở cho các em hướng nghiên cứu và tự mình giải quyết những thắc mắc, những khó khăn trong việc tìm hiểu phân tích, thì người giáo viên không còn giảng giải một cách say sưa khi không có phản hồi từ học sinh, các em được làm quen với những câu hỏi gợi mở, những gợi ý cho một đề tài thảo luận, các em có quyền nêu những nhận xét, những cảm nhận cá nhân về đề tài, về nhân vật, về tác giả… Từ những cảm nhận đôi khi chưa chính xác, gây tranh cãi góp phần rất lớn trong việc điều chỉnh nhận thức, gây hứng thú cho các em và văn học không xa lạ, không "đóng khung trong tháp ngà" mà thật sự gần gũi biết bao…
2.2. Thực trạng của việc tạo hứng thú học tập cho học sinh qua mỗi tiết dạy học Ngữ văn ở trường THPT
Qua thực tế giảng dạy Ngữ văn, chúng tôi thấy rằng: Một là, đa số học sinh chủ yếu học các môn học tự nhiên và được kiểm tra đánh giá dưới nhiều hình thức trắc nghiệm, tư duy số học, mà tư duy logic còn hạn chế, lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí thiếu vắng cảm xúc, thiếu kỹ năng tạo lập văn bản. Đặc biệt, học sinh đang mất dần hứng thú đối với môn học được xem là môn học giáo dục nhân cách con người, môn học làm người! Sẽ không quá khó để chúng ta có thể bắt gặp một hoặc vài em học sinh ngủ gật trong giờ văn; cũng không mấy ngạc nhiên khi nhìn thấy học sinh đem những môn khác ra học lén lút trong giờ văn; càng không khỏi xót xa khi cái cảnh thầy dạy thì cứ dạy, trò ghi ghi chép chép thì cứ ghi ghi chép chép mà tâm hồn thì cứ "treo ngược cành cây", để tâm nơi những quán "Game Internet", một tay ghi bài một tay lướt facebook… vẫn diễn ra trong tiết học không chỉ ngày một ngày hai… Hai là, việc học của học sinh chủ yếu là đối phó. Kiến thức thực tế về văn học của các em còn nghèo nàn, phương pháp học tập còn lúng túng. Do đó, kiến thức văn học các em không nhớ được; kiến thức tiếng Việt các em dùng từ ngữ trong giao tiếp thiếu chính xác. Ba là, đa số giáo viên vẫn còn làm việc quá nhiều, trong một tiết dạy đưa ra khá nhiều thông tin. Điều này dễ đưa các em vào thế bị động ghi nhớ, không tạo điều kiện cho các em độc lập suy nghĩ, sáng tạo. Từ đó dẫn đến sau này đứng trước nhiều vấn đề mới các em bỡ ngỡ, bị động, lúng túng và không có đủ khả năng, bản lĩnh để giải quyết. Một số tiết dạy vẫn còn rập khuôn, máy móc, nó biến giờ học thiếu sự phóng khoáng, trở nên nhạt nhẽo, làm tê liệt sự hào hứng của học sinh. Rồi giáo viên chỉ dùng một phương pháp dạy chủ yếu là thuyết trình, không có sự linh hoạt trong việc kết hợp các phương pháp. Bên cạnh đó là việc sử dụng các giáo án mẫu, thiết kế bài giảng một cách máy móc làm mất đi sự cảm thụ sáng tạo riêng của cá nhân. Bốn là, các cơ sở về chương trình và sách giáo khoa cũng như thực tế dạy và học của nhiều giáo viên - học sinh ở trường THPT nói chung, trên cơ sở tham khảo tài liệu và rút kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy của bản thân, trong 15 năm công tác, chúng tôi đã thực hiện và không ngừng học hỏi, nâng cao việc tạo hứng thú học tập cho học sinh để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Ngữ văn.
Nguyên nhân của thực trạng nói trên có thể có nhiều. Trong đó theo chúng tôi có mấy nguyên nhân chính sau đây:
Một, từ phía học sinh: Thói quen viết lách của học sinh không hoặc ít được trau dồi, rèn luyện. Học sinh không có hứng thú với môn văn, thậm chí xem môn học này là một môn dễ dàng "chém gió" (theo ngôn ngữ của học sinh), không cần học vẫn có thể làm bài được. Một số khác thậm chí còn cho rằng môn văn chẳng áp dụng được gì trong thực tế cả. Học sinh hiện nay có xu hướng thiên về học các môn tự nhiên, xem nhẹ các môn xã hội, trong đó có môn Ngữ văn. Do xu thế của thời đại và định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh. Vốn sống, vốn văn hóa của học sinh còn quá ít ỏi. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh được thực hiện chủ yếu dưới hình thức trắc nghiệm, tư duy số học; cho nên dần dần khả năng lập luận, kỹ năng tạo lập văn bản, cũng như tư duy logic ở học sinh cũng trở nên hạn chế.
Hai, từ phía giáo viên, việc chấm, trả bài cho học sinh chưa thực sự đạt hiệu quả và phát huy tác dụng. Giáo viên chưa tạo được hứng thú học tập cho học sinh qua mỗi giờ văn.
Dựa trên cơ sở tổng hợp các nguyên nhân được tìm hiểu từ phía học sinh, cũng như qua chia sẻ và trao đổi với đồng nghiệp, cùng với ý tưởng khi muốn thực hiện đề tài này, chúng tôi đề ra một số giải pháp khắc phục thực trạng trên thông qua việc dạy học môn Ngữ văn nói chung, qua việc tạo hứng thú học tập cho học sinh nói riêng, để từng bước nâng cao chất lượng bộ môn, đồng thời góp phần phát triển năng lực của học sinh.
2.3. Một số biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh qua mỗi tiết dạy học Ngữ văn ở trường THPT
Xác định rõ tư thế, tâm thế và bản lĩnh sư phạm của người giáo viên trước mỗi giờ lên lớp
Giáo viên là người thắp lên trong mình ngọn lửa của nhiệt huyết và đam mê với nghề. Vì vậy, giáo viên không có tư thế, tâm thế tốt trước và trong tiết dạy của mình, hay nói cách khác là không có hứng thú dạy học, thì làm sao có thể đòi hỏi ở học trò hứng thú học tập. Con người không ai có thể tránh được những cảm xúc vui, buồn, hờn giận, yêu thương, ghét bỏ, lại là giáo viên dạy văn (thường là những người giàu cảm xúc và suy tư), nhưng đã là người mang trên vai trách nhiệm giáo dục không chỉ một thế hệ thì mỗi giáo viên chúng ta cần phải biết tiết chế bản thân mình mỗi giờ lên lớp.
Ngoài tư thế và tâm thế tốt, người giáo viên cần một bản lĩnh sư phạm, bản lĩnh ấy được thể hiện qua trình độ chuyên môn, qua năng lực sư phạm, và khả năng thấu hiểu tâm lý học trò. Muốn có được điều này, bản thân giáo viên một mặt phải thường xuyên trau dồi và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về phương pháp sư phạm. Với mỗi bài học, với mỗi vấn đề, với mỗi đơn vị kiến thức, người giáo viên cần nắm chắc và làm chủ kiến thức của mình. Trước các vấn đề nào đó thuộc về chuyên môn trong tiết dạy của mình, nếu giáo viên có được bản lĩnh thì sẽ khơi gợi được hứng thú học tập nơi học sinh, kích thích được sức sáng tạo dồi dào của các em. Ngược lại, nếu giáo viên tỏ ra lúng túng thì rất dễ dẫn đến tâm lý hoặc là hoài nghi hoặc là chán nản từ phía học sinh, làm cho học sinh mất dần hứng thú với môn học. Bản thân giáo viên không có "lửa" thì làm sao truyền được "lửa" đến cho học sinh?
Mặt khác phải thể hiện được năng lực của giáo viên qua cách thiết kế giáo án; qua cách lựa chọn và sử dụng các phương pháp dạy học, qua sự tinh tế và nhạy bén trước bất cứ một tình huống sư phạm nào có thể xảy ra trong quá trình dạy học; qua khả năng truyền cảm xúc, tạo hứng thú học tập nơi học sinh. Chuẩn bị một giáo án tốt, khoa học; sử dụng các phương pháp dạy học thích hợp với từng đối tượng học sinh, phát huy được tính chủ động sáng tạo nơi các em, truyền được cảm xúc đến các em, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trong tiết học… chắc chắn ít nhiều sẽ tạo được hứng thú học tập của các em. Ngược lại, nếu giáo viên chuẩn bị giáo án không tốt, thiết kế bài dạy không khoa học, thậm chí sử dụng giáo án của người khác, giáo án trên mạng mà chưa có sự thay đổi cho thích hợp với đối tượng học sinh của mình; áp dụng các phương pháp hoặc là không phù hợp hoặc là cũ kĩ không sáng tạo; lúng túng, thiếu tự tin, không thoát ly được giáo án… thì việc học sinh không có hứng thú với môn học cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, giáo viên cần phải có khả năng thấu hiểu tâm lý học sinh: Muốn học sinh thích thú, có hứng thú không chỉ với môn học mà còn với cả người dạy môn học ấy, thì chúng ta phải biết các em thích cái gì, cần cái gì. Không quá khó để chúng ta tìm hiểu những sở thích của học sinh, những điều mà các em cần ở giáo viên của mình. Một giáo viên gần gũi, chân tình trong giảng dạy, trong cuộc sống, trong mối quan hệ với học sinh, sẽ khiến các em tin tưởng và hứng thú với những gì ta nói cho các em nghe (trong đó có môn học mình phụ trách). Ông bà ta đã nói: "Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng". Trong trận chiến đấu tranh với sự ù lì của học sinh (cho phép tôi được dùng cách nói này thay cho việc học sinh không có hứng thú học tập), giáo viên chúng ta sẽ không chiến thắng nếu chúng ta không thấu hiểu tâm lý ấy. Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy học sinh có một sở thích đó là dùng từ, dùng câu theo một phong trào nào đó, như: "Chém gió", "thả thính ", "Vãi l", hay cách chúng viết tiếng Việt, kiểu như: "Chụy k thjk iêm sơn màu đó đâu, sơn màu hường ẹp hơn nhjù" (Chị không thích em sơn màu đó đâu, sơn màu hồng đẹp hơn nhiều) chúng tôi đã tìm hiểu vì sao học sinh sử dụng như thế và với mục đích gì, sau đó trong một số trường hợp cụ thể, chúng tôi cũng sử dụng trong giao tiếp với học sinh. Không ngờ học sinh có những phản ứng thích thú: hóa ra cô cũng biết những từ đó, những "trò" đó. Để rồi chính trong những trường hợp ấy, chúng tôi kết hợp với việc giáo dục học sinh: có nên hay không nên sử dụng như thế, sử dụng lúc nào, khi nào, vì "Lời nói là gương mặt thứ hai của con người" (Theo Ernst G. Bauer - một nhà vật lý người Mỹ gốc Đức).
Thay đổi các phương pháp dạy học
Để dần tạo được hứng thú học tập cho học sinh, giáo viên cần lựa chọn những phương pháp thích hợp và chúng ta cần phải làm mới phương pháp cho mỗi hoạt động trong tiến trình dạy học.
Thứ nhất, giáo viên cần phải đa dạng trong cách thức ở hoạt động khởi động/ hoạt động trải nghiệm/ xác định từ khóa. Đây là hoạt động mở đầu và là một khâu nhỏ trong tiến trình dạy học nhưng giữ vai trò rất quan trọng trong việc huy động kiến thức, kĩ năng đã có, đặc biệt là tạo tâm thế, hứng thú... để tiếp nhận kiến thức, kĩ năng mới. Từ đó sẽ phát huy thực sự được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, trước khi dẫn vào bài mới, giáo viên có thể bắt đầu một tiết học văn bằng các cách sau:
Thể hiện "tài lẻ" của mình, thường là sự thay đổi về giọng nói vùng miền, thể hiện một ca khúc liên quan đến nội dung bài học, ngâm một đoạn thơ trong bài, hay đơn giản chỉ là thay đổi một chút về ngoại hình và trang phục lên lớp kết hợp với đặt câu hỏi cho học sinh suy nghĩ trả lời hay yêu cầu học sinh chia sẻ tài năng của mình (lồng tiếng, kể chuyện, hát, ngâm thơ, vẽ tranh, làm MC,…).
Sử dụng các phương tiện dạy học và đặt câu hỏi, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ với cách thức, thời gian cụ thể. Các phương tiện dạy học (hình ảnh, âm nhạc, vi deo phim tài liệu, phim văn học,…) và câu hỏi cho học sinh trả lời cần phải hướng vào nội dung bài học.
Tổ chức trò chơi bổ ích: câu đố văn học, kể chuyện, giai thoại về nhà văn… Riêng, những tiết trả bài vốn được gọi là khô khan và khó nuốt đối với giáo viên, chúng tôi thường tạo ra một sân chơi, thi đua giữa các đội trong lớp học. Giáo viên đọc mở bài, kết bài viết hay hoặc dở và yêu cầu học sinh thi nhau đoán điểm bài thi, đồng thời phải giải thích vì sao đoán như vậy.
Thứ hai, Kiểm tra - đánh giá là hoạt động cuối cùng của các hoạt động dạy và học. Việc phân loại học sinh để từ đó có hướng bồi dưỡng cho từng đối tượng học sinh, là một việc làm vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng phương pháp và hiệu quả của việc kiểm tra đánh giá. Một câu hỏi khó đến với một học sinh yếu - kém, một câu hỏi dễ đến với một học sinh khá - giỏi, sẽ tạo cho các em tâm lý chán nản, hoặc là xấu hổ, tự ti; hoặc là ỷ lại, tự mãn. Chính vì thế, khi ra đề thi để kiểm tra - đánh giá học sinh, chúng tôi thường để tâm đến việc đảm bảo cho học sinh có thể làm được bài ở từng mức độ khác nhau, từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng thấp, vận dụng cao.
Đặc biệt, trong việc chấm và trả bài kiểm tra cho học sinh, chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình khoa học, nghiêm túc và khách quan. Trong hoạt động chấm bài cho học sinh, tôi rất chú trọng đến việc đánh giá bằng lời phê. Lời phê của giáo viên, nhất là ở môn Ngữ văn, có một vai trò hết sức quan trọng. Đối với riêng tôi, phê như thế nào là cả một nghệ thuật! Nội dung lời phê, và đặc biệt là cách phê của giáo viên có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của các em học sinh. Tác động ấy có khi chỉ là tức thời, nhưng cũng có khi sẽ là mãi mãi, thậm chí nó có thể đi theo và làm thay đổi một cuộc đời! Không cầu kì, không bóng gió, lời phê cần ngắn gọn nhưng có những nhận xét đầy đủ về nội dung, hình thức bài làm, cần có những chỉ dẫn cụ thể kèm theo. Lời phê cũng cần thể hiện sự chân thành, trân trọng những kết quả của các em, dù là nhỏ nhất, để động viên, khích lệ các em, gieo vào lòng các em một niềm tin về khả năng học văn của mình. Ví dụ như: "Em cần rèn luyện thêm về chữ viết và chính tả", "Em cần chú ý hơn trong cách trình bày và sử dụng từ ngữ", "Cô đã thấy được sự tiến bộ trong cách diễn đạt của em ở bài viết này"… Với những lời nhận xét ấy, các em nếu có buồn nhưng cũng không chán nản. Chúng tôi thiết nghĩ, đó cũng là một cách tạo hứng thú cho môn học, một cách giáo dục học sinh! Giáo viên cần đặc biệt tránh ghi những lời phê chung chung, những lời phê không giấu được những bức xúc của mình. Ví dụ như: "Tài liệu!", "Tạm được", "Cẩu thả", "Có biết viết văn không?", "Vớ vẩn", "Quá lười, quá nhác"… Học sinh khi nhận được bài hoàn toàn mơ hồ về khả năng làm văn của mình, lâu dần sẽ hình thành tâm lý chấp nhận và tự bằng lòng với mình. Đó là một điều hết sức nguy hiểm! Bởi ý nghĩa giáo dục trước hết là ở lời phê chứ không phải ở điểm số.
Khi thực hiện hoạt động trả bài cho học sinh, điều chúng tôi quan tâm nhất là làm sao để tạo được hứng thú cho các em đối với môn học. Ngoài việc áp dụng một số ứng dụng của công nghệ thông tin trong giảng dạy như phần mềm Power Point, những hiệu ứng động kèm theo âm thanh sau mỗi câu trả lời đúng hoặc sai của học sinh, chúng tôi còn giúp học sinh nhận ra và nắm được tình hình bài làm của mình, của các bạn trong lớp, của các bạn lớp khác. Những nhận xét, đánh giá của giáo viên về bài làm của học sinh chỉ thực sự có cơ sở và có sức thuyết phục khi chúng ta làm tốt điều này trong khâu trả bài. Chúng tôi đã sử dụng các bảng tổng hợp như: Bảng thống kê và so sánh điểm số cho các lớp trong cùng một bài viết; Bảng thống kê và so sánh điểm số của lớp qua các bài viết lên màn hình để học sinh quan sát và tự biết mình phải làm gì ở những bài viết tiếp theo.
Đặc biệt, để tạo hứng thú cho học sinh trong tiết trả bài, tôi còn trình chiếu trực tiếp bài làm của học sinh trên máy tính kèm những nhận xét khá hài hước, ví dụ như: học sinh viết sai chính tả vì không phân biệt được âm "l" và âm "n", chúng tôi trình chiếu bài làm của học sinh, sau đó tôi khoanh tròn lỗi sai, đưa ra lời nhận xét nhảy nhót trên màn hình "Thế lày là thế lào?", học sinh lập tức hiểu bài viết của mình có vấn đề gì… Một tiếng cười có thể là sảng khoái, có thể là ngượng nghịu nhưng chúng tôi nghĩ, có lẽ cũng đủ để học sinh của mình không thể quên tiết trả bài ngày hôm ấy. Để rồi "mưa dầm thấm lâu", tôi tin rằng môn văn sẽ lấy lại được vị thế vốn có của nó.
2.3.3. Tạo những sân chơi bổ ích sau những giờ học căng thẳng
Không khí dạy - học cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo hứng thú học tập nơi học sinh. Làm thế nào để học sinh không ngủ gật, không lơ đễnh, không làm việc riêng, không lướt facebook, không lén lút học các môn học khác... trong giờ văn? Thay đổi không khí bằng cách tạo nên những sân chơi bổ ích cũng là một giải pháp thông minh và hiệu quả. Một trong những hình thức mà chúng tôi thường tổ chức để tạo nên sân chơi cho các em sau những giờ học căng thẳng, đó là xem video tiểu phẩm, phim văn học, phim tư liệu,… Hình thức này không những giúp các em thư giãn, giải trí, mà còn giúp các em có cơ hội rèn luyện ngôn ngữ, làm giàu vốn sống, ghi nhớ và khắc sâu hơn nội dung bài học, nội dung tác phẩm. Sau khi dạy những bài học về ngôn ngữ như: "Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ", "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", "Đặc điểm loại hình Tiếng Việt", các bài học về phong cách ngôn ngữ (SGK Ngữ văn 10, 11, 12), tôi cho các em xem các tiểu phẩm của chương trình "Trong sáng cùng Tiếng Việt" trên kênh truyền hình HTV7 - Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, mà ở đó có những câu chuyện về việc sử dụng Tiếng Việt: Sử dụng dấu câu, sử dụng tiếng lóng, cách phát âm, cách phân biệt từ - tiếng - cụm từ, ngôn ngữ thời hiện đại, chữ Quốc ngữ có từ bao giờ,…. Cuối mỗi tiểu phẩm đều có ý kiến đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực ngôn ngữ. Để rồi từ những câu chuyện ấy, học sinh rút ra cho mình bài học về cách nghĩ, cách sống, nhất là cách sử dụng tiếng mẹ đẻ cho đúng, cho hay, góp phần làm giàu và đẹp cho ngôn ngữ nước nhà.
Hay như khi dạy các tác phẩm văn học, sau quá trình đọc - hiểu văn bản, chúng ta cho các em xem những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm ấy, mà bộ phim "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc sản xuất năm 1961, được chính tay nhà văn Tô Hoài biên kịch, là một ví dụ. Học sinh của tôi thực sự hứng thú khi được trực tiếp "mục sở thị" (nhìn thấy tận mắt) hình ảnh người Mông, hình ảnh những chiếc váy hoa, hình ảnh hoa ban của mùa xuân núi rừng Tây Bắc, hình ảnh cô Mị "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa"… là như thế nào, để rồi các em có những so sánh với chính sự tưởng tượng của mình khi chỉ được đọc tác phẩm một cách đơn thuần. Nhưng hiệu quả của việc làm này làm tôi bất ngờ hơn cả, đó là việc học sinh nhận xét về bộ phim trong sự đối sánh với nguyên mẫu tác phẩm. Các em thật sự rất tinh tế khi phát hiện "một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng" trong căn buồng Mị nằm, đã không được thể hiện trong bộ phim. Các em bảo ô cửa sổ trong bộ phim "to" hơn nhiều! Và tôi chắc chắn một điều rằng, chi tiết này sẽ không bị học sinh bỏ sót khi làm bài viết về tác phẩm cũng như về cuộc đời cô Mị.
Một sân chơi khác cũng không kém phần thú vị nếu không muốn nói là thật sự bổ ích, đó là tổ chức các giờ, các buổi ngoại khóa - chuyên đề với quy mô lớn, nhỏ tùy mục đích. Trong các buổi ngoại khóa ấy, giáo viên kết hợp với nhau và kết hợp với học sinh tổ chức các phần thi như: "Kiến thức văn học", "Cảm thụ văn học", "Đọc thơ vẽ tranh", "Hóa thân nhân vật", "Văn nghệ",… Học sinh thật sự hứng thú khi các em được thể hiện mình trên sân khấu, trước thầy cô, trước các bạn đồng trang lứa, những năng lực của mình: năng lực tư duy, năng lực cảm thụ tác phẩm, năng lực hội họa, diễn xuất, múa - hát…
Trong việc tổ chức những hoạt động trên, giáo viên đã góp phần nâng cao vốn sống, vốn văn hóa cho học sinh qua mỗi bài học, mỗi câu chuyện trong các tác phẩm văn học cũng như trong thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, giáo viên cần đồng hành cùng học sinh từ khâu lên kế hoạch, tập luyện, đến khi diễn ra sự kiện, nếu có thể, chúng ta hãy tham gia vào một số tiết mục của các em. Học sinh từ đó sẽ có cảm nhận các em được tôn trọng, được tin tưởng, sẽ trở nên tự tin hơn vào khả năng của mình. Đó cũng là cơ hội để giáo viên chúng ta gần hơn với học sinh, hiểu học sinh hơn, và yêu nghề hơn.
3. Kết luận
Phải nói một điều rằng, kết quả của việc tạo hứng thú học tập cho học sinh THPT qua mỗi tiết dạy học Ngữ văn, đôi khi không được thể hiện chính xác bằng số liệu. Bởi ít nhiều vấn đề này vẫn thuộc về phạm trù tâm lý, tình cảm, sự hứng khởi. Chỉ cần học sinh từ việc không nhớ được chi tiết tác phẩm đến việc có thể tóm tắt được văn bản tác phẩm; chỉ cần học sinh từ việc không mấy mặn mà với môn học đến việc có thể giơ tay phát biểu xây dựng bài, đối với chúng tôi, đó đã là một thành công! Chưa làm cho học sinh giỏi văn hơn nhưng cũng đã làm cho chúng hứng thú hơn, yêu cô, yêu văn hơn. Điều đó không chỉ tạo hứng thú học tập nơi học sinh mà còn tạo hứng thú dạy học nơi giáo viên, chúng ta sẽ cảm thấy yêu nghề hơn, nỗ lực và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người.
Tài liệu tham khảo
1. Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán (2001), Phương pháp dạy học Tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006, 2007, 2008), Sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn lớp 10, 11, 12 (cơ bản và nâng cao), NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Kỷ yếu "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam", NXB Đại học Sư phạm - 2012.
4. Phan Trọng Luận, Trương Dĩnh, Nguyễn Thanh Hùng, Trần Thế Phiệt (2005), Phương pháp dạy học Văn, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
* Trao giải Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An năm 2020
Tối 25/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020.
Được tổ chức 3 năm một lần, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ năm nay vinh danh 55 công trình, gồm: 1 giải Đặc biệt, 12 giải Nhất, 6 giải Nhì, 14 giải Ba và 22 giải Khuyến khích thuộc các lĩnh vực: Y tế, Công nghiệp, Nông nghiệp, Công nghệ Thông tin, Tiểu thủ công nghiệp, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Tổng số tiền thưởng hơn 1,147 tỷ đồng.
Giải Đặc biệt được trao cho công trình Đài Truyền hình 4.0 - Gostudio của tác giả Nghiêm Tiến Viễn và các cộng sự.
Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An năm 2020 cũng đã trao giải cho 10 dự án xuất sắc, gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. Giải Nhất được trao cho Dự án Chanh Thiên Nhẫn - Hành trình theo dấu chân Người của tác giả Đặng Văn Hóa (HTX chanh Nam Kim). Các sản phẩm, dự án khởi nghiệp dự thi năm nay có tính khả thi, tính sáng tạo, dần tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại buổi lễ, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc lời phát động Giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2020 - 2023.
Hồ Thủy
* Hội thảo khoa học: "Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An
Sáng 26-9, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 - 30/9/2020), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An".
Hội thảo đã tập trung làm rõ: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nữ cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; Tấm gương người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và Nguyễn Thị Minh Khai - người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là biểu tượng hết sức cao đẹp và tiêu biểu về tinh thần anh dũng, bất khuất trong đấu tranh dành độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Trước khi diễn ra Hội thảo, đoàn đại biểu đã đến Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai dâng hoa, dâng hương, thành kính tưởng nhớ và tri ân.
Linh Nhi
* Hội thảo khoa học "Tính cách Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay"
Sáng ngày 15/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Khoa học "Tính cách Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay".
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ vấn đề: (1) Nhận diện lại những nét tính cách nổi trội của người Nghệ, đánh giá giá trị của những nét tính cách đó trong điều kiện hiện nay. (2) Xác định những biến đổi trong tính cách của người Nghệ và những yêu tố tác động làm biến đổi những tính cách đó, trên cơ sở đó chỉ ra những biến đổi tích cực và tiêu cực. (3) Từ việc phân tích, đánh giá, chỉ ra những ưu và nhược điểm của tính cách Nghệ trong quá trình biến đổi, đề xuất những giải pháp đồng bộ và căn bản để phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu nhằm bảo tồn các giá trị tốt đẹp của người Nghệ, làm cho người Nghệ ngày càng thích nghi, phù hợp với điều kiện mới.
Thảo luận tại Hội thảo, ngoài việc chỉ ra những đặc trưng trong tính cách người Nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp đồng bộ và căn bản để phát huy điểm mạnh, khắc chế, hạn chế điểm yếu trong tính cách người Nghệ, để không chỉ bảo tồn các giá trị tốt đẹp của người Nghệ, mà còn góp phần xây dựng người Nghệ phù hợp theo hướng hiện đại, chuẩn mực, văn minh.
Sau Hội thảo, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục thu nhận ý kiến, nhận xét của các học giả, chuyên gia ngoài Nghệ An nhưng có vốn hiểu biết sâu sắc về con người và văn hóa xứ Nghệ, để xây dựng chiến lược phát triển con người Nghệ mới, vừa giữ cốt cách tinh hoa cũ vừa có những phẩm chất hiện đại.
Hồ Thủy
* UBND tỉnh thông qua Đề án "Nghiên cứu KHXH&NV phục vụ phát triển nhanh và bền vững ở Nghệ An giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030"
Chiều ngày 24/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức nghe và thông qua Đề án "Nghiên cứu KHXH&NV phục vụ phát triển nhanh và bền vững ở Nghệ An giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030".
Mục tiêu của Đề án là cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập ở Nghệ An; Xác định các nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về khoa học xã hội và nhân văn trọng điểm; Đề xuất các giải pháp phát triển lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Đề án gồm 3 phần: Phần thứ nhất: Đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và phát triển KHXH&NV ở Nghệ An giai đoạn 2008-2020; Phần thứ hai: Định hướng nghiên cứu KHXH&NV ở Nghệ An giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030; Phần thứ ba: Tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở góp ý của các Sở, ngành, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh giao cho ngành khoa học và công nghệ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh Đề án để trình Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian tới.
Hồ Thủy
* Công bố Quyết định công nhận bổ sung Chỉ dẫn địa lý "Vinh" đối với sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An và hướng dẫn cấp quyền sử dụng
Chiều ngày 17/9, tại UBND huyện Anh Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo "Công bố Quyết định công nhận bổ sung Chỉ dẫn địa lý "Vinh" đối với sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An và hướng dẫn cấp quyền sử dụng".
Tại Hội thảo, thừa ủy quyền của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN đã công bố Quyết định số 5004/QĐ-SHTT ngày 16 tháng 10 năm 2019 về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam quả của Nghệ An. Theo đó, Chỉ dẫn địa lý "Vinh" đối với sản phẩm cam quả bổ sung thêm giống cam V2, trở thành một trong 4 giống nằm trong Chỉ dẫn gồm: Cam Xã Đoài, Sông Con, Vân Du và V2 (valenxia)…. Ngoài ra, vùng chỉ dẫn địa lý từ 5 huyện và 12 xã, được mở rộng lên 73 xã của 10/21 huyện, thành, thị xã (cụ thể: huyện Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn và Con Cuông), nâng tổng diện tích cam Vinh toàn tỉnh lên 6.896,06ha.
Hội thảo cũng đã trao Giấy chứng nhận Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Vinh" cho sản phẩm cam quả nằm trong vùng được mở rộng chỉ dẫn địa lý cho 4 hộ dân đại diện.
Hồ Thủy
* Nghệ An: Trao giải cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ IV năm 2020
Hưởng ứng Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo của thanh thiếu niên, Ban thường vụ tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ IV Nghệ An năm 2020".
Kết quả , Ban tổ chức đã chọn ra được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Trong đó giải Nhất là Dự án "Trồng chăm sóc và bảo tồn các giống sen quý, khai thác chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen, phát triển các sản phẩm từ cây sen, phát triển các sản phẩm du lịch từ cây sen dựa trên những giá trị của địa phương" của tác giả Phạm Kim Tiến.
Huy Khánh
* Giao ban hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện năm 2020
Sáng ngày 18/9/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức giao ban Hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện năm 2020 và bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN cấp huyện tại huyện Anh Sơn.
9 tháng đầu năm 2020, hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện đạt được kết quả đáng ghi nhận: triển khai 27 mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&CN; xây dựng được trên 178 mô hình, tập trung trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ; Phối hợp với các địa phương tổ chức được 29 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật cho 13.000 lượt người tham gia; tổ chức được 46 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 4.542 lượt cơ sở; Thông tin KHCN cơ sở được tăng cường phổ biến các tiến bộ KHKT trên địa bàn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, hoạt động KH&CN cấp huyện còn bộc lộ một số hạn chế.
Tại Hội nghị các đại biểu thảo luận về kết quả và định hướng phát triển KHCN trong thời gian tới. Đồng thời các địa phương cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình, thực hiện các dự án, đề tài đạt hiệu quả.
Hoàng Anh
* Giới thiệu sách: Bài ca hữu nghị Việt Nam - Lào
Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2045 - 2/9/2020), 45 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975 - 2/12/2020), Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản cuốn sách "Bài ca hữu nghị Việt Nam - Lào". Sách do tác giả Trần Kim Đôn sưu tầm, tuyển chọn và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đặt hàng.
Bài ca hữu nghị Việt Nam - Lào được chia làm hai phần: Phần I: Thơ; Phần II: Nhạc; gồm 280 trang, khổ 16x24cm, bìa cứng, trình bày trang nhã, đẹp mắt.
Cuốn sách tập hợp những bài thơ, bài hát đi cùng năm tháng, ngợi ca tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào của các tác giả là nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam, Lào; của các chiến sĩ quân tình nguyện, chuyên gia nhiều gắn bó, kỷ niệm sâu sắc trong chiến đấu, công tác tại nước bạn Lào; của các cán bộ, nhà giáo, doanh nhân yêu mến đất nước Lào tươi đẹp.
Phạm Thị Hằng
Tác giả bài viết: article?img id=2167339
Ý kiến bạn đọc