Nghiên cứu tạo các tổ hợp lai giữa lợn nái Landrace và Yorkshire nhập khẩu từ Đan Mạch với một số lợn đực giống ngoại trong nước

Chủ nhật - 24/04/2022 22:33 0

Ở Việt Nam, mặc dù ngành chăn nuôi lợn đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, song giá thành sản xuất lợn thịt thương phẩm ở hiện nay còn rất cao, đã hạn chế khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu. Thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ của chính phủ Đan Mạch, nguồn gen giống lợn Yorkshire, Landrace có tiềm năng di truyền cao đã được nhập khẩu về Việt Nam.

Đây là nguồn gen có tiềm năng di truyền rất cao cả về sinh sản (28 - 30 lợn con cai sữa/nái/năm) và sinh trưởng (tăng trọng >900gr/ngày và tiêu tốn thức 59%). Tuy nhiên, trong môi trường khí hậu nhiệt đới, hệ thống chuồng trại hở, nguồn thức ăn, quản lý dịch bệnh hay điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật như ở Việt Nam, liệu nguồn gen này có thể duy trì được năng suất cao như nguyên gốc ở môi trường khí hậu ôn đới (Bắc Âu) và các điều kiện kỹ thuật, quản lý hoàn hảo như ở Đan Mạch hay không. Do vậy, công tác nghiên cứu chọn lọc, ổn định các đặc tính di truyền tốt trong môi trường khí hậu nóng ở Việt Nam là rất cần thiết đối với nguồn gen này. Đồng thời, cùng với việc nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng, quy trình nuôi dưỡng hợp lý, việc phối hợp nguồn gen Yorkshire, Landrace này với các giống Pietrain, Duroc ra sao để có được tổ hợp lai thương phẩm cho năng suất và chất lượng thịt cao, giá thành sản xuất hạ, cạnh tranh được với sản phẩm thịt nhập nội cũng là vấn đề rất cần phải nghiên cứu.

Nhằm chọn lọc, ổn định các đặc tính di truyền của nguồn gen nhập khẩu từ Đan Mạch; đồng thời tạo được tổ hợp nái lai tổng hợp, tổ hợp lai thương phẩm có năng suất và chất lượng thịt cao phục vụ khu vực chăn nuôi công nghiệp, nhóm đề tài Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do TS. Nguyễn Hữu Tỉnh đứng đầu đã tiến hành đề tài: Nghiên cứu tạo các tổ hợp lai giữa lợn nái Landrace và Yorkshire nhập khẩu từ Đan Mạch với một số lợn đực giống ngoại trong nước”.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra được các kết quả như sau:

1. Sau ba thế hệ, đàn lợn giống có nguồn gốc nhập khẩu từ Đan Mạch đã được chọn lọc, duy trì đàn hạt nhân với quy mô 21 đực và 102 nái Yorkshire; 22 đực và 104 nái Landrace tại ba cơ sở giống và thích nghi dần với điều kiện khí hậu, điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam, với các chỉ tiêu sinh sản tương ứng hai giống như sau:

- Số con đẻ ra: 14,03 -14,90 con/ổ, tương tương 90,1 - 97,5% so với tại Đan Mạch

- Số con sống: 12,50 -13,39 con/ổ, tương đương 91,2 - 96,3% so với tại Đan Mạch

- Số con cai sữa: 11,65 -12,67 con/ổ, tương đương 85,5 - 95,1% so với tại Đan Mạch

- Số cai sữa/nái: 26,7 - 29,1 con/nái/năm, tương ứng 84,2 -88,5% so với tại Đan Mạch

2. Đàn nái bố mẹ lai giữa hai giống Yorkshire và Landrace nguồn gốc nhập khẩu từ Đan Mạch không có sự khác biệt về năng suất sinh sản giữa hai tổ hợp lai chéo (YL và LY), với năng suất sinh sản như sau:

- Số con sơ sinh sống/ổ: 13,1 con/ổ cao hơn 6,7% so với đàn giống thuần

- Số con cai sữa/ổ: 12,3 con/ổ, cao hơn 6,0% so với đàn giống thuần

- Khối lượng cai sữa/ổ: 80,2 kg/ổ, cao hơn 4,4% so với đàn giống thuần

- Số lứa đẻ/nái/năm: 2,31 lứa/nái/năm

- Số con cai sữa/nái/năm: 28,4 con/năm, cao hơn 3% so với đàn giống thuần.

3. Đối với đàn lợn thương phẩm lai giữa ba giống Duroc, Yorkshire và Landrace đều có nguồn gốc nhập khẩu từ Đan Mạch, năng suất như sau:

- Sinh trưởng đạt 960 - 977 gam/ngày

- Dày mỡ lưng từ 10,4 - 10,7 mm

- Dày thăn thịt từ 57,5 - 58,5 mm

- Tỷ lệ nạc từ 60,9 - 61,3%

4. Đối với đàn lợn thương phẩm lai giữa bốn giống Pietrain, Duroc, Yorkshire và Landrace có nguồn gốc nhập khẩu từ Đan Mạch, năng suất như sau:

- Sinh trưởng đạt 917 - 941 gam/ngày

- Dày mỡ lưng từ 10,3 - 10,7 mm

- Dày thăn thịt từ 57,0 - 58,1 mm

- Tỷ lệ nạc từ 60,9 - 61,2%

5. Về các giải pháp dinh dưỡng:

- Việc điều chỉnh mức ăn cho lợn nái mang thai từ 2,13 - 2,81 kg/con ngày dựa vào độ dày mỡ lưng đã cải thiện 3,6% số con đẻ ra/ổ; 1,6% số con sống/ổ và 2,5% số con cai sữa/ổ.

 - Việc bổ sung 3% hoặc 5% dầu vào khẩu phần thức ăn cho lợn nái nuôi con đều làm tăng thu nhận thức ăn của lợn nái, tăng số con cai sữa/ổ, khối lượng cai sữa/con

- Việc bổ sung khoáng (cao hơn 1,25 lần so với khuyến cáo Đan Mạch), đồng kết hợp bổ sung vitamin (cao hơn gấp 1,5 lần so với khuyến cao Đan Mạch) trong khẩu phần lợn nái mang thai đã cải thiện 4,8% số con sống/ổ; 5,9% số con cai sữa/ổ; tăng 5,2% khối lượng sơ sinh của lợn con và 3,5% khối lượng cai sữa/con ở đàn lợn nái Yorkshire và Landrace nguồn gốc Đan Mạch.

Nhóm đề tài kiến nghị, cần tiếp tục chọn lọc và phát triển thành hai dòng mẹ (siêu sinh sản) để lai tạo với các nguồn gen khác (cùng giống) và sử dụng ưu thế lai trong sản xuất các dòng bố mẹ cung cấp cho sản xuất. Cho phép triển khai dự án khuyến nông nhằm phát triển các mô hình chăn nuôi lợn nái bố mẹ YL và LY có nguồn gốc từ Đan Mạch và ứng dụng quy trình nuôi dưỡng đã được nghiên cứu trong đề tài này.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17207/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (TH)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây