Bài học kinh nghiệm về phát triển dịch vụ logistics cho Nghệ An

Thứ hai - 31/01/2022 21:47 0
Thị trường dịch vụ logistics Nghệ An tuy đã bước đầu gặt hái được nhiều thành công nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng đang sẵn có. Các doanh nghiệp hoạt động logistics thì có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Chất lượng dịch vụ logistics chưa cao nhưng mức chi phí logistics lại rất cao. Tổng chi phí logistics trên doanh thu trung bình năm 2019 là khoảng 21,9%. Mức chi phí cho các hoạt động logistics trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và thị phần logistics của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tác động cũng không nhỏ đến sản xuất và lưu thông hàng hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế Nghệ An. Logistics được xác định là một lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, cần phát triển vì Nghệ An là tỉnh có lợi thế về liên kết giao thông. Định hướng chung là hình thành dịch vụ trọn gói 3PL, phát triển logistics điện tử cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện.
Mục tiêu phát triển của Nghệ An với những mục tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5% - 10,5%; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng (tương đương 3.500 USD); kim nghạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1.765 tỷ USD; thu ngân sách đến năm 2025 đạt 26.000 - 30.000 tỷ đồng… Căn cứ vào đặc thù của tỉnh Nghệ An; căn cứ vào mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Nghệ An; căn cứ vào bài học kinh nghiệm được rút ra từ các quốc gia Thái Lan, Singapore, Nhật Bản các tỉnh Đà Nẵng, Thanh Hoá và Hà Tĩnh là các phương lân cận có đặc điểm tương đồng với Nghệ An… nhóm nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm về phát triển dịch vụ logistics, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương như sau:
1. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trong phạm vi quốc gia, về môi trường đầu tư kinh doanh, trong những năm qua, chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An đã được cải thiện tích cực. Chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh Nghệ An dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ, đứng thứ 18 cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2018. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An. Kết quả vị trí thứ hạng PCI đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư.
Trong thời gian tới, Nghệ An muốn thực sự trở thành một điểm sáng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thì Nghệ An cần cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên các chỉ số thành phần, gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự…

Để thực hiện được điều đó đòi hỏi Chính quyền tỉnh Nghệ An ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Nghệ An. Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An ban hành những quy định cụ thể về quản lý, vận hành giao thông vận tải, cảng biển, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế... Trong đó đặc biệt các quy hoạch về giao thông vận tải, cảng biển, vận tải biển, vận tải đường bộ, đường thủy, các cảng cạn, khu công nghiệp logistics… Ngoài ra, Nghệ An cần nghiên cứu kỹ các điều ước quốc tế về giao thông vận tải mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, như các các cam kêt trong WTO, Hiệp định ASEAN, Hiệp định về Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng, hiệp định song biên và đa biên với các nước láng giềng trong lĩnh vực vận tải đa phương thưc, vận tải quá cảnh, và vận tải qua biên giới… để Nghệ An bắt kịp xu thê hội nhập của đất nước với thế giới. Các Hiệp định và cam kết này Nghệ An cần phổ biến và hướng dẫn kip thời tới các doanh nghiệp giao thông vận tải và các nhà cung cấp dịch vụ logistics của các chính sách phát triển vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cần có ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp vận tải và cung cấp dịch vụ logistics tại địa phương.
2. Đầu tư vào hạ tầng logistics đồng bộ
Để tăng năng lực cạnh tranh ngành logistics của tỉnh, đảm bảo tham gia vào chuỗi cung ứng của cả nước, hướng tới tham gia vào hệ thống logistics khu vực và thế giới, Nghệ An cần quan tâm các yếu tố chính tác động đến năng lực phát triển logistics, đó chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội bộ. Đồng thời chú trọng hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng thương mại điện tử; xây dựng các trung tâm logistics; hạ tầng công nghệ…
Trong khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được phê duyệt vào tháng 6/2020, Nghệ An cần chú trọng đưa ra giải pháp định hướng tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh. Nghệ An cần sớm ban hành chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của tỉnh gắn với sự phát triển chung của Bắc Trung Bộ, tránh việc chỉ hướng đến đặc thù của Nghệ An trong kế hoạch hành động; Đặc biệt, UBND Tỉnh định hướng các giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào hạ tầng logistics, trước mắt đề xuất đẩy mạnh hợp tác công tư đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông như cách UBND Tỉnh Hà tĩnh hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
3. Quan tâm đầu tư cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics
Để đầu tư cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn, Nghệ An cần phát triển số lượng doanh nghiệp và loại hình dịch vụ logistics. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh được khảo sát, phương thức cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba – 3PL đang được xác định là chưa phổ biến và cần phát triển mạnh trong thời gian tới. Hướng đi của việc hỗ trợ dịch vụ 3PL, trước mắt, là tăng cường hợp tác với các đối tác lớn trong nước và các doanh nghiệp logistics nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, Nghệ An cần khuyến khích các doanh nghiệp logistics áp dụng dữ liệu thương mại tiêu chuẩn hóa, chứng từ điện tử khi làm thủ tục thông quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc; xúc tiến việc sử dụng nhận dạng bằng tần số radio để tạo thuận lợi cho việc sữ dụng nó giữa các địa phương, giữa các quốc gia trong thương mại và hải quan, tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử qua biên giới, chia sẻ thông tin, thanh toán và chữ ký bằng điện tử. Đây là một bài học kinh nghiệm mà Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã thực hiện để tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường dịch vụ logistics
Bài học kinh nghiệm từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, cần có một sự tiếp cận phù hợp, gắn với đặc thù phát triển. Trung Quốc đề ra kế hoạch xây dựng hệ thống logistics hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu suất khai thác và mở rộng hệ thống logistics thương mại điện tử đến các khu vực nông thôn. Kế hoạch bao gồm các dự án: tiêu chuẩn hóa dịch vụ logistics thương mại điện tử, dịch vụ thương mại điện tử tại các khu vực nông thôn, chuỗi logistics lạnh và logistics thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, Nghệ An cần lấy việc (i) xây dựng các dự báo nguồn hàng, dự báo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin về nguồn cung và nhu cầu lao động trong ngành logistics, các xu hướng dự báo sẽ tác động đến tiêu chuẩn kỹ năng nghề; (ii) đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa về việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài theo hướng chuyên môn hóa, phân công lao động hợp lý trong chuỗi cung ứng chính là hướng đi tốt để nâng cao hiệu quả của thị trường dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 
5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động tại thị trường nhân lực logistics
Cũng giống như tình trạng nhân lực logistics chung của cả nước, nguồn nhân lực logistics của Nghệ An thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Logistics có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng Nghệ An không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty logistics lớn, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân lực hiện tại chủ yếu là do doanh nghiệp đào tạo hoặc người lao động tự đào tạo, chứ chưa được qua trường lớp bài bản, chưa qua các khoá đào tạo chính thức…
Nghệ An là địa phương rất thuận lợi khi có nguồn nhân lực trẻ và các cơ sở đào tạo rất lớn, đặc biệt là Đại học Vinh và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, trường Đại học kinh tế Nghệ An, trường Đại học công nghiệp Vinh, trường Đại học công nghệ Vạn Xuân, trường Đại học Điện lực (cơ sở Nghệ An)…và hơn 16 trường cao đẳng các chuyên ngành. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Nghệ An xây dựng chương trình đạo tạo chuyên ngành về logistics. Bài học kinh nghiệm cho Nghệ An là cần chủ động xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực cho ngành logistics như cách UBND Đà Nẵng đã thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng trên tinh thần dự báo cung - cầu được đáp ứng tối đa.
6. Ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ trong hoạt động logistics
So sánh chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tại bảng xếp hạng ICT Index 2020 5 nhóm chỉ số về: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến và đánh giá về công nghiệp công nghệ thông tin của địa phương đã cho thấy Nghệ An cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện các nhóm chỉ số, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, vai trò hạ tầng thông tin hiện đại tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển mạnh khi có tới 83% người dân mua hàng trực tuyến trên mạng cùng với quá trình thông quan điện tử được diễn ra hoàn toàn thuận lợi đã tạo điều kiện để quá trình thông quan xuất khẩu nhập khẩu diễn ra nhanh giảm thiểu thời gian cung ứng hàng hóa. Những tiền đề cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại tạo điều kiện cho ngành logistics của Nhật ngày càng phát triển mạnh và có đủ năng lực mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ ra toàn thế giới.
Bài học từ Thái Lan cho thấy, việc chủ động xây dựng hệ thống mạng lưới E-logistics, nâng cao hiệu quả trong hoạt động dịch vụ logistics. Nền tảng E-logistics liên kết các doanh nghiệp sản xuất; các nhà cung cấp dịch vụ logistics; các công ty giao nhận vận tải; các trạm, ga, sân bay, bến cảng; các ngân hàng và thể chế tài chính và các cơ quan trực thuộc Chính phủ; áp dụng các giải pháp B2B và B2G cho mọi hoạt động thương mại và logistics, triển khai các giao dịch liên quan đến hải quan điện tử (e-custom), đăng ký giấy phép trực tuyến (e-license), cảng điện tử (e-port).
Bài học về xây dựng chính sách và thay đổi tư duy của Singapore cho thấy, Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia vào năm 1989, có thể số hóa và sắp xếp hợp lý các quy trình phê duyệt giấy phép thương mại. Với hơn 35 cơ quan chức năng trên nền tảng này, Chính phủ đã thay đổi tư duy từ “kiểm soát” sang “tạo thuận lợi” cho thương mại, khiến việc phê duyệt chính sách với một văn bản điện tử chỉ trong vài phút. Cơ chế một cửa này hiện đang được nâng cấp nhằm tích hợp nhiều giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể vào một nền tảng kỹ thuật số duy nhất, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
7. Tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến về logistics
Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chính sách và cam kết đồng hành với nhà đầu tư thông qua “hai đồng hành” và “ba cam kết” một cách nhất quán. Đà Nẵng đã xây cho mình một chiến lược thương hiệu riêng với chiến lược thu hút đầu tư khoa học và bài bản. Việc xếp thứ 5 toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, địa phương duy nhất vùng duyên hải miền Trung thuộc nhóm “Rất tốt” thể hiện năng lực điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Mặc dù Nghệ An đã thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong việc thu hút đầu tư thông qua cam kết phục vụ các nhà đầu tư trên tinh thần "chính quyền kiến tạo và phục vụ”; tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền về kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực logistics cần được cụ thể hóa gắn với các cam kết cụ thể để có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư.
8. Mở rộng hợp tác quốc tế về logistics
Tham gia sâu rộng hơn và việc kết nối logistics hành lang kinh tế Đông Tây (Việt Nam, Lào, Thái Lan). Hợp tác trên các hướng đi mới như chuỗi cung ứng trong nông sản, các kho đông lạnh được xem là các xu hướng phát triển. Hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, trao đổi kỹ năng quản lý vận tải đa phương thức, logistics thông minh, tự động hóa và công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả của đầu tư nước ngoài và lĩnh vực vận tải và kho bãi tại Nghệ An. Đây chính là việc đón đầu cho việc hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động và thị trường thương mại điện tử sẽ có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian tới./.
Hồng Minh

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây