Hiệu quả liên kết sản xuất nông nghiệp ở Diễn châu

Thứ tư - 30/03/2022 21:58 0
Là một huyện thuần nông ven biển của tỉnh Nghệ An, Diễn Châu có diện tích đất nông, lâm, ngư nghiệp hơn 24.000 ha, trong đó có 9.200 ha lúa, 7.200 ha rừng và 3.800 ha đất màu. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là 12 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Diễn Châu đã bứt phá vươn lên làm cuộc “cách mạng xanh” trên đồng ruộng, liên kết “4 nhà” để xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa, chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, cung cấp vật tư, phân bón, thóc giống, cây giống, nước tưới và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch.
Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng về cơ sở mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT, giải ngân cho hộ nghèo vay vốn, cung ứng vật tư, phân bón, thóc giống, nước tưới. Chỉ tính riêng công ty vật tư nông nghiệp, trạm giống cây trồng huyện mỗi năm cung ứng cho 63 HTX nông nghiệp hơn 10.000 tấn vật tư phân bón, 460 tấn thóc giống, hạt giống. Toàn huyện có hơn 80.000 hội viên nông dân và xã viên HTX nông nghiệp, thì đã có hơn 70% số hội viên, xã viên được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, kiến thức khoa học, công nghệ, giúp hội viên, xã viên sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống. Hàng năm, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hành nông nghiệp PTNT, giải ngân cho hộ nghèo, gia đình chính sách vay mỗi xã từ 2-5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, làm thương mại, dịch vụ. Được đào tạo nghề, cho vay vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT giúp cho hàng nghìn nông dân vươn lên, sản xuất kinh doanh giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hội viên nông dân xã viên HTX nông nghiệp, xây dựng được mô hình cánh đồng cho thu nhập cao, gieo trồng các loại giống lúa năng suất cao như Thái xuyên 111, AC5, nếp 97, Long hương, lạc L14, L23, Sen lai thắt Nghệ An, đạt năng suất lúa 72 tạ/ha, lạc 36 tạ/ha/vụ. Đến vụ xuân năm 2022, toàn huyện đã xây dựng được 7.500 ha cánh đồng thu nhập từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha. Huyện có đồng màu trồng rau sạch và nhà lưới để trồng rau, củ, quả nhiều nhất tỉnh, với hơn 2.500 ha rau và 40 nhà lưới. Diện tích gieo cấy mỗi cánh đồng một loại giống lúa hơn 8.000 ha.


Với một huyện có bề dày thâm canh cây trồng, vật nuôi đạt năng suất cao nhất tỉnh, sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp phong phú. Nhiều sản phẩm được cả nước biết đến như gạo AC5, nước mắn cốt vạn phần, tôm nõn khô, sứa cá đông lạnh, gà đồi Phủ Diễn. UBND huyện Diễn Châu tăng cường liên kết các doanh nghiệp, nhà máy, các tỉnh trong Nam ngoài Bắc để tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc HTX nông nghiệp Diễn Liên, Võ Văn Giáp cho biết: “Diễn Liên là xã thuần nông, cây lúa xưa nay vẫn là cây trồng chính của bàcon nông dân, với diện tích 430 ha lúa. Trong 15 năm qua, Ban quản lý HTX đã liên kết với công ty giống lúa Vĩnh Hòa, có trụ sở ở xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) để sản xuất giống lúa AC5, mỗi năm cung ứng cho công ty Vĩnh Hòa hơn 300 tấn thóc giống. Số thóc còn lại được tư thương đến tận ruộng để mua xay xát trở thành gạo ngon AC5 đi tiêu thụ ở Hà Nội, thành phố Vinh. Ngoài ra, công ty liên kết với công ty cổ phần thương mại và phát triển nông thôn ADT trong sản xuất lúa giống, với diện tích 80 ha. Vụ xuân năm 2020, HTX cung ứng cho công ty 500 tấn thóc giống chất lượng cao, với giá 7,8 triệu đồng/tấn, cao hơn giá thị trường 1,6 triệu đồng, doanh thu đạt 4 tỷ đồng. Vụ hè thu năm 2021, HTX tiếp tục liên kết cung ứng cho công ty hơn 300 tấn thóc giống. Nhờ liên kết bà con nông dân có hạt gạo thơm ngon để bán, trở thành thương hiệu gạo ngon Xứ Nghệ.
Ngoài cây lúa, với hạt gạo thơm ngon, cây dưa hấu, rau sạch được thị trường chấp nhận, Diễn Châu còn có vùng chuyên canh lạc, vừng với diện tích hơn 3.600 ha tập trung ở 2 vụ chiêm xuân và hè thu. Chính 2 cây trồng này đã tạo ra hàng hóa giá trị cao, hạt vừng, hạt lạc, làm bánh khô và cung ứng cho các nhà máy sản xuất chế biến ra dầu thực vật thơm ngon. Hiện tại, Diễn Châu đã có hơn 30 cơ sở sản xuất chế biến dầu thực vật bằng hạt vừng, hạt lạc, bán với giá 50.000đ/lít. Liên kết để sản xuất cánh đồng mẫu lớn, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Mỗi năm toàn huyện sản xuất chế biến, tiêu thụ hơn 10.000 tấn nông sản. Anh Sĩ Thắng, giám đốc doanh nghiệp Sĩ Thắng, có trụ sở tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu cho biết: Nhờ tham gia mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm lạc trên diện tích hơn 200 ha cho bà con nông dân 2 xã Diễn Thịnh và Diễn Phong nên năm nào doanh nghiệp cũng có nguồn hàng ổn định, giúp bà con tiêu thụ mỗi năm hơn 1000 tấn lạc nhân sang thị trường Trung Quốc. Đối với 7.200 ha rừng, 4.000 ha ao đầm, bãi bồi ven biển thì liên kết với các nhà máy, khu công nghiệp, các khách sạn, siêu thị để nuôi tôm, cua, gà, bò vàng để tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tiêu biểu là xã Diễn trung nhờ liên kết các nhà máy mỗi năm xã cung ứng hơn 70 tấn tôm  thẻ chân trắng và có đàn gà hàng hóa nhiều nhất huyện, với hơn 6 vạn con. Không chỉ có ở khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng có hơn 500 hộ làm sản xuất kinh doanh giỏi, mà ở cả 38xã, thị trấn ở Diễn Châu đều có những điển hình làm ăn giỏi, trở thành triệu phú. Ngay như ở xã Diễn Phong, năm 1975 trở về trước, nhiều gia đình cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Xuân Nhâm Dần năm 2022 này, cả xã Diễn Phong đã xóa xong hộ đói, hộ giàu và khá cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/hộ/năm, chiếm 80%. Diễn Phong trở thành xã nông thôn mới và có cuộc sống tốt nhất huyện. Giám đốc HTX chuyên sản xuất rau củ quả an toàn Trần Văn Hạnh xã Diễn Phong cho biết: “HTX thu hút 10 thành viên, cùng với đóng góp 10 ha đất, đầu tư 2 tỷ đồng quy hoạch vùng trồng rau, củ, quả sạch, xây dựng hệ thống điện, nước, mương tưới công nghệ cao. HTX mở 5 siêu thị, cửa hàng, trường học ký kết bao tiêu sản phẩm với 12 loại rau củ quả. Mô hình sản xuất rau củ, quả, sạch của HTX tạo việc làm quanh năm, thu nhập gấp 3 lần so với trồng lạc. Cái chính là nhân dân trong vùng và học sinh các trường tiểu học, mầm non được sử dụng rau sạch, Diễn Phong còn xây dựng vùng chuyên canh dưa hấu đỏ, với diện tích hơn 100 ha. Bà con nông dân nơi đây đã liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thành lập 60 câu lạc bộ trồng và tiêu thụ dưa. Trước đây, khi chưa tham gia mô hình cánh đồng lớn, để thu hoạch 3 sào dưa, gia đình ông Đặng Xuân Dung ở xã Diễn Phong phải mất đến 3 ngày nhưng nay với sự giúp đỡ của các hộ nông dân trong xóm tham gia mô hình nên chỉ trong vòng một buổi là thu hoạch xong và cân, bán cho thương lái 6 tấn dưa tại ruộng.
Liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, trồng rau sạch, chăn nuôi gà theo hướng VietGrap đã giúp cho bà con nông dân áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật từ gieo trồng, chăn thả đến tiêu thụ sản phẩm nhanh gọn, góp phần giảm chi phí sản xuất từ 3 -5 triệu đồng/ha, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 15 - 20%. Chỉ tính trong 5 năm 2016-2021, toàn huyện đã có 780 mô hình liên kết sản xuất chuyển giao khoa học công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Các mặt hàng nông sản, hải sản ở Diễn Châu như gạo ngon AC5, lạc nhân L14, L23, tôm nõn khô, nước mắm cốt Vạn Phần, mực, cá thu, bạc má, cây mùi tàu  không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh phía Nam, phía Bắc. Riêng nước mắn Vạn Phần, và gần đây là cây mùi tàu được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào. Không những các HTX nông nghiệp xây dựng được cảnh đồng mẫu lớn, có quy mô mỗi xã từ 100 - 250ha, mà các HTX nghề cá ở cả 9 xã ven biển cùng với các làng nghề truyền thống. Còn làm tốt công tác nuôi tôm cua nước lọ, thu mua chế biến tiêu thụ các mặt hàng hải sản, với sản lượng mỗi năm hơn 10 triệu lít nước mắm và 6.500 tấn mực khô, tôm nõn khô, cá ngon cá loại. Hạt gạo ngon AC5, cùng với lạc nhân, vừng vàng V6, đậu xanh, còn dưa hấu, dưa lê được các làng nghề thu mua chế biến ra bánh bún, bánh chưng, bánh khô kê cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, mỗi vụ từ 1.000 đến 1.200 tấn sản phẩm. Với việc cải thiện thu hút đầu tư, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận tiện,  hơn 10 năm qua, UBND huyện Diễn Châu đã tích cực hỗ trợ về kiến thức, mặt bằng, huy động các nguồn vốn với hơn 350 tỷ đồng cho các mô hình kinh tế mới. Hiện tại, toàn huyện có hơn 1000 mô hình làm kinh tế giỏi, 12.900 hộ nông dân giàu và khá, cho thu nhập từ 120 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng/hộ/năm. Cán bộ nhân dân toàn huyện đã hiến hơn 400ha đất, đóng góp hơn 3 triệu ngày công, với số tiền 1.500 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. 136.000 tấn lương thực và nông sản, đánh bắt mỗi năm hơn 46.000 tấn hải sản, nuôi hơn 120.000 con gia súc. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 15.104 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9%. Có thể nói liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng của Hội nông dân có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ quan chức năng ở tỉnh và huyện đã góp phần hoàn thành mục tiêu của huyện đề ra./.
Quỳnh Anh

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây