Chuyên san KHXH&NV số 4/2021

Chủ nhật - 25/04/2021 23:27 0

LTS: Thời gian qua quýt PQ ở Nghệ An được mùa nhưng rớt giá và không có thương lái đến hỏi mua khiến nhiều gia đình, nhà vườn gặp khó khăn. Sau khi được truyền thông phản ánh, hàng trăm tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã ra quân "giải cứu" quýt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân. Câu chuyện về "giải cứu" nông sản cho bà con nông dân mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường sôi động thì làm kinh tế mà phải dựa vào tình thương xã hội như thế là một sự không bình thường và đó cũng chỉ là hành động nhất thời.

Để hiểu rõ hơn thực trạng, nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trên, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An tổ chức buổi Tọa đàm bàn tròn với chủ đề: Từ giải cứu quýt PQ đến hiện tượng "giải cứu" nông sản - lời giải khó cho bài toán cũ. Tòa soạn xin lược đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, người nông dân, HTX, đại diện các nhóm hội, các doanh nghiệp chế biến. các đơn vị truyền thông,... tại buổi Tọa đàm.

 

Ông TRẦN QUỐC THÀNH  - Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An:

Đặt vấn đề

Chúng ta biết rằng khi bước sang cơ chế thị trường thì cân đối giữa đầu vào và đầu ra của sản phẩm do thị trường quyết định phần lớn. Đối với tất cả các sản phẩm khi cung và cầu không cân đối thì xảy ra hiện tượng thiếu -  thừa. Vấn đề là tại sao lại thường xuyên xảy ra đối với sản phẩm nông sản, và câu chuyện "giải cứu" nông sản ngày một gia tăng, dường như không có hồi kết. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nông dân chiếm tỷ trọng lớn, thuộc nhóm yếu thế. Do đó, vấn đề nông sản thừa - thiếu, chặt - trồng, "giải cứu", đang là vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay.

Hôm nay chúng tôi mời đến đây các đơn vị liên quan như nông nghiệp, lãnh đạo địa phương, những người trong cuộc như nông dân, hợp tác xã liên quan, đại diện một số nhóm hội như hội làm vườn, các doanh nghiệp trẻ chế biến, đơn vị truyền thông... nhằm thảo luận, trao đổi xung quanh các vấn đề:

Thứ nhất, định hình khung quy hoạch sản phẩm để mỗi sản phẩm có cách ứng xử khác nhau, từ đó khuyến cáo, tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo chính quyền các cấp, các nhóm hội, HTX khi lựa chọn sản phẩm, nắm bắt nhu cầu của thị trường có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng mô hình sản xuất như thế nào để kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp phù hợp. Trong mô hình chuỗi, có liên kết ngang, liên kết dọc, vậy chúng ta cần làm gì để người nông dân tham gia và trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi liên kết đó.

Thứ ba, xác định vai trò các mắt xích trong chuỗi, từ khâu giống, canh tác, thu mua chế biến, đưa ra thị trường thì vai trò của nhà nước, các cấp ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, tư thương, người nông dân như thế nào? Mối liên kết giữa các mắt xích đó ra sao? Và làm gì để chia sẻ hợp tác giữa các mắt xích để mang lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà.

Cuối cùng là truyền thông về nông sản nên như thế nào? Các đơn vị truyền thông chính thống cần liên kết, hợp tác với những ai, tổ chức nào để định hướng truyền thông đúng, hiệu quả, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản Nghệ An. 

 

Bà NGUYỄN THỊ LÊ NA - Giám đốc Công ty Cổ phần trang trại nông sản Phủ Qùy, xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An:

Việc "giải cứu" làm mất đi giá trị của sản phẩm, của thương hiệu

Thứ nhất, đối với trường hợp "giải cứu" quýt PQ, thực ra chúng ta đang đi theo hướng từ ngoài vào chứ chưa đi theo hướng từ người nông dân ra. Khi chúng tôi tiếp cận với nông dân vùng xóm Minh Hồ xã Minh Hợp, để tìm hiểu, nắm tình hình "giải cứu" thì nông dân vùng đó đã đứng lên phản ứng "không cần giải cứu". Việc tham gia giải cứu đã vô tình làm mất giá trị và thương hiệu sản phẩm lâu nay mà người trồng cam, quýt xây dựng. Vì sao như vậy? Bởi việc "giải cứu" và truyền thông về "giải cứu" quýt PQ vừa qua họ chỉ tiếp cận từ ngoài vào mà chưa tìm hiểu và đứng từ phía người nông dân. Từ một số hiện tượng như quýt rụng, tháng 2 quýt đáng lẽ phải được thu hoạch xong rồi để ra hoa đậu quả cho mùa mới,… mà truyền thông đã vội tuyên truyền về việc không có người thu mua, mà không hiểu rõ đặc điểm của giống quýt PQ. Giống quýt này là giống cho thu hoạch đến hết tháng 4, thường từ tháng 3 đến tháng 4 là thời điểm thu hoạch rộ. Năm nay thực ra quýt được mùa, nên cây có lượng quả rất nhiều, đến lúc gần thu hoạch quả rụng sinh lý rất nhiều, nhưng lượng rụng so với lượng quả thu hoạch không đáng kể. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với vườn của bác Hưng, 1 ha dự trù 50 chục tấn. Đó là điều mừng, chứ không phải nó rụng mà nghĩ đến chuyện "giải cứu" tức thì.

Một số nhà vườn có kinh nghiệm lâu năm, như vựa quýt vùng Minh Hồ - Quỳ Hợp họ còn chờ quýt sang tháng 4 mới bắt đầu bán bởi sang tháng 4 cam mùa đã hết, cam trái chưa vào vụ và thậm chí cam trong miền Nam không có đưa ra Bắc nhiều, thì lúc đó quýt sẽ rất được giá.

Thứ 2, về các đơn vị, cá nhân bên ngoài khi tham gia "giải cứu", truyền thông về "giải cứu" chúng ta hay biến tư thương thành thế đối trọng với bà con nông dân, không xem tư thương là bạn, là đối tác của bà con nông dân trong chuỗi sản xuất của mình. Thực ra tư thương có vai trò rất quan trọng. Trong luật mua bán nhà vườn nông dân chỉ có việc thu hoạch, bốc vác hàng hóa lên xe; thương lái có nhiệm vụ "đánh hàng" lọc hàng. Công việc lọc hàng, lựa chọn những quả đẹp là một hình thức đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng, từ đó đưa ra quy chuẩn hàng hóa đối với người nông dân để người nông dân có trách nhiệm trong việc sản xuất của mình. Khi chúng ta không hiểu điều đó, thường chỉ trích thương lái đang ép người nông dân.

Thứ 3, ở góc độ khác nữa nếu chúng ta không đứng ở vị trí của một thương lái thì cách làm chúng ta sẽ bị sai. Cái sai đầu tiên là khi mua "giải cứu" chúng ta không biết thế nào là chuẩn nên sẽ lấy xô hết, quýt PQ có đặc điểm hàng loại 2, ngơ, xô, cháy… chiếm 1/3 so với tổng sản lượng. Nếu chúng ta lấy cả để đưa ra thị trường thì chất lượng sẽ không đảm bảo dẫn đến sản phẩm đến tay người tiêu dùng rất kém, khiến cho phản hồi của khách hàng về sản phẩm không tốt, từ đó dẫn đến giá trị của sản phẩm, của thương hiệu sản phẩm bị sụt giảm.

Thứ 4, khi thương lái đang thu mua tại vườn với mức giá 4.000 đồng/kg, xong những người giải cứu nhảy vào cũng mua mức giá 4.000 đồng, bỏ tiền phụ phí vận chuyển, mang danh giải cứu nên bán ra 4.000 đồng, không bán cao hơn vì sợ mang tiếng lấy lời. Khi đó vô hình trung các tổ chức giải cứu đang cạnh tranh với thương lái, các thương lái quay trở lại ép giá người nông dân xuống vì thương lái còn phải chịu phụ phí vận chuyển. Việc giải cứu từ hoạt động của một nhóm nhỏ, nhưng cùng với sự có mặt của truyền thông hoạt động phổ rộng, ảnh hưởng rất lớn đến giá cả thị trường và gây khó khăn, cản trợ việc mua bán của thương lái. Từ một việc tốt, chúng ta đã vô tình gây sức ép cho thương lái, và gây sức ép cho thương lái thực ra chính là gây sức ép cho người nông dân.

 

Ông LÊ MINH HƯNG -  xóm Liên Xuân, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp:

Chúng tôi mong muốn làm sao từ người trồng ra sản phẩm đến người tiêu dùng qua ít khâu trung gian nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng và giá thành không đội lên cao

Gia đình chúng tôi có 1,2 hecta trồng quýt PQ, với năng suất sản lượng ước tính 50 tấn/năm. Trong 8 năm thu hoạch có những năm ước tính 60 tấn và trong thời gian từ năm 2014-2018, giá quýt giao động tại vườn từ 8-10 nghìn đồng/kg; có năm đỉnh điểm như năm 2014 lên tới 18-20 nghìn đồng/kg và thương lái vào thu mua trả tiền tận vườn.

Chỉ trong 2 năm 2019-2020, do dịch bệnh Covid 19, các nông sản ứ đọng, trong đó có quýt PQ, nên "rớt giá" và "ế ẩm".

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của thương lái trong những năm qua; tuy nhiên có thời điểm đầu năm, một số tổ chức "giải cứu" đơn lẻ, số lượng không đáng kể tiêu thụ với giá thấp ở các huyện thị trong tỉnh, đã vô hình trung làm cho thương lái phải ép giá quýt xuống để bán không chênh lệch với các tổ chức "giải cứu".

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhờ truyền thông qua mạng xã hội cũng như sự vào cuộc của huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp cùng với Công ty cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ, đã nỗ lực hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm quýt cho chúng tôi. Trước đây thị trường quýt PQ chủ yếu là nội tỉnh và một số tỉnh lân cận từ Nghệ An ra Hà Nội và Nghệ An vào đến Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nhưng với sức lan tỏa của mạng xã hội facebook, các trang fanpape, kênh bán hàng của những người nổi tiếng và sự hỗ trợ bài bản, thành tâm, quýt PQ đã được mở rộng thị trường khắp cả nước. Điểm hạn chế ở chương trình đó là nguồn ngân sách của cá nhân, tổ chức nên hầu hết các sản phẩm thuộc chương trình hỗ trợ đều chi trả sau cho các hộ dân sau khi đã tiêu thụ hết số lượng quýt.

Với vai trò là người nông dân, chúng tôi chỉ có mong muốn đề xuất các cấp chính quyền, sở ban ngành có nhiều chương trình hỗ trợ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm; ổn định giá. Làm sao từ người trồng ra sản phẩm đến người tiêu dùng qua ít khâu trung gian nhất có thể để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng và giá thành không đội lên cao.

 

Ông NGUYỄN ANH TUẤN - GĐ điều hành Hợp tác xã Việt Xanh, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An:

Việc "giải cứu" thiếu thông tin và thiếu thông tin khoa học sản phẩm, gây ra mập mờ dẫn đến giải cứu ồ ạt; giải cứu nhầm sản phẩm hoặc chung tay cho việc đẩy thương hiệu xuống bờ vực kém chất lượng

Hiện tượng "giải cứu" và hệ luỵ không chỉ diễn ra ở quýt PQ như thời gian vừa qua, mà nó còn tiềm ẩn rất nhiều loại nông sản hay hàng hoá khác. Việc quy hoạch chuyên nghiệp, có các mắt xích hệ sinh thái trong kinh tế nông nghiệp đang là một vấn đề lớn và còn nhiều hạn chế. Người dân hoặc chính quyền "giải cứu" những sản phẩm, đặc biệt là nông sản khi còn thiếu thông tin và thiếu thông tin khoa học sản phẩm, gây ra mập mờ dẫn đến "giải cứu" ồ ạt "giải cứu" nhầm sản phẩm hoặc chung tay cho việc đẩy thương hiệu xuống bờ vực kém chất lượng.

Một số nguyên nhân sau: thứ nhất, diện tích phát triển không đồng bộ với hạ tầng thương mại và dịch vụ. Riêng tại Nghĩa Đàn diện tích hơn 500 hecta (chưa kể đến Quỳ Hợp, các huyện phụ cận, các tỉnh lân cận có trồng quýt PQ), 1 hecta mỗi năm cho 20-30 tấn. Giá trung bình nhập sỉ tại vườn 3.000-5.000/ 1kg, cho thu nhập 60.000.000 đến 90.000.000/ 1 hecta, sau khi trừ các chi phí đem lại thu nhập 30-40 triệu đồng/1ha/1 năm (đây là tính toán cho việc thu nhập thấp nhất, do một số vùng miền trồng quýt cho chất lượng ngọt ngon tốt sẽ bán nhập giá 10-15.000/1kg tại vườn). Thời kỳ hoàng kim của quýt PQ1 có thể cho thu nhập 300-500 triệu/1 ha. Tuy nhiên về thương hiệu quýt PQ lại không được chú ý triển khai quy hoạch, đặc biệt là đồng hành phát triển hạ tầng chuyên nghiệp thương mại dịch vụ về quýt PQ không có, chưa thấy có nhiều đơn vị chủ động xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho quýt PQ. Chủ động thương lái mua bán giao thương các vùng miền chưa được tập huấn và nâng cao nghiệp vụ hoặc có tổ chức. Việc quýt PQ dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch đã khiến cho dân trồng tràn lan trên mọi miền đất đỏ bazan thậm chí cả những vùng đất khác… và không chú ý đến đầu tư chất lượng kỹ thuật hoặc vượt xa quy hoạch diện tích trồng của huyện, tỉnh. Chất lượng giống cây ngày càng đi xuống, và khó lựa chọn được đơn vị uy tín về giống do nhiều đơn vị triển khai sản xuất thương mại giống quýt PQ.

Thứ 2, chưa có nghiên cứu kỹ và có các bài toán marketing đúng nghĩa: Thương hiệu quýt PQ: Nguồn gốc từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ thu thập đưa vào vườn tập đoàn của Trung tâm từ tháng 3/1992 và trồng thử nghiệp thành công tại đất đỏ bazan Phủ Quỳ - Nghệ An (2001-2006) đặt tên là PQ1 (viết tắt của chữ Phủ Quỳ). Tên khoa học của quýt: Citrus reticulata. Và vì quýt được phân loại rất nhiều loại khác nhau (quýt hồng, quýt đường, quýt hương... mỗi loại có thêm một cụm từ khoa học) tuy nhiên đây là giống mới nên gọi tên khoa học của quýt PQ là - PQ Citrus reticulata. Quýt PQ không phải là cam bóc. Chưa có nhiều nghiên cứu khoa học trong nước ứng dụng sản xuất chế biến sau thu hoạch từ quýt PQ. Thị trường bán online tràn lan, và nhiều nhà vườn cũng chủ động trong việc thương mại trên mọi miền tổ quốc nhưng chưa được đào tạo sâu rộng về buôn bán hàng hoá online, kinh doanh online đúng nghĩa.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác: Vấn đề thị trường lên xuống còn liên quan đến các vấn đề lớn ở trong nước và quốc tế; Chất lượng và cái tâm của người trồng chưa tiệm cận hoặc chưa đồng bộ với sự hiểu biết của người tiêu dùng;…

Từ phương diện của một đơn vị trực tiếp làm việc với người nông dân, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

Nhận định đúng việc marketing khoa học có chiều sâu, chính xác và đúng nghĩa, nên tôn vinh khoa học nói chung và khoa học quýt PQ nói riêng. Vì đó là giá trị cốt lõi, là chất xám. Phát triển thêm đề tài khoa học về trái cây nói chung và quýt PQ nói riêng.

Tổ chức đào tạo để đồng bộ các mắt xích từ người trồng, người cấp vật tư, đơn vị mua hàng, đơn vị marketing, người tiêu dùng…

Cần chuẩn bị cho đầu mùa, và có các tư liệu chuẩn khoa học về nguồn trồng, nguồn cung cấp chất lượng, các thông tin chính xác và khoa học (tương tự chỉ dẫn cam Vinh). Không phải nổi tiếng mới chỉ dẫn mà các sản phẩm nên chỉ dẫn vùng miền và đối tượng trồng đảm bảo.

Phát triển thị trường thương lái chuyên nghiệp, đào tạo cho họ sự chuyên nghiệp trong việc mua bán thay vì mua bán thông thường như cũ để nâng cao sản phẩm (bộ nhận diện thương hiệu, tem nhãn mác có thể cung cấp ra tận chợ quê thay vì tư duy cũ là mua bán thông thường - việc này có thể gây tranh cãi tuy nhiên quan trọng vẫn là khâu quản lý).

Sự vào cuộc của các hợp tác xã hoặc các tổ chức làm tốt, nên được các tổ chức cấp tỉnh, huyện, xã, địa phương tạo điều kiện và lựa chọn làm các cơ sở tiêu biểu để nhân rộng mô hình

Tạo hệ sinh thái của quýt PQ trong hệ sinh thái của nông sản và nông sản chế biến, thay vì chỉ tập trung vào quýt PQ chúng ta có nhiều bài toán cần giải trong tập hợp nông sản trái cây. Từ đó mới tạo ra được các trang thương mại điện tử đúng nghĩa. Hiện nay Việt Xanh đang trên lộ trình tạo ra hệ sinh thái trái cây đầy đủ từ cam, quýt, bưởi, na, bơ, ổi,… và thấy điều đó rất hiệu quả.

Thay vì hạ giá hoặc tăng giá, nên bán đúng giá và bình ổn giá (kể cả cam Vinh). Bán được giá cao không có nghĩa là tốt, bán được giá thấp không có nghĩa là xấu. Quan trọng là giá trị sản phẩm mang lại cho người dùng phù hợp, hiểu được bài toán lãi ròng, nhất là các trang trại và hệ sinh thái nông nghiệp vẫn đang chơi một cuộc chơi ít am hiểu về bài toán kinh tế, kỳ vọng bán giá cao để lời đậm nhưng lại ít đầu tư về giá trị sản phẩm mang lại, vậy hầu như muốn buôn bán bình ổn và số lượng lớn thì cần xây dựng mức giá chuẩn, giá trị sản phẩm mang lại chuẩn, để luôn có lời cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái và cũng luôn bình ổn (nâng cao sự sáng tạo trong giá trị sản phẩm khác biệt khác như tạo ra giống mới, hoặc tạo ra hình thù hợp phong thuỷ, trải nghiệm du lịch uống nước quýt miễn phí tại vườn… ).

Quy hoạch và tìm hiểu nguồn ra hơn là việc buôn bán tràn lan: Đơn giản bán quýt ở vùng nóng (miền Nam) sẽ tốt hơn và dễ bán hơn vùng lạnh. Vậy nếu bán sai vùng sẽ tạo ra hiệu ứng mất thương hiệu.

Thay vì "giải cứu" quýt, nên giải cứu tư duy đồng bộ trong hệ sinh thái. Hiện đây là một vấn đề rất cần các chuyên gia nông nghiệp, kinh tế… vào cuộc chứ không riêng gì nông nghiệp và khoa học.

Cải tạo giống tốt hơn, lai tạo hoặc cấy ghép từ dòng quýt PQ1.

Tạo hệ sinh thái đoàn kết, đồng bộ từ các tổ chức đến đơn vị thương mại sản phẩm dịch vụ vật tư và sản phẩm nông nghiệp đến người trồng, người tiêu dùng… thông qua các cuộc họp nhóm, các nhóm hội, các buổi đào tạo chuyên sâu có kết nối chuyên gia.

Nên có đánh giá feedback, đánh giá sao từ người dùng cho các sản phẩm nông nghiệp của trang trại mang lại thông qua các tổ chức bán hàng (tuy việc này hơi khó).

Tận dụng các trang mạng xã hội truyền thông, marketing và tiếp cận thị trường, khách hàng (một số đơn vị đã làm tốt), dùng nhiều cách để khách hàng hiểu giá trị và cách dùng của quýt PQ.

 

Ông NGUYỄN THẾ THẮNG - Chủ tịch Hội làm vườn Nghệ An:

Để cây quýt PQ nói riêng và nông sản nói chung, tránh tình trạng "được mùa mất giá", cung - cầu mất cân đối thì phải thành lập hợp tác xã để phát triển theo lộ trình, có định hướng…

Dưới góc độ người hỗ trợ bà con trồng trọt và là người kinh doanh nên bản thân tôi rất thấu hiểu. Về thực trạng, hiện nay do dịch Covid-19 nên nhiều nông sản của bà con nông dân còn ế ẩm. Riêng cây quýt PQ cách đây 5 năm về trước quýt đang có chỗ đứng, 5 năm trở lại đây do cơ chế cạnh tranh thì thị trường quýt không còn như trước nữa.

Thứ nữa, quýt PQ do giá thành và chất lượng, phạm vi cây quýt không thoát ra xa, chỉ tập trung trong nội tỉnh vì thế sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Đặc thù của quýt là dễ chăm bón, lợi nhuận khá cao vì thế người nông dân mở rộng diện tích sản xuất. Và khi được mùa, thị trường tiêu thụ không được mở rộng thêm thì dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ.

Tiếp đến là vấn đề truyền thông quảng bá đối với quýt PQ còn hạn chế cả ở 2 kênh: truyền thông chính thống và kênh quảng bá từ những người sản xuất, hộ dân. Hiện nay chúng ta phải biết thị trường cần gì để truyền thông đúng đối tượng xã hội cần, cũng như tuyên truyền những gì để các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước hỗ trợ.

Một vấn đề nữa đó chính là vai trò của chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày như cây quýt càng phải có quá trình vận hành tốt nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Muốn nâng cao chất lượng phải đa dạng hóa sản phẩm và quan tâm đến khâu chế biến sau sản xuất. Trong đó kêu gọi các nhà máy chế biến sản phẩm ở dạng tinh chế để kéo dài được thời gian bảo quản.

Cuối cùng, để cây quýt PQ nói riêng và nông sản nói chung, tránh tình trạng "được mùa mất giá", cung - cầu mất cân đối thì thiết nghĩ giải pháp tối ưu là thành lập hợp tác xã để phát triển theo lộ trình, có định hướng, xây dựng thương hiệu,…

 

Ông NGUYỄN KIM TOÀN - Công ty KHCN&TMNN Minh Châu:

Trong sản xuất, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp thì chất lượng quyết định gần như tất cả. Nếu như chất lượng đảm bảo thì câu chuyện "giải cứu" sẽ không xảy ra

Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông sản, dược liệu, bằng công nghệ sấy, tán bột. Chọn Nghệ An là nơi để đầu tư phát triển vì Nghệ An có nền nông nghiệp lớn, đa dạng, phong phú các loại sản phẩm. Với nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào, sạch đó chúng tôi chế biến ra các sản phẩm vừa bảo quản được lâu dài vừa tiện dụng cho người tiêu dùng. 

Trước thực trạng một số nông sản như quýt PQ bị mất giá vừa qua, với vai trò là đơn vị chế biến thì tôi nghĩ cái cần quan tâm đầu tiên chính là chất lượng sản phẩm. Trong sản xuất, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp thì chất lượng quyết định gần như tất cả. Nếu như chất lượng đảm bảo thì câu chuyện "giải cứu" sẽ không xảy ra. Người nông dân, người sản xuất nghiêm túc, quan tâm, đầu tư cho chất lượng sản phẩm thì sẽ không khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Một điều nữa, nông nghiệp Nghệ An muốn phát triển, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà máy chế biến, thì cần phải có quy hoạch rõ ràng cho việc đó. Các doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến sản phẩm họ cần được chắc chắn về nguồn nguyên liệu tốt, thị trường tiêu thụ rộng rãi. Thực tế khi về Nghệ An chuyển giao công nghệ, chúng tôi nhận thấy người nông dân chưa có niềm tin tham gia vào các hợp tác xã, các tổ chức sản xuất có quy trình kỹ thuật, chưa theo hướng dẫn kỹ thuật của nhà nước. Dẫn đến họ sản xuất theo truyền thống, theo kinh nghiệm, theo tích lũy khiến cho sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật đối với các nhà chế biến.

Do đó, để khắc phục tình trạng "giải cứu" nông sản như hiện nay, cần tạo kênh kết nối, phân chia rõ trách nhiệm, vai trò hỗ trợ nông dân ở đâu, và nhất là vận động, chỉ rõ cho người nông dân nhận thức rõ các nguyên tắc và trách nhiệm của họ khi tham gia, tránh tình trạng sản xuất tùy hứng, chạy theo thị trường thì lúc đó công cuộc "giải cứu" may ra mới có hồi kết.

 

Ông NHẬT LÂN - Báo Nghệ An:

Cần truyền thông chủ động và chuyên nghiệp!

Liên quan đến việc "giải cứu" quýt PQ nói riêng và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản nói chung, Báo Nghệ An đã có một chuyên đề do nhóm phóng viên thực hiện. Tôi không phải người tham gia thực hiện chuyên đề này, nhưng với tư cách là phóng viên của một cơ quan báo chí thì thấy công tác truyền thông hiện nay đối với các sản phẩm nông sản chưa tốt.

Không riêng với quýt PQ, hay các sản phẩm nông sản thông thường, mà ngay cả các sản phẩm OCOP - là đặc sản nông nghiệp được hình thành từ cuộc vận động lớn của tỉnh cũng chưa được quan tâm quảng bá, giới thiệu, và làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng có thể nhận biết, tìm mua sử dụng.

Tỉnh ta hiện đã có nhiều những sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao. Tôi có thể nhớ, kể tên một số loại sản phẩm OCOP như các loại Trà túi lọc Cà gai leo, Dây thìa canh Pù Mát, rượu đông trùng hạ thảo, rượu Mú từn, hay như gà, trám đen vùng Thanh Chương; các loại hải sản, nước mắm, ruốc vùng biển Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc… Nhưng như tôi biết, chỉ có một vài cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhưng vị trí không phù hợp, như tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước Sở Công thương Nghệ An là một ví dụ. Thú thực, điểm quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP đặt ở đó thì ngay cả người dân thành phố Vinh cũng khó nhận biết để tiếp cận chứ chưa nói đến du khách.

Cần làm gì để du khách có thể tiếp cận, để được cầm xem đặc sản của Nghệ An? Điều này thì ai cũng có thể trả lời, là cần phải có những điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các điểm thu hút khách du lịch. Ở thành phố Vinh có quỹ đất tại các địa điểm du lịch để có thể giới thiệu và trưng bày các sản phẩm đặc sản có chất lượng của tỉnh nhưng lại chưa được khai thác. Ví dụ như tại khu vực hai bên Quảng trường Hồ Chí Minh, trên đường Trường Thi, hay đường Hồ Tùng Mậu - nơi đang được đầu tư xây dựng để trở thành tuyến phố đi bộ… Ở những khu vực này, đã và sẽ là nơi có nhiều khách du lịch dừng nghỉ, tham quan. Và họ sẽ có nhu cầu biết và thưởng thức các đặc sản các vùng miền của Nghệ An. Thế nhưng ở những nơi đó lại chưa được chọn để hình thành nơi giới thiệu sản phẩm OCOP.

Về vấn đề công tác truyền thông sản phẩm đối với sản phẩm quýt PQ vừa qua, thực ra những người làm báo họ đang nhận thông tin một chiều. Cụ thể là người làm công tác báo chí nhận được thông tin từ đơn vị tổ chức "giải cứu". Khi thông tin "giải cứu" đến với người làm báo thì họ nhận thấy đây là việc làm nhân văn nên sẵn sàng truyền tải thông tin và truyền tải lặp đi lặp lại nhiều lần về câu chuyện này dẫn đến có những ý kiến trái chiều, cho rằng việc "giải cứu" như vậy lại làm khó cho người nông dân, làm giảm đi giá trị, thương hiệu của sản phẩm quýt PQ.

Từ câu chuyện này, cần phải rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông. Cần phải truyền thông chủ động, chuyên nghiệp đối với đối tượng cần là sản phẩm nông sản, chứ không nên truyền thông về sáng kiến "giải cứu", hoặc tương tự như vậy. Về sản phẩm nông sản nói chung, đối tượng sản xuất ra sản phẩm phần lớn là bà con nông dân. Người nông dân họ rất khó có thể có được sự chủ động truyền thông cho sản phẩm đã sản xuất được. Vì vậy, để làm công tác truyền thông cho sản phẩm nông sản, vai trò của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền, các tổ chức hội có liên quan, và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản… là hết sức quan trọng. Trong khi đó, cơ quan báo chí hiểu đơn giản là đơn vị truyền ra thông tin. Những người làm báo cơ bản không có chuyên môn đủ sâu để đánh giá sát đúng về chất lượng sản phẩm, về quy trình sản xuất và các hình thức tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, cần có sự chủ động kết nối từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản… để thực hiện công tác truyền thông có hiệu quả.

Trong xu thế hiện nay, việc truyền thông sản phẩm nông sản trên mạng xã hội được khẳng định là có hiệu quả. Nhưng để tạo được niềm tin của người tiêu dùng trên nền tảng mạng xã hội, cũng cần đến vai trò của các tổ chức có liên quan nêu trên. Vì vậy,  các tổ chức này cần quan tâm, chủ động thực hiện công tác truyền thông trên mạng xã hội. Nên tổ chức các nhóm liên kết truyền thông sản phẩm nông sản trên các trang website của huyện, của tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hội… Nếu vào cuộc chủ động, chuyên nghiệp, sản phẩm nông sản của tỉnh sẽ đến được với nhiều người tiêu dùng hơn, sẽ mở rộng và ổn định được thị trường tiêu thụ, và chúng ta sẽ ít phải nghe về những câu chuyện "giải cứu"...

 

Ông NGUYỄN HƯNG - Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An:

Có thể nói Nghề báo là nghề biết một chút về nhiều cái và mỗi một người làm báo có một góc nhìn khác nhau, bản thân họ cũng không thể nhận diện hết các vấn đề một cách chi tiết, mang tính chuyên môn sâu trên tất cả các lĩnh vực được...

Câu chuyện về "giải cứu" nông sản đặt ra trong buổi tọa đàm hôm nay là một vấn đề lớn, có tầm quốc gia và liên quan tới nhiều nhóm ngành khác nhau với đích đến đó chính là tìm đầu ra cho sản phẩm thật sự hiệu quả.

Chúng ta đều biết "Người nông dân" và cả những vấn đề xung quanh họ luôn thu hút được dư luận quan tâm vì họ được xem là nhóm yếu thế về sức cạnh tranh trong xã hội. Trong khi đó, sự lan tỏa và ảnh hưởng của mạng xã hội trong thời đại ngày nay là rất lớn. Điều đó giải thích vì sao câu chuyện "giải cứu" của quýt PQ lan truyền nhanh một cách chóng mặt như thế.

Về ý kiến của các khách mời trong chương trình ngày hôm nay, nhất là ý kiến của chị Lê Na, tôi muốn được trao đổi lại một vài điều.

- Ở góc độ truyền thông, việc tiếp cận thông tin và trao đổi thông tin hai chiều hết sức quan trọng. Hiện nay, một số địa phương (tôi nói chung trong cả nước), và một số nhóm ngành nghề đã làm công tác truyền thông rất tốt, nhất là việc lan tỏa, kết nối quảng bá trên mạng xã hội, đây là một kênh truyền thông hiệu quả nếu chúng ta sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương, các tổ chức hiệp hội, HTX, làng nghề... tổ chức truyền tin, tức là "truyền thông tin định hướng" bằng việc phối kết hợp với các đơn vị, kênh truyền thông chính thống như Đài PT-TH, Báo,… để quảng bá sản phẩm, để phản ánh các vấn đề sớm hơn, đúng hơn, cụ thể hơn thì còn chưa thực sự tốt nhất là ở Nghệ An, đặc biệt là trong câu chuyện "giải cứu" quýt TQ vừa qua.

Về mặt nghiệp vụ báo chí, việc phản ánh thông tin đơn thuần khi có yêu cầu (Giấy mời) của các cơ quan, đơn vị tổ chức phản ánh hoạt động của họ (tức là những hoạt động không vi phạm pháp luật, có ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục tốt) thì không có gì sai cả. Nhưng phù hợp và có giá trị hay chưa về mặt truyền thông như vậy thì chúng ta cùng trao đổi thêm.

Đã có nhiều ý kiến phân tích về tác hại của về việc "giải cứu" quýt PQ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận việc "giải cứu" nông sản là hành động nhân văn, mang tính giáo dục rất cao về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân nước ta. Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nếu không có sự chung tay, chia sẻ từ "giải cứu" thì hàng ngàn tấn dưa hấu, thanh long gần đây nhất mọi người đều thấy rõ là người dân Hải Dương biết phải làm như thế nào khi hàng loạt nông sản cây trồng khác của tỉnh này vào chính vụ bị phong toả vì dịch... Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng đồng ý đó chỉ là giải pháp tạm thời trong điều kiện cấp bách nào đó, chứ không thể mãi dựa vào tình thương xã hội được.

- Trở lại với vấn đề căn cốt mà chúng ta đang bàn hôm nay là, lúc nào cần giải cứu? Giải cứu như thế nào cho đúng? Và lâu dài hơn nữa thì có nên tồn tại việc giải cứu này không? Giá trị phát triển bền vững như thế nào cho nông sản? Cách chúng ta truyền thông và đồng hành như thế nào với người nông dân... đó mới là điều quan trọng.

Ở góc độ truyền thông, tôi xin có một số ý kiến:

- Để ngươi dân và doanh nghiệp thực sự gắn kết và tạo chuỗi giá trị thì chính quyền cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp và người dân vừa là đối tác đồng hành, vừa là khách hàng được chính quyền phục vụ, tạo nên sự phát triển của một địa phương. Và trong chuỗi giá trị này luôn có sự đồng hành của các cơ quan truyền thông.

- Việc định hướng truyền thông đối với các cơ quan báo chí chính thống đó là phản ánh rõ quá trình mà người dân, doanh nghiệp, chính quyền đã và đang làm gì để thực hiện chuỗi liên kết...; Đưa ra được bức tranh truyền thông toàn cảnh có thứ tự, có giai đoạn; Được lan toả chuyển tải đa phương tiện mà bây giờ gần như cơ quan báo chí chính thống nào cũng có và chuỗi thông tin này hoàn toàn minh bạch, được chính quyền, doanh nghiệp, HTX, làng nghề, thậm chí hộ gia đình người dân sử dụng và cùng khai thác.

- Thông tin minh bạch hai chiều cực kỳ quan trọng trong các bước truyền thông. Về giải cứu quýt PQ, rõ ràng chính quyền ý thức được, nhìn thấy được mặtt trái nhưng chúng ta không thông tin 2 chiều. Nếu như chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức liên quan có sự kết nối, thông tin sớm với truyền thông chính thống, giúp truyền thông đi đúng hướng từ đầu thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà là một hành trình dài và khó khăn với nhiều giải pháp, chính sách từ các cơ quan quản lý, chuyên môn,… Trong hành trình đó, truyền thông chính thống sẽ đồng hành không chỉ với người nông dân, doanh nghiệp, mà còn cả các cơ quan ban ngành, các tổ chức.

 

Ông QUÁN VI GIANG - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp:

Nếu như có nhà máy chế biến, thì cây ăn quả có thể làm giàu cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội ở Quỳ Hợp

Cuối năm 2018, trên địa bàn huyện có 3.000 hecta cây có múi kể cả cam quýt; hiện tại còn khoảng 1.200 hecta đang giữ được và đang còn cho thu hoạch, riêng cây quýt trên 500 hécta, nhà nào thấp cũng cho thu hoạch 10 tấn/hecta; nhà nào chăm sóc tốt sản lượng lên tới 30-40 tấn/hecta.

Cuối năm 2020 đầu năm 2021, sản lượng tồn đọng quýt PQ trong dân và các nhà vườn rất nhiều. Bà con hi vọng được mùa bội thu, được giá, nhưng sau khi tư thương vào mua ép giá 3-4.000/kg người dân không bán. Cùng với đó là hiện tượng quýt rụng sinh lý khiến cho nhiều người, nhiều tổ chức không biết, không hiểu đã phát động chương trình kêu gọi "giải cứu" quýt PQ. Sau khi nắm bắt được thông tin, chúng tôi đã thành lập ban vận động hỗ trợ quảng bá sản phẩm và đề xuất bỏ từ "giải cứu", lập chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm; trong quá trình làm chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể bàn bạc, họp dân, giao trách nhiệm cho các hộ dân, nhà vườn nào thực sự muốn liên kết, muốn ổn định cùng họp, cùng thống nhất và cùng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Có thể trong thời gian này không tiêu thụ hết sản lượng, nhưng sẽ góp phần lấy lại được thương hiệu, giá trị của cây quýt PQ.

Đó là giải pháp khẩn cấp và trước mắt, tuy nhiên để phát triển sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện thì thiết nghĩ nên có các nhà máy chế biến tạo, mà đối tượng cần xử lý trước tiên đó chính là hoa quả tươi. Nếu cây quýt có nhà máy chế biến thì sản lượng quýt và vùng nguyên liệu quýt sẽ đáp ứng được nguồn nguyên liệu. Làm được như thế, chúng tôi có thể khẳng định cây hoa quả có thể làm giàu cho các hộ dân nói riêng, góp phần phát triển an sinh xã hội cho huyện Quỳ Hợp nói chung.

 

Ông NGUYỄN THÁI TUẤN - Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An:

Nghệ An đang kêu gọi các doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn

Nghệ An nổi trội về một số sản phẩm và vùng nguyên liệu như: cam, mía, chanh leo, sắn dây, dứa. Nhà máy đường có 4 nhà máy là trung tâm chế biến đường cả nước; tinh bột sắn có 4 nhà máy, nguyên liệu làm ra bao nhiêu, chế biến được bấy nhiêu.

Đối với hiện tượng "giải cứu" quýt PQ vừa qua thì nguyên nhân chính là giữa sản xuất, tiêu thụ, chế biến chưa có sự kết nối với nhau. Không riêng quýt PQ, trong những năm vừa qua chúng ta có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp rơi vào khủng hoảng "được mùa mất giá" như: su su ở Quỳnh Liên - Hoàng Mai, cây mùi tàu ở Diễn Châu, hành tăm Diễn Lâm, bắp cải,… Mặc dù chúng tôi đã có kết nối với các đơn vị tiêu thụ như các siêu thị nhưng do chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo nên không được họ đón nhận.

Đây cũng là vấn đề mà Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất trăn trở trong việc tìm giải pháp cho bà con. Tuy nhiên, hằng năm Sở cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để kết nối, giới thiệu nông dân với các hệ thống siêu thị nhưng kết quả không khả quan, rất ít, thậm chí người nông dân chúng tôi mời nhưng không đi.

Hiện nay nhà nước đang chia sản phẩm nông sản thành 3 loại: sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, đối với loại này chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ xuất khẩu; thứ 2 sản phẩm chủ lực địa phương; và thứ 3 là các sản phẩm đặc sản. Trong 3 loại sản phẩm đó thì Nghệ An chỉ có sản phẩm đặc sản và sản phẩm chủ lực địa phương địa phương, đó cũng là một thiệt thòi của tỉnh, đặc biệt là thiệt thòi trong việc nhận những chính sách hỗ trợ phát triển của nhà nước. Hiện tỉnh đang có chủ trương xây dựng cây có múi là cây đặc sản và cây ăn quả là sản phẩm chủ lực. Trên cơ sơ xác định đó để có chương trình, chính sách xây dựng, phát triển cho từng đối tượng và hướng đến thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt là nỗ lực thu hút, kêu gọi các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản đầu tư vào Nghệ An.

 

Ông TRẦN QUỐC THÀNH  - Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An:

Kết luận vấn đề

Chúng ta đã có nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cho vấn đề đưa ra ngày hôm nay. Từ câu chuyện "giải cứu" quýt PQ chúng ta bàn rộng hơn đến các vấn đề giải quyết việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân như thế nào. Đây là bài toán khá nan giải. Nhà nước hiện cũng chưa làm được. Vấn đề là ở thị trường và lực lượng tham gia thị trường, và vai trò của nhà nước như thế nào để giúp dân. Người nông dân là nhóm rất nhạy cảm, yếu thế chính vì thế mà những vấn đề xảy ra với người nông dân có ảnh hưởng và tác động đối với xã hội rất lớn.

Về nguyên nhân, đầu tiên là khâu quản lý quy hoạch nhưng vấn đề đặt ra là có quản lý quy hoạch được không khi nhà nước không có quyền trong việc này mà chỉ có thể khuyến cáo bà con. Ở một số nước, họ thực hiện chính sách cấp phép làm nông nghiệp cho người nông dân, ví dụ như ở Thái Lan năm 1998 đã cấp giấy phép cho người dân để nuôi tôm, họ quy hoạch các vùng nuôi tôm cách nhau 20-30km, mỗi vùng chỉ có 100ha... Đây là một chính sách rất hay, dần dần để đưa sản xuất nông nghiệp vào khuôn khổ; là một hình thức giúp dân chứ không phải là quản lý. Tuy nhiên, việc người dân, xã hội chấp nhận mô hình ý tưởng đó là cả một vấn đề.

Thứ hai là đa dạng đối tượng cho bà con sản xuất, nhất là khi công tác khuyến nông của ta còn nhiều hạn chế. Gần đây chúng tôi đã đưa vào 2-3 dòng mới đó là quýt GL3, quýt Jêju để thay thế dần các đối tượng mà chúng ta nói là giá trị đang thấp. Mỗi đối tượng, mỗi sản phẩm sẽ có vai trò trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Như sản phẩm quýt PQ gắn với Trung tâm Cây ăn quả Phủ Quỳ, tên quýt cũng đã được cấp bản quyền, nhưng thực chất giống này lấy từ Long An ra được địa phương hóa, có một số đột biến nên đặt tên riêng cho sản phẩm này. Tại thời điểm đó thì có thể nói đây là sản phẩm rất tốt, khi cam đang ít, lại chín muộn nhất trong tất cả các loài cây có múi cho nên giá lúc đó khá cao (35.000đ/kg bán tại vườn). Cho đến khi cây cam được trồng nhiều, phát triển mạnh thì giá quýt bị giảm xuống dần.

Thứ ba là khâu truyền thông sản phẩm ra ngoài xã hội. Người dân thì họ không quen với việc này, chỉ giai đoạn gần đây làm quen với mạng xã hội họ mới manh nha giới thiệu sản phẩm trên các trang facebook. Nói thật, năm nay nhờ có chương trình "giải cứu" nên quýt PQ mới được nhiều người biết đến. Điều đó cho thấy khâu truyền thông giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của chúng ta còn rất yếu. Công tác truyền thông của các đơn vị truyền thông chính thống lại luôn phải định hướng. Nếu so sánh với các tỉnh Tây Bắc công tác truyền thông này rất tốt, từ Sơn La đến Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương,… họ có định hướng về truyền thông sản phẩm rất rõ. Vì vậy nếu huyện Quỳ Hợp, huyện Nghĩa Đàn quảng bá chất lượng, thương hiệu sản phẩm tốt thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao. Nói như vậy để thấy khâu truyền thông giới thiệu sản phẩm cực kỳ quan trọng, bởi vì đối tượng hướng tới của sản phẩm này cũng không phải là ít. Do đó, chúng ta cần tăng cường quảng bá và quảng bá đúng về chất lượng sản phẩm trên nhiều phương tiện và bằng nhiều cách thức khác nhau sẽ tới được rất đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thứ tư là khâu quản lý chất lượng sản phẩm. Bộ phận khuyến nông, công thương, kể các cơ quan cấp huyện cần phải hướng dẫn bà con tuyển chọn phân loại sản phẩm; và tìm kiếm đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên đây là khâu chúng ta chưa thực hiện được.

Cuối cùng là khâu chế biến, tiêu thụ. Đây cũng là một khâu còn yếu đối với Nghệ An. Muốn mời một đơn vị chế biến lớn về đầu tư tại địa phương cần phải gắn với vùng nguyên liệu lớn có sản phẩm chủ lực. Muốn vậy thì mỗi dòng sản phẩm cần có cách ứng xử riêng. Chúng ta đã có cây dứa, cây chanh leo, mía đường,... Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của từng đối tượng, nhất là cây nhiệt đới khó bảo quản thì cần phải đa dạng sản phẩm, quy mô vùng nguyên liệu thì lúc đó mới kêu gọi được đơn vị chế biến lớn đầu tư vào. Chúng ta cũng cần khuyến khích chế biến nhỏ, chế biến ở các vùng nông thôn. Đó mới là "Cửa thoát hiểm" cho nhóm các sản phẩm nông sản như chuối, rau, cam, chanh,… Hiện chúng ta chưa kích hoạt được nhóm doanh nghiệp nhỏ này vì chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa có, dường như chúng ta đang lãng quên các doanh nghiệp bản địa. Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh đã cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ môi trường đầu tư nhưng chỉ mới quản lý môi trường đầu tư lớn trong khi môi trường đầu tư nhỏ còn chưa được quan tâm nhiều.

Ngoài những nguyên nhân trên còn nhiều các vấn đề khác như: xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, minh bạch sản phẩm, giữ uy tín,...

Phân tích các nguyên nhân để từ đó tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nêu trên. Ở khâu truyền thông, chúng tôi rất mong muốn một cơ quan, tổ chức, hội sản xuất,… có thể phối hợp với các cơ quan truyền thông tỉnh tổ chức chuyên mục: Kết nối nông sản. Cơ quan truyền thông kết nối với các doanh nghiệp có chuyên ngành về sản phẩm để giới thiệu mỗi sản phẩm trên truyền hình, báo chí từ đó lan tỏa ra mạng xã hội. Thông qua đó chúng ta mới truyền thông được về sản phẩm, thông tin về giá cả, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của người nông dân,... Đây là khâu truyền thông định hướng mang lại hiệu quả rất tốt.

Còn câu chuyện "giải cứu" nó chỉ là giải pháp tùy chỗ, tùy lúc; nếu làm không tốt nhiều khi phản tác dụng. Quay trở lại với vai trò của tư thương, khi chúng ta kích hoạt được doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn càng nhiều thì vai trò của tư thương sẽ giảm dần. Nhà nước sẽ có vai trò kết nối các hội, hợp tác xã, doanh nghiệp lại với nhau để chia sẻ chuỗi giá trị. Các hiệp hội chính quyền đứng sau để làm nhiệm vụ bảo hộ, bảo lãnh nông sản cho bà con. Nhà nước còn có vai trò giúp người dân trong tham gia liên kết ngang và liên kết dọc thì mới có thể tháo gỡ được nhiều vấn đề.

Cuối cùng trong vấn đề quy hoạch phát triển vùng sắp tới cần có phân nhóm rõ ràng, cái nào là nhóm sản phẩm chế biến, cái nào là nhóm tiêu dùng để chúng ta có sự quảng bá sản phẩm theo mỗi cách khác và có sự chỉ đạo khác nhau về quy mô vùng nông nghiệp nhỏ. Đối với sản phẩm phục vụ tiêu dùng hàng ngày như các sản phẩm rau củ quả cũng cần tư vấn hướng dẫn cho dân tư duy trồng đa dạng sản phẩm; bên cạnh đó hướng dẫn cho dân cách chế biến bảo quản sau thu hoạch. Đây là những giải pháp đi kèm trong việc tái cơ cấu quy hoạch trồng cây ăn quả. Cây nào mang tính đặc sản thì tập trung nguồn lực, cái nào không phải là đặc sản thì cần minh bạch thông tin sẽ có kết quả tốt hơn.

TÒA SOẠN

 

Đinh Trí Dũng

Sau khi Nguyễn Huy Thiệp mất, người ta nhận ra một khoảng trống vắng khó thay thế của bức tranh văn học Việt Nam đương đại. Bắt đầu viết văn vào giữa những năm tám mươi thế kỉ XX, bước vào làng văn bằng những truyện ngắn mới lạ như Chút thoáng Xuân Hương, Huyền thoại phố phường và làm rung chuyển văn đàn với Tướng về hưu (1987) và một số truyện ngắn sau đó, Nguyễn Huy Thiệp đã thổi vào nền văn xuôi Việt Nam một luồng gió lạ, mới mẻ, hấp dẫn. Có nhiều ý kiến khen chê khác nhau, thậm chí đối lập gay gắt, nhưng dù khen hay chê, yêu hay ghét anh thì họ đều phải thừa nhận tài năng đặc biệt của anh. Nguyễn Huy Thiệp mới mẻ từ cách tiếp cận hiện thực, cách nhìn về con người, cách xây dựng nhân vật đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Anh là một tài năng, nhưng cũng phải nói là một tài năng "gặp thời". Không có bối cảnh đổi mới do Đảng ta phát động năm 1986, không có không khí hồ hởi, nhập cuộc của đông đảo các nhà văn lúc ấy thì không thể có Nguyễn Huy Thiệp. Và ở chiều ngược lại, Nguyễn Huy Thiệp cũng góp phần tích cực thúc đẩy công cuộc đổi mới văn chương nói chung, đổi mới văn xuôi nói riêng.

Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: "Trong đời văn, tôi cũng tìm hiểu về các văn sĩ trong lịch sử, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm. Tôi nhận ra một điều, cái xuất xứ của nhà văn quan trọng lắm. Mình phải làm sao có mặt đúng lúc, chứ sớm hơn hoặc muộn hơn thì có tài giỏi đến đâu, nhiệt huyết lớn lao đến đâu mà nó lỡ trớn thì cũng bại. Nhiều khi trong viết lách cũng thế, đôi khi tôi cũng lặng im, để tác phẩm của mình vào ngăn kéo. Nhưng nhìn chung, trong 30 năm đổi mới, đường văn của tôi khá thông đồng bén giọt. Có thể nói tôi xuất hiện đúng lúc, đúng năm bắt đầu Đổi mới 1986. Mọi người vẫn gọi Nguyễn Huy Thiệp là "cập thời vũ" (mưa đúng lúc). Truyện ngắn "Tướng về hưu" ra sớm thì cũng hỏng mà ra muộn thì cũng vớ vẩn. Đấy, tôi được cái thời"(1). Nói về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: "Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp không phải là xu hướng phổ quát và tất cả của đổi mới nhưng nó là dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi mới"(2). Gặp thời, văn chương Nguyễn Huy Thiệp thăng hoa, trở thành "hiện tượng", được tôn vinh trong nước và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Nhưng cũng chỉ mấy năm sau, sáng tác của anh chững lại, một số tác phẩm vừa ra đời nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Ở đây không phải chỉ là sự xuống sức của nhà văn sau mấy năm như con tằm rút ruột nhả tơ. Ở đây còn có cả không khí thời cuộc đang dần thay đổi. Cái háo hức của buổi đầu đổi mới không còn như trước nữa, tâm thế "nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật" trong văn chương dường như vẫn chưa đủ mà cần có thêm những bổ sung khác. Độc giả, sau khi háo hức với những tác phẩm thể hiện cái u ám của xã hội, sự tha hóa cùng cực của con người, lúc này còn mong muốn có thêm nhiều trang văn hướng về cái tốt đẹp, cái thiên lương của con người đang có nguy cơ bị tàn phá bởi cơn lốc của kinh tế thị trường. Và nói như Nam Cao, sẽ lại có những "ngôi sao mới" đến để thay thế những tài năng đã làm trọn vai trò của nó. Lịch sử văn học luôn luôn là con đường thay thế và tiếp nối như thế. 

2. Một "hiện tượng" văn chương độc đáo, giàu năng lượng thẫm mỹ

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi tập hợp các bài viết về Nguyễn Huy Thiệp in thành sách đã đặt tên là Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001). Đúng là người ta đã đi tìm, đang đi tìm và sẽ phải tiếp tục đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm của anh - trước hết là truyện ngắn - quả có một "ma lực" đặc biệt với người đọc. "Ma lực" này là sức hút với nhiều người, nhưng lại gây "rờn rợn", "e ngại" với người khác. Nói "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" trước hết là vì thế. Nguyễn Huy Thiệp chính là người "chia rẽ độc giả" nhất trong lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam" (chữ dùng của Bùi Việt Thắng). Người ta đua nhau tìm đọc Nguyễn Huy Thiệp. Người ta tìm thấy ở đây một cây bút đã nói hộ cho mình bao nhiêu bức xúc về xã hội, về con người. Lần đầu tiên trong văn chương, con người bị "lột trần" trơ ra nhiều bản năng thú tính. Giới nghiên cứu cũng bị phân hóa. Chỉ trong vòng hai năm (từ 1987 đến 1989) đã có không dưới 70 bài phê bình sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Vương Trí Nhàn viết: "Sự độc đáo kì lạ là một yêu cầu nhất thiết đối với văn học, thế nhưng một phong cách như Nguyễn Huy Thiệp hai lần kì lạ, vì nó mang tới cái chất mà lâu nay trong văn học Việt Nam hơi thiếu - chất kiêu bạc, tàn nhẫn, cay đắng"(3). Tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp dường như tập trung vào mấy vấn đề: tâm và tài, lịch sử và quyền hư cấu của nhà văn, cái ác và cái thiện, lòng tin và sự đổ vỡ niềm tin…Người không thích anh thì bảo rằng anh có tài mà thiếu tâm. Người thích anh thì biện hộ rằng không thể tách rời tâm và tài, tài phơi bày những xấu xa bỉ ổi của con người chính là cái "tâm" của nhà văn, là mong muốn con người thay đổi. Có người bảo anh phỉ báng lịch sử, "hạ bệ thần tượng" (Vàng lửa, Phẩm tiết). Ngược lại có người bảo vệ cho anh về quyền hư cấu của nhà văn, kể cả hư cấu về những anh hùng, vĩ nhân vì họ cũng có mặt đời thường, mặt khuất lấp. Nhiều lúc các tranh luận đã đi ra ngoài quỹ đạo văn chương, lồng gài các vấn đề chính trị nhạy cảm. Các tranh luận này, kể cả đến thời điểm hôm nay cũng khó tìm được tiếng nói chung vì mỗi người đứng trên những góc nhìn, những quan điểm rất khác nhau. Vì thế, muốn đọc Nguyễn Huy Thiệp, người đọc trước hết phải tự thoát ra khỏi cách tiếp nhận truyền thống, chấp nhận kiểu nhìn trần trụi về thế giới và con người, chấp nhận cách nhìn dân chủ, bình đẳng giữa các hạng người, chấp nhận một thứ "triết luận về lịch sử" kiểu Nguyễn Huy Thiệp, chấp nhận kiểu trần thuật mà ở đó giọng văn gần như đã bị tước hết cảm xúc, không còn sự đánh giá, khen chê để nhường chỗ cho quyền của độc giả.

Nhận định của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến quả là chính xác, chỉ ra cái "thần" của văn chương Nguyễn Huy Thiệp: "Ngòi bút trào phúng của Nguyễn Huy Thiệp vừa tàn nhẫn, vừa xót xa. Tàn nhẫn có nghĩa là "không được thương con người", đấy là mệnh lệnh của lương tâm và tác giả đã đi đến cùng, phơi bày sự đốn mạt của con người. Nhưng cuối cùng thì vẫn cứ xót xa, "không thể không thương con người". Ngay ở những nhân vật đốn mạt nhất, Nguyễn Huy Thiệp không tuyệt vọng ở họ(4). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử phát hiện ra hệ quy chiếu trong truyện Nguyễn Huy Thiệp là "con người", triết lí về con người, bản tính người, cách làm người, trạng thái ứng xử xã hội lịch sử của con người.

Tuy nhiên, tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp cũng cần nhận rõ những thành công và cả những hạn chế trong sáng tác của nhà văn. Phần hạn chế dễ thấy nhất là cái nhìn hư vô, có màu sắc vô chính phủ, sự đề cao quá mức bản năng con người trong nhiều trang viết.

3. Một bước tiến lớn trong tiếp cận và đổi mới ngôn ngữ văn xuôi

Văn học nói chung, văn xuôi nói riêng không thể có bước phát triển nếu không có những cách tân về ngôn ngữ. Tự lực văn đoàn là một cách tạo dựng ngôn ngữ mới - trong sáng, trau chuốt, nghệ thuật hơn - so với ngôn ngữ vụng về kiểu khẩu ngữ của các nhà văn Nam bộ trước đó. Các cây bút hiện thực phê phán (Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…) lại tạo ra một kiểu ngôn ngữ mới đa dạng, phong phú, gần gũi đời sống, sinh động hơn hẳn khi so sánh với Tự lực văn đoàn. Trong văn xuôi Việt Nam sau 1986, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một kiểu trần thuật mới, với cách sử dụng ngôn từ phá cách, nhiều khi phá bỏ những chuẩn mực thông thường. Có người gọi ông là "phù thủy ngôn từ". Có người cho rằng ông đã "phá bỏ các kỵ húy" tồn tại lâu nay trong văn xuôi tiếng Việt. Ngôn từ Nguyễn Huy Thiệp có sự pha trộn độc đáo giữa bút pháp truyền thống (truyền kỳ, dã sử, sử ký) với bút pháp của chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp dùng lối kể bề ngoài rất cổ điển, theo trình tự thời gian, những câu văn ngắn, súc tích, bị tước hết các tính từ, hình dung từ, tưởng như đơn giản, cộc lốc nhưng lại nén chứa sức nặng của thông tin, của một sự bùng nổ. Nguyễn Huy Thiệp vì thế rất chuộng dùng câu đơn. Riêng câu ghép, các vế cũng được tách ra rạch ròi. Thủ pháp liệt kê là khá phổ biến. Những câu văn này là điển hình của Nguyễn Huy Thiệp: "Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…" (Tướng về hưu); hay: "Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học. Tốn, con út, bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông" (Không có vua)... Những câu văn sắc lạnh, trần trụi như thế có mặt khắp các trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều lúc ông phối hợp cả ba lối hành văn (văn xuôi, thơ, biền văn). Nguyễn Huy Thiệp thường kết hợp linh hoạt kiểu trần thuật ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Tuy nhiên, dường như những truyện hay nhất của ông được kể từ ngôi thứ nhất, xưng tôi, kiểu như: "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn" (Những bài học nông thôn); "Nhà tôi làm ruộng, đào đá ong và làm thêm nghề lột giang đan mũ" (Con gái thủy thần), "Ít năm trước đây, tôi theo một toán thợ xẻ lên miền ngược kiếm ăn" (Những người thợ xẻ)…Thỉnh thoảng người trần thuật hoặc nhân vật ném ra những triết lý như "chọc tức", như cố tình để tạo ra tranh cãi. Và người đọc cứ như bị tác giả dẫn lối, kéo họ nhập vào thế giới nghệ thuật của ông, một thế giới rất quen thuộc nhưng cũng đầy kỳ bí, nhiều cạm bẫy. Ông dẫn họ vào đó, nhưng ông không chỉ cho họ lối ra. Ông không thích là người dẫn đường. Ông buộc họ phải mày mò tìm đường, suy tư, dằn vặt, tự đối diện với chính mình, đối diện với phần tăm tối, bản năng nhất của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng lạnh lùng, tàn nhẫn. Giọng văn của ông thường chùng xuống, đầy cảm xúc khi nói đến con người. Trong Tướng về hưu ông Bổng khóc oà: "Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuấn gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người". Một nhân vật trong Cún nói: "Cả cuộc đời ngắn ngủi của cha tôi chỉ có độc một khát vọng làm người mà không được". Thắm trong Chảy đi sông ơi nói: "Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường"…

Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn nổi danh của những năm đầu đổi mới, nhưng nhiều giá trị trong truyện ngắn của ông thì vẫn mãi trường tồn. Tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Ông đã được tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (2006), Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nomino của Ý (2008)... Hiện ông đang được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021 (cho hai tập truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát). Sau một thời gian lâm bệnh nặng, trái tim Nguyễn Huy Thiệp đã ngừng đập. Nhưng nhiều trang văn của ông để lại thì sẽ còn sống lâu với thời gian, bởi nó vẫn luôn là những lời thẳng thắn, tâm huyết cảnh tỉnh con người, vì sự tốt đẹp của phẩm giá con người.

 

Chú thích

1. Tạp chí Sông Lam, số 9/2021.

2. Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm, biên soạn), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 546.

3. Phạm Xuân Nguyên, sđd, tr. 405-406.

4. Phạm Xuân Nguyên, sđd, tr. 14,15.

Nguyễn Hưng

 

Về với mảnh đất Hưng Nguyên, đi dọc hai bờ sông Lam gần chân cầu Yên Xuân chúng ta có thể chiêm ngưỡng được nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh dòng chảy của nước sông Lam, còn có dòng chảy của các lớp văn hóa lắng đọng qua hệ thống các di tích dọc hai bên bờ sông như: đền Thanh Liệt, đền Long Giang, miếu Yên Hiệu, đền Nghĩa Sơn… Trong đó đền Nghĩa Sơn là ngôi đền thiêng gắn với tín ngưỡng thờ Tam phủ hội đồng nguyên thủy.

Đền Nghĩa Sơn được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, thuộc làng Nghĩa Sơn, tổng Phù Long nay thuộc xóm 16, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền nằm bên tả ngạn sông Lam với hai tòa nhà cổ kính, có kết cấu kiến trúc truyền thống. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, quý có giá trị như 19 sắc phong cho các vị thủy thần, 3 kiệu cổ, long ngai bài vị cổ, kiếm ngự cổ,…

Đền Nghĩa Sơn gắn với tín ngưỡng thờ Tam phủ hội đồng nguyên thủy. Tín ngưỡng thờ Tam phủ là tín ngưỡng bản địa của người Việt, được hình thành từ tín ngưỡng dân gian truyền thống. Trong thời kỳ đầu tín ngưỡng Tam phủ để chỉ chung về ba miền: Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ, theo quan niệm của người xưa 3 phủ này là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Về sau tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, để rồi phát triển lên thành một hệ thống tương đối nhất quán trong các điện thờ. Một điện thờ, trong đó các vị thần được sắp xếp theo một trật tự chặt chẽ từ nhỏ đến lớn và đều quy về vị thần chủ cao nhất là Ngọc hoàng Thượng đế (Vua Cha). Từ đây, tín ngưỡng Tam phủ bước đầu hình thành hệ thống thờ cúng trong các đền, phủ, những lễ nghi thờ cúng bắt đầu được chuẩn hóa. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng Tam phủ lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của Phật giáo để hình thành nên "Tam phủ hội đồng". Trong điện thờ Tam phủ hội đồng, hàng thứ nhất trên cùng là Quan Thế Âm Bồ Tát, rồi đến Tam vị đức vua (hay tam vị Vua Cha), Tam tòa thánh mẫu,…

Tín ngưỡng thờ Tam phủ chứa đựng những nhân tố về vũ trụ luận nguyên sơ(1), Tam phủ với ba miền mang nghĩa rộng và bao quát, tương ứng với ba miền trong vũ trụ đó là miền Thiên phủ, miền Địa phủ và miền Thủy phủ. Đứng đầu 3 miền do 3 vị vua cha cai quản (Thiên phủ chí tôn Kim cương ngọc hoàng Thượng đế, Địa phủ chí tôn Bắc âm phong Đô đại đế, Thủy phủ chí tôn Phù Tang Cam Lâm đại đế )(2). Trong điện thờ Tam phủ nguyên thủy, chưa xuất hiện các vị Thánh mẫu với vai trò là người đứng đầu, cai quản các miền như mẫu đệ nhất cai quản miền Thiên phủ, mẫu đệ nhị cai quản miền Địa phủ, mẫu đệ tam cai quản miền Thủy phủ.

Song song với sự phát triển, tín ngưỡng Tam phủ đã chịu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc trên phương diện phép thuật mang tính phù thủy để trừ tà ma, chữa bệnh cứu người bằng bùa chú. Chính những ảnh hưởng này đã làm tăng thêm tính phù thủy đã từng tiềm ẩn trong tín ngưỡng dân gian, tiêu biểu là nghi lễ cầu đồng mang đậm dấu ấn Shaman giáo(3). Tín ngưỡng thờ Tam phủ đáp ứng những nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người, Do vậy, nó phổ biến khá rộng khắp từ Bắc vào Nam.

Đền Nghĩa Sơn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân thủy cư Vạn Cồn gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của cư dân vùng sông nước. Với quan niệm "vạn vật hữu linh", "đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", nên cư dân Vạn Cồn đã thực hành tín ngưỡng thờ Tam phủ trong đó thờ chính dòng Thủy phủ. Tín ngưỡng thờ Thủy phủ là 1 trong 3 dòng của Tam phủ, tuy nhiên dòng này đã phát triển mạnh và có nhiều dấu ấn trong đời sống tâm linh của cư dân sông nước, sống bằng nghề chài lưới.

 Tín ngưỡng thờ Tam phủ tại đền Nghĩa Sơn thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Nhiên thần, tuy nhiên các hiện tượng tồn tại trong thiên nhiên đều có xu hướng được nhân thần hóa và lịch sử hóa để thêu dệt nên những thần tích của các vị thần được thờ tại đền.

Liễu Nghị đại vương

Thần tên là Liễu Nghị(4), ngài đậu Tiến sĩ. Khi vinh quy, đi qua núi Bạt Sơn, ngài gặp công chúa Thủy Tinh. Thủy Tinh là con gái đầu của Long vương ở Động Đình Hồ đã kết duyên với Kính Xuyên. Kính Xuyên lấy thêm vợ hai là Thảo Mai. Nàng Thảo Mai đem lòng ghen ghét đặt điều nói xấu vợ cả, Thủy Tinh bị Kinh Xuyên hắt hủi, rồi lưu đày đến đất Bạt Sơn. Gặp Liễu Nghị, nàng trao cho chàng một bức thư nhờ đưa đến Thủy phủ. Liễu Nghị nói từ Động Đình hồ đi thủy phủ không có thuyền qua sông. Tức thì nàng đưa cho Liễu Nghị một chiếc kim thoa và dặn đi đến bến có cây Ngô đồng thì gõ ba tiếng, sẽ có đôi rắn to nổi lên mặt nước đưa chàng về Thủy phủ.

Sau khi đọc bức thư biết hết sự tình, Long vương liền sai Thái Thú là Xích Lân đến Bạt Sơn rước Thủy tinh về Long cung và cho phép nàng được kết duyên cùng Liễu Nghị.

Thần Liễu Nghị rất linh ứng thường xuyên phù hộ cho cư dân sông nước nên nhân dân vạn chài nhiều nơi lập đền thờ phụng trong đó có đền Nghĩa Sơn. Nội dung bài vị của thần Liễu Nghị đại vương tại đền Nghĩa Sơn như sau: Bản cảnh đệ tam Liễu Nghị đại vương, gia tặng Dực bảo Trung hưng tối linh tôn thần, thần vị.

Trải qua triều đại nhà Nguyễn thần Liễu Nghị đã hai lần được ban sắc vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) và năm Khải Định thứ 9 (1924).

- Thủy tinh phu nhân công chúa

 Thần tích về Thủy tinh phu nhân công chúa tại đền cho biết: Kiếp trước thần là một trong mười hai tiên nữ của Ngọc Hoàng thượng đế sinh tại thiên cung, về sau nàng bị khiển trách nên đày xuống thủy cung làm con gái của Vua Bát Hải Thủy Quốc Động Đình.

 Thủa nhỏ, nàng có tư chất thông minh, nhanh nhẹn lại xinh tươi yểu điệu, tóc mây, da trắng. Lớn lên nàng kết duyên cùng Kinh Xuyên, con trai thứ của Kinh Dương vương, nhưng Kinh Xuyên lại lấy vợ hai là Thảo Mai. Thảo Mai đem lòng ghen ghét và đố kỵ với vợ cả nên vu cho nàng thất tiết. Nghe lời tiểu thiếp, Kính Xuyên lưu đày nàng đến ở đất Bạt Sơn. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn gặp được Liễu Nghị, nàng bèn nhờ Liễu Nghị mang thư về kể hết sự tình cho vua cha. Long vương biết rõ sự việc liền cho quân đến Bạt Sơn rước nàng về thủy phủ. Sau đó nàng kết duyên cùng Liễu Nghị.

Thần thủy tinh phu nhân rất linh ứng, thường cứu giúp dân khi có việc cầu đến ngài (Tuy xa cách, hữu cảm tất thông, ai thành kính hữu cầu tất ứng)(5.)

Vị hiệu của ngài được thờ tại đền là "Bản cảnh Thủy tinh Công chúa Ngọc Lân Nữ Hồ Trung, sắc phong Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng tối linh tôn thần. Hiện nay tại đền còn lưu giữ 4 sắc do triều Nguyễn phong cho thần

Sắc phong năm Thành Thái thứ 6 (1897), năm Thành Thái thứ 9 (1897), năm Duy Tân nguyên niên (1907), năm Khải Định thứ 9 (1924).

- Thủy phủ Phù tang Cam lâm Đại đế

Trong tín ngưỡng thờ Tam phủ thần Thủy phủ Phù tang Cam lâm Đại đế là vị vua cha đứng đầu Thủy phủ, Ngài còn được gọi là vua cha Bát Hải Động Đình quân.

    Theo nội dung văn cúng lưu tại đền Nghĩa Sơn, thần Thủy phù Phù tam Cam lâm Đại đế là vị thần cai quản miền Thủy phủ. Ngài thường hiển linh phù hộ độ trì cho cư dân vùng sông nước, tránh mọi tai ương, gặp nhiều may mắn. Dưới triều nhà Nguyễn thần hai lần được ban sắc phong và phong đến thượng đẳng thần. Sắc phong năm Thành Thái thứ 6 (1894), năm Khải Định thứ 9 (1924).

Hà Bá Thủy phủ Động Đình Quân

Trong quan niệm dân gian từ xưa đến nay vẫn lưu truyền câu nói "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá". Điều đó có nghĩa là mỗi vùng đất đều có Thổ Công cai quản, mỗi khúc sông đều có Hà Bá quản lý. Chính vì vậy, Hà Bá là một vị thần trị vì vùng sông nước trong tín ngưỡng dân gian và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với cư dân có hoạt động kinh tế liên quan đến vùng sông nước. Trong quan niệm của nhân dân làng Nghĩa Sơn thần Hà Bá Thủy phủ Động Đình quân là vị thần cai quản vùng sông nước rộng lớn đứng sau vị thần Thủy phủ Phù tang Cam lâm Đại đế. Theo nội dung sắc phong tại đền Nghĩa Sơn cho biết thần Hà Bá Thủy phủ Động đình quân có công âm phù thường xuyên linh ứng nên được phong đến Thượng đẳng thần. Sắc phong năm Thành Thái thứ 6 (1894), năm Khải Định thứ 9 (1924).

Ngoài ra tại đền còn thờ bản cảnh Thành hoàng Tham thị Trung liệt Đại vương, Bản cảnh Thành hoàng Hữu Hộ Tích Phúc Thùy Hưu, Tả Giám Đàn tướng quân, Bản cảnh Thủy đạo Tả tướng quân kiêm Tri Hà Hải chi thần. Đây là những vị thần thuộc về dòng thủy phủ, luôn phù trợ cho cư dân vùng sông nước.

Đền Nghĩa Sơn còn là nơi thực hành các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc gắn với tín ngưỡng thờ Tam phủ. Trong hệ thống thờ Tam phủ nguyên thủy nghi lễ rất phong phú và đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo, có thể phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, tập trung và điển hình nhất vẫn là nghi lễ cầu đồng. Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các thần linh vào thân xác các đồng tử nhằm cầu sức khỏe, tài lộc đây là một dạng thức của Shaman giáo. Để thực hiện nghi thức mang tính shaman này đã sản sinh và tích hợp các hiện tượng văn hóa nghệ thuật, như hát văn, nhạc chầu văn, múa thiêng… tạo nên một sân khấu tâm linh, tượng trưng cho sự tái sinh và hiện diện của thần linh Tam phủ thông qua thân xác các đồng tử, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho nhân dân.

Trình thức một lễ cầu đồng gồm các bước thực hiện như sau:

Bước một: Công tác chuẩn bị:

+ Chuẩn bị lễ vật gồm: 5 cơi trầu cau đã têm sẵn, thuốc lá, thuốc lào, rượu, hoa quả, hương nến…

+ Chuẩn bị khay thăm(6): làm 1 khay thăm giống nhau khoảng 50 đến 100 chiếc thăm làm sẵn không có vị hiệu (gọi là thăm trắng). Trên các bát hương của các vị thần được thờ đều có thăm ghi rõ vị hiệu của các vị.

+ Chuẩn bị tráp xiêm y, mũ, gương, giáo, mịch, nghiêng bút, dao nhọn.

+ Mời thầy Pháp sư, đồng tử, hầu dâng (họ là những người giúp ông đồng bà đồng trong việc cầu đồng như thắp hương, dâng các vật dụng, dâng thuốc, dâng rượu, dâng trầu), cung văn (là những người nhạc sinh đánh trống ban (trống nhỏ), phách, thanh la, xập xèng… còn riêng hát văn do pháp sư đảm nhiệm).

Bước hai: Cầu để xin thần giáng, thần nhập.

+ Trước tiên phải nêu rõ nội dung, mục đích cầu đồng, cầu để làm gì, giúp cho ai, tên tuổi, địa chỉ nơi cư trú.

+ Pháp sư lên hương, thỉnh mời chư Phật, chư Thánh an tọa ngọc điện.

+ Tấu trình nội dung những việc cần làm

+ Pháp sư bắt đầu hầu văn. Cung văn giữ vai trò hết sức quan trọng trong cầu đồng. Họ xướng nhạc và hát văn ca ngợi công đức của các vị thần thánh.

+ Thần giáng(7), thần nhập

Sau khi đứng lên làm lễ và xin phép thần được nhập đồng, đồng tử trùm khăn đỏ phủ diện lên đầu để thực hiện nghi thức thần giáng, thần nhập. Đồng tử trùm khăn phủ diện, hai tay chắp dâng nén hương, đầu và thân lắc lư cho tới khi nào thần giáng và nhập vào đồng tử thì buông nén hương, mở khăn phủ diện rồi xưng hiệu của vị thần đã giáng.

+ Hộ hiệu:

Lúc này Hầu dâng bưng đĩa thăm xuống, đến bát hương có hiệu của vị thần vừa hô, rút thăm bỏ chung và trộn đều với các thăm trắng khác. Sau đó đưa xuống xin thần bắt hiệu, khi bắt hiệu ngài cầm hương thư(8), có thể dùng hương gắp hiệu, cũng có thể lấy tay cầm hiệu đưa cho người Hầu dâng, Hầu dâng đón lấy và mở ra xem, nếu thăm có hiệu thì ngay lập tức phải xưng: Dạ! thấu hiệu.

Bước ba: Làm việc quan (tức là thời gian thần làm việc)

Tùy theo từng vị thần giáng đồng để người Hầu dâng chuẩn bị xiêm y, gươm, kiếm, mịch, có khi thần truyền lấy đòi bút để viết hoặc dao nhọn để rạch lưỡi hoặc võng để đi vi hành… đây là những dụng cụ phục vụ cho thần làm việc quan.

Công việc ở đây có thể là chữa bệnh, có thể là sát quỷ, trừ tà hoặc trấn an gia trạch, hoặc chỉ bảo, phán truyền những điều dương trần cầu khẩn. Trong thời gian làm việc quan có thể thần sẽ muốn ăn trầu, hút thuốc, uống rượu… người Hầu dâng phải biết ý và sẵn sàng phục vụ, biết cách ứng xử, bẩm thưa, để nhờ thần giúp đỡ.

Bước bốn: Thần thăng.

Khi xong việc thần sẽ thăng, các hầu dâng phải biết ý đỡ đồng tử khi thần thăng, đồng thời khẩn trương tháo gỡ cân đai, xiêm y cho đồng tử.

 Trên đây là một quy trình cầu đồng tại đền Nghĩa Sơn. Trong lễ cầu đồng quan trọng nhất là phải có đồng tử (đồng thuộc), đồng tử phải có căn số, đã được thần thánh chấm luyện từ trước (không phải bất kỳ ai cũng làm đồng tử được), trong văn Mẫu Thủy có đề cập đến vấn đề này: Hễ ai có số quý nhân, thời chúa ứng, đem làm đồng tử. Sau một thời gian dài lễ cầu đồng bị cấm đoán và xem là mê tín dị đoan thì hoạt động cầu đồng ở đền Nghĩa Sơn đã bị gián đoạn. Chính vì vậy, hiện nay, nghi lễ cầu đồng tại đây không còn diễn ra thường xuyên. Chỉ khi nào làng có việc hệ trọng hoặc trong làng có người bệnh nặng vô phương cứu chữa thì mới làm lễ cầu đồng xin chữa bệnh cứu người.

Đền Nghĩa Sơn là công trình kiến trúc tâm linh có bề dày lịch sử tồn tại hơn hai trăm năm. Trải qua thời gian dài tồn tại đền Nghĩa Sơn đã trở thành biểu tưởng thiêng liêng, niềm tự hào của nhân dân trong vùng.

Đền Nghĩa Sơn là nơi thờ Tam Phủ hội đồng, nhất là dòng thủy phủ trong đó có các nhân vật như Liễu Nghị đại vương, Thủy tinh phu nhân công chúa, Thủy phủ Phù tang Cam lâm Đại đế, Hà Bá Thủy phủ Động Đình quân... Đây là loại hình tín ngưỡng bản địa cổ xưa của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tam phủ hội đồng tại đền Nghĩa Sơn vẫn còn bảo lưu được tính nguyên thủy chưa bị ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ sau này. Qua nghiên cứu về tín ngưỡng tại đây giúp chúng ta tìm hiểu thấu đáo hơn về một loại hình tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân vùng sông nước.

Đền Nghĩa Sơn có đủ các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học thẩm mỹ nên đã được UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định: 3801/QĐ.UB ngày 27/8/2018 xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

 

Chú thích

1. Lý luận về vũ trụ nguyên sơ trong tín ngưỡng dân gian cho rằng: Trong vũ trụ tồn tại 3 miền tương ứng với miền Thiên phủ, miền Địa phủ và miền Thoại phủ. Đứng đầu mỗi phủ là một vị vua cha ngọc hoàng cai quản và có các quyền năng để tạo nên sự sống.

2. Nội dung bài Tấu chiêu nghinh Tam phủ.

3. Shaman giáo là một hình thức tôn giáo cổ xưa thông qua những người môi giới để giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn. Shaman giáo có nhiều yếu tố giống ma thuật nhưng khác ma thuật ở chỗ nếu ma thuật quan niệm tự bản thân người làm ma thuật có một sức mạnh siêu linh thì shaman chỉ cho mình là người môi giới, là hình bóng của siêu linh.

4. Ngoài thần tích về Liễu Nghị như đã trình bày thì trong cuốn Di sản Hán Nôm của huyện Hưng Nguyên, trang 253 có chép về thần tích nhân vật Liễu Nghị như sau: Thời vua Lê Thánh Tông, Liễu Nghị thi đỗ Tiến sĩ, làm quan phủ Hà Trung (Thanh Hóa), vợ là Quỳnh Hoa. Liễu Nghị cùng vợ tham gia đánh quân Chiêm Thành, bảo vệ Thăng Long. Sau khi đánh tan giặc Chiêm, Liễu Nghị được phong chức Đô đài ngự sử. Khi chồng mất, Quỳnh Hoa về sống ở Nghi Tàm, dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Khi mất bà được tôn là bà Chúa Tằm, có đến 60 đền thờ phụng bà.

5. Nội dung văn Mẫu Thủy tại đền Nghĩa Sơn (xem thêm phần tài liệu tham khảo).

6. Thăm được làm bằng thanh tre, bên ngoài quấn giấy giống nhau, trong đó có một số thăm nghi vị hiệu của các thần được thờ tại đền phần còn lại không ghi vị hiệu, dùng để thử khi thần giáng bắt thăm xem có chính xác không?

8. Có hai hình thức giáng: Giáng trùm khăn gọi là hầu tráng mạn, Giáng mở khăn tức là thần vừa giáng, vừa nhập đồng.

9. Thư là hình thức cầm hương viết chữ hán hướng vào đĩa thăm.

Sáng ngày 15/4/2021, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020. Nghệ An đứng vị trí thứ 18 với 64,73/100 điểm, thuộc nhóm điều hành khá, vị trí thứ hạng giữ nguyên so với năm 2019 và nằm trong top đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố thông qua 10 lĩnh vực có tác động lớn tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch với thông tin từ các cơ quan nhà nước công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp; 4) Việc thực hiện các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, cùng với gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm thiểu; 5) Chi phí không chính thức thấp; 6) Môi trường kinh doanh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi cao; 9) Chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chỉ số PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. PCI cũng đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp được đề cao để chung tay cải cách, thúc đẩy đối thoại, hợp tác công tư và giám sát việc thực thi chính sách của chính quyền các cấp.

PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI.

Năm 2020 là một năm đặc biệt khi phải đối phó với đại dịch COVID-19, một thảm họa y tế toàn cầu, tác động tiêu cực và trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp. Trong khó khăn dịch bệnh, Việt Nam không chỉ phòng chống dịch hiệu quả mà còn là một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Điều tra hơn 1.500 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài dù đã trải qua một năm đầy khó khăn.

1. Chỉ số PCI năm 2020 trên phạm vi cả nước

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 10.731 doanh nghiệp tư nhân hoạt động tại 63 tỉnh, thành (Trong đó 8.633 doanh nghiệp trả lời điều tra chung các vấn đề về môi trường kinh doanh và 2.098 doanh nghiệp mới thành lập năm 2019 và 2020 đánh giá riêng về các thủ tục gia nhập thị trường) và 1.564 doanh nghiệp FDI đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư vào 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Doanh nghiệp có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Trong năm 2020, theo điều tra PCI những vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất là: tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự thích hợp và tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Kết quả xếp hạng PCI năm 2020, có 5 tỉnh đạt loại điều hành rất tốt (Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng); 5 tỉnh xếp loại tốt; 19 tỉnh xếp loại khá; 32 xếp loại trung bình và 2 tỉnh xếp loại tương đối thấp (Kiên Giang và Bạc Liêu). Quảng Ninh duy trì vị trí dẫn đầu trong Bảng xếp hạng PCI 2020 với 75,09 điểm, đây là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh này dành vị trí quán quân và là tỉnh duy nhất vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 đến nay.

 

     

 

 

 

 

 

 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020

 

2. Nghệ An trong bảng xếp hạng PCI năm 2020

Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2020, Nghệ An đứng vị trí thứ 18 với 64,73/100 điểm, thuộc nhóm điều hành khá, vị trí thứ hạng giữ nguyên năm 2019, dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Kết quả vị trí thứ hạng PCI đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư của chính quyền các cấp trong tỉnh.

Để nhìn thấy rõ sự cải thiện hay tồn tại trên các chỉ số, chúng ta so sánh vị thứ của Nghệ An trong 63 tỉnh thành trên từng chỉ số tại bảng 1.

Bảng 1: Điểm số chỉ số thành phần tỉnh Nghệ An năm 2019-2020

Chỉ số thành phần

Năm 2019

Năm 2020

Tăng/Giảm bậc

Điểm số

Trung vị

Xếp hạng

Điểm số

Trung vị

Xếp hạng

CSTP 1: Gia nhập thị trường

7.78

7.24

16

7.37

7.81

43

-27

CSTP 2: Tiếp cận đất đai

6.63

6.94

41

6.54

6.66

35

+6

CSTP 3: Tính Minh bạch

6.95

6.64

10

6.04

5.85

22

-12

CSTP 4: Chi phí thời gian

6.74

6.87

36

7.61

7.71

35

+1

CSTP 5: Chi phí không chính thức

5.86

6.20

43

6.22

6.62

45

-2

CSTP 6: Cạnh tranh bình đẳng

6.57

6.35

26

6.35

6.59

43

-17

CSTP 7: Tính năng động

5.79

6.26

52

6.31

6.37

34

+18

CSTP 8: Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp

6.57

6.17

21

6.78

5.91

11

+10

CSTP 9: Đào tạo lao động

6.86

6.70

23

6.25

6.52

42

-19

CSTP 10: Thiết chế pháp lý và ANTT

6.55

6.53

30

6.53

6.80

39

-9

Nhìn vào bảng 1, cho thấy có 4 chỉ số thành phần tăng bậc, trong đó 2 chỉ số được cải thiện tốt so năm 2019 đó là Chỉ số Tính năng động tăng 18 bậc, Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiêp tăng 10 bậc.

Tuy nhiên, có 6 chỉ số thành phần giảm bậc và các chỉ số như: Chỉ số chi phí không chính thức, Chỉ số gia nhập thị trường, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động có thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố. Những chỉ số giảm bậc nhanh so với năm 2019 là chỉ số Gia nhập thị trường giảm 27 bậc, Chỉ số Đào tạo lao động giảm 19 bậc, Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm 17 bậc và Chỉ số Tính minh bạch giảm 12 bậc.

(1) Đối với chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ 45/63, đây là chỉ số thành phần thấp nhất của tỉnh năm 2020 và được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 9 tiêu chí.

Bảng 2: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Chi phí không chính thức của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

Câu hỏi

%

Nghệ An

Min

Trung vị

Max

Các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản CPKCT (%) *

38%

26%

45%

62%

Công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả CPKCT (% luôn luôn/hầu hết)

47%

37%

58%

92%

Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN là phổ biến (% Đồng ý) *

57%

32%

54%

65%

Các khoản CPKCT ở mức chấp nhận được (% Đồng ý)

82%

74%

84%

95%

Tỷ lệ DN có chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra (%) *

29%

13%

28%

45%

Tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT (%) *

5%

1%

5%

16%

Tỷ lệ DN có chi trả CPKCT trong thực hiện TTHC đất đai(%) *

42%

0%

32%

61%

Chi trả CPKCT là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu (% Đồng ý) *

41%

18%

40%

65%

DN lo ngại tình trạng 'chạy án' là phổ biến (%) *

26%

7%

23%

39%

 

(2) Đối với Chỉ số Gia nhập thị trường xếp vị trí thứ 43/63, giảm 27 bậc so năm 2019, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 10 tiêu chí.

Bảng 3: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Gia nhập thị trường của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

Câu hỏi

Nghệ An

Min

Trung vị

Max

Số ngày đăng ký doanh nghiệp (trung vị)*

5

2

6

9

Số ngày thay đổi ĐKDN (trung vị)*

5

1

3.5

7

Phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động (% DN)*

23%

0%

12%

40%

Phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động (% DN)*

10%

0%

0%

14%

Tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, TTHCC, bưu điện (%)

32%

10%

57%

92%

Thủ tục (thay đổi) ĐKDN: Thủ tục được niêm yết công khai (%)

83%

50%

78%

100%

Thủ tục (thay đổi) ĐKDN: Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ (%)

91%

48%

84%

100%

Thủ tục (thay đổi) ĐKDN: Cán bộ am hiểu chuyên môn (%)

69%

32%

73%

94%

Thủ tục (thay đổi) ĐKDN: Cán bộ nhiệt tình, thân thiện (%)

80%

32%

79%

97%

Thủ tục (thay đổi) ĐKDN: Ứng dụng CNTT tốt (%)

51%

3%

39%

88%

 

(3) Đối với Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng xếp vị trí thứ 43/63, giảm 17 bậc so năm 2019, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 15 tiêu chí

Bảng 4: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Cạnh tranh bình đẳng của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

Câu hỏi

Nghệ An %

Min

Trung vị

Max

Việc tỉnh ưu ái cho các DNNN gây khó khăn cho DN" (% Đồng ý) *

29

12

25

37

DNNN thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai (% Đồng ý) *

25

10

18

31

DNNN thuận lợi hơn trong tiếp cận các khoản vay (% Đồng ý) *

20

7

18

33

DNNN thuận lợi hơn trong cấp phép khai thác khoáng sản (% Đồng ý) *

17

4

11

23

DNNN thuận lợi hơn trong việc thực hiện các TTHC (% Đồng ý) *

16

6

14

27

DNNN thuận lợi hơn trong việc có được các hợp đồng từ CQNN (% Đồng ý) *

20

6

15

29

DN FDI được ưu tiên giải quyết các khó khăn hơn DN dân doanh (% Đồng ý) *

44

23

44

65

Tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân (% Đồng ý) *

33

15

29

48

DN FDI thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai (% Đồng ý) *

18

8

17

31

DN FDI có đặc quyền trong miễn/giảm thuế TNDN(% Đồng ý) *

17

5

14

27

DN FDI thuận lợi hơn trong thực hiện các TTHC (% Đồng ý) *

15

8

13

30

DN FDI trong hoạt động nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ hơn(% Đồng ý) *

21

5

17

31

Nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào DN thân quen CBCQ *

55

37

58

70

Ưu đãi DN lớn(nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân DN (% Đồng ý) *

51

34

54

71

 

(4) Đối với Chỉ số Đào tạo lao động xếp vị trí thứ 43/63, giảm 19 bậc so năm 2019, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 11 tiêu chí

Bảng 5: Kết quả các tiêu chí trong chỉ số Đào tạo lao động của Nghệ An và so sánh với mức bình quân chung và min, max của cả nước

Câu hỏi

Nghệ An %

Min

Trung vị

Max

Tỷ lệ DN đánh giá Giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng Tốt (%)

63

43

63

81

Tỷ lệ DN đánh giá Giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng Tốt (%)

41

28

47

67

DN từng sử dụng dịch vụ Giới thiệu việc làm (GTVL) tại tỉnh (%)

63

26

60

65

DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ GTVL (%)

50

28

61

92

DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ GTVL (%)

58

25

57

87

Phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho Đào tạo lao động (%) *

6.39

2.93

5.49

10.25

Phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho Tuyển dụng lao động (%) *

4.66

1.56

4.05

8.49

Lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN (%)

92

81

93

99

Tỷ lệ lao động qua đào tạo /số lao động chưa qua đào tạo (%)

5

1

5

11

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động (%)

13

3

12

20

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại DN (%)

62

34

58

70

Trong số các chỉ tiêu được liệt kê trên, một số chỉ tiêu là chỉ tiêu thuận (giá trị càng cao thì càng tích cực và thứ hạng càng tốt), và một số chỉ tiêu còn lại là chỉ tiêu nghịch (giá trị càng cao thì càng tiêu cực và thứ hạng càng không tốt). Dấu (*) ở cuối tên các chỉ tiêu nghịch để phân biệt với các chỉ tiêu thuận

 

Kết quả bảng 2-5 cho thấy một số các tiêu chí trong từng chỉ số còn thấp so với trung bình của cả nước như: Các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản CPKCT; Tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, TTHCC, bưu điện thấp; Ưu đãi DN lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho bản thân DN; DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ GTVL thấp…

3. Một số kiến nghị để cải thiện chỉ số PCI tỉnh thời gian tới

Thứ nhất, Cải thiện các chỉ số xếp hạng thấp, giảm điểm

(1) Chỉ số Chi phí không chính thức: Đổi mới lề lối, phong cách làm việc; Nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, có hình thức xử phạt nghiêm minh làm tính răn đe. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình xử lý các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

(2) Chỉ số Gia nhập thị trường: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn…. quyết liệt ứng dụng CNTT nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới trong tư duy, nhận thức và hành động khi thi hành công vụ, chuyển từ tư duy "cho phép", "cấp phép" sang tư duy "phục vụ".

 (3) Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng: Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong nước tiếp cận đất đai, nguồn vốn... đảm bảo không có sự thiên vị giữa các loại hình doanh nghiệp. Đổi mới cách thức quản lý Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân tham gia. Các doanh nghiệp cần quan tâm tìm hiểu, nắm rõ trách nhiệm của mình để chuẩn bị, hợp tác với cơ quan Nhà nước trong quá trình làm thủ tục.

(4) Chỉ số Đào tạo lao động: Cần nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp một cách chi tiết về số lượng theo ngành nghề, kỹ năng theo từng nghề để tổ chức đào tạo bổ sung, nâng cao chất lượng tay nghề, số lượng người lao động. Tổ chức thị trường lao động công khai, minh bạch; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, việc làm, thông tin cung - cầu nhân lực. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch đào tạo lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của tỉnh. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng xã hội hoá. Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, trong đó chú trọng các trường kỹ thuật đào tạo kỹ sư phần mềm, công nghệ cao; mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, tổ chức xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo mới từng bước tiếp cận với cấp độ khu vực và quốc tế.

Thứ hai, Chính thức ban hành đề án đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và các sở, ngành DDCI (Department and District Competitiveness Index) để đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương và sở, ban, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ ba, Tăng cường tần suất đối thoại và nâng cao chất lượng các hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp - chính quyền từ cơ sở đến cấp tỉnh để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Phát huy vai trò cầu nối của các Hiệp hội doanh nghiệp để các chính sách của tỉnh lan tỏa nhanh chóng đến các doanh nghiệp.

Thứ tư, Triển khai các chính sách về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và mở rộng thị trường.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam năm 2019 và 2020.

2. https://www.pcivietnam.vn/

3. Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Nghệ An

4. Quyết định số 4879/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2021.

 

Thái Hạo

Phan Châu Trinh là nhà cách mạng Việt Nam đã nhìn xa và sâu nhất thế kỷ 20, xuất phát từ sự thấu hiểu "căn tính dân tộc" và các giá trị lớn có tính phổ quát của nhân loại. Dù lịch sử đã rẽ sang một hướng khác nhưng những tư tưởng của ông vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Vì vậy, đọc lại Phan Châu Trinh lúc này là việc luôn cần thiết...

1. Thời gian là thuốc thử đối với những chân - ngụy, hư - hả… Vàng thử lửa; nhân cách tư tưởng qua thời gian như ngọc càng mài càng sáng. Những tư tưởng của Phan Châu Trinh cần được nhìn nhận, đánh giá một cách hệ thống, để sau gần 100 năm ngày nhà cách mạng qua đời chúng ta - những hậu thế còn sống trên mảnh đất Việt Nam sẽ tìm ra ở đấy những giá trị cho nòi giống ta trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Tìm ra hạt nhân tư tưởng của ông vì thế là điều rất quan trọng để kế thừa.

Phan Châu Trinh đã đi một con đường phải nói là rất "lạ" so với tất cả những người cách mạng cùng thời và cả sau này. Nếu tìm một câu để khái quát tư tưởng ông thì có lẽ nhiều người sẽ không ngần ngại đọc to lên 9 chữ sau đây: "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh". Nhưng đọc xuyên suốt các tác phẩm của ông thì chúng ta phải băn khoăn, vì nhận ra rằng đó dường như thuộc về "sách lược" nhiều hơn là một tư tưởng có tính "cương lĩnh", thống soái. Còn việc Phan Châu Trinh chủ trương tư tưởng dân chủ thì đã quá rõ ràng, vấn đề là cái gốc của nó?

Trong "Đạo đức và luân lý Đông - Tây" - 1925, tác phẩm sau cùng có tính tổng kết và hệ thống gần như toàn bộ tư tưởng của ông, ở đó có 1 câu mà ít người chú ý: "ĐẠO ĐỨC MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU". Nhận định này chính là cơ sở cho toàn bộ tư tưởng và hoạt động của nhà cách mạng lỗi lạc. Nó quán xuyến tất cả những nhìn nhận, phê phán, cho đến chính sách ngoại giao và những hành động dấn thân khai trí quyết liệt của ông.

2. Chúng ta cần trả lời một câu hỏi căn bản: mục đích của Phan Châu Trinh là gì? Tất nhiên là độc lập cho dân tộc; nhưng không chỉ có thế, mà lâu dài hơn ông muốn đi tới một tương lai "nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa" - Nghĩa là một đất nước văn minh. Để có một đất nước như thế, thì dân trong nước ấy phải có đạo đức và luân lý vững vàng.

Từ đó, ông soi vào xã hội Việt Nam để đánh giá bức tranh đạo đức luân lý ấy. Và ông thấy một cảnh tượng đổ nát, suy vi, hoang tàn. Phan Châu Trinh đã khái quát luân lý trên 3 phương diện: Luân lý gia đình, luân lý quốc gia và luân lý xã hội. Ở cả ba phương diện ấy ông đều mô tả một cách trung thực về tình trạng điêu linh: "Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng: Không!".

"Gia đình luân lý" hiểu một cách nôm na là "lòng thương nhà" của mỗi con người. Đó là tình cảm, là trách nhiệm của mỗi người trong gia đình đối với cha mẹ vợ chồng anh em con cái sao cho tốt đẹp, nhu thuận, yêu thương… Nhưng cái luân lý gốc rễ chính yếu ấy của xứ Á đông và của dân tộc này cũng bị hư nát rồi, chỉ còn rặt một thứ chuyên chế gia trưởng và lối hình thức lòe loẹt, đạo đức giả nhan nhản trong xã hội.

Quốc gia luân lý, nói cho giản dị, là lòng yêu thương đất nước của mình, từ đó mà có trách nhiệm bảo vệ, bênh vực, giữ gìn công thổ và văn hóa của đất nước. Ông viết: "Cái "thương nước" tôi nói đây không phải là xúi dân "tay không" nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác để phá loạn trong nước đâu! Tôi xin thưa: Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau".

Nhưng cái luân lý này ở "Người nước ta thì sao? Người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ nghìn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả", "Ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác". Người nước ta chỉ biết vua mà không hề biết đến nước, chỉ biết tư lợi mà không hề ngó tới công lợi; nước còn nước mất cũng mặc kệ.

Xã hội luân lý là tình thương yêu và trách nhiệm của mỗi người đối với người khác trong cộng đồng dân tộc cho đến "cái nghĩa vụ loài người đối với loài người". Loại luân lý này thì Phan Châu Trinh khẳng định: "Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến", "Ai chết mặc ai, phải ai tai nấy", "Thương ôi! Làng có một nắm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư ký ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được!".

Đây không phải chỉ là những "đứt gãy", mà ghê gớm, đó là sự suy bại, là vỡ nát tưởng không còn lại chút gì nguyên vẹn, lành lặn nữa.

3. Trên kia là bức tranh đạo đức luân lý trong xã hội Việt Nam từ cái nhìn của Phan Châu Trinh. Ông đã cả quyết rằng "Nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý". Nghĩa là trăm mối họa đều có gốc từ sự đổ nát luân lý mà ra. Nay muốn trừ những cái họa ấy thì phải tìm cách kiến tạo sao cho mỗi người Việt Nam cho đến toàn dân Việt Nam phải có đạo đức luân lý. Chừng nào chưa bồi đắp, xây dựng và nuôi lớn được những giá trị cơ bản ấy thì chừng ấy đừng mong có độc lập hay văn minh, đó chỉ là ảo tưởng mà thôi.

Vấn đề bây giờ là làm thế nào để có được những đạo đức luân lý ấy trong dân Việt Nam? Phan Châu Trinh đã tự hỏi và tự trả lời rằng, luân lý của Âu châu thì rất tốt đẹp nhưng không thể mang về mà dùng ngay được, vì "Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?". Từ đó, ông đi đến một kết luận quan trọng bậc nhất trong sách lược của mình, đó là "nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta"; phải bồi bổ cho giống nòi ta để nó khỏe mạnh lên bằng những giá trị đạo đức truyền thống của nó "rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy". Khi đó cái "cây ghép" này mới có đủ sức khỏe tự thân mà ra hoa kết quả.

Vấn đề là "cây luân lý cũ của ta" là cái gì, nó hiện ở đâu, có thể tìm lại không…? Phan Châu Trinh trả lời rằng "có". "Đạo ấy ở trong những câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (kẻ sĩ thà bị giết chứ không chịu nhục), phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (Giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu)...".

Đó là thứ đạo đức dung hòa, là đạo làm người căn bản vốn không quá xa lạ với người Việt ta; đạo ấy "đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây".

4. Đến đây, chúng ta đã hệ thống lại tư tưởng của Phan Châu Trinh: có đạo đức luân lý thì có tất cả, mất đạo đức luân lý thì mất tất cả; vì thế phải phục dựng nền móng đạo đức luân lý của Việt Nam; khi phục dựng được rồi thì nỗ lực truyền bá tư tưởng và mô hình chính trị dân chủ châu Âu vào nước ta để xây dựng một xã hội cường thịnh, văn minh, hạnh phúc.

Tôi cho rằng, tư tưởng này của cụ Phan không những là thức thời mà còn phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội loài người. Chủ thể (người dân) của một đất nước với những phẩm cách của nó sẽ quyết định không những tương lai dân tộc và còn quyết định cả việc nó sẽ học được những gì, sự tiếp thu của nó sẽ ra sao, và nó sẽ hành động thế nào. Một khúc gỗ mục thì chẳng thể đẽo nên món đồ gì cả. Vì thế, cần khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh để làm một cuộc phục hưng dân tộc.

Nếu hình dung cấu trúc tư tưởng cách mạng của Phan Châu Trinh như một tòa nhà thì việc khôi phục và đắp vững nền tảng luân lý chính là xây móng nhà; việc truyền bá và thiết lập chế độ dân chủ để từ đó kiến thiết các giá trị khác chính là toàn bộ phần kết cấu bên trên nền móng ấy.

Và chúng ta lại hiểu rằng việc xây móng cho một ngôi nhà thì quan trọng đến như thế nào! Không có móng hay móng kém chất lượng thì không thể xây nhà, nhất lại là tham vọng về một tòa nhà cao cả, vĩ đại.

Bài học của chúng ta ngày nay, khi kế thừa tư tưởng độc đáo và minh triết của Phan Châu Trinh chính là: mỗi trí thức cho đến người dân thường đều phải nỗ lực để xây dựng ngôi móng luân lý đạo đức cho vững vàng, kiên cố. Công việc ấy, mỗi người trí thức cần gánh lấy như một sứ mệnh "giáo hóa" đối với những người ít học hơn mình. Không có con đường nào khác ngoài tự giáo dục và giáo dục lẫn nhau. Ở đó, khai dân trí là công việc hệ trọng bậc nhất, bên cạnh việc thực hành một đời sống đạo đức đẹp đẽ để làm thành phong hóa xã hội. Đạo đức và luân lý cần đi bằng con đường "thân giáo", chứ không phải chỉ có lời nói suông.

Những thứ lý thuyết tân thời, cổ xúy cho các lối sống "phá chấp bạt mạng" mà không thành một hệ thống với tính chỉnh thể và sự tiếp nhận thận trọng, căn cơ thường có nguy cơ tạo thành một lối sống và cách hành xử lai căng, màu mè; nói thì như rồng cuộn mà sống như… rồng chết…; những thứ như thế lợi thì ít mà hại thì nhiều. Giới trẻ cần có một tinh thần nghiên cứu và học hỏi nghiêm túc trước các trường phái lý thuyết như thế mà làm lợi lạc cho mình chứ không để sa vào những sai lầm.

Có rất nhiều bài học quý giá mà chúng ta có thể học được từ di sản tư tưởng của Phan Châu Trinh. Phải nỗ lực tự học. Mỗi người tự học thì 5 - 10 năm sau ít nhất có 1/3 dân số thức tỉnh và có nền tảng tương đối. Lúc đó xã hội sẽ phải biến chuyển theo chiều hướng tiến bộ mà không thế lực nào có thể ngăn cản được.

 

* Công bố chỉ số PAPI 2020: Nghệ An tăng 2 bậc, xếp thứ 15 cả nước

Sáng 14/4, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức.

Theo đại diện UNDP Việt Nam, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.424 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 308 người có hộ khẩu tạm trú ở 6 tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh).

Năm 2020, điểm tổng hợp chỉ số PAPI của Nghệ An đạt 43,86 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019. Trong đó các chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở 5,09; Công khai minh bạch 5,56; Trách nhiệm giải trình với người dân 5,37; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,65; Thủ tục hành chính công 7,32; Cung ứng dịch vụ công 7,22; Quản trị môi trường 3,5; Quản trị điện tử 3,15.

Linh Nhi

* Hội thảo góp ý: "Điều tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2019"

Sáng ngày 8/4/2021, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học góp ý thuyết minh nhiệm vụ: Đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2019. Bà Nguyễn Thị Minh Tú - Giám đốc Trung tâm chủ trì.

Các đại biểu bày tỏ ý kiến đồng tình cao với thuyết minh nhiệm vụ và góp ý làm rõ thêm: những tồn tại, bất cập trong quá trình xây dựng NTM; khai thác thêm thông tin qua phỏng vấn sâu đối tượng cán bộ quản lý ở một số sở, ngành có liên quan đến các tiêu chí NTM; bổ sung thêm địa bàn khảo sát huyện Con Cuông (huyện đầu tiên thí điểm xây dựng NTM cấp thôn, bản); câu hỏi điều tra ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trả lời và bổ sung thêm các câu hỏi mở; bám các tiêu chí xây dựng NTM để thiết kế câu hỏi phù hợp, có so sánh sự hài lòng trước và sau khi xã được công nhận NTM; thêm các câu hỏi đánh giá về cơ chế chính sách xây dựng NTM….

Kết luận hội thảo, đồng chí chủ trì đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện các nội dung theo ý kiến góp ý của đại biểu; chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo để chuẩn bị cho nghiệm thu cấp tỉnh.

Nguyễn Hiền

* Hội thảo góp ý Đề án "Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An - DDCI"

Chiều ngày 22/4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo góp ý Đề án "Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An - DDCI". Đồng chí Trần Quôc Thành - Giám đốc Sở chủ trì Hội thảo.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Tú - Giám đốc Trung tâm KHXH&NV đã trình bày tóm tắt dự thảo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An (DDCI).

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều cơ bản đồng tình với Bộ chỉ tiêu đánh giá DDCI. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến góp ý vào bản dự thảo: xem xét, điều chỉnh trọng số từng chỉ số thành phần phù hợp, sát thực tiễn như: giảm chỉ số đối với vai trò của người đứng đầu; chỉ số đào tạo lao động (hiện ở cấp huyện mới dừng lại ở hình thức tuyên truyền); nâng chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số chi phí không chính thức, nên có phân tầng chọn mẫu doanh nghiệp trên 5 năm, dưới 5 năm; Đối với một số đơn vị bổ sung lấy mẫu khảo sát tại các chi cục;…

Kết luận hội thảo đồng chí Trần Quốc Thành ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Đơn vị chủ trì hoàn thiện đề án tập trung vào một số nội dung: lựa chọn hình thức đánh giá một số sở ban ngành ít giao dịch với doanh nghiệp; căn cứ vào kết quả đánh giá PCI và đánh giá DDCI của năm trước để điểu chỉnh cho hợp lý trọng số của các chỉ số thành phần; Bộ câu hỏi cần có sự điểu chỉnh lại cho hợp lý và sát thực tiễn hơn; hình thức điều tra tăng cường gửi mẫu đánh giá qua đường bưu điện,…

 Hồng Bắc

* Đại hội thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh Nhung hươu Quỳnh Lưu và Lễ công bố trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

Chiều ngày 13/4, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai tổ chức Đại hội thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh Nhung hươu Quỳnh Lưu.

Đại hội đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Hội và cho phép tiến hành Đại hội. Đại hội thảo luận, thông qua Điều lệ Hội Sản xuất và Kinh doanh Nhung hươu; quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm nhung hươu Quỳnh Lưu và bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2021-2025. Đây là tổ chức có vai trò, nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu "Nhung hươu Quỳnh Lưu" cũng như hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc chăn nuôi hươu và sản xuất, chế biến sản phẩm nhung hươu.

Cũng trong khuôn khổ Đại hội, Lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Nhung hươu Quỳnh Lưu" cho Sở KH&CN và đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai tổ chức. Đây là kết quả sau 3 năm nỗ lực của huyện Quỳnh Lưu, dưới sự hỗ trợ hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, xây dựng hồ sơ để trình và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng công nhận Nhãn hiệu chứng nhận. Kết quả góp phần nâng cao chất lượng nhung hươu và dần khẳng định thương hiệu trên thị trường cả nước.

Hồ Thủy

* Hội thảo góp ý cuốn sách "Lịch sử ngành Công thương Nghệ An (1951 - 2020)"

Sáng ngày 15/4/2021, Sở Công thương phối hợp Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo góp ý công trình: Lịch sử ngành Công thương Nghệ An (1951 - 2020).

Đơn vị chủ trì biên soạn báo cáo về quá trình biên soạn công trình và những nội dung chính của cuốn sách. Lịch sử ngành Công thương Nghệ An (1951-2020) chia thành 5 chương và tập trung bổ dọc theo vào hai nội dung chính là công nghiệp và thương mại Nghệ An từ năm 1951- 2020.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản đồng tình với bố cục chương và phân kỳ các giai đoạn lịch sử của cuốn sách. Và cũng đã tham gia đóng góp các ý kiến: Một số chương cần xem lại phân kỳ cho hợp lý, trong bố cục nên điều chỉnh chung là bối cảnh lịch sử, tổ chức bộ máy và kết quả hoạt động; kết luận bổ sung đánh giá từng giai đoạn và bài học kinh nghiệm; phụ lục chức danh lãnh đạo qua các thời kỳ rà soát chính xác; hình ảnh thành tựu chọn điển hình qua các thời kỳ; bổ sung tài liệu tham khảo.v.v.

    Hoàng Anh

* Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời ở tuổi 69

Chiều ngày 20/4/2021, tại nhà riêng ở Hà Nội, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời, hưởng thọ 69 tuổi.

Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Từng chiến đấu ở Quảng Trị, ông là đại diện của một thế hệ học sinh, sinh viên ra trận. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học.

Hoàng Nhuận Cầm là một trong những nhà thơ hiện đại Việt Nam nổi tiếng. Ông được biết đến với những bài thơ tình gắn với học sinh, sinh viên, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích như: Và lúc ấy thì em đến nhé, Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu.v.v. Đoạt giải Nhất Cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu… Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri. Trong đó, kịch bản Mùi cỏ cháy giúp ông đoạt giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Ông từng làm việc cho Hãng Phim truyện Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, lập hãng phim tư nhân cũng như tham gia đóng phim. Đặc biệt, "vai" bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3 gần gũi với khán giả tới mức trở thành tên của ông trong lòng công chúng.

Huy Khánh

* Giới thiệu sách: Phương thức mưu sinh của người Đan Lai

"Phương thức mưu sinh của người Đan Lai" là cuốn sách của tác giả Bùi Minh Thuận, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in, xuất bản và nộp lưu chiểu quý 2 năm 2021.

Phương thức mưu sinh là cuốn sách tái hiện cuộc sống mưu sinh của đồng bào người Đan Lai ở huyện Con Cuông, trong đó tập trung vào hai bản vùng thượng nguồn Khe Khặng - vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (bản Búng và bản Cò Phạt) và hai bản tái định cư từ năm 2002 (bản; đồng thời làm rõ một cách hệ thống và toàn diện những chuyển đổi, sự ứng phó của người dân Đan Lai trước những tác động từ các chính sách nhà nước tới phương thức mưu sinh và đời sống văn hóa - xã hội.

Cuốn sách ngoài lời giới thiệu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục bảng từ tiếng Việt - Đan Lai, được tác giả chia làm 5 chương; Chương I: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết; chương II: người Đan Lai và vườn Quốc gia Pù Mát; chương III: phương thức mưu sinh của người Đan Lai ở vườn Quốc gia Pù Mát; chương IV: Phương thức mưu sinh của người Đan Lai ở nơi tái định cư và chương V: Vấn đề biến đổi phương thức mưu sinh và những thách thức đối với người Đan Lai.

Cuốn sách ra đời góp phần thúc đẩy hướng nghiên cứu về cộng đồng người Đan Lai và các cộng đồng cư dân sinh sống trong các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia và tại các khu tái định cư.

Hoàng Anh

 

Bùi Văn Chất

"Văn bia là một thể loại của văn học, thuộc dạng văn hóa bác học và tất nhiên đó là tác phẩm phi vật thể. Một tác phẩm (bài văn bia) thường ra đời sau một hoàn cảnh, một sự kiện nhất định. Không ai sáng tác một câu chuyện hoang tưởng để khắc vào bia" (Văn bia Nghệ An - Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An - NXB NA tr 11, 2004). Thế nhưng, với Đền Bà Chúa Chè Hạnh Lâm thì Văn bia lập ngày 23/11/2017 lại có những điều khác với "Sự tích - Sắc phong" của Đền có từ thời Nguyễn.

Nguyên văn: Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

敕乂安省清漳縣源潔坊從前奉事原贈清妃翊保中興本境城城隍玉女王靈枎尊神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準源潔坊奉事肆今正值朕四旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登秩著加贈齋肅中等神神特準奉事用志國慶而申祀典欽哉 .啟定九年七月二十五日        

Phiên: Sắc Nghệ An tỉnh Thanh Chương huyện Nguyên Khiết phường tòng tiền phụng sự Nguyên tặng Thanh Phi Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Ngọc Nữ vương linh phù tôn thân  hộ quốc tỉ dân nhẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp Sắc phong chuẩn Nguyên Khiết phường phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm Tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Trai túc trung đẳng thần đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển Khâm tai!  

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Dịch: Sắc phong cho phường Nguyên Khiết huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An theo như trước phụng sự tôn thần Nguyên tặng Hiền lương Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Ngọc Nữ vương linh phù giúp nước cứu dân nghiêm có linh ứng từng được Sắc phong chuẩn cho phường Nguyên Khiết phụng sự. Nhân dịp Trẫm Tứ tuần đại khánh từng bao bảo chiếu đàm ân, theo lễ nâng bậc, nay gia tặng Tế Phù (Che chở - Giúp đỡ) trung đẳng thần. Chuẩn cho dân phường phụng sự như trước, ghi nhớ ngày quốc khánh, tế tự theo điển lễ. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).            

Văn bia Đền Bà Chúa Chè Hạnh Lâm.

Đền Bà Chúa Chè thuộc xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An được xây dựng vào thời Nguyễn để thờ "Trà Lâm ngọc nữ Văn nương công chúa" và phối thờ bà Đinh Thị Nguyệt. Thần "Trà Lâm ngọc nữ Văn nương công chúa"(1) có công giúp vua Lê Lợi đánh giặc và thường hiển linh giúp dân đánh đuổi thú dữ, bảo vệ mùa màng, vật nuôi. Thần được nhân dân làng Đồi Chè xã Man Lâm(2) (nay thuộc xã Hạnh Lâm) tôn làm Thành hoàng và được các triều đại phong kiến Sắc phong "Trung đẳng thần". Bà Đinh Thị Nguyệt (Hậu duệ Tiến Sỹ Đinh Nhật Thận) có nhiều đóng góp cho hai cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Trần Tấn - Đặng Như Mai (1874) và Tiến sỹ Đinh Văn Chất (1885). Trong các cuộc khởi nghĩa, bà luôn luôn hăng hái tham gia các hoạt động do thủ lĩnh giao phó như đốc suất binh lương, vận động nhân dân giúp đỡ nghĩa quân.  Đặc biêt, sau khi cuộc khởi nghĩa của Đinh Văn Chất thất bại, ông bị thực dân Pháp hành hình, chính bà Đinh Thị Nguyệt là người đã bí mật lấy trộm đầu của thủ lĩnh về chôn cất thờ phụng. Nguyên xưa, Đền gồm 2 tòa bái đường và hậu cung. Đến năm 1970, Bái đường được đưa về làm kho Hợp tác xã; Hậu cung bị hư hỏng nặng. Năm 1998, chính quyền và nhân dân xã Hạnh Lâm đã đưa Bái đường về vị trí cũ. Năm 2002, Hậu cung được phục dựng(3).

Hàng năm, tại đền, diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, lớn nhất là lễ Khai hạ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và vùng phụ cận về tham dự. 

  Đền Bà Chúa Chè được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, tại QĐ số 4668/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 2014. Ngày 23 tháng 11 năm 2017.

Trong bản  chép lại, những đoạn văn  bia (trong chú thích 1,2,3) là những vấn đề cần  trao đổi, nhằm sáng tỏ những vấn đề cần được sáng tỏ:

(1). Thần hiệu: "Trà Lâm Ngọc nữ nương công chúa..." là Thần hiệu của Bà Chúa Chè và "Hương Yên Ngọc nữ nương công chúa..." là Thần hiệu của Bà Chúa Yên.

(2). Đền Bà Chúa Chè (ở xóm 1) và Đền Bà Chúa Yên (ở xóm 2 xã Hạnh Lâm hiện nay) nguyên là 2 ngôi đền thờ hai vị thần Thành hoàng của Phường Nguyên Khiết, tọa lạc trên địa phận thôn Nhàn Lạc, hữu ngạn Sông Giăng, chứ không phải là làng Đồi Chè xã Man Lâm như Bia đã tạc. Xin được lưu ý: Theo sách "Thanh Chương huyện chí II", số thư tịch A97bis Thư viện Quốc gia, dưới thời Nguyễn, tổng Cát Ngạn gồm 8 xã, 5 thôn, 3 phường trực thuộc. Trong đó: Xã Man Lâm (thời Đồng Khánh (1885-1888) đổi là xã Hạnh Lâm) là 1 trong 8 xã; Thôn Nhàn Lạc là 1 trong 5 thôn và Phường Nguyên Khiết là 1 trong 3 phường  trực thuộc tổng.

(3). "Sự kiện đưa Bái đường về làm trụ sở....", Lịch sử xã Hạnh Lâm, NXB NA-2014  trên tr 57, 58/376  ghi nhận: "... Vào những năm 1958, 1959, Đền thờ cụ Thượng Đình ở xóm 6 bị tháo dỡ để làm các công trình phục vụ dân sinh. Năm 1982, 1983 UBND xây dựng lại đền và dùng làm trụ sở. Khoảng năm 1997 - 1998, văn phòng UBND xã chuyển về vị trí hiện tại thuộc xóm 4 xã Hạnh Lâm". Với Đền Bà Chúa Chè (xóm 1) và Đền Bà Chúa Yên (xóm 2) không ghi nhận sự kiện dỡ đền rồi lai dựng đền…

Để sáng tỏ thêm, tiếp sau đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược vài nét về thân thế và sự nghiệp của các vị thủ lĩnh và các nghĩa sĩ phong trào cùng bối cảnh sự kiện; lịch sử đã diễn ra trên hai bờ Sông Giăng, thủa ấy (Tư liệu sau đây dựa theo bài "Cụm Di tích thời Cần vương...." trên tr.285-298 cuốn "Lịch sử xã Hạnh Lâm").                                                                                

Nghĩa sĩ Cần vương Đinh Văn Chất (1843-1887)

Cụ Đinh Văn Chất, người xã Kim Khê, nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, là con của cụ Đinh Văn Kế, là cháu nội Tiến sĩ Đinh Văn Phác, là chắt ngoại cụ Nguyễn Du, Tiên Điền. Năm 22 tuổi, đậu Cử nhân; 29 tuổi, đậu Tiến sĩ khoa Ất Hợi - Tự Đức (1875). Làm quan Tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định).

Năm 1882, quân Pháp xâm lược Bắc kỳ, thành Nam Định thất thủ, binh thuyền chúng bao vây thành phủ Nghĩa Hưng. Cụ đóng chặt cổng thành, cho quân lính đào hào đắp công sự, kháng cự. Bọn giặc Pháp bắn phá, một số nhà trong phủ bị cháy, Cụ vẫn áo mũ chỉnh tề, bình tĩnh ngồi giữa phủ đường. Trước mặt, Cụ bày một thanh gươm, một chén thuốc độc, thề cùng sống chết bảo vệ phủ đường chứ không đầu hàng. Quân Pháp tấn công nhiều đợt nhưng không vào được thành, chuyển sang dụ hàng, Cụ vẫn không nghe. Bọn chúng đành phải tạm rút lui. Hôm sau, chúng quay lại thì Cụ và quân lính đã rút đi. Cùng lúc ấy, khi quân Pháp đánh vào thành Nam Định, kinh lược xứ Bắc kỳ, Nguyễn Chánh án binh bất động ở đồn Đặng Xá, cách tổng thành khoảng 5 km, không hề chống cự, để thành Nam Định dễ dàng lọt vào tay giặc.

Trước hành động đó, Cụ làm bài thơ chửi Nguyễn Chánh:

Thành trì phó mặc mấy thằng Tây/ Thế cũng cân đai với mũ giầy                                                                                      

Một nước cơ đồ tan nát vậy/ Muôn dân đồ thán xót xa thay

Những phường trớ đậu ngồi trơ mặt/ Mấy lũ can thành đứng khỏa tay

Cơm nặng áo dày mà lại thế/ Phong trần rửa mặt nói sao đây.

Năm 1883, khi quân Pháp chiếm toàn bộ tỉnh Nam Định, cụ phụng chỉ Thanh Hóa Thương biện quân vụ và sau đó được phong Sơn phòng chánh sứ.

Một thời gian sau, cụ từ quan tìm đường ứng nghĩa Cần vương. Kinh lược Nguyễn Chánh nhiều lần viết thư khuyên cụ ra làm quan nhưng cụ nhất mực từ chối. Cụ trở về quê hương cùng văn thân sĩ phu tỉnh nhà, chiêu tập nghĩa binh dựng cờ khởi nghĩa ở Nghi Lộc.

Dấy lên cùng thời với Cụ, ở Nghệ An còn có: 1, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chính,  Nghi Lộc; 2, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Châu; 3, Hoàng giáp Nguyễn Đức, Nam Đàn; 4, Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành, Đô Lương; 5, Phó bảng Lê Doãn Nhạ, Yên Thành; 6, Cử nhân Chu Đình Trạc, Yên Thành.

Trước nguy cơ bùng nổ một cuộc khởi nghĩa to lớn và lâu dài ở những nơi có truyền thống đấu tranh, triều đình Huế đã viện tới sự giúp đỡ của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Tháng 8 năm 1885, viễn binh Pháp đã đổ bộ vào Cửa Hội, Nghệ An. Các quan Nam triều ở Nghệ An đã kéo nhau xuống tận cửa biển đón chúng vào thành.

Để bảo toàn lực lượng đánh nhau lâu dài với quân Pháp, nghĩa quân đã chuyển dần căn cứ địa lên vùng núi "Ba Con Bò" thuộc vùng núi Thạch Bàn, Thanh Chương. Từ đó, chiến tuyến được kéo dài và sâu đến các vùng Thanh Liêu, lên tới Hạnh Lâm, qua vùng núi Con Cuông bây giờ, lên vùng Khe Chai, Đông Hương bám trụ đường 7 - sông Giăng, lên tận vùng Tương Dương sát biên giới Việt Lào. Như vậy là chiến tuyến nghĩa quân kéo dài hơn 100 cây số, xa tỉnh lị, gần núi rừng, tiến thoái lưỡng tiện. Khi thuận lợi thì nhanh chóng kéo về chiếm tỉnh lị, khi khó khăn thì rút lui nhanh chóng vào rừng hoặc sang Lào.

Cuộc chiến đấu đã diễn ra nhiều trận ác liệt theo phía Nam trục đường 7 và hai bên bờ sông Giăng và phía Nam bờ sông Lam mạn trên, có lúc tiến sát vào vùng biên giới Việt -Lào. Thực dân Pháp và địa phương quân của Nam triều ở Nghệ An cũng bị hao tổn rất nhiều về người và của. Nhiều lần chúng phải tăng cường viện binh, tập trung lực lượng để đàn áp lực lượng nghĩa quân. Từ cuối năm 1885 đến giữa năm 1887, nghĩa quân phải chiến đấu trên một chiến tuyến rộng, ngày càng tiến sâu vào núi rừng, lương thực tiếp tế ngày càng khó khăn, lực lượng hao mòn, giảm sút. Các văn thân lãnh đạo nghĩa quân phần nhiều bị ốm, bị hi sinh. Cụ Đinh Văn Chất cuối cùng đã bị Pháp bắt. Nhưng để tránh mang tiếng tội ác, thực dân Pháp giao cho triều đình Nam triều nghị tội.

Năm Đinh Hợi 1887, cụ bị Đồng Khánh khép tội "khi quân" và hạ chiếu "Tru di tam tộc" (Đồng Khánh lúc này đã kí hiệp ước đầu hàng thỏa hiệp với Pháp)

Ngày 17/10 năm Đinh Hợi tức ngày 28/11/1887 cụ bị hành hình. Đầu cụ bị cắm cọc bêu ở chợ Lạt, Thanh Chương mấy ngày liền. Một hôm, bà Đinh Thị Mén con tri huyện Thanh Chương thương tình, ban đêm lén ra chợ lấy một tấm lụa điều gói đầu cụ đưa về chôn cất. Còn thây cụ chúng cho đưa về chôn tại quê nhà. Sau khi chết cụ thường hiển ứng nên dân sở tại thương tiếc và lập đền thờ.

Con trai cụ là Đinh Văn Báu, hai cháu con em ruột Đinh Văn Uyển là Đinh Văn Thiều, Đinh Văn Côn cùng bị bọn quan lại triều đình giết hại. Cụ Đinh Văn Uyển lúc đó là học trò đầu xứ cũng bị bắt giam. 

Con em trong họ, trong làng làm nghĩa quân theo Cụ, sau khi Cụ bị chết chém đã tan tác mỗi người một phương tránh nạn.

Vua Hàm Nghi, khi đó đang ở căn cứ Cần vương Tân Sở phía Tây Quảng Bình, nghe tin cụ bị hại đã đau lòng và gửi bài thơ điếu trong đó có câu:

"Văn sơn bất tử do tồn Tống/ Đông Hải như sinh khẳng đế Tần"

Dịch: Trời để Ông Văn còn nước Tống/ Đời nào chàng Lộ chịu vua Tần.

(Theo "Nghĩa sĩ Cần vương Đinh Văn Chất (1843-1887)" do Đinh Văn Niêm, Đại tá, hậu duệ họ Đinh viết năm 2004, tại Hà Nội).

Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (Nxb CTQG Hà Nội - 2005) ghi nhận: "Tiến sĩ Đinh Văn Chất (quê Nghi Lộc) đưa quân lên đóng đô ở Đồn Chè làm nơi mở trường dạy võ, luyện tập nghĩa binh. Khi giặc Pháp kéo lên Vều, Đinh Văn Chất đã cùng cai tổng Phạm Văn Trầng, Quản Hùng, Quản Lung chỉ huy nghĩa quân đánh giặc.

Bà Đinh Thị Nguyêt (tức bà Cửu Mén) trước đó đã làm đốc suất binh lương cho Trần Tấn trong Khởi nghĩa Giáp Tuất,1874, nay lại hăng hái tham gia việc giúp nghĩa quân Cần vương. Sau khi Đinh Văn Chất bị giặc Pháp bắt và xử chém ở Đồn Chè, bà Cửu Mén cùng vài thân tín đã bí mật lấy trộm đầu Đinh Văn Chất về chôn cất và thờ cúng (sdd, tr34,35).

Bà con làng vạn Nguyên Khiết - Hạnh Lâm từ bao đời nay lưu truyền câu chuyện: Khi giặc Pháp kéo quân lên Vều, thượng nguồn sông Giăng, Cụ Nghè Đinh đã cùng các vị thủ lĩnh chỉ huy nghĩa quân đánh giặc. Trước sức tấn công của đội quân được trang bị súng ống hiện đại, nghĩa quân phải tản vào chốn rừng sâu hai bên bờ sông, lẩn tránh. Một hôm, có hai ông bà nhà vạn đang đánh cá ở xứ Trống thì bắt gặp một số nghĩa quân đang lượm quả hái rau rừng ven sông và họ nhờ ông bà về mua lương thực. Ông này vốn là Lý trưởng của phường vạn, biết nghĩa quân đang tan rã và đang bị quân Pháp truy lùng bèn về báo quan và đưa lính lên vây bắt. Thủ lĩnh Đinh Văn Chất cùng 6 tướng sĩ bị chúng giết, chôn chung một hố. Nơi ấy có tên Ruộng Mồ. Riêng Cụ Nghè Đinh bị chúng chặt đầu, cắm cọc đưa về bêu tại chợ Lạt (xã Đồng Luân), để vừa răn đe, vừa mật phục bắt người đồng đội. Về sau, dân lập đền thờ nghĩa quân tại Trống, nơi chúng giết hại các thủ lĩnh và 5 nơi khác từng diễn ra những trận đánh ác liệt: 1 ở Đá Gân; 1 ở Cửa Rào; 1 ở Nho Dài; 1 ở Chố; 1 ở Yên, Môn Sơn. Tất cả 6 đền này đều bị hỏng, nay không còn di tích. May mắn làm sao nay vẫn uy nghi hai ngôi đền thờ Hai Bà Chúa:

 1, Đền Bà Chúa Chè ở Trại Chè, (nay thuộc Xóm 1, Hạnh Lâm) có tên là Đền Bà Mén, thờ bà Chúa Kho, tức bà Đinh Thị Nguyệt, vị tướng đốc suất quân lương.

Việc cung ứng hậu cần thời đó cho hàng trăm binh sĩ vô cùng khó khăn gian khổ. Bà phải đi hàng tuần, hàng tháng xuống miền xuôi, lên miền núi vận động nhân dân giúp đỡ ủng hộ nghĩa quân gom từng cân gạo, cân ngô, từng mét vải, dầu, đèn, mắm, muối, súng ống, đạn dược, dao, kiếm. Việc đi lại không phải là trót lọt dễ dàng, lộ liễu mà phải dấu tên, dấu tuổi làm người đi buôn, đi bán lên miền trên, xuống miền dưới.

Ở Hạnh Lâm thời đó, từ bãi Ba Len cho đến thượng nguồn chưa có dân cư, mà chỉ là một vùng sông nước, rừng núi hoang vu. Con đường độc đạo cho việc vận chuyển quân nhu toàn dựa đường sông do thuyền chài làng vạn Nguyên Khiết đảm trách. Bà đã được bà con phường vạn Nguyên Khiết đùm bọc và giúp Bà hoàn thành chức phận nặng nề của mình. Đối lại, Bà rất thương dân, đã gặp nhiều trường hợp dân đói đứt bữa, Bà đã san sẻ phần lương thực khan hiếm của nghĩa quân để cấp cứu cho bà con. Cũng do công việc chạy gạo, mà khi quân Pháp vây lùng, Bà đang ở xa, thoát nạn. 35 năm sau, năm 1922, Bà qua đời. Năm 1924, dân làng Nguyên Khiết dựng đền thờ Bà ngày tại Trại Chè, nên có tên "Đền Bà Chúa Chè", xóm 1, Hạnh Lâm bây giờ.

Thời điểm dựng Đền có dòng chữ khắc trên đầu đốc.

Nguyên văn: 甲子年造作 / 季冬月完成

Phiên âm: Giáp Tý niên tạo tác (A.74) / Quý Đông nguyệt hoàn thành (A.73)

Nghĩa là: Đền được tạo tác năm GiápTý, 1924; Tháng Chạp hoàn thành.

Theo Gia phả của họ Nguyễn Huy ở Cao Điền, Cố Đinh Thị Nguyệt, tên thường gọi là cố Mén.

Cố Nguyệt là cháu Tiến sĩ Đinh Nhật Thận ở Thanh Liêu, là vợ thứ của cố Nguyễn Đa, tên thường gọi là Nguyễn Huy Diệu thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở La Sơn - Hà Tĩnh, sang định cư ở Cao Điền vào năm 1742. Cố Diệu tham gia phong trào Cần vương nên bị Pháp bắt giam, ở trong tù ông đã kết bạn thân thiết với người họ Đinh, ra tù thấy cố Diệu hiếm muộn con cái nên đã thuận gả cố Đinh Thị Nguyệt cho bạn.

2. Đền Bà Chúa Yên (nay ở xóm 2 xã Hạnh Lâm). Bà là vị lương y, chuyên về quân y. Lúc trước Đền Yên được dựng lên trên đất Yên, Môn Sơn (nay thuộc huyện Con Cuông) nơi vốn là Trạm quân y của nghĩa quân cũng là nơi bà hy sinh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Yên cũng là tên của Bà, tiếc là cho tới nay chưa rõ họ và quê quán của Bà.

Chuyện kể rằng: Xưa, trên lưu vực thượng nguồn sông Giăng là chốn ma thiêng nước độc, là nơi trú ngụ của các loài hổ báo, vắng dấu chân người. Việc hương khói cho các đền thờ nghĩa binh do dân làng chài dựng lên ở thương nguồn gặp nhiều khó khăn, nhiều khi bị phế khoáng. Dân bàn nhau xin rước về xuôi cho tiện việc khói hương". "Khi ở Yên chưa có đền thờ mà chỉ mới có Bàn thờ đặt bình hương thờ Bà. Nhân một trận lụt lớn, cuốn trôi cả Bàn thờ Bà, chiếc bình hương dạt vào xứ Cây Trám bên hữu ngạn, (nay là xóm 2, Hạnh Lâm)", các bô lão bàn nhau lấy nơi đây dựng Đền Yên.

Trước Tam quan khắc đôi câu đối: 嵬嵬正氣尊天柱/ 赫赫威聲屹地靈

"Nguy nguy chính khí tôn thiên trụ/ Hác hách uy thanh ngật địa linh".                                                                                        

Có nghĩa là:  Nguy nga chính khí dâng lên trời xanh

Chói lọi uy thanh ngút chốn đất thiêng.

Về khuôn viên, thế đất và cảnh quan của Đền Yên thoáng rộng hơn nên được chọn là ngôi đền thờ phụng cả hai Bà.                                                                                        

Thượng điện đặt hai "Long ngai", mỗi "Long  ngai" thờ  một vị, theo Thần hiệu:

(1) "Hương Yên ngọc nữ nương công chúa tối linh tôn thần - Vị tiền".

(2) "Trà Lâm ngọc nữ nương công chúa  tối linh tôn thần - Vị tiền".  

Trích từ: "Ký sự sông Giăng - Đài PTTH NA - Xuân Qúy Tỵ (2013).

Từ cầu Thanh Đức, bắc qua sông Giăng, trên đường Hồ Chí Minh, về phía thượng lưu, khoảng 300 - 500m, là ngôi đền thờ Hai Bà Chúa, chứng tích của cụm Di tích thời Cần vương, một thời oanh liệt, trên mảnh đất Hạnh Lâm lịch sử. Giá như nơi đây có thêm ngôi miếu lộ thiên thờ vọng anh linh Đinh Tướng công Thủ lĩnh và các liệt sĩ Cần vương đã hy sinh; Và trong Văn bia có đề cập đến "Cụm Di tích" này thì phải đạo lắm. Ấy là điều kiện cần và đủ để gìn giữ hồn cốt thiêng liêng của một Di tích Lịch sử.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005; Gia phả họ Nguyễn Huy, Cao Điền, nay thuộc xã Thanh Liên, Thanh Chương, do Nhà giáo Nguyễn Huy Nghiệm, cháu nội Bà Đinh Thị Nguyệt, cung cấp.

2. Bộ ảnh tư liệu Hạnh Lâm do Lê Chanh, gốc Văn Đình, thực hiện

3. Sưu tập chuyện kể của địa phương của Trần Đình Thắng, gốc Nguyên Khiết, thực hiện.

 

Lê Nam

Cách đây 46 năm, ngày 30/4/1975 là một thời điểm lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Với niềm xúc động mãnh liệt, dâng trào, các nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc đầy ấn tượng: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca (Trọng Loan), Tổ quốc yêu thương (Hồ Bắc), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách).v.v... Trong phạm vi một bài báo nhỏ, xin được nói về một số bài trong đó.

Trước hết là bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: Đêm 28/4/1975, khi nghe tin quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã mường tượng nghĩ rằng có lẽ một vài ngày nữa là Sài Gòn sẽ được giải phóng, cả miền Nam sẽ được giải phóng. "Tự nhiên trong đầu tôi nhớ ngay tới sáu câu thơ của Bác Hồ: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn". Những câu thơ của Bác cùng với chiến thắng ở sân bay Tân Sơn Nhất và ở miền Nam đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao. Tôi như thấy hình ảnh Bác hiện về trong niềm vui chiến thắng. Và tôi đã chọn nhan đề cho bài hát là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Rồi tôi đã viết bài hát chỉ trong 120 phút (Từ 2lh30 đến 23h30 đêm 28/4/1975) mà không phải sửa một nốt nhạc, một lời nào. Viết xong ca khúc này, tôi cảm thấy như mình đã trả được món nợ tinh thần mà tôi trăn trở suốt cả tháng ròng".

Bài hát này nhạc sĩ Phạm Tuyên viết theo hợp âm Son trưởng, nhịp 2/4, có hai phân chính. Phần một có tính chất thông báo, xen kẽ nốt móc đơn và nốt đen, tiết tấu hơi nhanh, nét nhạc vui tươi, phấn khởi: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công". Phần hai chỉ sử dụng các nốt đen và nốt trắng, cường độ âm nhạc mạnh mẽ, không khí âm nhạc đầy hào sảng, giai điệu tự hào, kiêu hãnh. Lời bài hát lặp đi lặp lại bốn lần: "Việt Nam - Hồ Chi Minh" có tính chất khẳng định.

Bài hát ngắn gọn, vẻn vẹn 8 câu với 60 từ, lời giản dị, nhạc dễ hát. Phần một cao độ vừa phải, phần hai dẫn tới cao trào. "Sau khi viết xong bài hát, tôi đã khóc. Mục đích khiêm tốn ban đầu tôi coi bài hát này như tiếng reo vui của mọi người trong những ngày chiến thắng, không ngờ sau đó sức lan tỏa của bài hát lại nhanh và rộng như vậy". Đến năm 1986, bài hát được tặng thưởng Huân chương Lao động, sau đó một thời gian, bài hát đó kết hợp cùng với một số bài hát khác của nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước đợt một năm 1996.

Cũng không thể không nói đến bài hát Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà. Bài hát này được ông sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Lúc này nhạc sĩ đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, vì thế ông thường xuyên được nhận những thông tin nóng hổi nhất về tình hình chiến sự ở miền Nam. Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc.

Bài hát được viết theo hợp âm Pha trưởng, nhịp 2/4, không khí âm nhạc đầy rộn ràng, sôi nổi, thiết tha, giàu khí thế và đầy chất hào sảng: "Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay! Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây! Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng". Lời ca bay bổng, đầy cảm hứmg lãng mạn, đắm say: "Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang, ta muôn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng". Có thể nói tiết tấu, giai điệu và ca từ của hài hát Đất nước trọn niềm vui không chỉ là tiếng lòng của nhạc sĩ Hoàng Hà mà còn thể hiện được niềm hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận của hàng triệu trái tim Việt Nam trong niềm sung sướng vì miền Nam được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà.

Cùng với Phạm Tuyên, Hoàng Hà, nhạc sĩ Hồ Bắc có bài Tổ quốc yêu thương. Ca khúc này được viết theo nhịp 4/4 (C), hợp âm Mi giáng trưởng, tiết tấu vừa phải. Lời ca đầy tin tưởng, yêu thương, tình cảm thiết tha, chủ yếu sử dụng nốt móc đơn: "Ba mươi năm mới có một ngày, quê hương ơi biết mấy tự hào, về đây Nam Bắc, cầm tay ta hát trên con đường vui. Trời quê hương rộng cánh chim bay, không còn bóng mây mù che lối...". Bài hát như vẽ ra một bức tranh rộng lớn, rạng rỡ về Tổ quốc Việt Nam với những gam màu dịu dàng, tươi sáng, thể hiện được ba mươi năm chiến đấu, hi sinh của Tổ quốc anh hùng. Hình ảnh Tổ quốc, non sông được thể hiện với cái nhìn lạc quan, nhân hậu, đầy thương yêu. Bài hát kết thúc bằng giai điệu và ca từ đầy kiêu hãnh, tự hào: "Tổ quốc ơi! Có bao giờ đẹp như hôm nay! Ta đang sống những ngày chói lọi của Tổ quốc yêu thương, Tổ quốc Việt Nam anh hùng! Tổ quốc Việt Nam ngàn đời nở hoa!".

Có thể nói đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mở ra một giai đoạn mới đầy tương lai rạng rỡ. Sự kiện vĩ đại ấy là nguồn cảm hứng lớn lao, mãnh liệt cho các nhạc sĩ. Những ca khúc ra đời trong thời kỳ đó đã sống, đáng sống và sẽ còn sống mãi trong hàng triệu trái tim Việt Nam.

 

Nguyễn Văn Tài

Năm 905, Khúc Thừa Dụ dựng nền tự chủ, chấm dứt thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc trong lịch sử dân tộc, đất nước bước vào thời kỳ độc lập, từng bước xây dựng, phát triển chế độ phong kiến. Nhà Đinh, Tiền Lê đều gọi xứ Nghệ là Hoan Châu. Sang thời Lý đổi làm trại, năm 1030(1), đời vua Lý Thái Tông gọi là Nghệ An - danh xưng Nghệ An bắt đầu từ thời điểm này.

Xuyên suốt thời kỳ phong kiến, quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt - Đại Nam phải tiến hành hàng loạt các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, khởi nghĩa, nội chiến kéo dài. Trong những cuộc chiến này, Nghệ An luôn nổi bật lên vị thế địa - quân sự, địa - chiến lược của mình.

Hai cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê, thời Lý, Nghệ An là hậu phương lớn, cung cấp nhiều chiến tướng, binh sĩ, của cải vật chất cho triều đình dẹp nạn ngoại xâm. Đến nhà Trần, ba lần kháng chiến thắng lợi chống quân Mông - Nguyên vang dội cả châu Á đều có những đóng góp xứng đáng của người xứ Nghệ.

Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần 2 (1285) vua tôi nhà Trần phải đối mặt với cuộc quyết chiến không cân sức với 50 vạn quân của Hốt Tất Liệt. Khi rút về Thanh Hóa (3/1858), nhà Trần rơi vào tình thế hiểm nguy nhất về vận mệnh nước nhà. Lúc này, vua Trần Nhân Tông đặt tất cả niềm tin vào đội quân hậu bị Nghệ An, đúng hơn là tin tưởng vào căn cứ địa quân sự - chiến lược của đất xứ Nghệ. Vua căn dặn, chấn chỉnh khí thế đánh giặc của nghĩa quân:

 "Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan - Diễn do tồn thập vạn binh"(2).

 (Chuyện cũ Cối Kê(3) người nên nhớ

Hoan - Diễn(4) vẫn còn muôn vạn quân).

Vùng đất sông Lam - núi Hồng sản sinh biết bao anh hùng, liệt nữ, danh tướng, trung thần cùng hàng nghìn, hàng vạn quân dân đã chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp lật đổ ách thống trị phong kiến phương Bắc, bảo vệ nền độc lập tự chủ. Lời căn dặn của vua Trần ở thời điểm lịch sử đặc biệt ấy đã đặt tất cả trách nhiệm cứu nguy dân tộc lên vùng đất Nghệ An, lên vai quân dân xứ Nghệ. Sâu xa hơn, nhà Trần còn có tính toán chiến lược về diễn biến cuộc chiến, khi tình thế nguy cấp ở Thanh Hóa, nghĩa quân sẽ chuyển vào Nghệ An - lấy vùng đất làm căn cứ quân sự, căn cứ chiến lược để quyết chiến lâu dài với giặc Nguyên. Bởi vậy, Nghệ An trong con mắt quân sự của ba quân tướng sĩ nhà Trần là căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến sống mái với giặc. Vùng đất Nghệ An thời nhà Trần là "chốn hy vọng của thời loạn", của những lúc hiểm nghèo, nguy cấp.

Quân dân xứ Nghệ đã góp phần chặn đứng một hướng tiến công từ Nam ra Bắc của giặc. Chủ tướng giặc Toa Đô phải bỏ Nghệ An, rút quân ra Thanh Hóa. Cuộc chiến này còn ghi nhận công lao danh tướng Hoàng Tá Thốn chặn giặc ở ven biển, có khả năng lặn lâu để đục thủng thuyền giặc(5).

Đến cuộc kháng chiến chống quân Minh thời nhà Hồ (1405 - 1407), ngoài Thanh Hóa với thành Tây Đô, vua Hồ Quý Ly chọn Nghệ An làm căn cứ địa kháng chiến. Nhà Hồ huy động quân dân xây dựng nhiều thành trì chống giặc, điển hình là thành Bàu Đột ở Quỳnh Lưu, thành Hồ Vương trên núi Đại Huệ. Nghệ An được Hồ Vương chọn xây thành với hy vọng vừa làm hậu phương, vừa làm căn cứ chống giặc lâu dài ở phía Nam.

Khởi nghĩa Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng (1407 - 1413), sau chiến thắng Bô Cô ở Ninh Bình, nội bộ nghĩa quân bất hòa, Trần Quý Khoáng chọn Nghệ An làm nơi lập căn cứ, được nhân dân nơi đây hết lòng ủng hộ, tôn lên làm vua, hiệu Trần Trùng Quang. Tiếp đó, nghĩa quân nhà Hậu Trần cùng quân dân xứ Nghệ chiến đấu nhiều trận lớn nhỏ quyết tử với giặc.

Trong khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), sau hội thề Lũng Nhai năm 1416, tết Mậu Tuất 1418, nghĩa quân Lê Lợi làm lễ tế cờ mở đầu cuộc đấu tranh chống quân Minh. Bảy năm dựng cờ khởi nghĩa (1418 - 1424), phải trải qua muôn vàn gian khó, thử thách, tuy chiến đấu dũng cảm nhưng nghĩa quân chưa giành được thắng lợi lớn để củng cố, nâng cao thế và lực của nghĩa quân. Trước tình thế nguy cấp, Lê Lợi quyết định dốc toàn bộ lực lượng đánh phá mở đường chuyển quân từ Thanh Hóa vào Nghệ An sau khi được tướng Nguyễn Chích hiến kế chiến lược: "Nghệ An là nơi hiểm yếu… trước hết thu lấy Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm đất đứng chân, rồi dựa vào sức người và của cải ở đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ"(6).

Khi vào đất Nghệ, khởi nghĩa Lam Sơn bước sang một trang mới với những chiến thắng vang dội, thanh, thế, lực của nghĩa quân được nâng lên rõ rệt. Tháng 10/1924, vừa Nam tiến vào xứ Nghệ, bằng chiến thuật đánh bí mật, bất ngờ, nghĩa quân giành chiến thắng vang dội với "Trận Bồ Đằng sấm vang chợp dật"(7). Trận này đã loại bỏ hơn hai nghìn giặc Minh, buộc chúng bỏ chạy về thành Trà Long và thành Nghệ An.

Trên con đường Nam tiến vào Nghệ An, trận Đa Căng, đặc biệt là trận Bồ Đằng đưa nghĩa quân phát triển lực lượng rất nhanh. Thực hiện chiến lược bàn đạp của Nguyễn Chích: "trước hết thu lấy Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm đất đứng chân", rồi mới tính chuyện dẹp yên thiên hạ, quân Lam Sơn bồi tiếp cho địch những đòn chí tử tại vùng Trà Long thuộc miền Tây Nghệ An. Tại đây, nghĩa quân nhanh chóng hạ thành Trà Long với khí thế đánh giặc "Trúc chẻ tro bay"(8). Hai chiến thắng vang dội này trên đất Nghệ An tạo bàn đạp vững chắc cho toàn quân tiến lên hạ thành Nghệ An, làm chủ Tân Bình, Thuận Hóa ở phía Nam rồi thẳng tiến ra Bắc loại bỏ nốt đám tàn quân còn lại của nhà Minh.

Rõ ràng, cuộc chuyển quân lịch sử vào Nghệ An đã đưa cuộc khởi nghĩa sang giai đoạn mới - giai đoạn chiến thắng dồn dập. Điều này chứng minh vị thế địa - chiến lược, địa - quân sự của Nghệ An đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hết sức quan trọng, có thể mang tính quyết định đến thắng bại của cuộc khởi nghĩa.

Cuộc chiến Lê - Mạc (1527 - 1540), Nghệ An là một căn cứ quan trọng chống Mạc của tướng nhà Lê là Nguyễn Quyện, Nguyễn Cảnh Mô. Thời Lê Trung Hưng coi "Nghệ An là đất nền móng trong cuộc trung hưng của bản triều".

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627 - 1672), hai bên liều chết đánh chiếm cho được vùng sông Lam. Chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều xác định phải đứng vững trên đất Nghệ An mới đẩy được đối phương lùi xa về địa giới chúng. Đất Nghệ là căn cứ địa quân sự quan trọng nên lưu vực sông Lam trở thành chiến trường đổ lửa, giao tranh quyết liệt giữa hai bên.

Trước khi triều Lê Trung Hưng sụp đổ, lịch sử còn ghi nhận cuộc khởi nghĩa của ông Hoàng áo đỏ Lê Duy Mật trên đất Nghệ kéo dài hơn 30 năm (1738 - 1769). Với ngọn cờ phù Lê diệt Mạc, ông Hoàng Mật lấy Nghệ An làm căn cứ khởi nghĩa, xây dựng hàng loạt các thành trì: Căn Đồn, Pù Piệt, Hoa Quân, Mường Mật(9)

Năm 1786, sau khi lật đổ họ Trịnh, giao quyền cho vua Lê ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ rút toàn bộ quân về phía Nam nhưng vẫn giữ quyền lực ở Nghệ An. Trong đôi mắt chiến lược của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, nếu không nắm thực quyền ở đất Nghệ thì ở miền Bắc có động tĩnh gì họ không có chỗ dựa để tiến ra giải quyết ngay. Sau này, trên đường hành quân thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh (1789), Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dừng chân trên đất Nghệ để tuyển thêm tướng sĩ. Chỉ trong thời gian ngắn, quân sĩ đã tăng lên hơn 10 vạn quân. Vua chọn núi Đại Tuệ (sau được chính vua đổi tên Đại Huệ)(10) làm nơi tập trận, luyện binh với di tích Thạch ngai ở chùa Đại Tuệ.

Vị thế địa - quân sự, địa - chiến lược, địa - chính trị ở Nghệ An còn được khẳng định với công cuộc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô của vua Quang Trung. Trong chiến lược dựng nước, giữ nước, cải cách của mình, vua đã xúc tiến xây dựng Phượng Hoàng thành, chuẩn bị công cuộc dời kinh đô từ Phú Xuân về Nghệ An. Tiếc rằng, cơ nghiệp đang dang dở thì vua đột nhiên băng hà năm 1792.

Năm 1801, khi lật đổ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh chưa lên ngôi ngay mà phải đợi đến khi chiếm được Nghệ An xong. Một thời gian ngắn sau khi lấy được đất Nghệ, ông nhanh chóng chiếm được Thăng Long (7/1802). Lên ngôi chưa được lâu, vua Gia Long gấp rút xây thành Nghệ An từ năm 1804. Điều này chứng tỏ vị thế địa - chiến lược ở đây rất quan trọng.

Đến cuối thế kỷ XIX, Nghệ An cũng là tỉnh cuối cùng người Pháp đổ bộ đến đánh chiếm sau khi nhà Nguyễn đầu hàng. Trước đó, ở Nghệ An lừng lẫy với cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) với khí thế "phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây".

Như vậy, xuyên suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam, Nghệ An luôn chứng tỏ vị thế địa - chiến lược, địa - quân sự hết sức quan trọng của biết bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, khởi nghĩa yêu nước, nội chiến… Xứ Nghệ vừa có địa lợi hiểm trở, lại vừa có yếu tố nhân hòa, nhân kiệt. Đúng với nhận định của Phan Huy Chú: Nghệ An "Thực là nơi hiểm yếu như thành đồng ao nóng của nước và là then chốt của các triều đại"(11).

Lùi về thời chống Bắc thuộc, khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713 - 723) bùng nổ ở Nam Đường, vua đã dựng đại bản doanh Vạn An làm căn cứ địa kháng chiến lâu dài. Sang thế kỷ IX, Nghệ An lại tiếp tục trở thành căn cứ khởi nghĩa do Dương Thanh lãnh đạo.

Tiến đến thời hiện đại, xứ Nghệ là một trong những hậu phương lớn, là bàn đạp vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Quân ủy Trung ương quyết định chọn vùng Tân Kỳ - Nghệ An để bổ những nhát cuốc đầu tiên (Km số 0) mở con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Chú thích

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Giáo dục, 2007, Tr. 72.

2. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, 1998, Tr. 51.

3. Điển tích Trung Hoa: Thời Chiến Quốc, vua Câu Tiễn nước Việt đánh nhau với nước Ngô, thất bại thảm hại lui giữ Cối Kê, sau đánh bại Ngô vương Phù Sai, không chỉ khôi phục giang sơn mà còn chiếm luôn nước Ngô.

4. Châu Diễn và Châu Hoan thuộc Nghệ An.

5. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930 - 1954), tập 1, Nxb Nghệ An, 2019, Tr. 21.

6. Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, 2001, Tr. 289 - 290.

7.8. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo.

9. Ninh Viết Giao, Nghệ An đất phát nhân tài, Nxb Trẻ, 2006, Tr. 186.

10. Ninh Viết Giao, sdd, Tr. 206.

11. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Tr. 62.

Phan Duy Hùng

Trong năm 2020, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó. Trong số đó có 17 Luật của Quốc hội, 158 Nghị định của Chính phủ, 39 Quyết định của Thủ tướng, 310 Thông tư của các Bộ trưởng và một số văn bản khác. Đặc biệt, số Thông tư có xu hướng giảm mạnh.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc giảm các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 12/5/2020 ghi rõ: "trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025… giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ". Bên cạnh đó, nhiều cơ quan đã nghiêm túc thực hiện các quy định về hạn chế thẩm quyền ban hành văn bản của Bộ trưởng, như: không được ban hành thông tư mới hoặc không được ban hành các quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh.

Những đạo luật quan trọng

Các đạo luật được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là các văn bản pháp luật quan trọng, tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, công bằng, thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh nhiều bức xúc về những chồng chéo, mâu thuẫn trong trình tự thủ tục đầu tư giữa Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành khác thì Luật Đầu tư 2020 được cho là đã giải quyết phần lớn những vướng mắc đó. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa các văn bản pháp luật cùng quy định về vấn đề này. Luật tiếp tục bãi bỏ thêm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy số lượng ngành nghề được bãi bỏ chưa đáp ứng hết kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng việc rút ngắn thêm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống còn 227 đã thể hiện được quyết tâm, nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy "quyền tự do kinh doanh" của người dân.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 cũng có những điểm chưa thật sự thuyết phục, tạo ra không ít băn khoăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc bổ sung thêm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đã hạn chế tuyệt đối quyền kinh doanh của doanh nghiệp trong khi những lý giải về việc này là chưa thực sự thoả mãn. Đề cập về vấn đề này, ông Vũ Đức Danh - Giám đốc một Doanh nghiệp chuyên về xây dựng cho rằng, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh không ít các trường hợp biến tướng, vi phạm trật tự, an toàn xã hội. "Việc đòi nợ là rất cần thiết trong thực tế kinh doanh mà hầu như doanh nghiệp nào cũng từng trải qua. Vấn đề là Luật cần có các quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này", ông Danh nhấn mạnh.

Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành với mục tiêu tổng thể nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Luật tiếp tục có những bước cải cách đáng ghi nhận trong các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quy định mới về doanh nghiệp Nhà nước; sửa đổi một số quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, việc luật hóa hộ kinh doanh lại chưa thực hiện được, đây là một "thiếu sót" theo ý kiến của không ít doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 6 triệu hộ kinh doanh thu hút hơn 8 triệu lao động, tạo ra khoảng 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, đóng góp trên 30% GDP nhưng lại chưa được đánh giá đúng về vị trí, vai trò so với các chủ thể kinh doanh khác, thậm chí "bất lực" trước các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và rất nhiều các giới hạn khác. Ở một góc nhìn đa chiều, bà Nguyễn Hoàng Huệ - Chủ một Hộ kinh doanh tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh cho biết: "chúng tôi cảm thấy không ít thiệt thòi như khó làm ăn lớn, không được sử dụng trên 10 lao động, hoạt động nhỏ lẻ nên khó tạo được niềm tin cũng như thương hiệu. Tuy nhiên, khi lên doanh nghiệp, chúng tôi sẽ vướng vào một số "lằng nhằng" khác về sổ sách kế toán, mô hình tổ chức và quản lý phức tạp hơn, phải theo khuôn khổ và thuế cũng là một vấn đề rất tế nhị. Nhiều hộ kinh doanh khác cũng có suy nghĩ như tôi, mong các cấp chính quyền lưu ý và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ", bà Huệ bộc bạch.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là Luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư. Đây là Luật mới, nâng cấp từ cấp Nghị định lên thành Luật. Luật PPP khu biệt 05 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực cụ thể bao gồm: Giao thông, lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài ra, Luật cũng đưa ra một số quy định mới về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (cơ chế chia sẻ với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên; điều kiện cho việc chia sẻ phần giảm doanh thu); mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà đầu tư; dừng thực hiện các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) trong thời gian tới.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các dự án PPP vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai mà chúng ta từng bước cần phải giải quyết. Việc xử lý dứt điểm những khuyết điểm của các dự án PPP đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, phù hợp với thực tiễn là yêu cầu cấp bách để các nhà đầu tư yên tâm trở thành đối tác."Để thúc đẩy đầu tư PPP, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khẩn trương soạn thảo, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho phù hợp với các thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, tạo khung pháp lý cho sự phát triển PPP", ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với nhiều nội dung mới sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là đạo luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp cho các nhà đầu tư tránh được rủi ro trong trường hợp thay đổi chính sách, góp phần giảm thiểu những vướng mắc đang tồn tại hiện nay; đồng thời, tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư cũng như đảm bảo cho việc thực hiện dự án thành công.

Vẫn cần tiếng nói phản biện của cộng đồng doanh nghiệp

Chính phủ đã và đang gấp rút ban hành các Nghị định hướng dẫn theo trình tự rút gọn, nên việc lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động không phải là yêu cầu bắt buộc. Do vậy, việc xây dựng VBQPPL theo quy trình này sẽ phần nào làm giảm cơ hội tiếp cận và tham gia ý kiến phản biện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bởi họ chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp. Điều này có thể tạo ra một số quan ngại về chất lượng của các nghị định hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty CP Kế toán - Đại lý Thuế Office 360 khẳng định, sau hơn 10 năm mong mỏi, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đã chính thức được luật hoá với nhiều quy định tăng cường tính công khai, minh bạch, chống thất thoát; tranh thủ được nguồn tài chính, công nghệ, quản trị của khối doanh nghiệp tư nhân; giảm nợ công cho Nhà nước. Luật PPP cũng tháo gỡ nhiều vướng mắc, rào cản đối với các dự án PPP, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng. Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn hơn cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp với nhiều cải cách đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn, thậm chí là "gánh nặng" cho các cấp chính quyền, đặc biệt là những cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh. Với một tỉnh lớn như Nghệ An có trên 23.000 doanh nhiệp thì đây lại càng là vấn đề nhạy cảm và nghiêm túc, mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ những nguồn lực cần thiết, kịp thời để việc triển khai, thi hành Luật có hiệu quả, ông Nam đề nghị.

Dấu ấn lập pháp

Một trong những dấu ấn lập pháp của Quốc hội năm 2020 là đã chưa tán thành đề xuất một số Dự án Luật như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Cùng với việc Quốc hội không tán thành việc tách Dự án Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện được vai trò của cơ quan lập pháp trong quyết định chính sách lớn và chất lượng của hoạt động xây dựng VBQPPL.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành vào kỳ họp tháng 11/2020 cũng là văn bản pháp lý quan trọng đối với các doanh nghiệp, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Luật này với trọng tâm xuyên suốt là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân bằng quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Các thủ tục hành chính và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được quy định theo hướng nghiêm ngặt hơn, các yếu tố môi trường của dự án đầu tư được xem xét kỹ hơn, nhưng cũng sẽ làm tăng rủi ro cũng như chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý điều này khi có ý định đầu tư các dự án liên quan.

 

Trần Văn Dũng

1. Kinh tế di sản - một cách tiếp cận

1.1. Sơ lược về vấn đề di sản

Di sản là một khái niệm rộng. Việc xác định và sử dụng khái niệm này thực sự không đơn giản. Di sản được hiểu theo nhiều góc độ, nhiều ý nghĩa khác nhau.

Căn cứ vào sự tồn tại các dạng thức của văn hóa, UNESCO phân chia các di sản văn hóa thành hai loại: thứ nhất, những di sản văn hóa vật thể, gồm các di sản tồn tại ở dạng vật chất như: hang động, quần thể hay vật thể địa chất, vịnh, đền, miếu, lăng mộ… Thứ hai, những di sản văn hóa phi vật thể gồm các biểu hiện tượng trưng của văn hóa ở dạng tinh thần, được lưu truyền qua thời gian với một số quá trình tái tạo kế tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di sản phi vật thể bao gồm truyền thống, âm nhạc, nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, dấu ấn ngôn ngữ,…

1.2. Di sản - nhìn từ góc độ kinh tế

Khi nói đến di sản, ta thường nghĩ về những giá trị văn hóa của nó, và thực tế thì di sản thường được biểu hiện ở hai chức năng chính là nhận thức và giáo dục. Tuy nhiên khi xã hội phát sinh nhu cầu chiêm ngưỡng hay khai thác những giá trị văn hóa của di sản, đặc biệt trong môi trường một thế giới mở thì nhu cầu đó càng được thể hiện một cách rõ rệt. Quan hệ cung - cầu trong việc chiêm ngưỡng hay khai thác những giá trị văn hóa của di sản đã làm xuất hiện khía cạnh kinh tế, mà nhân tố đảm đương vai trò kết nối cung cầu đó là hoạt động du lịch. Du lịch văn hoá được ra đời trong bối cảnh đó. Tính chất hay bản chất cũng như nhu cầu phát triển của ngành du lịch đã làm phát sinh tính thương mại trong du lịch văn hóa. Thương mại hóa các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch là yếu tố tồn tại cùng với tính nguyên bản, chịu sự chi phối của tính nguyên bản. Sản phẩm du lịch văn hóa tạo ra dựa trên tính nguyên bản đem lại cho du khách sự trải nghiệm đích thực về văn hóa, và một khi tính nguyên bản được khai thác, trở thành sản phẩm du lịch thì nó đem lại giá trị kinh tế, có tính thương mại.

1.3. Tính hai mặt của việc khai thác văn hóa di sản thông qua hoạt động du lịch

a) Khai thác hiệu quả di sản thông qua hoạt động du lịch giúp bảo tồn tính nguyên bản của di sản

Bên canh giá trị về nhận thức, giáo dục thì từ góc độ và mức độ nào đó, các di sản còn mang lại giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế của di sản lại chủ yếu thông qua các hoạt động du lịch. Trong du lịch, tính nguyên bản được đặc biệt chú ý xuất phát từ quan điểm cho rằng, sức hấp dẫn của du lịch đến từ sự chiêm ngưỡng, những nhận thức, trải nghiệm và lợi ích du khách có được tại các điểm đến. Vì vậy, không những đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, mà trong du lịch, tính nguyên bản cũng được coi là mang một giá trị cốt lõi. Tính nguyên bản có thể được hiểu theo nhiều nét nghĩa khác nhau như là nguyên gốc (original), chân thực (real), xác thực (genuine) hay tính bản địa (indigenous), truyền thống (traditional),… tùy thuộc từng đối tượng khác nhau của di sản. Có thể hiểu một cách khái quát, nguyên bản là tính nguyên sơ ban đầu (cái gốc ban đầu, chưa phát triển hoặc chưa bị biến đổi). Tính nguyên bản được xem là tiêu chí quan trọng nhất cho phát triển du lịch văn hóa. Một khi tính nguyên bản được giữ gìn nguyên vẹn thì cảnh quan, không gian văn hóa cũng như văn hóa truyền thống của cộng đồng được bảo tồn. Từ đó tạo nên những giá trị văn hóa bền vững, và đó cũng là cơ sở để du lịch văn hóa phát triển. Khi du khách tham gia vào các chương trình du lịch văn hóa thì tính nguyên bản của sản phẩm là một trong những yếu tố quyết định động cơ đi du lịch, bởi khi quyết định lựa chọn họ đều mong muốn tìm kiếm sự chân thực về văn hóa, có thể là chiêm ngưỡng một danh thắng, một công trình kiến trúc, một di tích lịch sử, hay chỉ đơn giản là thưởng thức các tiết mục nghệ thuật độc đáo, ẩm thực địa phương. Quan điểm này cũng chỉ ra rằng, thông qua hoạt động du lịch, người dân địa phương sẽ có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa bởi họ cảm thấy có niềm tin và lòng tự hào với những di sản trên quê hương mình cũng như nét đặc trưng văn hóa của dân tộc khi chứng kiến sự chiêm ngưỡng, trải nghiệm của du khách. Hơn nữa, một khi thu được lợi ích kinh tế từ việc giữ gìn các giá trị văn hóa để khai thác du lịch, bản thân người dân địa phương sẽ có động lực để bảo tồn những giá trị văn hóa ấy. Các du khách một khi đã nhận thức được giá trị của sản phẩm du lịch, họ sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh, hạn chế các hành vi tiêu cực làm xâm hại các giá trị văn hóa của di sản. Điều này góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn tính nguyên bản của di sản.

b) Hiện tượng thương mại hóa các giá trị của di sản trong hoạt động du lịch

Trong thực tế, khi di sản làm cơ sở cho mục đích của chuyến đi và được khai thác vào hoạt động du lịch, sẽ rất khó tránh khỏi hiện tượng thương mại hóa các giá trị văn hóa. Trong hoạt động du lịch văn hóa, để đáp ứng yêu cầu về lợi ích kinh tế, các di sản có thể bị xâm hại, bị biến dạng hoặc phá vỡ kiến trúc, cảnh quan. Một số đặc trưng nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội của dân tộc tại chỗ được biến tấu nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, loại hình du lịch, nhu cầu du khách. Như thế, văn hóa đã trở thành "sản phẩm hàng hóa" để mua bán và đó chính là bản chất của việc thương mại hóa các giá trị văn hóa. Hiện đang có những ý kiến khác nhau về hiện tượng này. Nhiều ý kiến chỉ trích hiện tượng thương mại hóa các giá trị văn hóa. Quan điểm này xuất phát từ nhận thức cho rằng, hoạt động du lịch sẽ biến các di sản văn hóa thành hàng hóa để thu lợi nhuận, tất yếu những nét nguyên sơ của di sản có nguy cơ bị biến dạng, những đặc trưng văn hóa truyền thống có nguy cơ bị thay đổi để đáp ứng nhu cầu du khách và điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ, từ đó tạo nên sự biến đổi các yếu tố văn hóa tinh thần mang tính giá trị của văn hóa di sản. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng, thương mại hóa là quá trình định giá một thứ gì đó dựa vào giá trị trao đổi của nó. Xét về khía cạnh thương mại, văn hóa trở thành hàng hóa và khi hệ thống trao đổi phát triển, đặt trong một thị trường nhất định thì giá trị trao đổi hàng hóa được biểu hiện thông qua giá cả.

2. Một vài suy nghĩ về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản ở Nghệ An - từ góc độ kinh tế

2.1. Vài nét về kho tàng di sản ở Nghệ An

Nghệ An là một vùng đất có lịch sử định cư lâu đời; là địa bàn sinh sống của cư dân Đông Sơn với di chỉ Làng Vạc. Đây cũng là nơi tụ hội của nhiều danh lam, thắng cảnh, hệ thống di tích, văn hoá cổ truyền,… phong phú về số lượng, độc đáo về nội dung, đa dạng về loại hình. Có thể điểm qua vài nét sau đây:

Về các di sản cảnh quan thiên nhiên, Nghệ An là một địa phương có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và biển. Có 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, và Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương là lõi của Khu dự trữ, với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát. Một số di tích thắng cảnh như thác Sao Va (Quế Phong), thác Bản Bìa, hang Kẻ Ham, Thẩm Poòng (Quỳ Hợp), Thẩm Nặm (Tương Dương); một số hang động vừa là di sản thiên nhiên vừa là di sản lịch sử như Khu di tích Hang Bua, hang Thẩm Ôm (Quỳ Châu), hang Thẩm Hoi (Con Cuông), và một số hang động thuộc khu Lèn Hai Vai (Diễn Châu),... Ven biển có danh thắng Hòn Ngư, núi Mộ Dạ, bãi biển Cửa Lò, Bãi Lữ,…

Về các di sản lịch sử, các di tích lịch sử cổ đại như di chỉ thuộc văn hóa Quỳnh Văn; các di chỉ hang Thẩm Ôm, hang Thẩm Hoi, hang Đồng Trương, di chỉ Làng Vạc,... Nhiều di tích lịch sử thời trung, cận và hiện đại như: Di tích Đền Cuông (ở Diễn Châu), núi Lam Thành, đền vua Lê, đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Hoàng Mười, Khu di tích Lê Hồng Phong, Đài tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh (ở Hưng Nguyên), Di tích Trà Lân (ở Con Cuông), đền thờ vua Mai, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu (ở Nam Đàn),... Với 2.602 di tích (trong đó có trên 400 di tích được xếp hạng), có thể nói Nghệ An là một trong những địa phương có mật độ di tích khá đậm đặc.

2.2.  Nhận thức về vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản ở Nghệ An

a) Giữ gìn tính nguyên bản, cách bảo tồn và phát huy giá trị của di sản

Có thể nói, di sản ẩn chứa nhiều giá trị, trong đó phải kể đến các giá trị cơ bản như giá trị khoa học, giáo dục (nhận thức, thẩm mĩ) và giá trị kinh tế.

Di sản là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, như khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Nhờ di sản, và thông qua di sản với các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học, giúp du khách có được sự nhận thức đầy đủ về giá trị của di sản, qua đó giáo dục niềm tự hào và tự tôn dân tộc, biết quý trọng những gì mà thiên nhiên ban tặng cũng như tổ tiên bao đời để lại. Vì vậy, tính nguyên bản của di sản chính là hệ giá trị bảo đảm cho sức sống và tính hấp dẫn vĩnh hằng của di sản. Điều đó cũng góp phần quan trọng cho việc chủ nhân của di sản sáng tạo ra cách tiếp cận di sản một cách phù hợp, hiệu quả: tính nguyên bản của di sản làm nên tính hấp dẫn của du lịch di sản và sự phát triển của kinh tế du lịch từ sự hấp dẫn của di sản sẽ là yếu tố quan trọng để bảo tồn di sản. Từ thực tế đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào và phục vụ cho mục tiêu nào thì các di sản về lịch sử cũng như cảnh quan thiên nhiên, tính nguyên bản phải đặt lên hàng đầu và phải được bảo đảm một cách nghiêm ngặt, với một định chế chặt chẽ. 

b) Tính nguyên bản và thương mại hóa giá trị di sản văn hóa bản địa trong phát triển du lịch bền vững tại Nghệ An

Nghệ An là vùng đất cư trú lâu đời của nhiều tộc người, với nhiều vùng văn hóa và văn hóa tộc người khác nhau, như văn hóa biển, văn hóa đồng bằng, văn hóa miền núi,… cùng với đó là một số tộc người thiểu số như Mông, Khơ Mú, Thái, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai, với nhiều nét văn hóa độc đáo tạo nên sực hấp dẫn riêng. Và vì thế, bản sắc văn hóa tộc người là sản phẩm nhận được sự chú ý đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Ở Nghệ An thời gian gần đây khai thác du lịch từ văn hóa bản địa đã và đang đem lại hiệu quả nhất định. Nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, các sản phẩm du lịch ngày càng chú trọng khai thác các nét riêng trong văn hóa vật thể, phi vật thể của các địa phương và tộc người tại chỗ. Nhiều đặc trưng được cải biến cho phù hợp loại hình và không gian du lịch… Từ đó dẫn đến vấn đề là phải bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người để  làm "nguồn" thu hút khách du lịch nhưng vẫn phải phát triển phù hợp thời đại với những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Nói cách khác là bên cạnh lợi ích kinh tế từ du lịch, phải bảo đảm tính nguyên bản của di sản, tránh làm tổn thương, mai một các giá trị văn hóa. Không làm được điều đó, khai thác du lịch từ văn hóa các địa phương và tộc người tại chỗ sẽ không đảm bảo tính bền vững. Có thể khẳng định, hoạt động du lịch có sự tham gia của cư dân tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả về nhiều mặt trong đó có thu nhập kinh tế cho người dân. Thực tế cho thấy, tính nguyên bản của văn hóa bản địa là động lực hấp dẫn du khách, kích thích họ trải nghiệm và chi tiêu cho những chuyến du lịch đến các thôn bản đồng bào các địa phương, các dân tộc. Trên thế giới, loại hình du lịch văn hóa dựa trên tính nguyên bản được xem là yếu tố then chốt để thu hút du khách, đem lại nguồn lợi kinh tế và giúp tạo dựng hình ảnh địa phương. Có thể thấy rõ ở một số quốc gia như Trung Quốc, Italia, New Zealand, Malaysia,... Ở Việt Nam thì bản Cát Cát (Sa Pa), Mai Châu (Hòa Bình) là một ví dụ. Nhờ phát triển du lịch dựa trên khai thác văn hóa bản địa, người dân địa phương được hưởng lợi thông qua cung ứng một số sản phẩm dịch vụ du lịch (như làm hướng dẫn viên, phục vụ phương tiện đi lại, cung cấp chỗ ở, phục vụ ăn uống với đặc sản và phong cách ẩm thực mới lạ, đồ thủ công mĩ nghệ, thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống,…). Người dân tự nhận thức và thực hiện việc bảo tồn văn hóa cộng đồng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của họ.

c) Giải pháp dung hòa giữa vấn đề bảo đảm tính nguyên bản và thương mại hóa trong việc khai thác các giá trị văn hóa di sản mang tính bản địa

Từ những thực tế nêu trên, chúng ta thấy rõ được tác động hai mặt của vấn đề. Khi đề cập đến tính thương mại của văn hóa bản địa, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những tác động tiêu cực như thay đổi văn hóa truyền thống, làm biến chất giá trị văn hóa. Thực ra tính tích cực của vấn đề thương mại hóa các giá trị văn hóa trong du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Thông qua hoạt động du lịch, không ít địa phương ở Nghệ An, văn hóa bản địa được khai thác, trở thành sản phẩm du lịch và phục vụ du khách một cách hiệu quả. Nhờ đó các giá trị văn hóa của địa phương được "sống" đúng nghĩa. Đồng thời, bản thân người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa tộc người, địa phương mình. Thực tế có những làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, những nghề thủ công truyền thống (kể cả tài sản thiên nhiên và di sản khác) đối diện nguy cơ biến mất nhưng nhờ vào phát triển du lịch, những yếu tố này được "sống lại" bởi hấp dẫn du khách, khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra để thưởng thức, trải nghiệm hoặc sử dụng. Do đó có thể thấy, thương mại hóa đã góp phần bảo tồn những nét đẹp của văn hóa cổ truyền đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự thay đổi của nhịp điệu đời sống hiện đại (những làn điệu dân ca ví giặm, những điệu khèn Mông, những điệu xòe Thái, nghề thổ cẩm,…). Có thể nói rằng, nếu các giá trị văn hóa chỉ tồn tại riêng rẽ, hay tính nguyên bản của văn hóa chỉ được bảo đảm bởi đơn thuần là một sự tuyên truyền, vận động hoặc can thiệp mang tính hành chính, cưỡng bức cũng không thể đảm bảo quá trình này diễn ra lâu dài. Chỉ có người dân địa phương, những người hiểu rõ văn hóa của di sản mới có thể bảo tồn giá trị di sản một cách hiệu quả, bền vững. Và khi người dân được hưởng lợi nhờ văn hóa di sản,  họ sẽ xem việc bảo tồn các giá trị của di sản không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào và quyền lợi của chính mình.

Để các giá trị văn hóa di sản tồn tại bền vững, đồng hành với sự phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch, thiết nghĩ phải tạo ra được sự cân bằng giữa hai yếu tố tính nguyên bản và tính thương mại. Có như vậy, chúng ta mới giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa mà không bị cuốn theo cơn lốc thương mại hóa. Theo chúng tôi, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Đối với các cấp chính quyền, cần có chủ trương chính sách và cơ chế phù hợp, khả thi khi khai thác văn hóa di sản trong phát triển du lịch theo hướng bền vững; có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng địa phương những điều kiện thiết yếu nhất định và định hướng cụ thể cho việc giữ gìn các giá trị di tích cũng như kết hợp khai thác giá trị văn hóa ấy vào hoạt động du lịch; cần quan tâm đến ý kiến các bên liên quan trong triển khai thực hiện, tránh áp đặt, dẫn đến can thiệp thô bạo, làm biến dạng, lai căng các giá trị văn hóa của di tích hoặc làm trở ngại cho các hoạt động du lịch.

 Đối với các nhà khoa học, cần có những công trình nghiên cứu đánh giá thực trạng, phân tích, nhận định với những minh chứng cụ thể về khai thác du lịch từ văn hóa di sản, từ đó xác định được các giá trị của các loại hình di sản, giúp chỉ ra yếu tố nào cần giữ gìn nguyên bản, yếu tố nào có thể linh hoạt điều chỉnh hợp lí, và ở mức độ nào để đáp ứng nhu cầu du khách, nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng vẫn không làm mất tính nguyên bản của di sản.

Các doanh nghiệp lữ hành phải làm tốt vai trò kết nối các bên trong hoạt động du lịch, định hướng tài nguyên khai thác khi xây dựng sản phẩm du lịch. Ở đây, tài nguyên được khai thác là các giá trị văn hóa của di sản, một dạng tài nguyên giúp tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt, có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền mà còn giữa các quốc gia. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giới thiệu thông tin giúp du khách hiểu rõ hơn về tính nguyên bản, các giá trị về văn hóa trong từng sản phẩm du lịch. Doanh nghiệp còn có thể giúp du khách nâng cao nhận thức khi sử dụng sản phẩm du lịch để trở thành những người du lịch có trách nhiệm đối với di sản. Như vậy, doanh nghiệp vừa có thể thu được lợi nhuận vừa có thể bảo tồn tính nguyên bản của di sản trong phát triển du lịch bền vững.

Cư dân địa phương là đối tượng tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch dựa vào di sản và cũng là những người trực tiếp sáng tạo, nuôi dưỡng, bảo tồn tài nguyên văn hóa địa phương nên rất thấu hiểu giá trị di sản và những đặc trưng văn hóa cộng đồng. Những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch cần tìm ra cách thức phục vụ du khách phù hợp, không mất kiểm sóat và luôn trên tinh thần tự tôn tộc người, địa phương; tránh những sự thay đổi một cách tùy tiện theo hướng đơn giản hóa, dễ được lòng một số du khách cá biệt, hay có khi chỉ là một chút sự tự ti dân tộc. Điều đó vô tình sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương và tộc người mình. Làm mất bản sắc văn hóa bản địa chính là họ đánh mất cơ hội của cộng đồng mình trong tương lai.    

2.3. Vấn đề di sản tham gia vào chuỗi các hoạt động kinh tế

Nghệ An là một địa bàn khá lí tưởng cho hoạt động du lịch và phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận, hiện tại Nghệ An chưa phải là điểm sáng trong lĩnh vực này. Cũng từ đây, chúng ta cần mạnh dạn tìm ra những yếu tố có tính chất "điểm nghẽn" để tháo gỡ và mở ra những hướng đi mới cho du lịch địa phương. Nếu như hướng chủ đạo của du lịch Quảng Ninh là du lịch biển kết hợp với du lịch di sản; Quảng Nam là du lịch khám phá di tích lịch sử kết hợp với du lịch biển; Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu là du lịch biển; Lâm Đồng là du lịch nghỉ dưỡng; Ninh Bình là du lịch chủ yếu dựa vào di tích hỗn hợp; các tỉnh vùng cao phía Bắc quan tâm đến du lịch bản địa với trọng tâm là du lịch cư trú tại nhà (homestay),… thì có thể nói, Nghệ An chưa có một mũi nhọn du lịch đích thực. Theo nhìn nhận chủ quan của chúng tôi, nhiều bãi biển ở các địa phương khác của nước ta cũng không hoàn toàn ưu thế hơn về cảnh quan, về chất lượng nước và cát so với bãi biển Cửa Lò và một vài bãi biển khác ở Nghệ An. Tuy nhiên về mùa du lịch chúng ta thấy hầu như các bãi biển và các điểm di sản thiên nhiên nổi tiếng của chúng ta đều vắng du khách nước ngoài, thậm chí không nhiều du khách các địa phương khác trong nước. Không ít người còn cho rằng, nếu không có Khu Di tích Kim Liên thì du lịch Nghệ An còn khó khăn hơn nhiều. Nếu chúng ta lấy số lượt khách viếng thăm Khu Di tích Kim Liên so sánh với số lượt khách du lịch được công bố trên các phương tiện truyền thông thì nhận xét trên là có cơ sở. Nói điều này là chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề, với những lợi thế của địa phương như trình bày ở trên, chúng ta lựa chọn một vài lợi thế có tính ưu thế nhất làm tiêu điểm để "hút khách", và là trung tâm để kết nối các điểm và loại hình du lịch đến Nghệ An. Chúng ta biết rằng, không phải mọi di sản đều hấp dẫn, cuốn hút mọi đối tượng du khách. Chẳng hạn, du lịch tâm linh ít hấp dẫn du khách phương Tây, trong khi nhu cầu khám phá di sản thiên nhiên, các di sản mang đặc trưng truyền thống của địa phương (nghề truyền thống, các nhạc cụ và hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian, món ăn truyền thống có tính độc đáo) của tộc người thông qua hình thức du lịch homestay và du lịch mạo hiểm, cảm giác mạnh, du lịch nghỉ dưỡng lại lôi cuốn họ hơn. Hình thức du lịch này lại giữ chân du khách được lâu, theo đó là chi tiêu nhiều. Du khách châu Á và trong nước thường quan tâm nhiều hơn đến cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực, và đặc biệt là khám phá di sản về lịch sử và văn hóa tâm linh. Có được nghệ thuật quảng bá và sự kết nối tốt; hiểu được tâm lí du khách và có giải pháp tiếp cận hợp lí sẽ mang lại hiệu quả, ngay cả đối với địa phương hay quốc gia không có lợi thế về di sản. Chúng ta hãy điểm qua một vài ví dụ:

- Singapore là một quốc gia gần như không có di sản. Họ không có một bề dày lịch sử, không có cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, diện tích hẹp, dân số không đông. Xung quanh là biển nhưng không có ngư trường. Mọi thứ hầu như là đi mua, kể cả nước ngọt. Nói một cách cực đoan là du lịch đến đất nước này chúng ta ít có được sự trải nghiệm hấp dẫn. Giá cả lại quá đắt đỏ. Nhưng phải nói, Singapore là một quốc gia phát triển về du lịch, và có tên tuổi trong những nước có thu nhập về du lịch cao; là một trong bốn trụ cột về kinh tế của quốc gia này. Một bảo tàng chỉ bằng một góc nhỏ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, một hồ nước ngọt nhỏ và không có gì hấp dẫn hơn bất kỳ một hồ nước tự nhiên nào có tên trong danh sách các hồ nước ở Nghệ An,… cũng trở thành điểm du lịch có khả năng giữ chân du khách được ít nhất một ngày, với những chi phí kèm theo. Điều cần nói là những điểm đến không có gì đáng nói lại được kết nối trong chuỗi hoạt động du lịch của họ.

Từ ví dụ trên đây, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề, đó là cách thức tổ chức các hoạt động du lịch di sản. Để di sản có thể tham gia vào chuỗi hoạt động kinh tế một cách hiệu quả thì hoạt động du lịch về lĩnh vực này phải là một nghệ thuật. Về cơ bản, mỗi di sản khó có thể tự mình làm du lịch, và không phải di sản nào cũng có chức năng làm kinh tế. Thậm chí trong giai đoạn hiện nay cũng như các giai đoạn tiếp theo, từng địa phương khó có thể tự mình thành công trong hoạt động du lịch nếu không tham gia vào chuỗi hệ thống du lịch toàn quốc và du lịch quốc tế, mà mỗi di sản, mỗi địa phương là một mắt xích quan trọng trong hệ thống đó. Vai trò của chủ thể du lịch là kết nối các di sản, để đưa các di sản tham gia vào các tour du lịch một cách hợp lí, tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng du khách cũng như thời gian lưu trú của họ, thậm chí có thể tác động đến quyết định thời gian cho chuyến đi của du khách. Làm được điều đó, các di sản mới có điều kiện bảo tồn được tính nguyên bản, và có cơ hội để "sống lại" tính nguyên sơ của nó. Nói cách khác, hoạt động du lịch đã dung hòa được vấn đề bảo đảm tính nguyên bản và thương mại hóa trong việc khai thác các giá trị văn hóa di sản.

4. Lời kết

Mặc dù "kinh tế di sản" là một khái niệm còn nhiều chỗ cần bàn, nhưng thực tế du lịch khai thác văn hóa di sản đã và đang thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu không nhận thức được một cách đầy đủ, có tính khoa học; không được tổ chức một cách hợp lý sẽ tạo ra những hậu quả khó lường cho di sản mà chúng ta không dễ nhìn thấy một sớm một chiều. Khi khai thác văn hóa di sản để phát triển du lịch, chúng ta nhận diện được tính hai mặt của vấn đề. Du lịch giúp bảo tồn tính nguyên bản các loại hình di sản, và di sản góp phần vào sự phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch. Điều quan trọng là những người làm du lịch phải biết cách thức dậy những giá trị được ẩn chứa trong di sản, có giải pháp để các loại hình di sản có cơ hội và điều kiện tham gia đóng góp vào chuỗi các hoạt động du lịch; đồng thời du lịch khai thác di sản không làm tổn thương di sản; phải tạo nên quan hệ cộng hưởng trong hoạt động du lịch. Các di sản tư tưởng, di sản lịch sử, di sản là tài nguyên thiên nhiên cần được bảo tồn trên cơ sở tính nguyên bản một cách nghiêm ngặt, bởi với các di sản này, tính nguyên bản cũng đồng nghĩa với tính giá trị của di sản. Với các di sản văn hóa mang tính bản địa, các bên hữu quan cần có những nghiên cứu cụ thể, trên cơ sở đó nhận diện những yếu tố nguyên bản mang tính giá trị để bảo tồn. Cùng với đó, điều chỉnh linh hoạt một số yếu tố văn hóa phù hợp loại hình du lịch, nhu cầu du khách khi cung cấp dịch vụ. Có như thế việc khai thác giá trị văn hóa của di sản trong phát triển du lịch sẽ bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.q                                  

 

Trung Chỉnh

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã khá quen với câu chuyện "giải cứu" nông sản. Trước đây, việc "giải cứu" phần lớn chỉ xảy ra đối với 1 - 2 loại nông sản, thì những năm gần đây, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta phải hỗ trợ tiêu thụ hàng chục loại rau, củ, quả khác nhau với khối lượng rất lớn. Các cuộc giải cứu dù phần nào hiệu quả, nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế và không thể giải cứu mãi được. Khi nông sản đồng loạt "khóc ròng", dù có muốn cũng không thể đủ sức giải cứu mãi.

Dịch Covid-19 đã xuất hiện hơn một năm, nhưng nông sản vẫn chưa hề có kịch bản dài hơi. Theo quy luật cung cầu, khủng hoảng thừa trong sản xuất, kinh doanh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không chỉ tại dịch Covid-19, một số sản phẩm năm nào đến mùa thu hoạch cũng lâm vào khủng hoảng thừa như dưa hấu, thanh long, cà phê… rồi lại phải hô hào cộng đồng "giải cứu", còn nông dân thì lặp đi vẫn lặp lại chu trình "chặt - trồng", "trồng - chặt" khiến vòng tròn luẩn quẩn đó dường như không có lối thoát. Dịch Covid-19 chỉ như cú đấm bồi cho hiện trạng nông sản vốn đang có những bất cập ở nước ta mà thôi.

Người nông dân luôn yếu thế mỗi khi xảy ra những biến động từ thị trường. Nhìn những hình ảnh bà con phải đổ bỏ đi những thứ do mình vun xới, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tuy nhiên, hành động "giải cứu" mà chúng ta đang làm có mang lại ý nghĩa trọn vẹn hay không? Và một nền sản xuất còn dựa vào những giải pháp mang tính tình thế, thì liệu có thể phát triển bền vững được hay không? Việc "Giải cứu" chỉ mang tính ngắn hạn, không ai muốn, thậm chí người nông dân trong một số trường hợp không muốn "giải cứu" vì vẫn chờ thương lái, các đầu mối thu mua xuất khẩu để bán giá cao hơn. Tuy nhiên, không thể lên án tình yêu thương, sự tương trợ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn và rất nhiều người trong chúng ta sẽ không ngần ngại khi tiếp tục sử dụng tình yêu thương đó theo cách tự nhiên, tự nguyện. Chúng ta không đứng ngoài cuộc khi đồng bào còn gian nan, nhưng giải cứu người khác cũng đừng tự làm khó bản thân. Nhưng không phải lúc nào "giải cứu" cũng là liệu pháp tốt.

Việc "giải cứu" nông sản cũng không thể một sớm một chiều mà khắc chế ngay được bởi phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm và hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị hàng hóa. Sự lỏng lẻo trong các mối liên kết, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn hạn chế. Vai trò chính yếu của Nhà nước trong chuỗi giá trị vẫn còn hết sức mờ nhạt. Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng và nếu chúng ta không xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ khó cạnh tranh, đủ năng lực đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế. Vậy thì nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng cần xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp như thế nào? Và kết nối logistics như thế nào để trở thành giải pháp tốt nhất cho việc "giải cứu" nông sản ở Việt Nam"?

Chuỗi giá trị được hiểu một cách đơn giản là một nhóm các hoạt động liên kết với nhau nhằm chuyển hóa nguyên liệu thô sơ thành sản phẩm hàng hóa, đồng thời giúp tạo thêm giá trị cho sản phẩm. Chuỗi giá trị thường bao gồm các nhân tố con người và hoạt động giúp cải tiến sản phẩm thông qua kết nối các nhà sản xuất hàng hóa với các nhà chế biến và thị trường. Các hoạt động chuyển hóa có thể là sản xuất, marketing hay giao nhận hàng hóa hoặc dịch vụ đến tay người tiêu thụ cuối cùng.

Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu kinh tế quốc tế. Các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nông nghiệp được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên sau thời gian dài xây dựng, chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn hết sức mờ nhạt. Mối liên kết chính giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn nhiều tồn tại nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Nông dân thì tư duy theo mùa vụ, chạy theo số lượng, trong khi doanh nghiệp thì tư duy theo thương vụ. Ai cũng nắm lấy một công đoạn của sản xuất, lưu thông để giành phần lãi lớn hơn cho riêng mình. Hay nói cách khác: Nông dân và doanh nghiệp chưa phải là "cặp đũa" có đôi.

Bên cạnh đó, tư duy về sản xuất và phát triển nông nghiệp của nước ta còn rất thô sơ và đầy rủi ro. Sau khi trồng trọt, nông dân sơ chế và đợi khách hàng tới thu mua gom mà hầu như không tham gia bất kỳ một công đoạn nào khác, giá tốt thì vui vẻ và mở mang thêm; giá xấu hầu như không thay đổi gì cả, năm này qua năm khác. Không phải hành tím, dưa hấu mà đại đa số các mặt hàng nông sản chúng ta chỉ trồng và sơ chế, không có hay rất ít những công đoạn làm tăng thêm giá trị gia tăng sản phẩm.

Do đó việc xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp giúp các mắt xích phát triển rời rạc liên kết với nhau để tăng sức cạnh tranh và giá trị cho nông sản Việt Nam, góp phần nâng cao thu nhập, kiến tạo một nông thôn mới với cơ hội mới cho mọi người, đặc biệt khắc chế được hiện tượng "giải cứu" là việc làm rất quan trọng và cần thiết hiện nay.

Quan trọng nhất trong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp chính là xây dựng các nhà máy chế biến sâu hơn, đa dạng các sản phẩm chế biến và tham gia mạnh mẽ vào hoạt động phân phối. Với hơn 90 triệu dân tiêu thụ nội địa, có mặt hàng gì ra mà chẳng có thể tiêu thụ. Nếu chúng ta có thể tự lực sản xuất phân phối nội địa thì việc trồng trọt nông sản sẽ dễ dàng hơn. Các nước phát triển như Hà Lan hay Nhật Bản đều làm như vậy. Làm được như vậy chúng ta vừa ổn định nông nghiệp và an toàn cho nông dân, và có thể đàm phán với các nhà mua hàng giá cao hơn, có nhiều sự lựa chọn thay vì chỉ phụ thuộc vào một mình họ.

Việc này cần một chính sách hỗ trợ tinh thần và vốn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến từ Chính phủ, cấp bộ và các thành phố đến các vùng nông thôn, để tạo một làn sóng tham gia sản xuất chế biến và phân phối trong doanh nghiệp. Dân trồng ra, có các nhà máy chế biến và hệ thống phân phối đến các thị trấn, thành phố cho người dân. Chỉ có như vậy mới giải quyết được rất nhiều vấn đề về nông nghiệp và sản lượng nông sản trồng ra. Hơn nữa phải làm thế nào để các doanh nghiệp hào hứng tham gia sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp - miếng bánh lớn và phân khúc lợi nhuận tốt trong chuỗi cung ứng thì mới thu hút được doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản đó chính là kết nối logistics. Logistics được hiểu là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Việc đầu tư logistics cho nông nghiệp không chỉ tăng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn là nhiệm vụ chính trị...

Trong giai đoạn hiện nay, để chấm dứt "giải cứu nông sản" thì rất cần chính sách khuyến khích việc hình thành những chuỗi logistics nông sản đặc thù thông qua việc phát triển hạ tầng về kho lạnh, container lạnh, phương tiện vận tải lạnh để hỗ trợ ngành nông nghiệp xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước với các thị trường xa vùng sản xuất. Trong đó cần xây dựng các nhà kinh doanh dịch vụ logistics chuyên nghiệp để kết nối được các nhà sản xuất - người nông dân cho đến những cơ sở xử lý, chế biến cho đến khách hàng dù ở trong nước hay quốc tế. Khi chúng ta có những nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên biệt cho lĩnh vực nông sản sẽ góp phần đưa hàng hóa nông sản đến được thị trường nhanh hơn với chi phí rẻ hơn, và đặc biệt là vẫn có thể đảm bảo được yếu tố về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại Việt Nam, ngành nông nghiệp đang tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số; khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu. Hằng năm, có đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản và tổng nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều thuê ngoài dịch vụ logistics. Nông sản Việt Nam hiện nay đã xuất đi 185 nước trên thế giới nhưng bản chất của vấn đề là nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu vẫn là hàng thô, nặng nề. Mỗi năm có 40 triệu tấn hàng nông sản chở ra thế giới nhưng do sản phẩm thô nên giá trị thấp. Việt Nam trong năm tới chủ trương không tăng sản lượng nông sản xuất khẩu mà đi sâu vào chuỗi giá trị. Do đó vai trò của logistics rất quan trọng để đáp ứng được mục tiêu này.

Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển logistics ở Việt Nam luôn tăng trưởng cao, đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics hoạt động rộng khắp trên các lĩnh vực vận tải, kho bãi đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics ở Việt Nam đã và đang được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, trong đó có lực đẩy đến từ việc logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản thông qua vai trò kết nối và sự tích hợp của kinh tế chia sẻ. Phát triển hệ thống Logistic cần đến nhiều lao động. Theo dự báo, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 nhân sự có kỹ năng cho ngành này. Điều này cho thấy, lĩnh vực        Logistics sẽ thu hút nhiều lao động chuyên môn cao trong tương lai, đặc biệt là khu vực phía Nam và cho thấy không chỉ nâng cao giá trị nông sản, logistics còn là lĩnh vực giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn, cần phải có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để logistics phát triển.

Những bất cập trong phát triển logistics ở Việt Nam phải kể đến những yếu tố căn bản là hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; doanh nghiệp logistics còn nhỏ, chưa quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp; đội ngũ nhân lực logistics thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông sản… Hơn nữa, doanh nghiệp ngành nông nghiệp và     logistics vẫn chưa tìm thấy sự liên kết chặt chẽ. Giao dịch giữa hai bên phần lớn vẫn chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê theo hợp đồng chứ chưa có sự liên kết để hỗ trợ nhau về giá, giúp nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều công ty sản xuất lẫn logistics quy mô nhỏ chỉ có thể làm ăn nhỏ lẻ, có tính thời vụ, không đủ điều kiện để tạo cơ hội hợp tác phát triển. Do quy mô nhỏ lẻ nên hoạt động của chuỗi không mang lại giá trị cao như: chế biến rau quả, đóng gói, dán tem nhãn, trung chuyển hàng hóa, sắp xếp hàng hóa lên kệ tại cửa hàng…

Để logistics trở thành giải pháp hữu hiệu cho việc phát huy giá trị nông sản Việt Nam cần phải đầu tư hạ tầng cho logistics nông sản như đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh); cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không; xây dựng trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng Trung tâm logistisc nông sản là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường và đảm bảo được chất lượng, vệ sinh. Trong đó, các vùng trọng điểm về nông sản cần phải tận dụng tối đa năng lực của các tuyến đường thủy, đường biển,…

Ngoài chủ trương chính sách của Nhà nước thì các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa để cùng bà con nông dân hình thành nên hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, khâu thương mại mà trong đó điểm nhấn mạnh nhất - một công cụ, một phương tiện sáng tạo chính là logistics ngày càng đầy đủ, khép kín.

Các bên sản xuất nông phẩm, phân phối nông sản, các chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn với các bên dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh, tập trung vào các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi. Để nông sản đảm bảo chất lượng trong bảo quản và vận chuyển thì doanh nghiệp cần cân nhắc khi chọn lựa giữa dịch vụ logistics giá rẻ và dịch vụ logistics xuyên suốt và giá trị cao.

Quan trọng hơn hết là các doanh nghiệp logistics cần biết cách nắm bắt, đầu tư và ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình, từ đó tăng chất lượng dịch vụ, sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường được dự báo ngày càng gay gắt như hiện nay.  

Logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa nói chung và càng trở nên quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, bởi việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng phụ thuộc vào sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu, các mắt xích trong chuỗi. Người tiêu dùng Việt Nam có quyền sử dụng những sản phẩm chất lượng, chính thống, lâu dài chứ không phải những mặt hàng chỉ có tính "giải cứu", dư thừa. Do đó, kết nối logistics chính là giải pháp hữu hiệu nhất để "giải cứu" mà không cần phải dựa vào tình thương xã hội như bây giờ!

Tác giả bài viết: article?img id=2449561

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây