Nghệ An hướng đến phát triển vùng nguyên liệu mía đường trên địa bàn tỉnh gắn với chuổi giá trị, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, công tác khuyến nông và xây dựng nông thôn mới
Thứ năm - 23/06/2022 23:191700
Mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Nghệ An. Nghệ An có vùng nguyên liệu trồng mía lớn tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du, nên điều kiện về giao thông, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa. Trong những năm qua, các doanh nghiệp mía đường đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ổn định để phát triển vùng nguyên liệu, tích cực áp dụng cơ giới hóa và chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư vào sản xuất. Góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng mía nguyên liệu, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân cũng như góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi. Tổng diện tích mía nguyên liệu ở Nghệ An niên vụ 2021-2022 có 19.223ha, tập trung ở các huyện: Quỳ Hợp 4.961ha; Tân Kỳ 3.171 ha; Nghĩa Đàn 7.600ha; Quỳ Châu 1.158 ha; Quỳnh Lưu 936 ha; Anh Sơn 449ha… Năng suất mía dự kiến đạt bình quân gần 61,0 tấn/ha, cao hơn vụ mía năm ngoái 5.0 tấn/ha, là năm đạt được năng suất cao nhất trong vòng 3-4 năm gần đây, sản lượng dự kiến đạt 1.173.000 tấn, phục vụ cho 3 nhà máy chế biến mía đường với tổng công suất thiết kế đạt 15.500 tấn mía/ngày. Tuy nhiên trong những năm gần đây, diện tích, sản lượng mía của Nghệ An có chiều hướng giảm; so với năm 2015, diện tích mía toàn tỉnh hiện nay giảm khoảng 27,0%, sản lượng giảm 23,0%, năng suất tăng hơn 5,0%. Ngày 11/11/2021 UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đến năm 2025 diện tích mía toàn tỉnh là 26.700 ha ( trong đó 5.000 ha mía công nghệ cao), sản lượng 2.000.000 tấn; đến năm 2030 diện tích là 25.700ha (trong đó 10.000 ha mía công nghệ cao), sản lượng 2.200.000 tấn. Ổn định công suất chê biền các nhà máy đã có, từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền chế biến tạo thêm các sản phẩm khác ngoài đường và sau đường. Tiếp tục thành lập, phát triển thêm cấc hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm mía đường theo chuỗi giá trị, găn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 55 HTX và đến năm 2030 có 110 HTX sản xuất mía đường.
Để khảo sát phát triển vùng nguyên liệu mía đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An gắn với chuổi giá trị, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, công tác khuyến nông và xây dựng nông thôn mới; Khảo sát mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, ngày 07/5/2022, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát vùng nguyên liệu mía và du lịch cộng đồng tại Nghệ An. Qua đợt làm việc, Giám đốc trung tâm Khuyến nông Quốc gia đồng ý cho thành lập xây dựng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng sản xuất nguyên liệu mía. Mặt khác hỗ trợ xây dựng một số mô hình như: Mô hình tổ hợp tác, HTX chăn nuôi an toàn sinh học có sự kiểm soát các bệnh truyền nhiễm; Mô hình chuyển đổi trồng cây gai xanh AP1 trên các vùng đất sản xuất kém hiểu quả…Ngoài ra đồng chí còn yêu cầu tăng cường tập huấn các nội dung mới trong công tác khuyến nông như chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông…
Thời gian tới, Nghệ An cần phải có những chính sách cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu mía để làm sao các nhà máy đường có đủ nguyên liệu để sản xuất nhưng người nông dân cũng sống được bằng nghề trồng mía. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần phải tính toán, tổ chức lại sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tích cực tham gia HTX. Để giữ được vùng nguyên liệu mía thì cần phải có những giải pháp tổng thể, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải hỗ trợ người nông dân nhiều hơn nữa. Tăng cường sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để đảm bảo giữ vững và phát triển được cây mía.Đồng thời các Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn... tích cực hỗ trợ Nghệ An trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch nhằm phát triển vùng nguyên liệu một cách ổn định, bền vững theo các tiêu chí đã đặt ra.