Chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, Nghệ An mở ra những cơ hội mới cho bà con nông dân

Thứ năm - 23/06/2022 23:25 0
Thời gian qua, rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra những cơ hội mới cho bà con nông dân. Sản xuất hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh, khí canh, chăn nuôi an toàn sinh học… là hướng đi đang được nông dân các địa phương tiến hành. Tuy nhiên, việc bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ lại đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Trước những khó khăn đặt ra đối với các mặt hàng nông sản, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành chung tay tháo gỡ; trong đó giải pháp đầu tiên được đưa ra là tăng cường hơn nữa việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Thanh Chương tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, khu vườn kiểu mẫu…, từng bước hình thành tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững cho người nông dân. Quá trình triển khai các mô hình, người dân được tập huấn về kiến thức an toàn sinh học, tiếp cận những quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi an toàn, thân thiện môi trường. Quan điểm của huyện là phát triển tăng tốc nhưng phải bền vững, chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng sản xuất hữu cơ, VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP. Huyện đã ban hành “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Phát triển kinh tế trang trại gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo mô hình an toàn sinh học giai đoạn 2021-2025”, mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, đảm bảo bền vững.
Việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi thực hành sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn đang được các cấp ngành triển khai mạnh mẽ đến các tầng lớp nông dân. Các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả; vận động hội viên nông dân thực hiện nghiêm 3 có: Có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm an toàn; Có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; Có trách nhiệm phát giác và ngăn chặn thực phẩm không an toàn và thực hiện 3 không: Không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; Không kinh doanh chất cấm và nông sản thực phẩm không an toàn, kém chất lượng; Không tiêu dùng nông sản thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Nghệ An đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng phụ trợ còn chưa hình thành. Tuy vậy, nhiều người dân, doanh nghiệp đã thực sự táo bạo, nỗ lực, với tình yêu và niềm tin vào mảnh đất xứ Nghệ, trở thành những người "mở đường" cho nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại địa phương này. 
Tập đoàn TH ghi dấu ấn là đơn vị tiên phong triển khai làm sữa hữu cơ, chuyển đổi đàn bò, đồng cỏ sang chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ để sản xuất sữa hữu cơ trên chính trang trại rộng lớn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngoài Tập đoàn TH, một số mô hình, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của các nhà nông khởi nghiệp cũng rất có triển vọng.
https://dbndnghean.vn/upload/t12/t12/cam-thanh-duc-le-quang-dung.jpg

Công ty TNHH Vitamin D2 Organic đã xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tại Hợp tác xã rau củ quả an toàn Nam Anh (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), quản lý trực tiếp, giám sát kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, chăm trồng đến khâu thu hoạch và chế biến. Các dòng sản phẩm mà công ty phát triển là bữa ăn "eat clean healthy" (tạm dịch: Bữa ăn sạch vì sức khỏe), nước ép nguyên dưỡng chất từ rau, củ, quả và sữa hạt xanh D2. Các sản phẩm tuân thủ 3 không: Không thêm đường nước, không chất bảo quản, không chất phụ gia, giúp thanh lọc, thải độc, hỗ trợ giảm cân an toàn, đẹp da, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ sức khỏe. Bao bì sản phẩm sử dụng chai thủy tinh, hộp giấy góp phần bảo vệ môi trường. Chị Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH Vitamin D2 Organic chia sẻ: “Tạo ra sản phẩm hữu cơ cực kỳ khó khi khí hậu Nghệ An khắc nghiệt, "nắng thì đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non". Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang xây dựng thêm một vùng nguyên liệu ở vùng núi cao tại huyện Kỳ Sơn để đáp ứng nguồn rau hữu cơ chế biến. Trừ một số loại hạt phải nhập khẩu, còn lại các loại rau, củ đều được chúng tôi tự trồng theo phương thức hữu cơ, bảo đảm được chất lượng cao nhất, tạo ra sản phẩm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh”. Sản phẩm của Công ty TNHH Vitamin D2 Organic giành giải ba tại Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An mở rộng năm 2021.

Mì rau củ Anpaso của Công ty Cổ phần An An Agri ở huyện Diễn Châu cũng là một sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Đối mặt với nhiều khó khăn khi làm nông nghiệp hữu cơ nhưng Công ty An An Agri đã đầu tư nhiều công sức, kiên định với hình thức canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kết hợp chế biến, tạo sinh kế bản địa cho phụ nữ nông thôn. Vùng rau nguyên liệu làm ra mì rau củ Anpaso được canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn Tổ chức quốc tế Organic USDA hướng dẫn, bảo toàn đa dạng sinh học, không sử dụng các chất hóa học không có lợi cho sức khỏe con người, cũng như tác động hiệu ứng nhà kính. Cây trồng từ đó phát triển trong điều kiện tự nhiên, ít bị sâu bệnh, là nguyên liệu chế biến các sản phẩm thực phẩm mì rau củ giá trị dinh dưỡng cao, hướng tới văn hóa ăn thanh sạch. Mì rau củ Anpaso đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là một tấm vé để mì rau củ Anpaso vươn xa tới các thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Công ty TNHH Vitamin D2 Organic hay Công ty Cổ phần An An Agri chỉ là số ít ỏi doanh nghiệp tiên phong, đi đầu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, được thực hiện với quy trình canh tác hữu cơ, khép kín từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến chế biến. Có thể thấy, các mô hình nông nghiệp hữu cơ đều xuất phát từ các doanh nghiệp. Họ táo bạo và có tư duy đón đầu nên bước đầu đã thành công với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Những mô hình như thế còn ít ỏi, chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An phần lớn đang là sản xuất truyền thống, chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.
Khó khăn nhất trong phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An là làm thế nào để thay đổi thói quen, tập quán canh tác nông nghiệp của người dân. Bởi vì nông nghiệp hữu cơ yêu cầu sử dụng phân bón hữu cơ, các sản phẩm chăm sóc sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Nông nghiệp hữu cơ dễ thì thật dễ nhưng cũng rất khó. Nếu như người dân làm theo đúng quy trình thì rất dễ. Còn người dân không có suy nghĩ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà chạy theo lợi nhuận trước mắt thì rất khó. Cũng phải công bằng nhìn nhận rằng, sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An gặp khó khăn và chậm chân hơn các địa phương khác trong cả nước bởi khí hậu khắc nghiệt và sâu bệnh nhiều. Mặt khác, chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất lớn, đặc biệt là việc đầu tư công sức; nhận thức tiêu dùng của người dân còn chưa hướng tới các sản phẩm hữu cơ và chạy theo các sản phẩm có giá thành rẻ. Một khó khăn nữa trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An là đất đai quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ nên việc tạo ra vùng đệm cho sản xuất hữu cơ rất khó khăn. 
Theo đánh giá của các nhà làm nông nghiệp, tại Nghệ An, các mô hình khuyến nông chỉ thực hiện trong vòng một năm và mới chỉ dừng lại ở tính chất mô phỏng, làm điểm tham quan cho bà con nên khi chương trình kết thúc thì mô hình cũng “chết” theo. Muốn làm được nông nghiệp hữu cơ cần quy hoạch được những cánh đồng lớn, đầu tư “dài hơi” hơn bởi sản xuất hữu cơ cần nhiều quy trình, đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi. Sau giai đoạn chuyển đổi mới được tính là giai đoạn sản xuất hữu cơ. Thời gian chuyển đổi cũng tùy từng loại cây, cây trồng lâu năm phải 18 tháng, cây ngắn ngày 6 tháng. Do vậy, các dự án khuyến nông hữu cơ cần thời gian từ 3 đến 5 năm, hỗ trợ người nông dân từ khâu sản xuất đến khi tiêu thụ và sau đó phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.  Năm 2022 này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương tăng cường sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, bố trí kinh phí cho các đơn vị trực thuộc để xây dựng mô hình theo hướng hữu cơ. Hiện nay, sở đang xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030 để đưa vào triển khai thực hiện. Nghệ An cũng đang triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, đề xuất hỗ trợ kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, GMP, HACCP, hữu cơ lần đầu; các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn, gà; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm vi sinh... Những động thái này nếu được thực thi sớm sẽ tạo động lực cho các tập thể, cá nhân muốn làm nông nghiệp hữu cơ.  Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và hơn hết là sự chỉ đạo của chính quyền địa phương trong khâu quy hoạch, ban hành chính sách, sớm hoàn chỉnh, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người dân phải sâu rộng hơn , vì mục tiêu bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
 

Tác giả bài viết: Minh Hoàng

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây