Mướp đắng có tên khoa học là Momordica charantia L. thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), do có vị đắng nên còn được gọi là Mướp đắng, Lương qua. Chi Momordica có tổng cộng 45 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khắp các châu lục. Ở châu Á có 5-7 loài, trong đó Việt Nam có 3 loài, đây đều là loài cây trồng, trong đó đáng chú ý có cây mướp đắng rừng (Đỗ Huy Bích và cs., 2006). Mướp đắng là một loại dây leo, thân có góc cạnh, ở ngọn hơi có lông tơ. Lá mọc so le, dài 5 – 10 cm, rộng 4 – 8 cm, phiến lá chia 5-7 thùy hình trứng, mép lá có răng cưa đều, mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, trên gân lá có lông ngắn. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, hoa đực và hoa cái cùng gốc, có cuống dài, cánh hoa màu vàng nhạt, đường kính hoa chứng 2 cm. Quả hình thoi dài, trên mặt có nhiều u nổi lên, quả chưa chín có màu xanh vàng, khi chín có màu vàng hồng, trong quả có hạt dẹt dài 13-15 mm, rộng 7-8 mm, trồng gần giống hạt bí ngô, quanh hạt có màng màu đỏ máu như màng gấc (Đỗ Tất Lợi, 2004). Ở Trung Quốc, mướp đắng rừng thấy mọc ở miền Nam, bao gồm các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô và Triết Giang. Tại một số nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Malaysia và Philipine cùng thấy có cây mướp đắng rừng (Đỗ Tất Lợi, 2015). Ở Việt Nam, mướp đắng được trồng khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, chỉ ở một số vùng núi cao và lạnh như Sa Pa (Lào Cai), Phó Bảng (Hà Giang)…thì mới không thấy có mướp đắng. Cây mướp đắng có biên độ sinh thái tương đối rộng, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng từ 20oC – 35oC, lượng mưa hằng năm từ 1500 – 2500 mm. Cây mướp đắng rựng chịu được nhiều điều kiện đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất trong điều kiện đất thoát nước tốt và giàu chất hữu cơ. Mướp đắng có thể trồng quanh năm. Cây sinh trưởng nhanh trong mùa mưa ẩm, ra hoa sau 7 – 8 tuần gieo trồng. Sau khi trái già, cây sẽ tàn lụi và kết thúc vòng đời sau 4 – 5 tháng tồn tại.
Quả mướp đắng có chứa một chất glucozid đắng gọi là momocdixin. Ngoài ra trong quả mướp đắng rừng còn có chứa các vitamin B1, C, adenin, betain và protein (0,6%). Theo Đỗ Huy Bích và cs., (2006), quả mướp đắng chứa glucosid triterpenic, các chất hạ đường huyết như pugazenthi-S-murthy chiết được 3 chất đặt tên là Kakara (Kakara Ib 400 mg/kg; Kakara IIIa 100 mg/kg; Kakara IIIb 300 mg/kh). Ngoài ra, trong mướp đắng rừng còn có chưa 17 loại acid amine, các vitamin B1 (0,18 mg), B2 (0,2 mg), PP (3,72 mg), β-caroten (0,56 mg/100 gam quả) và nhiều khoáng chất như Ca, Mg, Cu, Fe, Zn.
Quả và lá Mướp đắng có vị đắng, tính lạnh. Hạt có vị đắng hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, bổ thận, giải phiền khát, lợi tiểu (Đỗ Huy Bích và cs., 2006).
Tác dụng dược lý của cây Mướp đắng: Y học cổ truyền và dân gian Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng mướp đắng rừng như là một vị thuốc chữa bệnh nhưng chỉ ở dạng thô ban đầu hoặc ở dạng nước ép, nước sắc. Trong đó, quả mướp đắng rừng được dùng làm thuốc mát, chữa ho, sốt, đái nhắt, đái buốt, bệnh phù thũng do gan nhiệt. Ngày dùng 1-2 quả còn xanh bỏ hạt, nấu ăn; Lá mướp đắng khô 12 g, tán bột hòa với nước hay rượu uống kết hợp lấy lá tươi giã nát đắp ngoài, chữa nhọt độc sưng tấy, các vết thương nhiễm độc; Lá tươi nhai nuốt nước, bã đắp chữa rắn cắn. Hoa mướp đắng phơi khô tán nhỏ uống chữa đau dạ dày (Đỗ Huy Bích và cs., 2006).
Ở một số nước Đông Nam Á, nhân dân dùng nước sắc rễ, thân, lá và quả mướp đắng làm thuốc hạ sốt. Phần lớn các bộ phận của cây được dùng để nhuận tràng. Dịch ép các phần khác nhau của cây được dùng ngoài chữa bệnh về da, áp xe và bỏng nó còn được dùng để làm thuốc súc miệng trị bệnh spru, bệnh vàng da và bệnh phụ khoa. Hoa là một thành phần trong bài thuốc trị hen. Ở Malaysia, người dân dùng nước sắc lá để gây sẩy thai. Ở Indonesia, mướp đắng dùng để ăn ngon cơm, lọc máu, nhuận tràng nhẹ, có ích trong điều trị bệnh gan, chứng đa tiết mật và tẩy giun kim. Ở Philipine, quả mướp đắng dưới dạng nước sắc hay dạng viên được dùng để chữa bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin nhẹ (Đỗ Huy Bích và cs., 2006).
Cây mướp đắng rừng
Trong y học hiện đại, mướp đắng rừng là loài cây trồng có nhiều tác dụng, cụ thể như sau: Diệt vi khuẩn và virut, chống lại tế bào gây ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa trị bằng tia xạ. Chống các gốc tự do - là nguyên nhân gây lão hoá và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường. Tăng oxy hoá glucozơ, ngăn chặn sự hấp thu glucozơ vào tế bào. Ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucozơ. Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin. Mướp đắng rừng thường được sử dụng như một loại thuốc tự nhiên, chủ yếu để điều trị bệnh đái tháo đường típ 2, đồng thời chống viêm và chống oxy hóa (Bortolotti et al., 2019). Dịch chiết từ quả mướp đắng có khả năng ức chế khối u, hổ trợ men gan. Cao methanol 50% quả mướp đắng cho tác dụng hạ đường huyết 25% (liều dùng 30 mg/kg), cao butanol cho kết quả là 34% với liều dùng như trên. Các tác giả này cho rằng các hợp chất phân cực, tan nhiều trong butanol có khả năng làm giảm đường huyết. Cơ chế hoạt động tương tự insulin hoặc thông qua sự tiết insulin từ tuyến tuỵ. Cao nước quả mướp đắng, khi cho chuột cống trắng đã được gây tăng đường máu với aloxan (120mg aloxan/kg tiêm dưới da) uống hàng ngày trong hai tháng làm chậm sự xuất hiện bệnh võng mạc (Lotlikar, 1966). Dịch ép quả mướp đắng làm giảm đáng kể tỷ lệ ung thư da ở chuột nhắt trắng gây bởi dimethylbenzo [a] anthracen được làm tăng thêm bởi dầu bã đậu. Cao từ vỏ, thịt quả, hạt và toàn quả mướp đắng có hoạt tính chống ung thư rõ rệt đối với sự sinh u nhú da chuột nhắt khi dùng tại chỗ./.
Xuân Diện
Công ty CP Dược liệu Pù Mát