Nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) họ Rutaceae là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh kế cao, mang nhiều lợi ích khai thác sử dụng phục vụ cho đời sống và sức khỏe con người được trồng rộng khắp ở vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2017 đã có nhiều diện tích đất nông lâm nghiệp được chuyển sang trồng cây có múi, đưa tổng diện tích lên 221,6 nghìn ha, tăng 1,87 lần so với năm 2015. Trong đó, diện tích đất trồng cây cam quýt đạt 112,6 nghìn ha cho tổng sản lượng 948,1 nghìn tấn, tăng nhiều hơn năm 2010 là 37 nghìn ha về diện tích và 218,7 nghìn tấn về sản lượng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2017).
Trong 10 năm qua, nhóm cây này đã có sự tăng rất nhanh về diện tích và sản lượng, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Các vùng có diện tích đất trồng cam quýt tăng mạnh nhất là huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang và huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Năm 2007, huyện Hàm Yên đã xây dựng thành công thương hiệu “Cam sành Hàm Yên” và năm 2014, vùng trồng cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã khẳng định được thương hiệu nổi tiếng “Cam Cao Phong”. Cây cam đã được coi là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương giúp nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề về tài nguyên, môi trường và sinh thái do xung đột quỹ đất nông nghiệp, thiếu nguồn nước tưới, gia tăng ô nhiễm và suy thoái đất.
Nhằm đánh giá được ảnh hưởng tổng hợp của các yếu tố sinh thái và nhân sinh đến tình hình sản xuất cam và xác định được hiện trạng, các nguyên nhân gây suy thoái chất lượng đất trồng cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, qua đó, đề xuất được giải pháp công trình đảm bảo nguồn nước, môi trường an toàn và giải pháp quy hoạch diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cây cam ở mỗi vùng, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do TS. Trần Thị Tuyết Thu làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp bảo vệ, phục hồi chất lượng đất phục vụ nâng cao chất lượng cây ăn quả ở miền núi: Lấy ví dụ cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang”.
Nghiên cứu được thực hiện tại hai vùng trồng cam nổi tiếng ở Cao Phong, Hòa Bình và Hàm Yên, Tuyên Quang trong thời gian từ 01/2016 đến 01/2018. Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của cây cam nên diện tích và sản lượng cam tăng nhanh tại mỗi vùng. Diện tích đất trồng cam ở Cao Phong năm 2018 lên đến 3.015 ha cho sản lượng 35.000 tấn/năm, ở Hàm Yên năm 2016 là gần 7.000 ha cho sản lượng 107.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, mức độ đầu tư thâm canh ở Cao Phong cao gấp 4-5 lần so với Hàm Yên, trung bình khoảng 200-300 triệu/ha/năm. Quá trình canh tác thâm canh cao ở Cao Phong đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng đất, bao gồm: tăng mức độ axit hóa và độc hóa đất, mất cân bằng dinh dưỡng, ô nhiễm Cu, Zn, suy giảm quần thể sinh vật có ích (nấm AMF) và tăng sinh vật gây hại trong vùng rễ thực vật (tuyến trùng Tylenchulus semipenetrans). Do hình thức canh tác quảng canh, bán thâm canh nên năng suất và giá thành quả cam thấp nhưng chất lượng đất được đảm bảo tốt hơn ở Cao Phong, thể hiện ở hàm lượng chất hữu cơ, đa dạng sinh học và mật độ nấm rễ AMF cao, chưa có minh chứng về bệnh trong đất, đặc biệt ở những vườn quản lý tốt cỏ dại. Tuy nhiên, vì đầu tư thấp nên một số vườn cam ở Hàm Yên bị “đói dinh dưỡng đa lượng” cho năng suất và chất lượng thấp. Cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại đến sản xuất cam ở mỗi vùng, làm tăng dịch hại và giảm giá trị của cam thương phẩm.
Trên cơ sở kết quả điều tra thực địa và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, đề tài đã tiến hành áp dụng tổ hợp các biện pháp kỹ thuật sử dụng hợp lý phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, chế phẩm vi sinh, quản lý cỏ dại, nước tưới giúp bảo vệ, cải thiện chất lượng đất trồng cam đáp ứng các yêu cầu sản xuất theo VietGAP tại vùng trồng cam Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tập trung tiếp cận giải quyết một cách khoa học, đảm bảo tính hệ thống, chuyên sâu, giúp cung cấp được cơ sở dữ liệu khoa học và thực tiễn cho các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và người sản xuất cam có thêm cơ sở minh chứng đảm bảo độ tin cậy về tình hình sản xuất, nguyên nhân, hiện trạng suy thoái chất lượng đất và ứng dụng tổ hợp các biện pháp khoa học kỹ thuật phục hồi chất lượng đất. Trên cơ sở đó có được các giải pháp kịp thời về chủ trương chính sách, khoa học kỹ thuật trong quản lý sử dụng đất, sử dụng phân bón, HCBVTV một cách hợp lý, góp phần phát triển cây có múi theo hướng sản xuất hữu cơ an toàn, bền vững.
Xuân Anh
Ý kiến bạn đọc