Ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong việc sử dụng một số giống bò có khả năng thích nghi tốt với điều kiện miền núi để phục vụ công tác sản xuất bò hàng hóa cho miền tây Nghệ An
Tân Kỳ nằm trong vùng miền Tây Nghệ An, bao gồm 11 hu...
Tân Kỳ nằm trong vùng miền Tây Nghệ An, bao gồm 11 huyện, thị là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà, có nhiều tiềm năng lợi thế đề phát triển chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng. Điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội thuận lợi cho việc sản xuất và phát triển chăn nuôi bò thịt. Do có khí hậu thuận lợi cho bò sinh trưởng phát triển, nguồn thức ăn cho bò dồi dào, nhất là các xã miền núi trong đó có xã Đồng Văn, Tiên Kỳ và Nghĩa Phúc với diện tích rừng lớn, diện tích đồi nương nhiều thuận lợi cho trồng nhiều loại cây thức ăn cho bò. Tiềm năng lao động trong nông thôn trên địa bàn còn rất lớn. Trong 5 năm trở lại đây chăn nuôi bò và vỗ béo bò thịt ở các xã miền núi của Tân Kỳ đã được xem như một hướng làm ăn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, chăn nuôi bò ở Tân Kỳ cùng chung với những khó khăn, thách thức của chăn nuôi bò vùng miền tây Nghệ An, đó là: Công tác giống bò chưa được quan tâm, đặc biệt là các xã dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, kỹ thuật chăn nuôi bò và vỗ béo bò thịt theo kinh nghiệm, ít được tập huấn kỹ thuật mới về chăn nuôi bò.Thức ăn chủ yêu sử dụng nguồn tức ăn tự nhiện và phụ phẩm nông nghiệp, chưa có nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp...
Để phát huy lợi thế của địa phương, đưa chăn nuôi bò trở thành ngành chăn nuôi chính, tạo sản phẩm hàng hóa, lâu dài. Góp phần phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo bền vững và tiến tới làm giàu cho người dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ nói chung và đồng bào các dân tộc trên địa bàn 03 xã Đồng Văn, Tiên Kỳ và nghĩa Phúc.
Chính vì vậy, để đưa các tiến bộ mới trong chăn nuôi bò đến với đồng bào các dân tộc miền tây Nghệ An, thì việc triển khai thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong việc sử dụng một số giống bò có khả năng thích nghi tốt với điều kiện miền núi để phục vụ công tác sản xuất bò hàng hóa cho miền tây Nghệ An”. là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay trên đia bàn tỉnh có các giống bò địa phương, như giống bò vàng: ở các huyện như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Qùy Châu, Quế Phong và Quy Hợp chiếm từ 48 - 90 % trong cơ cấu giống; Giống bò H’mông: huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, đầy là giống bò đặc hữu bản địa của đồng bào H’mông chiêm 100% cơ cấu giống của vùng này.
Các giống bò lai và bò lai hướng thịt như nhóm giống bò lai Zebu: Nhóm bò lai Zebu được nuôi nhiều ở các huyện vùng núi thấp, đây là con lai giữa đực giống nhóm Bò Zebu (Red Sind, Brahman, Sahiwan..) với bò Vàng. Đến năm 2020 tỷ lệ bò laiZebu ở các huyện vùng núi thấp bình quan toàn vùng đạt 75%, trong đó các huyện có tỷ lệ bò lai cao như huyện Tân Kỳ 78%, Anh Sơn 85%, Nghĩa Đàn 89%, Thị xã Thái Hòa 92%; Nhóm giống bò lai hướng thịt: Là con lai giữa tinh bò đực chuyên thịt Limousine, climousine với nhóm bò cái nên giống bò laiZebu, tạo ra con lai hướng thịt có tỷ lệ máu lai > 75%, ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn,
Tập quán, phương thức chăn nuôi bò ở Nghệ An theo nhiều tập quán, phương thức khác nhau, tùy vào vùng, miền và trình độ chăn nuôi bò của người dân, cụ thể: Đối với các huyện miền núi thấp, chủ yếu chăn nuôi bò theo phướng thức chăn dắt và chăn thả. Đây là vùng có trình độ chăn nuôi bò gần bằng với các huyện miền đồng bằng. Quy mô chăn nuôi bò từ 1-3 con/hộ; Đối với các huyện miền núi cao chủ yếu chăn nuôi bò theo phương thức chăn thả và thả rông truyền thống, quảng canh, trình độ chăn nuôi bò của vùng này còn thấp, quy mô chăn nuôi từ 2 - 3 con/hộ.
Trong những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Nhiệt thán, dịch tả bò đã được khống chế. Tuy vậy, ở một số huyện cũng đã xảy ra các ổ dịch LMLM, viên da nổi cục.
Theo điều tra, xã Nghĩa Phúc: Đàn bò từ 1.930 con năm 2017 tăng lên 2.965 con năm 2020, đàn bò lai tăng từ 1.075 con năm 2017 lên 2.224 con năm 2020, tỷ lệ bò lai đạt đến 75% toàn đàn; Xã Đồng Văn đàn bò tăng khá từ 1.547 con năm 2017 tăng lên 2.211 con năm 2020, đàn bò lai tăng từ 785 con năm 2017 lên 1.492 con năm 2020, tỷ lệ bò lai đạt 67,5% toàn đàn; Xã Tiên Kỳ đàn bò tăng chặm từ 652 con năm 2017 tăng lên 862 con năm 2020, đàn bò lai tăng từ 314 con năm 2017 lên 561 con năm 2020, tỷ lệ bò lai đạt 65,1% toàn đàn.
Đa số các hộ nuôi bò chủ yếu ở quy mô nhỏ từ 1 - 3 con, chiếm 57,5% ở xã Tiên Kỳ; 60% ở xã Đồng Văn và 67,5% ở xã Nghĩa Phúc. Quy mô từ 4 - 6 con chiếm từ 25 - 27,5% ở các xã. Quy mô chăn nuôi trên 10 con/hộ chỉ chiếm từ 7,5 – 17,5% ở 3 xã Nghĩa Phúc, Đồng Văn, Tiên Kỳ. Các hộ nông dân chủ yếu chăn thả theo phương thức chăn dắt và chăn thả ở các đồi, bãi và kết hợp cho ăn bổ sung tại chuồng. 100% các hộ dân đều có chuồng nuôi, từ 50 - 150 m2 chuồng nuôi; chuồng nuôi kiên cố chiếm từ 77,5 - 87,5%; chuồng nuôi bán kiên cố chiếm từ 12,5 – 22,5% phục vụ cho chăn nuôi bò.
Kết quả điều tra cho thấy, công tác thú y, tiêm phòng đã thực hiện tốt, đạt từ 87,28% ở xã Tiên Kỳ đến 95% ở xã Nghĩa Phúc và xã Đồng Văn đạt 92,21%, các hộ chăn nuôi đều tiêm phòng các loại bệnh như lở mồm long móng và tụ huyết trùng, tỷ lệ người chăn nuôi sử dụng nội ngoài ký sinh trùng từ 52,6 - 70,5%.
Về công tác giống: Tỷ lệ bò lai đạt 75% ở xã Nghĩa Phúc; 67,5% ở xã Đồng Văn; 65% ở xã Tiền Kỳ. Phương pháp nhảy trực tiếp vấn được sử dụng cho các hộ nuôi bò Vàng địa phương, nhưng chỉ chiếm từ 25 - 35%.
Về thực trạng và nguồn thức ăn cho bò trong nông hộ. Thức ăn trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 cho đàn bò thường đa dạng và phong phú, giai đoạn này cỏ và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp nhiều, người dân thường bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô, khoai,..Đây là giai đoạn thuận lợi cho chăn nuôi bò thịt trong năm, đáp ứng đủ 100% nhu cầu thức ăn mà còn dư thừa thức ăn cho đàn bò. Vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau hoặc thời gian giáp hạt giữa 2 vụ sản xuất, thức ăn cho bò thường thiếu, đặc biệt vào các tháng 12 năm trước và tháng 1, 2 của năm sau chỉ đáp ứng được từ 20 - 50% nhu cấu thức ăn cho đàn bò. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chưa sử dụng phương pháp ủ chua thức ăn và sử dụng tảng đá liếm bổ sung chất khoáng cho đàn bò.
Đàn bò cái nền sinh sản giống bò LaiZebu có tầm vóc cao, to đạt yêu cầu kỹ thuật làm bò cái nền sinh sản tham gia mô hình. Xã Nghĩa Phúc tuyển chọn được 83 con, Đồng Văn tuyển chọn được 39 con và Tiên Kỳ tuyển chọn được 07 con. Tổng bò cái nền lai Zebu tham gia mô hình là 129 con. Lựa chọn được 110 hộ dân tham gia mô hình dự án.
Các chỉ tiêu yêu cầu về chất lượng của của dự án đặt đối với mô hình sinh sản giữa giống bò đực H’ Mông (miền tây Nghệ An) và bò cái là giống bò vàng bản địa miền Tây Nghệ An bằng hai hình thức phối giống là nhảy trực tiếp và thụ tinh nhân tạo, ở giai đoàn từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi đã đạt yêu cầu đặt ra của dự án. Tuy nhiên, ở chỉ tiêu số lượng chỉ đạt chỉ đạt 75% yêu cầu của dự án với kết quả sinh sản được được 90 con bê lai F1. Số bê lai nuôi sống đến 6 tháng tuổi đạt 86 con, đơn vị chủ trì đã đưa 40 con bê lai F1(♂ H’mông x ♀ Vàng Nghệ An)vào nuôi hậu bị.
Các chỉ tiêu yêu cầu về chất lượng, cũng như số lượng của dự án đặt đối với mô hình sinh sản nhân tạo giữa con đực là 02 giống bò Droughmaster và bò Brahman với con cái là bò lai Zebu để tạo ra bê lai thích nghi với điều kiện sống tại miền Tây Nghệ An, ở giai đoàn từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi đã đạt và vượt yêu cầu đặt ra của dự án. Như vậy, các chỉ tiêu yêu cầu về chất lượng, cũng như số lượng của dự án đặt đối với mô hình nuôi vỗ béo hậu bị của 3 công thức lai F1 (♂ Hmông x ♀ bò vảng địa phương); F1 (♂ Droughmaster x ♀ bò LaiZebu); F1 (♂ Brahman x ♀ bò LaiZebu) đã đạt và vượt yêu cầu đặt ra của dự án. Bước đầu khẳng định 3 công thức lai trên phù hợp, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt và địa hình đồi núi của khu vực miền tây Nghệ An, cụ thể các huyện thuộc vùng núi thấp giống như Tân Kỳ, bao gồm Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Thái Hòa.
Về hiệu quả kinh tế, cho thấy mô hình chăn nuôi trang trại, quy mô 67 con (2 bò đực H’mông, 65 bò cái bản địa). Ở năm thứ nhất, tổng giá thành đầu vào là 2.397.862.000 đồng, bao gồm: Tiền giống, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, chuồng trại...). Tồng doanh thu đầu ra là 1.210.137.500 đồng. Bao gồm tiền bán giống bê lai đạt 1.140.000.000 đồng, với giá bán bê ở mức giá trung bình là 18 triệu – 20 triệu đồng/con. Tiền cho thuê bò đực giống 9 triệu. Tiền bán phân chuồng 61.137.500 đồng với mức giá trung bình. Như vậy trong năm đầu tiên người chăn nuôi chưa có lãi dòng.
Sáng năm thứ hai, tổng giá thành đầu vào là 974.712.000 đồng, bao gồm: Thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, khấu hao chuồng trại, khấu hao con giống...). Tồng thu nhập đầu ra đạt 1.140.000.000 đồng, bao gồm tiền bán giống bê lai đạt 2.300.000.000 đồng với giá bán bê ở mức giá trung bình từ 18 triệu-20 triệu đồng/con. Tiền cho thuê bò đực giống 9 triệu. Tiền bán phân chuồng đạt 61.138.000 đồng. Lãi ròng đạt 235.426.000 đồng (sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y, công lao động, khâu hao con giống, chuồng trại....)
Năm thứ ba. tổng giá thành đầu vào là 764.000.000 đồng, bao gồm: Thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, sửa chữa chuồng trại...).Tổng thu nhập đầu ra: 1.210.138.000 đồng. Bao gồm tiền bán giống bê lai đạt 2.300.000.000 đồng với giá bán bê ở mức giá trung bình 18 triệu - 20 triệu đồng/con. Tiền cho thuê bò đực giống 9 triệu. Tiền bán phân chuồng đạt 61.138.000 đồng với mức bán trung bình. Lãi ròng đạt 446.133.000 đồng (sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y, công lao động, sửa chữa chuồng trại....)
Như vậy: Từ năm thừ 2 trở đi trang trại lai tạo giống bò hoàn toàn có lãi ròng đạt 235.426.000 đồng, trung bình mỗi bò cái cho lợi nhuận đạt 3.622.000 đồng/con/năm. Sau 5 năm hoàn toàn thu hồi được vốn và trả lãi ngân hàng. Từ năm thứ sáu trở đi cho lãi ròng hàng năm đạt 466.133.000 đồng, trung bình mỗi bò cái cho lợi nhuận đạt 6.864.000 đồng/con/năm.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án kết quả đạt được 3 mô hình (02 mô hình lai tạo; 01 mô hình nuôi hậu bị vỗ béo) các chỉ tiêu yêu cầu về chất lượng, cũng như số lượng của dự án đặt đối với mô hình lai tạo và nuôi bỗ béo hậu bị của 3 công thức lai F1 (♂ Hmông x ♀ bò vảng địa phương); F1 (♂ Droughmaster x ♀ bò LaiZebu); F1 (♂ Brahman x ♀ bò LaiZebu) đã đạt và vượt yêu cầu đặt ra của dự án. Từ kết quả, đạt được bước đầu khẳng định 3 công thức lai trên phù hợp, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt và địa hình đồi núi của khu vực miền tây Nghệ An, cụ thể các huyện thuộc vùng núi thấp giống như Tân Kỳ, bao gồm Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Thái Hòa./.
Hải Yến