TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2016 – 2021

Chủ nhật - 30/10/2022 22:17 0
Đến năm 2021, toàn tỉnh đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô diện tích được chứng nhận đạt 47,07 ha (chiếm 0,003% diện tích đất nông nghiệp; chiếm 0,016 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh); chăn nuôi bò sữa đạt 1.000 con (cây thức ăn chăn nuôi bò sữa hữu cơ đạt 328 ha); sản xuất sạch, theo hương hữu cơ đạt khoảng 1.500 ha.

1. Trồng trọt

Năm 2021 toàn tỉnh có 3 nhóm sản phẩm trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và chứng nhận phù hợp với định hướng nông nghiệp hữu cơ với là 47,07 ha, trong đó: Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ là 40,67 ha, gồm: Rau của quả 16,6 ha (đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ USDA và Organic EU của Châu Âu); cây ăn quả 7,37 ha (đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ USDA và Organic EU châu Âu); dược liệu 16,7 ha (đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ USDA). Chứng nhận đạt chất lượng phù hợp với định hướng nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017) là 6,4 ha rau củ quả.
1.1. Rau củ quả hữu cơ
Đến năm 2021 toàn tỉnh có 23 ha, sản lượng khoảng 1.250 tấn, phân bố trên địa bàn 4 huyện: Huyện Diễn Châu: Diện tích 1,9 ha, sản lượng khoảng 22 tấn của Công ty Cổ phần An An Agri sản xuất, các sản phẩm: Lúa mạch, các loại rau, các loại củ, mè đen,... làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm hữu cơ: Bột tinh chất lúa mạch, bột lúa mạch hòa tan, mầm lúa mạch, bánh cốm, mì lúa mạch, mì cải bó xôi, mì củ dền, mì củ cải đỏ, mì mè đen,… Sản phẩm của An An Agri đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ USDA (năm 2021), xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ...

Vườn rau củ được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của Công ty CP An An Agri (Diễn Châu). 
Huyện Nghĩa Đàn có diện tích 14,70 ha, sản lượng khoảng 808 tấn, các sản phẩm: Cà chua, bí đỏ, hành lá, dưa leo, mồng tơi, bắp cải, mướp, đậu cove, rau gia vị,… của Công ty sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF thuộc tập đoàn TH; sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ USDA và tiêu chuẩn hữu cơ Organic EU của Châu Âu (năm 2021). Công ty FVF đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính với diện tích 4,3 ha.
Huyện Quỳnh Lưu có diện tích 4,4 ha, sản lượng khoảng 310 tấn, các sản phẩm: Cà chua, dưa chuột, mướp, dưa hấu, dưa lê, rau cải, rau muống, cà rốt, ớt cay, xà lách, hành, đậu cove... của HTX Nông nghiệp Tổng hợp xã Quỳnh Bảng; được chứng nhận sản phẩm phù hợp với định hướng Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017 (năm 2021).
Huyện Nam Đàn có diện tích 2,0 ha, sản lượng khoảng 110 tấn, các sản phẩm: Cà chua, đậu cove, dưa chuột, mướp, dưa hấu, dưa lê, rau cải, bắp cải, su hào, súp lơ, rau muống, cà rốt, rau thơm, tía tô, bột cần tây… của HTX Rau an toàn xã Nam Anh liên kết cùng Công ty TNHH Vitamin D2 Organic sản xuất; được chứng nhận sản phẩm phù hợp với định hướng Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017 (năm 2021).
1.2. Cây ăn  quả hữu cơ
Đến năm 2021 có 7,37 ha, sản lượng khoảng 45,6 tấn của Công ty sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF thuộc tập đoàn TH sản xuất tại huyện Nghĩa Đàn; sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ USDA và tiêu chuẩn hữu cơ Organic EU châu Âu (năm 2021), gồm:
1.3. Cây dược liệu hữu cơ
Đến năm 2021, toàn tỉnh có 16,7 ha diện tích sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 80 tấn, phân bố trên địa bàn 3 huyện: Diễn Châu có 1,1 ha, sản lượng khoảng 5 tấn của Công ty Cổ phần An An Agri sản xuất: Sâm cát, cúc la mã; sản phẩm được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ USDA (năm 2021). Huyện Yên Thành có 12,8 ha, sản lượng khoảng 47 tấn của Công ty cổ phần Dược Liệu TH, gồm các sản phẩm: Rau má, lạc tiên, đinh lăng, hòe, đương quy, sinh địa, sả chanh, bạc hà,… không chỉ thông dụng trong ngành dược, mà còn làm thực phẩm chức năng, hương liệu, mỹ phẩm... Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Organic EU của Châu Âu và USDA Hoa Kỳ (năm 2021).
2. Chăn nuôi
Đến năm 2021 đàn bò sữa hữu cơ của Tập đoàn TH (Nghĩa Đàn) có 1.000 con (chiếm 1,43% tổng đàn bò sữa của tỉnh); Sản lượng sữa tươi đạt khoảng 3.250 tấn (chiếm 1,22% sản lượng sữa); sản phẩm sữa TH True Milk Organic đạt tiêu chuẩn chất lượng Organic EU của Châu Âu và USDA Hoa Kỳ.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò sữa hữu cơ, Tập đoàn TH đã đầu tư vùng trồng cỏ và ngô hữu cơ với quy mô 328 ha tại huyện Nghĩa Đàn; là doanh nghiệp hàng đầu của ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.

3. Sản xuất sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ

Trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất sạch và sản xuất theo hướng hữu cơ, đến năm 2021 toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha, các loại chính như sau: 355 ha  trồng lúa (lúa Thảo dược, lúa thuần, lúa Japonica) ở các địa phương: Yên Thành (50 ha), Quỳnh Lưu (3 ha), Quế Phong (302 ha). Rau củ quả các loại: 335 ha, ở các địa phương: Cửa Lò (0,2 ha), Diễn Châu (13 ha), Quỳnh Lưu (35 ha), Hoàng Mai (32 ha), Hưng Nguyên (5,4 ha), Tân Kỳ (8 ha), Con Cuông (24,4 ha), Tương Dương (22 ha), Kỳ Sơn (195 ha). Cây ăn quả: 295 ha, trong đó: Cây cam 131,5 ha, ở các địa phương: Yên Thành (14,5 ha), Thanh Chương (10 ha), Tân kỳ (37 ha), Con cuông (70ha); cây bưởi 3 ha ở Thái Hòa; dứa 44 ha ở Quỳnh Lưu; chuối 27 ha ở Tân Kỳ; thanh long 7,5 ha và xoài 20 ha ở Tương Dương; mận Tam hoa 57 ha ở Kỳ Sơn; các loại khác 5 ha ở Quỳnh Lưu. Cây chè: Diện tích 280 ha, trong đó: Chè Shan tuyết 200 ha ở huyện Kỳ Sơn và chè Hoa vàng 80 ha ở huyện Quế Phong.
Dược liệu có 235 ha, trong đó: Hoàng Mai 4 ha, Yên Thành 25 ha, Con Cuông 18 ha, Tương dương 2 ha, Kỳ Sơn 186 ha.
Nuôi trồng thủy sản có 110 ha, trong đó: Nuôi rươi 60 ha ở Hưng Nguyên; ốc bươu đen 4 ha ở Anh Sơn; cá các loại 46 ha ở Tương Dương (21 ha) và Kỳ Sơn (25 ha).
Về chăn nuôi phát triển chăn nuôi sạch theo hướng hữu cơ như sau:- Đàn trâu: 1.000 con, ở các địa phương: Tân kỳ (100 con), Con Cuông (45 con), Tương Dương (400 con), Kỳ Sơn (455 con). Đàn bò thịt: 1.200 con, ở các địa phương: Quỳnh Lưu (300 con), Tương Dương (1.000 con), Kỳ Sơn (1.200 con). Đàn lợn: 4.500 con, ở các địa phương: Thái Hòa (300 con), Quế Phong (200 con), Con Cuông (50 con), Tương Dương (1.950 con), Kỳ Sơn (2.000 con). Đàn dê: 2.200 con, ở các địa phương: Tân Kỳ (200 con), Tương Dương (1.000 con), Kỳ Sơn (1.000 con). Đàn gà: 30.000 con, ở các địa phương: Tân Kỳ (5.000 con), Con Cuông (2.000 con), Tương Dương (10.000 con), Kỳ Sơn (13.000 con). Đàn ong: 500 đàn, ở các địa phương: Yên Thành (250 con), Tân Kỳ (50 đàn), Tương Dương (200 đàn).

4. Ứng dụng KHKT - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Đến năm 2021 tổng diện tích canh tác nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao Nghệ An đạt 26.104 ha, chiếm 8,92% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, trong đó: Rau, củ, quả 1.639 ha; cây lâu năm và cây ăn quả 4.177 ha; cây thức ăn nuôi bò sữa 2.079 ha; mía nguyên liệu 1.970 ha; lúa 15.939 ha; lạc 251 ha; chanh leo 6 ha (giống); cây dược liệu 15 ha, cây khác như hoa lan, rễ hương… 27 ha. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ 47,07 ha, trong đó: Rau củ quả 23 ha, cây ăn quả 7,37 ha, cây dược liệu 16,7 ha.
Áp dụng công nghệ canh tác theo quy trình Viet GAP, GlobalGAP, Organic đạt 364,8 ha (rau củ quả 126 ha, cây lâu năm và cây ăn quả 211 ha, cây dược liệu 12,8 ha, cây khác 15 ha); sản xuất giống cây trồng 132 ha; tưới phun nhỏ dọt ngoài trời 5.082 ha; công nghệ nhà kính, nhà lưới 26,28 ha; công nghệ thâm canh cây trồng theo SRI 9.645 ha; ICM 7.450 ha; công nghệ cơ giới hóa đồng bộ (sản xuất đến chế biến, bảo quản) 3.090 ha; công nghệ khác 325 ha.
Chăn nuôi ứng dựng CNC: Đàn bò 69.995 con, trong đó 68.950 con bò sữa được nuôi theo công nghệ Ixren; bò sữa hữu cơ đạt 1.000 con; tổng đàn lợn được nuôi ứng dụng công nghệ cao là 87.375 con; gia cầm 1.472.960 con. Chăn nuôi ứng dụng CNC có 70 trang trại.
Nuôi trồng thủy sản: Tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt ứng dụng KHKT- CN 450,7 ha, trong đó tôm 413,7 ha (330 hanuôi theo quy trình VietGAP), cá nước ngọt 37 ha (5,5 ha nuôi theo quy trình VietGAP).
Toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Tập đoàn TH, Vinamilk, Tổng Công ty cổ phần VTNN Nghệ An, Công ty TNHH mía đường Nasu, Công ty TNNH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa,... là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh.
Về phát ứng dụng KH-CN phát triển sản xuất sạch, an toàn theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh có một số địa phương như: Huyện Quỳnh Lưu có dự án ứng dụng KH&KT xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất rau hữu cơ do Trạm giống cây trồng CNC thành phố Vinh ký kết với HTX nông nghiệp tổng hợp xã Quỳnh Bảng (2019 - 2021), diện tích 5 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.  Huyện Thanh Chương có Trang trại sản xuất cam theo hướng hữu cơ của anh Trần Điển Vi (Thanh Đức) quy mô 5 ha; trang trại trồng cam của chị Nguyễn Thị Hường xã Thanh Đức, diện tích 5 ha, áp dụng quy trình VietGAP chuyển dần sang sản xuất hữu cơ năm 2021...
Huyện Kỳ Sơn có Công ty CP Dược Liệu Mường Lống triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu” (2016), trồng thử nghiệm 03 loài dược liệu quý hiếm: Sâm Ngọc Linh, Lan thạch hộc tía và Tam thất bắc tại Mường Lống; đang sản xuất thử nghiệm các loại dược liệu trên độ cao 1.300 m so với mực nước biển, trong đó có các giống như: Sâm Puxailaileng, Sâm 7 lá 1 hoa, Tam thất bắc, Lan Thạch hộc tía, Đương quy, Đẳng sâm,… đáng chú ý là sâm Puxailaileng ở độ cao hơn 2.700m, được các chuyên gia đánh giá chất lượng ngang với sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình trồng và chế biến dược liệu của CTCP Dược liệu Mường Lống (Kỳ Sơn).
Huyện Con Cuông có Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát đã đầu tư 18 ha, sản xuất 7 loại sản phẩm: Trà túi lọc Cà gai leo, Dây thìa canh, Giảo cổ lam; Cao Cà gai leo, Dây thìa canh; trà hòa tan Cà gai leo, Dây thìa canh. 7 sản phẩm này đều đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh.
Các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng KHKT - Công nghệ vào sản xuất: Đối với cây trồng đã áp dụng giống mới có năng suất cao, thích nghi với điều kiện Nghệ An, có khả năng chống chịu dịch bệnh hoặc các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng; công nghệ nhân giống từ tế bào mô đối với các loại cây quý hiếm…; Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, bền vững, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ…; Kỹ thuật tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả, cây mía; Công nghệ xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới; Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trong chăn nuôi đã xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, công nghệ hiện đại; du nhập các giống mới để cải tạo đàn vật nuôi địa phương; bảo tồn và phát triển các giống con bản địa quý hiếm; Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đối với gia cầm,…
Trong nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng hệ thống lọc và khử trùng nước bằng tia cực tím, hệ thống nâng nhiệt; Nuôi tôm trong bể xi măng, nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, nuôi tôm Semi-Biofloc, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm trong nhà màng,… Áp dụng các kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng CNC ở các hồ đập lớn; mô hình nuôi cá “sông trong ao”, mô hình nuôi thâm canh cá rô phi lai xa Israel, cá chép V1, trắm giòn, chép giòn…
Xuân Trung

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây