Tình hình suy thoái Cam trên địa bàn huyện Anh Sơn
Anh Sơn có lịch sử phát triển cây có múi từ lâu đời, đặc biệt là cây cam được trồng tại vùng Nông trường Bãi Phủ từ những thập niên 70, 80 về trước, khoảng 100 ha, năng suất 12 - 15 tấn/ha, thậm chí có những cây cam năng suất đạt 4-5 tạ quả/cây/năm. Cam Bãi Phủ đã có thương hiệu nối tiếng của vùng đất Miền Tây Xứ Nghệ. Do thời gian canh tác lâu năm cây cam Bãi Phủ đã thái hóa cho năng suất kém bà con nông dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây chè, ngô, lạc, đậu...Những năm gần đây, bà con nông dân nhận thấy cây cam có hiệu quả kinh tế lớn và là cây làm giàu cho các hộ gia đình, nhiều hộ nông dân đã trồng để khôi phục lại thương hiệu Cam Bãi Phủ. Ngoài ra, một số địa phương khác trong huyện cây cam cũng được các hộ gia đình đưa vào trồng từ rất lâu có hiệu quả kinh tế cao và tiếp tục được mở rộng diện tích như: Cẩm Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Cao Sơn, Khai Sơn, Hội Sơn...
Về quy hoạch vùng trồng cam, theo Quyết định số 3773/QĐ-UBND ngày 05/08/2016 của UBND tỉnh về việc quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi, huyện Anh Sơn có tổng diện tích quy hoạch là 268ha; UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Anh Sơn. Trong đó, phát triển cây cam tập trung tại các xã Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hội Sơn, Phúc Sơn, Khai Sơn...
Đến nay tổng diện tích cây cam trên địa bàn của huyện là 188,3 ha, một số địa phương có diện tích trồng tương đối lớn như: Đỉnh Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Thọ Sơn...trong đó diện tích cam đã cho sản phẩm là 160,8ha, diện tích cam trong giai đoạn kiến thiết 27,5ha. Năng suất bình quân 135,2 tạ/ha, sản lượng 2.175 tấn. Về giống cam, các loại giống cam đã đưa vào sản xuất trên địa bàn của huyện gồm: V2, Vân Du, Xã Đoài, Sông Con và giống cam Bù địa phương. Ngoài ra một số cây cam Bù Sen đã được Sở NN&PTNT công nhận cây đầu dòng tiến tới phục vụ công tác nhân rộng giống cam chất lượng.
Cây cam là cây trồng khó tính đòi hỏi phải đầu tư thâm canh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì mới đem lại năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, người trồng cam đã áp dụng nghiêm túc quy trình kỹ thuật đảm bảo cho việc cơ giới hóa, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Các tiến bộ KHKT đã được áp dụng trong công tác giống, xây dựng hệ thống tưới để chăm sóc cây cam...
Về xây dựng thương hiệu, để giúp người trồng cam có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và lâu dài, đồng thời quản lý chặt chẽ và hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra đối với hoạt động sản xuất cam của các hộ nông dân. UBND huyện đang tiến hành các bước bổ sung giống cam và mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”. Tổ chức xây dựng thương hiệu cam Bù Sen, Xã Đoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thành lập các tổ hợp tác trồng cam để sản xuất với quy mô hàng hóa. Thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tạo điều kiện tổ chức giới thiệu sản phẩm Cam Anh Sơn tại các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh…
Hiện nay, trên địa bàn có 188,38ha cam gồm cam xã Đoài lòng vàng, cam Vân Du, Cam bù Sen, cam Valencia, cam BH (March). Năng suất bình quân năm 2021 là 15.75 tấn/ha với giống cam 4-7 năm tuổi. Ước tính năng suất bình quân năm 2022 là 12.25 tấn/ha với giống cam 4-7 năm tuổi. Mức độ suy thoái Suy thoái nhẹ là 27ha, suy thoái trung bình là 110ha.
Các nguyên nhân và biểu hiện suy thoái cam được xác định, nguyên nhân do chất lượng cây giống ban đầu: Cây giống ban đầu cơ bản khoảng 80% lượng giống được các hộ dân tự sản xuất đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật hoặc mua giống từ các nơi đảm bảo uy tín, chất lượng. Số diện tích còn lại khoảng 20% hộ dân mua giống từ các nơi chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tỷ lệ Cam suy thoái do cây giống ban đầu là khả năng ít. Cây con sinh trưởng và phát triển tốt, phân hóa mầm hoa tốt, sai quả. Từ giai đoạn Cam quả lớn thường bị khô cuống quả dễ bị rụng, quả chín ép chất lượng không đảm bảo. Phần lớn các vườn Cam suy thoái từ năm thứ 5 trở đi.
Nguyên nhân do dịch bệnh, sâu bệnh gồm, bệnh vàng lá Greening và bệnh Tristeza (bệnh làm tàn lụi, chết cây cam hàng loạt tại các địa phương khác) xuất hiện ít tại địa phương. Những năm gần đây, do sự biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên có nhiều thay đổi (nóng hạn về mùa hè, lạnh mùa đông, ngập úng vào mùa mưa lụt) dẫn đến xuất hiện nhiều loại sâu, bệnh hại ảnh hưởng không nhỏ tới sự sinh trưởng và phát triển của cây Cam. Điển hình như các loại sâu bệnh: sâu vẽ bùa, sâu nhớt, bọ xít, nhện đỏ, ruồi đục quả thối rễ, vàng lá, bệnh nấm khô cành, bệnh thối nâu, các loại nấm…. Tình hình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây Cam tương đối lớn, đối với thuốc trừ sâu, nhện phun từ 7-9 lần/năm; phun trừ bệnh 4-6 lần/năm; các hộ dân không sử dụng thuốc trừ cỏ. Một số diện tích Cam vẫn bị ảnh hưởng với tỷ lệ 40-50%, mức độ bị nhiễm trung bình.
Nguyên nhân do dinh dưỡng, trên địa bàn huyện, diện tích trồng cam tương đối nhiều, nên được các hộ gia đình đầu tư, chăm sóc đảm bảo và đầy đủ, đáp ứng các tỷ lệ chất dinh dưỡng cần thiết cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Các loại phân bón được sử dụng đảm bảo uy tín, chất lượng từ trước tới nay. Đặc biệt là sử dụng phân chuồng hoai mục đảm bảo chất lượng và số lượng. Cơ bản số diện tích Cam hiện có trên địa bàn đều được chăm sóc và chăm bón bằng các loại phân hữu cơ, trung và vi lượng, hạn chế sử dụng các loại phân bón vô cơ ở mức thấp nhất. Mức độ sử dụng các loại chế phẩm sinh học (kích thích ra hoa, đậu quả, dưỡng quả, nấm đối kháng…) tương đối nhiều. Tuy nhiên, do vài năm trở lại đây giá cả thị trường biến động, Cam quả mất giá nên các hộ dân không yên tâm, mạnh dạn đầu tư nên phần nào ảnh hưởng đến suy thoái của cây cam. Nhìn chung mức độ suy thoái cam do nguyên nhân dinh dưỡng chiếm khoảng 20 - 25% trong các nguyên nhân.
Các nguyên nhân khác gồm, về đất đai, thổ nhưỡng, cây Cam được trồng trên diện tích đất thung lèn, đồi thấp nhiều mùn và tơi xốp, nguồn nước tưới được sử dụng nguồn nước giếng khoan nên suy thoái do nguyên nhân đất đai, nguồn nước là rất ít. Bên cạnh việc chịu sự ảnh hưởng của các loại dịch bệnh và nồng độ các chất dinh dưỡng, thì ngoài ra năng suất và chất lượng cam hàng năm còn chịu sự tác động của khí hậu và điều kiện thời tiết, nắng hạn kéo dài, mưa kéo dài làm cho cây Cam sốc nhiệt làm cho đất suy thoái, giống suy thoái, bộ rễ phát triển kém; đồng thời mưa muộn trong thời kỳ cam chín nên gây rụng quả. Với việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diễn biến thời tiết không còn tuân theo quy luật tự nhiên kéo theo cây trồng sinh trưởng và phát triển có phần hạn chế, đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cam hàng năm. Mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến cây Cam tương đối lớn, tỷ lệ Cam chịu sự tác động của biến đổi khí hậu chiếm khoảng 35% diện tích.
Để cải tạo, phục hồi và phát triển cây Cam, về công tác quản lý, hiện nay, quy hoạch về cây cam cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ. Về quản lý chất lượng giống, huyện đề nghị tỉnh có giải pháp quản lý các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, đặc biệt là chất lượng giống. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp nhất là đối với mặt hàng giống cây ăn quả và phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huyện cần quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở, nhà máy chế biến các sản phẩm từ sản phẩm cam quả trên địa bàn để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ các hộ dân thực hiện quy trình đầu tư thâm canh Cam theo tiêu chuẩn VIETGAP, sản xuất theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá thành sản phẩm. Tích cực tham gia các hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến thương mại, hay các trang thông tin điện tử để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Về kỹ thuật, tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tập trung chính vào các nội dung: Khâu tuyển chọn đầu vào vô cùng quan trọng, lựa chọn cây giống thật kỹ càng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và đảm bảo sạch bệnh. Không nên chọn các cây ở những vườn bị nhiễm bệnh làm giống. Đất trồng: Xử lý hố trước khi trồng bằng vôi bột, bón lót bằng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trước khi trồng. Bón phân trung, vi lượng kết hợp phun phân bón lá giúp cây phát triển đỉnh sinh trưởng, thân cành khỏe, chống chịu với sâu bệnh. Tạo tán, tỉa cảnh để vườn thông thoáng, tránh giao tán, bón phân cân đối, và vừa đủ, không quá nhiều phân hóa học để cây ra lộc non tập trung. Thường xuyên kiểm tra, thăm vườn để phát hiện kịp thời cây bị bệnh, tiêu hủy cây bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi sau đó xử lý bằng vôi bột hoặc các chế phẩm sinh học. Quy hoạch và cải tạo hệ thống thủy lợi tiêu thoát nước trong mùa mưa bão đảm bảo cam không bị ngập úng./.
Nguyễn Hữu Thìn