Những hạn chế về năng lực của doanh nghiệp cũng như sự “lệch pha” của các chính sách hỗ trợ là một trong số các điểm nghẽn cần giải quyết trên con đường thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Từ thành công của Rạng Đông
Trong lúc hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang lao đao vì đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nằm trong số ít doanh nghiệp đi theo hướng ngược lại. “Trong hai năm dịch COVID-19 bùng phát gần đây, tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận của chúng tôi năm sau vẫn cao hơn năm trước”, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Rạng Đông cho biết trong buổi lễ công bố các báo cáo về KH&CN và đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tổ chức vào đầu tháng này. Ông cho rằng, kết quả này đạt được là nhờ “chủ trương lựa chọn phát triển bằng KH&CN và đổi mới sáng tạo của công ty từ hơn chục năm qua”.
Dự án giữa Rạng Đông và các viện, trường đã giúp doanh nghiệp phát triển và thương mại hóa thành công sản phẩm đèn led chiếu sáng trong nông nghiệp. Nguồn: rangdong.com.vn
Câu chuyện của Rạng Đông đã cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo - một trong những yếu tố chính giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Việt Nam tập trung thúc đẩy trong những năm gần đây. Những nỗ lực này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận: chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam luôn duy trì ổn định trong top 50 thế giới, ngay cả khi chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như hiện nay. Tuy nhiên, kết quả phân tích về một loạt các chỉ số đổi mới sáng tạo chính trong báo cáo của WB công bố tại buổi lễ cho thấy vẫn còn rất nhiều thách thức: “Hầu hết các quốc gia Đông Á, bao gồm Việt Nam chưa đạt mức kì vọng ở chỉ số tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo ở cả hai khía cạnh - phổ biến công nghệ (áp dụng các công nghệ hiện có) và khám phá (sáng chế ra các sản phẩm, quy trình và công nghệ mới)”.
Cả hai khía cạnh này đều nằm trọn trong vòng đời của một công nghệ. Trong đó, việc sáng chế ra các sản phẩm, quy trình, công nghệ mới sẽ được đánh giá thông qua số lượng bằng sáng chế và mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). “Mặc dù đã có sự cải thiện trong những năm gần đây nhưng mức chi tiêu cho R&D cũng như số bằng sáng chế của Việt Nam mới chỉ gần bằng mức kì vọng xét theo thu nhập bình quân đầu người. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các quốc gia trong khu vực này”, ông Andrew Mason, chuyên gia ở WB nhận xét. Dù vậy, đây cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và sức ép nhu cầu đầu tư ở các lĩnh vực khác thì hiển nhiên sẽ khó khăn khi cân nhắc phân bổ nguồn lực vào nghiên cứu phát triển các công nghệ mang tính mới so với thế giới”, theo báo cáo.
Dù việc sáng chế ra công nghệ mới được coi là một trong những điểm cốt lõi trong đổi mới sáng tạo song theo thực tế, “làm thế nào để áp dụng và phổ biến các công nghệ này mới là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất trong thực tế”. Điều đáng lo ngại là “tốc độ phổ biến và mức độ áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang dùng các công nghệ khá cơ bản, chẳng hạn trong công nghệ chế biến, chế tạo, 70% doanh nghiệp sử dụng máy móc do con người điều khiển, chỉ có 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính, và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, in 3D,...”, theo ông Andrew Mason. Như vậy, “hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hiện nay vẫn sử dụng công nghệ 1.0, 2.0,... vẫn còn cách rất xa so với mức chúng ta hướng đến là 4.0”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhận xét.
Chính sách còn lệch hướng
Nhiều người có thể thắc mắc rằng tại sao bức tranh về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn khá ảm đạm, dù đã có hàng loạt chính sách thúc đẩy trong những năm gần đây? Câu trả lời đã hiện rõ trong các báo cáo này: “Nguyên nhân là chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa tập trung vào những điểm nghẽn chính, bao gồm việc xây dựng năng lực cơ bản cho các doanh nghiệp và ưu tiên hỗ trợ áp dụng và phổ biến công nghệ”, ông Andrew Mason cho biết. Đây cũng là vấn đề mà một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines đang phải đối mặt. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới năng lực đổi mới sáng tạo trong dài hạn mà còn thể hiện ngay trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 hiện nay: “Những hạn chế chính sách này cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực chưa được trang bị đầy đủ để có thể phản ứng nhanh chóng với các thách thức công nghệ mà cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra, cho dù là về số hóa hay tạo ra các hệ thống sản xuất linh hoạt hơn”.
Thực chất, bản thân các nhà quản lý và các nhà khoa học cũng đã nhận thấy vấn đề trên. “Chúng ta hầu như chưa có cơ chế hỗ trợ khai thác kết quả nghiên cứu từ các viện, trường cho doanh nghiệp, nghiệm thu xong là hết, ngay cả Chương trình phát triển thị trường KH&CN (Chương trình 2075) cũng không có kinh phí để làm phần hậu chuyển giao”, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) nhận xét trong hội nghị về đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN vào tháng 3/2021.
Mặc dù không phải là phát hiện mới song giữa những ngổn ngang thách thức và khó khăn, “các báo cáo đã chỉ ra một cách khách quan đâu là nguyên nhân quan trọng cần chú ý trong hệ thống đổi mới sáng tạo và hoạt động KH&CN của chúng ta”, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy. “Đây là những thông tin đáng tin cậy để hỗ trợ hoạch định, hoàn thiện chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận xét.
Bên cạnh những hạn chế về chính sách, thiếu nguồn vốn, nguồn lao động chất lượng cao,... một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến doanh nghiệp ngần ngại trong việc áp dụng công nghệ mới là sự bất định. “Theo khảo sát của chúng tôi, hơn 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa, và hơn 60% doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cho biết sự không chắc chắn về nhu cầu và sự hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới là rào cản chính đối với việc áp dụng công nghệ”, theo ông Andrew Mason. Đây cũng là vấn đề mà Rạng Đông từng phải đối mặt: “Trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển bằng KH&CN, thách thức đầu tiên chúng tôi gặp phải là về nhận thức, bởi lẽ chúng tôi phải thay đổi từ chiến lược, mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, cơ chế điều hành,... toàn bộ cách làm việc. Việc thay đổi thói quen của một con người đã khó, thay đổi thói quen của một tập thể còn khó hơn”, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết.
Sự “ngại đổi mới” của doanh nghiệp còn khiến việc chuyển giao kết quả nghiên cứu từ viện trường thêm khó khăn: “Có những công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao, hoàn toàn có thể áp dụng trên quy mô sản xuất và hiệu quả về mặt kinh tế song khi mời chào vì doanh nghiệp vẫn không mặn mà, vì họ thấy dùng công nghệ cũ vẫn ổn, vẫn mang lại lợi nhuận nên không muốn đầu tư cái mới”, một nhà nghiên cứu ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội từng chia sẻ.
Cân bằng giữa đầu tư cho R&D và phổ biến công nghệ
Làm thế nào để khắc phục những hạn chế này và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là bài toán cấp thiết với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh những bất ổn thương mại, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... đang ngày càng trầm trọng. “Đề xuất của chúng tôi là Việt Nam nên tập trung vào hoạt động phổ biến công nghệ và khuyến khích nhiều doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo”, theo ông Andrew Mason.
Những ý kiến của các chuyên gia đã nhận được sự lắng nghe từ phía các nhà quản lý: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình KH&CN hiện nay, chúng tôi đã ‘xoay trục’ để có thêm các công cụ hướng đến doanh nghiệp, kết nối viện trường với doanh nghiệp. Ngoài ra, trong chiến lược KH&CN giai đoạn 10 năm tới đây, chúng tôi với các bộ, ngành khác đang dự thảo xác định rõ thêm các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, từ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tài chính,... đặc biệt lấy doanh nghiệp làm trung tâm”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.
Bên cạnh đó, ông Marcin Piatkowski, chuyên gia cao cấp về kinh tế ở WB còn khuyến nghị Việt Nam “cần mở rộng mô hình chính phủ điện tử, chia sẻ tốt hơn các nguồn dữ liệu để giúp các doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản hơn và tiếp cận các nguồn thông tin dễ dàng hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp bớt đi sự bất định và dễ dàng xác định các bước đi phù hợp với năng lực của mình trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo”.
Bức tranh về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn khá ảm đạm, là do chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa tập trung vào những điểm nghẽn chính, bao gồm việc xây dựng năng lực cơ bản cho các doanh nghiệp và ưu tiên hỗ trợ áp dụng và phổ biến công nghệ.
Ông Andrew Mason |
Thanh An