Ngày 03/12/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 694/KH-UBND triển khai Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2022. Trên cơ sở định hướng của Chính phủ về mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam và thực tế khảo sát học hỏi kinh nghiệm từ các đô thị bạn, THÀNH PHỐ Vinh đã có những bước đi đầu tiên, đặt nền tảng cho việc biến thành phố Vinh thành thành phố thông minh trong tương lai. Mô hình đô thị thông minh đã hình thành khá lâu ở những đô thị phát triển như châu Âu hay Mỹ la tinh. Tại đó, đô thị thông minh có khái niệm khá rộng, đồng nghĩa với công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ được sử dụng bằng công nghệ thông minh; người dân được sống trong môi trường an ninh, an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp... Vì vậy, tại Nghệ An, xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An được triển khai thí điểm tại thành phố Vinh. Với cách làm phù hợp, đi thẳng vào trực tiếp giải quyết các vấn đề của đô thị hiện tại để hướng tới một đô thị thông minh, xanh, sạch. Qua đó, xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC, trên cơ sở triển khai đồng thời các dịch vụ giám sát đô thị thông minh, gồm 9 phân hệ: Nền tảng trung tâm điều hành thông minh; Hệ thống giám sát điều hành an ninh; hệ thống giám sát điều hành giao thông; hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông; Hệ thống giám sát và bảo mật an toàn thông tin; Hệ thống phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin kinh tế - xã hội; tích hợp hệ thống dữ liệu ngành Giáo dục và tích hợp hệ thống dữ liệu ngành Y tế. Nhằm hiện thực hóa Đề án, lộ trình xây dựng Vinh trở thành đô thị thông minh, sáng 17/5, UBND thành phố Vinh tổ chức khai trương Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Ông Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND thành phố Vinh khẳng định: Việc khai trương Trung tâm Điều hành được ví như bộ não số là bước đi đầu tiên của xây dựng đô thị thông minh thành phố Vinh là 1 trong 3 mũi đột phá ưu tiên của thành phố trong nhiệm kỳ này.Từ kết quả ban đầu này đã mở ra một cách nhìn lạc quan về mô hình hoạt động điều hành, thúc đẩy đô thị thông minh phát triển trong tương lai. Đô thị thông minh cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nếu người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực, tương tác vào hệ thống thì tính khả thi của chương trình ngày càng cao. Với tư cách là đơn vị triển khai giải pháp, đại diện Tập đoàn Viettel đã giới thiệu các tiện ích và 9 phân hệ của hệ thống điều hành tại Vinh, lợi thế so với 18 trung tâm điều hành mà Viettel đã tư vấn, tài trợ. Trong giai đoạn tiếp theo, Viettel cam kết luôn đồng hành cùng thành phố, áp dụng tối đa các nền tảng công nghệ số mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, đảm bảo tính liên thông, tích hợp đồng nhất với các hạ tầng khác và bảo mật, an toàn thông tin tối đa. Trong nhóm các phân hệ trên thì dịch vụ tiếp xúc với người dân bằng phản ánh hiện trường là thu hút được sự quan tâm nhất. Bởi thông qua kênh thông tin này, người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng điện thoại smart phone hoặc qua website của trung tâm kèm theo hình ảnh, clip hiện trường. Các phản ánh này được Trung tâm Điều hành ghi nhận và thông qua quy chế xử lý sẽ được giao cho các cơ quan chức năng và địa phương liên quan xử lý và phản hồi ngay trên cổng thông tin này. Đặc biệt, dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera góp phần tác động tích cực đến thay đổi hành vi xã hội trên địa bàn. Tại đây, các dữ liệu, hình ảnh thu thập về sẽ được chuyển về Trung tâm Điều hành tập trung để phân tích, đánh giá, kết hợp với xác minh, kiểm tra để đưa ra cảnh báo hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền xử lý. So với các đô thị khác, quá trình xây dựng đô thị thông minh của thành phố Vinh khá toàn diện và dài hơi với 9 phân hệ. Trong đó, thành phố xác định để có đô thị thông minh trước hết phải có những công dân thông minh mà cốt lõi là phải xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, trong đó, đội ngũ cán bộ, viên chức phải tiên phong, năng động, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong thực thi công vụ; phải tạo ra sự cộng hưởng, tương tác tích cục, kết nối liên thông trong vận hành, thực hiện giữa chính quyền và người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Để đi đến lựa chọn mô hình 9 phân hệ trên, cùng với thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đô thị thông minh và chính quyền điện tử, thành phố bố trí cán bộ đến các thành phố như Móng Cái, Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng) và thành phố Huế đã triển khai xây dựng đô thị thông minh; đồng thời tổ chức tập huấn cho 150 cán bộ chủ chốt các phòng, ban và phường, xã. Trong vòng 2 tháng, Ban Chỉ đạo và các phòng, ban đã tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, hợp phần đã đề ra. Hiện tại, Trung tâm Điều hành IOC Vinh được xây dựng trên diện tích 100m2, trang bị máy móc hiện đại nhất và khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, có khả năng phân tích dữ liệu trên nền tảng trí tuệ nhân tạo có thể phân tích đám đông, nhận diện khuôn mặt. Cơ sở vật chất tại trung tâm gồm 12 màn hình 55 inch, thiết bị điều khiển màn hình 6 máy tính chuyên dụng vận hành khoảng 300 mắt camera an ninh, camera giao thông và camera tầm xa, tích hợp 9 hợp phần chức năng như đã đề cập ở trên. Sau gần 1 tuần khai trương, vận hành thí điểm, trung tâm đã cấp 1.100 user cho người dân. Cùng thời điểm, trung tâm cũng nhận được 57 kiến nghị, phản ánh về các vấn đề đô thị thành phố. Qua phân loại, xử lý, trung tâm đã giao 21 nội dung cho các phòng, ban và địa phương xử lý; còn 36 phản ánh thiếu thông tin nên cần thẩm định thêm. Hiện nay, do nhân lực đang vận hành thử và các thông tin chuyển về đều được xử lý theo quy chế của UBND thành phố ban hành. Trung tâm Điều hành xử lý theo cấp độ ưu tiên để chỉ đạo xử lý, việc nào cấp bách sẽ được xử lý, phản hồi ngay. Đặc biệt, dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của trung tâm, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng. Đặc biệt, dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera góp phần tác động tích cực đến thay đổi xã hội trên địa bàn thành phố. Dữ liệu được thu thập từ hệ thống camera lắp đặt trên địa bàn thành phố sẽ được chuyển về trung tâm điều hành tập trung. Tại đây, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm; đồng thời thực hiện kiểm tra, xác minh mức độ cảnh báo, hỗ trợ công an hoặc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý. Hiện tại, đã có 43 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tuyến của người dân thông qua Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh, gồm: 100% cơ quan chuyên môn và 100% phường, xã trực thuộc thành phố. Từ công khai triển khai 9 phân hệ, có thể thấy tham vọng xây dựng đô thị thông minh của thành phố Vinh khá rộng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với dàn trải mà thành phố sẽ có ưu tiên đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm. Thành phố Vinh đô thị thông minh là nhiệm vụ lâu dài, chiến lược. Trước mắt, trên cơ sở nền tảng hạ tầng hiện tại, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư cho hệ thống giám sát đối với lĩnh vực giao thông, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường. Cố gắng giám sát, nhận diện sớm hiện tượng ùn tắc giao thông hay ùn ứ rác thải, mất vệ sinh môi trường tại khu vực nào đó thì hệ thống sẽ nhận diện, phát hiện kịp thời nhất để khuyến cáo người dân và gửi đến cơ quan chức năng xử lý. Cùng với đầu tư kinh phí lắp đặt thêm các mắt camera giám sát tại các nút giao thông hay tuyến phố, thành phố Vinh mong các ngành, đơn vị chia sẻ nền tảng hạ tầng và khai thác dữ liệu thông tin để quản lý, giám sát và giảm chi phí đầu tư ban đầu cho thành phố.