Tổ chức sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
1. Các hình thức tổ ch...
1. Các hình thức tổ chức sản xuất
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 613 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012, trong đó có 453 HTX trồng trọt, 19 HTX chăn nuôi, 11 HTX lâm nghiệp, 14 HTX thuỷ sản, 11 HTX diêm nghiệp và 105 HTX dịch vụ tổng hợp. Nhiều HTX trực tiếp tham gia sản xuất cây con chủ lực như: Lúa; rau, củ, quả; cây lâu năm và cây ăn quả (Cam, Chè, ổi...); cây thức ăn chăn nuôi; mía nguyên liệu; lạc; chăn nuôi bò, lợn, gà....
Toàn tỉnh hiện có 575 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó: trang trại trồng trọt là 35 trang trại, chăn nuôi là 261 trang trại, lâm nghiệp 22 trang trại, thủy sản 18 trang trại và tổng hợp là 239 trag trại; tổng diện tích đất sản xuất là 4.998,75 ha, giá trị sả xuất bình quân trong năm đạt 2.631 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân là 698 triệu đồng.
Các trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển
Về liên kết sản xuất: Những năm qua đã có những sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động liên kết sản xuất, tăng cả về số mô hình cũng như quy mô, sản lượng, giá trị liên kết. Tỷ lệ giá trị các sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết so với tổng giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản tăng đều qua các năm. UBND tỉnh đã có Quyết định số 1119/QĐ-UBND ngày 10/4/2020 về Phê duyệt kết quả tính toán 6 Tiêu chí (từ tiêu chí số 9 đến 14) trong Bộ tiêu chí giám sát và đánh giá cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ cho 03 năm (từ năm 2017 đến năm 2019), theo đó tiêu chí số 9 về tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên địa bàn tỉnh Nghệ An của năm 2017 là 18,29%, năm 2018 là 18,66%, năm 2019 là 20,59%. Đánh giá chung là đạt mục tiêu đặt ra theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên địa bàn tỉnh có sự tăng đều qua các năm, trong đó hai lĩnh vực có tỷ lệ cao nhất là trồng trọt (29,06 %) và chăn nuôi (25,65 %).
Về công tác đổi mới doanh nghiệp: Tích cực triển khai thực hiện đổi mới, sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30-NQ/TW, Công văn số 321/TTg-ĐMDN ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã phương án sắp xếp, đổi mới 12/12 công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án và đến tháng 7/2020, Sở TN-MT tỉnh đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi đất của 11 công ty nông, lâm nghiệp với quy mô trên 11.500 ha để bàn giao lại cho UBND các huyện, thị xã quản lý, sử dụng nhằm tránh thất thoát nguồn tài nguyên.
Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình tốt trong hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như các mô hình sản xuất lúa chất lượng của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa, liên kết sản xuất giống lúa của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Công ty Giống cây trồng Trung ương...
2. Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản
Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã tập trung vào công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu thông qua các hình thức: Kêu gọi đầu tư, liên doanh liên kết trong sản xuất, tổ chức và tham gia các hội chợ trong tỉnh, trong nước, các cơ quan chuyên ngành (Công Thương, Nông Nghiệp, Du Lịch ...) tổ chức tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế; làm việc với các tập đoàn Big C, VinCom, Massan, Aon, CoopMart ... nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Dự án cạnh tranh ngành nông nghiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ giúp ngành nông nghiệp Nghệ An về kỹ thuật phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản. Đến nay sản phẩm nông nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu sang 36 nước và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thông qua các cuộc kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hiện nay đã có một số đơn vị sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của Nghệ An ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch an toàn như: Công ty TNHH Thực phẩm Quang Trang, hộ kinh doanh Châu Hường (sản phẩm giò chả), Công ty Rau sạch Xứ Nghệ (sản phẩm rau, quả: su su, quýt Phủ Quỳ, thủy sản); Công ty Cổ phần Trang trại Nông sản Phủ Quỳ (cam quả, sản phẩm chế biến từ cam quả) Công ty TNHH Thủy hải sản Hà Như (thủy sản), Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần, Công ty CP thủy sản Cửa Hội nhập sản phẩm vào chuỗi siêu thụ Vincom, BigC,... và hệ thống các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch của Hà Nội.
Sản phẩm cam được xác lập quyền Sở hữu trí tuệ với Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh
Về bảo vệ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ: Đến nay đã có nhiều sản phẩm nông sản của Nghệ An được xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ như Cam Vinh, Cam Xã Đoài, Cam Con Cuông, Gà Phủ Diễn; Bưởi hồng Quang Tiến; Gà Thanh Chương; Trám Thanh Chương, Chè Nghệ An ... với chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm các sản phẩm đặc sản như cam Vinh, su su Quỳnh Liên, Gừng Kỳ Sơn, Chè hoa vàng…. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩn, đến nay Nghệ An đã xây dựng được 182 sản phẩm OCOP,...
Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn; áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản. Đến năm 2020 toàn tỉnh đã xác nhận 44 chuỗi sản phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi đạt 60-100%. Trong đó có 07 chuỗi sản phẩm từ thịt; 05 chuỗi sản phẩm thủy sản; 18 chuỗi sản phẩm rau củ quả; 05 chuỗi sản phẩm chè; 04 chuỗi sản phẩm cam; 03 chuỗi sản phẩm đường và 02 chuỗi sản phẩm sữa.
Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất – phân phối còn gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm chủ lực của tỉnh chưa đáp ứng về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận về chất lượng đảm bảo các yêu cầu để được cung ứng vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại./.
Tác giả bài viết: Thái An