Hội thảo chuyên đề "Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
Ngày 11/11/2021 tại Hà...
Ngày 11/11/2021 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề "Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu tại hội thảo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)...
Theo Báo cáo thống kê của eMaketer, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu năm 2020 là hơn 4.200 tỷ USD, dự đoán 2021 là trên 4.900 tỷ USD. Và năm 2024 con số này dự kiến là gần 6.800 tỷ USD. Đây là con số rất lớn và tiềm năng phát triển kinh tế số vẫn còn rất rộng lớn. Kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển quan trọng được nhiều nước nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để Việt Nam thu hẹp khoảng với các nước phát triển. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá một trong những quốc gia phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.
Theo Ông Toni Kristian Eliasz - Chuyên gia giải pháp kỹ thuật số, Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế số chính là con đường dẫn tới tương lai của Việt Nam. Theo vị này, dù ngành cơ khí chế tạo vẫn đang được xem là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, để bổ sung vào thị phần rất cao của ngành này, hay các ngành như dịch vụ, xuất khẩu… thì việc áp dụng những công nghệ mới có vai trò rất quan trọng và các công nghệ mới này, cùng với kinh tế số, chính là động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu; tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm… Những điều này đã gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị cũng cách thức hoạt động kinh tế. Hơn nữa, COVID-19 còn làm thay đổi cả tổ chức đời sống xã hội toàn cầu. Thể hiện rõ nét nhất ở xu hướng tiêu dùng hiện đại, đòi hỏi phải thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã kiến nghị giải pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số của các địa phương và cải thiện xếp hạng quốc tế chính phủ số của Việt Nam. Theo đó, sự quan tâm của người đứng đầu về chuyển đổi số phải được cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động. Cần xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử/đô thị thông minh, kế hoạch phát triển hàng năm và 5 năm cùng với quy định thống nhất về chia sẻ thông tin, dữ liệu. “Việc đào tạo kỹ năng số thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp tại các địa phương”. Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng tiếp cận của người dân cũng cần phải được chú trọng, khuyến khích người dân lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; chính quyền đảm bảo cung cấp đầy đủ, cập nhật thông tin cho người dân trên môi trường đa kênh. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tinh thần vào công nghệ, vào đổi mới sáng tạo, tích cực chuyển đổi số bằng việc đầu tư vào giáo dục, vào các start-up, hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó đi cùng với chuyển đổi số là thanh toán không dùng tiền mặt và cần tiếp tục đẩy mạnh hơn.
Thúy Hoài