Hiện trạng tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại tỉnh Nghệ An
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm phát triển ngành nông nghiệp. T??...
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm phát triển ngành nông nghiệp. Tỉnh đã thông qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Tỉnh Nghệ An đã thực hiện công tác quy hoạch sản xuất ngành nông nghiệp, từ khâu đề xuất định hướng quy hoạch đến quá trình quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai các quy hoạch. Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các loại cây, con chủ yếu phù hợp với lợi thế của từng địa phương để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Đồng thời quan tâm đến vấn đề xây dựng các trang trại sản xuất hàng hóa tập trung tăng quy mô, từ đó mở rộng việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng giá trị trên đơn vị diện tích. Nhờ đó, trên địa bàn Nghệ An đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến và xuất khẩu, như: vùng cao su, mía nguyên liệu ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn; vùng nguyên liệu chè tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương; vùng cây ăn quả có múi tại các huyện: Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn…Bên cạnh đó, Nghệ An còn đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi để phục vụ công tác tưới, tiêu nhằm tăng khả năng ứng phó với bất lợi của thời tiết.
Nhằm giải quyết đầu ra và tạo giá trị gia tăng cho nông sản, công nghiệp chế biến đã được quan tâm và có những bước phát triển khá mạnh. Hiện trên địa bàn Tỉnh có nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch có giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững, gồm: Dự án Liên kết sản xuất thức ăn xanh cho chăn nuôi bò sữa ở Thái Hoà, Nghĩa Đàn của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk; liên kết sản xuất mía nguyên liệu cho chế biến đường của 3 nhà máy đường; liên kết sản xuất nguyên liệu 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn…
Tình hình tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản hiện nay của tỉnh có thể nhận thấy: Các sản phẩm rau, củ, quả, gạo, đường trắng chủ yếu tiêu thụ trong nước. Sản phẩm Lạc vừa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu; Chè xuất khẩu các nước Trung Đông, Châu Phi, Trung Quốc, Đài Loan; tinh bột sắn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Các sản phẩm từ động vật (trâu, bò, lợn, gia cầm…) chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước; sản phẩm sữa chế biến tiêu thụ trong nước là chủ yếu và một phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (sữa TH TrueMilk).
Sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước, một số sản phẩm tiêu thụ nhiều tại thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch như: Cá khô, sứa, ruốc; một số thủy sản xuất khẩu sang Lào chủ yếu sản phẩm thủy sản đông lạnh. Đối với thị trường Trung Quốc, thủy sản tiêu thụ thông qua hình thức các doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc sang liên kết và hợp đồng thu mua, không có mô hình doanh nghiệp Việt Nam tự xuất khẩu.
Nhìn chung sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Nghệ An chủ yếu đang tiêu thụ tại thị trường trong nước. Một số sản phẩm xuất khẩu thị trường tại các nước dễ tính, dưới dạng chế biến, không chế biến nhưng vẫn là xuất nguyên liệu thô, giá trị thấp; thị trường tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc, nhất là khi bị ảnh hưởng đến các sự cố của thế giới (dịch bệnh, rào cán kỹ thuật,…).
Đối với vấn đề xuất khẩu nông sản, lâm, thủy sản, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng cả về số lượng và giá trị so với các lĩnh vực khác. Tuy vậy, sức cạnh tranh của nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn chưa cao, hàng nông, lâm, thủy sản sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ cao, nguồn nguyên liệu phân tán, một số nguyên liệu còn phải nhập từ tỉnh khác về, độ đồng nhất của nguyên liệu thấp ...
Giai đoạn 2015-2020 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất bán sang thị trường nước ngoài trên 20 mặt hàng, nhóm mặt hàng các loại. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng đều qua các năm trong năm 2015 đạt 226 triệu USD, năm 2019 đạt 319 triệu USD, năm 2020 đạt 261 triệu USD. Năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm. Tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2015-2020 ước đạt 2,9%/năm, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn: Đối với gỗ, sản phẩm gỗ và dăm: Năm 2015 đạt 133,8 triệu USD, năm 2020 đạt 143,9 triệu USD. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng đạt 1,46%/năm; Sản phẩm quả tươi và các sản phẩm chế biến từ quả: Năm 2015 đạt 18,8 triệu USD, năm 2020 đạt 42,8 triệu USD. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng đạt 42,12%/năm; Sắn và tinh bột sắn: Năm 2015 đạt 47,2 triệu USD, năm 2020 đạt 19 triệu USD.Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giảm. Thị trường xuất khẩu 9 nước, gồm: Trung Quốc, Ả Rập, Malaysia, Ấn Độ, Jambia, Fiji, Senegan, Li Băng và Srilanca; Hàng thủy hải sản: Năm 2015 đạt 15,9 triệu USD, năm 2020 đạt 28,1 triệu USD.Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng GTXK bình quân đạt 12,08%/năm. Thị trường xuất khẩu, gồm: Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc và Srilanca; Năm 2015 chè đạt 5,8 triệu USD, năm 2020 đạt 4,67 triệu USD.Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giảm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu như: Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Ba Lan.
Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã tập trung vào công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu thông qua các hình thức: Kêu gọi đầu tư, liên doanh liên kết trong sản xuất, tổ chức và tham gia các hội chợ trong tỉnh, trong nước, các cơ quan chuyên ngành (Công thương, Nông nghiệp, Du lịch ...) tổ chức tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế; làm việc với Siêu thị BigC, Công ty TNHH TMTH Vincommerce, Tập đoàn Aeon - Việt Nam, Siêu thị CoopMart, ... nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Dự án cạnh tranh ngành nông nghiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ giúp ngành nông nghiệp Nghệ An về kỹ thuật phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản. Đến nay sản phẩm nông nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu sang 36 nước và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thông qua các cuộc kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hiện nay đã có một số đơn vị sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản của Nghệ An ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch an toàn.
Trong thời gian vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã thực hiện một số chương trình xúc tiến thương mại khá hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ nông sản của người dân, như: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong tỉnh, ngoài tỉnh, mỗi năm có trên 10 sản phẩm được tham gia tại các hội chợ triển lãm (Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet, triển lãm sản phẩm OCOP, …); Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (10-15 cơ sở/ năm) đi xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản Nghệ An tại các chuỗi Siêu thị (BigC, Vincommerce, Aeon,…), các thị trường có sức tiêu thụ lớn như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh trong cả nước; Quảng bá giới thiệu sản phẩm: Thường xuyên quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản Nghệ An trên hệ thống đài, báo, truyền hình ở Trung ương, địa phương; trên trang điện tử,… ký kết nối giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với các thành phố, tỉnh (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, …)./.
Tác giả bài viết: Thái Anh