Hiệu quả kinh tế từ các mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Nghệ An

Thứ năm - 31/03/2022 22:24 0
Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời là sự đột phá cho phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của hợp tác xã. Sau 10 năm, mô hình hợp tác xã kiểu mới ngày càng được nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho một bộ phận không nhỏ người dân. Luật HTX năm 2012 ra đời với kỳ vọng “thay áo mới” để HTX thật sự trở thành “ngôi nhà ấm” của nông dân, đem đến cơ hội đổi mới trong sản xuất, tiêu thụ, các dịch vụ công ích ở khu vực nông thôn. Việc chuyển đổi HTX hoạt động theo luật HTX năm 2012, hay nói cách khác là hình thành các HTX kiểu mới đóng vai trò hết sức quan trọng. Là xu thế tất yếu cho sản xuất hàng hóa. Ở đó HTX luôn đồng hành với người nông dân, Người nông dân trở thành thành viên HTX, tất cả đều trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất và lợi nhuận. Từ đó đã kích thích người nông dân phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm mình làm ra.

Thời gian gần đây, các mô hình HTX kiểu mới ở Diễn Châu đã mở ra cơ hội đưa nông nghiệp lên một bước phát triển mới, từng bước được thực hiện theo chuỗi, mang lại những hiệu quả rõ nét. Đến nay toàn huyện Diễn Châu đã có 13 HTX xây dựng được cánh đồng mẫu liên kết từ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, một số HTX bước đầu đã tạo dựng thương hiệu, làm cầu nối bao tiêu trong lĩnh vực chăn nuôi. Các cấp các ngành đã liên kết các công ty, cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân một cách hiệu quả nhất. HTX đã phát huy hết trách nhiệm của mình bằng tâm, sự nhạy bén tạo điều kiện cho các xã viên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, huyện Diễn châu đã hoàn thành chuyển đổi 63 HTX, giải thể 5 HTX và thành lập mới 2 HTX. Các HTX đã chủ động đổi mới bộ máy quản lý, tìm kiếm nguồn vốn, nâng cao năng lực và cả kiến thức thị trường, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và đa dạng hơn trong cung ứng các dịch vụ. Các HTX đã năng động tạo ra nhiều cách làm mới mang lại hiệu quả cho nông dân. Sau chuyển đổi, tất cả các HTX ở Diễn Châu đều tự xây dựng được nguồn quỹ nội bộ từ 500 triệu đến 5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các HTX đầu tư vào kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp đồng thời cho xã viên vay để phát triển sản xuất chăn nuôi.

Điển hình như tại HTX Phú Hậu ở xã Diễn Tân đã thành lập được quỹ tín dụng nội bộ với số vốn huy động được gần 1,5 tỷ đồng, cho gần 100 lượt xã viên vay để mở rộng quy mô chăn nuôi và tạo điều kiện để thanh niên đi xuất khẩu lao động.
Từ khi bắt đầu hoạt động HTX kiểu mới, bà con đã cảm nhận được nhiều sự thay đổi mới từ khâu cung ứng dịch vụ, đặc biệt điều mà ông thấy được trước mắt đó là thu nhập bà con được tăng lên nhờ có thay đổi phương thức sản xuất mới. Từ khi HTX chuyển đổi, HTX ký kết với công ty đỡ đầu thu mua sản phẩm nên bà con được rất nhiều cái lợi. Cái lợi thứ nhất là bà con không bị tư thương ép giá, từ đó khuyến khích bà con tích cực trong khâu sản xuất hơn, năng suất nâng lên và thu nhập của gia đình cũng cao hơn.

Cánh đồng liên kết 4 nhà của HTX Diễn Liên đã tạo nên một hiệu ứng mới trên đồng ruộng ở huyện Diễn Châu. Ruộng của gần 100 hộ dân đã gom lại thành 1 thửa lớn tới 50 ha giúp cho việc cơ giới hóa được thuận lợi, lúa được trồng 1 giống, nên giảm chi phí chăm sóc, làm tăng sản lượng và chất lượng. Với một quy trình sản xuất khép kín, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, khoa học kỹ thuật với doanh nghiệp và HTX, toàn bộ diện tích lúa 1 giống của xã trong vụ Đông Xuân và Hè Thu đã đạt năng suất kỷ lục tới 78 tạ/ha. Được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn các giống lúa khác tới 20% đã làm gia tăng giá trị sản xuất nhiều so với trước.
Trước đây, bà con nông dân chỉ canh tác và sản xuất nhỏ lẻ nhưng bây giờ đã có sự liên kết chặt chẽ rồi nên bà con nông dân ủng hộ và theo cách chỉ đạo của HTX, hiện tại bà con đi theo một quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo được cái đó thì lợi nhuận cao hơn và bà con nông dân rất phấn khởi.
Tại HTX chăn nuôi Diễn Trung, với mục tiêu tạo ra thị trường trứng và thịt gà ổn định cho nông dân. Thời gian qua, HTX đã tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, phối hợp với Sở KH&CN trong việc kiểm định chất lượng trứng, thu hút được dự án chăn nuôi Vietgap, đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho xây dựng kho bảo quản, nên đã thu hút được doanh nghiệp và một số siêu thị nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Mỗi ngày bà con Diễn Trung thu về hơn 40.000 quả trứng, hầu hết đều được HTX bao tiêu với giá cả ổn định nên hiện nay nuôi gà đã trở thành nghề làm giàu của bà con vùng ven biển này. Khi tiếp cận nguồn vốn quỹ tín dụng nội bộ HTX thì các xã viên được vay vốn sản xuất chăn nuôi cũng như đi xuất khẩu lao động. Nguồn vốn này đem lại hiệu quả cho các hộ vay vốn và các hộ xã viên rất phấn khởi bởi thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.
Để hướng người dân đến mô hình HTX kiểu mới bền vững, huyện Diễn Châu đã đi trước đón đầu triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực của Ban quản trị HTX. Qua đó tổ chức đào tạo cán bộ, nâng cao nghiệp vụ quản lý thị trường, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho HTX. Với sự năng động sáng tạo, dịch vụ đa dạng của hội đồng quản trị, nên hầu hết các HTX ở Diễn Châu hoạt động ngày càng có lãi và có khả năng tự chủ về vốn. Với các dịch vụ giá rẻ, ổn định đầu ra nên lợi nhuận trong các vụ sản xuất đã tăng từ 15 - 20% so với trước.
Những hợp tác xã kiểu mới ở Diễn Châu bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân, thực sự là nơi đỡ đầu, tạo ‘đòn bẩy’ thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa an toàn, bền vững./.
Minh Dương

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây