Tỉnh Nghệ An có diện tích rộng (1.649.853km2); trong đó, khu vực miền núi chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh. Thời tiết của vùng miền núi Nghệ An bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa và có tiểu vùng khí hậu ôn đới. Những đặc trưng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên sự đa dạng sinh học, giàu tiềm năng phát triển cây dược liệu ở vùng miền núi. Được biết, trên địa bàn tỉnh có 962 loài cây và nấm làm dược liệu thuộc 63 chi, 183 họ của 5 ngành thực vật. Đặc biệt, trong danh mục cây dược liệu và vị dược liệu thiết yếu của Bộ Y tế, Nghệ An có 41 loài nằm trong 206 loài cây dược liệu mọc tự nhiên được khai thác và sử dụng. Đáng chú ý, nguồn cây dược liệu mọc tự nhiên có trữ lượng lớn, giá trị sử dụng và kinh tế cao, như cây đẳng sâm, hoàng đằng, thạch hội, kê huyết đằng, cẩu tích, sa nhân, thiên niên kiện, thổ phục linh…
Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh được thực hiện từ năm 2014 đến 2020; giao Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học-Công nghệ bảo tồn nguồn gen của một số loại dược liệu quý tại huyện Quế Phong và Kỳ Sơn. Năm 2015, Ban Dân tộc đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng và phát triển cây Táo mèo ở vùng đồng bào Mông tại 2huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Hiện nay, Ban Dân tộc Nghệ An đang chuẩn bị triển khai Đề án trồng cây Tràm Úc để lấy tinh dầu. Hay việc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây đẳng sâm, đương quy, atisô và sâm Puxailaileng (một loại sâm quý giống sâm Ngọc Linh) tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Kết quả, bước đầu, Đoàn đã trồng, nhân giống và thu hoạch atiso thành công; kế hoạch trong vài năm tới có thể chuyển giao kỹ thuật để đồng bào các DTTS tổ chức nhân rộng. Cũng tại Kỳ Sơn, Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống (thuộc Tập đoàn TH) đã triển khai trồng thử nghiệm vườn ươm cây dược liệu ở xã Mường Lống và các xã lân cận, nhằm mục đích nhân rộng các loại dược liệu quý, tiến tới sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược…
Với lợi thế tiềm năng về dược liệu cũng như sự quan tâm của chính quyền, trong những năm qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp phát triển giá trị cây dược liệu của địa phương mình.
Tháng 4/2021 doanh nghiệp phối hợp liên kết thuê đất của bà con để sản xuất cây dược liệu tại vùng Đồng Trẹ, xã Thanh Tiên (Thanh Chương).
Sau 1 năm triển khai, hiện Công ty Thiên Minh Đức đã có 20 ha sản xuất giống cây dược liệu tại xã Thanh Tiên. Trong kế hoạch, đến hết năm nay sẽ mở rộng lên 50 ha, và từ nguồn giống đó, đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ liên kết với các hộ dân để sản xuất đại trà trên diện tích 3.000 - 4.000 ha ở nhiều xã trên địa bàn huyện, phục vụ nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy chế biến dược liệu, dự kiến sẽ được xây dựng ngay tại xã Thanh Tiên, đầu quý 1 năm 2023.
Những thành công ban đầu, không chỉ góp phần tạo sinh kế và thu nhập cho người dân mà còn là tiền đề quan trọng để huyện Thanh Chương tiếp tục chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Vùng đất kỳ Sơn cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong đó có Tập đoàn TH. Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn đã không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án. Hiện tại, diện tích vùng trồng dược liệu đã lên đến 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Theo ông Trịnh Hiền Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu TH, trong các hoạt động sản xuất, doanh nghiệp luôn ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ những người nông dân vốn chỉ biết làm nương, làm rẫy, người lao động được tuyển làm công nhân, được đào tạo các kỹ thuật canh tác hiện đại, kỹ năng sản xuất trong nhà xưởng, nâng cao năng lực và dễ dàng thích nghi với các yêu cầu sản xuất hiện đại, được đảm bảo về BHXH, BHYT.
Đặc biệt, công ty cũng chủ trương tạo các mô hình sản xuất điểm để người dân tham quan học hỏi, từ đó, có thể tự sản xuất với sự đồng hành của doanh nghiệp trong cả vấn đề kỹ thuật và thu mua, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập ngay trên chính ruộng nương của mình. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với chặt cây làm rẫy như trước.
Với địa hình đa dạng và phức tạp, nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, Nghệ An có tới gần 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh đang tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết: Thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn từ 4-14 lần so với cây ngô và gấp 2 - 6 lần so với cây keo. Tuy nhiên, cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu…
Do đó, muốn phát triển dược liệu, điều cốt lõi nhất vẫn là thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu. Và thực tế, bước đầu một số dự án đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để có thể đạt mục tiêu này, đưa dược liệu trở thành thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các vùng còn khó khăn; ngoài tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu, có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất dược liệu, thì tỉnh cũng cần quan tâm bảo vệ, bảo tồn nguồn gen quý, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ cao để phát triển và mở rộng các loại có giá trị./.
Anh Quang
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn