Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là bảo vệ tài nguyên di truyền nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu khởi thủy phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì được sự đa dạng sinh học và những tiền đề cần thiết về tài nguyên sinh học cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai. Bảo tồn nguồn gen vật nuôi là một vấn đề cấp bách có tính chất toàn cầu.
Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi không thuận lợi của môi trường thì an toàn lương thực và thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của thế giới hiện nay. Mặt khác, do áp lực của nền kinh tế thị trường và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhanh, đáp ứng với sự tăng dân số trên thế giới nên đòi hỏi những giống có năng suất cao, vì vậy rất nhiều giống vật nuôi bản địa đang có nguy cơ bị mất đi, do đó sẽ mất đi nguồn gen đặc trưng quý báu đó. Gần đây, FAO cũng đã đưa ra một cái nhìn bao quát về tình trạng đa dạng di truyền trên toàn thế giới, với trọng tâm chính là số lượng giống trong các loài vật nuôi chính được sử dụng trong lương thực và nông nghiệp.
Năm 2014, cơ sở dữ liệu của FAO đã báo cáo có 11.062 các loài động vật có vú và 3.802 loài gia cầm. Theo quan điểm của FAO đưa ra kết luận rằng tỷ lệ các giống được phân loại là "nguy cấp" tăng từ 15 đến 17% trong khoảng thời gian từ 2006-2014. Tỷ lệ các giống được xếp loại “không nguy cấp” đã giảm từ 21 xuống 18%. Tỷ lệ các giống được phân loại là “tuyệt chủng” được duy trì ở mức 7%. Tuy nhiên, 58% các giống ở tình trạng không biết. Sự không chắc chắn về tình trạng này là một trong những lý do mà báo cáo của FAO nhấn mạnh rằng sự đa dạng di truyền giữa các giống trong một loài đang bị đe dọa liên tục. Sự tuyệt chủng của nhiều giống vật nuôi bản địa, những giống này tuy năng suất thấp nhưng mang lại những đặc điểm quý như thịt thơm ngon, chịu kham khổ tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái. Sự tuyệt chủng này gần đây xảy ra rất nhanh theo tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường và đô thị hóa.
Nhận thức sâu sắc hiểm họa đang đến với các giống vật nuôi bản địa, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi” cho nhóm nghiên cứu Viện Chăn nuôi do TS. Phạm Công Thiếu làm chủ nhiệm như là một nhiệm vụ thường xuyên.
Nhiệm vụ Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi năm 2019 đã đạt được các kết quả như sau:
1. Bảo tồn và lưu giữ
- Bảo tồn và lưu giữ được 16 đối tượng nguồn gen vật nuôi, trong đó nhóm gia súc có 8 đối tượng (lợn Cỏ Bình Thuận, lợn Chư Prông, lợn Mường Tè, lợn Kiềng Sắt, ngựa Mường Lống, trâu Langbiang, dê đen và thỏ nội). Nhóm gia cầm có 5 đối tượng (gà tây Kỳ Sơn, gà trụi lông cổ, gà lông chân gà H’Re và gà lùn Cao Sơn). Nhóm thủy cầm có 3 đối tượng (vịt Mường Khiêng, ngan Xám và ngỗng Cỏ) và 200 liều tinh lợn Ỉ. Nhóm ong có 02 nguồn gen trong đó có nguồn gen ong khoái Apis dorsata và nguồn gen ruồi đỏ Apis florea. Nhìn chung số lượng các đối tượng nguồn gen đủ và vượt so với theo kế hoạch được giao với đặc điểm ngoại hình và một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật ổn định.
2. Điều tra tìm kiếm và bổ sung nguồn gen tiềm ẩn
- Đã điều tra tìm kiếm 02 nguồn gen là gà lông xù tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai và trâu Phú Lộc tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong 02 nguồn gen trên, gà lông xù có đặc điểm ngoại hình đặc trưng và bộ lông xù hoàn toàn khác biệt với các giống gà nội khác và xuật hiện từ khi gà con được sinh ra. Trong khi đó trâu Phú Lộc có ngoại hình, tầm vóc, khối lượng cơ thể gần tương đồng với các quần thể trâu khác của Việt Nam như trâu Thanh Chương, trâu Chiêm Hóa, trâu Bảo Yên.
- Đã điều tra thu thập nguồn gen ong tại các tỉnh Hải Phòng, Nghệ An và Điện Biên. Tại huyện Cát Bà (Hải Phòng) có mặt 02 nguồn gen ong mật (ong khoái và ong nội) với số lượng đàn tương ứng là 38 đàn và 2000 đàn. Tại huyện Con Cuông (Nghệ An) đã xác định ba nguồn gen ong mật gồm ong khoái, ong nội và ong ruồi đỏ với số đàn tương ứng là 189, 10 và 11, trong đó nguồn gen ong khoái dễ bắp gặp hơn cả. Đồng thời đã xác định được sự có mặt của 5 nguồn gen ong mật bao gồm ong khoái (88 đàn +), ong nội (650 đàn), ong ngoại (4500 đàn), ong ruồi và ong không ngòi tại huyện Điện Biên (Điện Biên).
3. Đánh giá nguồn gen
- Đã tiến hành đánh giá sơ bộ 02 đối tượng nguồn gen vật nuôi. Gà lông chân có hàng lông chân từ lúc 01 ngày tuổi chiếm 71,30%. Năng suất trứng đến 44 tuần tuổi đạt 42,98 quả/mái, tỷ lệ đẻ đạt 25,55%. Tỷ lệ trứng có phôi/tổng ấp là 86,50% và tỷ lệ nở/tổng ấp 75,39%. Gà trụi lông cổ có tuổi đẻ trứng đầu là 200 ngày tuổi, tỷ lệ đẻ 5% đạt ở 235 ngày tuổi và đỉnh cao ở 260 ngày tuổi. Năng suất trứng đạt 11,2 quả/mái/24 tuần đẻ với tỷ lệ đẻ trung bình 6,67%. Trứng gà có tỷ lệ phôi đạt trung bình 93,02%, số con nở ra đạt 85,42%.
- Đã đánh giá chi tiết 01 đối tượng nguồn gen. Vịt Mường Khiêng có tuổi đẻ quả trứng đầu ở 155 ngày tuổi. Năng suất trứng theo dõi đến hết 52 tuần đẻ trungbình đạt 170,63 quả/mái với tỷ lệ đẻ trung bình 46,88%. Tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 4,68kg. Tỷ lệ trứng có phôi đạt 91,09%; tỷ lệ nở/trứng có phôi đạt cao 83,56%; tỷ lệ vịt loại 1/số vịt nở đạt 94,55%.
- Đã đánh giá khoảng cách di truyền và phân tích ADN gà lùn Cao Sơn với 5 giống gà nội khác gồm gà Tè, gà Trới, gà Tiên Yên, gà Móng và gà Tò bằng chỉ thị phân tử microsatellite và khẳng định gà lùn Cao Sơn có cấu trúc di truyền khá thuần và riêng biệt so với 5 giống gà nội được sử dụng trong nghiên cứu.
4. Tư liệu hóa nguồn gen
- Các mẫu ong nghệ thu thập năm 2018 thuộc hai loài là Bombus trifasciatus Smith và Bombus montivolans Richards.
- Cập nhật bổ sung thêm thông tin, tư liệu, ảnh của 16 nguồn gen bảo tồn năm 2019 và một số nguồn gen bản địa vào phần mềm Vietgen.
Nhóm đề tài đề nghị tiếp tục bảo tồn các nguồn gen vật nuôi bảo tồn năm 2019, đồng thời bổ sung vào danh sách bảo tồn 01 đối tượng nguồn gen vật nuôi là gà lông xù (Gia Lai) và bổ sung thêm một điểm bảo tồn nguồn gen ong khoái tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cần tiến hành điều tra tìm kiếm bổ sung đối với các nguồn gen ở trạng thái rất nguy hiểm và áp dụng đồng thời cả 02 hình thức bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các nguồn gen lợn Chư Prông, ngan Xám và ngỗng Cỏ. Đề nghị đưa nguồn gen trâu Langbiang ra khỏi danh sách các nguồn gen vật nuôi bảo tồn trong kế hoạch năm 2020.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17197/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc