Huyện Nghĩa Đàn có khoảng 13.000 ha đất đỏ bazan, loại đất rất thích hợp đối với việc trồng cây công nghiệp và cây ăn quả đặc sản, như cao su, cà phê, trẩu, chè, cam, chanh, dứa, mít. Nông dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã chú trọng phát triển cây ăn quả với nhiều mô hình đã đem lại những tín hiệu khả quan như bơ, ổi, cam, quýt… Thời gian gần đây, ngườ dân đã thành công với loại cây trồng mới đó là cây na dai.
Mô hình cây na dai của gia đình anh Cao Thanh Vinh ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu được đánh giá là có triển vọng cao, bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng giống cây này. Qua trao đổi, anh Vinh cho biết: Nhận thấy lợi thế của gia đình có đất rộng, phù hợp với trồng cây ăn quả, anh Vinh đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và quyết định đốn bỏ một số diện tích cây cam, quýt để đầu tư trồng cây na dai.
Năm 2015 gia đình anh Vinh đã cải tạo đất vườn trồng thử nghiệm 110 cây na dai. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây cho quả bói đầu tiên, trừ chi phí thu lãi 25 triệu đồng. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương, năm 2018 tôi tiếp tục đưa thêm 200 cây na vào trồng. Từ khi trồng đến năm thứ 3 na dai cho quả bói và các năm sau là vào thời kỳ khai thác quả. Vì đặc điểm của na chín rải rác trong khoảng vài tháng nên người trồng na không bị áp lực về nhân lực mà còn tránh bị thương lái ép giá.
Cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Kỹ thuật chăm sóc cũng rất đơn giản, ngoài yếu tố thuận lợi của tự nhiên, người trồng cần bón thêm lượng phân cho cây trồng và bón tùy vào độ tuổi, từng giai đoạn phát triển của cây. Đặc biệt, cần bón nhiều phân chuồng ủ hoai mục, bổ sung nước đầy đủ cho cây.
Bên cạnh đó, người trồng cũng phải nắm chắc kỹ thuật tỉa cành và vặt lá đúng thời điểm để na có thể ra hoa, đậu quả. Đặc điểm của cây na dai ra nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp. Nếu hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên thì hiệu quả, năng suất thấp. Vì vậy, người trồng na cần nắm chắc kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho hoa để khắc phục được những hạn chế này. Ngoài ra, đối với sâu bệnh thì nhất là rệp sáp và sâu đục thân; rồi có mùa thì nấm, sương mốc cho nên mình phải thường xuyên phải thăm vườn để xử lý sâu bệnh. Vào khoảng thời gian trung tuần tháng 11 sẽ đốn toàn bộ cành cao của cây na, chỉ để cây na cao khoảng 1,5 - 1,8 m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, cây na sẽ chống chịu được mưa gió, quả không bị dập nát do va chạm trên cao; quả ra tập trung vào thân và cành cấp một; cây na cũng dễ thụ phấn và dễ thu hoạch hơn.
Anh Cao Thanh Vinh cho biết: Trên diện tích 0,6 ha, trồng 310 cây na dai; mỗi cây na trong vườn nhà anh đậu từ 200 - 250 quả, mỗi quả có trọng lượng từ 150 - 250g. Kể từ đầu vụ thu hoạch na đến nay, gia đình anh đã thu hái hàng chục lần, mỗi lần thu từ 70 - 100 kg quả.
Với giá bán đầu mùa từ 30 - 35 nghìn đồng/kg, anh Vinh có được nguồn thu không hề nhỏ. Bình quân, mỗi cây na trong vườn nhà anh đậu từ 200 - 250 quả, mỗi quả có trọng lượng từ 150 - 250g. Ước đến cuối vụ, với 310 gốc na trên diện tích 0,6 ha, anh thu được từ 5 - 6 tấn quả, sau khi trừ chi phí, cho thu trên 70 triệu đồng/vụ.
Thực tế cho thấy đất Nghĩa Phú phù hợp với cây na dai song mùa chính vụ thường rơi vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Với mùa vụ chính có nhiều hộ thu hoạch cùng thời điểm, dẫn đến giá na không cao. Vì vậy, gia đình chị Nguyễn Thị Yến đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ để nâng cao thu nhập.. Chị cho biết thêm: Biện pháp để na ra trái vụ là cắt tỉa cành để cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa na hé mở có màu trắng thì chị tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, tiến hành cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ.
Hiện nay, ở Nghĩa Phú ngoài các loại cây trồng chủ lực như: bơ, cam đã có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn quả khác, trong đó có cây na dai đem lại hiệu quả. Ông Hồ Thanh Trọng, chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phú cho biết: Hiện nay trên địa bàn Nghĩa Phú có khoảng 20 gia đình trồng na dai, tuy nhiên chỉ mới có vài ba hộ đã áp dụng kỹ thuật để cho na ra trái vụ, tăng thêm thu nhập cho gia đình như gia đình chị Võ Thị Yến./.
Quang Thái
UBND huyện Nghĩa Đàn