Các sản phẩm trồng trọt chính của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An
1. Sản phẩm cây lương thực
1. Sản phẩm cây lương thực
- Cây lúa: Năm 2015, diện tích gieo cấy đạt 186.551 ha, năng suất 52,47 tạ/ha, sản lượng 978.862 tấn; năm 2020 diện tích gieo cấy 180.214 ha, sản lượng 974.366 tấn. Diện tích, sản lượng lúa có xu hướng giảm, giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm bình quân giảm 0,09%/năm; tuy nhiên, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp bình quân vào tổng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 14,2%, lúa gạo là sản phẩm có tỷ trọng giá trị sản phẩm cao nhất ngành và là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
- Cây ngô: Năm 2015, diện tích gieo trồng đạt 58.893 ha, năng suất 39,98 tạ/ha, sản lượng 235.474 tấn; Năm 2020 diện tích 45.513 ha, sản lượng đạt 203.396 tấn; diện tích, sản lượng ngô có chiều hướng giảm do cơ cấu cây trồng có thay đổi, diện tích vụ đông mở rộng không nhiều. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm ngô giảm bình quân 2,89%/năm, tỷ trọng đóng góp bình quân vào tổng ngành đạt 2,9%.
2. Sản phẩm cây công nghiệp ngắn ngày
- Cây sắn: Năm 2015, diện tích trồng sắn đạt 17.387 ha, sản lượng 384.799 tấn (trong đó sắn nguyên liệu đạt 7.000 ha, năng suất 350 tạ/ha, sản lượng 245.000 tấn); năm 2020 diện tích sắn toàn tỉnh đạt 13.479 ha, sản lượng đạt 315.779 tấn (trong đó diện tích sắn nguyên liệu đạt 10.281 ha, sản lượng sắn nguyên liệu đạt 276.501 tấn). Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm sắn giảm bình quân 3,88%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 0,9%. Sắn và sản phẩm từ sắn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
- Cây lạc: Năm 2015, diện tích gieo trồng đạt 16.207 ha, năng suất 23,09 tạ/ha, sản lượng 37.428 tấn; năm 2020 diện tích 12.902 ha, sản lượng 34.285 tấn. Diện tích, sản lượng lạc giảm do phần lớn diện tích đất quy hoạch cho phát triển cây lạc nằm trong các dự án trọng điểm của tỉnh, nên nhiều diện tích đất trồng lạc được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là vùng trọng điểm lạc của tỉnh nằm trong khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp WHA và một số diện tích vùng bãi chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm lạc giảm bình quân 1,74%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 1,5%.
- Cây mía: Năm 2015, diện tích trồng mía đạt 26.685 ha, năng suất 577 tạ/ha, sản lượng 1.540 ngàn tấn (trong đó: mía nguyên liệu khoảng 26.422 ha, sản lượng đạt 1.523 ngàn tấn). Năm 2020 diện tích 20.206 ha, sản lượng 1.193 ngàn tấn, (trong đó: mía nguyên liệu khoảng 19.829 ha, sản lượng đạt 1.171 ngàn tấn). Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm mía giảm bình quân 4,98%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 2,7%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nhóm sản phẩm cây công nghiệp ngắn ngày.
3. Rau củ quả
Bao gồm các loại rau, củ, quả thực phẩm, năm 2015 tổng diện tích gieo trồng đạt 30.273 ha, sản lượng 411.209 tấn; năm 2020 diện tích đạt 36.408 ha, sản lượng 557.762 tấn. Đã xây dựng và hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm rau củ quả tăng bình quân 6,29%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 6,5%. Rau là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
4. Sản phẩm cây công nghiệp lâu năm
- Cây chè: Năm 2015, diện tích đạt 7.543 ha, sản lượng 62.666 tấn; năm 2020 diện tích chè đạt 8.318 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 78.653 tấn. Sản phẩm chủ yếu được các công ty liên kết thu mua và chế biến tạo ra các sản phẩm chè đen, chè xanh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu được các công ty chế biến xuất khẩu thô nên thương hiệu chè Nghệ An chưa được biết đến trên thế giới. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm chè tăng bình quân 4,65%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,8%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nhóm sản phẩm cây công nghiệp lâu năm.
- Cây cao su: Năm 2015, diện tích đạt 11.224 ha, sản lượng mủ khô 4.874 tấn; năm 2020 diện tích 9.696 ha, sản lượng cao su mủ khô sơ chế đạt 6.159 tấn. Diện tích chủ yếu do Công ty CP cao su Nghệ An đầu tư trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ. Diện tích cao su những năm gần đây cơ bản ổn định, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giá cả thị trường cao su giảm thấp, tài chính không đảm bảo… nên doanh nghiệp này không thực hiện đúng tiến độ dự án. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cao su tăng bình quân 4,79%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,7%. Cao su là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
5. Sản phẩm trái cây
Tổng diện tích cây ăn quả liên tục tăng qua các năm, năm 2015 đạt 17.019 ha, sản lượng đạt 179.350 tấn đến năm 2020 đạt 22.802 ha, sản lượng đạt 260.695 tấn. Theo nhu cầu thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, du nhập nhiều giống cây ăn quả từng bước hình thành vùng chuyên canh hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây ăn quả tăng bình quân 7,77%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 4,5%. Một số cây ăn quả chính như sau:
- Cây cam: Năm 2015 diện tích trồng cam đạt 3.542 ha, sản lượng quả tươi 28.588 tấn; Năm 2020 diện tích 4.735 ha, sản lượng đạt 59.320 tấn; giá cam tăng, thị trường được khôi phục mở rộng, nhiều giống cam tốt được mở rộng diện tích. Đã xây dựng mô hình trồng cam theo vietGAP, mô hình cam được tưới, cho năng suất, chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” và các nhãn hiệu tập thể. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây cam tăng bình quân 15,72%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 1,5%, là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nhóm sản phẩm trái cây.
- Cây Quýt: Năm 2015 diện tích trồng quýt đạt 664 ha, sản lượng quả tươi 2.050 tấn; Năm 2020 diện tích 1.524 ha, sản lượng đạt 15.796 tấn. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm quýt tăng bình quân 50,44%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,3%.
- Cây Bưởi: Năm 2015 diện tích trồng bưởi đạt 690 ha, sản lượng quả tươi 6.341 tấn; Năm 2020 diện tích 1.612 ha, sản lượng đạt 13.113 tấn. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm bưởi tăng bình quân 15,64%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,2%.
- Cây Dứa: Năm 2015 tổng diện tích trồng dứa đạt 966 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 717 ha, cho sản lượng đạt 15.210 tấn; đến năm 2020 có diện tích 1.374 ha, sản lượng đạt 27.005 tấn. Diện tích này được phân bổ chủ yếu tại huyện Quỳnh Lưu và Yên Thành. Đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dứa Quỳnh Lưu”. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi thông qua thương lái bán trong nước, sản lượng liên kết nhập nhà máy chế biến xuất khẩu không nhiều khoảng 250 -300 tấn/năm. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây dứa tăng bình quân 12,17%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,2%.
- Cây chanh leo: Năm 2015, diện tích đạt 150 ha, sản lượng quả tươi 5.540 tấn; năm 2020 diện tích đạt 255 ha, sản lượng 3.934 tấn. Cây chanh leo là cây trồng mới, được triển khai trên địa bàn các huyện miền núi cao, trình độ lao động cũng như khả năng đầu tư của người dân còn hạn chế; một số loài sâu bệnh phát sinh trên chanh leo đã ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích cũng như tâm lý của người trồng. Mặt khác, trong thời gian qua phương thức thu mua chanh leo của công ty cổ phần phát triển chanh leo (Ponaga) chưa thực sự linh hoạt, giá cả có lúc xuống thấp, ảnh hưởng đến tâm lý và thu nhập của người dân, đã ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây chanh leo giảm bình quân 6,62%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành chỉ đạt 0,05%.
Cây ăn quả khác: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến năm 2020, Nghệ An đã có 120 ha bơ, 2.036 ha chanh, 4.132 ha chuối. Ngoài ra các loại cây ăn qua khác có tiềm năng như: chanh, mít, xoài, vải, nhãn, táo, ổi... diện tích hàng năm đạt khoảng 8.500-9.000 ha.
6. Cây dược liệu
Năm 2015, diện tích đạt 196 ha, sản lượng đạt 1.219 tấn; năm 2020 diện tích đạt 3.074 ha, sản lượng đạt 19.114 tấn. Mặc dù trong những năm qua, cây dược liệu đã được đầu tư triển khai trồng tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, chủ yếu cây nghệ, gừng, gấc. Tuy nhiên việc phát triển cây dược liệu cần có doanh nghiệp đầu tư cung cấp giống, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật... với hình thức làm dịch vụ cho dân, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong vùng để người dân trồng, chăm sóc bảo vệ, doanh nghiệp thu mua và chế biến. Đến nay, tỉnh chưa khai thác được tiềm năng, diện tích mở rộng còn chậm, do nhiều dự án, quy hoạch chưa được triển khai, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư; chế tài, chính sách về quản lý trồng dược liệu dưới tán rừng chưa có, chưa liên kết được với người dân,… Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm dược liệu tăng bình quân 73,41%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm đóng góp vào tổng ngành đạt 0,4%./.
Thái Hoàng