Nghiên cứu chọn tạo giống mía chịu úng phèn, có năng suất và chất lượng cao cho vùng Tây Nam bộ

Thứ hai - 25/10/2021 23:07 0

Việc thường xuyên chọn tạo giống để bổ sung vào cơ cấu giống mía cho vùng. Đặc biệt, việc tuyển chọn giống mía mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi với điều kiện ngập úng phèn cho vùng Tây Nam bộ là yêu cầu cấp thiết, nhằm đột phá tăng năng suất, góp phần tăng sản lượng mía, đáp ứng nhu cầu chế biến công nghiệp của vùng, hạ giá thành sản phẩm mía đường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, giúp ngành mía đường phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Vì thế, đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống mía chịu úng phèn, có năng suất và chất lượng cao cho vùng Tây Nam bộ” do nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Tuyền tại Viện nghiên cứu mía đường thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018, là rất thiết thực và có ý nghĩa.

Mục tiêu của đề tài là chọn tạo và phát triển được giống mía có năng suất ≥ 100 tấn/ha, ≥ 10 CCS, thích hợp với chân đất úng phèn để bổ sung vào cơ cấu giống mía của vùng Tây Nam bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mía, cung cấp ổn định mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trong vùng hoạt động có hiệu quả.

Sau 6 năm nghiên cứu, đề tài đã thư được các kết quả sau:

- Đã tuyển chọn được 2 giống mía LK92-11 và KK3 công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới và 1 giống mía VN08-270 công nhận cho sản xuất thử bổ sung vào cơ cấu giống của vùng Tây Nam bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mía, cung cấp ổn định mía nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường hoạt động có hiệu quả.

- Xây dựng 2 tiến bộ kỹ thuật cấp cơ sở, gồm: Quy trình kỹ thuật canh tác giống mía mới KK3 cho vùng Tây Nam bộ; Quy trình kỹ thuật canh tác giống mía mới LK92-11 cho vùng Tây Nam bộ.

- Xây dựng được 4 mô hình trình diễn áp dụng kỹ thuật thâm canh trên giống mía mới KK3, LK92-11 cho 4 tỉnh (Long An, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang), mỗi tỉnh 1 mô hình với năng suất từ 119 tấn/ha đến 142 tấn/ha, chữ đường từ 11,66 CCS đến 12,77 CCS, có hiệu quả kinh tế cao, vượt đối chứng trên 13 triệu đồng/ha đến 19 triệu đồng/ha và có khả năng nhân rộng trong sản xuất đại trà.

- Đã lai tạo và chọn lọc được một số dòng lai triển vọng phục vụ cho các bước nghiên cứu tiếp theo, cụ thể:

+ Lai hữu tính 300 cặp lai.

+ Sơ tuyển cây con lai thu được: 198 dòng VN16 có triển vọng trong vụ tơ. Sơ tuyển khi kết thúc chu kỳ (1 vụ mía tơ và 1 vụ mía gốc) thu được tổng số 152 dòng lai có triển vọng ( 41 dòng lai VN13, 29 dòng lai VN14, 82 dòng lai VN15).

+ Chọn dòng bước I khi kết thúc chu kỳ (1 vụ mía tơ và 1 vụ mía gốc) thu được tổng số 28 dòng lai có triển vọng ( 19 dòng lai VN12, 2 dòng lai VN13, 7 dòng lai VN14) và 10 dòng lai VN15 có triển vọng trong vụ mía tơ.

+ Chọn dòng bước II: Thu được 3 dòng VN10 (VN10-316, VN10-331, VN10-233) có triển vọng cho vùng Long An (năng suất từ 108 – 112 tấn/ha, vượt đối chứng 30-38%, CCS trên 11%). Thu được 2 dòng VN11 (VN11-318, VN11- 1884) có triển vọng cho vùng Bến Tre (Năng suất 108 đến 112 tấn/ha, vượt đối chứng trên 20%, CCS trên 11%).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16727/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây