Mỗi giống chè mới có những đặc điểm sinh trưởng và chất lượng nguyên liệu riêng có thể đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật để sản xuất nguyên liệu chế biến một loại sản phẩm hay một nhóm sản phẩm nhất định, theo đó để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nâng cao giá trị hàng hóa ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã chọn tạo những giống chè đáp ứng yêu cầu kĩ thuật để chế biến các loại chè xanh cao cấp thu giá trị lớn.
Giống là yếu tố đầu tiên lựa chọn trong cả chuỗi các công đoạn, qui trình sản xuất ra sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường đã được xác định, nhưng để có hiệu quả trong sản xuất không chỉ chú ý đến giống mà còn chú ý đến kĩ thuật bón phân, chăm sóc, thu hái, thiết bị và chế biến sản phẩm, chỉ trên cơ sở có các giải pháp đồng bộ thì mới có hiệu quả nhưng mong muốn.
Để sản xuất có hiệu quả cần nghiên cứu giá thành các sản phẩm hợp lý phù hợp với sức cầu của thị trường cùng là đòi hỏi phải đa dạng các loại sản phẩm; các công trình nghiên cứu về giống mới và chế biến sản phẩm mới từ các giống chè Kim Tuyên và PH10 tuy đã đạt một số kết quả như đã có quy trình sản xuất chè Ô long từ giống Kim Tuyên, quy trình s ản xuất chè xanh chất lượng cao từ giống Kim Tuyên, PH10 v.v. nhưng kỹ thuật thâm canh với mức năng suất chưa cao 8 - 10 tấn/ha trong khi đó tiềm năng suất các giống mới có thể đạt 12 - 18 tấn/ha; tuy các sản phẩm chè Ô long chế biến từ giống chè Kim Tuyên, và PH10 đáp ứng yêu cầu song chất lượng sản phẩm chưa ổn định về hương, vị ở các thời vụ trong năm, chưa kết luận rõ sử dụng nguyên liệu từng mùa vụ cho chế biến từng loại sản phẩm trong năm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các giống chè mới này có các chỉ tiêu sinh hóa thích hợp chế biến sản phẩm chè đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của sản xuất và thị trường, đó chính là sự cần thiết: Do đó nhóm tác giả gồm Cơ quan chủ trì Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Văn Thư thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng giống chè giống chè Kim Tuyên, PH10 phục vụ xuất khẩu đáp ứng thị trường Nhật Bản và Đài Loan” với mục tiêu Xây dựng được các biện pháp kỹ thuật thâm canh cho giống chè PH10 và Kim Tuyên nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ chế biến các sản phẩm chè xanh, chè Ô long có giá trị hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, đáp ứng thị trường Nhật Bản và Đài Loan.
Hiện tại, Việt Nam đã có trên 10 giống chè được công nhận là giống mới hoặc giống sản xuất thử, trong đó giống PH10, Kim Tuyên khi trồng thử ở một số vùng sinh thái kết quả cho thấy nguyên liệu có thể chế biến các mặt hàng chè xanh chất lượng cao, chè Ô long, v.v. Đề tài lựa chọn các giống này để xây dựng quy trình thâm canh, chế biến các sản phẩm chè xanh, chè Ô long, v.v. tại Phú Thọ, Sơn La, Lâm Đồng. Đề tài kế thừa các quy trình công nghệ chế biến chè xanh Trung Quốc và Nhật Bản với nguyên liệu là giống Kim Tuyên và PH10.
Qua nghiên cứu cho thấy giống chè phù hợp cho chế biến chè đen chất lượng cao là giống có hàm lượng polyphenol cao.... giống chế biến chè xanh chất lượng cao là giống có hàm lượng axit amin cao.... và hiện nay trong bộ giống chè của Việt Nam cũng như trên thế giới có những nhóm giống chuyên để sản xuất chè xanh, chè Ô long và chè đen.
Hiện nay, thị phần tiêu thụ chè đen trên thế giới vẫn chiếm chủ yếu (60 - 70%), ở hầu khắp các nước trên thế giới, thị phần tiêu thụ chè xanh ngày càng tăng (năm 2012 đạt khoảng 40%), chủ yếu ở một số nước: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan... Thị phần tiêu thụ chè Ô long chủ yếu ở một số nước như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam... Như vậy, chè xanh và chè đen là 2 loại sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, hiện nay với chè xanh, chè Ô long đã có rất nhiều sản phẩm chất lượng cao và gắn liền với các địa danh và giống chè nhất định; vì vậy, dể sản xuất chè bền vững hơn và đòi hỏi cần phát triển đa dạng sản phẩm nhằm khai thác hết các thị trường tiêu thụ.
Đối với hiệu quả kinh tế - xã hội, sản xuất chè Ô long đã mang lại những hiệu quả như sản xuất chè Ô long theo quy trình hiện tại có giá thành từ 350.000 - 400.000 đ/kg; với giống chè PH10 theo quy trình nghiên cứu của Đề tài có giá thành bán từ 450.000 - 550.000đ/kg, giá bán tăng 100.000 - 150.000đ/kg. Sản xuất chè xanh chất lượng cao theo quy trình hiện tại có giá bán từ 200.000 - 300.000 đ/kg (giống Kim Tuyên, PH10), theo quy trình nghiên cứu của Đề tài có giá bán từ 350.000 - 450.000 đ/kg, giá bán tăng từ 150.000 đ/kg.
Các mô hình trình diễn thâm canh giống chè PH10, Kim Tuyên có hiệu quả kinh tế đã tăng từ 27,27 - 98,16% so với sản xuất đại trà, năng suất tăng trên 20% so với sản xuất đại trà, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người nông dân trồng chè, phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi.
Hiệu quả xã hội: Thông qua đào tạo tập huấn, tham quan học tập và tiếp cận với các kỹ thuật mới về quy trình sản xuất chè xanh dạng Sencha, chè xanh chất lượng cao, chè Ô long và đã làm thay đổi nhận thức và cách nghĩ của người nông dân trong vùng triển khai đề tài. Tạo công ăn việc làm cho lao động vùng Trung du và miền núi, nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống của người làm chè; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội cho các vùng trồng chè ở Việt Nam.
Hiệu quả môi trường: Cây chè với khả năng che phủ đất bởi bộ khung tán lớn và dày nên sản xuất nguyên liệu chế biến chè xanh dạng Sencha, chè xanh chất lượng cao, chè Ô long đã bảo vệ được môi trường sinh thái, bền vững cho vùng sản xuất chè và đảm bảo sức khỏe cho người lao động, nguyên liệu búp chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do trong quá trình sản xuất chè đã kiểm soát được hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất và áp dụng các biện pháp chống xói mòn, nâng cao độ phì nhiêu của đất.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16857/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc