Ở Việt Nam, gần 90% điện được tiêu thụ bởi khu vực công nghiệp và dân cư nhưng ít ai biết về nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo từ cả doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngay cả khi có sự gia tăng nhận thức và ưu tiên cho năng lượng tái tạo trong thực tế, người sử dụng vẫn cần sẵn sàng trả giá cao hơn cho năng lượng tái tạo khi so với nhiên liệu hóa thạch. Do đó, cần đánh giá nhu cầu năng lượng tái tạo để khám phá các cơ hội và nhân tố thúc đẩy mới từ người mua trong thị trường năng lượng linh hoạt và cạnh tranh sắp tới trong bối cảnh trách nhiệm xã hội và môi trường của người tiêu dùng được nâng cao. Từ đó, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đình Chúc tại Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng mặt trời của hộ gia đình ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019.
Các mục tiêu chính của đề tài bao gồm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) của các hộ gia đình, từ đó nêu rõ những khó khăn về thể chế trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Đề tài đã đi sâu khai thác những nội dung chính như sau:
Nghiên cứu về nhu cầu sử dụng NLMT ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhu cầu lắp đặt hệ thống điện áp mái đang tăng mạnh. Các động lực bên ngoài cho xu hướng này bao gồm: 1) giá mua điện nối lưới hấp dẫn, 2) chi phí đầu tư hệ thống đang giảm dần đến mức hợp lý hơn, 3) thủ tục mua bán điện đang dần được hoàn thiện, tạo thuận lợi hơn cho các hộ dân đô thị này. Nhu cầu này xuất hiện ở các hộ dân có diện mái nhỏ .
Bên cạnh đó, vẫn có những rào cản đối với sự phát triển NLMT mái nhà này. Những rào cản chính bao gồm: 1) chi phí đầu tư còn cao, 2) quy định pháp lý chưa hoàn thiện, chẳng hạn định nghĩa về điện mặt trời áp mái, thủ tục hành chính còn rườm rà, 3) thiếu kiến thức và thông tin về hệ thống NLMT mái nhà.; 4) thiếu các quy chuẩn về sản phẩm, quy trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hệ thống…
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm tiên phong trong việc sử dụng NLMT áp mái ở thành phố Hồ Chí Minh có những đặc trưng cơ bản: 1) Điều kiện kinh tế khá giả, 2) Có hiểu biết về NLTT, 3) Có trình độ học vấn cao, 4) Có nhận thức tốt về bảo vệ môi trường và 5) Thuộc nhóm nam trung niên.
Có thể thấy một xu hướng khá rõ rệt là người sử dụng điện trở thành nhà đầu tư sản xuất điện ở quy mô nhỏ. Xu hướng này cũng khá tương đồng với sự phát triển phi tập trung hóa sản xuất và phân phối điện năng trên thế giới. Nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận xu thế này mà chưa có điều kiện làm rõ hơn. Có điều cần lưu ý, nếu các hộ gia đình có xu hướng ồ tạt tham gia với tư cách nhà đầu tư kiếm lời vào NLMT áp mái, có thể sẽ xuất hiện một số rủi ro trong điều kiện khung khổ pháp lý - kỹ thuật chưa hoàn chỉnh. Chẳng hạn, nhà đầu tư bỏ qua các tiêu chuẩn khắt khe về hạ tầng mái, lựa chọn sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng, hay khả năng giảm trợ giá FIT thay bằng mức giá thị trường thị trường hơn; hay đặt mục tiêu kiếm lời trước mặt thay vì dài hạn….
Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường cần được tiến hành khẩn trương. Phát triển các giải pháp về tài chính và đầu tư cho các hộ gia đình để hạn chế rủi ro kinh doanh. Đồng thời, việc chuẩn hóa các tiêu chí về lắp đặt, kiểm định, thử nghiệm cũng như có chiến lược truyền thông toàn diện làm cơ sở pháp lý và kỹ thuật và công cụ cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của điện mặt trời áp mái của hộ gia đình tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17061/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc