Nghiên cứu đặc điểm nhân trắc đầu mặt ở người Việt Nam để ứng dụng trong y học

Thứ ba - 12/04/2022 22:47 0

Trên thế giới, việc đo đạc đầu mặt cũng như toàn bộ cơ thể đã được thực hiện từ thời Hy Lạp cổ đại và rất nhiều phép đo từ thời cổ đại vẫn được áp dụng trong nhân trắc học hiện đại. Đã có rất nhiều nghiên cứu như: Jacques Joseph (1865 - 1934), nghiên cứu của Brodie (1941), nghiên cứu của Björk (1955), nghiên cứu của Hunter (1966), Popovich và Thompson (1977), nghiên cứu của Farkas (1994), nghiên cứu của Al-Khatib AR, Rajion ZA, Masudi SM và cộng sự (2011) và đã đưa ra được các chỉ số đầu mặt trung bình cho người Caucasian.

Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu đầu mặt nhưng cỡ mẫu còn nhỏ, chưa toàn diện và chưa đại diện như: Phạm Thị Hương Loan và Hoàng Tử Hùng (1999), Lê Đức Lánh (2002), Võ Trương Như Ngọc (2010), Hồ Thị Thùy Trang (2015)…

Trên thế giới hiện cũng đã có một số phần mềm đo đạc đầu mặt tuy nhiên thường sử dụng các chỉ số tham chiếu của người Caucasian và thiên về một tác giả, không đo đạc nghiên cứu tổng thể và có các lựa chọn riêng theo nhu cầu điều trị của bác sỹ.

Từ nhiều thập niên qua, hàng loạt phương pháp phân tích trên phim sọ nghiêng đã ra đời để khảo sát và mô tả các đặc điểm của cấu trúc sọ mặt răng. Tác giả của mỗi phương pháp có một cơ sở lí luận riêng trong việc chọn các điểm chuẩn, mặt phẳng tham chiếu và cách đánh giá đặc điểm hình thái sọ mặt. Các phương pháp này có những đặc trưng khác nhau cũng như ưu và nhược điểm riêng. Nghiên cứu trên ảnh chuẩn hoá mục đích chính là để phần tích mô mềm.

Năm 1849, Hullihen là người đầu tiên mô tả cắt xương hàm dưới vùng cằm bằng đường cắt trong miệng trong sửa biến dạng vùng cằm, cắn hở phía trước và nhô xương ổ răng cửa do sẹo cổ co kéo. Từ đó đã có nhiều tác giả nghiên cứu và đưa ra các kỹ thuật khác nhau. Năm 2007, đường mở xương cải tiến của Puricelli: kéo dài đường mở xương mặt ngoài xương hàm dưới ra trước đến mặt gần răng cối lớn thứ nhất hàm dưới. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm: tăng diện tích tiếp xúc xương, giúp lành thương tốt hơn, sự chồng xương được đảm bảo mà không cản trở vùng cố định xương trong những trường hợp trượt hàm dưới với khoảng cách lớn, giảm lực kháng cơ học, giảm sự chịu lực trên nẹp kết hợp xương, việc kết hợp xương bằng vít và tháo nẹp vít dễ dàng hơn. Phương pháp cải tiến này hiện nay được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong kỹ thuật chẻ dọc cành cao xương hàm dưới hai bên.

Để có được những quyết định đúng đắn cho các can thiệp về hình thái và chức năng ở vùng đầu mặt, cung răng, từ gần hai thế kỷ qua đã liên tục có những cố gắng của nhiều tác giả để tìm hiểu về những quy luật phát triển hình thái đầu mặt và đã khẳng định các chỉ số sọ mặt, cung răng, khuôn mặt có sự khác nhau giữa các chủng tộc, dân tộc, giữa nam và nữ.

Các chỉ số đặc trưng về sọ mặt, cung răng, khuôn mặt và đặc điểm khớp cắn khác nhau giữa các chủng tộc, do vậy khi chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị nên sử dụng các chỉ số của chủng tộc đó. Trường hợp dân tộc nào chưa có được các chỉ số trung bình riêng, cần lựa chon các chỉ số trung bình trong các nghiên cứu trên các dân tộc cùng chủng tộc với mình. Hình thái đầu mặt là yếu tố quan trọng trong nhận dạng con người. Ứng dụng trong hội họa, điêu khắc, bảo hộ lao động, an toàn giao thông, thời trang và y học.

Ở Việt Nam đã có một vài công trình nghiên cứu về nhân trắc đầu mặt nhưng còn một số hạn chế, chưa có nghiên cứu nào có cỡ mẫu lớn và nghiên cứu sâu về các chỉ số nhân trắc của người Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn trên nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Y Hà Nội cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Trương Mạnh Dũng thực hiện Nghiên cứu đặc điểm nhân trắc đầu mặt ở người Việt Nam để ứng dụng trong y học với mục tiêu: Xác định đặc điểm nhân trắc đầu mặt ở người Việt Nam; Xây dựng phần mềm phân tích và dự đoán hình thái đầu mặt ở người Việt Nam; Đề xuất quy trình ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong điều trị một số bất thường vùng hàm mặt.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đặc điểm nhân trắc đầu mặt ở người Việt Nam qua 4 nhóm dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường:

Đặc điểm nhân trắc đầu mặt ở trẻ em 7 tuổi

- Các kích thước ở nam thường lớn hơn nữ.

- Các tỷ lệ và chỉ số thường không có sự khác biệt giữa nam và nữ

- Các góc mô mềm nữ có xu hướng lớn hơn nam (góc Li- B- Pg và Gl-Sn-Pg không có sự khác biệt).

- Kích thước chiều rộng mắt ở trẻ khu vực đồng bằng lớn hơn khu vực miền núi.

- Cung răng hình oval và khớp cắn loại I chiếm xu thế chính

- Các răng cửa hàm trên có xu hướng nghiêng xa và thẳng.

- Tỷ lệ đạt chuẩn tân cổ điển thấp

- Các kích thước và chỉ số của người Việt Nam có sự khác biệt so với người Caucasian và một số dân tộc khác ở Châu Á.

Đặc điểm nhân trắc đầu mặt ở trẻ em 12 tuổi

- Các kích thước ở nam thường lớn hơn nữ.

- Các chỉ số ở nam > nữ

- Các góc mô mềm nữ có xu hướng lớn hơn nam

- Đa số các kích thước ở trẻ khu vực đồng bằng lớn hơn khu vực miền núi.

- Cung răng hình oval và khớp cắn loại I chiếm xu thế chính

- Các răng cửa hàm trên có xu hướng nghiêng xa và thẳng.

- Tỷ lệ đạt chuẩn tân cổ điển thấp

- Các kích thước và chỉ số của người Việt Nam có sự khác biệt so với người Caucasian và một số dân tộc khác ở Châu Á.

Phần mềm phân tích và dự đoán hình thái đầu mặt ở người Việt Nam:

Hệ thống phần mềm hỗ trợ phân tích hình thái đầu mặt dùng trong nghiên cứu và dự báo tiến triển các đặc trưng sinh trắc học của người Việt nam được xây dựng bao gồm nhiều phân hệ riêng. Các phân hệ này có mối quan hệ chặt chẽ và mỗi phân hệ có thể là tiền đề để thực hiện các phân hệ tiếp theo. Các phân hệ chính bao gồm: phân hệ Tiền xử lý dữ liệu, phân hệ Đọc ảnh, phân hệ Chuẩn hóa ảnh, phân hệ Đo đạc các chỉ số sinh trắc học, phân hệ Xây dựng mẫu hình dạng cho các đối tượng thường dùng, phân hệ Thống kê, phân hệ Quản lý

Phần mềm đã đáp ứng được các yêu cầu sử dụng được đặt ra trong nghiên cứu từ các chuyên gia trong lĩnh vực phân tích hình thái đầu mặt và thực hành chăm sóc răng miệng. Giao diện được thiết kế thân thiện dễ sử dụng, sử dụng các màu sắc trung tính để người dùng có thể làm việc tập trung trong thời gian dài.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng phần mềm phân tích hình thái đầu mặt cho ngƣời Việt Nam” dựa trên tính chất và đặc thù của việc nghiên cứu hình thái đầu mặt của người Việt, để xây dựng công cụ hỗ trợ cho người sử dụng trong việc truy xuất dữ liệu từ hệ thống để phục vụ nghiên cứu hoặc tính toán. Đây cũng là nền tảng để phát triển các ứng dụng khác có sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến và các dữ liệu về đặt điểm sinh trắc học đầu mặt của người Việt trong tương lai.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17139/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây