Làm giàu bằng Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng
Chủ nhật - 30/01/2022 21:023340
Những năm gần đây phong trào phát triển kinh tế vườn đồi là thế mạnh và được người dân khu vực miền núi hưởng ứng tích cực. Nhiều hộ nông dân đã có cách làm hay, sáng tạo; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi và áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp. Là người từng sinh sống và làm nghề chăn nuôi, trồng rừng ở nơi đây hàng chục năm qua; ông Đậu Thanh Trúc tại xóm Hưng Hòa, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ, Nghệ An luôn nhạy bén và biết cách tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bằng kinh nghiệm tích lũy được, ông đã thành công khi quyết định phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả kết hợp với trồng rừng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn đồi ông Trúc cho biết: Nghề nông khá vất vả và nhiều rủi ro nên phải thật kiên trì và phải bám lấy nghề thì mới có cơ hội thành công. Hiện nay, gia đình ông đang duy trì chăn nuôi lợn với quy mô 05 con lợn nái lai F1và 30 con lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng. Bên cạnh đó ông còn nuôi 150 con gà thả vườn; trồng 3 sào cỏ VA06 và ngô sinh khối để nuôi 02 con bò sinh sản và nuôi 02 con trâu thịt vỗ béo mỗi lứa, trung bình mỗi năm xuất bán 8 con trâu bò thu về khoảng 150 triệu đòng. Diện tích mảnh đồi rộng hơn 3ha ông tiến hành trồng 2 ha cây keo lai, trung bình 5 – 6 năm bán được khoảng 150 triệu đồng
Chia sẻ về cách tổ chức sản xuất của gia đình ông Đậu Thanh Trúc cho biết thêm: Chăn nuôi là nghề truyền thống đã gắn bó với gia đình ông từ nhiều năm nay, trong quá trình làm ông cũng đã trải qua nhiều lần thất bại vì dịch bệnh và giá cả thị trường bấp bênh không đoán được. Vì thế, trong phát triển kinh tế hộ gia đình cần đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi cũng như tìm hiểu về khoa học kỹ thuật để đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Đối với cây trồng phải thực hiện tốt việc cải tạo đất, tạo độ phì cho đất, ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón cho cây. Đối với chăn nuôi cần làm tốt việc vệ sinh, làm sạch; tiêu độc khử trùng chuồng nuôi định kỳ và sau mỗi đợt xuất bán; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo khuyến cáo của thú y thì mới đảm bảo được an toàn dịch bệnh, hạn chế được việc dùng kháng sinh và từ đó năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn. Để hạn chế mùi hôi từ chuông trại ông đã tăng cường việc sử dụng men tiêu hóa bổ sung vào thức ăn nước uống cho con vật; sử dụng hầm bioga trong chăn nuôi lợn; dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà sẽ xử lý được môi trường, hạn chế mùi hôi chuồng trại.
Cùng với hệ thống chuồng nuôi và vườn cây ăn quả ông còn đào ao để vừa thả cá, vừa phục vụ cho việc tưới tiêu, đồng thời góp phần điều hòa tiểu khí hậu cho khu vực trang trại được tốt hơn mà đặc biệt là mùa nắng nóng. Bên cạnh đó với vườn cây ăn quả rộng khoảng 1 ha trồng 400 gốc bưởi da xanh và ổi Đài Loan, đây là những giống cây ăn quả mới mà ông đang thử nghiệm trên vùng đất này. Nhờ được trồng, chăm bón đúng kỹ thuật đã được tư vấn nên cây sinh trưởng và phát triển tốt đến nay đã bắt đầu ra trái và cho thu nhập. Nói về mô hình làm kinh tế của ông Đậu Thanh Trúc, ông Đào Công Nam, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Bác Trúc là người có sở thích chăn nuôi, làm vườn và trồng rừng, thường hay đi học tập và tìm hiểu những cách làm mới để về áp dụng vào sản xuất. Ông luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con và là địa chỉ để nhiều người đến tham quan học tập. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông là một hướng đi khá hiệu quả và có tính bền vững; đã khai thác được tiềm năng lợi thế và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng đất nơi đây.
Qua cách tổ chức sản xuất và làm ăn của bác Đậu Thanh Trúc cho thấy, trong phát triển kinh tế nông hộ nếu người nông dân mạnh dạn áp tiến bộ kỹ thuật, tìm cho mình một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện đầu tư và tình hình thực tế. Đồng thời nắm bắt được xu hướng thị trường đầu ra của sản phẩm thì sẽ nâng cao được thu nhập và phát triển nghề một cách ổn định.
Chia tay gia đình ông Trúc, chúng tôi nhân thấy ở con người ông một sự đam mê và hăng say lao động, một người nông dân ham học hỏi và luôn cố gắng vươn lên để xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Mong rằng, mô hình làm kinh tế của ông sẽ tiếp tục phát triển bền vững, nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương; góp phần tích cực trong phát triển kinh tế và xây dựng Nông thôn mới hiện nay