Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của khối các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam
Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ (K...
Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu là rất quan trọng. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định rõ tổ chức KH&CN bao gồm các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được tổ chức theo quy định của Luật giáo dục ĐH.
Quyết định số 1244/2011/QĐ-TTg xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015 chỉ ra định hướng phát triển 3000 DN KH&CN, trong đó số lượng doanh nghiệp (DN) KH&CN hình thành từ các trường ĐH, viện NC chiếm khoảng 70%; tăng giá trị giao dịch công nghệ thành công trên thị trường KH&CN đạt bình quân từ 15 - 17%/năm. Các trường ĐH, đặc biệt là các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực không chỉ cung cấp nhân lực mà còn cung cấp các hàng hóa công nghệ cho thị trường KH&CN. Nhiều mô hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN cũng hình thành trên cơ sở hoạt động của các trường ĐH (chẳng hạn như tổ chức đánh giá khoa học và định giá công nghệ, tổ chức tư vấn dịch vụ…). Các DN khởi nghiệp dựa trên nền tảng là những sản phẩm KH&CN của các trường ĐH có vai trò năng động trong thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mưới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp trong các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên ở các trường ĐH có tác động tích cực đối với phát triển thị trường KH&CN của cả nước.
Thực tiễn kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, thương mại hóa (TMH) các sản phẩm KH&CN là con đường ngắn nhất và có hiệu quả cao đưa tri thức từ các trường ĐH vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Đây là một phương thức cơ bản mà các trường ĐH có thể đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, phân tích tại Việt Nam lại chỉ ra TMH sản phẩm KH&CN nói chung trong đó bao gồm các kết quả KH&CN của các trường ĐH còn hạn chế (cả về số lượng và chất lượng).
Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy nhà nước có sự quan tâm đầu tư cho KH&CN ở các trường ĐH. Số liệu công bố trong ấn phẩm “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014” của Bộ KH&CN cho thấy, chi tiêu cho NC&PT năm 2013 của các trường ĐH, viện NC lên 2 đến 5533,1 tỷ đồng, trong đó cấp từ NSNN chiếm đa số ở mức 4282,1 tỷ đồng (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2015). Tuy nhiên các KQNC từ các trường ĐH thường không được TMH ra thị trường cho địa phương và DN. Mặt khác, một số kết quả được chuyển giao TMH xong dưới dạng phi chính thức, nhà nước không thu được thuế, và công tác định giá hoạt động TMH này chưa có kết quả.
Vì những lý do đó, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Vũ Tuấn Anh để thực hiện “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thương mại hóa sản phẩm KH&CN của khối các trường ĐH kỹ thuật ở Việt Nam” cần thiết được triển khai thực hiện. Với mục tiêu: trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp TMH sản phẩm KH&CN của khối các trường ĐH kỹ thuật ở Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã tập trung giải quyết được những vấn đề chủ yếu như sau:Thứ nhất là, nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về TMH sản phẩm KH&CN của các trường ĐH. Làm rõ những khái niệm có liên quan đến chủ đề nghiên cứu; những phương thức và kênh TMH sản phẩm KH&CN của các trường ĐH; phân tích tác động của TMH sản phẩm KH&CN đối với phát triển KH&CN và phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai là, phân tích và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về TMH sản phẩm KH&CN của các trường ĐH tại 12 quốc gia được lựa chọn nghiên cứu thuộc các khu vực Châu Á, Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp vận dụng kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam. Thứ ba là, nghiên cứu về bối cảnh tác động đến hoạt động TMH sản phẩm KH&CN của các trường ĐH kỹ thuật ở Việt Nam như cơ chế chính sách (của nhà nước và của các nhà trường), những vấn đề về tổ chức trung gian để THM, về nhu cầu nhận chuyển chuyển giao sản phẩm KH&CN của trường ĐH, nhu cầu khởi nghiệp ĐMST. Những bối cảnh này có tác động mạnh mẽ đến tình hình TMH sản phẩm KH&CN của các trường ĐH kỹ thuật. Thứ tư là, nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động TMH sản phẩm KH&CN của các trường ĐH kỹ thuật ở Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động TMH và chuyển giao sản phẩm KH&CN của các trường ĐH kỹ thuật. Thứ năm là, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động TMH sản phẩm KH&CN của khối trường ĐH kỹ thuật Việt Nam, bao gồm giải pháp về mô hình (03 mô hình lý thuyết để TMH và chuyển giao KQNC) và giải pháp về cơ chế chính sách (thúc đẩy cung - cầu, tổ chức trung gian và khởi nghiệp ĐMST). Các mô hình lý thuyết đã bước đầu được triển khai thử nghiệm trong thực tế./.