Phát động Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022”

Thứ tư - 18/05/2022 04:32 0

Ngày 18/4, tại hội trường Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022”.

Tham dự Lễ phát động Finnovation 2022 có ông Lê Xuân Định - Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Trưởng ban tổ chức; ông Lê Vũ Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Bộ KH&CN, Phó Trưởng Ban tổ chức thường trực; ông Trương Ngọc Kiểm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên ban tổ chức; Bà Phùng Diệu Hương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành viên Ban tổ chức cùng sự tham gia của đại diện hơn 20 trường đại học trên cả nước. Bên cạnh đó sự kiện có sự tham dự của đại diện các vườn ươm, quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, ĐMST, chuyển đổi số. Đặc biệt, ngay trong ngày phát động Finnovation 2022 đã có hơn 150 sinh viên trên địa bàn Hà Nội tới tham dự để sẵn sàng đăng ký tham gia cuộc thi.

Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng chào mừng Ngày ĐMST thế giới (21/4), Ngày SHTT thế giới (26/4) với chủ đề: “SHTT, ĐMST và Thế hệ trẻ: ĐMST vì một tương lại tốt đẹp hơn” do Bộ KH&CN phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo và phát động.

Cuộc thi cũng là một dự án hưởng ứng Chương trình “Chắp cánh sinh viên khởi nghiệp” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết: Cuộc thi Finnovation 2022 với mục đích phổ biến, nâng cao nhận thức của xã hội về ĐMST và SHTT trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đưa nhanh những ý tưởng kinh doanh độc đáo xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh ở khu vực và toàn cầu.

Cuộc thi hướng đến việc xây dựng một Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Finnovation đa lĩnh vực có quy mô quốc tế, trong đó lấy công nghệ, ĐMST làm phương tiện, lấy lực lượng trẻ, sinh viên làm nòng cốt và lấy lợi ích cộng đồng, xã hội làm định hướng sáng tạo. Tham gia Cuộc thi sẽ giúp các cá nhân, nhóm sinh viên có cơ hội giới thiệu ý tưởng, mô hình kinh doanh tiềm năng với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Fintech để nhận được sự đồng hành, hỗ trợ hoàn thiện dự án, pháp lý doanh nghiệp và SHTT, cùng cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn khởi nguồn, thương mại hóa sản phẩm/dịch vụ.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết chia sẻ tại Lễ phát động: cuộc thi sẽ là cơ hội chắp cánh cho những ý tưởng, ước mơ khởi nghiệp của các bạn sinh viên, đồng thời là cầu nối giữa thanh niên, sinh viên và doanh nhân thành đạt để các bạn được học hỏi kinh nghiệm thành công, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực.

Theo ông Nguyễn Minh Triết, sinh viên là những người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng nhanh nhạy về tư duy, tiếp cận nhanh với công nghệ mới, sáng tạo không ngừng, tràn đầy năng lượng, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu, vì vậy việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho thanh niên, sinh viên trong phong trào khởi nghiệp có vai trò quan trọng quyết định một phần không nhỏ trong sự phát triển của một quốc gia.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho hay: Chúng ta không chỉ nhằm vào các doanh nghiệp gọi vốn, phát triển thị trường, mà chúng ta phải nuôi những “mầm” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng chính là ý nghĩa của cuộc thi này.

Cuộc thi Finnovation 2022 diễn ra từ 18/4 đến 12/8/2022 (kết hợp các hoạt động trực tiếp và trực tuyến), với mục tiêu tuyển chọn được ít nhất 100 dự án sinh viên vào vòng 1, 30 dự án vào vòng 2 và 10 dự án vào vòng chung kết.

Ở vòng sơ khảo (từ 18/4 đến 15/6/2022), các tác giả/nhóm tác giả đăng ký và nộp hồ sơ dự án tại cổng thông tin chính thức của cuộc thi: https://finnovation247.com. Ban Tổ chức sẽ chọn ra 30 dự án đi tiếp, gồm 25 dự án đạt số điểm cao nhất từ Ban Giám khảo và 5 dự án được cộng đồng bình chọn thông qua cổng thông tin của cuộc thi. Nếu trong 5 dự án được bình chọn cao nhất có dự án nằm trong số 25 dự án được Ban Giám khảo chấm chọn thì Ban Tổ chức sẽ dành quyền đi tiếp cho dự án có số bình chọn cao tiếp theo.

Ở vòng 2 (vòng huấn luyện), từ ngày 20/6 đến 20/7, các đội thi sẽ được đào tạo, huấn luyện những kiến thức, kỹ năng cần thiết như: xác định mục tiêu, tầm nhìn, giá trị; xác định vấn đề, giải pháp cốt lõi; xây dựng đội nhóm, lãnh đạo; SHTT, thiết kế mô hình kinh doanh; xây dựng sản phẩm; xây dựng thương hiệu; đo lường tiến độ dự án; gọi vốn…

Các huấn luyện viên sẽ tiến hành đánh giá, chấm điểm kết quả và tiến độ triển khai dự án của các đội thi để tìm ra 20 đội xuất sắc đi tiếp vào vòng 3 - vòng chung kết. Ở giai đoạn 1 - Pitching (từ 25 đến 30/7), các đội thi trình bày trước Hội đồng giám khảo về dự án, và 5 đội có số điểm cao nhất sẽ bước vào đêm chung kết (12/8) để tìm ra đội vô địch.

Ngày 15/4/2022, Cục SHTT đã tổ chức Toạ đàm “Thực trạng nguồn nhân lực SHTT tại các cơ quan thực thi quyền SHTT tại Việt Nam”. Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng tham dự và chủ trì Toạ đàm.

Toạ đàm “Thực trạng nguồn nhân lực SHTT tại các cơ quan thực thi quyền SHTT tại Việt Nam” được tổ chức nhằm mục đích đánh giá thực trạng của công tác phát triển nguồn nhân lực SHTT tại các cơ quan thực thi quyền SHTT, xác định cơ sở cho việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT của Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030. Tham dự Toạ đàm có Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về SHTT đến từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, Vụ Tổ chức cán bộ - Toà án Nhân dân tối cao, Cục Giám sát Quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát kinh tế, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học SHTT. Toạ đàm còn có sự tham gia của Lãnh đạo và đại diện của hai cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT là Cục Bản quyền tác giả và Cục Trồng trọt.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng nêu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT, trong bối cảnh các nhu cầu và đòi hỏi của xã hội đối với hệ thống SHTT ngày càng tăng cao. Với sự tham gia phối hợp của các cơ quan thực thi quyền SHTT, một nhóm chủ thể quan trọng của đề án, ông tin tưởng đề án sẽ đạt được hiệu quả thực chất, góp phần nâng cao năng lực của cả hệ thống SHTT.

Tại Toạ đàm, đại diện của Nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án đã trình bày kết quả sơ bộ của hoạt động khảo sát và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về nguồn nhân lực SHTT, qua đó cho thấy bức tranh tổng quan về công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực của cả hệ thống SHTT nói chung. Các vấn đề: thiếu hụt về số lượng; chưa đáp ứng về chất lượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về SHTT; hình thức đào tạo, bồi dưỡng chưa đa dạng, chưa phù hợp; hiệu quả còn khá hạn chế; v.v.. Những vấn đề này được khảo sát chỉ ra khá rõ nét và cụ thể.

Đặc biệt, các chuyên gia đến từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Vụ Tổ chức cán bộ (Toà án Nhân dân tối cao), Cục Cảnh sát kinh tế, Viện Khoa học SHTT và Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi sâu về thực trạng nguồn nhân lực SHTT của hệ thống các cơ quan này, từ Trung ương xuống địa phương. Các chuyên gia chia sẻ những hạn chế về nguồn nhân lực SHTT trong các cơ quan thực thi quyền SHTT và cho rằng thực tế nguồn nhân lực như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, nhất là khi các vụ việc xâm phạm quyền SHTT ngày càng tăng với tính chất, mức độ phức tạp hơn. Bên cạnh đó, những khó khăn về số lượng biên chế với yêu cầu tiếp tục tinh giản, cơ chế luân chuyển cán bộ càng khiến việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về SHTT trở nên khó khăn hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về SHTT được triển khai một cách hạn chế, không phải là cá biệt trường hợp cán bộ trực tiếp xử lý công việc về SHTT chưa được đào tạo cả nội dung cơ bản lẫn chuyên sâu về SHTT. Các chuyên gia rất tâm huyết trong việc đề xuất những giải pháp, từ đề xuất bổ sung biên chế, cơ chế đặc thù riêng về luân chuyển cán bộ đối với cán bộ chuyên trách về SHTT, xác định rõ những yêu cầu đối với cán bộ theo từng vị trí việc làm cụ thể đến việc phát triển đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng với việc xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi, tài liệu và giáo trình về SHTT có chất lượng gắn với công tác nghiệp vụ.

Các chuyên gia đều thể hiện mong muốn việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT được thực hiện một cách hiệu quả, thực chất và khả thi, góp phần nâng cao năng lực của hệ thống SHTT quốc gia nói chung, hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT nói riêng. Cụ thể, Đề án sau khi được phê duyệt sẽ là một cơ sở quan trọng với những đề xuất phù hợp, hiệu quả cho từng cơ quan thực thi quyền SHTT xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT của mình đảm bảo tính khả thi cao.

Tọa đàm đã kết thúc thành công sau một ngày làm việc sôi nổi, hiệu quả và đầy tâm huyết của các chuyên gia./.

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây