Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu rất phù hợp với các điều kiện sẵn có của Việt Nam, sản phẩm nấm ăn nấm dược liệu đã được Thủ tướng phê duyệt nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 theo quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay ngành nấm Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập đặc biệt là về mặt chủng giống, công nghệ nuôi trồng và công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Nhằm giải quyết được phần nào các thực trạng nêu trên, ThS. Lê Quang Thái cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu áp dụng kết hợp công nghệ tưới CNL và chiếu tia cực tím trong nuôi trồng nấm Dictyophora Indusiata” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019.
Đề tài nhằm mục tiêu kết hợp công nghệ tưới CNL và chiếu tia cực tím trong quá trình nuôi trồng nấm Dictyophora indusiata (nấm Nữ Hoàng) nhằm nâng cao giá trị của nấm.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
- Đã tạo ra một hướng ứng dụng mới trong việc sử dụng các tác nhân vật lý trong việc gia tăng hàm lượng dược liệu cho các loại nấm dược liệu cũng như nấm ăn. Các kết quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi trồng nấm tạo động lực mạnh mẽ hơn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, một xu thế đang được Đảng, nhà nước và toàn xã hội quan tâm, khuyến khích.
- Đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp (rơm rạ, bông phế thải) trong việc nuôi trồng nấm, từ đó giảm bớt gánh nặng môi trường mà Việt Nam đang gặp phải với vai trò là một nước hang đầu thế giới về sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài là một loại nấm ăn mới với hàm lượng dược liệu cao, đóng góp vào sự đa dạng của các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu phụ vụ người tiêu dùng.
Nấm ăn và nấm dược liệu được chính phủ công nhận là sản phẩm trọng điểm quốc gia cho đến năm 2020. Các kết quả của đề tài đóng góp một phần nhất định trong việc phát triển và khai thác nguồn lợi nấm ăn và nấm dược liệu sẵn có của Việt Nam. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng cũng tạo sức cạnh tranh của thương hiệu nấm Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16733/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
Ý kiến bạn đọc