Công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ tư - 27/10/2021 20:58 0
Những năm gần một số cơ quan, đơn vị các cấp, các tổ chức, cá nhân sản xuất nông, lâm, thủy sản đã thực hiện các giải pháp để tăng cường chất lượng sản phẩm như: Áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng sản xuất theo thực hành nông nghiệp tốt, đã tạo ra một số mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt. Theo số liệu tổng hợp đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 42 mô hình với diện tích 297 ha sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn được công nhận VietGAP; 33 mô hình, với quy mô 28.908 con gia súc, gia cầm chăn nuôi theo tiêu chuẩn được công nhận VietGAHP; 18 vùng có quy mô 293,8 ha nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn đang đơn lẻ, phân tán, mới tập trung công đoạn sản xuất ban đầu, chưa tạo ra được chuỗi liên kết sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Các mô hình hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hiệu quả chưa cao, không được duy trì; tỷ lệ mô hình áp dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt đang rất thấp so với yêu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thực phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn đối với thực phẩm phục vụ con người. Việc quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản giữ vai trò rất quan trọng. Những năm qua ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp trong quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Theo thống kê toàn tỉnh Nghệ An có 23.748 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã được phân cấp cho 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) quản lý.

Cấp tỉnh quản lý 2.144 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản là các đối tượng thuộc diện phải thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là các tổ chức. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã cấp 1.768 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên 2.144 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đạt 82,7%.
Cấp huyện, xã quản lý 21.604 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản là đối tượng không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thực hiện ký cam kết an toàn thực phẩm). Đến năm 2020, các huyện, xã đã thực hiện ký cam kết an toàn thực phẩm cho 9.648 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, đạt 45%.
Đối với công tác kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, tỷ lệ mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều. Các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến thực phẩm sử dụng các chất cấm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng khá phổ biến.
http://vfa.gov.vn/data/PHUNGHA_VFA/xuphatantoanthucpham1.jpg
Từ năm 2015 - 2020, ngành Nông nghiệp đã thực hiện lấy mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại các vùng trồng, nuôi, chế biến, bảo quản, chợ, cửa hàng, phương tiện vận chuyển để kiểm nghiệm chất lượng, với số lượng 9.658 mẫu. Kết quả phân tích có 71 mẫu gạo và rau các loại chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật  chiếm 0,7% (so tổng mẫu kiểm nghiệm), trong đó rau, quả có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ lớn hơn gạo, đặc biệt một số mẫu có chứa một số hoạt chất bị cấm sử dụng tại Việt Nam: Methamidophos (rau muống), Endosulfan (gạo), Monocrotophos (rau lộc quế). Mẫu thịt, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, nước, kết quả phân tích cho thấy một số chỉ tiêu mất an toàn thực phẩm ở một số loại mẫu còn chiếm tỷ lệ khá cao, như chỉ tiêu Salmonella trong mẫu lau thịt lợn là 30,1% so tỷ lệ mẫu thịt kiểm nghiệm (chủ yếu những năm 2015-2017), tổng vi khuẩn hiếu khí lau thân thịt lợn vượt mức cho phép là 78,9% (mẫu thịt kiểm nghiệm), chỉ tiêu E. coli trong mẫu rửa thịt gà vượt mức cho phép là 20,2% (mẫu thịt kiểm nghiệm). Đặc biệt mẫu lau dao thớt lấy tại chợ và phương tiện vận chuyển không đạt yêu cầu ở mức tỷ lệ rất cao, lên đến 70-80% (chủ yếu bị chỉ tiêu vi khuẩn).
Mặc dù trong thời gian qua công tác quản lý an toàn thực phẩm được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực nhưng qua kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn vẫn phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, tồn dư chất tăng trọng, chất bảo quản trong thịt, cá,....
Hồng Anh
 
 Tags: đơn vị, cơ quan

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây