Xây dựng mô hình trồng cây Khôi nhung tía
Vừa qua, UBND huyện Tương Dương đã triển khai Xây dựng mô hình trồng cây Khôi nhung tía dưới tán rừng, góp phần phát triển trồng cây dược liệu tại địa phương và phát triển về kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Yên Hòa, huyện Tương Dương.
Cây Khôi nhung (Khôi tía) tên khác: Cơm nguội rừng, Động lực, Đơn tướng quân. Tên khoa học có tên gọi là Ardisia silvestris Pitard. Là một loại thực vật có hoa trong họ Anh Thảo được đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mường... khai thác và sử dụng để chữa đau dạ dày từ lâu đời. Cây nhỏ, mọc thẳng đứng, cao chừng 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá tập trung ở đầu ngọn, mọc so le, phiến lá nguyên, có răng cưa nhỏ và mịn, thon dài 15 - 40 cm, rộng 6 - 12 cm; mặt trên mầu lục sẫm, mịn như nhung, mặt dưới màu tím đỏ, gân nổi hình mạng lưới, hoa mọc thành chùm, màu trắng pha hồng tím, gồm 3 lá đài và 3 cánh hoa. Quả mọng, hình cầu, đường kính 7 - 8mm, có điểm tuyến, 1 hạt, hạt hình cầu, lõm ở gốc. khi chín có màu đỏ. Lá khôi nhung hay còn gọi là lá khôi tía, lá khôi, cây đơn tướng quân, cây độc lực hoặc cây xăng sê... là dược liệu quý, vị chua, tính hàn, mọc hoang ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cây dược liệu này được người dân dùng trong chữa chứng viêm loét dạ dày tá tràng, dị ứng, nổi mề đay mẩn ngứa…
Thông qua việc triển khai mô hình, đã xây dựng thành công mô hình trồng 1ha cây Khôi tía dưới tán rừng; Tập huấn kỹ thuật cho 15 người dân tiếp thu và làm chủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế dược liệu Khôi tía. Năng suất đạt 8,5 tấn lá Khôi tía tươi/ha, sơ chế được 4 tấn dược liệu Khôi tía.
Để triển khai mô hình, UBND xã Yên Hòa, huyện Tương Dương đã phối hợp với BQL bản Cọoc đã tổ chức điều tra, khảo sát lựa chọn các hộ tham gia xây dựng mô hình cây Khôi nhung tía, lựa chọn được 10 hộ đủ điều kiện, đảm bảo các tiêu chí chọn hộ tham gia mô hình.
Tham gia mô hình, các hộ được cung cấp cây giống với số lượng cây giống đã cấp là 9.240 (báo gồm cả trồng dặm 10%); Cung cấp vật tư gồm phân chuồng hoai mục 10 tấn/ha; Phân vi sinh 400 kg; Phân NPK 500 kg; Ổng nhựa mềm dẫn nước tưới100 m; Thùng tưới U roa 5 cái.
Huyện đã chỉ đạo UBND xã Yên Hòa đã hợp đồng với Trường Đại học Vinh tổ chức lớp tập huấn trồng, chăm sóc, thu hái và nhân rộng cây khôi nhung tía nhằm cung cấp cho cán bộ và người dân các thông tin cơ bản về giá trị của lá khôi và cây khôi tía (giá trị dược liệu, giá cả thị trường); Cung cấp thông tin và thảo luận với cán bộ và người dân để củng cố các kiến thức, kỹ năng nhận biết nhanh cây khôi tía trong tự nhiên, đánh giá được điều kiện đất đai, môi trường… phù hợp với cây khôi tía thông qua các đặc điểm sinh thái chính; Cung cấp và chia sẻ các kiến thức, kỹ năng chọn giống, nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái cây khôi tía dưới tán rừng sản xuất ở miền Tây Nghệ An; Thực hành và chia sẻ các kỹ năng trong chọn giống, nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái cây khôi tía dưới tán rừng sản xuất. Đồng thời, UBND xã chỉ đạo cán bộ Nông nghiệp phối hợp với BQL bản Cọoc và hộ gia đình tiến hành kiểm tra thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung triển khai đúng quy định.
Nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có và phát huy những thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Nhu cầu sử dụng cây dược liệu như quế, hồi, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, khôi nhung... đang có xu hướng gia tăng, giúp người dân đầu tư vào cây dược liệu thu lại lợi nhuận cao. Với những công dụng của cây Khôi nhung, giá bán trên thị trường hiện nay lá tươi từ 20.000-30.000đ/kg; Lá khô 180.000-250.000đ/kg. Mỗi cây thu hái đạt tầm 300- 500gr lá tươi, với diện tích 1ha sẽ thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng/vụ. Nếu chăm sóc tốt, một năm cây cho thu hoạch lá 2 - 3 lần. Ước tỉnh tổng giá trị 80 triệu đến 120 triệu/năm/ha (Chưa tính đến giá trị của việc nhân giống). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên và thuốc từ dược liệu, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước. Vì thế, việc triển khai mô hình có ý nghĩa lớn. Cây khôi nhung có thể trồng xen dưới tán rừng lâm nghiệp, thời gian được thu hoạch nhanh, giá trị kinh tế cao, người dân có thể tận dụng diện tích đất để trồng tạo việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nguyễn Quốc Lý - UBND huyện Tương Dương