Gắn công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi tập trung giúp ngành chăn nuôi Nghệ An đạt kết quả cao
Đàn gia cầm luôn chiếm giữ vị trí chủ đạo trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm dồi dào cho tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp tổ chức chăn nuôi gia cầm thông minh đã, đang được áp dụng mạnh mẽ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Sở hữu tổng đàn gia súc, gia cầm tốp đầu cả nước, Nghệ An phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, hệ thống các loại vật nuôi rất đa dạng. Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy tổng đàn trâu, bò ước đạt 778.000 con; đàn lợn 1.000.000 con; gia cầm 30.000.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 270.000 tấn; sản lượng sữa bò tươi 250.000 tấn; trứng 642.000 nghìn quả…
Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn mà còn hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như đòi hỏi nguồn vốn lớn và quỹ đất rộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Dưới định hướng của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, tỉnh Nghệ An và toàn ngành chăn nuôi đã lĩnh hội sâu sát, qua đó xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản và triển khai sâu rộng đến từng cơ sở. Những năm qua ngành chăn nuôi Nghệ An thực sự chuyển biến tích cực, năng suất và chất lượng các loại sản phẩm không ngừng nâng lên, đến nay đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị giai đoạn 2010-2020 đạt 5,97%/năm, riêng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2020 đạt 47,55%. Những con số đưa ra dẫu khô khan nhưng đủ khẳng định quá trình tái cơ cấu ngành đang chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo đủ các yếu tố của xu thế “Nông nghiệp 4.0”.
Để nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, việc thúc đẩy “Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm” trong thời gian tới là nhu cầu rất cấp thiết. Trên tinh thần đó, ngành chăn nuôi Nghệ An đề ra các mục tiêu trọng tâm sau: Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2025 đạt 334.000 tấn, năm 2030 đạt 412.000 tấn; sản lượng sữa tươi đến năm 2025 đạt 350.000 tấn, năm 2030 đạt 450.000 tấn; tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đến năm 2025 đạt 40-50%, năm 2030 đạt 70-80%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt đến năm 2025 đạt 20-25%, năm 2030 đạt 30-35%; giá trị xuất khẩu sản phẩm đến năm 2025 đạt 20 triệu USD, năm 2030 đạt 35 triệu USD.
Ở khía cạnh định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đối với thị trường trong nước Nghệ An xác định phải sớm khắc phục hạn chế, tồn tại của các phương thức, kênh tiêu thụ, “giảm các khâu trung gian” để nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng các phương thức tiêu thụ qua kênh hiện đại, sàn giao dịch điện tử, ứng dụng mã QR, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Đối với thị trường xuất khẩu, một mặt sẽ phát huy, làm mới thị trường truyền thống, mặt khác sẽ “đa dạng hóa”, lấn sân đến các bến đỗ tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, các nước ASEAN, thị trường châu Âu (EU) và Hoa Kỳ.
Phương án đưa ra phải song hành với nhiệm vụ, giải pháp. Trước tiên, Nghệ An xác định tập trung phát triển các loại vật nuôi nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đối với chăn nuôi lợn, dự báo thời gian tới tổng đàn sẽ chuyển dịch mạnh theo hình thức chăn nuôi tập trung, công nghiệp. Đến năm 2030, có khoảng 800.000 - 900.000 con được nuôi bằng công nghệ cao, ứng dụng các quy chuẩn nông nghiệp tốt (GAHP, hữu cơ...) Điểm khác biệt là sử dụng các giống cao sản như Yorkshire, Landrace, Duroc, Pidu, Pietrain… quá trình nuôi sẽ tăng cường các biện pháp an toàn sinh học gắn với nội dung xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Về chăn nuôi gia cầm, sẽ tiến hành xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất giống nhằm chủ động cung cấp nguồn đầu vào tại chỗ, dự kiến hàng năm cung ứng cho thị trường từ 10-15 triệu con giống. Ngoài ra sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi liên kết, tạo mối quan hệ bền chặt giữa nông dân với các Tập đoàn, doanh nghiệp, HTX…
Về chăn nuôi bò sữa, tiếp tục ưu tiên phát triển trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao như Tập đoàn TH, Vinamilk. Ngoài ra, sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác giống để cùng lúc giải quyết “mục tiêu kép”, vừa nâng cao năng suất lại cải thiện chất lượng. Kỳ vọng đến năm 2025 sản lượng sữa bình quân đạt 11.000-12.000 lít/con/chu kỳ, đến năm 2030 khoảng 12.000-13.000 lít/con/chu kỳ. Đi sâu vào chi tiết, kế hoạch sẽ xây dựng 1-2 cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp tại địa bàn TP Vinh và Khu kinh tế Đông Nam, công suất mỗi ngày khoảng 800-1.000 con lợn, 100-200 con trâu bò, 5.000-10.000 con gia cầm; hình thành các cơ sở giết mổ phù hợp với từng địa phương, vùng miền theo hướng tập trung cụm xã, liên xã, liên huyện. Riêng tại các huyện đạt chuẩn nông thôn mới sẽ có 5-7 cơ sở đáp ứng đủ quy chuẩn được đầu tư, quy mô dao động từ 200-300 con lợn, 50-100 con trâu bò, 2.000 - 3.000 con gia cầm. Tổng quan tình hình, Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 72-75 cơ sở giết mổ tập trung, năm 2030 có 85-90 cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.
Hoàng Anh