Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển: kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Thứ năm - 07/07/2022 21:24 0
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng giúp đưa các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường và tạo sự phát triển đột phá cho nền kinh tế. Từ đó, tạo nên đóng góp quan trọng đối với các nền kinh tế quốc gia thông qua tăng trưởng GDP.
 

 

Dự báo mức chi cho R&D theo GDP của các nước trên thế giới năm 2022 [5]

Mô hình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) của các khu vực trên thế giới rất đa dạng, phần lớn các hoạt động R&D đều nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) [9] : năm 2019 chi tiêu cho R&D trong khu vực OECD tính theo giá trị thực tăng 4%, Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, chi tiêu cho R&D đạt gần 2,5% (tăng 0,1% so với 2018). Tăng trưởng R&D phổ biến ở hầu hết các quốc gia OECD, với các nước Hoa Kỳ, Đức và Hàn Quốc chiếm phần lớn mức tăng. Israel và Hàn Quốc tiếp tục thể hiện mức cường độ R&D cao nhất, lần lượt là 4,9% và 4,6% GDP. Tại Hoa Kỳ, cường độ nghiên cứu và phát triển đã vượt qua mốc 3% lần đầu tiên, trong khi cường độ R&D của Trung Quốc tăng từ 2,1% lên 2,2%. Ngược lại, khu vực EU trải qua một mức tăng khiêm tốn hơn, đạt mức 2,1% [4].
Trong năm 2019, tổng tăng trưởng chi tiêu thực tế cho R&D trong khu vực OECD chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng R&D do các doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp chiếm 71% tổng kết quả hoạt động R&D trong khu vực OECD, tăng 4,6% trong năm 2019.
Nhiều quốc gia đã có những bước nhảy vọt về phát triển công nghệ nhờ các chính sách hỗ trợ phù hợp cho hoạt động R&D trong doanh nghiệp. Tỷ lệ đầu tư cho R&D được coi là một trong những căn cứ quan trọng nhất đánh giá các nền tảng khoa học và công nghệ, là chỉ tiêu hàng đầu trong mục tiêu các chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở các nước. Chính sách của một số quốc gia trong việc thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như:
Các nước EUCác nước EU sử dụng các ưu đãi về thuế R&D để khuyến khích các doanh nghiệp trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế [6, 10]. Những ưu đãi về thuế R&D đang trở nên phổ biến hơn vì những lý do khác nhau. Ưu đãi về thuế R&D và cân bằng chính sách thận trọng giữa các biện pháp trực tiếp và gián tiếp là cần thiết để tăng cường hiệu quả sự hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bằng chứng hiện có cho thấy các ưu đãi về thuế R&D có hiệu quả trong việc khuyến khích đầu tư R&D, đổi mới và tăng trưởng năng suất nhưng thiết kế, quản lý và thực hiện là rất quan trọng đối với hiệu quả của họ. Các phương pháp hiệu quả trong thiết kế ưu đãi thuế R&D bao gồm các quy định chuyển tiếp, hoàn tiền mặt hoặc giảm thuế, chẳng hạn như thuế biên chế hoặc đóng góp an sinh xã hội của người sử dụng lao động. Bằng chứng cho thấy các tác động tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và các công ty trẻ. Hơn nữa, nếu ưu đãi thuế R&D thành công khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và trẻ dành một số ngân sách đầu từ liên tục cho R&D, điều này đã giúp các DNVVN và các công ty trẻ phát triển và giữ một mức độ hấp thụ nhất định. Ngoài ra, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến và lĩnh vực khởi nghiệp, nhắm đến các nhà phát minh không có nền tảng quản trị kinh doanh, ứng dụng kết quả nghiên cứu, biến họ trở thành một sáng lập viên, đưa sản phẩm ra thị trường nhằm nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index).
Vương Quốc Anh
Dữ liệu gần đây nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho thấy, vào năm 2019, tổng chi tiêu công và tư cho R&D ở Vương quốc Anh là 38,5 tỷ bảng Anh - mức cao kỷ lục [3]. Năm 2020, Chính phủ đã đưa ra lộ trình R&D trong đó bao gồm nâng cao năng lực khoa học, nghiên cứu và đổi mới của quốc gia. Đây là chiến lược nhằm thúc đẩy cho đầu tư R&D, đầu tư kinh doanh, tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Lộ trình nâng cao năng lực khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quan tâm đến mức lương hấp dẫn đối với nhà khoa học, mở rộng liên kết để tạo ra một lực lượng nghiên cứu cởi mở, đa dạng và toàn diện hơn. Lộ trình về nghiên cứu và đổi mới tập trung vào đầu tư công cho R&D tăng hằng năm (dự kiến đạt 22 tỷ bảng Anh vào năm 2024 - 2025) bao gồm: đầu tư cho tổ chức nghiên cứu hàng đầu, tăng cường cơ sở hạ tầng và thiết bị, R&D quốc phòng trong các lĩnh vực như công nghệ hàng không mới và động cơ đẩy không gian, các lĩnh vực và công nghệ tiềm năng cao bao gồm phản ứng tổng hợp hạt nhân, vũ trụ, xe điện và khoa học đời sống.
Singapore
Singapore tập trung vào đầu tư R&D thông qua việc thu hút doanh nghiệp FDI trong đó sử dụng chính sách tài chính và chính sách sở hữu trí tuệ trong thu hút doanh nghiệp FDI có đầu tư cho R&D [1]. Chương trình thực hiện với 4 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: sử dụng ưu đãi thuế về chi tiêu bao gồm các hoạt động tiên phong, hoạt động R&D, trung tâm R&D, thiết kế, mua lại quyền sở hữu trí tuệ (IP) và thiết bị tự động hóa.
- Giai đoạn 2: khuyến khích các công ty đa quốc gia chuyển giao bí quyết công nghệ và chuyên môn về nhân sự cho các doanh nghiệp địa phương. Chính sách trợ cấp cho các công ty đa quốc gia này được sử dụng nhiều trong thời gian chuyển giao như trợ cấp một tỷ lệ phần trăm của mức lương của một người quản lý của công ty đa quốc gia khi làm việc trong doanh nghiệp địa phương trong vòng 2 năm và mức trợ cấp được xác định theo từng trường hợp cụ thể.
- Giai đoạn 3: mở rộng R&D có khả năng ứng dụng, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm R&D ở Singapore và phát triển các năng lực R&D trong khu vực chiến lược về công nghệ. Những dự án nhận được hỗ trợ thường là một cam kết tương đối dài hạn của công ty, mang lại những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Singapore và tăng chi tiêu R&D đáng kể. Các công ty khi tham gia vào kế hoạch này sẽ được hỗ trợ 30 - 50% chi phí và các khoản vay sẽ được giải ngân theo phương thức hoàn trả.
- Giai đoạn 4 là chuyển đổi sang doanh nghiệp công nghệ cao và nghiên cứu phát triển cơ bản, mục tiêu hỗ trợ của Singapore là các khía cạnh khác nhau cần thiết để hỗ trợ các công ty thực hiện đổi mới. Singapore đã có các chương trình tiêu biểu như chương trình Đổi mới Công nghệ (TIP) với các dự án trong chương trình được hỗ trợ 50 - 100% chi phí cho các dự án đổi mới sáng tạo của các công ty và liên doanh. Cũng trong chương trình này, đề án cung cấp chuyên gia và vốn cho đổi mới sáng tạo (Innovation Voucher Scheme - IVS) mà gần đây (2012) được thay thế bằng đề án cung cấp vốn cho đổi mới sáng tạo và năng lực (Innovation &Capability Voucher - ICV), giúp tăng cường tiếp cận của các DNVVN đến các chuyên gia trong trường đại học và các viện nghiên cứu công. Để thúc đẩy đổi mới, Chính phủ đưa ra một khung khuyến khích bao gồm các ưu đãi thuế. Năm 2016, tổng thuế suất của Singapore bằng 18,4% lợi nhuận, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD thu nhập cao ở mức là ở mức 41,2% (WB).
Chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ: Singapore đã đưa ra các biện pháp để kích thích các nhà nghiên cứu thương mại hoá thành quả của họ bằng cách cho phép họ chia sẻ lợi ích về tài chính. Điều này thừa nhận rằng các nhà nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đường hướng thương mại hoá và có thể không phải luôn quan tâm đến việc thành lập các công ty mới. Một trong những mô hình quan trọng của Mỹ đã được A*STAR áp dụng là phân bổ 1/3 lợi nhuận cho nhà nghiên cứu, 1/3 cho khoa và 1/3 cho nhà trường hoặc bộ phận thương mại hoá.
Chính phủ Singapore đã có những hỗ trợ về tài chính cho các giai đoạn thử nghiệm trước khi ra thị trường và để đảm bảo tính duy nhất của mỗi nghiên cứu cũng như lợi nhuận có thể mang lại cho doanh nghiệp sau khi thương mại hoá sản phẩm, Singapre đã đồng thời triển khai hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ xuất sắc và chính những bảo đảm về sở hữu trí tuệ lại thúc đẩy các công ty trong nước và nước ngoài yên tâm nghiên cứu để đưa ra những kết quả mới tại Singapore.
Ireland
Theo báo cáo của Ngân sách Nghiên cứu và Phát triển của Chính phủ và chi tiêu cho R&D của Ireland trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 2020 – 2021, phân bổ ngân sách của Chính phủ cho R&D năm 2020 là 866,8 triệu €, tăng 8,1% so với năm 2019 và tăng hơn vào các năm sau [7]. Theo tỷ lệ phần trăm của GDP / GNP / GNI * (tỷ lệ cường độ nghiên cứu và phát triển), đã tăng lên 0,23% / 0,31% / 0,42% vào năm 2020 và tăng 0,22% / 0,31% / 0,43% vào năm 2021.
Phân bổ ngân sách của Chính phủ cho R&D thông qua việc tài trợ cho các chương trình R&D trong lĩnh vực giáo dục đại học, khu vực kinh doanh, R&D được thực hiện trong khu vực công, cho các chương trình hoặc tổ chức R&D quốc tế. Các chương trình đổi mới sáng tạo, chương trình đổi mới doanh nghiệp nhằm tập trung hỗ trợ phát triển R&D như:
- Quỹ đổi mới đột phá công nghệ (DTIF) được cấp vốn 500 triệu Euro, thực hiện từ năm 2018 đến năm 2027, được thành lập như một phần của Kế hoạch Phát triển Quốc gia theo Dự án phát triển Ireland đến năm 2040. Luôn sẵn sàng cho các dự án hợp tác tìm kiếm đầu tư vào R&D các công nghệ và ứng dụng sáng tạo đột phá, trên một cơ sở thương mại, nhằm giải quyết các thách thức quốc gia và toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình KH&CN.
- Ireland thành lập trung tâm hàng đầu của Châu Âu về Thông tin, Nghiên cứu và phát triển Truyền thông và Công nghệ (năm 2014), cung cấp một lượng lớn thông tin về các nhà nghiên cứu quan trọng, chuyên gia hàng đầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng và phát triển nền kinh tế thông minh dựa trên tri thức. Phát triển các chương trình nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu, công cụ phần mềm, tài liệu đào tạo nhằm chia sẻ dữ liệu, trao đổi kiến thức chuyên môn.
- Quỹ hoạt động R&D của doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ để đầu tư đáng kể vào các sáng kiến R&D như một phần của chiến lược phát triển của công ty. Quỹ cung cấp hỗ trợ cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ có liên quan ở tất cả các giai đoạn phát triển của công ty và sẽ cho phép các công ty tiến triển từ việc thực hiện một dự án nghiên cứu ban đầu đến đổi mới cấp cao và hoạt động R&D.
- Sáng kiến Nghiên cứu Doanh nghiệp Nhỏ là một cơ chế cho phép các cơ quan trong khu vực công kết nối với các ý tưởng đổi mới và các doanh nghiệp công nghệ để cung cấp các giải pháp sáng tạo cho các thách thức và nhu cầu cụ thể của Khu vực công.
- Thành lập các trung tâm công nghệ, quỹ thương mại nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu hàn lâm thực hiện các kết quả đầu ra của nghiên cứu với tiềm năng thương mại và đưa nó đến một điểm mà nó có thể được chuyển giao vào ngành công nghiệp.
Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp như ưu đãi về tín dụng, thuế và tài trợ trực tiếp. Trong năm 2018, Nhật Bản đã dành khoản kinh phí 170,5 tỷ USD để đầu tư vào R&D, chỉ sau hai quốc gia là Hoa Kỳ và Trung Quốc và tương đương khoảng 3,4% GDP của quốc gia này [8]. Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D bằng chính sách ưu đãi thuế đối với phần chi phí tăng thêm cho nghiên cứu ở doanh nghiệp. Số ưu đãi thuế bằng 20% giá trị của phần chi phí tăng thêm so với tổng chi phí cho hoạt động R&D của năm cao nhất trong 3 năm liền kề với năm tính toán, nhưng tổng giá trị phần tín dụng này không được phép vượt quá 10% tổng giá trị của thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các DNVVN (doanh nghiệp có tổng vốn nhỏ hơn 100 triệu Yên, hoặc có số lao động ít hơn 1.000 người), Chính phủ cho phép để lại 6% thu nhập thuế để chi cho hoạt động R&D, khuyến khích hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức R&D với doanh nghiệp [2].
Trong chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Nhật Bản còn dành nguồn ngân sách lớn hàng năm để hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao của doanh nghiệp. Chính phủ thực hiện việc tài trợ tài chính và hỗ trợ mua các công nghệ của nước ngoài và bảo vệ thị trường trong nước cho tới khi các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh với bên ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ bằng cách mở các khóa đào tạo tại các trường đại học, có sự tham gia của các chuyên gia nhằm đưa tri thức, thông tin đến gần với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp vận dụng để nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ được hiệu quả.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm một số nước đi đầu về hoạt động R&D có thể rút ra được một số gợi ý cho Việt Nam trong thúc đẩy đầu tư hoạt động R&D như sau: (i) Đầu tư cho phát triển nhân lực để sẵn sàng có lao động tay nghề cao cho hoạt động R&D. Nâng cao chất lượng của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, đồng thời có những chính sách về thu hút và hỗ trợ nhà nghiên cứu tài năng, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực về khoa học, công nghệ. (ii) Triển khai một số cơ chế, chính sách mở linh hoạt hơn nhằm tạo sự khác biệt, linh hoạt, hấp dẫn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D. Khuyến khích doanh nghiệp lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của mình. (iii) Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù đối với một số dự án “chủ lực” nhằm tạo động lực lan tỏa thu hút các dự án FDI có hoạt động R&D đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. (iv) Tăng cường các biện pháp quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp thực thi bảo hộ trí tuệ và các hoạt động sở hữu trí tuệ được tập trung triển khai theo hướng phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nước, hướng đến hình thành một nền kinh tế thâm dụng trí tuệ ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1.    Kinh nghiệm của Singapore về cải thiện môi trường đầu tư thu hút FDI vào R&D, Đoàn Vân Hà, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 200, 2019.
2.    https://kinhtevadubao.vn/thuc-day-doanh-nghiep-nghien-cuu-khoa-hoc-va-doi-moi-cong-nghe-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-18930.html.
3.    Research and Development funding policy, By Elizabeth Rough, Georgina Hutton, Claire Housley, Number CBP 7237, 2022.
4.    These countries spend the most on research and development, world economic forum, 2020, https://www.weforum.org/agenda/2020/11/countries-spending-research-development-gdp/.
5.    Global Funding Forecast: R&D variants cover more than the pandemic, By Tim Studt, Contributing Editor, 2022, R&D World’s.
6.    The Financing of Research and Development, Bronwyn H. Hall, University of California at Berkeley, National Bureau of Economic Research Institute of Fiscal Studies, Oxford Review of Economic Policy, 2002.
7.    The Research and Development Budget 2020 - 2021, Government Budget Allocations for Research and Development (R&D), Government of Ireland.
8.    UNESCO Institute of Statistics, 2018, R&D Data Release, access to http://uis.unesco.org/en/news/rd-data-release.
9.    The effects of r&d tax incentives and their role in the innovation policy mix, findings from the oecd microberd project 2016-19, OECD Publishing, 2020.
10.    Policies to benefit from the globalization of corporate R&D: An exploratory study for EU countries, José Guimón, 2010, https://doi.org/10.1016/j. technovation.2010.08.001.
 
 
Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây