Tín hiệu vui từ một mô hình chuyển đổi cây trồng
Vụ Hè Thu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương đã triển khai xây dựng thành công “Mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc”, tại bản Văng Lin, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương, với diện tích 4 ha, có 20 hộ dân tham gia. Mô hình được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Yên Thắng là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, cách trung tâm huyện hơn 45 Km. Toàn xã có 2 dân tộc anh em sinh sống là Thái và Kinh, có 805 hộ với 3.444 khẩu. Số hộ nghèo 260 hộ chiếm 32,29%. Xã Yên Thắng được chia thành 8 bản, có 5 bản dọc theo khe Hội Nguyên, 3 bản dọc theo khe Chon. Giao thông đi lại khó khăn, về mùa mưa thường bị chia cắt, mưa bão, lũ ống, lũ quét sạt lở gây ách tắc giao thông. Đời sống sinh hoạt của nhân dân trên toàn xã còn gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương đã phối hợp với UBND xã Yên Thắng lựa chọn vùng đất dọc khe Chon của bản Văng Lin để thực hiện mô hình. Vùng đất này trước đây cơ bản bỏ hoang, chỉ có một số hộ trồng sắn, vụ Hè Thu thì trồng lúa mùa. Bà con chủ yếu canh tác theo truyền thống, chưa có đầu tư thâm canh nên hiệu quả không cao. Mục tiêu của mô hình là giúp bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về phủ ni lông, bón phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, là nơi để tham quan, học tập cho các hộ dân trong vùng, qua đó góp phần nhân rộng mô hình vào những năm tiếp theo, đồng thời góp phần chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc. Quá trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và đúng đối tượng. Các hộ dân tham gia mô hình có quỹ đất, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn, chưa nhận bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình, có khả năng đóng góp công lao động, khả năng đối ứng và cam kết thực hiện đúng yêu cầu mô hình. Các hộ dân được hưởng toàn bộ sản phẩm của mô hình trình diễn sau khi nghiệm thu và thanh lý hợp đồng nhưng phải có trách nhiệm thông tin quảng bá mô hình, chia sẻ kinh nghiệm, giống Lạc với các hộ khác để nhân rộng mô hình.
Phấn khởi dẫn chúng tôi đi kiểm tra, nghiệm thu mô hình, bà Trần Thị Sen – Phó chủ tịch xã Yên Thắng phấn khởi cho biết: “Thành công của mô hình thật hơn ngoài mong đợi các anh chị ạ. Khi triển khai vận động bà con, cho đến khi trỉa những hạt giống đầu tiên, anh em cán bộ trong UBND xã chúng tôi lo lắng lắm. Không biết kết thúc mùa vụ thế nào?, năng suất có cao không?, nếu thất bại thì rất khó khăn khi đứng trước dân bản lắm. Với phương châm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn, bằng việc khai hoang, phục hóa cải tạo đất hoang hóa, kém hiệu quả, tận dụng hết diện tích đất bằng để trồng các loại cây phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân là thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa X nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng ủy và Chính quyền xã cũng như bà con dân bản quyết tâm triển khai mô hình. Bên cạnh đó còn được Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện thì hỗ trợ giống, vật tư phân bón, cử cán bộ xuống hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho bà con, còn xã thì hỗ trợ cải tạo mặt bằng, cày xới…”
Quá trình triển khai mô hình gặp rất nhiều khó khăn, bà con băn khoăn về hiệu quả mô hình, rồi bà con ở đây chưa khi nào trồng lạc, thậm chí giờ mới thấy cây lạc. Trong quá trình triển khai mô hình còn gặp thời tiết biến đổi thất thường, giai đoạn trồng gặp mưa lớn kéo dài làn ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt, bà con phải tiến hành trồng dặm. Đến giai đoạn sinh trưởng và phát triển gặp nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến cây lạc. Ngoài ra còn gặp một số bệnh gây hại như bệnh thối cổ rễ, bệnh héo xanh do vi khuẩn, bệnh rỉ sắt và loài kiến phá hoại… tuy nhiên đã được hỗ trợ phòng trừ nên cây lạc sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Qua đánh giá thì năng suất của mô hình đạt trên 4 tấn/ha, với giá bán 20 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí cho lãi thuần trên 49 triệu đồng/ha. Có thể nói đây là một mô hình chuyển đổi cây trồng thành công, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao kiến thức cho bà con, hạn chế khai thác rừng…
Kết quả mô hình là một tín hiệu vui mang lại một hướng đi mới cho bà con nơi đây trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì vậy, mô hình cần được tiếp tục duy trì vào những năm tiếp theo cũng như được nhân rộng ở nhiều địa phương khác trong huyện nhằm tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn./.
TH: Trần Kiên