Tương Dương đạt nhiều thành tích trong công tác KH&CN năm 2021
Năm 2021 mặc dù chịu nhiều tác động của thiên ...
Năm 2021 mặc dù chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều chỉ số về phát triển kinh tế xã hội vẫn đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, trong đó lĩnh vực KH&CN đã có những bước chuyển biến rõ nét nhờ tập trung triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển KH&CN qua đó trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tập trung thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh có tiềm năng; coi trọng phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá có giá trị kinh tế cao. Để đạt được những kết quả đã nêu trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh; Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện và sự nhiệt tình giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ của sở KH&CN cùng với nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ các phòng ban chuyên môn có liên quan và toàn thể các tập thể, cá nhân nơi có các hoạt động KHCN. Đến nay, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:
Hoạt động tư vấn của Hội đồng KH&CN huyện đạt kết quả cao, tổ chức thành công các cuộc Hội nghị . Thông qua công tác tư vấn đã giúp cho các phòng, ban của huyện có cơ sở để xây dựng các đề án một cách hoàn thiện và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Về hoạt động Quản lý nhà nước về TC-ĐL-CL, các hoạt động về sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm, đã Ban hành các văn bản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về KHCN, đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến về Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐND, Nghị quyết số: 12/2020/NQ-HĐND, Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND… Hoạt động thanh kiểm tra Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu. hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong các dịp trước, trong và sau tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 và Tết Trung Thu năm 2021, Kết quả triển khai thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, an toàn thực phẩm năm 2021. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra đã giúp cho người dân thực hiện việc kinh doanh và mua sắm hàng hóa đúng theo quy định của Pháp luật.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn được chú trọng triển khai hiệu quả. Về xây dựng định hướng phát triển, huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025; tiếp tục làm việc với các cơ quan cấp tỉnh để bổ sung Nghị quyết của HĐND Tỉnh về các cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện Tương Dương giai đoạn 2021-2025. Kết quả thực hiện mô hình từ nguồn KHCN, triển khai xây dựng mô hình trồng cây Khôi tía tại Bản Coọc xã Yên Hòa trong năm 2021 với quy mô 0,1ha, kinh phí 110.524000 đồng;
Mô hình từ nguồn ngân sách khác, thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP triển khai 05 mô hình thử nghiệm giống lúa mới trên đất lúa ruộng : 01 Mô hình thâm canh lúa NA6 theo chuỗi liên kết sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, diện tích 30 ha, thực hiện tại Bản Can, Bản Lũng, bản Na Tổng xã Tam Thái (sản lượng đạt bình quân 5,8 tấn/ha); 01 Mô hình thâm canh lúa Hương thuần 8, diện tích 10 ha, thực hiện tại bản Phồng, xã Tam Hợp (sản lượng đạt BQ 6 tấn/ha); 01 Mô hình thâm canh lúa SL9 (LTH 31): diện tích 7 ha, thực hiện tại bản Yên Sơn, xã Yên Na (sản lượng ước đạt BQ 6 tấn/ha); 01 mô hình thâm canh lúa Nếp Cẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm, diện tích 7 ha, thực hiện tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na (sản lượng đạt BQ 4,5 tấn/ha); 01 Mô hình thâm canh lúa Nếp 97, diện tích 10 ha, thực hiện tại bản Na Kho, xã Nga My (sản lượng đạt BQ 6,1 tấn/ha). Thông qua xây dựng mô hình bổ sung thêm bộ giống mới có năng suất, chất lượng gạo khá, khả năng kháng sâu bệnh tốt; lãi cao hơn so với đại trà từ 15% trở lên. Đồng thời nâng cao kỹ năng về sản xuất lúa nước cho người nông dân. Đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu Gạo mường Chà Lạp trở thành sản phẩm Ocop, có tem truy suất nguồn gốc; mô hình Nếp Cẩm gắn với chuỗi giá trị; Xây dựng 02 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô để bảo vệ diện tích đất trồng lúa nương; 01 mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh.
Thực hiện 01 mô hình “Chuyển đổi diện tích trồng lúa rãy kém hiệu quả sang trồng Lạc” từ nguồn vốn doTrung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ với quy mô 4 ha tại bản Văng Lin, xã Yên Thắng. Năng suất đạt 4 tấn/ha. Thông qua mô hình đã mang lại một hướng đi mới cho bà con trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng 1 vụ /năm sang trồng 3 vụ/năm từ đất trồng màu. Thực hiện Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh xây dựng 02 mô hình: 01 mô hình trồng Gừng theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm thực hiện tại các bản: Chà Lâng, Tùng Hốc xã Hữu Khuông và bản Cà Moong, xã Lượng Minh, quy mô 05 ha gừng; 01 mô hình cỏ VA06 thực hiện tại bản Văng Lin, xã Yên Thắng. Thông qua mô hình giúp dân có ý thức trong việc trồng gừng hàng hóa và trồng cỏ chăn nuôi bò.
Về công tác tập huấn nông dân: Tổ chức tập huấn 95 lớp cho đối tượng là nông dân với 3.770 lượt nông dân tham gia với nội dung kỹ thuật thâm canh lúa thuần chất lượng cao, các biện pháp cải tạo độ phì cho đất lúa, biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại lúa chính trên cây lúa...; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn nội dung về chăn nuôi và trồng trọt cho cán bộ chủ chốt các các thôn bản của các xã Tam Quang, Yên Tĩnh, Thạch Giám, Yên Hòa, Yên Thắng, Lưu Kiền, Xá Lượng, Tam Đình số lượng 8 lớp với 240 lượt học viên tham gia.
Về công tác Chăn nuôi và Thú y (CNTY): Chỉ đạo bộ phận CNTY xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện, trong đó củng cố lại đội ngũ Thú y cơ sở đáp ứng việc giám sát tổ chức phòng chống dịch. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng, năm 2021 tổng đàn cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao.
Hoạt động NCKH&PTCN có nhiều đổi mới, từ khâu lựa chọn danh mục đề tài, dự án xuất phát từ hướng ưu tiên phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các lĩnh vực nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Mô hình sản xuất rau an toàn tại bản Phòng, xã Thạch Giám được xây dựng theo chuỗi liên kết giữa 4 nhà “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà Doanh nghiệp”, thu nhập ngày công khoảng 250.000 đồng/người/ngày; người nông dân đã có ý thức về sản xuất rau an toàn đảm bảo đúng quy trình, thực hiện ghi chép nhật ký, quản lý đồng ruộng, sơ chế, đóng gói hợp vệ sinh theo yêu cầu của người mua, từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm.
Vùng sản xuất rau an toàn bản Na Tổng, xã Tam Thái: có 40 hộ đang tham gia sản xuất với 80 lao động trực tiếp sản xuất, chịu khó, chăm chỉ, có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất rau, đặc biệt là rau trái vụ mùa hè. Bình quân 01 hộ lao động thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. với các loại rau ăn lá, củ, cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong huyện, các vùng phụ cận và một số địa phương khác như thành phố Vinh.
Hình thành các mô hình áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất theo chuỗi, năng suất các loại cây trồng chủ lực tăng cao
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, cải cách hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành: Triển khai lắp đặt hệ thống Quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng: Hệ thống VNPT Ioffice, Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến (I-Gate); Triển khai ứng dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để ký văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-ioffice; Triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống giao ban điện tử trực tuyến cho UBND huyện, Cơ quan huyện ủy và 17 xã, thị trấn; Triển khai hệ thống mạng Lan bằng cáp quang tại cơ quan UBND huyện; Triển khai đầu tư xây dựng trang thông tin điện tử cho UBND huyện và Huyện ủy. Đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính. UBND huyện thường xuyên triển khai rà soát, xây dựng lại bộ thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2, cấp độ 3.
Trong lĩnh vực khoa học y dược, hoạt động nghiên cứu khoa học được phổ biến rộng rãi trong toàn thể cán bộ, viên chức thầy thuốc tại Trung tâm Ytế huyện. Triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu áp dụng vào khám, chữa bệnh tại bệnh viện hiệu quả. Công tác nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng, cùng với sự phát triển kỹ thuật của bệnh viện. Hội đồng KHKT tiến hành phê duyệt đề tài NCKH và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cho 15 đề tài NCKH và 03 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trung tâm y tế đã phát triển được những kỹ thuật chuyên sâu tạo bước đột phá mới trong công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện từ đó đã nâng cao chất lượng điều trị cũng như góp phần nâng cao thương hiệu bệnh viện, hạn chế số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh.
Trung tâm Y tế huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về ứng dụng CNTT trong công tác khám, chữa bệnh của bệnh nhân, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, rút ngắn thời gian chờ kết quả cận lâm sàng. Đã triển khai hoàn thiện bệnh án điện tử cả nội và ngoại trú; Triển khai nhiều hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng VN Pay; QR Code ...Triển khai, hoạt động xe tích hợp thông minh để tiến hành chăm sóc bệnh nhân tại đầu giường. Xe tích hợp cả máy điện tim; máy quét mã vạch…
Hoạt động khởi nghiệp, sáng kiến, sáng tạo và Giáo dục & Đào tạo, đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Công nhận các đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở của các cá nhân thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2020-2021 với 161 sáng kiến kinh nghiệm. Công nhận các đề tài nghiên cứu, sáng kiến cấp cơ sở của các cá nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước và các lĩnh vực khác với 10 sáng kiến.
Công tác đô thị, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn, tổ chức tốt việc công bố quy hoạch theo quy định. Trình UBND Tỉnh cho chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra, quản lý công trình xây dựng, công tác chỉnh trang đô thị, sửa chữa, lắp đặt hệ thống điện trang trí, cải tạo hệ thống cây xanh, Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành Đề án thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025
Song song, huyện thường xuyên trao đổi thông tin với các sở ban ngành, các trung tâm thông tin qua mạng trực tuyến, hoàn thành việc cập nhật, chuyển đổi phiên bản ISO 9001:2008 sang phiên bản 9001:2015 tại Cơ quan UBND huyện, đang triển khai các bước để thực hiện cho 17 xã.thị trấn…
Trong năm 2022, huyện tập trung đẩy mạnh hoạt động KH&CN nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế, sớm hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ tại Quyết định số 827/QĐ- TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, định hướng phát triển huyện Tương Dương trở thành 01 trong những huyện khá của 04 huyện vùng cao, đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ ưu tiên trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Tổ chức cuộc Hộithảo khoa học với nội dung: Đánh giá hiệu quả việc nuôi cá lồng, trên các lòng hồ thủy điện; Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2022 và xây dựng nhiệm vụ hoạt động KH&CN năm 2023. Tổ chức 1 cuộc họp Hội đồng xác định danh mục nhiệm vụ KH&CN (mô hình, hội thảo, đề tài, dự án KH&CN) bằng các nguồn kinh phí khác nhau đưa vào thực hiện năm 2023. Tổ chức 02 cuộc kiểm tra, thanh tra về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện trong dịp tết Nguyên đán và tết Trung thu. Phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An tổ chức kiểm tra, thanh tra, quản lý hoạt động Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hàng hóa và Sở hữu trí tuệ trên địa bàn huyện.
Công tác ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN trên địa bàn huyện. Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trên địa bàn huyện từ các nguồn ngân sách khác nhau. Xây dựng mô hình trồng Trám ghép tập trung trên địa bàn xã Yên Tĩnh, quy mô 5.000 m2, nội dung hỗ trợ gồm giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cán bộ theo dõi mô hình, biển hiệu và hội thảo đánh giá mô hình. Mô hình trồng và chế biến ớt địa phương trên địa bàn xã Tam Hợp. Quy mô 1000 m2, nội dung hỗ trợ: Giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cán bộ theo dõi mô hình, biển hiệu và hội thảo đánh giá mô hình.
Đồng thời, chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đưa thông tin KHCN về cơ sở và Hoạt động nghiệp vụ KH&CN khác./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Lý