Gương thanh niên 9X làm kinh tế giỏi
Thực hiện Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua...
Thực hiện Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua huyện Đô Lương nói chung và xã Thái Sơn nói riêng đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ðồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tạo được sức lan toả và là động lực mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững. Là người con của vùng đất Đô Lương, mặc dù đang trẻ tuổi (sinh năm1991) nhưng chị Hoàng Thị Phương xóm 1- xã Thái Sơn- Huyện Đô Lương luôn trăn trở suy nghĩ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đầy nắng gió khắc nghiệt. Thấm và hiểu được những lợi thế và hạn chế của vùng quê, chị luôn khao khát tìm tòi học hỏi để phát triển một mô hình dựa vào các lợi thế về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sẵn có ngay tại quê hương. Năm 2018, sau thời gian học nghề ở ngoài Bắc, chị Phương đã quyết định mở cơ sở sản xuất vỏ ram (bánh đa nem) phơi sương hiệu Kiukiu.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 150-200 kg gạo nguyên liệu cho ra khoảng 300-400 tệp, mỗi tệp 100 lá ram. Chị phương cho biết, nguyên liệu chính để sản xuất ra vỏ ram từ chính các sản phẩm nông nghiệp như gạo, muối biển, mật mía… Đặc biệt nguồn gạo chị thu mua từ chính các hộ trồng lúa tại địa phương. Đây cũng là điều tạo nên nét đặc biệt cho sản phẩm vỏ ram Kiukiu. Ngoài 5 lao động chính trong gia đình, cơ sở của chị Phương còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 nhân công cố định với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng và 3-4 nhân công thời vụ. Trong quá trình sản xuất việc khẳng định thương hiệu được chị quan tâm hàng đầu. Để tạo ra những mẻ vỏ ram phơi sương hiệu Kiukiu chất lượng, đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu ban đầu phải đảm bảo ngon, sạch. Trong quá trình sản xuất từ ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi, cắt bánh, đóng gói … chi luôn nhắc nhở công nhân phải cẩn thận, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm,. Đặc biệt là sản phẩm không sử dụng chất bảo quản.
Hiện tại sản phẩm vỏ ram làm ra đã có khách quen thu mua, sản xuất đến đâu xuất bán hết đến đó. Thị trường tiêu thụ khắp nơi chủ yêu là ngoại tỉnh. Mặc dù đã có số lượng bạn hàng cố định nhưng chị Phương vẫn luôn không ngừng nâng cao chất lượng và tìm thị trường mới cho sản phẩm.
Khi được hỏi những khó khăn gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, chị Phương chia sẻ: Sản phẩm vỏ ram phơi sương hiệu Kiukiu đã có chỗ đứng trên thị trường, được phân phối rộng rãi. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quá trình vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh nói chung đặc biệt là các tỉnh thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra cơ sở cũng mong muốn được địa phương quan tâm hỗ trợ đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại lớn như Big C, Vinmart… để có kênh phân phối ổn định hơn.
Ngoài sản xuất vỏ ram, gia đình chị Phương còn chăn nuôi 4 con lợn sinh sản, 15-20 con lợn thịt/lứa, mỗi năm 3 lứa. Chị bận phụ trách công việc bên cơ sở sản xuất vỏ ram nên công việc bên mô hình nuôi lợn chủ yếu do ông Long-bố chị quản lý. Thức ăn của lợn được tận dụng từ phế phụ phẩm của vỏ ram như bột gạo, nước bột gạo, lá ram bị lỗi... Ngoài ra còn mua thêm ngô cám bổ sung. Với 4 lợn nái sinh sản chị sử dụng luôn lợn con đó làm con giống nuôi lên lợn thịt. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lợn an toàn với dịch bệnh nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi ông Long cho biết: Hàng ngày phải vệ sinh quét dọn chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 tuần 1 lần. Và quan trọng kiểm soát người ra vào chuồng trại bằng cách hạn chế người lạ vào khu vực chuồng nuôi, luôn khóa cửa cổng vào chuồng trại …Nuôi lợn ngoài phục vụ nhu cầu cung cấp thịt cho gia đình, còn lại xuất bán. Năm nay giá lợn dao động từ 50.000-70.000 đ/kg. Vì nuôi thức ăn tận dụng và khép kín từ lợn sinh sản đến lợn thịt nên sau khi trừ mọi chi phí còn lãi khoảng vài chục triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hải, cán bộ hội phụ nữ xã Thái Sơn cho biết: Phương là một phụ nữ trẻ, táo bạo, năng động, dám nghĩ dám làm. Cơ sở sản xuất vỏ ram Kiukiu đã tạo công ăn việc làm, công việc phù hợp và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho một số chị em trên địa bàn.
Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự chăm chỉ, quyết tâm nỗ lực không ngừng, chị Phương đã thành công từ nghề làm vỏ ram với thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Năm 2020 sản phẩm vỏ ram Kiukiu được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương giúp tư vấn và hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCCOP của xã. Tháng 10/2021, tin vui đến với gia đình chị Phương khi sản phẩm vỏ ram hiệu Kiukiu đã được công nhận sản phẩm OCCOP 3 sao. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi, giúp cơ sở mở rộng thị trường, phát triển thành viên. Việc mở rộng quy mô tăng sản lượng sản phẩm không chỉ làm giàu cho gia đình chị mà cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm công việc cho nhiều người, góp phần xây dựng nông thôn mới của xã./.