Thực trạng phát triển sản xuất cây ăn quả có múi tại Nghệ An
Thời gian qua sản xuất cây ăn quả của Nghệ An đã ...
Thời gian qua sản xuất cây ăn quả của Nghệ An đã phát triển cả về diện tích, chất lượng và sản lượng. Năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả đạt 17.019 ha, sản lượng đạt 179.350 tấn; năm 2020 tổng diện tích đạt 22.802 ha, sản lượng đạt 260.695 tấn; giá trị sản xuất đạt từ 2.000 - 2.600 tỷ đồng/năm (bình quân 80 - 110 triệu đồng/ha), chiếm 8 - 10% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô lớn như: Cam, quýt ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành,…; chanh ở Nam Đàn, Hưng Nguyên; dứa ở Quỳnh Lưu…
Diện tích cây ăn quả trồng tập trung xác định theo quy mô diện tích vùng trồng có diện tích từ 1,0 ha trở lên chiếm khoảng 40%. Địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất là huyện Nghĩa Đàn 3.375 ha (chiếm 14,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh); ít nhất là thị xã Cửa Lò 36 ha, chiếm 0,16% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh). Sản lượng quả các loại năm 2015 đạt 179.350 tấn, năm 2020 tăng lên 260.695 tấn (tăng 81.345 tấn so với 2015); tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 7,8%/năm.
Vùng đồng bằng năm 2020 là 9.367 ha (chiếm 41,08% diện tích toàn tỉnh). Các loại cây ăn quả chủ yếu như: Cây có múi 2.757 ha (cam 798 ha, quýt 181 ha, chanh 1.187 ha, bưởi 589 ha); các loại cây ăn quả nhiệt đới và cận nhiệt đới: Xoài 568 ha, hồng xiêm 61 ha, chuối 3.733 ha, thanh long 127 ha, đu đủ 119 ha, dứa 1.145 ha, na 385 ha, hồng 212 ha, mít 502 ha, ổi 421 ha; các loại cây ăn quả nhiệt đới và cận nhiệt đới khác 287 ha; các loại cây ăn quả có hạt như: Táo, mận 301 ha, nhãn 379 ha, vải 376 ha,... Tổng sản lượng quả năm 2020 đạt 113.118 tấn, chiếm 43,39% sản lượng quả toàn tỉnh.
Vùng núi thấp diện tích năm 2020 là 11.419 ha (chiếm 50,08% diện tích toàn tỉnh). Các loại cây ăn quả chủ yếu như: Cây có múi 6.489 ha (cam 3.467 ha, quýt 1.335 ha, chanh 707 ha, bưởi 979 ha; các loại cây ăn quả nhiệt đới và cận nhiệt đới: Xoài 189 ha, hồng xiêm 30 ha, chuối 1.930 ha, thanh long 187 ha, đu đủ 61 ha, dứa 135 ha, na 72 ha, hồng 32 ha, mít 532 ha, ổi 625 ha, bơ 115 ha; các loại quả nhiệt đới và cận nhiệt đới khác 153 ha; các loại cây ăn quả có hạt như: Táo, mận 214 ha, nhãn 337 ha, vải 244 ha,...Tổng sản lượng quả năm 2020 đạt 128.958 tấn, chiếm 49,47% sản lượng quả toàn tỉnh.
Vùng núi cao diện năm 2020 là 2.015 ha (chiếm 8,84% diện tích toàn tỉnh). Các loại cây ăn quả chủ yếu như: Cây có múi 665 ha (cam 470 ha, quýt 9 ha, chanh 142 ha, bưởi 45 ha); các loại cây ăn quả nhiệt đới và cận nhiệt đới: Xoài 109 ha, chuối 409 ha, đu đủ 42 ha, dứa 94 ha, mít 47 ha, chanh leo 244 ha; các loại cây ăn quả có hạt như: Táo 15 ha, mận 50 ha, đào 90 ha, nhãn 109 ha, vải 117 ha,...Tổng sản lượng quả năm 2020 đạt 18.618 tấn, chiếm 7,14% sản lượng quả toàn tỉnh. Cụ thể:
1) Cây cam
Diện tích cam toàn tỉnh năm 2020 tăng lên 4.735 ha , diện tích kinh doanh 3.792 ha. Trong đó: Vùng đồng bằng 798 ha (DTKD 660 ha), vùng núi thấp 3.467 ha (DTKD 2.799 ha), vùng núi cao 470 ha (DTKD 353 ha). Diện tích cam tập trung chủ yếu tại các huyện: Quỳ Hợp (1.633 ha), Nghĩa Đàn (901 ha), Thanh Chương (484 ha), Con Cuông (433 ha), Anh Sơn (193 ha), Tân Kỳ (168 ha), Yên Thành (314 ha). Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên năng suất cam tăng khá. Năng suất trung bình năm 2020 tăng lên 156,4 tạ/ha (vùng đồng bằng 171,5 tạ/ha; vùng núi thấp 155,9 tạ/ha, vùng núi cao 133 tạ/ha), cao hơn năng suất cam trung bình cả nước (141 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 59.320 tấn (vùng đồng bằng 11.325 tấn; vùng núi thấp 43.307 tấn, vùng núi cao 4.688 tấn).
- Giống cam: Sử dụng các giống cam có thời gian thu hoạch khác nhau để rải vụ, tránh áp lực thị trường tiêu thụ. Diện tích cam chính vụ chiếm khoảng 80 - 85%, còn lại diện tích cam chín muộn chiếm khoảng 15 - 20%. Sử dụng các giống: Cam Xã Đoài, cam Sông Con, cam Vân Du, cam Valencia (V2); cam BH (là giống cam nhập nội vào nước ta, được trồng chủ yếu ở huyện Quỳ Hợp); cam Bù được trồng nhiều ở Anh Sơn, giống cam này có tính chống chịu khá, chín muộn, mã quả đẹp và hấp dẫn.
- Hiệu quả kinh tế: Cam là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Thương hiệu “Cam Vinh” được xem là một trong những đặc sản xứ Nghệ được người tiêu dùng ưa chuộng. Là cây trồng truyền thống, người dân có nhiều kinh nghiệm và đã áp dụng KHKT như trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới nhỏ giọt… nên cho năng suất, chất lượng tốt. Niên vụ vừa qua, mặc dù giá cam giảm, bình quân từ 10 - 15 nghìn đồng/kg nhưng thu nhập vẫn đạt 150 - 250 triệu đồng/ha; cá biệt có những diện tích cho năng suất từ 30 - 40 tấn/ha, có thời điểm giá bán 25.000 đồng/kg, thu nhập 0,75 – 1,0 tỷ đồng/ha. Cam Xã Ðoài của Nghệ An là “đặc sản” được người tiêu dùng ưa chuộng, Trang trại cam Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo quy mô 25 ha ở xã Ðồng Thành (Yên Thành), trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, giống cam Xã Đoài, giá bán 35 - 40 nghìn đồng/kg, thu nhập > 1,0 tỷ đồng/ha; cam Xã Đoài ở Nghi Diên (Nghi Lộc) giá bán 50.000 - 80.000 đồng/quả tại vườn. Bên cạnh đó thực trạng đang tồn tại một số vấn đề làm cho các vùng sản xuất cam tập trung bị suy thoái, một số vùng phải chặt bỏ hàng loạt khi chưa vào kinh chu kỳ kinh doanh hoặc đang thời kỳ cao điểm kinh doanh như: Bệnh greening, vàng lá thối rễ, giảm năng suất chất lượng cam quả mà nông dân vẫn gọi là hiện tượng “Cam ngơ” gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Vì vậy trong quá trình mở rộng diện tích cần đặc biệt quan tâm công tác giống, áp dụng kỹ thuật thâm canh đảm bảo quy trình để nâng cao hiệu quả.
2) Cây quýt
Diện tích năm 2020 tăng lên 1.524 ha (tăng trung bình 18,07%/năm giai đoạn 2016 - 2020), diện tích kinh doanh 1.199 ha. Trong đó: Vùng đồng bằng 181 ha (DTKD 148 ha), vùng núi thấp 1.335 ha (DTKD 1.048 ha), vùng núi cao 9 ha (DTKD 3 ha). Diện tích quýt tập trung chủ yếu ở các huyện: Quỳ Hợp (704 ha) và Nghĩa Đàn (547 ha). Năng suất trung bình năm 2015 đạt 64 tạ/ha; năm 2020 tăng lên 131,8 tạ/ha (vùng đồng bằng 45 tạ/ha; vùng núi thấp 144,2 tạ/ha, vùng núi cao 78,4 tạ/ha); tăng trưởng bình quân đạt 15,53%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Sản lượng năm 2020 đạt 15.796 tấn (vùng đồng bằng 667 tấn; vùng núi thấp 15.107 tấn, vùng núi cao 23 tấn). Những năm gần đây, quýt được xác định là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, là cây ăn quả mũi nhọn của tỉnh; Đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất quýt tập trung nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với các giống đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Giống quýt hiện nay tại Nghệ An khá đa dạng và phong phú, tạo nên mẫu mã và chất lượng sản phẩm mang tính đặc trưng, trong đó, nổi trội là các giống quýt PQ1, quýt Đường canh,... Năm 2018, sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí để Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ "Trồng khảo nghiệm giống quýt Jeju trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Mục tiêu là trồng khảo nghiệm, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của quýt Jeju trong điều kiện Nghệ An nhằm bổ sung thêm giống quýt mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
3) Cây chanh
Diện tích năm 2020 tăng lên 2.036 ha (tăng trung bình 3,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 1.866 ha. Trong đó: Vùng đồng bằng 1.187 ha (DTKD 1.112 ha), vùng núi thấp 707 ha (DTKD 628 ha), vùng núi cao 142 ha (DTKD 126 ha). Diện tích chanh tập trung nhiều ở các huyện: Hưng Nguyên (296 ha) Nam Đàn (552 ha), Nghĩa Đàn (308 ha)... Năng suất trung bình năm 2020 đạt 118,3 tạ/ha (vùng đồng bằng 152,3 tạ/ha, vùng núi thấp 67 tạ/ha, vùng núi cao 74,1 tạ/ha); năng suất năm 2020 giảm so với 2015 do yếu tố thời tiết và một số diện tích đã đến thời kì thanh lý.
Sản lượng năm 2020 đạt 22.084 tấn (vùng đồng bằng 16.942 tấn, vùng núi thấp 4.208 tấn, vùng núi cao 934 tấn). Những năm gần đây cây chanh phát triển mạnh ở các địa phương, đặc biệt giống chanh Đào, chanh không hạt đã và đang trở thành loại cây ăn quả mang lại giá trị cao.
4) Cây bưởi
Diện tích năm 2020 tăng lên 1.612 ha (tăng trung bình 18,51%/năm giai đoạn 2016 - 2020), DTKD 1.119 ha. Trong đó: vùng đồng bằng 589 ha (DTKD 392 ha), vùng núi thấp 979 ha (DTKD 687 ha), vùng núi cao 45 ha (DTKD 40 ha). Diện tích bưởi tập trung nhiều ở các huyện: Yên Thành (210 ha), Thanh Chương (309 ha) Nghĩa Đàn (330 ha), Thái Hòa (145 ha)... Năng suất trung bình năm 2015 đạt 107,7 tạ/ha; năm 2020 đạt 117,2 tạ/ha (vùng đồng bằng 143,8 tạ/ha; vùng núi thấp 104 tạ/ha, vùng núi cao 82,5 tạ/ha). Sản lượng năm 2020 đạt 13.113 tấn (vùng đồng bằng 5.644 tấn, vùng núi thấp 7.140 tấn, vùng núi cao 330 tấn).
Thời gian qua cây bưởi phát triển mạnh, đã trở thành cây ăn quả mang lại giá trị cao, được các địa phương nhất là vùng núi thấp (Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Thanh Chương) lựa chọn phát triển đưa vào sản xuất nâng cao thu nhập. Các giống bưởi có hiệu quả kinh tế cao như bưởi Hồng Quang Tiến, bưởi Da xanh, bưởi Diễn,… màu sắc quả, chất lượng thơm ngon, thời kỳ chín khác nhau. Bưởi Da xanh ở vùng Phủ Quỳ được xem là đứng đầu về chất lượng; cây bưởi có tiềm năng lớn trong kinh tế vườn hộ, có thể coi là hướng phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới ở các vùng trung du, miền núi. Năng suất bình quân trên 40 tấn/ha thì thu nhập gần 1,0 tỷ đồng/ha/năm.
Có thể thấy cam, quýt, chanh, bưởi là những cây trồng có phạm vi nhiệt độ thích ứng khá rộng; nhiều giống đang trồng trên địa bàn có thể chịu được nhiệt độ thấp hoặc cao; ngoài ra những vùng chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn còn làm cho quả phát triển mạnh. Do đó về mặt nhiệt độ thì cây có múi (nhất là cam, quýt) có thể phát triển được khắp các vùng sinh thái trong cả tỉnh, đặc biệt là các vùng trung du, miền núi. Về lượng nước thì cam, quýt là cây ưa ẩm song rất sợ úng, nếu úng bộ rễ sẽ thiếu oxy, rễ phát triển kém, thối, lá vủa bị rụng. Điều kiện hạn nhẹ từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau cây sẽ phân hóa mầm hoa và cho quả tốt. Về đất trồng yêu cầu đất có tầng canh tác dày, nhiều mùn, thoáng khí và giữ ẩm tốt, mực nước ngầm thấp. Do đó cây phát triển rất tốt ở các vùng núi phía Tây Nghệ An.
Cây có múi phù hợp trên địa bàn Nghệ An, thời gian qua đã phát triển với quy mô diện tích gần 10.000 ha, tạo ra sản phẩm có năng suất chất lượng, hiệu quả; có thương hiệu nổi tiếng như: Cam Vinh (đặc biệt có cam Xã Đoài ở Nghi Lộc), chanh Nam Đàn, bưởi Hồng Quang Tiến… Đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cho hiêu quả cao tại các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Nam Đàn,... Tuy nhiên cây có múi có nhiều loại sâu bệnh hại nguy hiểm có thể tàn phá nhanh chóng các vùng trồng nếu không đực quản lý chặt chẽ, khoa học, các bệnh hại như: Greening, tristeza.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, phần lớn được bán ở dạng quả tươi, ít được sơ chế, chế biến (chế biến sâu đã có sản phẩm chanh được cơ sở chế biến chanh Thiên Nhẫn của HTX Nông nghiệp CNC sản xuất và chế biến chanh Nam Kim - Nam Đàn; sản phẩm chế biến là nước rửa chén, nước lau sàn, tinh dầu chanh, nhưng quy mô còn ít). Sản phẩm CAQ có múi của Nghệ An được thị trường trong nước ưa dùng do chất lượng tốt, hương vị thơm ngon; thị trường xuất khẩu rất có tiềm năng nhưng do mẫu mã quả chưa hấp dẫn, chất lượng chưa đồng đều.
Trươc tiềm năng đó, Nghệ An có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp (đặc biệt là vùng đất đỏ bazan - Phủ Quỳ) rất phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của CAQ có múi. Phạm vi thích nghi phát triển rộng, quy mô lớn (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên...) đã tạo nên các vùng sản xuất cây có múi có chất lượng được thị trường ưa chuộng. Nhu cầu tiêu thụ tăng (quả tươi và nước ép, tinh dầu); có lợi thế tham gia thị trường xuất khẩu với nhiều sản phẩm từ quả tươi (cam, quýt, chanh), lá (chanh); chế biến như nước ép (cam, quýt), tinh dầu chanh...
Tuy nhiên, cũng có 1 số khó khăn như: Công tác sản xuất, cung ứng và quản lý cây giống còn nhiều khó khăn do chưa kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc. Công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng, nguồn giống còn gặp nhiều khó khăn; Việc áp dụng quy trình công nghệ trong sản xuất; kỹ thuật thâm canh còn hạn chế, từ khâu trồng, tỉa cành tạo tán, sử dụng phân bón, thu hoạch, bảo quản chưa đảm bảo;Công tác phòng trừ sâu bệnh chủ yếu sử dụng thuốc BVTV và chất kích thích, điều hòa sinh trưởng, nguy cơ tiềm ẩn các đối tượng gây hại nhờn thuốc, kháng thuốc, từ đó dễ phát sinh thành dịch liên tục hàng năm mà không theo quy luật của tự nhiên. Thời gian bảo quản quả ngắn, chưa có cơ sở bảo quản, chế biến đa dạng quả tươi; thị trường, giá cả không ổn định. (5) Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất và chế biến./.
Trần Hoài