Thực trạng chế biến, bảo quản sản phẩm cây ăn quả tại Nghệ An
Nghệ An có lợi thế về đất đai phong phú,...
Nghệ An có lợi thế về đất đai phong phú, địa hình đa dạng lợi thế nên cây ăn quả được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Có đến trên 25 loại cây ăn quả có giá trị hàng hóa lớn đang được trồng và thu hoạch hàng năm. Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2020 đạt 22.802 ha. Diện tích cây ăn quả trồng tập trung xác định theo quy mô diện tích vùng trồng có diện tích từ 1,0 ha trở lên chiếm khoảng 40%. Xác định theo quy định tại Thông tư số 16/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Hệ thống chỉ tiêu Thống kê ngành Nông nghiệp và PTNT (quy mô diện tích từ 100 m2 trở lên trồng liền khoảnh, mật độ trồng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của địa phương) thì diện tích trồng tập trung chiếm khoảng 73%.
Địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất là huyện Nghĩa Đàn 3.375 ha (chiếm 14,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh); ít nhất là thị xã Cửa Lò 36 ha, chiếm 0,16% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh). Sản lượng quả các loại năm 2020 tăng lên 260.695 tấn (tăng 81.345 tấn so với 2015); tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 7,8%/năm.
Tiềm năng phát triển cây ăn quả lớn nhưng công nghiệp chế biến các sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Đến nay Nghệ An mới có sản phẩm từ chanh leo, dứa, chanh, chuối được chế biến, bảo quản một phần để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, EU... sản lượng hàng hóa còn rất ít. Các sản phẩm quả khác chủ yếu là bán quả tươi trực tiếp hoặc qua thương lái. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa. Một số loại rất có tiềm năng nhưng lại chưa phát triển tương xứng như dứa, chuối…
Dây chuyền sản xuất nước hoa quả cô đặc tại nhà máy dứa Quỳnh Châu đạt tiêu chuẩn châu Âu
Tồn tại lớn nhất ảnh hưởng đến giá trị trái cây là bảo quản sau thu hoạch, hiện tại vẫn dùng biện pháp thủ công là chủ yếu, tỷ lệ hư hỏng quả 25 - 30%. Nghệ An hiện có 5 doanh nghiệp chế biến và bảo quản quả, tuy nhiên năng lực chế biến, bảo quản rất thấp, tỷ lệ quả chế biến và bảo quản chiểm khoảng 5% sản lượng quả toàn tỉnh (chủ yếu là dứa, chanh leo, chanh, chuối).
Hiên nay, trên địa bàn chỉ mới có 4 cơ sở chế biến. Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) quy mô công suất 5.000 tấn sản phẩm chế biến/năm; sản phẩm chủ yếu là nước dứa cô đặc, sau thời gian hoạt động dây chuyền sản xuất, công nghệ lạc hậu, hoạt động không hiệu quả nhà máy chuyển sang chế biến hoa quả xuất khẩu (chế biến nước chanh leo); Thời gian qua sự liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm dứa không đảm bảo, vào mùa thu hoạch bà con vẫn rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”; sản phẩm dứa nguyên liệu chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến ngoài tỉnh (Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao - Ninh Bình).
Cơ sở bảo quản, sơ chế, đóng gói chuối của của Công ty Cổ phần HD farm (Thuận Sơn - Đô Lương), áp dụng công nghệ bảo quản chuối phục vụ xuất khẩu (bảo quản lạnh, xử lí bằng toxin hoặc rấm chuối ở nhiệt độ thấp); công suất chế biến sơ chế đóng gói ra thành phẩm 10 tấn/ngày. Trong 2 năm vừa qua gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Sản phẩm chế biến từ chanh của Cơ sở chế biến chanh Thiên Nhẫn
Năm 2020, Cơ sở chế biến chanh Thiên Nhẫn của HTX Chanh Nam Kim (Nam Đàn) đầu tư nhà xưởng, thiết bị hiện đại, công suất chế biến 4 tấn quả/ngày. Sản phẩm là các loại dược phẩm, đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng như: tinh dầu chanh, bột chanh, nước cốt chanh, chanh muối, nước chanh muối, dầu gội đầu, nước rửa chén bát, nước lau sàn. Sản phẩm không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà đã hướng đến xuất khẩu; cuối năm 2020, HTX đã ký được đơn hàng trị giá 18 tỷ đồng xuất khẩu sang Nhật Bản; kế hoạch trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến Chanh Thiên Nhẫn tại xã Nam Kim (Nam Đàn).
Năm 2019, Tập đoàn TH đã đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng Nhà máy sản xuất nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên (Nghĩa Đàn). Quy mô đầu tư là 1.177 tỷ đồng, xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản; sản xuất nước tinh khiết và các loại nước hoa quả, sữa hoa quả, sữa gạo, nước thảo dược. Nhà máy được trang bị 02 dây chuyền sản xuất (01 dây chuyền sản xuất nước tinh khiết với công suất tối đa 600.000 lít/ngày đêm; dây chuyền 2 là sản xuất các loại nước hoa quả, sữa gạo, sữa trái cây, thức uống thảo dược, với công suất 36.000 chai/giờ). Với tổng công suất của nhà máy là 76.000 chai/giờ, là nhà máy có công suất lớn và hiện đại nhất khu vực miền Trung hiện nay. Tuy nhiên nhà máy hiện tại chưa thu mua nguyên liệu trái cây trên địa bàn tỉnh để chế biến, chủ yếu nhà máy đang sản xuất nước uống tinh khiết.
Tiềm năng lớn, sản lượng nhiều, chủng loại phong phú... Tuy nhiên, hiện nay công tác ché biến sản phẩm cây ăn quả vẫn là bài toàn chưa được giải của ngành nông nghiệp tỉnh ta./.
Xuân Anh