Chậu cây năng lượng mặt trời đa năng

Chủ nhật - 12/12/2021 21:06 0
Nhìn bên ngoài giống một món đồ chơi công nghệ và một món đồ trang trí nhưng chiếc chậu đặc biệt của TS Ngô Ngọc Thành (ĐH Điện lực) và các công sự vừa có tính năng đo nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ bụi… vừa cung cấp thông tin về một trung tâm dữ liệu để đưa ra các thông tin cần thiết cho người sử dụng.
 “Tôi đã luôn nghĩ về một hệ sinh thái các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời và hỗ trợ cho cuộc sống con người trở nên dễ chịu hơn. Ví dụ như chiếc chậu hoa có thể đo nhiệt độ, độ ẩm, lọc không khí… vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời thay vì sử dụng điện dân dụng” - TS Ngô Ngọc Thành - đại diện nhóm nghiên cứu chậu cây thông minh sử dụng năng lượng mặt trời mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002571 chia sẻ với báo Khoa học và Phát triển. Anh tin rằng, nếu như có hàng nghìn, hàng triệu thiết bị như thế được vận hành sẽ có lượng điện lớn được tiết kiệm. Quan trọng hơn, từ những dữ liệu có được, người sử dụng sẽ nhận được các cảnh báo về thời gian mưa, gió, độ trong lành của không khí… để có những biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp. Chiếc chậu cây đa năng được thiết kế như vật trang trí trong nhà, với lá là pin năng lượng mặt trời, hệ thống đo nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí, lọc không khí được tích hợp bên trong chậu.
TS Ngô Ngọc Thành và các cộng sự đã nghiên cứu và làm chủ được ba nhóm công nghệ là hệ thống tái cấu trúc, hệ thống cảm biến đo đếm chính xác và công nghệ IoT kết nối, truyền tải dữ liệu từ thiết bị đến trung tâm xử lý tập trung. Trong quá trình hoạt động của hệ thống năng lượng mặt trời chuyển quang năng thành điện năng, nhóm nghiên cứu thiết kế 5 ác quy để trữ điện và cung cấp cho hoạt động của chậu cây, đảm bảo chậu hoạt động ngay cả khi không có ánh sáng mặt trời.
Để chậu cây có được các tính năng cần thiết, nhóm nghiên cứu lắp đặt các cảm biến như cảm biến đo nhiệt độ analog LM35, cảm biến đo độ ẩm HR202. cảm biến bụi, cảm biến chất lượng không khí MQ135 có thể nhận biết các chất khí như NH3, NOx, khói, gas, CO2,... “Để các cảm biến cho kết quả đo chính xác phụ thuộc rất nhiều vào vị trí lắp đặt, môi trường cũng như độ ổn định của thiết bị và dòng điện cung cấp. Trong quá trình nghiên cứu, dựa vào kinh nghiệm và các thử nghiệm và các tham số, chúng tôi tìm ra vị trí và cách lắp đặt để cảm biến có thể hoạt động tốt nhất” – TS Ngô Ngọc Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tính đến việc lắp đặt các màng lọc để chậu cây có thể hoạt động như một máy lọc không khí, sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời làm sạch không khí trong phòng ở. Những chậu cây thông minh này phù hợp một phòng có diện tích 60m2. Không cần sạc điện từ nguồn, cây tự hấp thu ánh sáng và bền bỉ thực hiện các tính năng nó được thiết kế, cài đặt,...,thậm chí những khu vực không có điện liên tục như miền núi, vùng sâu vùng xa cũng có thể  sử dụng như một nguồn điện sạc cho điện thoại, máy tính./.

 

Tác giả bài viết: Xuân Anh (TH)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây