Ở Việt Nam, trong những năm gần đây cũng đã xuất hiện nhiều sản phẩm từ nấm Linh chi, Quả la hán như: thuốc linh chi dạng viên nén, trà túi lọc Linh chi, trà Dr.Thanh, thuốc sắc uống bệnh... Tuy nhiên, những sản phẩm này không đủ lớn để cho nhiều người thưởng thức, cũng như biết đến những công dụng hữu hiệu của nó.
Để đáp ứng một phần nhu cầu này và đa dạng hoá sản phẩm nước giải khát, năm 2018, ThS. Đào Thị Hiên cùng các cộng sự tại Trường cao đẳng công nghiệp thực phẩm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất nước giải khát từ quả la hán và nấm linh chi phục vụ tiêu dùng và đào tạo”.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu thử nghiệm chế biến “nước giải khát từ quả la hán và nấm linh chi” không sử dụng đường saccharose nhằm cung cấp sản phẩm tốt cho sức khoẻ mà những người bị bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch và những người trong giai đoạn ăn kiêng sử dụng; đa dạng hoá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường; và liệt kê vào các sản phẩm chức năng trên thị trường.
Qua thời gian thực hiện nghiên cứu, đề tài đã đề xuất được quy trình sản xuất thử nghiệm nước giải khát từ nấm Linh chi và Quả la hán với các thông số kỹ thuật chính. + Chế độ chiết nấm Linh chi: t = 95oC, thời gian 25 phút; + Số lần chiết nấm Linh chi 3 lần; + Tỷ lệ nước chiết / nấm Linh chi là 700 ml/3g; + Chế độ chiết Quả la hán: t = 95oC, thời gian 15 phút; + Số lần chiết Quả la hán 3 lần; + Tỷ lệ nước chiết/Quả la hán là 700ml/6g; + Tỷ lệ Quả la hán / nấm Linh chi = 2/1; + Chế độ thanh trùng là: t = 70oC, 30 phút; + Xác định được một số thành phần hoá học của nguyên liệu; + Độ ẩm của nấm Linh chi: 9%; + Hàm lượng khoáng trong nấm Linh chi: 6,09%; + Độ ẩm của Quả la hán: 12,86%; + Hàm lượng khoáng trong Quả la hán: 5,1%. Đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm nước giải khát từ nấm Linh chi và Quả la hán. Kết quả chất lượng đạt loại khá. Đã đề xuất được tiêu chuẩn cảm quan và vinh sinh vật cho sản phẩm. Đã tính toán sơ bộ chi phí nguyên liệu cho 1 chai sản phẩm là 6.740 đồng/chai.
Do một số hạn chế, nhóm nghiên cứu chưa phân tích được thành phần dược tính trong sản phẩm và mới chỉ kiểm tra được sản phẩm sau thời gian bảo quản là 3 tháng. Vì vậy, các tác giả cho rằng cần nghiên cứu thêm về sự biến đổi của sản phẩm và thời hạn bảo quản của sản phẩm./.
Hồng Anh
Ý kiến bạn đọc