Hiện nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ là rất lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Lâm sản gỗ từ rừng tự nhiên đang ngày càng bị cạn kiệt, sản lượng và chất lượng gỗ từ rừng trồng còn thấp, chưa cung cấp đủ nguyên liệu, nên vẫn cần một lượng lớn gỗ nhập khẩu.
Do đó, rất cần thiết phải cải thiện giống cây rừng để tăng năng suất và chất lượng trong trồng rừng sản xuất. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Phong tại Trường Đại học Lâm nghiệp đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo và đánh giá các dòng xoan ta chuyển gen sinh trưởng nhanh có triển vọng” từ năm 2014 đến năm 2018.
Mục tiêu của đề tài là nhằm tạo các dòng Xoan ta chuyển gen ổn định về hình thái, sinh trưởng nhanh, với tốc độ tăng trưởng vượt 25% so với cây đối chứng không chuyển gen.
Đề tài đã thiết kế thành công được các cấu trúc vector cải tiến mang gen GA20ox và vector mang gen GS1 để tạo và chọn lọc được 2 dòng Xoan ta chuyển gen GA20ox và 1 dòng Xoan ta chuyển gen GS1. Cả 3 dòng Xoan ta chuyển gen này đã được đánh giá ở mức phân tử qua phản ứng PCR, Southern blot, Western blot, phân tích sinh hóa hàm lượng gebberellin, giải trình tự gen chuyển. Đồng thời, thể hiện mức tăng trưởng vượt trội rõ rệt so với cây không chuyển gen nhất là về thể tích sinh khối thân cây lấy gỗ đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 81 % - 102% ở cả hai mô hình trồng thử nghiệm tại Xuân Mai và Sơn Tây - Hà Nội. Xây dựng thành công bộ cơ sở dữ liệu về sinh học phân tử của 2 dòng Xoan ta chuyển gen chọn lọc được GA20-4 và GA20-23. Như vậy, đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể như sau:
1.1. Thiết kế thành công 4 vector chuyển gen mang gen GA20ox, GS1 là pBI121/35S: GA20-c-MYC, pBI101/pCAD4: GA20-c-MYC, pBI101/GmPRP2: GA20-c-MYC, pBI101/AtCel5: GA20ox-c-MYC để nghiên cứu tạo giống Xoan ta sinh trưởng nhanh.
1.2. Đã tạo thành công 105 dòng Xoan ta chuyển gen mang cấu trúc gen GS1 và GA20ox, trong đó: có 55 dòng Xoan ta chuyển gen GS1 mang gen chọn lọc kháng kanamycin và 50 dòng Xoan ta chuyển gen GA20ox mang gen sinh chọn lọc kháng kanamycin.
1.3. Phân tích và đánh giá các dòng Xoan ta chuyển gen ở mức độ phân tử và kiểu hình tăng trưởng trong giai đoạn nhà lưới.
1.4. Xây dựng mô hình trồng và đánh giá các dòng Xoan ta chuyển gen sinh trưởng nhanh trong điều kiện hạn chế (cách ly vật lý).
1.5. Xây dưng thành công bộ cơ sở dữ liệu sinh học phân tử gen, cấu trúc gen phục vụ đánh giá an toàn sinh học cho dòng Xoan ta chuyển gen sinh trưởng nhanh có triển vọng nhất.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17336/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc