Mô hình trồng lạc Bản Văng Lin - Xã Yên Thắng

Thứ ba - 12/10/2021 22:21 0
Yên Thắng là một xã miền núi vùng trong, cách trung tâm huyện hơn 45Km, dân cư xã Yên Thắng được chia thành 8 bản, 5 bản dọc theo khe Hội Nguyên, 3 bản dọc theo khe Chon. Giao thông 2 bản vùng trong đi lại khó khăn, về mùa mưa thường bị chia cắt, mưa bão, lũ ống, lũ quét sạt lở gây ách tắc giao thông. Đời sống sinh hoạt của nhân dân trên toàn xã nói chung và tại bản Văng Lin nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Từ những thực tế trên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa X nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy, chính quyền xã đã quyết liệt phấn đấu thay đổi cách nghĩ cách làm với phương châm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bằng việc khai hoang, phục hóa cải tạo đất hoang hóa, kém hiểu quả, tận dụng hết diện tích đấtt bằng để trồng các loại cây phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân. UBND xã Yên Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương triển khai mô hình "Trồng lạc" nhằm giúp bà con nắm được kỹ thuật trồng lạc có phủ ni lông, tăng diện tích, sản lượng của cây lạc trên địa bàn xã Yên Thắng nói riêng và huyện Tương Dương nói chung.

Mô hình trồng Lạc được thực hiện trên quy mô 4ha ở Bản Văng Lin - Xã  Yên Thắng, sử dụng giống lạc L14, do Trung tâm DVNN huyện Tương Dương thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2021 với kinh phí xây dựng mô hình là 92.400.000  đồng gồm giống, phân bón, ni lông, thuốc BVTV… và các hoạt động gắn với mô hình như tập huấn, tổng kết, hội thảo…
Mô hình triểu khai ở 20 hộ, các hộ dân tham gia mô hình có quỹ đất, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn, chưa nhận bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình, có khả năng đóng góp công lao động, khả năng đối ứng và cam kết thực hiện đúng yêu cầu mô hình. Các hộ dân được hưởng toàn bộ sản phẩm của mô hình trình diễn sau khi nghiệm thu và thanh lý hợp đồng nhưng phải có trách nhiệm thông tin quảng bá mô hình, chia sẻ kinh nghiệm, giống Lạc với các hộ khác để nhân rộng mô hình.
Triển khai mô hình, Trung tâm DVNN Tương Dương đã phối hợp với UBND xã Yên Thắng tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật trồng Lạc bao gồm 60 lượt người tham gia. Qua tập huấn các học viên của lớp trong đó có các hộ tham gia mô hình đã tiếp thu, nắm được các tiêu chí, các biện pháp kỹ thuật trong quy trình trồng Lạc phủ ni lông. Đây là cơ hội để các hộ được học tập kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và trao đổi giải đáp các thắc mắc, các tình huống hay gặp phải trong quá trình trồng với cán bộ kỹ thuật, với các hộ trồng khác. Trung Tâm DVNN Tương Dương cũng đã tổ chức 1 cuộc tổng kết với 40 lượt người tham gia. Tổng kết là dịp để người dân được trao đổi học tập những kinh nghiệm hay, những cách làm mới trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất.

Chất lượng giống, vật tư, hiện trạng sử dụng vật tư, thiết bị của mô hình được đảm bảo, giống lạc có tỷ lệ độ sạch đạt 99%, Cây nẩy mầm bình thường 85%, cây mầm không bình thường đạt 10 %, số hạt không nảy mầm 5%, nguồn gốc rõ ràng, đang trong thời hạnh bảo hành; Vật tư phân bón có nguồn gốc được lựa chọn từ nhà cung cấp uy tín, chất lượng phân bón đảm bảo an toàn, đang trong thời hạn sử dụng.
Kết quả, đã tiến hành tập huấn về quy trình kỹ thuật cho hộ nông dân tham gia mô hình và các hộ lân cận trong vùng; Hỗ trợ giống, thiết bị, vật tư: Đã tiến hành cấp phát giống, vật tư phân bón cho hộ nông dân tham gia mô hình đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng; Tổ chức hội thảo cho các hộ trong và ngoài mô hình nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện để chuẩn bị cho cuộc tổng kết; Tổ chức tổng kết cho bà con trên địa bàn triển khai mô hình trực tiếp với các chủ hộ trồng nhằm rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, từ đó đưa ra phương hướng phát triển cho các năm tiếp theo. Đồng thời, các hộ tham gia nghiệm thu tổng kết mô hình đầy đủ, thực hiện mô hình đạt hiệu quả, bước đầu được bà con nông dân ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình.
Qua kết quả trồng giống lạc L14 tại bản Văng Lin cho thấy giống có các đặc điểm sau: Thời kỳ mới trồng tỷ lệ lạc nẩy mầm đạt 95 % do gặp mưa lớn kéo dài dẫn đến cây sống đạt tỷ lệ 85%, nhưng nhìn chung do trồng đúng thời vụ, có các biện pháp phòng bệnh tổng hợp và áp dụng theo đúng quy trình trồng cây lạc phủ ni lông, hộ tham gia mô hình bón phân đầy đủ, chăm sóc cây thường xuyên nên cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, thân đứng, tán gọn, chống đổ tốt, lá mầm xanh đậm. Giống ra hoa và đậu quả tập tập trung trong 8- 10  ngày. Chiều cao cây trung bình đạt 40 - 60 cm, Thời gian sinh trưởng là 100 ngày. ( Tính đến ngày hội thảo).
Tình hình sâu, bệnh hại năm 2021 diễn biến khá phức tạp, giai đoạn cây lạc nẩy mầm bị kiến phá hoại với tỷ lệ 40 % diện tích lạc, Trung tâm đã tiến hành cấp thuốc Ankill kịp thời cho các hộ dân phun trừ kịp thời nên đã hạn chế được sự phá hoại của kiến, không còn ảnh hưởng đến diện tích, quá trình sinh trưởng và phát triển của lạc, đến giai đoạn ra hoa và đậu quả trên cây lạc bị bệnh thổi cổ rễ và bệnh héo xanh do vi khuẩn gây hại nhưng với tỷ lệ thấp, nhân dân đã tiến hành nhổ bỏ phần cây bị bệnh. Do vậy tính đến thời điểm này cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt yêu cầu đề ra.
Lạc L14 cho năng suất cao và có nhiều đặc điểm nông học tốt. Có thân đứng, tán gọn, chống đổ tốt, lá màu xanh đậm, quả to, eo nông, có gân quả nông, vỏ lụa màu hồng, khối lượng 100 quả 155-165 g, khối lượng 100 hạt 60-65g, tỷ lệ nhân/quả 72-75%, năng suất 40 tạ/ha. Chống chịu sâu bệnh: kháng bệnh lá (Đốm nâu, đốm đen, rỉ sắt...) khá cao, kháng bệnh chết ẻo (héo xanh vi khuẩn) khá. Chịu thâm canh cho năng suất cao. Lợi nhuận tính cho 1ha từ mô hình là 49.400.000 đồng.

Hiệu quả kinh tế khi trồng cây lạc, đây là giống phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như quá trình canh tác của người dân, là loại cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần vào ổn định lượng thực cho người dân. Hiệu quả xã hội, mô hình thành công đem lại cho nông dân một cách nhìn mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc trồng lạc theo kỹ thuật mới, từng bước tăng diện tích lạc, tạo việc làm tại chỗ cho ngưòi dân địa phương, tăng thêm thu nhập cho nông hộ góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn. Hiệu quả về mặt môi trường, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng phân Hữu cơ, áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào trong sản xuất; Hạn chế người dân chặt phá rừng già, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hạn chế tình trạng xói mòn đất. Đây là giống lạc có năng về năng suất, chất lượng khá, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chỉ nhiễm nhẹ một số loại sâu bệnh nên ít phải sử dụng đến thuốc BVTV,  tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Mô hình được thực hiện trên địa bàn đã mang lại một hướng đi mới cho bà con trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là cây có năng suất cũng như giá thành của sản phẩm, mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng GAP ( Phủ ni lông cho diện tích trồng lạc) nên rất thân thiện với môi trường. Vì vậy cần nhân rộng mô hình vào những năm tiếp theo ở nhiều địa phương khác trong huyện nhằm tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập và ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Đây là lần đầu tiên người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường. Qua 5 tháng triển khai mô hình nhìn chung hộ ham gia mô hình chưa thực sự hiểu hết những mặt tích cực của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng Lạc. Do vậy, trong những năm tới UBND xã cùng phối hợp với Trung tâm DVNN huyện tiếp tục chỉ đạo về các biện pháp kỹ thuật, giá trị của việc trồng đúng khoa học kỹ thuật, tìm nguồn đầu ra ổn định cho sản phẩm của mô hình.
  Như vậy, quá trình triển khai mô hình trồng lạc ở Bản Văng Lin - Xã  Yên Thắng, chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, phủ ni lông, gieo trồng, chăm sóc quản lý và phòng trừ dịch bệnh và thực hiện đầy đủ theo yêu cầu kỹ thuật. Mô hình đã tuân thủ đầy đủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, chọn điểm xây dựng mô hình theo đúng tiêu chí đề ra. Việc theo dõi chỉ đạo mô hình thường xuyên, chặt chẽ, bám sát việc triển khai thực hiện mô hình để có được kết quả sát thực nhằm phổ biến đến người dân. Hiệu quả mô hình đã tạo điều kiện cho người dân quanh vùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình./.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Lý - UBND huyện Tương Dương

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây