Tương Dương tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc
Vừa qua, ngày 01/10/2021 tại xã Yên Thắng huyện Tương Dương, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương phối hợp với UBND xã Yên Thắng tổ chức hội thảo Mô hình “Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc”.
Tham dự hội thảo đầu bờ mô hình Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc có đại diện các ban ngành cấp huyện; Đại diện lãnh đạo các ban ngành chính quyền xã Yên Thắng và 40 hộ nông dân có diện tích trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn xã.
Lúa là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nghệ AN. Sản xuất lúa gạo vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa là hoạt động kinh tế chủ yếu ở nông thôn. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách phát triển sản xuất lúa gạo như đầu tư cơ sở vật chất về thuỷ lợi, giống lúa, về kỹ thuật thâm canh…đã tạo ra sự tăng trưởng rõ rệt về năng suất, sản lượng lúa gạo. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc sản xuất lúa còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới, trình độ thâm canh hạn chế dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế đạt thấp, đời sông người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc được bà con phấn khởi thực hiện.
Mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương chủ trì triển khai Vụ Thu năm 2021 tại bản Văng Lin xã Yên Thắng huyện Tương Dương, quy mô 4ha từ nguồn kinh phí Khuyến nông địa phương. Mục tiêu mô hình là đưa được giống cây trồng mới phù hợp cho năng suất, hiệu quả, thu nhập cao hơn so với cây lúa. Sau bốn tháng triển khai đưa giống lạc L14 vào sản xuất theo quy trình thâm canh lạc phủ nilon: Kết quả giống lạc L14 chứng tỏ được khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất cao, ghi nhận tại thời điểm hội thảo ước đạt 45tạ/ha, với giá lạc hiện nay tại Tương Dương là 20.000đ/kg thì thu nhập bình quân mô hình là 90.000.000 đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư lợi nhuận bình quân mô hình đạt 50.000.000 đồng/ha cao gấp 4 lần sản sản xuất lúa.
Trước sự tác động của biến đổi khí hậu, của thời tiết cực đoan, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp trên từng đồng đất của từng địa phương là hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân. Mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc tại bản Văn Lin xã Yên Thắng thành công giúp bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương vùng cao tự tin, mạnh dạn hơn trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả. Thông qua mô hình, góp phần tuyên truyền, vận động nông dân nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, theo quy trình tổng hợp từ gieo trồng đến thu hoạch.
Nguyễn Quốc Lý - UBND huyện Tương Dương