Kết quả bước đầu hoàn thiện quy trình nhân giống và thâm canh trên vườn cây cũ giống hồng nứa Nam Đàn và xoài Tương Dương.
Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen xoài Tương Dương và hồng bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa tại Nghệ An và Hà Tĩnh” thuộc chương trình Quỹ gen cấp Quốc gia- Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại Nghệ An, đề tài đã triển khai các nội dung trên cây hồng nứa Nam Đàn tại xã Nam Anh- huyện Nam Đàn; cây xoài Tương Dương tại thị xã Thạch Giám, thị trấn Hòa Bình và xã Xá Lượng của huyện Tương Dương.
Kết quả năm 2021, đề tài đã đánh giá bổ sung đặc điểm nông sinh học, tuyển chọn và công nhận 5 cây đầu dòng mỗi giống mang những đặc tính tốt, đặc trưng về hình thái, các cây xoài được công nhận cây đầu dòng có tuổi đời từ 28 - 30 năm, năng suất đạt 95 - 110 kg/cây, khối lượng quả trung bình trên 200 gram/quả, tỷ lệ ăn được hơn 69%, quả ngọt thơm, độ Brix đạt trên 19%; các cây hồng nứa Nam Đàn được công nhận cây đầu dòng có tuổi đời từ 25 - 30 năm, năng suất đạt từ 300 - 350 kg/cây;
Kết quả xây dựng vườn cây mẹ cho 140 cây hồng nứa Nam Đàn và 200 cây xoài Tương Dương để lấy mắt ghép phục vụ cho việc nhân giống mở rộng diện tích. Tổ chức ghép nhân giống được 4.229 cây hồng nứa Nam Đàn và 3.322 cây xoài Tương Dương đạt tiêu chuẩn xuất vườn (năm 2020), bước đầu xác định được thời vụ ghép thích hợp từ tháng 6 đến tháng 9 (thời điểm ghép tốt nhất vào tháng 7) cho tỷ lệ sống cao nhất. Các nghiên cứu về sử dụng phân bón lá đã xác định được phân bón lá đầu trâu 501 và AT trên cây hồng và xoài cho kết quả tốt nhất.
Các thí nghiệm sử dụng các loại gốc ghép khác nhau đã xác định được phương pháp ghép đoạn cành trên gốc hồng dại địa phương đạt tỷ lệ cây ghép sống cao nhất (87 - 88%). Sử dụng cây gốc ghép là cây hồng cậy có tỷ lệ cây ghép sống đạt 82 - 83% và tỷ lệ cây sống tại thời điểm xuất vườn chỉ đạt 87,0 - 88,8%.
Kết quả xây dựng mô hình trồng mới 3ha/giống áp dụng mật độ trồng 280 cây/ha đối với cây hồng và 400 cây/ha đối với cây xoài, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về phân bón, quản lý sâu bệnh hại, cắt tỉa cành và các biện pháp giữ ẩm vào mùa nắng nóng. Sau 1 năm trồng, tỷ lệ sống đạt 98,7% đối với cây xoài và 100% đối với cây hồng nứa Nam Đàn. Các cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Kết quả nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác thích hợp trên vườn cũ cho thấy: Đối với cây xoài: Bổ sung 50 kg phân chuồng hoai/cây/năm cho cây xoài Tương Dương, năng suất đạt 20,10 tấn/ha/năm, lãi thuần đạt cao nhất 17,37 triệu đồng/ha, cao hơn công thức đối chứng 2,11%; Bổ sung phân bón lá AminoQuelant-K 500ml - AMINOK cho tỷ lệ đậu quả đạt cao 5,96%, năng suất đạt 20,29 tấn/ha/năm, lãi thuần đạt cao nhất 19,73 triệu đồng/ha, cao hơn công thức đối chứng 10,62 %; Bổ sung chế phẩm vi sinh tổng hợp: AT mebe + AT vi sinh + AT vaccino) đã hạn chế được bệnh gây hại cho giống xoài Tương Dương, năng suất đạt 19,82 tấn/ha/năm, lãi thuần đạt 18,79 triệu đồng/ha/năm, tăng 10,68% so với công thức đối chứng. Cắt tỉa, tạo hình loại đợt lộc tiếp giáp với phần cuống quả, loại bỏ cành tăm, cành khô, cành sâu bệnh, đỉnh chồi to, khỏe…. làm cho tán cây cân đối, bộ tán khỏe, thông thoáng, tỷ lệ đậu quả đạt cao 5,25%, mẫu mã quả đẹp, sáng bóng, năng suất đạt cao 20,14 tấn/ha, lãi thuần đạt cao nhất 20,65 triệu đồng/ha, cao hơn công thức đối chứng 14,22%. Tủ gốc kết hợp tưới nước đã giữ được độ ẩm cho đất làm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt cao 20,44 tấn/ha/năm, lãi thuần đạt cao nhất 20,61 triệu đồng/ha/năm, cao hơn công thức đối chứng 2,46%. Sử dụng túi bao quả Đài Loan, độ Brix đạt cao nhất (19,70%), mẫu mã quả rất đẹp, quả sáng bóng, căng, mịn, không bị ruồi vàng gây hại, tỷ lệ bệnh thán thư hại quả rất thấp 5,56%, giá bán đạt cao 4,15 triệu đồng/tấn, lãi thuần đạt cao nhất 19,48 triệu đồng/ha/năm, cao hơn công thức đối chứng 6,16%.
Đối với cây hồng nứa Nam Đàn: Việc cắt tỉa những cành già, cành tăm, cành sâu bệnh, tạo tán cho cây sẽ làm cho đường kính lộc và chiều dài lộc (lộc xuân, lộc hè, lộc thu) của cây tăng lên. Cắt tỉa cũng làm cho quá trình nở và kết thúc ra hoa sớm hơn so với không cắt tỉa 3 - 5 ngày. Các công thức được cắt tỉa đều cho năng suất lý thuyết và thực thu cao hơn không cắt tỉa. Trọng lượng quả trung bình tăng 2,34 g/quả và năng suất tăng đạt 20%. Sử dụng chế phẩm vi sinh tổng hợp: AT mebe + AT vi sinh + AT vaccino có hiệu quả phòng trừ sâu ăn lá và bệnh thán thư rất tốt lại ít ảnh hưởng đến môi trường. Sử dụng AT mebe đối với công tác phòng trừ sâu Kèn đạt hiệu quả 90,23% vào 10 ngày sau phun và đạt 100% vào 15 ngày sau phun. Sử dụng thuốc AT vaccino (Nấm Trichoderma và nấm Chaetomium) đối với bệnh thán thư có hiệu lực giảm bệnh sau 5 ngày, bệnh giảm nhanh sau 10 ngày phun (Độ hữu hiệu đạt 78,42%) và phun dứt điểm bệnh tại thời điểm sau phun 15 ngày (Độ hữu hiệu đạt 95,36%). Nghiên cứu bổ sung dinh dưỡng cho giống hồng nứa Nam Đàn, cho thấy: Phun chế phẩm phân bón lá Multimolig-M cây cho năng suất cao nhất (37,08 kg/cây), tương đương 12,23 tấn/ha (khoảng cách 5m x 6m, mật độ 330 cây/ha). Sử dụng các biện pháp quản lý độ ẩm (chủ động tưới nước vào mùa khô hạn, sử dụng vật liệu che tủ) có ảnh hưởng tích cực đến sinh trưởng, giúp nâng sao năng suất và hiệu quả kinh tế nguồn gen hồng nứa Nam Đàn. Trong đó biện pháp giữ ẩm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt cho năng suất cao nhất (35,74 kg/cây).
Kết quả xây dựng mô hình thâm canh trên vườn cây cũ giống hồng Nam Đàn với quy mô 01 ha cho thấy: việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về phân bón, cắt tỉa cành, bổ dung nước tưới và quản lý sâu bệnh hại cho năng suất đạt 56,2 kg/cây, tăng 16% so với đối chứng, hiệu quả kinh tế tăng 72 triệu đồng/ha (330 cây).
Trung Võ
Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ