Truy xuất nguồn gốc nông sản Việt: Khó vẫn phải làm

Thứ hai - 22/11/2021 20:57 0

Hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào – đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tại hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt”.

Bất cập trong hoạt động truy xuất nguồn gốc

Khi nói đến câu chuyện thử nghiệm quét mã truy xuất nguồn gốc đối với nông sản trong một siêu thị lớn, chuyên gia Nguyễn Văn Đoan nhận thấy có một điều lạ. Tất cả các sản phẩm đều có thông tin số ngày cách ly về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giống hệt nhau. “Sản phẩm nào cũng là 7 ngày với phân bón và 10 ngày với thuốc bảo vệ thực vật, dù đó là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật gì. Trong khi có những loại phân bón yêu cầu thời gian cách ly chỉ 3 ngày hay thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu cách ly 14 ngày”, ông dẫn chứng.

Ông cho biết, các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Thậm chí một sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc rất bài bản là vải thiều Hải Dương, khi quét tem truy xuất cũng không có thông tin đầy đủ về sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng, không có đơn vị sơ chế, vận chuyển. Có thể thấy, hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào. Chỉ cần thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhưng tính xác thực lại thấp.

 

 Ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ, hiện nay người sản xuất còn “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất. Điều này dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung-cầu, người tiêu dùng mất niềm tin vào chính hệ thống quản lý, giám sát, phân phối của chuỗi nông sản.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc ở nhiều doanh nghiệp giống như bị thanh kiểm tra, là việc buộc phải làm. Vẫn còn còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo.

Nhà vườn có sổ tay sản xuất, đến kỳ đánh giá tiêu chuẩn VietGap hay mã vùng trồng, nhiều người đưa ra theo kiểu đối phó mà không hiểu đây là hồ sơ kinh nghiệm để đúc rút trong sản xuất. “Họ không hiểu rằng truy xuất nguồn gốc chính là công cụ xây dựng thương hiệu cho chính mình, uy tín của doanh nghiệp”, bà Thực nói.

Để truy xuất nguồn gốc nông sản cần đến các công cụ số. Nhưng theo bà Thực, “muôn vàn khó khăn” khi thực hiện chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc. Khó khăn lớn nhất là quản lý nhà nước, có rất nhiều quy định về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng với nông sản lại chưa làm nghiêm.

“Tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra khá phổ biến. Hiện có rất nhiều app nhưng không có sự thống nhất, thiếu tính tin cậy”, bà Thực nhấn mạnh vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm liên quan đến mọi người, mọi nhà, không có lý do gì để kéo dài mãi tình trạng này.

 

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hội Nông nghiệp số Việt Nam 

Giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản Việt

Theo ông Nguyễn Văn Đoan, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Dự kiến sẽ ra mắt vào quý IV năm 2022. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia là nhiệm vụ triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng cho rằng Nhà nước cần có khung chính sách sát thực tế, kiểm soát nghiêm việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định. Có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ.

Các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu Nông sản Việt.

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây